Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Truyện Kiều: Cái Ghen Của Hoạn Thư - Khôi Nguyên

                     TRUYỆN KIỀU

                  Cái Ghen Hoạn Thư
    Ngày xưa, nước ta chịu ảnh hưởng chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ nên sự ghen tương thường xảy ra trong nữ giới. Ngày nay, cuộc sống tự do, nam nữ bình quyền, sự ghen tương có đàn ông, đàn bà và ngay cả người đồng tính nữa. Tùy trình độ, tính tình mà cái ghen cũng khác nhau. Không phải ghen nào cũng “oai oái như  hai gái lấy một chồng.”
    Hôm nay ta thử đọc lại cái ghen của Hoạn Thư trong truyện Kiều. Cụ Nguyễn Du đã giới thiệu về nàng Hoạn Thư như sau:
    Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
    Con quan Lại Bộ tên là Hoạn Thư.
    ................................................
    Ở ăn thì nết cũng hay,
    Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
    .................................................
    Đàn bà dễ có mấy tay
    Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan.
    ..................................................
    Người đâu sâu sắc nước đời
    Mà chàng Thúc phải ra người bó tay.

    Khi biết chồng phản bội, Hoạn Thư chuẩn bị đánh ghen rất công phu, sao cho chồng và tình địch gặp nhau mà không dám nhìn và phải đau khổ thật nhiều. Muốn vậy, Hoạn Thư biến nàng Kiều thành con ở và dặn Kiều không được nhìn  bất cứ ai quen ở đây. Thời bấy giờ, chủ nhà mà dan díu với con ở là một điều sỉ nhục. Hoạn Thư tạo ra  cảnh ấy để ngầm chê trách chồng. Nàng giữ bí mật để bất ngờ ra  tay.  Kế  hoạch đã có sẵn,, chương trình đã sắp xong, vậy mà lòng Hoạn Thư vẫn còn:
     Lửa tâm càng dập càng nồng,
     Trách người đen bạc đem lòng trăng hoa.

Hoạn Thư dự định làm cho Thúc Sinh và Kiều:
     Làm cho nhìn chẳng được nhau
     Làm cho đau đớn cất đầu chẳng lên.
     ...................................................
     Làm cho cho mệt cho mê
     Làm cho đau đớn ê chề cho coi
     Trước cho bõ ghét những người
      Sau cho để một trò cười về sau.

 Để chắc chắn đạt kết quả, mụ quản gia dặn thêm Kiều một lần nữa:
      Ở đây tai vách mạch dừng,
      Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi,
      Kẻo khi sấm sét bất kỳ,
      Con ong, cái kiến kêu gì được oan.

Bây giờ mọi dự định đã sẵn sàng, chỉ cần giữ bí mật cho tới ngày ra tay.  Muốn vậy, cá nhân Hoạn Thư phải:
       Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
       Ra vào một mực nói cười như không.

Đối với Thúc Sinh ,nàng nói:
       Rằng trong ngọc đá vàng thau,
       Mười phần ta đã tin nhau cả mười.

Đối với người trong nhà:
        Tuần sau bỗng thấy hai người
        Mách tin ý cũng liệu bài tâng công.
        Tiểu thơ nổi giận đùng đùng
         .........................................
         Vội vàng xuống lệnh ra uy,
         Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng.
         Trong ngoài kín mít như bưng,
         Nào ai còn dám nói năng một lời.

Đối với thiên hạ, tổ chức bắt cóc nàng Kiều để mọi người tin rằng Kiều bị chết cháy như sau:
         Thuốc mê đâu đã tưới vào,
         Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì
         Vực ngay lên ngựa tức thì
         Phòng đào, viện sách bốn bề lửa dong
         Sẵn thây vô chủ bên sông
         Đem vào để đó lận sòng ai hay.
                       # #


                Đòn Ghen Bắt Đầu
Thi sĩ Trần Kế Xương đã viết:  "Đau quá đòn ghen, rát hơn lửa bỏng."
Vậy đòn ghen của Hoan Thư ra sao? Ngay miếng đòn đầu tiên đã làm tối tăm, choáng váng mày mặt Kiều:
         Phải rằng nắng quáng, đèn lòa
         Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?
         ....................................................
         Rõ ràng thật lứa đôi ta
         Làm ra con ở, chủ nhà đôi nơi

Còn Thúc Sinh cũng không kém phần kinh ngạc:
         Sinh đà phách lạc hồn xiêu:
         Thương ôi! Chẳng phải nàng Kiều ở đây!

