Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

H' Mon - nvs.Vũ Thụy


       H'MON

Em dạy anh đọc Hờ Môn
Tên em đảo ngược là hồn mộng mơ
Chân trần nhẹ bước vào thơ
Tay anh ôm giữ cơn mơ tuyệt vời
Em như sương khói chơi vơi
Lại là thác lũ đổi dời tình anh
Rõ ràng em quá mong manh
Nhưng em phá vỡ trường thành dấu xưa
Đã qua một giấc mơ trưa
Nhắc lại lần nữa cho vừa lòng em


Tóc nâu chảy xuống vai mềm
Lưng thon tắm suối nghe thèm thịt da
Anh quên mất đường về nhà
Em lên tiếng hỏi ăn cà đắng không
Nhái bầu nấu với măng rung
Cà đắng nướng cháy giã chung lá mì
Về chòi em ăn thử đi
Nếu anh ăn giỏi muốn gì em cho
Xa rồi lứa tuổi dại khờ
Em không còn đợi còn chờ tin anh

             nvs.Vũ Thụy
          (TX.29-11-2015)




Anh Vẫn Chờ Em - Trịnh Bửu Hoài


Anh Vẫn Chờ Em

Anh vẫn chờ em
Dù đêm đang dần trắng
Giọt thời gian
Nằng nặng
Xuống tâm hồn
Ngọn gió tàn khuya
Ngập ngừng
Lẳng lặng
Chẳng buồn qua song cửa
Đón tinh sương!

Vậy mà anh
Vẫn đợi một làn hương
Chẳng phải của mẫu đơn
Hay nguyệt quế
Một mùi hương
Của trăm năm
Có thể
Hay chỉ là mộng mị
Mà thôi!

Thời gian trôi
Thời gian trôi
Mây bồng bềnh
Góc trời sương tái
Anh bồng bềnh
Một phương cỏ dại
Đợi gót chân người
Giẫm đạp những phai phôi

Ngõ hư vô
Đường khép lại rồi

Trịnh Bửu Hoài
   6-2009
(Trích tập thơ Tinh Sương Chiều)



Thầy Giáo Hưu Buồn - Như Tâm



Thầy Giáo Hưu Buồn 

Ăn cơm vợ chồng nghe cay đắng,
Nhờ tiền con cha thấy tủi buồn.
Cháu nội ngoan thương quá là thương..
Không bồi dường lại ăn mòn phần cháu

Chồng hởi chồng.
Cha hởi cha .
Ông ơi ông!
Ông là gì thế!!!

Năng nổ thời xuân,
Xác xơ bóng xế
Bao nhiêu kẻ ăn của Tàu một thuở
Nay băt ông còng lưng trả nợ.
Để lại cho ông nỗi căm hờn
vì quân thù cướp đi biển đảo

Hoàng sa
Trường sa ….
Ôi
Hoàng sa Trường sa !!!

      Như Tâm





Tin Yêu - Trầm Vân

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Cảm Xúc Đông Về - Hoàng Đằng

Một Thoáng Suy Tư Về Vấn Đề Văn Hóa Dân Tộc - Nguyễn Đức Cung


MỘT THOÁNG SUY TƯ VỀ VẤN ĐỀ VĂN HÓA DÂN TỘC
  Nguyễn Đức Cung

     Khi nói về lịch sử Việt Nam, người ta thường hay nhắc đến cụm từ “Việt Nam có bốn nghìn năm văn hiến” mà văn hiến là truyển thống văn hóa lâu đời. Người ta cũng nói đến hai chữ văn vật vốn là truyền thống văn hóa biểu hiện ở nhiều nhân tài và nhiều di tích lịch sử, “công trình, hiện vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử”. (Trần Ngọc Thêm, Tìm về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004, trang 27). Con số bốn nghìn năm văn hiến ngày nay đã từng gây ra những cuộc tranh cãi trong nhiều giới và giới nghiên cứu sử học có lẽ cũng nên thẩm định lại với một thời lượng khoảng hai nghìn năm thôi, một khoảng thời gian tương đối hợp lý tình từ thời điểm dựng nước, thời kỳ độc lập và phát triển cho tới ngày hôm nay.
Trước khi đề cập khái quát về nền văn hóa dân tộc và những nỗ lực của các thế hệ đi trước trong việc xây đắp tô bồi cáí gia sản văn hóa thiêng liêng của giống nòi, cùng những hoài bảo đăm chiêu của thế hệ trẻ ngày nay, nhất là ở hải ngoại, thiết tưởng cũng cần tìm hiều một vài định nghĩa về hai chữ văn hóa.

