Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 61 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn 61


***


Xách mé

Xách mé : không đàng hoàng

(nói xách mé, kêu xách mé)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Tiếng nói miền Nam xưa


Gạt lớp: Gạt, lừa, phỉnh…


(Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký

Nguyễn Văn Sâm chú thích từ ngữ)




Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

 

“rong rong riềng → không viết: dong”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “dong” mới đúng, dong riềng. Cây trồng, thân cỏ, lá to, màu tím nhạt, củ trông giống củ riềng. 

 

(Hòang Tuấn Công)

 

Bạt

Bạt chữ Hán có hai nghĩa: rút lên, nhẩy qua. 

Cũng có nghĩa là đoạn viết sau một cuốn sách.

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“rứt: rứt tình → không viết: dứt”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

Viết “dứt tình” mới đúng. Vì “dứt” (Hán = đoạn 斷 /tuyệt 絕); “dứt tình” = đoạn tình, tuyệt tình. Làm cho đứt sự liên hệ, lìa bỏ hẳn cái gắn bó về tình cảm, về tinh thần. Không thể dứt tình máu mủ..

           (Hòang Tuấn Công)

 


Chữ Việt cổ

Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam Quốc Âm Tự Vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó.

 

Ruốc: Thứ giống như tép rong tròn mình mà trắng


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

Cuốn sách được đặt tiêu đề: Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang - Đại học Quốc gia Hà Nội, dày 806 trang, khổ lớn. GS.TS Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lí chính tả” theo tài liệu, mà “xử lí” theo cảm tính chủ quan, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót. 

 

“sâm: sâm sấp. → không viết: xâm”. (Nguyễn Văn Khang)

 

Viết chuẩn là “xăm xắp”, [nước] ở mức không đầy lắm, chỉ đủ phủ kín khắp bề mặt. nước xăm xắp mặt ruộng ~ “Nước sông trong veo lặng lẽ trôi, mùa lũ nước sông dềnh lên xăm xắp đôi bờ cỏ cây xanh tốt.(Dương Hướng).


(Hòang Tuấn Công)

 


Chữ là nghĩa 


Câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không lịch (1) cũng vẫn người Tràng An” 

 

Câu này bị dùng một cách phổ biến hiện nay là “Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. 

 

(1) lịch ở đây là lịch lãm, lịch thiệp, hàm ý rộng hơn. 

Thanh lịch là vẻ bề ngoài.

          (Tự điển thành ngữ)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“Sập: sập sè”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

Viết chuẩn là “xập xoè”.

 

(Hòang Tuấn Công)

 


Chữ là nghĩa

Một cái xây chừng (cà phê đen nhỏ) hay một cái xây bạc xỉu (cà phê sữa nhỏ). Bạc sỉu: tiếng Hoa 白小, bạch và tiểu, âm Tầu là bạc và sỉu có nghĩa “trắng và nhỏ”, xuất phát từ vìệc uống cà phê của người Việt gốc Quảng Đông, như cà phê sữa, nhưng phần sữa nhiều hơn, cà phê ít hơn.


Cái siêu đất. một lô “phin” pha cà phê làm bằng vải mỏng, người ta quen gọi là bí tất hay vớ (dzớ). pha bằng vợt, rót vào cái siêu đất, rồi lại rót cà phê từ cái siêu đất vào một cái ly. 

Thế là đã có một ly xây chừng ngon… đáo để.

 


Trong khám Chí Hòa                                        

Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn,

Lông hồng gieo xuống nhẹ như non,

Một manh chiếu nát, thân tơi tả,

Nửa bát cơm hôi, xác mỏi mòn.

Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ,

Đêm về giấc ngủ lại thương con.

Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa,

Hồ dễ gì phai được tấc son.

(V.H.C. - Chí Hòa 1976)




Bà Đinh Thục Oanh

Vũ Hoàng Chương, phu nhân

trước ban thờ của cố thi sĩ.


(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 

Nhật Tiến)



Văn bút, nhân sự và sự kiện

Những gương mặt tiêu biểu 

Ngày 13 tháng 4 năm 1976, nhà nước CS bắt giam Vũ Hòang Chương đưa vào khám Chí Hòa. Rồi vì bệnh nặng, ông được thả về, nhưng chỉ 5 ngày sau tức ngày 6 tháng 9 năm 1976 thì ông từ trần, để lại một trong những bài thơ làm trong tù như sau:






Văn tự hà tằng vi ngã dụng

Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.

Nguyễn Du

Chẳng dùng chi được văn tài

Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ

Phút giây chết điếng hồn thơ

Nét đau mặt chữ đến giờ còn đau.

Chắc gì ba trăm năm sau

Ðã ai vào nổi cơn sầu nằm đây

Nếu không cơm đọa áo đầy

Như thân nào thịt xương nầy bỗng dưng.