Bắt đầu từ đây, Hoạn Thư dùng thế võ: "Cách sơn đả ngưu" để hạ địch thủ, nghĩa là chỉ cần hành hạ Kiều thôi, kẻ bị đau phát khóc sẽ làThúc Sinh:
          Vợ chồng chén tạc, chén thù
          Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.
          Bắt khoan bắt nhặt đến lời
          Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay.

Thúc Sinh đau đớn hết chịu nổi, muốn giả say để cáo lui, Kiều bị Hoạn Thư la:
          Tiểu thơ vội thét:” Con Hoa
          Mời chàng chẳng cạn thì ta có đòn.”

Hành hạ Kiều và Thúc Sinh đến thế vẫn chưa đủ, Hoạn Thư  bắt Kiều phải đánh đàn. Tiếng đàn u buồn =, sầu não khiến Thúc Sinh đau đớn, ứa lệ.  Hoạn Thư lại có cớ mắng Kiều:
           Tiểu thơ lại thét lấy nàng:                                                 Cuộc vui gẩy khúc đoạn tràng ấy chi

Cảnh đớn đau này cứ tiếp tục kéo dài cho đến canh ba mới tan tiệc. Hoạn Thư tỏ vẻ hể hả, hài lòng:
            Giọt rồng canh đã điểm ba
           Tiểu thơ nhìn mặt dường đà cam tâm
            Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm :                           
            Vui này đã bỏ đau ngầm xưa nay.

   Tóm lại, chúng ta đã đọc qua một cuộc đánh ghen “vô tiền khoáng hậu, được tính toán rất công phu của người đàn bà bản lĩnh. Chính chồng của người đàn bà đó thú nhận điều này:
      “Thất cơ thua trí đàn bà
       Trông vào ngượng mặt, nói ra ngại lời.

Cuộc đánh ghen của Hoạn Thư chỉ có ba người, không xử dụng bạo lực ,không làm ồn ào, nhất là không gây tổn hại đến danh dự gia đình, nhưng hậu quả không kém đớn đau và hao nước mắt. Nhờ cuộc đánh ghen này, Thúc Sinh quay về với vợ, Kiều bỏ nhà Hoạn Thư  ra đi mang theo lời bạc bẽo  của người đàn ông háo sắc,Thúc Sinh:
         Liệu mà xa chạy cao bay
        Ái ân ta có ngần này mà thôi.

              Khôi Nguyên



* Anh Hùng - Như Phương


                            ANH HÙNG

              Nhớ tới các anh đã xã thân ,
              Dẫu bia mộ đã tàn theo thời gian,
              Vẫn còn đây trong tâm khảm mọi người,
              Biết linh hồn các anh vẫn mỉm cười ,
              Chất ngất tình yêu tổ quốc
              Đâu đây đất nước ,
              Trong ý nghĩa tự do.
              Nén hương cho những người nằm xuống đó,
              Thì thầm lòng biết ơn qua mây,
              Anh hùng vô danh muôn thuở còn đây.


                         Như Phương
                 SJ. Memorial Day. 2016




Một Thoáng Bềnh Bồng - Trầm Vân



 Một Thoáng Bềnh Bồng

Chỉ là một thoáng bềnh bồng
Bóng em chải tóc bên song cửa chiều
Bờ mi cong biếc chớp yêu
Hay là mi chớp bao điều buồn đau

Đừng em ánh mắt gầy hao
Vần thơ tôi lạc lối vào lòng em
Trôi trong hồ mắt ảo huyền
Có khi ngày lạc lối đêm ngược dòng

Chỉ là một thoáng nhớ mong
Tóc dài em cột mấy vòng nắng mưa
Mưa thì nghiêng ngọn gió lùa
Nắng ran rát nắng cho vừa tình che

Con đường phượng đỏ bên hè
Nhớ không em những tiếng ve đỏ mùa
Nỗi buồn rụng xuống chiều xưa
Xa nhau ngày ấy ai chờ đợi ai?