 1.- Một số định nghĩa về Văn Hóa.
Văn hóa dịch từ tiếng La-tinh là CULTUS có nghĩa là “trồng trọt”. Văn hóa là một phạm trù hết sức rộng lớn và bao quát vì đã từng có trên 300 định nghĩa nói về văn hóa, bởi thế ở đây chúng tôi chỉ đưa ra một số định nghĩa khái quát làm thí dụ điển hình mà thôi.
Trong bài Bàn phiếm về văn hóa Đông Tây, đăng trên báo Nam-Phong số 84, tháng 6 năm 1924, Phạm Quỳnh, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX, đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn-hóa là cách đào-luyện tinh-thần người ta thế nào cho được thập phần tốt đẹp, để nẩy-nở ra những công-trình to-tát, sự-nghiệp lớn-lao mà đem tư-cách một quốc-dân đến tuyệt-phẩm. Ví người ta như cái cây, thời văn-hóa là cách trồng cây, bón cây, tưới cây, cho cây nở ngành xanh ngọn, kết-quả sinh-hoa, để tô-điểm cho cái vườn hoa của thế-giới.”
Ở một đọan khác, Phạm Quỳnh viết tiếp rằng: “Văn-hóa là dịch tiếng Tây culture , nghĩa đen là cách cấy trồng. Người ta ví như cái cây thì văn-hóa là cách vun trồng cho nẩy nở được hết cái tinh-hoa. Cây có trồng cây mới tốt, người có hóa người mới hay. Văn-minh với dã-man khác nhau là một bên có văn-hóa, một bên không. Như vậy thời văn-hóa là một sự cần, một dân một nước không thể khuyết được.” (Trích trong tác phẩm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh (1892-1992) Tuyển tập & Di cảo, An Tiêm xuất bản, Paris, 1992, trang 211)
Định nghĩa của Phạm Quỳnh gần tám mươi năm về trước vẫn còn có ý nghĩa rất cụ thể và thực dụng đối với thế hệ chúng ta ngày nay.
Trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Đào Duy Anh viết rằng: “Người ta thường cho rằng văn hóa là chỉ những học thuật tư tưởng của loài người, nhân thế mà xem văn hóa vốn có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy. Học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi của văn hóa nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, về chính trị, về xã hội cùng hết thảy các phong tục tập quán tầm thường lại không phải là ở trong phạm vi văn hóa hay sao? Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: Văn hóa tức là sinh hoạt.” (Đào Duy Anh, Sách đã dẫn, Nhà xuất bản Xuân Thu, Houston, bản in ở hải ngoại dựa theo bản in cũ năm 1938, trang 13).
Quan niệm về văn hóa của Đào Duy Anh mang tính hiện thực, bao quát trong nhiều phương diện và phần lớn dựa trên giới thuyết của Félix Sartiaux khi ông này cho rằng “văn hóa về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, và tất cả các tính chất mà những tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài người” (Đào Duy Anh, Sách đã dẫn, trang VIII).
Trong tác phẩm Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam,  Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm đã đưa ra định nghĩa như sau: “ Văn Hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. (Trần Ngọc Thêm, Sách đã dẫn, trang 25).



Với định nghĩa mang tính chất kinh điển này văn hóa không chỉ là những vật thể cụ thể hiện diện trước mắt con người như đền đài, miếu vũ, lăng tẩm, thành quách, các tác phẩm nghệ thuật, ngôn ngữ v.v… hàm chứa giá trị vật chất mà còn có cả những giá trị tinh thần vượt thời gian và không gian. Con người hoạt động trong môi trường tự nhiên và xã hội với trí thông minh và đầu óc sáng tạo, đối cảnh sinh tình cho nên đã tạo ra được các công trình văn hóa như văn học, nghệ thuật, các hình thái cuộc sống, lối ứng xử cũng như đạo đức luân lý của con người.
Trong cuốn Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L. Cadière, Giáo sư Đỗ Trinh Huệ cho biết văn hóa là một khái niệm rất mông lung khó lòng mà có thể đưa ra một khái niệm rõ ràng như là một định nghĩa toàn bích và trọn vẹn. Cũng không thể dùng lối chiết tự như có người đã từng làm, dù đựa trên cơ sở ngôn ngữ nào, dù dựa trên khái niệm phương Đông hay phương Tây, La Mã hay Hy Lạp, Trung Hoa hay Ấn Độ… Có điều ai cũng cảm nhận được văn hóa của dân tộc mình, của cộng đồng mình đang chung sống và … của mình. Giáo sư Đỗ Trinh Huệ trích dẫn một định nghĩa được nhiều người quan tâm, bởi thấy nó quen thuộc, cho dù đọc nó lần đầu, tự nó như là một dạng thức cảm nhận : Văn hóa như là “một toàn bộ phức tạp: nghệ thuật, luân lý, lề luật, phong tục và tất cả các khuynh hướng cũng như tập quán mà con người xét như là một thành phần xã hội đã tiếp nhận được” (E.Tylor, 1871) Ý chúng tôi muốn thêm là còn dự phóng cho tương lai. Bởi lẽ, văn hóa không tĩnh mà luôn động, giao thoa và chuyển biến.” (Nhà xb. Thuận Hóa, 2006, trang 78)
Có người như Mạc Định Hoàng Văn Chí trong cuốn sách mang tên Duy Văn Sử Quan dẫn giải quan điểm của nhiều học giả (trong đó có Đào Duy Anh) khi cho rằng “Văn hóa là nếp sống, là lề lối sinh hoạt.” Theo ông Hoàng Văn Chí thì nhận định đó rất gọn nhưng có lẽ vì gọn quá nên thành ra thiếu sót, vì có người có thể nêu lên câu hỏi: Mỗi sinh vật đều có lề lối sinh hoạt riêng biệt, vậy thì chiếu theo định nghĩa ấy chúng cũng có văn hóa hay sao? Thí dụ như loài ong là một xã hội hoàn hảo có phân công, phân phối, có giai cấp, nào ong chúa, ong thợ, v.v… có tổ chức hành chính, có đội quân tình nguyện ‘thần phong’. Và ông đưa ra một định nghĩa khác với dụng ý bổ túc: “Văn hóa phải là lề lối sinh hoạt và suy nghĩ.” (Tủ sách Cành Nam, 1990, trang 27). Thật ra nếu đọc kỹ sách của Đào Duy Anh, chúng ta thấy rằng học giả họ Đào đã nghiên cứu khá tỉ mỉ hệ thống tư tưởng Việt Nam tức là lối suy nghĩ khi viết về phần Trí thức Sinh hoạt trong cuốn sách giá trị của ông.
Trước đây hơn nửa thế kỷ, trong một bài báo có tên Vấn-đề đào-tạo trí-thức tại Việt-Nam, Giáo sư Đặng Vũ Biền cho biết “tìm được một định nghĩa cho thật đúng cho chữ văn hóa quả là một việc khó khăn và vì thế, dĩ nhiên, việc xét giá trị văn hóa của người lại càng khó khăn hơn nữa.” Sau đó, Giáo sư Đặng Vũ Biền đưa ra một định nghĩa mang tính thực dụng:
“Định nghĩa tôi đưa ra dưới đây không phải là một định nghĩa có giá trị tuyệt đối, mà chỉ là một định nghĩa tôi xét thấy thích hợp nhất đối với vấn đề.
Theo ý tôi, cái văn hóa mà ta cần phải huấn luyện cho các học sinh ở Trung học là sự tổng hợp của:
1) Những hiểu biết thực dụng trong đời sống như ngôn ngữ, sinh ngữ, khoa học thường thức.
2) Những tư tưởng hay đẹp, những sự khôn ngoan của các văn gia, các triết gia.
3) Những hiểu biết về văn nghệ, về nghệ thuật.
4) Và nhất là óc suy luận, biết nhận thấy cái hay cái đẹp, cái phải cái trái.
(Tạp chí Đại Học, số 11, Tháng 9 năm 1959, trang 152, Viện Đại Học Huế xuất bản).
Những liệt kê các hiểu biết này của Giáo sư Đặng Vũ Biền thực ra không phải là một định nghĩa về văn hóa nhưng là những thành tố cấu tạo nên văn hóa và quan điểm này cũng không có gì khác biệt với một số khái niệm đã trình bày ở trên.
Tất cả những định nghĩa nêu trên – qua nhiều thế hệ cầm bút - quả thực đã cho chúng ta một vài khái niệm về hai chữ văn hóa, dĩ nhiên trong hoàn cảnh của một cộng đồng người Việt cư trú ở hải ngoại cũng cần thiết phải rút ra những áp dụng cụ thể mang lại ích lợi cho bản thân mình nhất là cho các thế hệ trẻ đang lớn lên chung quanh.