Chết theo vào đến lưng chừng

Say từng mảnh rớt mê từng khúc rơi

Nửa chiều say ngất mê tơi

Khúc đâu lơ láo mảnh đời Thi Vương.

(V.H.C. - Chí Hòa 1976)



Bên lề chữ nghĩa 


Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm bằng xích lô

(Nguồn: Tôi đi đâu)



Qua với bậu

Theo Gs Nguyễn văn Sâm, chữ bậu có nghĩa là em, dùng trong cách nói thân mật. Người Nùng có tiếng bậu nghĩa là em. Người Thái có tiếng phậu cũng có nghĩa tương tợ .  

 

Người Nam kỳ nói bậu bạn, trong cách nói thân mật. Nên khi nói nó “làm bạn với…” có nghĩa là cưới vợ lấy chồng. Văn thơ Nam Kỳ dùng chữ bậu chỉ người mình thương khi nói trực diện . 

Bậu nói với qua bậu không bẻ mận hái đào,

Mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay ?


Nguồn gốc qua và bậu

Cũng theo Giáo sư Nguyyễn văn Sâm, hai tiếng qua và bậu có nguồn gốc từ tiếng Triều Châu và Nùng, Thái, Miên . Có người lại quả quyết một cách chắc nịch hai tiếng qua và bậu hoàn toàn là sản phẩm trong ngôn ngữ đặc sệt của dân Nam kỳ Lục tỉnh và cà cách sử dụng hai tiếng đó trong nói chuyện hằng ngày .

 

(Nguyễn thị Cỏ May)



Nhà văn Nhất Linh với những ấn tích

Tôi nhìn lên. Qua khung cửa hẹp của nhà liệm là mảnh trời trong và cao của thành phố Sài Gòn nơi những tia nắng đầu ngày lọc qua hàng lá me non của bệnh viện Ðồn Ðất ướp một khoảng sáng xanh dịu và tôi có ý nghĩ là qua khung cửa ấy linh hồn của bố tôi đã thanh thoát bay lên. Tôi không biết ở trong mơ hay trong hồi tưởng tôi cảm giác con tàu rùng mình vì lạnh trong đêm tôi mơ màng kéo cái chăn bông lên cằm và ở khóe mắt tôi ngọn đèn duy nhất trong phòng lung linh ngọn nến cháy trên mặt quan tài. 

 

Thi sĩ bước vào phòng. Ông mặc bộ đồ vét màu trắng ngà, cà-vạt đen, người cao gầy, gương mặt xanh xao. Chúng tôi mặc đồ đại tang. Anh Thạch khẽ hích tay và nói rất nhỏ vào tai tôi: “Thầy Vũ Hoàng Chương”. Căn phòng đầy chật người. Mùi hương trầm mặc. Trong cơn mê dại mẹ tôi chắp tay tụng kinh trước quan tài bố tôi. Ðó là buổi sáng ngày mười ba tháng bẩy năm một chín sáu ba. Cả một thành phố Sài Gòn ngưng lại nín thở chờ đợi giờ khởi hành của đám tang sẽ cử hành ngay sau khóa lễ. 

 

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương lách qua đám đông người tiến đến giữa phòng. Ông vắt cánh tay trái lên trán rồi gục đầu xuống quan tài. Ông lịm xuống rất lâu. Vai ông không rung. Tôi biết ông không khóc. Nhưng khuôn mặt xanh xao của ông toát một vẻ cực kỳ trầm lắng. 

Bàn tay phải của ông xòe rộng ve vuốt lên trên mặt gỗ. Rồi bất thần những ngón tay gầy xương của ông cụm lại, nắm chặt. 

Ông bắt đầu gõ bàn tay gân guốc lên trên quan tài. 

Cạch! Ngừng lại. Cạch cạch! Ngừng lại hồi lâu. Cạch! Cạch! Cạch! Cạch! Sau đó liên tiếp ba tiếng gõ. 

 

Phải rất nhiều năm sau này tôi mới liên hệ tiếng gõ ấy của thi sĩ Vũ Hoàng Chương với câu đối thời danh của ông và tôi tự hỏi phải chăng trong lúc gõ trên mặt quan tài bố tôi ông đã nạo hết tâm can sáng tác đôi câu đối chữ Hán bất hủ:

Sổ thập niên bút mặc thành danh; nhất khả đoạn, nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ.

Song thất dạ vân tiêu lạc phượng; tiên phong hóa, hậu văn hóa, ư trung lập ngôn.


(Chuyến tàu trong đêm - Nguyễn Tường Thiết)

 


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Đèo cao thì mặc đèo cao.
Nếu đèo cao quá ta đi đường vòng.