          Trầm Vân




Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Cho và Nhận - Đào Anh Dũng

Cho và Nhận
đào anh dũng

Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 356, tháng 4/2016


Năm nay, thứ tư lễ Tro* nhằm vào mùng ba Tết, ông bà An đi nhà thờ vào buổi sáng. Lễ xong, có cụ bà Johnson đến chào hỏi và nhờ ông bà đưa cụ về nhà. Trời lạnh âm độ, xe của cụ nổi chứng, không chịu nổ máy. Cả tuần nay, đi đây đi đó cụ phải quá giang người quen. Thấy cụ cầm trong tay một túi giấy đi chợ coi bộ nặng nề, ông xin xách dùm. Khi ấy, cụ mới nói: "Trên đường, xin ông bà ghé tiệm Care & Share để tôi cho vài món đồ tôi không còn cần dùng đến và xin họ một ổ bánh mì."
Nghỉ hưu được vài tháng, mỗi chiều thứ năm bà An đi làm việc nhà thờ, nấu cơm đãi khách thập phương. Đây là buổi cơm từ thiện, đa số khách đến viếng là những cụ già cô đơn, những người kém lợi tức hay mất việc làm. Bà quen với cụ Johnson và thường hay gặp cụ trong những buổi cơm này. Còn tiệm Care & Share (Chăm Lo và Chia Sẻ) là nơi nhận của bố thí như quần áo, giày dép, ly tách, dụng cụ này nọ, bàn ghế ... cũ để bán lại gây quỹ từ thiện. Họ cũng nhận thức ăn sắp hết hạn của các siêu thị và phát thí cho mọi người. Ông bà An đã có đôi ba lần đến tặng quần áo cũ và mua vài dụng cụ cần thiết với giá rất rẻ.
Mười giờ sáng, trời lạnh mà ngạc nhiên thay, đã có non một chục người đứng sắp hàng trước cửa tiệm. Cụ Johnson giải thích, thứ tư là ngày họ phát thức ăn mới về. Thấy cụ di chuyển hơi khó khăn mà mặt đường thì có chỗ đóng băng trơn trợt, bà An đi theo giúp đỡ cụ. Sẵn dịp, ông An vào tiệm để tìm một cái xẻng xúc đất cũ. Cái xẻng ở nhà, tuần rồi ông dùng để nạy miếng băng nên đã gãy cán.
Khi đi ngang qua khu phát thực phẩm, ông An chợt thấy một gương mặt quen quen trong hàng khách đứng chờ, nhìn kỹ mới biết đó là bà Trong, một người bạn từng làm chung sở với bà xã của ông. Bốn mắt gặp nhau trong giây lát, ông An vội đưa tay chào nhưng bà Trong ngoảnh mặt làm ngơ. Biết đây là một chuyện khá nhạy cảm, ông lẹ chân bước đi.
Trưa hôm ấy, làm một giấc, thức dậy thấy bà xã của mình đang ngồi tư lự bên tách trà ở bàn ăn, ông An đến hỏi thăm. Bà thở dài, nói:
"Lạ thiệt! Chuyện mình ghé Care & Share sáng nay đã có hai chị bạn lúc trước làm cùng sở với em gọi phôn tới hỏi thăm. Chắc là chị Trong..."
"Ừ, hồi sáng anh có thấy chị Trong. Chưa kịp chào hỏi, chỉ đã ngó sang chỗ khác."
"Còn em thì, lúc đứng trong hàng với bà Johnson, em thấy chỉ bước ra thiệt lẹ nên em không thể hỏi thăm gì được... Trước hết là chị Thảo gọi đến, nói chuyện nắng mưa một hồi chỉ hỏi mình nghỉ hưu sống có thoải mái không. Em thiệt tình nói vợ chồng mình nhờ tiền hưu trí của sở làm và An sinh Xã hội nên sống cũng tạm đầy đủ. Chỉ cười rồi nói, nếu cần thì chỉ sẽ cho biết nơi xin thức ăn dồi dào hơn, chứ ở Care & Share ít lắm. Chỉ nhắc đến Care & Share, em mới trả lời rằng, hồi sáng anh và em có đưa một bà bạn người Mỹ đến đó vì xe của bả bị hư. Nghe em nói vậy, chỉ lảng sang chuyện khác rồi bái bai."
"Chà... thời buổi này tin tức đi lẹ thiệt. Cũng may là mấy chị bạn của em không có trên Facebook."
Ông An bàn vào, giọng có pha chút tếu nhưng bà không để ý đến mà lại thở dài, kể tiếp:
"Một lát sau thì đến phiên chị Hoa. Chỉ cũng nói ba điều bốn chuyện rồi kể lại một bài mới đăng trên báo chợ, nói bên Việt Nam mình có nhà để thùng bánh mì trước cửa để bố thí cho người nghèo. Vậy mà cũng có người đến lấy một lần cả chục ổ! Nghe vậy, em mới bàn rằng, biết đâu người ta lấy bánh mì dùm mấy cụ già yếu, ở một mình, đi đứng khó khăn. Chỉ không thông cảm mà cười khì, nói rằng bên Mỹ này cũng vậy, có người dư ăn dư mặc mà cũng đến mấy cơ quan từ thiện lấy thức ăn..."