2.- Vóc dáng văn hóa Việt Nam nhìn qua những nguyên tắc ứng dụng và những mô hình khắc họa đan thanh.
Hoạt động trong môi trường văn hóa dưới hình thức một tổ chức văn học hay nghệ thuật thậm chí trong cơ cấu của một tổ chức chính trị, người đứng đầu tổ chức phải có viễn kiến (vision) đề ra một số nguyên tắc làm chuẩn mực cho các hoạt động của mình để rồi từ đó những nguyên tắc chuẩn mực cho các sáng tác phẩm được thai nghén, sáng tạo và phổ biến.
Năm 1933, khi sang lập tổ chức Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Tường Tam đã chủ trương lập một nhóm nòng cốt (formation d’un noyau) lấy tên Tự Lựclà có ý họ tự sức mình gây lấy môt cơ sở chứ không cậy nhờ bàn tay chính phủ hoặc một thế lực tài chính nào, do đó có tư cách độc lập, không tuân theo một chỉ thị nào, ngoài đường lối tự họ vạch ra.” (Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên, tập 3, trang 433).
Trong lời tuyên bố của Tự Lực Văn Đoàn đăng trên báo Phong Hóa số 87, ngày 2-3-1933, những người thành lập văn đoàn này đã nói rõ cái tôn chỉ và mục đích của họ như sau:
Tự lực Văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới: người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương. Tôn chỉ gồm 10 điều nguyên văn như sau:
1-Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giầu thêm văn chương trong nước.
2-Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và cho xã hội ngày một hơn lên.
3-Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4-Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
5-Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
6-Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của đất nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.
7-Trọng tự do cá nhân.
8-Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9-Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
10-Theo một trong 10 điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.
(Nhiều tác giả, Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ, Người Chiến Sĩ, Nhà xuất bản Thế Kỷ, 2004, trang 143)
Năm 1943, nghĩa là mười năm sau, Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh, người được coi là lý thuyết gia của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa ra bản Đề Cương Văn Hóa Việt Nam trong đó có nói đến chính sách văn hóa của Đảng Cộng Sản Đông Dương với ba nguyên tắc như sau: “ Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa” .
Rất nhiều cây bút Cộng Sản nhiệt liệt ca ngợi bản đề cương văn hóa này, thí dụ Trần Hoàn, Bộ Trưởng Văn Hóa Thông tin (1987-1996) đã viết: “50 năm qua, hiệu quả của “Đề cương Văn hóa Việt Nam” thật là rộng lớn. Đã có biết bao biến đổi trên các hoạt động tư tưởng, văn hóa, giáo dục và xã hội. Đã có biết bao tác phẩm nghiên cứu, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản cách mạng, giàu bản sắc dân tộc được đưa vào cuộc sống, làm nên những sức mạnh vật chất cực kỳ to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc, xây dựng nên một diện mạo mới của nền văn hóa Việt Nam đáng phấn khởi và tự hào.” (Trần Hoàn, Tuyển Tập Văn Hóa & Âm Nhạc, Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, Nhà xuất bản Văn Hóa – Hà Nội 1997, trang 129). Tuy nhiên phải công bình mà nói, ba nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa của bản Để Cương Văn Hóa Việt Nam 1943 do Trường Chinh soạn thảo (có người cho rằng Trường Chinh “cóp” của Mao Trạch Đông, nhưng luận chứng này xét ra không vững. NĐC), đã vay mượn từ tư tưởng hay viễn kiến của Tự Lực Văn Đoàn qua bản tuyên bố năm 1933. Dân tộc hóa rất gần với tôn chỉ số 2 và 4. Đại chúng hóa nằm trong nội dung tôn chỉ số 3, số 6. Khoa học hóa là phản ánh tôn chỉ số 9. Đây là một sự cóp nhặt công trình tim óc của người đi trước nhưng không chịu lương thiện nói ra.
Ở Miền Nam Tự Do, từ ngày mồng 7 đến ngày 16 tháng giêng năm 1957, Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc với sự tham dự của rất nhiều tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, chính khách, nhà báo, nhà văn được triệu tập dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và người ta cũng đưa ra ba nguyên tắc ứng dụng trong lãnh vực văn hóa đó là Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng.  Tuy được khai sinh dưới thời Đệ I Cộng Hòa nhưng ba nguyên tắc này vẫn được mặc nhiên công nhận dưới thời Đệ II Cộng Hòa nghĩa là tiếp tục làm khuôn phép cho các hoạt động văn học nghệ thuật và những bộ môn sáng tác khác. Trong đại hội đó, “một dân biểu Miền Nam, ông Nguyễn Phương Thiệp trình bày về tự do tư tưởng trong hiến pháp VNCH và cho rằng sự “chỉ huy văn hóa” của cộng sản đã tiêu diệt sáng tác văn hóa vì nó phủ nhận bản sắc cá nhân của mọi người nghệ sĩ, nguồn gốc của sự sáng tác.” ( Trần Anh, Chủ nghĩa quốc gia của chánh quyền Đệ Nhứt Cộng hòa, 1954-1963, Tạp chí Talawas số mùa Thu 2009, Chuyên đề “Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?”)
Xét chung mỗi miền của đất nước có một lề lối ứng xử trong văn hóa nhưng cả hai đều lấy phải Dân Tộc làm đối tượng đề cao tiên khởi. Con người được đề cao vì con người có tự do đó là ý nghĩa của hai chữ nhân bảnkhai phóng. Văn hóa như ở Miền Bắc tuy nói rằng hướng về đại chúng và xây dựng trên tinh thần khoa học nhưng quần chúng miền Bắc trước năm 1975 vẫn đa số mù chữ và sống trong cảnh ngu dốt, mê tín và mông muội thì thật là hoàn toàn trái ngược với đường hướng đại chúngkhoa học.
Để nhận diện rõ nét vóc dáng văn hóa Việt Nam, thiết tưởng nên có một cái nhìn khái khát về phạm vi các nền văn hóa thế giới và như thế có thể dễ dàng đối chiếu khi nhận định về văn hóa của ta.
Trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam, tác giả Tùng Phong (bút hiệu của ông Ngô Đình Nhu) đã chia khu vực văn hóa trên thế giới làm 5 khối với những luận giải như sau: “Bây giờ nếu chúng ta đứng vào lĩnh vực văn hóa thì nhận thấy thế giới lại chia ra làm nhiều khối hơn. Trước tiên là khối Âu Mỹ gồm các nước ở Âu Châu, kể cả Nga Sô và các nước Đông Âu thuộc Nga. Các nước ở Bắc và Nam Mỹ và những quốc gia do người Âu lập ra ở Úc Châu, Tân Tây Lan và Nam Phi. Khối này gồm các nước thuộc vào xã hội Tây Phương. thừa hưởng văn hóa Hy Lạp và La Mã khi xưa và văn hóa Gia Tô sau này.
Khối thứ hai gồm các quốc gia Ả Rập ở từ vùng cận Đông đến Hồi Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Soudan, Ai Cập và các quốc gia Bắc Phi Châu. Khối này thành lập xã hội Hồi Giáo thừa hưởng văn hóa Hồi Giáo.
Khối thứ ba gồm các quốc gia ở phía Đông Đại lục Âu Á: Nhật Bổn, Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam, lập thành xã hội Đông Á thừa hưởng văn hóa xưa của Trung Hoa.
Khối thứ tư gồm Ấn Độ và, ngoài các nước nhỏ phụ cận Ấn Độ phía Bắc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Mã Lai và Nam Dương. Lập thành xã hội Ấn Độ thừa hưởng văn hóa Ấn Độ.
Và sau hết khối Hắc Phi gồm các quốc gia mới xuất hiện ở Phi Châu lập thành xã hội Hắc Phi có một văn hóa phôi thai.” (Tùng Phong, Chính Đề Việt Nam, Nhà xuất bản Hùng Vương, Los Angeles, 1988, trang 17)
Việt Nam thuộc nền văn hóa xưa của Trung Hoa, thừa hưởng nhiều di sản nhưng lại có tinh thần sáng tạo và nhờ tinh thần đó Việt Nam thoát được sự đồng hóa của Bắc phương.
Ở Việt Nam, nếu xét theo bình diện địa lý, người ta thường dùng tên các con sông để định vị cho một phạm vi văn hóa, thí dụ Văn hóa Sông Hồng ở Bắc, Văn hóa Sông Hương ở Miền Trung hay Văn Hóa Sông Cửu Long thuộc Miền Nam. Tại sao vậy? Bởi vì các con sông nhất là những con sông lớn trên thế giới thường là nơi phát tích và quần cư của cả một dân tộc thí dụ như sông Hoàng Hà, Dương Tử ở Trung Quốc là nơi quần tụ các nền văn minh của Hán Tộc. Các sông Tigre và Euphrate là nơi hình thành nền văn minh Lưỡng Hà Địa vùng cư trú của các giống dân Trung Đông. Sông Nil làm nên nền văn minh Ai Cập. Các sông Seine, Loire, Garonne làm thành nền văn minh Pháp và nói chung Âu châu. Ở Hoa Kỳ, các con sông lớn Mississipi, Missouri  đóng góp nhiều công sức vào việc hình thành nền văn minh Hoa Kỳ. 


