Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Tiếng Lòng - Đặng Quang Tâm

 TIẾNG LÒNG

Gió thổi từng cơn gió trở chiều
Tiếng ai trong gió tiếng buồn thiu
Chiều nay nhìn lá khô rơi rụng
Chiếc lá xa cành rơi hắt hiu

Bèo dạt về đâu người nhớ người
Tình quê theo vận nước nổi trôi
Bơ vơ đất khách người mỗi ngã
Buồn ở nơi này tôi với tôi

Lưu lạc xứ người mấy chục năm
Bạn bè đứa chết đứa biệt tăm
Đứa còn sống sót trong nhà lão
Đứa hẹn đi thăm chẳng kịp thăm

Hôm qua có đứa vừa mới mất
Bữa trước còn mày nhậu với tau
Bây giờ nằm ở trong lòng đất
Biết đến bao giờ gặp gỡ nhau

Có những đêm dài không dám ngủ
Mơ màng gặp lại bạn thân thương
Những đứa bỏ thây ngoài biển cả
Những tù cải tạo chết mục xương

Bây giờ mới biết khi thua cuộc
Là cảnh tang thương cũng bắt đầu
Khi chục người cười mười người khóc
Cuộc đời dâu bể biết về đâu

Chiều nay nơi xứ người xa lạ
Nhìn lá vàng khô bay tả tơi
Ngồi đợi hoàng hôn qua vất vả
Tiếng buồn thăm thẳm tiếng lòng tôi

ĐẶNG QUANG TÂM
12-10-2019





Tro Tình Gió Bay - Thơ : Vhp.Hải Vân - Phổ Nhạc: Huỳnh Trọng Tâm

 




  Tro Tình Gió Bay

         

*

Em đốt thư như cắt từng khúc ruột,

Lệ tuôn trào không rửa sạch thương tâm.

Giận lỡ bước, tay buông niềm mơ ước,

Giờ đây em ngồi khóc chuyện trăm năm

Ôm kỷ vật đêm nằm ru giấc ngủ!

Mơ phút giây quay về ngày tháng cũ!...

*

Anh và em dù xa cách nghìn trùng,

Muôn thuở vẫn cùng chung bầu khí quyển,

Nghe chừng như hơi thở quyện đâu đây,

Tưởng môi ai còn mật đọng đong đầy.

Gió mơn trớn vẳng tiếng cười đằm thắm.

Mây ưu sầu dàn trải mắt ai say... 

 

 *

Nghe tin anh lúc trời xanh thăm thẳm

Sao lòng em sấm động khắp muôn phương!

Vuốt quà xưa như vuốt mắt người thương,

Đốt kỷ vật thay nén hương trước mộ.

Xin gởi anh tro tình thời xuân xanh

Cùng trái tim em vỡ vụn tan tành!


              Vhp.Hải Vân    

         (Cali, 11-30-2013)





Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Tình Đời - Đào Anh dũng

                            Tình Đời 

Tháng Tư cây lá đâm chồi, 

Thương anh, xót bạn nổi trôi nơi nào,

Bốn mươi năm chẵn, đớn đau, 

Mùa xuân không thấy,  

chiến bào tang thương. 

Tay chân để lại chiến trường, 

Bại thân nhục thể náu nương quê nhà,

Rày đây mai đó lết la, 

Xó đường kiếm sống cho qua tháng ngày.

Hôm kia quà nhận trên tay, 

Khắp nơi đóng góp, ơn dầy khắc ghi.

Cản ngăn đe dọa ngại gì, 

Tri ân chiến sĩ, cứu nguy năm nào.

Hôm qua tin báo thương đau, 

Chương trình giúp đỡ đi vào hư không,

Thương binh thôi hết trông mong,

Yêu thương bác ái,  

đường cong giáo điều, 

Hỡi ơi! 