Nghe bà xã mình kể đến đó, ông An mới đoán ra lý do bà ngồi trầm ngâm bên tách trà. Ông mỉm cười, bóp nhẹ vai bà, an ủi:
"Thôi, đời mà em, mình nghĩ xa xôi chi cho mệt. Có thể mấy chị bạn của em care nên họ share..."
"Em chỉ buồn một chút thôi. Nghĩ xa xôi thì cũng có, hôm nay lễ Tro làm em nghĩ đến mọi sự hơn thua trên đời này rồi cũng qua đi, nhưng em nghĩ đến bà Johnson nhiều hơn. Đến xin có một ổ bánh mì mà bà không quên mang theo vài món để cho lại. Thấy mà thương!"

đàoanhdũng
Minnesota
Ra giêng 2016

*Thứ tư, ngày đầu mùa chay của Thiên Chúa Giáo (giáo hội Công Giáo và một số giáo hội Tin Lành). Ngoài các nghi thức, kinh nguyện về sự thống hối, giáo hữu được nhắc nhở rằng "mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro".

Thơ và Tình - Vkp.Phượng Ngày Xưa


THƠ VÀ TÌNH  
vkp phượng ngày xưa

Thơ  không có tình... thơ thành nhạt nhẽo
Tình vắng bóng thơ... tình sẽ chơi vơi
Trót đã đem thơ rao bán cho đời
Tình giữ lại để riêng mình thụ hưởng...
*
Tình trong thơ dẫu thương vay khóc mướn
Cũng điểm cho đời chút nghĩa yêu thương
Dù bước đầu tiên hay đến cuối đường
Phải cố quên khi tình / thơ đứt đoạn...
*
Tình với thơ cuộc hôn nhân ai gán?
Mà khó tách rời vì cần có nhau
Vẫn cứ đi chung trên một con tàu
Lận đận lao đao qua từng thế kỷ...
*
Tình càng cay đắng thơ càng ủy mị
Hết giận hờn đến khóc lóc thở than
Bởi vì tình là nỗi khổ của thế gian
Thơ bày tỏ nỗi hoang mang tuyệt vọng...
*
Thơ thiếu tình sẽ mát đi cuộc sống
Tình vắng thơ thì hồn mộng lửng lơ
Một phút thuyền yêu neo bến cập bờ
Đủ viết nên một trang thơ trác tuyệt...
*
Thơ với tình... mãi nồng nàn bất diệt!!!