 


Thuở mơ làm văn sĩ

Quán cà phê Gió Bắc ở đường Phan Đình Phùng đông đảo, quán là một căn nhà mặt tiền xinh xinh, ấm cúng những chiếc ghế đẩu, bàn thấp sơn trắng. Có bóng dáng thấp thoáng một tiểu thư khá xinh, lứa tuổi chúng tôi, sua màn cửa màu xanh lơ. Mái tóc mây luôn bỏ sau lưng, kẹp hờ hững bằng chiếc kẹp inox bóng loáng, đôi khi là một chiếc nơ màu tím, theo kiểu để tóc thề gái Hà Nội. Khuôn mặt trái xoan trắng ngần, mũi dọc dừa, miệng tươi như đoá phượng vĩ, đôi mắt bồ câu trong sáng. 


Khi chúng tôi vào quán, nhiều “cây si” choai choai đã có mặt. Nhà triết nhân kiêm thi sĩ mái tóc “bồng bềnh mây khói” cùng trường tôi, mắt lơ đãng sau cặp kính trắng cắm cúi trên trang sách đặc kịt chữ Tây. Cái dáng ngồi thì “thời thượng” coi ngứa cả mắt.

Cô chủ mang hai ly cà phê ra, mùi cà phê ngon bốc khói thơm mùi bơ Bretel. Tiếng hát từ máy hát cũ phát ra tình tứ càng làm không khí trong quán thêm thơ mộng. Thơ mộng như chính lời nhạc của nhạc sĩ Hoàng Dương trong bài hát hướng về Hà Nội “Hà Nội ơi... nhớ về thành phố xa xôi. Ánh đèn giăng mắc muôn nơi... Áo màu tung gió chơi vơi...” 


Tiếng hát êm dịu và nhắc nhở nhiều đến nơi chốn chúng tôi đã được sinh ra và lớn lên nhưng chưa trọn vẹn tuổi hoa niên. Từng con đường, từng góc phố, những buổi chiều Hà Nội, Hồ Hoàn Kiếm, tất cả những hình ảnh ấy hiển hiện trong đầu chúng tôi. Chúng tôi mới xa Hà Nội mây năm trời không thể mỗi lúc quên ngay được. Cả quán cà phê đều im lặng lắng nghe. Hình ảnh cô Ngọc, cô con gái chủ quán dù bây giờ mặc áo bà ba phin nõn vẫn còn dáng dấp gái Hà Nội, mái tóc thề buông lơi.....

(Nguyễn Thụy Long)

 


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Anh biết ngày mai em lấy chồng.
Ba năm… sống thử thế là xong

 


Ngọc Thứ Lang với chữ nghĩa


Những năm 70 anh viết cho tuần san Thứ Tư của Nguyễn Đức Nhuận và nhiều báo khác với bút hiệu Ngọc Thứ Lang. Khi Nguyễn Đức Nhuận đưa cuốn The Godfather cho Ngọc Thứ Lang dịch, anh đã chọn tên Bố Già cho bản dịch. Và cuốn sách trở thành tác phẩm ăn khách của Sài Gòn những năm 71, 72. 

 

Năm 1976, anh bị bắt đi “phục hồi nhân phẩm” [?] trên Bình Triệu. Trung tâm cai ma túy nằm trong toà nhà Tu viện Fatima. Một nữ ký giả ngoại quốc đến thăm Trung Tâm ngạc nhiên khi biết Nguyễn Ngọc Tú, một con người thân tàn ma dại đang đứng trước mặt mình là dịch giả cuốn The Godfather của Mario Puzo. Cô nhà báo không tin. Và anh được phép về Sài Gòn mang cuốn sách dịch lên Trung Tâm cho cô ký giả thấy là thật.

Người ta còn nhớ khi cuốn tiểu thuyết viết về tổ chức Mafia ở Hoa Kỳ của Mario Puzo được Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ năm 1972 dưới tên Bố Già thì lập tức, như tác phẩm nguyên bản của nó, Bố Già trở thành cuốn sách ăn khách nhất thời bấy giờ, mặc dù đó là thời điểm mà cuộc chiến Việt Nam đang bước vào những giây phút ác liệt nhất, thời Phan Nhật Nam viết Mùa Hè Đỏ Lửa.

 

Người Sài Gòn rất mê cuốn tiểu thuyết Bố Già, và chờ đợi xem cuốn phim thực hiện theo tác phẩm này, thế nhưng cho đến năm 1975, chưa người Sài Gòn nào được xem phim Bố Già do Marlon Brando đóng vai Don Corleone. Cuốn phim ấy đã đi qua và mãi hơn 20 năm sau người Sài Gòn mới được xem Bố Già.