Đào Anh Dũng

Tháng 4/2015 

Bàng hoàng với tin DCCT ngưng cứu trợ thương  phế binh VNCH







Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ (10): PHỤ MẪU 父母 (Đỗ Chiêu Đức)

 Tạp Ghi và Phiếm Luận : 

     NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ (10)                   PHỤ MẪU   父 母 
     
                            
                    
     
       Nhân này LỄ CHA, xin được truy nguyên về sự hình thành của chữ PHỤ 父 là CHA. Theo "Chữ Nho... Dễ học" thì chữ PHỤ thuộc dạng chữ mượn Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết như sau:

      Giáp Cốt Văn     Đại Triện       Tiểu Triện       Lệ Thư
           
Ta thấy :
            Giáp Cốt Văn và Đại Triện là hình tượng của một người đang cúi mình dang hai tay ra phía trước, một trên một dưới, ở giữa là một cây nọc dùng để xăm lổ để bỏ hạt giống gieo trồng. Đó là người lao động chính để nuôi sống gia đình, là hình tượng của NGƯỜI CHA trong xã hội nông nghiệp sơ khai. Đến Tiểu Triện thì các nét được kéo thẳng ra để tạo thành chữ viết, đến chữ Lệ của đời Tần thì chữ PHỤ 父 đã giống như chữ viết hiện nay.
        
      PHỤ 父 là CHA, là Chồng của Mẹ trong gia đình; còn ngoài xã hôi PHỤ là những bậc đáng hàng Cha Chú, như Hương Thân Phụ Lão 鄉 親 父 老 là nhóm từ dùng để chỉ "Những bậc trưởng thượng trong làng xóm". Sư Phụ 師 父 là Thầy dạy, Thần Phụ 神 父 là Ông Cha (trong nhà thờ)... Trong gia đình ta còn có:
      TỔ PHỤ 祖 父 là Ông Nội, NGOẠI TỔ PHỤ 外 祖 父 là Ông Ngoại, BÁ PHỤ 伯 父 là Bác, THÚC PHỤ 叔 父 là Chú, CỬU PHỤ 舅 父 là Cậu...  

      PHỤ khi đọc là PHỦ (dấu hỏi) còn dùng để chỉ những người già, người cao niên, được gọi một cách thân thiết và kính trọng, như :
      ĐIỀN PHỦ 田 父 : là Ông già làm ruộng, là Lão Nông ,là ông Nông dân già.
      NGƯ PHỦ 漁 父 : là Ông lão đánh bắt cá, là Ông Câu, là Ngư Ông.

      Chúa Nhật thứ ba của Tháng Sáu hằng năm, là ngày LỄ CHA (Father's Day) của nước MỸ. Ngày LỄ CHA năm nay nhằm ngày Chúa Nhật 19 tháng 6 năm 2022.
           
      Ta thường gọi ngày LỄ MẸ là NGÀY HIỀN MẪU, nên khi đến ngày LỄ CHA thì rất nhiều người theo thói quen, thay chữ MẪU bằng chữ PHỤ, và gọi ngày Lễ Cha bằng NGÀY HIỀN PHỤ ?!. Thực ra...
      Ngày Lễ Cha, Father's Day, không thể gọi là ngày HIỀN PHỤ được, vì Hiền Phụ 賢 婦 là VỢ HIỀN, chớ không phải CHA HIỀN. Muốn nói Cha Hiền thì phải gọi là TỪ PHỤ 慈 父, lấy trong thành ngữ "Phụ Từ Tử Hiếu 父 慈 子 孝", tương đương trong tiếng Nôm ta là "Cha Hiền Con Thảo". Trong gia đình phong kiến ngày xưa, ngoài việc phải nuôi sống gia đình, người Cha còn luôn luôn nghiêm khắc và nghiêm cẩn trong mọi hành vi cũng như sinh hoạt của gia đình, nên còn được gọi là NGHIÊM ĐƯỜNG 嚴 堂 hay NGHIÊM PHỤ 嚴 父. Lời dạy của Cha thì gọi là NGHIÊM HUẤN 嚴 訓, như trong Truyện Kiều, khi Thúc Ông bắt Thúc Sinh phải bỏ Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết:

             Thấy lời NGHIÊM HUẤN rành rành,
         Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.