         Saigon 22/5/2016
         Vkp phượng ngày xưa








Khoảng Trời Rong Rêu - Trầm Vân


 Khoảng Trời Rong Rêu

Môt hôm về lại thăm trường
Ngồi trong lớp cũ nỗi buồn ngẩn ngơ
Bảng xanh, xanh mãi đến giờ
Tóc mình ôi đã bạc phơ mất rồi

Trên cao bục giảng xưa ngồi
Tóc lem chút bụi phấn rơi ngày nào
Bập bềnh lời giảng nôn nao
Bóng trò lúi cúi chép vào tập trang

Nhớ hoài những ngón tay ngoan
Trả lời câu hỏi vội vàng giơ lên
Thương sao ánh mắt dịu hiền
Ngây thơ chưa biết đảo điên cuộc đời

Nhớ sao thanh thoát nụ cười
Khép hờ cửa lớp những lời chim ca
Nhớ gần lại nhớ xa xa
Người nơi xứ lạ quê nhà trăm nơi

Còn trong ký ức ngậm ngùi
Mái trường xưa với khoảng trời rong rêu
Lòa xòa tóc rối sợi xiêu
Một mình ngồi lại bên chiều nhớ thương
     Trầm Vân

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Hịch Thời Đại: Đuốc Diên Hồng XXI (Duy Khang)





Vài Suy Nghĩ về TT Mỹ Obama - Hoàng Đằng

Vài Suy Nghĩ về Tổng Thống Mỹ Obama

Tổng Thống Mỹ Obama vừa có chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang.
Tổng Thống Obama đến Việt Nam tối 22/5 và rời Việt Nam trưa 25/5/2016.
Mục đích chính của chuyến thăm Tổng Thống là hội đàm với Lãnh Đạo Việt Nam về nhiều vấn đề từ chính trị, an ninh, kinh tế, môi trường, nhân quyền, hậu quả chiến tranh ...



Chủ Tịch Trần Đại Quang tiếp Tổng Thống Obama

Theo tôi nghĩ, còn một mục đích nữa, có lẽ thứ yếu, là tìm hiểu dân tình Việt Nam.
Một điều lạ gây ngạc nhiên cho mọi người là Tổng Thống đi đâu, lúc nào, làm gì đều được dân chúng chờ đón, nghênh tiếp hớn hở.
Dân Việt Nam vốn được tiếng hiếu khách; nhưng lần đón Tổng Thống Obama này đã cho thế giới biết lòng hiếu khách ấy như thế nào. Tối 22/5/2016, nghe tin Tổng Thống đến, dân Hà Nội, thay vì nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc, dắt dìu nhau ra đứng hai bên đường chờ đoàn xe đưa Tổng Thống từ sân bay về khách sạn; Tổng Thống ngồi trên xe, dân chẳng thấy Tổng Thống, nhưng Tổng Thống thấy dân; sau đó, cảm động, Tổng Thống phát biểu: “Sự thân thiện của Việt Nam đã chạm tới trái tim tôi.”
Mấy ngày qua, tôi có theo dõi, tôi thấy đúng là dân chúng háo hức bày tỏ tình cảm mến mộ Tổng Thóng chứ không phải hiếu kỳ như có tờ báo nào đó đưa tin.

Dân Hà Nội đón TT Obama

Mỗi năm, Nhà Nước ta đón tiếp khá nhiều vị lãnh đạo nước ngoài tới thăm, nhưng chưa lần nào tôi thấy (dù chỉ thấy trên TV) thái độ hiếu khách của nhân dân biểu tỏ đến mức ấy: người vẫy tay, người bắt tay, người xích gần chụp ảnh, người reo hò, người tiếc nuối vì lỡ cơ hội thấy mặt …
Tôi suy nghĩ: Vì sao vậy? Và tôi tạm ghi vội câu tự trả lời.