 

Với Mario Puzo, sau Bố Già ông vẫn không ngừng viết. Năm 1996, ông viết The Last Don - Bố Già Cuối Cùng, nhưng không mấy ăn khách, và tác phẩm sau chót của ông Omerta - Luật Kín Miệng được ấn hành năm 2000, cuốn sách mà tác giả không còn cơ hội nhìn thấy mặt mũi đứa con út tinh thần của mình. Cả hai cuốn sách của cùng tác giả Mario Puzo cũng không còn sức lôi cuốn như The Godfather.

            (Nguyễn Xuân Hòang)



Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn

Có một dòng sông đã qua đời 

 

Bài hát này, Trịnh Công Sơn đã nhân cách hóa “một dòng sông” và cho nó qua đời luôn. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: Dòng sông sau khi qua đời thì nó sẽ trông như thế nào?

 

Trịnh Công Sơn giải thích: “Hôm đó mình ở Đà Lạt đi qua cầu, bắt qua cầu Hồ Xuân Hương thì gặp người tình cũ đi với người yêu qua cầu. Mình nhìn thấy. mình cảm thấy sự mất mát quá lớn trong cuộc đời này… Bên cạnh đó khi đi qua cây cầu mình nhìn xuống thấy dòng nước chảy, mình nghĩ không chỉ mất người đó thôi mà mất cả dòng sông, dòng nước… mất hết cả. Cho nên cái mất mát tưởng là nhỏ nhưng cuối cùng lại lớn.

 

Cho nên có một dòng sông đã qua đời không phải chỉ là mình ví von người tình của mình là dòng sông, nhưng mà nàng đi qua một dòng sông, và mình mất nàng và mất luôn dòng sông.

 

Lúc đó dòng sông nó không còn ý nghĩa gì nữa, trước đó đẹp vô cùng tận nhưng mà từ phút đó trở đi thì không có ý nghĩa gì cả. Nó cũng là mang đến cho mình một nỗi buồn giống như sự mất mát kia. Cho nên vì vậy mới có bài có một dòng sông đã qua đời.

 

Mình nghĩ như thế này, khi ta đi qua một nơi chốn nào đó, tình cờ bạn đi qua một cái núi, bạn gặp người tình của bạn cùng đi với một người khác, thì cái núi đó cũng qua đời rồi chứ không phải dòng sông đã qua đời, núi cũng qua đời luôn”.

              

(Đông Kha)



173 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Phóng sự và tuỳ bút

Tùy bút có nghĩa tùy hứng mà phóng bút, là loại văn rất phóng khoáng. Tâm viên ý mã, lan man theo dòng tư tưởng tiện gì viết nấy, tùy suy nghĩ mà giãi bày tâm tình. 
Ý nghĩ và sự tưởng tượng miên man theo ngòi bút từ việc này lan sang chuyện khác nhẹ nhàng như làn gió thoảng, như mây trời lang thang. Một buổi chiều mưa, sương mù trên sông nước, một nơi chốn kỷ niệm, sự hối hận ray rứt hay nỗi nhớ khôn nguôi... bất kỳ cảnh vật, sự việc hay rung động của tâm hồn cũng có thể trở thành đề tài cho tùy bút.


Tùy bút có chiều dài như truyện ngắn, trong cả hai, vết tích việc làm văn biến đi mất hút trong cái tương đối và trừu tượng. Truyện ngắn cần có một câu chuyện được cấu tạo cẩn thận và thuần nhất, nhưng tùy bút không cần, nó gần như truyện không có chuyện của Katherine Mansfield. Tùy bút tuy khác nhưng rất gần gũi với truyện ngắn và thơ. Gần với truyện ngắn ở chỗ chữ nghĩa cô đọng, đãi lọc khó khăn như lối chọn từ trong thơ. Gần với thơ vì văn tùy bút mang nhiều chất thơ và có âm điệu như thơ.


Tùy bút không phải là ký sự, truyện ký, hay bút ký. 

Trong tùy bút có sự việc, có thực tại giống như ký sự, nhưng lại không lý đến yếu tố thời gian. Ghi chép sự việc là điều không quan trọng với tùy bút, nó không nhằm ghi nhận thực tại mà cũng chẳng cần đi sát với thực tại. Tùy bút cũng không phải là phiếm luận. Nó có những lý luận như phiếm nhưng là tùy hứng mà suy luận, không nhằm chủ ý biện luận. 

Tóm lại, tùy bút kết hợp mỗi thứ một chút của thể phiếm, bút ký, truyện ký, tạp ký, tạp bút, tạp luận, ký sự, truyện ngắn và thơ.  