     Theo phép lịch sự xã giao thì gọi Cha của người khác bằng LỆNH NGHIÊM 令 嚴 hay LỆNH NGHIÊM ĐƯỜNG 令 嚴 堂, còn tự xưng cha của mình với người khác là GIA NGHIÊM 家 嚴 (Ông già nghiêm nghị của nhà tôi) Nhưng bây giờ mà ta xưng hô và gọi như thế thì nghe nghiêm khắc và xa rời con cháu quá!   
      Còn một từ dùng để gọi cha ngày xưa nữa là XUÂN ĐƯỜNG (còn đọc là THUNG ĐƯỜNG) 椿 堂. Theo sách Trang Tử 莊 子, chương Tiêu Dao Du 逍 遙 遊, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum suê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình.  Khi Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, thì chàng mới...

                       Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
                 Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.
         
        Sẵn trình bày luôn về từ dùng để chỉ Mẹ, đó là từ HUYÊN ĐƯỜNG 萱 堂.  HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ nên ta có từ gọi chung CHA MẸ là XUÂN HUYÊN 椿 萱.  Khi hay tin Kiều đã bán mình chuộc cha, Kim Trọng đã vật vã khóc than đến nổi "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao", khiến cho:

                       XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,
                     Hóa ra khi đến thế nào mà hay !

                                  


      Xin được trở lại với từ HIỀN PHỤ 賢 婦 là VỢ HIỀN; như ta đã biết ở bài viết trước, chữ PHỤ 婦 là Đàn bà , là Vợ. Đây là kiểu chữ HỘI Ý, được ghép bởi bộ NỮ 女 bên trái là Cô Gái, và chữ TRỮU 帚 bên phải là Cây Chổi, với  hàm ý là cô gái mà cầm cây chổi (để quét dọn nhà cửa) là đã trở thành người chủ của gia đình rồi, đã kết hôn rồi, nên PHỤ là Đàn Bà, là Người Vợ. Vì thế mà HIỀN PHỤ là VỢ HIỀN. Vì HIỀN 賢:  Ngoài nghĩa trái với Dữ là Hiền Thục ra, Hiền còn có nghĩa là GIỎI GIANG.  Ví dụ như Hiền Thần là Bề tôi giỏi giang để phò Vua giúp nước.  Hiền Tài là người có Tài Giỏi và đây cũng là một chức sắc trong Cao Đài Giáo, nên PHỤ NỮ 婦 女 là từ chỉ chung tất cả CÁC BÀ CÁC CÔ có chồng hoặc "chổng chừa", và PHU PHỤ 夫 婦 là Vợ Chồng. Hồi nhỏ thường hay nghe Má tôi hát ru em như thế nầy:

                              Sông dài cá lội biệt tăm,
                 Phải duyên PHU PHỤ ngàn năm em cũng chờ.
                              Lòng dạ anh có nghi ngờ,
                     Mực đen giấy trắng làm tờ cam đoan.
                             Thùng thùng trống đổ vừa tan,
                         Vắng anh một bửa ruột gan rả rời !
   Nên...
       HIỀN PHỤ 賢 婦 : Chẳng những chỉ người đàn bà hiền thục, mà còn chỉ người đàn bà giỏi giang "Tướng phu giáo tử 相 夫 教 子" (Giúp đỡ phò trợ cho chồng và nuôi dạy con cái).

       Ca dao của Việt Nam ta có câu :

                        Công cha như núi Thái sơn,
               Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ! 
             