Việt Nam ở sát Trung Quốc; trước đây, trong tình đồng chí và tình láng giềng, Trung Quốc giúp đỡ Miền Bắc “giải phóng” Miền Nam, thống nhất đất nước. Khổ nỗi là từ khi chiến tranh mới chấm dứt đến bây giờ, Trung Quốc đối xử tệ với Việt Nam: lấn chiếm lãnh thổ, gây hiềm khích giữa Việt Nam và Campuchia, tranh giành và cưỡng chiếm biển đảo, lủng đoạn kinh tế… Do vậy, Việt Nam cần thân thiện với Mỹ, dù Mỹ là cựu thù, để đối trọng với Trung Quốc vì theo kinh nghiệm lịch sử, Mỹ không có tham vọng lãnh thổ và từng giúp đỡ những nước cựu thù sau chiến tranh (Nhật, Đức) phát triển ngoạn mục. Nói rõ ra là dân Việt Nam quá lo sợ Trung Quốc bành trướng ăn hiếp rồi đô hộ nên mong ước kết thân với Mỹ; sự mong ước ấy thể hiện qua nghênh tiếp Tổng Thống Obama tới thăm.


                  Dân Sài Gòn nồng nhiệt đón tiếp TT Obama                    
Tuy nhiên, giá như Tổng Thống Mỹ không phải Obama thì nhân dân Việt Nam không nồng nhiệt như là đón tiếp một người thân đi xa về.

Tình thân thiện ấy đến từ đâu?
Tình thân thiện ấy nhờ màu da của Tổng Thống; ông có nước da không trắng hồng, bóng láng mà ngăm đen, trông gần gũi, không khác chi đa số người lao động Việt Nam - nông dân hay công nhân - dầm mưa dãi nắng.
Tình thân thiện ấy nhờ vóc dáng của Tổng Thống; ông không béo úc núc, mặt bự, bụng phệ, tóc nhuộm đen nhánh, chải chuốt như thử mới từ một thẩm mỹ viện ra mà cao, gầy, thẳng, khỏe, mạnh, nhanh nhẹn, tóc điểm bạc, pha chút phong sương - dáng vẻ người lao động.
Tình thân thiện ấy nhờ cách trang phục của Tổng Thống. Chỉ trừ những lúc làm việc, ông phải bận veston, cà-vạt, còn thì áo sơ mi xắn tay hay áo khoác xuềnh xoàng như một người bình dân Việt Nam.

Obama ăn bún chả ở Hà Nội

Tình thân thiện ấy nhờ thái độ ứng xử đối với giới trẻ và dân chúng của Tổng Thống. Ông dùng ẩm thực Việt Nam không phải tại các nhà hàng sang trọng có ghế tựa êm mà ăn bún chả ở một quán bên đường ngồi trên ghế đẩu nhựa; ông vào một quán nước ở Mễ Trì Hạ (Hà Nội) thăm dân dưới trời mưa mà không hề báo trước. Hình ảnh hoàn toàn hòa đồng với quần chúng.



Obama chụp ảnh với dân ở quán nước tại làng Mễ Trì Hạ (Hà Nội)