Tùy bút phóng túng như thế nên tưởng dễ viết, ngược lại, tùy bút khó viết nhất trong các loại văn xuôi. Chọn viết tùy bút là việc làm phiêu lưu của nhà văn bởi chỉ có hai mặt: thành công hay thất bại. Tùy bút không có cốt truyện nên phải viết sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, phải tự nhiên, có duyên và ý vị. Quan trọng hơn cả, tùy bút phải có nghệ thuật cao, truyện ngắn hoặc truyện dài không hay thì vẫn là tiểu thuyết, thơ dở vẫn là thi ca, còn tùy bút thiếu nghệ thuật thì không còn là tùy bút, cũng ví như phở không có mùi phở


Đó là lý do tại sao người viết tùy bút nước ta không nhiều.


(Trần Bích San * )


- * Trần Bích San tên thật Trần Gia Thái, sinh ngày 31-8-1940.  

- Sinh quán:  Mỹ Lộc, Nam Định, Việt Nam. Mất ngày 9-1-2021.

Tác phẩm: Văn khảo (2000) - Giai thoại văn chương (2006)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Bước tới nhà em bóng xế tà.
Đặt chân vào ngõ má em la.
Lom khom dưới bếp cha tìm rựa.
Thấp thoáng xa xa bóng chổi chà.



Giai thoại làng văn

Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt - 1
Một ngày gặp gỡ. Bữa trưa uống một trận bia. Chiều đưa ông thăm chơi đó đây. Buổi tối ghé một quán vườn, rất đông anh em. 

Sáng hôm sau ông ghé tôi. Chúng tôi cùng uống cà phê, ăn sáng. Nhà tôi ngay đường Nguyễn Huệ nên nhà hàng Givral cũng gần. Xem thực đơn, ông nói: “Tôi không biết gọi gì, anh gọi dùm”. Tôi gọi cho ông ly cà phê sữa, bánh mì vuông, một đĩa thịt nguội, patê, xúc xích. Lúc này tôi cũng đang túng thiếu, nhưng tiếp ống phải “bề thế” tí chút. Chẳng lẽ mấy mươi năm ông nhai củ mì ngoài Bắc, giờ này tôi mời ông mấy củ khoai lang trộn bo bo!

Tôi nhường ông ngồi ghế bên trong, nhìn ra đường, quang cảnh góc đại lộ Lê Lợi và Tự Do. “Sài Gòn nó to rộng thế đấy”. Bên kia là Continental khách sạn thuộc loại cổ nhất Sài Gòn, nhà Hát Tây, khách sạn Caravelle. Ông mãi nhìn cảnh đẹp bên ngoài, lại nhìn đĩa thịt nguội. Chừng không muốn ăn. Tôi giục ông ăn chút gì kẻo đói bụng. Ông nói: “Anh cho tôi nhìn một hồi đã. Bao nhiêu năm tôi mới thấy cái món lạ lùng này”.

Nhìn ông, tôi lại nhớ nước mắt của ông buổi sáng hôm qua. Lúc trò chuyện, tôi nói nhỏ với Thúy V. “Em nên ngâm bài Màu Tím Hoa Sim của chính Hữu Loan để tặng ông”. Trong quán có cây đàn ghi-ta. Vũ D. đệm đàn. Tô Kiều Ngân rút cây sáo trúc “nhà nghề”, dìu giọng ngâm thơ. Giọng Thúy V. mượt mà, khá trử tình. Nghe ngâm thơ của mình, từ mấy mươi  năm bị chế độ cấm hát trên đất Bắc, Hữu Loan ngậm ngùi. Bất ngờ ông bật tiếng khóc.
Khuôn mặt như một phiến đá chỗ lòng suối cạn. Khó lòng thấm nước. Nhưng những hạt trong vắt cứ trôi xuống má. Ông có vẻ sờ soạng. Một bàn tay thò vào túi. Không có gì. 


Hai bàn tay thô tháp chỉ run run, ông kéo cái chéo áo ka-ki màu chàm, vải nhám, chừng cũng bẩn do mặc lâu ngày, đưa lên lau nước mắt. Từ rất lâu, ông không có khăn tay. Nghe rằng lúc đẽo đá, những khi lao động cực nhọc, ông chỉ có một tấm áo cũ, rách không còn dùng  được nữa, giờ dùng làm tấm khăn quàng vai, để lau “cái suối mồ hôi thân mình”.

(Cung Tích Biền)


Xoay hòn đất

Có một anh,
Biếng lười như hủi.
Cờ bạc như tinh,
Rượu chè như quỉ.
Trai gái như ranh.


(Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu)



Giai thoại làng văn

Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt - 2
Những giọt nước mắt hiếm hoi ấy, là của ai vậy?
Là của một người từng tham gia cách mạng rât sớm. Mặt trận Bình dân 1936. Phong trào Việt Minh từ 1943. Là, anh bộ đội trong Đại đoàn 304. Về Hà Nội 1954, đất nước tuy chia đôi, nhưng buổi ấy là thời ngưng tiếng súng đôi bên, Hữu Loan lại cầm bút, tại báo Văn Nghệ.
Là ai khóc vậy? Là tác giả một bài thơ khá nổi tiếng. Ngay trên đất Bắc, nơi tác giả của nó đang dâng cả một đời mình cho dân tộc, đang tận tụy phục vụ, thì bài thơ ấy bị cấm hát, cấm lưu hành dưới bất cứ hình thức nào. Lý do, một tác phẩm tiêu cực, ủy mị, thiếu tính chiến đấu, chẳng hồng không chuyên.

***
Lại lạ lùng, ngay tại miền Nam, đất thù của phương Bắc, bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc qua nhiều tựa đề khác nhau, năm này tháng khác. Dzũng Chinh [Những đồi hoa sim], Phạm Duy [Áo anh sứt chỉ đường tà], Anh Bằng [Chuyện hoa sim]. Duy Khánh - Song Ngọc [Màu tím hoa sim], Thu Hồ [Tím cả rừng chiều]…
Lịch sử, Người nước tôi, như tự sơ nguyên đã cài lắp những triền miên nội tình thù nghịch lẫn nhau, chẳng phép màu nào có thể hòa/hóa giải. Cho tới nay, vẫn là một chờ đợi khó khăn: “Giờ phán xét cuối cùng”.
 

Nhà thơ Hữu Loan qua đời vào tháng 3 năm 2010 tại quê nhà, hưởng thọ 94 tuổi.


 

Phùng Quán ra đi ngày 22-1 năm 1995. 

Trần Dần mất ngày 17 tháng 1 năm 1997. 

Cùng những ngày của mùa xuân. Phan Khôi, Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, và nhiều nữa... những thành phần trụ cột của “Đi Tìm tự do tư tưởng, đòi hỏi nhân quyền”, là đỉnh cao của văn hóa, cội nguồn, nay đã ra người thiên cổ.


Thiên cổ, là bên kia của hiện thực bên này ư? Bên kia, ai có nhớ về. Hoài niệm, bảo tôi nghĩ và viết những dòng này.

(Bến Nghé, 1987 - Cung Tích Biền)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Giữa đường nhặt cánh hoa rơi.
Lượm lên phủi phủi: "Cũ người mới ta".



Chữ nghĩa làng văn


Quang Dũng ở Phùng, ít ai hay ông là người Hà Đông hay Sơn Tây, theo Phan Lạc Tiếp với Bốn mươi năm trở lại

(…) Quang Dũng vẫn được biết đến là một nhà thơ Sơn Tây. Anh đã mang hình ảnh của Sơn Tây vào đầy ắp những thi phẩm của mình. “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn. Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng ...”. Nhưng thực ra quê hương Quang Dũng ở huyện Đan Phượng, mặc dầu thuộc tỉnh Hà Đông, nhưng lại là nơi giáp ranh với Sơn Tâỵ (…)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Cá không ăn muối cá ươn.
Thịt không tủ lạnh ba ngày thịt hư.



Chân dung hay chân tướng nhà văn? 

Phù Thăng

Một trong các nhà văn bị “tai nạn nghề nghiệp” nặng nhất phải kể đến nhà văn Phù Thăng, tên thật là Nguyễn Trọng Phu. 


Năm 1961, Phù Thăng viết tiểu thuyết Phá Vây dầy 500 trang, kể chuyện một tiểu đoàn trinh sát mở trận đánh giải vây cho đồng đội. Không may trong sách có đôi câu phát biểu bị coi là “hòa bình chủ nghĩa” khi ông cho rằng dù nhìn ở góc độ nào chiến tranh cũng không phải là điều tốt đẹp. 

Mấy năm sau, nghe nói Phù Thăng viết truyện cực ngắn có tên “Hạt thóc” kể về một gã tâm thần, từng là nhà văn, rồi chẳng biết do ngộ chữ sao đó, gã đâm ra lẩn thẩn, cứ nghĩ mình là hạt thóc hễ trông thấy gà qué ở đâu là… co cẳng chạy.


Khi nghe tin “Chân dung nhà văn“ ra đời, Phù Thăng lo cho Xuân Sách, đã gửi thư cho ông: ”Mình chưa được đọc nó, nên không biết phải nghĩ thế nào trước dư luận khen chê hiện nay, nhưng vì tôi là bạn từ thuở hàn vi, đã cùng ông trải bao điều cay đắng nên không thể “mũ ni che tai” được. Tôi thực sự lo ngại cho những ngày còn lại trên cuộc đời bão giông trong lúc lưng ông đã còng, chân ông đã mỏi, mà tôi không biết phải làm gì cho bạn trong hoàn cảnh “ốc còn chưa mang nổi mình ốc”.


Và Xuân Sách trả lời: “Từ khi cái “của quí” của tôi ra đời, tôi đã nhận được nhiều thư từ, nhiều bạn cũ bạn mới đến thăm, nhiều cuộc gặp gỡ nhưng khi nhận thư ông tôi thực sự xúc động. Nói cho cùng đời vẫn đáng sống ông ạ. Dĩ nhiên so với ông tôi có khấm khá hơn, điều đó làm tôi càng thương ông”. 

Và Xuân Sách thương Phù Thăng qua “chân dung”:


“Chuyện kể cho người mẹ nghe
Biển lửa bốc cháy bốn bề tan hoang
Đứa con nuôi của trung đoàn
Phá vây xong lại chết mòn trong vây.”


(Nhât Tuấn)



Động trung xuân
Ông người làng Động Trung, Thái Bình, mở tiệc mừng thọ. Có người đem lại tặng bức hoành khắc ba chữ: Động trung xuân
Chủ nhân treo lên được vài hôm, bỗng bảo gia đình đem xuống đem chẻ ra thành củi. Thì ra Động trung xuân, tuy có nghĩa làng Động trung vẻ xuân tươi tốt mãi, thật hợp với lời chúc thọ, nhưng trong bài thơ Thiên Thai có câu:
Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt
Thần thần khuyển phệ động trung xuân

Thì ba chữ động trung xuân đứng sau hai chữ khuyên phệ. Chủ nhân trước kia đã từng mở cửa hàng "mộc tồn", nay bị móc cái sự mình vẫn muốn quên đi từ lâu.
(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)



Rượu trong văn học 

Người Việt ta chịu ảnh hưởng của Nho gia, nên kẻ có học ngày xưa được coi thuộc dân lịch lãm thời phải biết uống rượu, làm thơ, đánh đàn, chơi cờ. Uống rượu nhiều được phong tặng là đệ tử Lưu Linh. Chính vì vậy mà các nhà văn, nhà thơ trước đây của chúng ta thường có những bài nhuốm mùi men rượu là thế.
Nguyễn Khuyến thường mượn rượu nói dùm mình:


Lúc hứng đánh thêm ba chén rượu
Khi buồn ngâm láo một câu thơ
(Lão cảm)


Chén chú chén anh chén tôi chén bác
Cuộc tỉnh say say tỉnh một vài câu
(Hỏi ông phỗng đá)

(Khuyết danh - Tết nói chuyện rượu)

 


Văn hoá ẩm thực: Xí quách

Hồi mới du nhập Việt Nam, xí quách chỉ là xương heo, nhưng sau xương bò, xương gì gì cũng được kêu tuốt là xí quách. Xương heo để nấu nước lèo hủ tiếu (phở dùng xương bò).

Xí quách là gì? Đơn giản là trư cốt. (giọng Quảng Đông)


(Ngã thuật nhi bất tác - KT)

 


Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa

Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ


Mời các bạn cùng tôi tìm về những con đường kỷ niệm của khu Tân Định và Đa Kao với những bồi hồi, rung động khó quên của thời niên thiếu và không bao giờ phôi pha, dù năm tháng có qua đi. Trước hết, xin bắt đầu là Cầu Kiệu với con đường Hai Bà Trưng đi về phía Sài Gòn. 

 

(đường Trần Quang Khải)


 

Quẹo trái ở ngã ba là đường Trần Quang Khải. Con đường nhỏ dẫn vô hẻm có tiệm bánh cuốn Thanh Trì ngay đầu ngõ.

 Rồi tới trường Văn Lang số 51 Trần Quí Khoách do thầy Ngô Duy Cầu làm hiệu trưởng. Thầy mất đúng ngày 30/4/1975. Đối diện trường Văn Lang là Cư Xá Kiến Ốc Cục Tân Định. Đi vào phía trong là chùa Vạn Thọ và một số chùa nhỏ khác. Nhìn sang bên đường là trường Trung Học Tân Thạnh của thầy Phan Út. 

         (Trần Đình Phước)



Giai thọai làng văn xóm chữ

Xanh vàng đỏ tía
Tối ba mươi, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) giả làm người học trò, đi chơi xem các câu đối ở phố phường . Chợt qua cửa nhà một người đàn bà làm nghề thợ nhuộm, thấy không có câu đối, nhà vua lấy làm lạ ghé vào hỏi. Người đàn bà bảo là góa chồng, con trai đi học xa; nhà vua liền bảo lấy giấy bút và viết hộ một đôi câu đối như sau: 
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ
Triều trung chu tử tổng ngô gia  (1) 


Dịch : 
Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ
Đỏ tía triều đình bỡi cửa ta


Mấy ngày sau, ông thượng thư họ Lương (2) đi chầu qua nhà thợ nhuộm thấy câu đối có khẩu khí như vậy thì hoảng hốt vô cùng. Vào triều, ông ta vội vã tâu ngay với vua rằng nhà nọ có ý muốn làm bá chủ thiên hạ, cần phải cho người dò xét.  Lê Thánh Tông phì cười và nhận câu đối đó là do chính tay mình viết hộ, làm cho ông Thượng họ Lương bị một phen tưng hửng.