Người ta cũng nhắc đến các nền văn hóa Tây Bắc (Thái, Mường), Việt Bắc (Tày, Nùng), văn hóa Đông Sơn thời thượng cổ, văn hóa Đại Việt thời trung cổ, văn hóa Tây Nguyên với trung tâm là bốn tỉnh Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc, Lâm Đồng thuộc trên 20 tộc người sử dụng các ngôn ngữ Môn-Khmer và Nam Đảo, và văn hóa Nam Bộ gồm các cư dân Việt, Chăm, Hoa là những sắc dân đi khai phá đất hoang và các cư dân bản địa như Khmer, Mạ, Xtiêng, Chơro, Mnông. (Trần Ngọc Thêm, Sđd, trang 62).
Về phương diện khảo cổ học, ở nước người ta thường hay nhắc đến tên các địa danh văn hóa như Bắc Sơn, Hòa Bình, Đông Sơn, Phùng Nguyên, Gò Mun,  Đồng Đậu, v.v.. ở Miền Bắc. Các nền văn hóa Bàu Tró ở Quảng Bình, văn hóa Cù Bai ở Quảng Trị, di chỉ Gò Quảng ở Quảng Nam, Gò Rừng Cây ở Quảng Ngải v.v… ở Miền Trung. Các nền văn hóa Óc Eo, Phù Nam ở Miền Nam và thêm vào đó là các di chỉ khảo cổ học ở Long Khánh, Xuân Lộc, Bà Rịa v.v…