                       

      Trong văn chương không thiếu những áng văn, những bài thơ ca tụng mẹ hiền, mà lại rất hiếm, rất khó kiếm được một bài thơ, một áng văn hay ca ngợi công cha, có thể sự dịu dàng hòa ái của bà mẹ gần gũi với con cái hơn là bộ mặt lúc nào cũng "Lập nghiêm" của ông cha. Cha thì lo việc lớn hơn, ngoài việc duy trì và nuôi sống gia đình, lắm ông còn phải chăm lo việc nước, việc ngoài xã hội... 

      Sau PHỤ là MẪU : 
      Cũng theo "Chữ Nho... Dễ Học" MẪU 母 cũng là chữ từ Tượng Hình sang Chỉ Sự, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

          Giáp Cốt Văn     Đại Triện       Tiểu Triện       Lệ Thư

                 

Ta thấy :
            Giáp Cốt Văn và Đại Triện là hình tượng của chữ NỮ 女 được khép kín phần trên lại, và chấm thêm HAI CHẤM hai bên tượng trưng cho hai cái VÚ để cho con bú. Cô gái khi vú có sữa cho con bú thì đã là Mẹ rồi; đến Tiểu Triện thì kéo thẳng các nét và Lệ Thư thì đã giống như chữ viết hiện nay rồi, nên MẪU 母 là MẸ, là Má, là Vú, là U...

        Ta có rất nhiều từ để chỉ tính cách của các bà MẸ như :
      - Hiền Mẫu 賢 母 là bà mẹ hiền lành, giỏi giang.
      - Từ Mẫu 慈 母 là bà mẹ hiền hòa từ ái, bà mẹ nhân từ.
      - Lương Mẫu 良 母 là bà mẹ Lương Thiện giỏi giắn. Ta có thành ngữ  Hiền Thê Lương Mẫu 賢 妻 良 母 để chỉ Các bà vợ hiền thục giỏi giang và các bà mẹ lương thiện giỏi giắng; đây vừa là câu nói khen tặng mà cũng là tiêu chuẩn phấn đấu của các bà các cô làm sao để đạt được là Hiền Thê Lương Mẫu, là Vợ Hiền Mẹ Đãm.
      - Thân Mẫu 親 母 là bà mẹ thân thiết nhất, là Mẹ Ruột; còn Mẫu Thân 母 親 là từ kép để chỉ mẹ và để gọi mẹ... 

        Ngoài việc chỉ mẹ ruột ra MẪU còn dùng để gọi các bà mẹ nuôi dạy trẻ một cách thân thương và kính trọng như :
      - Nhũ Mẫu 乳 母 là bà vú, là bà mẹ được mướn để cho ta bú từ nhỏ. 
      - Bảo Mẫu 保 母 là bà mẹ được mướn để nuôi dạy và chăm sóc trẻ em.
      - Dưỡng Mẫu 養 母 là bà mẹ nhận ta làm con nuôi, không phải là mẹ ruột, còn được gọi là 義 母 Nghĩa Mẫu.
                 
                  

        MẪU còn dùng để chỉ các bà và các mẹ trong dòng tộc thân thích, như :
      - Tổ Mẫu 祖 母 là Bà Nội; Ngoại Tổ Mẫu 外 祖 母 là Bà Ngoại.
      - Bá Mẫu 伯 母 là Bác gái; Thúc mẫu 叔 母 hay Thẩm Mẫu 嬸 母 là Thím; Cửu Mẫu 舅 母 hay Cấm Mẫu 妗 母 là Mợ.
      - Cô Mẫu 姑 母 là Cô: Chị em gái của cha; Di Mẫu 姨 母 là Dì: Chị em gái của mẹ. Ta còn có một bà DI rất đặc biệt, đó là PHONG DI 風 姨 là Bà Thần Gió theo truyền thuyết dân gian Trung Hoa mà cụ Tản Đà đã hỏi trong bài thơ Hỏi Gió:

                   Cát đâu ai bốc tung trời ?
              Sóng sông ai vỗ cây đồi ai rung ?
                   Phải rằng DÌ GIÓ hay không ?
              Phong tình quen thói lạ lùng trêu ai ?!