Tình thân thiện ấy nhờ nụ cười của Tổng Thống. Trong làm việc với đối tác cũng như khi tiếp xúc với dân chúng, ông không cười gượng để lấy ảnh mà cười do niềm vui trong lòng thúc đẩy – nụ cười tự nhiên; mỗi lần ông cười bộ răng trắng phô ra, rất dễ mến!
Tình thân thiện ấy nhờ tài ăn nói của Tổng Thống; ông nói tự nhiên khi làm việc với đối tác cũng như khi chuyện trò với dân chúng; không bao giờ thấy ông đọc chăm chú vào giấy mà luôn đảo mắt khắp khán thính phòng để xem phản ứng của người nghe; cách nói nồng nhiệt, tự tin, không rề rà; nhịp độ nói  khi nhanh khi chậm pha biểu cảm tùy theo ý diễn đạt; đề tài nói thỏa mãn điều mà người nghe mong muốn.
Tình thân thiện ấy nhờ vốn kiến thức rộng và tính chịu khó học hỏi của Tổng Thống; ông tìm hiểu kỹ về lịch sử, văn hóa, danh nhân… của Việt Nam trước chuyến thăm; trong phát biểu, ông đã dẫn thơ Lý Thường Kiệt, thơ Nguyễn Du, nhạc Văn Cao, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Trần Lập… để minh họa cho thông điệp muốn chuyển tải; ông cũng có vốn kiến thức về nghệ thuật, về thể thao… Khi giao lưu với thành viên Sáng Kiến Thủ Lĩnh Trẻ Đông Nam Á (trưa 25/5/2016) – viết tắt là YSEALI (Young SouthEastAsian Leaders Initiative), ông đã làm giới trẻ khâm phục bằng những giảng giải tác dụng của âm nhạc cho khán thính giả như một giáo sư trước sinh viên.
Tình thân thiện ấy còn nhờ tính dí dỏm trong lúc nói chuyện của Tổng Thống. Khi nói chuyện, ông không nghiêm nghị, lạnh lùng, dáng vẻ chỉ thị, dạy bảo mà vui tươi, hòa đồng. Nói chuyện mà thiếu dí dỏm cũng như nấu ăn mà không bỏ gia vị. Để khỏi mang tiếng xúc phạm người khác, khi chứng minh sự thành đạt dành cho những người biết quan tâm và đam mê công việc, ông khôn ngoan lấy chính tuổi thơ của mình ra làm ví dụ: nào là thiếu vắng cha, nào là lêu lỏng không thích học hành, nào là mê gái… và từ một cậu bé không hoàn hảo, nhờ quan tâm rồi đam mê công việc cộng động, ông dấn thân để bây giờ đạt danh vọng tột đỉnh là làm tổng thống Mỹ.

Tôi viết bài này với mong ước cung cấp cho các bạn trẻ muốn thành lãnh đạo một tấm gương đáng soi.
Trước đây, tôi quan niệm người làm lãnh đạo phải có Mạng, Uy, Tầm, Tâm.
Bây giờ, qua trường hợp Obama, tôi muốn bổ túc thêm: Vui Tính, Gần Gũi, Biết Diễn Xuất tùy trường hợp.
Bạn đọc có nghĩ như tôi không?

Hoàng Đằng
25/5/2016 (19/4/Bính Thân)



  

Nỗi Nhớ Màu Xanh - Trầm Vân


   Nỗi Nhớ Màu Xanh

Ngồi buồn lại nhớ trường xưa
Như làn mây trắng nhớ mùa thu rơi
Nhớ câu hỏi lớp trả lời
Nôn nao ánh mắt em ngồi giơ tay 

C2.. D1 chỗ này
A3..P4 .. những ngày rộn vui
Lấp la lấp lánh tiếng cười
Phiêu bay tà áo tinh khôi học trò

Thương hoài cái tuổi vô lo
Tung tăng nhịp bước bao giờ mới quên
Sân trường vẳng tiếng chim chuyền
Xanh lên mái tóc, xanh lên bầu trời

Xa trường biết mấy năm rồi
Tóc xanh đã bạc buồn phơi mái đầu
Vẫn còn ngan ngát trước sau
Khoảng trời xưa nỗi nhớ màu xanh rêu
     Trầm Vân

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Cảm Ơn Ngọn Gió Obama - Trầm Vân



Cám Ơn Ngọn Gió Obama

Việt Nam từ độ ông qua
Nhân dân chào đón chan hòa mến thương
Những bàn tay vẫy đẹp đường
Tiếng chim lảnh lót phố phường reo vui

Thương sao thân thiện ông cười
Câu thơ ông đọc ngàn đời còn vang
"Sông núi nước Nam vua Nam ở
rành rành định phận tại sách trời”.
Bạch Đằng Giang tiếng sóng khơi
Bóng Trần Hưng Đạo sáng ngời non sông
Dòng sông bỗng nhú cọc chông
Đánh tan lũ giặc Nguyên Mông tơi bời

"Từ nay ta biết quê người
Từ nay người biết thương người.." đẹp sao
Ồ ông biết nhạc Văn Cao
Câu ca ông đọc ngọt ngào tình quê