Về nghệ thuật, chúng ta có nền văn hóa thuộc âm nhạc như quan họ Bắc Ninh, hát ví hát dặm Nghệ Tĩnh, văn hóa bài chòi ở Bình Định. Văn hóa chèo, tuồng, hát bội, ca trù, rối nước, hội hè đình đám, thi đua, đánh vật, đánh đu kể cả các hình thức tín ngưỡng dân gian như lên đồng, cầu cơ, xin xăm, xũ quẻ v.v.. cũng được kể như những hình thái văn hóa. Ở Miền Nam, nhất là vùng Lục Tỉnh Nam Bộ, nghệ thuật trình diễn cải lương được xem là một bộ môn văn hóa rất được quần chúng ưa thích.
Về phương diện ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam trước đây được biểu thị trong hơn mười mấy thế kỷ bằng chữ Hán rồi từ thế kỷ 13, với sự xuất hiện của chữ Nôm và thế kỷ XVII với chữ Quốc Ngữ là hai thứ ngôn tự đã giúp cho nền văn hóa chúng ta trở thành phong phú, đa dạng hơn.
Văn hóa Việt Nam vô cùng biến hóa trong lãnh vực ngôn từ, văn chương từ khả năng trao đổi đàm thoại hàng ngày cho đến thứ ngôn ngữ thù tạc đối đáp trong phạm vi ngoại giao, ứng xử, thậm chí cả đến những lúc chửi bới rủa sả nhau cũng có một thứ văn hóa gọi là “văn hóa chửi”, dĩ nhiên cũng phải có bài bản, mạch lạc, văn chương.


Về ăn uống, chúng ta cũng có loại hình gọi là văn hóa ẩm thực mà mỗi miền có một hay nhiều món ăn điển hình cho địa phương thí dụ : nói đến Bắc là nói đến phở, nói đến Huế là nói đến bún bò, nói đến Nam là nói hũ tiếu v.v… Văn hóa ẩm thực là một phạm trù rất bao quát, đa diện, phong phú về nghệ thuật và lối trình bày dưới nhiều chủ đề lại tỏ ra có khả năng hấp dẫn đối với bên ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Alain Ruscio khoảng năm 1995, khi được hỏi rằng: “Tôi tin rằng ông cũng có một thuyết lý về vai trò đặc thù của người phụ nữ trong sự phòng giữ bản diện, bản sắc Việt Nam?”, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), một học giả nổi tiếng đã cống hiến gần trọn cuộc đời cho nền văn hóa Việt Nam, đã trả lời :
        Đó là sự thể thường xuyên trong suốt lịch sử của đất nước chúng tôi. So với đàn ông, đàn bà khó chấp nhận hơn những tập tục của kẻ chiếm đóng. Đúng là như vậy về trang phục. Đúng là như vậy về những lề thói gia đình. Rõ rệt nổi bật ở lĩnh vực ngôn ngữ. Ai giữ gìn tiếng nói nếu không phải là phụ nữ? Ai dạy cho trẻ thơ biết nói? So với đàn ông, đàn bà ít có dịp tiếp xúc hơn với các nhà chức trách người Trung Hoa. Tôi nghĩ rằng phần lớn công việc phòng giữ văn hóa Việt Nam là do các bà mẹ, các bà vợ.” (La Sơn Yên Hồ HOÀNG XUÂN HÃN, Tập I Con Người và Trước Tác, Phần I, Nhà xuất bản Giáo Dục, 1998, trang 1130).
        Câu trả lời của Hoàng Xuân Hãn xác định một thực tế về vai trò của người phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc của nền văn hóa dân tộc.
Cách đây hơn hai nghìn năm, Lão Tử, một nhà hiền triết Đông Phương tương truyền có nói rằng “Làm thầy thuốc mà lầm thì giết một người, làm chính trị mà lầm thì giết một nước, làm văn hóa mà lầm thì giết muôn đời.” Câu nói này đã nói lên được tất cả sự quan trọng của công tác văn hóa bởi vì văn hóa là cái gốc của tư tưởng mà tư tưởng luôn luôn điều khiển hành động của con người.
Gần đây, một nhà hoạt động chính trị ở Âu châu cũng cho rằng: “Văn hóa của một dân tộc là toàn bộ những giá trị đã được chấp nhận và tạo ra cách suy nghĩ, hành động và ứng xử của dân tộc đó…Văn hóa quyết định tổ chức xã hội và tổ chức xã hội quyết định chỗ đứng và sự hơn kém của các dân tộc.(Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, 2000, trang 368).
Lịch sử đất nước trong những thập niên gần đây đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm đau thương về cái gọi là văn hóa vô sản, qua một cụm từ nghe rất kêu “văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, lồng dưới tấm áo chủ nghĩa Mác Lê xâm nhập đất nước Việt Nam do sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và phe nhóm, từ mùa thu năm 1945 và tiếp tục ngự trị  quê hương xứ sở chúng ta cho tới bây giờ.
Ngày nay những giá trị tinh thần cốt lõi tinh túy của nền văn hóa truyền thống Việt Nam dù ở trong nước hay ở hải ngoại đều là những cái cần được bảo tồn, phát huy để làm nổi bật bản sắc của chúng ta. Chúng ta chủ trương duy trì và phát triển một nền văn hóa dân tộc dựa trên ba tiêu ngữ mang tính chiến lược mà cũng rất vắn gọn đó là Chân, Thiện, Mỹ nghĩa là một nền văn hóa tôn trọng sự thật, hướng về cái tốt của con người và xiển dương cái đẹp của thể phách cùng tâm linh trong vũ trụ. Cơ chế chính trị của Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác chấp nhận hình thức đa văn hóa cho nên nhiệm vụ của cộng đồng Việt Nam là làm sao gìn giữ và phát huy nền văn hóa độc đáo của Việt Nam, tiếp tục truyền thụ lại cho các thế hệ mai sau. Mong sao con đường văn hóa đó sẽ được nhiều giới tiếp sức yểm trợ, nhất là các bà mẹ, bà vợ chẳng những trong hiện tại mà còn cả trong tương lai nữa.

Nguyễn Đức Cung
Philadelphia 03-6-2012  



Liên khúc thơ tình lính biển 4 - vkp.Đạm Phương

LIÊN KHÚC THƠ TÌNH LÍNH BIỂN 4 -  vkp đạm phương
                   ***
1-THỨ THA  thơ VKP Đạm Phương.



 Em bỏ làm thơ khi Biển vắng
Thuyền mơ bỏ bến neo chốn xa
Lần gặp cuối cùng anh khẩn khoản:
“Em làm thơ lại để THỨ THA!"

* Sao mãi đến giờ anh mới nói?
Món nợ tình em, vay quá lâu…
Vốn lời cộng lại cao chất ngất
Vậy mà anh trả chỉ một câu?

* Giận anh lắm quyết không tha thứ
Có nghĩa là chôn chặt ý thơ
Nhưng sao muốn khóc? vội cầm bút
Nhạc lòng tuôn chảy bản tình mơ…

* Nợ chưa trả hết, sao bỏ đi ?
Tha thứ cho anh để làm gì ?
Thơ viết rồi đây, sao không đọc ?
Để em tràn ngập nỗi ai bi!

     VKP Đạm Phương


2-  TÀN ĐÔNG  vkp đạm phương



                                           (Vần thơ mới viết… cho ai đọc?
                                           Gửi gió bay về chốn hư không…)
* * *
Năm cùng, tháng tận tàn mùa Đông
Anh bỏ đi rồi tan nát lòng!
Vần thơ mới viết cho ai đọc?
Gửi gió bay về chốn hư không!
*
Trà đậm hương nồng cùng suối lệ
Gửi hết cho anh món nợ tình

Vòng tay bảy chiếc đồi mồi quý
Gửi cả lời nguyền kiếp lai sinh
*
Đốt nén nhang lòng gửi cố nhân
Tha thứ cho nhau chỉ một lần
Tàu anh giờ chắc đang dong ruỗi
Bến đỗ an bình hết vấn vương!
*
Nhưng vẫn đợi anh khi chiều buông
Đêm tối, trầm hương khói dẫn đường
Mình dắt nhau qua vùng biển mặn
Vang khúc nhạc tình... đắm yêu thương!

VKP Đạm Phương


3-TƯỞNG NIỆM   thơ  vkp đạm phương

“Bao nhiêu sông trút ra lòng biển.
       Ngần ấy tình em gửi một phương”

                        *

Bốn mươi ba năm trước.
Tàu Anh tách bến ra khơi.
Neo đậu ở một bến bờ xa lạ
                         *
Bốn mươi ba năm sau.
Tàu Anh bị sóng gió thời gian dập vùi
Thân xác chơ vơ.
Hình bóng dật dờ.
                         *
Rồi vào một ngày cuối đông
Tàu Anh lặng lẽ tan vào sương khói...
  Nhưng không phải...
Tàu Anh vẫn hiên ngang vượt sóng biển.
Để làm một cuộc hải hành mới
Ở thế giới bên kia
                                   Không có hận thù
                                   Chấm dứt hờn ghen...
                          *
Rồi một ngày nào đó,
Tàu Anh sẽ tìm về nơi yêu dấu cũ.
Nơi đó có bến em đang từng phút đợi chờ…

 30/12/2009
                                                  vkpđp