        Ngoài ra, MẪU còn dùng để chỉ gốc gác hay những cái căn bản, như:
      - Mẫu Quốc 母 國 là Nước Mẹ, nước nơi mình sinh ra; Ngày xưa, các nước theo chủ nghĩa thực dân xưng với các nước thuộc địa bị cai trị là Mẫu Quốc. Như Pháp ngày xưa xưng là Mẫu Quốc của Việt Nam ta vậy.
      - Mẫu Tự 母 字 hay Tự Mẫu 字 母 là các chữ Cái dùng để ghép vần thành một chữ hay một từ, như: Mẫu Tự ABC... hay La-Đinh Tự Mẫu 拉 丁 字 母 là Các chữ cái La-tinh... 
      - Mẫu Số 母 數 là Số gốc nằm bên dưới của một phân số.  
      - Hàng Không Mẫu Hạm 航 空 母 艦 là Chiến Hạm Mẹ có cả sân bay trên đó...

        MẪU còn dùng để chỉ chung các Giống Cái, như:
      - Mẫu Kê 母 雞 là con Gà Mái. Mẫu Trư 母 豬 là con Heo Nái. 
      - Mẫu Lão Hổ 母 老 虎 là con Cọp Cái, thường dùng để ví với đàn bà hung dữ mạnh bạo.
      - Mẫu Dạ Xoa 母 夜 叉 là con Dạ Xoa Cái, thường dùng để chỉ đàn bà xấu xí hung tợn. 

        MẪU còn dùng để gọi những người đàn bà lớn tuổi một cách thân thương, như: 
      - Bần Mẫu 貧 母 là những bà mẹ nghèo nàn. 
      - Cần Mẫu 勤 母 là những bà mẹ siêng năng cần cù.
      - Phiếu Mẫu 漂 母 là những bà già giặt giũ ở bờ sông bờ suối. Bà Phiếu Mẫu nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa là bà đã chia nửa phần cơm của mình cho Hoài Âm Hầu Hàn Tín và đã được Hàn Tín trả ơn cho ngàn lượng vàng để ta có  thành ngữ Nhất Phạn Thiên Kim 一 飯 千 金 là Một bửa cơm giá đáng ngàn vàng. Cụ Nguyễn Du đã dẫn tích nầy khi Thúy Kiều báo ân báo oán đã nói với sư Giác Duyên và Mụ Quản gia rằng: 
 
                            Nhớ khi lỡ bước sẩy vời,
                  Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.
                          Nghìn vàng gọi chút lễ thường,
                    Mà lòng PHIẾU MẪU mấy vàng cho cân !



         Theo chương Tiểu Nhã, Lạo Nga của Kinh Thi 詩 經• 小 雅•蓼 莪 có bài thơ nói về CÔNG ƠN của PHỤ MẪU như sau:

          蓼 蓼 者 莪,匪 莪 伊 蒿。  
          Lạo lạo giả nga, phi nga y cao.
          哀 哀 父 母,生 我 劬 劳.   
          Ai ai PHỤ MẪU, sanh ngã cù lao.
             .........

          父 兮 生 我,母 兮 鞠 我。   
          Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã.
          拊 我 畜 我,長 我 育 我,                                                                 Phủ ngã xúc ngã, trưởng ngã dục ngã,    
          顧 我 復 我,出 入 腹 我。   
          Cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã.
          欲 报 之 德,昊 天 罔 极.    
          Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực.

* Có nghĩa :
         Cha mẹ mong ta xanh tốt như rau nga (giống như rau ngỗ của ta), nhưng ta lại giống như rau cao (giống như rau đắng của ta. Ý muốn nói là không giống được như cha mẹ mong mỏi). Thương thay cha mẹ ta, sanh ra ta thật là vất vả khó nhọc.  
         Cha sanh ra ta, mẹ thì mang nặng ta, vuốt ve ta nâng niu ta, nuôi ta khôn lớn. Chăm sóc chiếu cố ta, ra vào bồng ẵm ta. Muốn báo cái ơn đức đó của cha mẹ. thì như trời cao lồng lộng vô cùng tận. (Ý chỉ không sao báo nổi công ơn của cha mẹ đâu).

* Diễn Nôm :
             


                       Kìa xem xanh tốt rau nga,
                   Hóa ra chẳng phải đó là rau cao. 
                       Thương thương cha mẹ biết bao,
                    Nuôi ta khôn lớn cù lao nhọc nhằn.
                              .......................

                        Cha sanh mẹ dưỡng khó khăn,
                   Đẻ đau mang nặng ân cần nâng niu.
                         Ra vào bồng ẳm cưng chìu,
                   Dưỡng nuôi chăn sóc thương yêu vô ngần.
                         Làm con muốn báo thâm ân,
                   Trời cao lồng lộng khó mong đáp đền !
                                               ( ĐCĐ )

          9 chữ màu đỏ ở trên (生, 鞠 sanh, cúc, 拊, 畜, phủ, xúc, , trưởng, dục, , Cố, phục,  phúc). gọi là Cửu Tự Cù Lao 九 字 劬 劳, ta nói là: CHÍN CHỮ CÙ LAO, như trong Kiều, khi ở lầu xanh, Thúy Kiều đã:

                        Nhớ ơn CHÍN CHỮ cao sâu,
                   Một ngày một ngã bóng dâu tà tà ...         

        Mong rằng tất cả con cái trên đời đều biết phụng dưỡng kính yêu hiếu thuận với cha mẹ của mình mà không cần phải đợi đến ngày LỄ CHA, LỄ MẸ gì cả ! 

                                                        杜 紹 德
                                                     Đỗ Chiêu Đức








Cát và Em - Đào Anh Dũng

                         Cát và Em 

Tôi thấy trên bãi cát

Hình bóng em nhạt nhòa

Trong nắng chiều bát ngát

Sóng âm vang rào rạt... 

Tôi mơ gì trên cát 

Em, lộng lẫy kiêu sa

Tôi, đơn sơ ngơ ngác

Sầu dâng cao, bàng bạc... 

Tôi khoanh vòng trên cát

Quyện hai tim, đắm đuối

Sóng tràn vào dập nát

Em bao giờ tiếc nuối? 

Tôi xin làm hạt muối

Bầu bạn cùng biển khơi

Theo bể cát đầy vơi 

Mặn mà mãi, em ơi!

Đào Anh Dũng
Đầu Xuân, 2015




Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

Một Lần Hẹn Hò - Đào Anh Dũng

                            Một Lần Hẹn Hò 

Ngồi cùng chiếc băng gỗ 

Xa anh một cánh tay 

Sao em còn e thẹn 

Không cho anh choàng vai


Ô hay, đôi mắt nai 

Sao nhận thư hò hẹn 

Tan trường chờ anh đến 

Như tình đã lên men?


Ô kìa, cho anh khen 

Ghét quá, miệng có duyên

Mỉm cười nghe anh nói

Khiến lòng anh đảo điên 

Chúa ơi, em cất tiếng 

Thỏ thẻ chuyện chúng mình

Tuy gần nhưng vẫn xa 

Tự nhiên anh luýnh quýnh 

Thật vậy, anh là lính 

Treillis khoác hôm qua

Hôm kia áo học trò 

Ai đâu mà xa lạ 

Lòng anh rất thiết tha 

Trao em trọn chân tình

Bên em tim thổn thức 

Quên hẳn chuyện chiến chinh 

Nơi đây thoáng yên bình

Cầm tay em đắm say 

Giây phút đẹp tuyệt vời

Ta hưởng trọn hôm nay. 


Đào Anh Dũng

16/5/2015