Và cam kết trước khi về
Bằng câu Kiều lẫy tình se tràn đầy
Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi” 
Lời ông nói nước non nghe
Là tình Việt Mỹ tràn trề niềm tin
Giúp non nước bước tiến lên
Chống xâm lược giữ chủ quyền quốc gia

Cám ơn gió Obama
Thổi vào mát rượi muôn nhà mừng reo

        Trầm Vân



Truyện Thầy Thu Trong Tháng Tư Thảm Thương (Ngọc Khuê & Hồng Phi)


Truyện Thầy Thu Trong Tháng Tư Thảm Thương
                      
Tôi tên Trần Thị Thu Thủy tường thuật truyện thầy Tôn Thất Thu:
Thời trai trẻ, thỉnh thoảng Thu thấy Thân Thị Tuyết Trinh tại trường Thánh Tâm thuộc tỉnh Thừa Thiên trạc tuổi trăng tròn, thanh tân, tươi thắm, tóc thề tha thướt... Trông thấy Thu, Tuyết Trinh thường thẹn thùng, tủm tỉm... Thấy thế, Thu tiến tới... tha thiết tỏ tình, thề thốt... Tuyết trinh thuận tình. Thu thì thầm: "Từ từ, ta tính truyện trầu têm, tiệc tùng..." 
Trúng tuyển Tú Tài, Thu trở thành thầy Toán trường Trung Tiểu tư thục tại tỉnh. Tuần tự thăng thưởng, thầy Thu tự thấy thơ thới, thanh thản, tựa... thăng thiên..., toan tính truyện trầu têm, tiệc trà thì...
Thời thế thăng trầm, Tháng Tư thảm thương tiến tới.  Tuổi tam thập, thầy tranh thủ tìm tòi tư thế tồn tại trên trần thế: từ thầy thành thợ, thành tớ...  Túng thiếu, trơ trọi, trăn trở. Thu thất thơ thất thểu, thấp thỏm trông tìm tin tức Tuyết Trinh. Trớ trêu: tuyệt tín!  Thường thường trong trạng thái thiêm thiếp Thu thấy thấp thoáng "tiểu thư" Tuyết Trinh tươi trẻ tìm tới Thu tỉ tê, thỏ thẻ truyện tâm tình thân thương... Tỉnh thức, Thu tiếp tục thui thủi, trăn trở... tự thán: "Ta thiếu tiền, Tuyết Trinh "từ" ta?"
Tới tháng Tám, Thu trở thành thằng tù tập trung!  Từ trại tù Trị - Thiên, Thu từng trải tám trại. Tư tưởng trầm thống, Thu tức tối, toan tính thoát thân: trốn trại tù. Thu thực thi trốn trại, thất thế: tái tập trung, tên trưởng trại tù trả thù Thu te tua thê thảm. Tiếp tục trốn trại..., tiếp tục tái tập trung..., thân thể Thu tiếp tục te tua thê thảm!... Thua thảm thiết... Thu thúc thủ.
Trong trại tù tập trung trên thập tuế, Thu tuổi trên tứ tuần trông tợ thất thập, thân thể  tiều tụy, thật thảm!... Tên trưởng trại tù thấy thế, thả Thu... 
  Tạm trú thiền tự thuộc thầy Thượng Tọa Thích Thiện Tâm,  Thu thường thường trầm tư, tủi thân, thút thít, than thở...  Tối tối, Thu trằn trọc, thảng thốt:
 - Trời!  Trời!... Tôi thất thế!  Tôi tiếc thuở thiếu thời, trai trẻ tươi thắm. Tôi thù trại tập trung, thù thằng trưởng trại tù... Tôi thương Tuyết Trinh tha thiết, thiên thu.  Thôi thì..., thời ta tàn tạ!...
Thân thể, tinh thần tiêu triệt, Tử Thần từ từ tiến tới, Thu thều thào: "Ta theo... Tử... Thần..." Thu thoi thóp... tắt thở... từ trần!...
Thời tiết tàn thu tối thui...
Thật thảm thương thay thân thế thầy Tôn Thất Thu!...

       Ngọc Khuê & Hồng Phi
         CA, May 25 - 2016