(1) Có sách ghi tác giả 2 câu đối này là vua Thiệu Trị và hơi khác:
      Thiên địa huyền hoàng đô ngã thủ
      Triều đình chu tử tổng ngô môn

      (Đen trời, vàng đất nhờ tay mỗ, 
      Mũ tía, xiêm điều chật cửa ta)
 


(2) Cũng có lẽ là Lương Thế Vinh, người Vụ Bản, Nam Định, đỗ trạng nguyên đời Quang Thuận (1463). 


Thành ngữ tục ngữ sai 

Chùa nát nhưng có Bụt vàng, 

Tuy rằng miếu đổ thành hoàng còn thiêng 


Quan hệ trong gia đình dòng tộc, mất người này còn người khác, mất cha còn mẹ, mất anh còn em. Khẳng định dòng tộc gia đình mãi mãi tồn tại.


Câu này, Nguyễn Cừ đã lạc đề. Xin tham khảo một số dị bản: Đất sỏi có chạch vàng - Chùa đổ có Phật vàng - Chùa rách có Bụt vàng - Chùa rách Phật vàng - Chùa đất Phật vàng, v…v… Với nghĩa: Nơi nghèo nàn, khó khăn lại nảy sinh người tốt, của quý.


(Hoàng Tuấn Công)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân


tự lực cánh sinh 自 力 更 生 

Ở đây đã xẩy ra hiện tượng biến âm, chữ canh 更 (nghĩa là thay đổi) đã được đọc là cánh. Soạn giả đã không biết điều đó nên cứ điềm nhiên giải thích vu vơ rằng: cánh nghĩa là lần lượt.

Ðây vốn là một câu của Tàu, kêu gọi “hãy tự gắng sức thay đổi cuộc sống cho mình, hãy dùng sức của mình để tự giải quyết mọi vấn đề của mình”. 


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


***


Phụ đính I

Chân dung hay chân tướng nhà văn

Hồi năm 1978, ông bạn họa sĩ Trịnh Tú, lúc đó là thư ký bác sĩ Tôn Thất Tùng, GĐ bệnh viện Phủ Doãn một hôm rủ tôi:
- “Tới thăm vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường đi”
Tôi ngần ngại :
- “Có việc gì cần không ? Nếu không thì ngồi quán bà Dậu làm chén rượu chẳng hơn à ?’

Hồi đó tôi ở phố Ấu Triệu sát ngay bệnh viện Phủ Doãn nên Trịnh Tú thưởng lẻn sang rủ tôi uống rượu ở quán bà Dậu ngay đầu phố tôi. Nguyên là ông bạn vàng này mới nhờ tôi đưa bồ hắn từ Sàigòn ra thăm... Sợ ông bạn lại “sai” việc nữa, tôi giao hẹn trước:
“Tới chơi thôi, còn có việc thì thôi nhé!”
Trinh Tú cười cười:
“Tới giúp bà Mỹ Dạ, vợ ông Hoàng đi khám bệnh…”
Tôi gật gật:
“ Vậy thì được…”


(Nhật Tuấn)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Tố Hữu - 3 

Rất ít thấy đoạn thơ khủng khiếp này của Tố Hữu:  

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong, 

Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt. 

 

(Lại Nguyên Ân - 04/10/2010)

Lại Nguyên Ân sinh ngày 18-1-1945 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.. Ông là biên tập viên sách văn học, hoạt động trong tư cách nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học, cây bút biên dịch thông tin văn học nghệ thuật.



Chữ nghĩa làng văn

Con nhạn, con cò

Trong Chinh phu ngâm, Đặng Trần Côn khi tả cảnh người chinh phụ theo dõi bóng người chinh phu có câu: “Nam lai tỉnh ấp bán phong trần – Lạc nhật bình sa nhạn nhất quần”.

Bà Đoàn Thị Điểm dịch thoát là: “Nhà thôn mấy xóm chông chênh – Một đàn đậu trước ghềnh chiều hôm”.

Tại sao “nhạn” lại biến thành “”.

Vì rằng chim nhạn bay có thứ tự nên gọi là “nhạn tự”. Mùa thu đi, mùa xuân lại nên còn gọi là “hậu điểu”. 

Ta còn gọi là con mòng.

Mòng, họ cò, nên bà Đoàn Thị Điểm đã dùng “” là thế.


(Thiều Chửu)


















Không có nhận xét nào: