Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Tải Nguyệt Minh Quy - Đỗ Chiêu Đức & Bài phỏng dịch của Mailoc, Mai XThanh


                       TẢI NGUYỆT MINH QUY
                               Thơ Thiền

              Bài thơ nầy vốn có tựa là "THUYỀN TỬ HÒA THƯỢNG KỆ" 船子和尚偈, vì Đức Thành Thiền Sư, người gốc Tứ Xuyên,  là một cao tăng ở cuối đời Đường, thọ pháp với Dược Sơn Duy Nghiêm Thiền Sư. Ngày thường ẩn cư ở Tú Châu Hoa Đình, làm nghề đưa đò ở bến đò Ngô Giang, thường thả một lá thuyền con trôi theo dòng nước, tùy duyên mà độ nhật, nên người đời mới gọi là THUYỀN TỬ HÒA THƯỢNG 船子和尚 (là Hòa thượng Chèo thuyền), còn có hiệu là Hoa Đình Hòa Thượng 華亭和尚. Sư soạn 39 bài PHẤT TRẠO CA 撥棹歌 (Bài ca Chèo Thuyền) ca ngợi đời sống của Ngư dân nhưng lại ngụ Thiền lý trong các lời ca đó.
              Dưới đây là bài thứ nhất trong 3 bài Thất Ngôn tuyệt cú, là bài kệ có ý Thiền được nhiều người biết đến nhất:

                     Image result for 船子和尚偈,

                             千尺絲綸直下垂,
                             一波才動萬波隨;
                             夜靜水寒魚不食,
                             滿船空載月明歸。

                  Thiên xích ty luân trực hạ thùy,
                  Nhất ba tài động vạn ba tùy .
                  Dạ tĩnh thủy hàn ngư bất thực,
                  Mãn thuyền không tải nguyệt minh qui !

NGHĨA BÀI THƠ :
                           BÀI KỆ của HÒA THƯỢNG CHÈO ĐÒ
             Sợi tơ nhợ câu cá ngàn thước buông thẳng xuống dưới nước, nước bèn nổi lên một dợn sóng, và dợn sóng nầy lan tỏa thành muôn vạn dợn sóng khác tỏa rộng ra. Đêm yên ắng, nước lạnh căm, nên không có cá cắn câu, đành chở đầy một thuyền trăng trống không mà về!

CHÚ THÍCH :
               TY LUÂN : Dây tơ, dây nhợ, là sợi chỉ. Chữ TY là Tơ. LUÂN là Chỉ dùng để may bìa vải lại cho đừng sút xổ, mà bây giờ ta gọi là chỉ "Vắt Xổ" đó, nên LUÂN THƯỜNG là cái GIỀNG MỐI mà ta phải giữ cho cuộc sống có nề nếp. 

              3 chữ cuối của câu 1 là TRỰC HẠ THÙY, nghĩa là BUÔNG THẲNG XUỐNG, THÙY 垂 là rũ xuống.
              TẢI: là Chở, VẬN TẢI là Chuyên chở.

 Ý BÀI KỆ:  
      
        2 Câu đầu lấy ĐỘNG để tả TĨNH, động tác buông câu là động tác thật nhẹ nhàng, dây câu chạm mặt nước cũng là động tác thật nhẹ nhàng, gợn sóng phát sinh lại càng nhẹ nhàng hơn, tuy nhẹ nhàng nhưng lại lan tỏa ra thành muôn vạn dợn sóng khác, Nhất ba động, vạn ba tùy. Một Ý niệm nảy sinh, gây mầm cho muôn vạn Ý niệm khác nảy sinh, đây chính là Ý THIỀN của 2 câu thơ đầu.
        2 câu thơ cuối đều qui về một chữ KHÔNG. Đêm vắng lặng, nước lạnh lẽo, cá chẳng cắn câu, tất cả là nhân tố của cái kết quả: "Chở đầy một thuyền toàn là ánh trăng mà về!"  Thuyền đầy ánh trăng là "Sắc tức thị Không". Ánh trăng huyền ảo mông lung đẹp đẽ nhưng lại "Không có gì cả!"  là "Không tức thị Sắc" đó!

DIỄN NÔM:

                     Inline image

              BÀI KỆ CỦA HÒA THƯỢNG CHÈO THUYỀN

                    Ngàn thước dây câu vừa thả xuống,
                    Muôn ngàn dợn sóng gợn li ti.
                    Đêm thanh nước lạnh không tăm cá,
                    Chở một thuyền trăng chẳng có chi !

LẠI DIỄN:
                   Ngàn thước nhợ câu thả xuống sông,
                   Một dợn muôn ngàn sóng lăn tăn,
                   Đêm yên nước lạnh im hơi cá,
                   Chở một thuyền về chỉ ánh trăng!

                                      Đỗ Chiêu Đức

       
     Chở Trăng Về
Tơ nghìn thước dây câu sông thả,
Một sóng đầu lan toả vạn sau.
Đêm yên nước lạnh cá đâu!
Thuyền không đầy ấp trăng thâu người về.

        Mailoc phỏng dịch


 Theo Bản Dịch & Diễn Nôm Ý Bài Kệ - ĐCĐ:
1. Sắc Sắc Không Không

Chỉ tơ nghìn sợi thả buông sông
Gợn sóng lăn tăn tỏa vạn vòng
Nước lạnh đêm thanh đâu thấy cá
Thuyền đầy, chở ngập ánh trăng không...

Mai Xuân Thanh
Ngày 13 tháng 08 năm 2017

2) : Bài kệ :
 Chỉ chở Trăng không, thấy ngập thuyền

Nghìn thước dây, sông thả xuống ngang
Sóng xao cứ một tỏa lan ngàn
Đêm thâu lạnh lẽo nào đâu cá
Thuyền vớt trăng không, ngập ánh vàng

Mai Xuân Thanh
Ngày 13 tháng 08 năm 2017

Không có nhận xét nào: