Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Có Một Tháng Tư - An Hoàng

            


                        

                 Có Một Tháng Tư

Có bao nhiêu THÁNG TƯ đã đi qua đời bạn và tôi, ai mà để ý làm gì! Nhưng có một Tháng Tư mà ai cũng nhớ: không phải một Tháng Tư của yêu đương, hẹn hò, lễ hội hay hôn nhân, mà là một Tháng Tư của mất mát, đau thương và thù hận: Tháng Tư Đen, Tháng Tư hận thù, Tháng Tư  oan trái, Tháng Tư mất nước... Nhưng cho dù chúng ta có gọi bằng một cái tên gì đi nữa thì cũng không hay hơn cố thi sĩ Thanh Nam, khi ông để lại cho đời hai câu thơ về Tháng Tư 1975:

                      Một năm người có mười hai tháng
                      Ta trọn năm dài một Tháng Tư...

Ông sống ở Seatle, Tiểu bang WA, nơi chúng tôi đến Mỹ ngày đầu do ông anh vợ bảo lãnh, tháng 1/1990. Thanh Nam mất năm 1985, khi mới 54 tuổi , ông là phu quân của nữ văn sĩ Túy Hồng. Thơ Thanh Nam rất hay nhưng ít người biết, còn trên cả thơ Du Tử Lê, một anh chàng háo danh, được có vài bài, còn về cả VN, ra Văn Miếu để khoe thơ mình, nơi ấy có những kẻ còn đáng thầy mình! Đúng là chở củi về rừng!
An tôi, trong bài viết hôm nay, không phải để bình thơ, mà chỉ muốn mượn hai câu thơ của Thanh Nam để nói lên cái ngày oan trái đó. Nhà thơ đã nói dùm chúng ta một oan khiên khi chúng ta bị bức tử, bị phản bội, bị đâm sau lưng vì là một cuộc chiến nằm trong thế chiến lược của Mỹ, manh nha ngay từ khi Nixon qua gặp Mao Trạch Đông năm 1972, mà kẻ dàn dựng là tên ma đầu Kissinger...
    Tôi đã viết nhiều về ngày oan nghiệt đó, nay nguồn cảm hứng    cạn kiệt, chẳng còn! Và muốn quên đi những đau thương, tang tóc mà tôi là một chứng nhân sáng 30 tháng tư 1975, chẳng những có mặt ở Sài Gòn, chứng kiến bọn chúng vào thành phố, những đoàn người chạy ngược chạy xuôi, nhìn những xác chết bên đường, hôi của, chém giết nhau, và đau lòng nhất là nhìn những người lính QLVNCH  rã ngũ, vất súng đạn,  giầy saut, áo trận, và tôi đã khóc trước vợ con mình mà chẳng hề  xấu hổ!
Hôm nay, tôi chỉ muốn viết về những anh em K20 Đà Lạt đã ra đi. Không có cái chết nào của người lính là vô nghĩa cả mà chỉ có đời vô tình và vô cảm với họ thôi! 
           Họ là những anh hùng không tên tuổi
           Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
           Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh  
           Nhưng can đảm và tận tình giúp nước...

Những câu thơ trên của Đằng Phương (GS Nguyễn ngọc Huy) mà tôi thuộc lòng từ những ngày học Trung Học trong bài Anh Hùng Vô Danh .
         Chỉ có chưa đầy 10 năm, kể từ ngày ra Trường (Tháng 11/1965- tháng 4/1975) mà đã hơn 100 con người nằm xuống trên tổng số hơn 400 bạn tốt nghiệp, con số 1/4 Khóa, là Khóa hy sinh nhiều nhất. Con số đó không phải là vô nghĩa với chúng ta, dù cho các bạn có quên tên, quên tuổi họ... những cái chết cho quê hương dân tộc, còn mãi với thiên thu, tôi vẫn mang một niềm tin như thế.

                

       Xin được vinh danh các anh. Các anh ra đi khi còn rất trẻ, tuổi đời mới ngoài 20, 30... hoài bão  tràn đầy, nhiệt huyết căng phồng trong lồng ngực, có người còn chưa vợ, chưa con... nhưng cũng có anh tình nghĩa phu thê, ra đi để  lại biết bao là đau thương, nước mắt, nghẹn ngào, dang dở...
                          Một lần ra đi
                          Ngàn năm thương tiếc...

Với hơn 100 con người đó, tôi không biết mình đã biết mặt được bao nhiêu, chỉ có Trời mới biết!  Ngay những ngày còn ở đồi 1515, tôi còn không biết hết nữa là! Sao cuộc đời lại ngắn ngủi thế này? Với các anh, chỉ có SINH và TỬ trong cái chu kỳ BỐN KHÚC của Tạo Hóa là SINH, LÃO, BỆNH, TỬ:

                  Chữ SINH, chữ TỬ thật quá gần
                  Vầng nắng ban mai vừa ló dạng
                  Quay lưng đã thấy bóng chiều tà... 

Tôi đã bao lần lên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để đưa tiễn người ra đi, đã đứng trước huyệt một những bạn K20  đọc điếu văn khi họ lìa trần... Những đau thương, mất mát đó cứ theo tôi cả một đời và hình bóng họ như cứ còn mãi trong tôi: những người anh hùng không bao giờ chết! Heroes never die.
                   Anh hùng tử, khí hùng nào tử
                   Họ ra đi, chỉ có hình hài
                   Nhưng tên tuổi, còn trong lịch sử
                   Để muôn đời vẫn gọi tên anh...

Câu nói bất tử của Thống Tướng 5 sao Mac Arthur:
                  Old soldiers never die, they just fade away
   
                 

Trước 1975, tôi có những người bạn Không Quân, những fighter pilots AD-6, A-37, HU-1B... vẫn thỉnh thoảng ngồi uống cà phê với họ trong Mây Bốn Phương Trời, Huỳnh Hữu Bạc  trong Tân Sơn Nhất  và một ngày nào nghe tin họ  "gẩy cánh":
                 Ra đi, không tìm xác rơi 
                 Ôi Không Quân vang tiếng muôn đời

Những nỗi buồn cứ chồng chất trong tôi... Họ ra đi cũng còn rất trẻ, ở tuổi Tam thập nhi lập, nhưng công danh sự nghiệp chỉ ngoài đôi cánh bay trên ngực áo!
Tôi viết những dòng chữ hôm nay để nhớ về các bạn K20 ĐÃ NẰM XUỐNG trước cũng như sau. Dù các anh đã yên nghỉ ngàn đời, xin phù hộ cho chúng tôi, những người còn sống...

                                     


                                                AN HOÀNG                                       
                                                              




Cái Bùa Hộ Mạng- Còn Nỗi Đau Nào Hơn Cho Người (Thuyên Huy)

               Cái Bùa Hộ Mạng 

       Còn Nỗi Đau Nào Hơn Cho Người

 

(Dựa từ một chút sự thật, chuyện được viết bằng tưởng tượng, người viết tự dựng lại bối cảnh và nhân vật.)

 

    Đoàn người di tản, từ Kontum Pleiku xuống từ mấy ngày đêm qua, không biết là bao nhiêu, phải nói là trùng trùng điệp điệp, cứ nối tiếp nhau, lặng lẽ đi, con đường lộ cũ, đầy bụi màu đỏ nhạt, rộng chỉ vừa một cái xe lính GMC chạy qua, chật cứng không còn khoảng trống, tay bồng tay bế, người trước kẻ sau, già trẻ bé lớn, quanh co, ngoằn ngoèo theo mặt đường, lúc cao lúc thấp, dài chắc cũng hơn cả năm mười cây số. Ở phía trước, không biết là đã đi tới đâu, mặt trời rựng lên, nắng cũng là cái nắng cao nguyên, giữa tháng ba, tờ mờ, chưa gì, đã hừng hực cao xuyên thấu sương rừng buổi sáng, pha chút bụi, xuống đất, cây cỏ dường như khô héo và gầy guộc, ướt đẩm, không thấy màu xanh, vẫn chưa đến mùa mưa.

    Mới đó mà, trời nóng gay gắt hơn, có tiếng đạn đại bác nổ dữ dội, từng chập một, khá lâu, không phải đụng trận đánh nhau, vì không nghe tiếng súng, từ phía trên xa miệt Phú Túc. Đoàn người đứng khựng lại, đưa mắt nhìn nhau chờ, rồi không ai bảo ai dừng lại. Khi ngang qua chợ Phú Thiện, phố xá không một bóng người, chỉ thấy đám quạ đen, lửng thửng bay lên bay xuống, lại qua. Hàng quán đếm không bao nhiêu cái, cửa kính cửa hở, hàng chữ tên chợ, bên dưới hình lá cờ vàng ba sọc đỏ, vẻ bằng nước sơn đã cũ, lờ mờ, ẩn hiện. Nhìn vào trong xa một chút, cái cổng sắt của đường vào chi khu quận, nằm nghiêng một bên lô cốt gát, chất đầy bao cát, sụp xuống một phần, hàng rào kẽm gai chung quanh còn nguyên. Bên trong, lác đác chòi canh và mấy dãy nhà tôn tiền chế, cửa mở toang, không có người, trên đất, rãi rác, lưa thưa, vương vải năm ba đống quân phục, nón sắt, nhuộm một màu đất ướt sũng bụi. Người ta lố nhố đứng ngồi, ngơ ngác, đăm chiêu, rã rời, lo lắng chờ, vẫn không thấy ai nhúc nhích như những lần ở các đoạn đường trước. Gần trưa, tin từ đám người phía trước truyền đi, quân cộng sản Bắc việt pháo tới tấp vào đoàn người, chỗ đường sắp tới quận Phú Túc, từ bên núi trên cao, vì trong đó, có mấy chục chiếc quân xa và quân lính của VNCH, đi trước, nghe nói nhiều người chết.

    Cũng như những lần trước, đoàn người lại tiếp tục, lầm lũi, lặng thinh, dắt díu nhau đi. Trời đã lưng lửng trưa, đứng gió nhưng bụi mịt mù bụi. Gần tới ngã rẽ vào chợ Phú Túc, họ không ngừng hẳn nhưng chậm lại rồi tản ra theo ven lề con đường, trước mặt, lố nhố năm sáu chục người ngồi gục bên những xác chết, khóc lóc, kêu gào thảm thiết, trên một khoảng đường dài chừng trăm thước. Trong kia, hơn phân nửa khu chợ sập nát, lửa vẫn còn âm ỉ cháy, đám người hơn cả trăm, tẻ ra, chạy ùa tới, nhìn quanh từng chỗ, chừng như muốn xem có người chết nào quen không. Nhớ thằng bạn cùng khóa, nhận nhiệm sở cùng ngày, Phó Quận Phú Thiện, chắc cũng đã bỏ quận đi rồi, Duy len vào, đi từ từ quanh một vòng. Ở một mé đường bên phía chợ, ngay cạnh bờ cái hố lớn, khá sâu, người đàn bà cúi người, quấn khăn màu hồng quân, bám đầy bụi đường, che kín đầu, mân mê hai bàn tay buông thòng trên ngực của cái xác chết đàn ông, nằm nửa trên nửa dưới miệng hố, lầm thầm nhưng không khóc mặc cho mấy người kế bên đó không xa, bù lu bù loa nước mắt. Duy bước lại gần, nhìn xuống cũng cùng lúc, người đàn bà quay lại, Duy giựt thót người, buộc miệng gọi “chị Đông”. Chị níu lấy tay Duy run rẩy nghẹn ngào “ông Phó, ảnh chết rồi”. Duy ngồi xuống bên xác anh Đông, nước mắt ràng rụa, lắc đầu “trời ơi”.

*

    Ra trường, Duy lên Kontum, nhận chức vụ Phó Quận Trưởng quận Kontum, thay cho một người khóa đàn anh đổi về Ninh Thuận. Mang tiếng là Quận Châu Thành nhưng nằm cách tỉnh lỵ, trên một cái đồi thấp, độ chừng hai ba cây số, không có nhà cửa gì nhiều, trừ chi khu, đối diện phía bên kia con đường, xem ra đông đảo lính tráng ra vào. Bên này ngày nào cũng như ngày nào, vắng vẫn vắng, dù ngoài đường vẫn có người có xe chạy qua chạy lại. Văn phòng quận có chừng hơn hai mươi nhân viên, nhiều chị hơn là anh, lớn tuổi hơn Duy nhiều, làm việc dưới quyền của bốn người trưởng ban. Anh Đông, Trưởng Ban Công Vụ, trẻ nhất nhưng cũng đã gần 40, anh bị thương tay trái, cong đi một chút xíu, hỏi ra, là người Kontum, dân Phương Quý, đi lính, bị thương rồi, xin được vào làm thư ký cho Tòa Hành Chánh tỉnh, sau đó xuống làm dưới quận chừng chục năm nay, hiền hậu vui tính, cởi mở. Vợ anh, chị Diên, cũng người ở đây, có cái sạp nhỏ bán quần áo ngoài đầu chợ. Hai vợ chồng không có con, nhà ở phía sau nhà thờ Chánh Tòa không mấy xa. 

   Mấy ngày đầu, đang chờ tỉnh lo xe, không như Hòa, thằng bạn cùng khóa, nhận quận Dak Tô, cái quận đã bị quân Bắc việt đánh chiếm trong chiến dịch “xuân hè năm 1972” của họ, chuyển về đèo Sao Mai, “ăn nhờ ở đậu”trên phần đất của Quận Châu Thành. Thế mà chân ước chân ráo, hôm trước hôm sau, hắn đã có được chiếc xe Ford Bronco, không mới nhưng còn ngon lành. Anh Đông sáng nào cũng lái xe Honda qua biệt điện, ngay đầu cầu vào tình lỵ, bên giòng Dakbla, con sông nước chảy ngược, nơi mấy tên công chức độc thân từ miền xa về đây làm việc ở, cho Duy quá giang đi làm. Buỗi trưa cũng vậy, tới giờ nghỉ anh đưa về lại chợ, tới nhà hàng Bạch Đằng ăn cơm, với mấy thằng bạn Trưởng Ty khác. Anh cũng nhất định mời Duy về nhà ăn cơm chiều cho bằng được, nhiều lần quá, rồi cũng phải nhận lời vài hôm, sợ anh chị buồn. Chị Diên nói với anh “thấy ông Phó, xa nhà, còn nhỏ mà thương”. Chẳng những vậy, chị còn mua một nãi chuối lớn trái, no tròn, với mấy cây nhang thơm, mang tới để Duy cùng mấy người bạn khác, đem ra cúng ở một gốc cây lớn, bên bờ sông, ngay trước cửa biệt điện, để “ra mắt vong hồn linh thiêng khuất mặt, vì là người lạ mới tới, xin phù hộ được bình an may mắn”.

    Buổi sáng, chờ mấy anh lính bên Chi Khu chuẩn bị xe, súng ống, đưa Duy xuống tham dự buổi họp, chuẩn bị bầu cử “hội đồng xã” cho xã Dak Tram, một xã đa số là người thượng sắc tộc Ba Na. Trung Tá Lộc, Quận Trưởng qua phòng làm việc của Duy, sau khi dặn dò Duy đi đứng nhớ cẩn thận, rồi cười cười hỏi “ông làm sao mà văn phòng, từ trên xuống dưới,  lúc này làm việc siêng năng và hát hò vui vẻ quá vậy”. Duy chẳng nghỉ ra điều đó, thật tình hỏi lại ông “dạ có vậy sao Trung Tá”. Ông lại cười “ông cứ kêu từng nhân viên một vào hỏi đi, họ nói cho tôi biết đó”. Ông đi ra không lâu, thì anh Đông khệ nệ cặp xách đựng giấy tờ bước vào, đứng chờ, nhưng xem ra chần chừ muốn nói gì đó, Duy đoán vậy. Chưa kịp lên tiếng, anh tháo sợi dây chỉ nhiều màu thật đẹp, giống như sợi dây chuyền đeo cổ, có treo một túi vải lụa nhỏ khoảng ba lóng tay, màu xanh dương đậm, không dầy lắm, đường chỉ may rất khéo, chậm rãi, vừa nói vừa đưa cho Duy: “đây là cái túi hay cứ gọi là bùa hộ mạng, tôi mang theo người, trên xứ rừng này, nhiều hiểm nguy, rũi ro khó đoán trước được. Ông Phó không quen nước quen cái, cho nên, tôi biếu ông. Ông mang nó để phòng thân, tai qua nạn khỏi”. Nghe anh Đông nói vậy, rồi chợt nhớ tới đọc mấy cuốn sách “Ai hát giữa rừng khuya hay Thần hỗ” của TCHYA, Duy ngờ ngợ, cầm lấy, cám ơn rồi đeo vào cổ, bỏ lòn vào trong áo thung màu xanh rêu của lính. Anh Đông khoan khoái, bỏ ra, lên ngồi trên xe trước, vì hôm nay anh tháp tùng theo Duy, và anh Đông cũng biết chút ít tiếng Ba Na, nên đỡ được nhiều chuyện. Duy  dặn anh lính người Thượng, gát phòng làm việc, nhớ đóng cửa cẩn thận trước khi về, vì chiều này có lẽ anh sẽ về trễ, không ghé lại đây. Trên đường đi, Duy hỏi anh Đông, về lời Trung Tá Lộc nói khi nãy, thì được anh cho biết “ ông Phó trước, cũng trạc tuổi anh, người Bắc, khó tánh và nghiêm nghị nguyên tắc, không khí quan quyền cho nên văn phòng làm việc lúc nào cũng im phăng phắc, ai nấy cũng ù lì ra, không hăng hái, làm cho xong việc thôi, theo kiểu hết giờ hết việc; nhưng từ hôm ông Phó lên thay, ai hát ai ca cái gì cũng được, bàn này bàn kia, ồn ào cười nói, cảm thấy hứng thú hơn trước, nhất là mấy chị cứ, một ông Phó hai cũng ông Phó, chắc vì vậy mà Trung Tá mới hỏi ông Phó”.

    Trước Tết vài ngày, trên đường xuống xã Kon Dào, họp với xã để tìm chỗ làm địa điểm hồi cư cho một số dân chạy lánh nạn, về lại quận, trời mới quá xế trưa, cũng có năm ba người lính nghĩa quân quận đi theo như thường lệ. Đám Duy bị phục kích tại một khoảng rẫy trồng mì rộng, rậm rạp không khác khu rừng, dọc đường lộ, cách ngã ba khỏi chợ xã khá xa, chắc là do quân du kích địa phương làm, vì họ bắn xối xả nhiều loạt súng trung liên nào đó, chát chúa, liên tục rồi ngưng ngay. Hai chiếc xe không hề hấn gì, Duy không sao nhưng có anh nghĩa quân ngồi cuối xe, bị đạn trúng nhẹ ở cánh tay phải, không biết có phải là do cái bùa của anh Đông cho mà Duy đeo trong người linh ứng. Sau lần thoát nạn đó, Duy cảm thấy an tâm và gìn giữ nó như là một báu vật. Buổi sáng hôm sau, khi vào văn phòng, câu đầu tiên mà anh Đông hỏi Duy là “ông Phó có đeo cái bùa theo không”.

    Trời Kontum bây giờ là mùa khô, sau Tết, như thường lệ, cuối tuần nào cũng vậy, cả đám bạn bè, Trưởng Ty, Phó Quận độc thân xa nhà như Duy, trưa Thứ Bảy, cơm nước xong, kéo nhau xuống Pleiku chơi cho đỡ buồn, vì ở dưới, ít nhất là bản doanh của Quân Đoàn 2, có này có nọ, chứ trên Kontum này, không biết vui chỗ nào, cái rạp chiếu bóng duy nhất, khi chiếu khi không, phim thì ai cũng biết rồì. Xứ gió lạnh mưa mù này thì khỏi hỏi, phố xá đi lên đi xuống, không bao lâu thì trời đã tối xầm, đèn đường vàng vàng vỏ vỏ, buồn hơn ba tiếng “buồn muôn thuở”. Xuống nhập bọn với đám ở Pleiku, ít ra cũng có Phượng Hoàng, tiếng nhạc xập xình, thương vay khóc mướn, có bài bạc, có khu Hoàng Diệu, đèn xanh đèn đỏ để mà chọn mà lựa, mặc cho đường phố mù mờ bụi đỏ. Còn ham vui, Chủ Nhật hôm sau, Duy với thằng bạn Trưởng Ty Nội An Kontum ở lại cho tới gần chiều mới chịu rời Pleiku, trong khi mấy người khác đã về trước từ giữa trưa. Trời vẫn còn nắng khi hai người ra khỏi thành phố, nhưng lại tối nhanh không ngờ. Xe ngang qua khoảng đèo Chu Pao, ngọn đồi không còn trọc như những ngày hai bên quân VNCH và cộng sản Bắc Việt quần thảo nhau, trong trận đánh họ định chiếm Kontum của năm 1972 nhưng bất thành. Súng đại liên từ một hốc đá trên đồi, bắn xối xả như mưa xuống hướng xe Duy đang tới. Thằng bạn Trưởng Ty cầm lái xe, nhấn ga phóng như điên, tối tăm mặt mũi, Duy cũng nhắm mắt cầu trời, cũng may, về tới văn phòng quận Dak Tô của Hòa, mới chịu ngừng. Hai người hú hồn ngồi trên xe thở dốc. Trời tối thật tối, Hòa cầm đèn pin cùng với thiếu tá Hiến, Quận Trưởng đi ra, nhìn nhau cười mà không nói gì hết.

    Gần giữa tháng ba, Ban Mê Thuộc mất, Trung Tá Lộc được gọi về Bộ Quốc Phòng, không biết chuyện gì nhưng trước khi từ giã quận, ông căn dặn Duy “cẩn thận, lo giữ thân, vì ông thấy tình hình này không ổn lắm đâu, có gì thì cố về Pleiku càng nhanh càng tốt”. Chưa có Quận Trưởng mới thay, nên mọi việc, do Duy và Thiếu Tá Chi Khu Phó lo liệu. Sau hôm Trung Tá Lộc đi chừng hai ba ngày, giữa đêm, quân Bắc Việt pháo và cho tràn một số quân tấn công vào tỉnh lỵ Kontum. Pháo rớt trúng chợ, khu nhà Thương Phế Binh, trên sông Dakbla, nhà ông Phó Tỉnh Trưởng, Bộ Chỉ Huy Cảnh sát, văn phòng Cố Vấn Mỹ, sát cạnh rào biệt điện, có người chết. May mắn, biệt điện chỗ Duy ở, lại không bị hề hấn gì, lính Biệt Động Quân cùng Địa Phương Quân tỉnh, chống trả mãnh liệt, ngay trên đường phố. Gần tới sáng, quân Bắc Việt rút lui, bỏ lại một số xác chết. Sáng  hôm sau, anh chị Đông chạy xe Honda qua rất sớm, lửa cháy tại mấy chỗ bị đạn, từ khuya chưa tắt dù sương đêm ướt sũng và dày đặc, anh chị mừng muốn khóc khi thấy Duy được bình an.

    Dân chúng Kontum, nhất là tại tỉnh lỵ, rục rịch bỏ đi, lúc đầu ít, rồi hàng hàng lớp lớp, sau khi nghe tin quân VNCH bỏ chuyện tái chiếm Ban Mê Thuộc, cùng lúc đó, tin từ dưới Pleiku về, bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đã di tản về Nha Trang và dân ở dưới cũng ùn ùn rời Pleiku từ mấy ngày trước rồi. Buổi họp Phượng Hoàng thường lệ của Chi Khu và Cảnh Sát quận chấm dứt một cách tẻ nhạt. Trên tấm bản đồ, chung quanh lãnh thổ tỉnh Kontum toàn là các chấm đỏ, tức là đã bị quân Bắc Việt chiếm, chỉ còn một hai chấm màu xanh, trong đó là địa phận tỉnh lỵ. Thiếu Tá Chi Khu Phó cũng như Thiếu Tá Nghệ, bắt tay Duy, lắc đầu bảo “ông Phó tính sao thì tính”, Duy gật đầu mà không biết phải nói gì. Về lại văn phòng quận, gần trưa rồi mà trời vẫn còn lành lạnh. Ngoài đường lộ, dân từ miệt trên các xã Thượng, người xe nối đuôi nhau đi về hướng chợ tỉnh, qua cầu là con đường duy nhất xuôi Nam, về Pleiku, vì ngược lên trên thì Quảng Ngải Quảng Nam không còn nữa. Duy cho họp toàn thể anh chị em nhân viên và mấy anh lính nghĩa quân canh gát văn phòng, nói lại cho họ nghe tình hình hiện tại. Ai nấy ngồi im thinh thít, ngỡ ngàng, lo lắng nhìn nhau, không ai hỏi câu gì. Cuối cùng Duy lập lại câu nói của Thiếu Tá Chi Khu Phó “mấy anh chị tính sao thì tính” trước khi cho về nghỉ sớm. Chờ họ bỏ đi hết rồi, anh Đông đẩy xe Honda ra dựng sát bên chiếc xe jeep, chờ Duy. Hai anh em lặng lẽ đứng nhìn cảnh vật chung quanh một hồi lâu, anh Đông bùi ngùi nói nhỏ “thôi, tốt hơn ông Phó nên đi sớm đi, như vậy hay hơn. Người ta đã bỏ đi hết rồi. Chúc ông Phó gặp nhiều may mắn, nhớ đeo cái bùa theo trong người ”. Duy buồn buồn hỏi lại còn anh chị thì sao, anh cười gượng “dù sao nhà cửa tụi này ở đây, nhưng rồi chắc cũng phải tính thôi, hẹn ngày gặp lại”. Hai người một lần nữa nhìn nhau, mắt đỏ hoe, rấm rức khóc. Ra tới ngoài đường, trên xe nhìn kính chiếu hậu, Duy không thấy xe Honda của anh Đông theo sau, có lẽ anh lẩn khuất đâu đó trong đoàn người vai gồng tay xách bỏ Kontum đi, mà không biết sẽ đi được tới đâu.

*

    Xế trưa, nắng vẫn nóng, không ai hỏi và cũng không ai bảo, mấy gia đình có người thân chết, trong đó có chị Diên, kéo nhau đến miếng đất cát đỏ, khá rộng, lưa thưa vài ba cây cỗ thụ cao, nằm bên cạnh hông cái nhà thờ cũ, mái ngói đã bạc màu nâu, cửa đóng kín, bám đầy bụi, cây thánh giá bằng gỗ đen trên nóc gác chuông nhỏ ngã một bên, trước sau lạnh vắng, khỏi ngã ba vào chợ quận không mấy xa. Duy lẵng lặng theo sau, đám người bắt đầu dùng mấy khúc cây khô rụng, nhặt quanh đó, hì hục đào từng lổ một, sâu vừa đủ thân người, đoàn người di tản vẫn còn ở phía trước. Giống như họ, Duy và chị Diên cũng đào xong một chỗ, đám người ngồi nghỉ tay, buồn xo nhìn xuống đất.

    Chị Diên lặng thinh, tay quẹt nước mắt, tức tưởi, sụt sùi khóc, quỳ ôm nấm mồ vừa mới đấp, Duy ngồi một bên, cũng ràng rụa. Không có mộ bia, họ lấy điểm tựa từ vách nhà thờ tính ra, đếm khoảng bằng bước chân, để biết ai nằm chỗ nào mà nhớ. Trời bắt đầu nhá nhem chiều, phía cuối đường, trên miệt Phú Bổn xuống, một đoàn người nữa, đông như kiến đang đi tới xa xa. Vừa lúc đó, đoàn người phía trước, kẻ nằm người ngồi, gọi nhau đứng dậy đi tiếp, từ từ, những người có thân nhân chết cũng bỏ theo sau gần hết. Duy chần chừ nhìn nấm mồ rồi nói với chị Diên “thôi mình đi chị Diên”, như người mất hồn, vẫn ngồi yên ở đó, chị ngước lên nhìn Duy “cám ơn ông Phó, thôi ông Phó đi đi, kẻo trễ, không kịp người ta. Tôi muốn ở nán lại với anh Đông chút nữa, rồi sẽ đi sau, chúc ông Phó đi đường bình an”.

    Duy lẵng lặng cởi sợi dây chỉ, có cái bùa hộ mạng, đã mang trong người, từ ngày anh Đông cho, ra khỏi cổ, ngồi xuống, đưa cho chị Diên. Duy đã may mắn ba lần thoát nạn, ngần ấy cũng đủ cho số phận mình, giờ phải đến phần chị có nó. Duy cầm tay chị, ngèn nghẹn “chị giữ cái này, chị cần có nó, anh Đông chắc là đang còn ở bên cạnh chị, cầu xin hương hồn anh phù hộ cho chị bình an và có một ngày nào đó, chị em mình gặp lại”, bất chợt chị òa lên khóc. Đoàn rừng người phía sau vừa lên tới, đông nghẹt trên đường, đi ngang qua, hờ hững nhìn. Duy thẩn thờ bỏ đi, mắt cay xé, xót xa lòng, từ một khoảng xa trong đoàn người lầm lũi, giữa màn đêm vừa chập chững xuống thấp, cố nhìn lại, lờ mờ, ở đó, chị Diên vẫn còn ngồi gục một mình giữa những nấm mồ mới không tên không tuổi. Đâu đây có tiếng bầy quạ đen đi đêm, kêu nhau về rờn rợn, trên trời một màu xám xịch. 

Thuyên Huy

Tháng Tư tha hương 2016






   

Ba Mươi Tháng Tư Về Ngang Trà Võ - Thuyên Huy

                     

Ba Mươi Tháng Tư Về Ngang Trà Võ

(Tưởng nhớ Nguyễn NH, người lính nằm xuống buổi sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975.) 

Ba Mươi tháng Tư người về Trà Võ

Đường đất mòn xin người nhẹ bước chân

Có bạn tôi đang nằm yên dưới đó

Quanh quẩn đâu đây không có mộ phần


Hôm đó rừng cao su chưa thay lá

Quê nhà tôi trời cũng đã tàn xuân

Buông súng trận bạn tôi ngồi hóa đá

Nhìn xa xăm giữa khói lửa chập chùng


Anh ngồi đó anh gục đầu không nói

Mắt lưng tròng lòng nặng nỗi hờn căm

Tôi đứng lặng nhìn anh không dám hỏi

Khóc theo anh cả trời đất tối tăm


Sửa lại chiến y bạc hoa dù đỏ

Anh khoát tay từ biệt bảo tôi đi

Hẹn gặp nhau cũng nơi này Trà Võ

Nếu một ngày nào đó mình có về


Xót xa lòng tôi bỏ ra đường lộ

Quay lại nhìn anh khuất hướng rừng sâu

Văng vẳng xa lẻ loi tiếng súng nổ

Quê tôi sáng hôm đó một trời sầu


Ba Mươi tháng Tư người về Trà Võ

Xin đốt giùm tôi mấy nén nhang thơm

Có bạn tôi đang nằm yên dưới đó

Cho một người đã đền nợ nước non

       Thuyên Huy

Tháng Tư xứ xa nhớ quê nhà 2021






Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Có Những Ngày Tháng... - An Hoàng

                   Có Những Ngày Tháng...

Trong cuộc sống, có những ngày tháng thần tiên nhưng chúng ta đã không nhận ra mà cứ tưởng đó chỉ là một chuyện thường ngày... đến khi nó qua rồi, mới thấy tiếc nuối, thì  nước đã qua cầu và dòng sông đã trôi ra biển. Dòng nước ấy không phải là con cá hồi, quay trở về nguồn, mà :

        BÔN LƯU ĐÁO HẢI, BẤT PHỤC HỒI

Câu thơ của Lý Bạch vẫn đúng mãi ngàn đời như một định luật của Tạo Hóa cho cả quá khứ, hiện tại và tương lai...
Chúng tôi đã sống những ngày tháng ngọc ngà đó, không phải chỉ có mười đêm như Mai Thảo (Mười đêm ngà ngọc) với mối tình vụng trộm, mà cả gần 10 năm (từ cuối 1980 tới đầu 1990) trong tình nghĩa phu thê với con cái, giữa lòng Thủ Đô yêu dấu của Y Vân:

        Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi...

Tôi từ Đất Bắc tù đầy trở về: cả hai vị nhạc phụ và nhạc mẫu đều đã qua đời, sự cô đơn của ba mẹ con đang cần một chỗ dựa,may mà có cô em dâu cùng cháu bé gái ở chung, cũng ấm áp căn nhà (chồng cô là cậu em trai út của bà xã) đã vượt biên và đang ở Mỹ.
Tôi sống được là cũng nhờ bả ra Bắc thăm 4 lần và đang chuẩn bị ra lần thứ 5 thì tôi dẫn xác về , không đến nổi thân tàn ma dại nhưng khí phách thì chẳng còn: kẻ ngã ngựa  thì có bao giờ "lên yên" được nữa!
Vợ con vui mừng vì tôi không bệnh hoạn, sáng ra vẫn còn sức chạy bộ trong con hẻm sau khi được "vỗ béo" bằng thịt cá, rau tươi, cam táo, và thuốc bổ. Đúng là ngồi mát ăn bát vàng, thân cư thê, không bị vợ chê, thế là đủ!
Ông anh vợ, pilot C-130, đi Mỹ, bỏ lại căn nhà lầu 3 phòng ngủ có máy lạnh. Chúng tôi "bất chiến tự nhiên thành", thỏa mãn niềm mơ ước "xe hơi nhà lầu ", dù chỉ được một "vế" thôi, nhưng dù có xe thì tiền đâu mà đổ xăng, và có tên tù nào về mà dám lái xe hơi, nếu không điên thì cũng khùng , còn ngu thì  cũng hết thuốc chữa!
Căn nhà ông anh mua gần một triệu bạc, ở đúng được một năm, trong một con hẻm xe hơi vào được, toàn những dân có máu mặt: Giáo sư đại học, chủ dangcing, chủ tiệm  hàng ở Cristal Palace, Giám đốc hãng Esso, chủ pharmacy... nhưng họ đã đi cả rồi. Thay vào đó là Công An và cán bộ cao cấp Cộng Sản. Tôi lọt vào giữa "thiên la địa võng", chốn hang hùm, miệng rắn, hỏi còn biết làm sao? Không lẽ ra gầm cầu hay bờ sông Sài Gòn ngủ! Có một điều là lưu manh trôm cắp không dám đến nơi đây, vì là "Tổng hành dinh bắt người" ngay trước nhà (đội BảoVệ Chính Trị của Quận Bình Thạnh), ai yếu bóng vía, có thể chết vì đau tim! Nhưng trong tử địa ấy, vẫn còn có  "cửa" để sống, cũng là nhờ cô em dâu chơi thân với bà xã anh đội trưởng mà hồ sơ đi Mỹ của chúng tôi được chuyển ra Bắc sớm để đi HO đầu tiên. Chúng tôi chả mất một cắc bạc nào, chỉ là một tia sáng cuối đường hầm. May hơn khôn, tình cảm đứng trên cả bạc vàng, chẳng giỏi  giang gì đâu, các bạn ạ!  
Tôi ở nhà trông hai đứa con, bả bay ra Bắc lấy giấy xuất cảnh đem về. Các ông anh bà chị bên bả đã ở Mỹ, gửi quà về, tháng nào chúng tôi cũng vào Tân Sơn Nhất lãnh một thùng quà. Nổi hứng, tôi mua một chiến Dream mới, chở bả đi khắp Sài Gòn - Chợ Lớn, kiếm những món mà xưa kia tôi cùng lũ bạn đã thưởng thức, cho bõ những ngày cơ cực, thân cò lặn lội ra thăm chồng, mùa đông đất Bắc hãi hùng... Tối lại chở nhau đi coi kịch Lưu Quang Vũ do các đoàn Kịch Hà Nội vào diễn (những vở kịch chửi chế độ) mà vợ chồng nhà soạn kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh cùng đứa con gái nhỏ, đã phải trả giá bằng cái chết oan uổng từ "bọn khốn" Ba Đình, một sự "diệt khẩu" rất hèn hạ và bẩn thỉu. Họ dùng xe be ủi xe Vũ lọt xuống cầu, Cộng Sản mà!
Với chúng, lúc nào HỒNG cũng hơn CHUYÊN, thà giết lầm còn hơn bỏ sót!
Trở lại chuyện ăn uống của Sài Gòn xưa, quả là ĂN CƠM TẦU (Chợ Lớn) ngon thật, không thiếu món gì, sơn hào hải vị tươi, không đông lạnh, không hóa chất, còn chuyện Ở NHÀ TÂY và LẤY VỢ NHẬT, tôi không quan tâm, chuyện bên lề! Có nói đến thì cũng lạc đề, lạc quẻ!
Hôm nay, một tô phở hai người ăn không hết! Đi tiệm không còn sự hấp dẫn vì sợ cúm Tầu, ăn uống mất ngon! Ai đó bảo: "như xưa", back to normal, tôi không tin! Niềm vui đã mất rồi như một ly nước đổ, khó mà hốt lại cho đầy.
Còn ở lại căn nhà lầu có máy lạnh đó, chưa chắc chúng tôi đã giữ được. Một ngôi nhà mà chủ bỏ đi, chúng "cướp" lại lúc nào mà chả được, luật trong tay kẻ mạnh "lúc nào cũng đúng"!
Thành ra với gần 10 năm phè phỡn ở Sài Gòn, cho là thần tiên thì cũng chỉ là nhất thời, mất tự do là mất tất cả.
Niềm vui hôm nay, chính là con, cháu trong những buổi họp mặt gia đình. Ăn uống chỉ là DIỆN mà vui mới là ĐIỂM (Theo binh thư Tôn Tử ).
Nhưng niềm riêng vẫn là bạn bè  trong những giờ phút thanh thản:

            Chúng ta mất hết chẳng còn chi
            Sự nghiệp, công danh, nói làm gì !
            Còn chút tình người nơi đất khách
            Hãy giữ gìn, đừng để mất đi...
                                                       
                                            An Hoàng  








Chôn Dầu Vượt Biển - Đào Văn Bình

                Chôn Dầu Vượt Biển

Theo thời gian, tình cảm con người có thể thay đổi. Chính sách ngoại giao có thể thay đổi nhưng lịch sử thì không thể thay đổi. Làm sao loài người có thể quên đi thảm họa mà Đức Quốc Xã, Quân Phiệt Nhật gieo lên đầu nhân loại từ 1939-1945? Làm sao người Việt Nam có thể quên đi một ngàn năm đô hộ giặc Tàu và một trăm năm nô lệ giặc Tây? Làm sao lịch sử có thể quên đi bao nỗi thống khổ mà Đảng CSVN gieo lên đầu người dân Miền Nam sau ngày 30/4/1975? Làm sao thế giới có thể quên được rằng 700,000 người Việt đã bỏ xác giữa biển khơi để 3,000,000 người Việt có mặt khắp thế giới ngày hôm nay? Một số người Việt ở hải ngoại ngày nay đã quên nhưng sử sách, tài liệu, phim ảnh thì không thể nào quên vì sử sách, tài liệu, phim ảnh nó khách quan, nó vô tư và không biết quên. Và nó sẽ sống mãi với thời gian cho đến khi loài người tận thế. 

 

Chôn Dầu Vượt Biên

Dưới ánh trăng rờn rợn.

Anh nhìn trước ngó sau.

Thằng công an không có,

Anh hối hả chôn dầu.

 

Dầu chắt chiu từng muỗng.

Mua lậu đã bao ngày.

Vượt thoát qua từng chặng.

Giờ dầu tới nơi đây.

 

Trăng chiếu sáng biển khơi.

Biển lung linh sóng bạc.

Tay nhanh nhanh đào xới.

Mồ hôi ướt đẫm rồi.

 

Chôn cây làm dấu mốc.

Xóa dấu vết chân người.

Anh lùi vào bóng tối.

Xin giã từ dầu ơi!

 

Dầu ơi, dầu thân thương.

Dầu là máu vượt biên.

Dầu là nguồn hy vọng.

Dầu đưa tới thiên đường!


(Trích Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển xb năm 2002)

Đào Văn Bình



            





Người Đi Phố Không Vui - Nguyễn Đạm Luân

     Người Đi Phố Không Vui

Người đi rồi phố cũ không vui

Quanh đây chỉ còn những ngậm ngùi

Mùa Thu cũng về rồi đâu đó

Đường quen không có lá thu rơi


Người đi rồi phố cũ vắng mưa

Không còn chuyến xe muộn bến xưa

Lối về ngậm ngùi cây cỏ lạ

Tơi tả hoa chiều gió đẩy đưa

 

Người đi rồi gác trọ ngẫn ngơ

Đèn khuya héo hắt bóng trăng hờ

Chuyện của ngày đầu giờ vô nghĩa

Vô nghĩa như tàn một giấc mơ


Nguyễn Đạm Luân

Mùa hạ về phố cũ 2019





Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Bài Hùng Ca Chiến Sử (1954 - 1975) - Phao-lồ Stephen Trần

   

                 

  BÀI HÙNG CA CHIẾN-SỬ ( 1954-1975)

                               Phao-lồ Stephen Trần 

                       *****
1.  Tổ-Quốc hỡi, ta ôm hôn mặt đất,
     Ta thích làm một chiến- sĩ hiên- ngang,
     Ta không thua tại sao phải đầu hàng?
     Ta không chết tại sao ngừng đánh giặc?
                  *****
Người cựu- binh nhìn lá cờ Tổ- quốc,
Máu trong tim ba sọc đỏ chảy dài
Da vàng hỡi, xin màu chớ nhạt phai,
Bay cao lên hỡi Hồn- thiêng Sông núi!!
                    *****
Ta không thích ngày Dương- văn- Minh tuyên- bố,
Lũ quan Tây xôi thịt đã quen rồi,
Ai chiến- trường đỗ máu lẫn mồ- hôi ?
Ai Sài- gòn ăn chơi và nhảy nhót?
                  *****
Ai tham tiền đem Quốc- gia bán đứng ?
Hại anh- hùng, sát chí-sĩ Diệm-Nhu ?
Nhất dạ Đế- Vương trác - táng lu- bù,
Ai phủ cho ngươi lá cờ vàng? Ô- nhục !!!
                  *****
                              

2._ Ta muốn dựng cờ nơi Cổ - thành Quảng- Trị,
      Nghe non sông ca- ngợi khúc khải- hoàn,
      Ta muốn về trấn- thủ cửa Thuận-An,
      Nghe gió biển thì-thào tình chiến- hữu.
                         *****
Ta muốn thấy Anh- Em về đông đủ
Lễ Tuyên- dương ngày Độc- lập năm xưa,
Đường Thống- nhất cờ xí rợp như mưa,
Vang hùng ca những chiến- binh ưu-tú.
                     *****
Rồi tản ra khắp biên- thùy trấn giữ
Súng trên vai lựu đạn ở cạnh sườn,
Gạo sấy lương khô dội nắng dầm sương,
Bảo- Quốc An Dân tình- yêu Tổ- Quốc.
                     *****
Người chiến- binh lại ra đi vì nước,
Từ đồng- bằng đến vạn nẻo sơn- khê,
Một bước ra đi chẳng hẹn trở về,
Vị tang- bồng hồ- thỉ nam nhi trái !
                   *****
Từ Cà- mau đến Gio- Linh Bến- Hải,
Từ cửa Thuận- An đến Quảng-Trị Cổ- Thành
Đường 9 Nam Lào mưa máu gió tanh,
Đại -lộ "Kinh-Hoàng" nghìn đời ôm hận!
                       *****
Ai không nhớ Huế Mậu-Thân thảm sát
Đêm năm canh than khóc cả kinh- thành
Mồ chôn tập- thể chặt cổ dân- lành
Dòng sông Hương chẳng đong đầy nước mắt!
                   *******
Một An-Khê, Đèo Cả, A-Shau, A- Lưới,
Pleiku, Đắc-Nông, Đak- suk, Đức- Cơ,
Chốn rừng sâu dân kêu khóc từng giờ
Bỏ quê- hương cùng bản làng mộ- tộc.
                    *****
Ai có nhớ một Bình-Long An-Lộc?
Xe tăng mình xe tăng địch quần nhau
Cô thợ may đã chết ở trong chùa,
Tiếng chuông mỏ chẳng cầu- an độ- thế!
                    *****
Có ai về Kampuchia Mỏ Vẹt?
Đuổi giặc tận cùng đến tận Soài- Riêng,
Đồn- điền Chum, đồn-điền Chúp, Prey- veng,
Giặc buông súng chạy tan hồn mất xác ,
                   *****
Ai có về Tân- Châu Châu- Đốc,
Tết năm nào Dân đuổi giặc thay Quân,
Mau mang đến nào bánh ít bánh chưng,
Thật nồng- ấm tình Quân- dân cá nước!
                     *****
Một U- Minh nơi rừng tràm rừng đước,
Bảy mươi chín người chiến- sĩ hy-sinh
Chắc-Cà-Đao, Cán Gáo lính lội sình,
Tìm giết giặc từng gốc tràm, gốc đước,
                     *****
Đây U- Minh Hạ cuối cùng đất nước,
Ai có về Đầm- Dơi, Sông Ông-Đốc, Năm Căn,
Suốt ngày đêm lính trận vẫn đi càn
Cá tôm rạch còn giật mình kinh- hải.
                  *****
Đây Trường-Sa Hoàng- Sa miền Đông- Hải
Bảy mươi tư người lính thủy hy- sinh
Không mồ chôn thủy - táng chết làm thinh,
Thề giết giặc vì biên-cương hải- đảo.
                  *****
3._ 50 năm qua....
Thế- sự thăng- trầm quân mạc vấn ?
Dân- tộc ta vẫn núp bóng tội- đồ,
Ta đi tìm lại những vết máu khô,
Để Con Cháu biết đâu là Chiến-Sữ !
                      *****
Cho ta nhắn đôi lời về Phương Bắc,
Hận thù nào có lúc cũng nguôi khoai,
Hãy thương dân mến nước cả muôn loài,
Tái lập- quốc vang- danh hồn Sử Việt.
                   *****
Lạy Thượng-Đế, Phật Trời xin thương-tiếc,
Giống nòi Con khổ nạn đã lâu rồi,
Xin Các Ngài ban phước báu nơi nơi,
Để Dân Con được làm Người Tử- Tế !!!!
                   *****
      (Viết tại Las-Vegas, kỷ- niệm 30-4-2021
           Phao- lồ Stephen-Trần)














THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 77 : NƯỚC (Đỗ Chiêu Đức)

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 77 : 

                         NƯỚC
                                    
                  
                   Mây thua NƯỚC tóc tuyết nhường màu da

            NƯỚC trong câu thơ trên chẳng những chỉ  MÀU của tóc mà còn chỉ cả cái TÍNH CÁCH mềm mại bồng bềnh như mâycủa tóc nữa. Kịp đến câu:

                     Một, hai nghiêng NƯỚC nghiêng thành,
                     Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

thì NƯỚC là chỉ một Quốc Gia, theo tích sau đây: Trong một lần ca hát trên yến tiệc trong cung nhà Hán, nhạc sư Lý Diên Niên đã sáng tác và ca bài hát ngắn sau đây:

       北 方 有 佳 人,           Bắc phương hữu giai nhân,
       絕 世 而 獨 立。           Tuyệt thế nhi độc lập. 
       一 顧 傾 人 城,           Nhất cố khuynh nhân thành,
       再 顧 傾 人 國。           Tái cố khuynh nhân quốc.
       寧 不 知 傾 城 與 傾 國,  Ninh bất tri khuynh thành dữ                                                            khuynh quốc,
       佳 人 難 再 得!              Giai nhân nan tái đắc !
     Có nghĩa :
                  Phương bắc có một giai nhân,
                  Riêng mình sắc đẹp tuyệt trần như tranh.
                  Nhìn thôi cái đã nghiêng thành,
                  Nhìn thêm cái nữa NƯỚC THÀNH đều nghiêng.
                  Cho dù thành nước đều nghiêng,
                  Giai nhân khó gặp khó tìm lắm thay !

                 

     Hán Võ Đế nghe xong bài hát, bất giác than rằng: "Trên đời làm sao có được một giai nhân như thế?!"  Bà chị của Hán Vũ Đế là Bình Dương Công Chúa mới giới thiệu em gái của Lý Diên Niên tấn cung. Khi triều kiến Hán Vũ Đế thấy qủa là một người đẹp tuyệt trần, lại giỏi ca múa. Từ đó cô em gái nầy của Lý Diên Niên được Hán Vũ Đế ân sủng thương yêu hơn tất cả những phi tần khác trong hậu cung. Đó chính là Lý Phu Nhân nổi tiếng đời Hán đó, nên...
   
      NƯỚC chỉ Đất Nước, chỉ Quốc Gia, chỉ Nước Nhà như trong hai câu thơ trong bài QUA ĐÈO NGANG của Bà Huyện Thanh Quan vậy:

                   Nhớ NƯỚC đau lòng con Quốc Quốc,
                   Thương Nhà mỏi miệng cái Gia Gia !

     NƯỚC đi với NON thành NƯỚC NON, cũng dùng để chỉ giang sơn đất nước, quê hương xứ sở, như khi Thúy Kiều theo Mã Giám Sinh về nơi xứ lạ, cụ Nguyễn Du đã hạ câu:

                      Những là lạ NƯỚC lạ NON,
                Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi.

    ... và khi ở lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều cũng than cho thân phận lạc loài nơi xứ lạ quê người của mình:

                     Chung quanh những NƯỚC NON người,
                     Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.
                      
             

       Rồi khi đã sa chân vào lầu xanh rồi, thì "khi tỉnh rượu lúc tàn canh, Một mình mình lại thương mình xót xa" rồi nhớ đến quê nhà:
               
                   Dặm ngàn, NƯỚC thẳm, NON xa,
              Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!                         
 
      Còn khi được Hoạn Thư gợi ý khuyên Thúc Sinh trở về Lâm Truy để sớm hôm phụng dưỡng Thúc Ông "Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn", thì chàng Thúc đã mừng rơn:

                     Được lời như cởi tất son,
            Vó câu thẳng ruổi NƯỚC NON quê người.

       NƯỚC NON còn dùng để chỉ cơ nghiệp của gia đình, có nghĩa như chữ "Giang Sơn" trong câu ca dao "Lấy chồng gánh vác GIANG SƠN nhà chồng". Khi Thúy Kiều bán mình chuộc tội cho cha đã phân bua với Vương Viên Ngoại là:

                         Lượng trên dù chẳng dứt tình,
                    Gió mưa âu hẵn tan tành NƯỚC NON.
                         Thà rằng liều một thân con,
                      Hoa dù rả cánh lá còn xanh cây.
 
     NƯỚC NON còn chỉ sự xa xôi cách trở như bị ngăn cách bởi núi sông, như chàng Kim Trọng ái mộ chị em Thúy Vân Thúy Kiều nhưng khó có cơ hội để gặp mặt, vì lễ giáo phong kiến ngày xưa nên cho dù "gần nhau trong gang tấc mà như cách trở mấy quan san":

                           NƯỚC NON cách mấy buồng thêu,
                      Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng !

                        
                   
  
     NƯỚC NON chữ Nho là Sơn Thủy, nên còn có nghĩa là Cao Sơn Lưu Thủy 高 山 流 水 là bản đàn mà Bá Nha đã đàn cho Tử Kỳ nghe khi lần đầu tiên gặp mặt (xem Điển Tích Văn Học 17: Tri Kỷ Tri Âm), nên NƯỚC NON còn chỉ những lời tri âm tri kỷ, như khi muốn nghe Thúy Kiều đàn, chàng Kim đã khẩn khoản:

                      Rằng: "Nghe nổi tiếng cầm đài,
             NƯỚC NON luống những lắng tai Chung Kỳ".

     NƯỚC NON còn là lời thề nguyền gắn bó của đôi lứa yêu nhau sẽ bền vững như núi cao nước sâu. NƯỚC NON nầy có xuất xứ từ thành ngữ "Hải thệ Sơn Minh 海 誓 山 盟", ta nói là "Thề Non Hẹn Biển" như tâm trạng Thúy Kiều lúc nhớ đến lời thề nguyền với Kim Trọng khi đã khuyên Thúc Sinh về quê thăm Hoạn Thư:

                        Tóc thề đã chấm ngang vai,
                    Nào lời NON NƯỚC nào lời sắt son.

  ... và trước khi muốn chia tay với Thúc Sinh để vượt tường đi trốn, Thúy Kiều cũng đã bộc bạch lòng mình với chàng Thúc là:

                       Bây giờ kẻ ngược người xuôi,
                Biết bao giờ lại nối lời NƯỚC NON!

     NƯỚC còn là từ dùng để chỉ mức độ, như "Đã đến NƯỚC phải liều một phen rồi!". Với nghĩa nầy cụ Nguyễn Du cũng cho Thúy Kiều thấy cuộc đời đã đến bước đường cùng khi đã lọt vào lầu xanh để phải nghe những lời dạy "Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề" nầy, khiến Thúy Kiều phải ngỡ ngàng hổ thẹn:

                       Những nghe nói, đã thẹn thùng
                    NƯỚC đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe!
                       Xót mình cửa các buồng khuê
                  Vỡ lòng, học lấy những nghề nghiệp hay!

             


        NƯỚC còn là Lượng Từ, như "đường đi NƯỚC bước" mà cụ Nguyễn Du cũng đã sử dụng với ý nầy khi tả cô Kiều bắt đầu cuộc sống ở lầu xanh với:     

                                Đòi phen nét vẽ, câu thơ,
                    Cung cầm trong nguyệt, NƯỚC cờ dưới hoa,
                                Vui là vui gượng kẽo là,
                    Ai tri âm đó mặn mà với ai ?!
     
       Khi dùng để tả cảnh trái ngang, khác thường thì ta có thành ngữ "NƯỚC ĐỤC BỤI TRONG" để nói lên cái éo le ngang trái theo tích sau đây:
       Trong thời Tam Quốc phân tranh, Tào Thực con trai Tào Tháo là một chàng trai thông minh và tài hoa rất mực, xuất khẩu thành chương nên rất được Tào Tháo yêu mến. Nhưng Tào Thực lại có tính phong lưu phóng túng, hành vi thiếu kiểm điểm và cẩn trọng, nên Tháo truyền ngôi cho Tào Phi là anh của Tào Thực. Phi không tín nhiệm Thực, luôn tìm cách để trừ Thực đi, còn Thực thì một lòng muốn đem tài năng của mình để phục vụ cho đất nước, nên viết bài thơ "Thất Ai Thi 七 哀 詩 (7 điều bi ai của mình), trong đó có đoạn như sau:

        君 若 清 路 塵,   Quân nhược thanh lộ trần,
        妾 若 濁 水 泥,   Thiếp nhược trọc thủy nê,
        浮 沉 各 異 勢,   Phù trầm các dị thế,
        會 合 何 時 偕!   Hội hợp hà thời giai !
       Có nghĩa :
                    Chàng như bụi trong trên lộ,
                    Thiếp tựa nước đục bùn dơ,
                    Trôi nổi hai bên đều khác,
                    Cùng chung hội hợp bao giờ ?!

             

     NƯỚC ĐỤC ví với mình, BỤI TRONG ví với người khác. Hai thứ ở hai vị thế khác nhau không bao giờ hòa hợp với nhau được. Cho nên khi đã thất thân với Mã Giám Sinh rồi, nhưng Thúy Kiều vẫn cảm thấy mình và "hắn ta" không bao giờ hòa hợp với nhau được, nên mới than với Vương Bà rằng:

                    Lỡ làng NƯỚC ĐỤC BỤI TRONG,
              Trăm năm để một tấm lòng từ đây !

       Để chỉ nơi thần tiên cư ngụ, ngoài từ NON BỒNG ở bài viết trước đã đề cập ra, ta còn có từ NƯỚC NHƯỢC, chữ Nho là Nhược Thủy 弱 水, là dòng nước yếu, có xuất xứ như sau:
       Theo sách "Sơn Hải Kinh" ghi lại: Phía bắc núi Côn Luân có một dòng nước rất yếu, bỏ một hột cải xuống cũng bị chìm, nên dùng để chỉ những nơi xa xôi hiểm trở chỉ dành cho thần tiên ở chứ người thường không thể ở được. Trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng của ta có câu:

                    Có phen dạo cảnh Đào nguyên,
           Vui dòng NHƯỢC THỦY, chơi miền Bồng Lai.

     Còn trong truyện Nôm khuyết danh "Nhị Độ Mai" thì có câu:

                          Cõi người NƯỚC NHƯỢC nguồn Đào,
                    Liền mây ngàn dãy, bày sao trăm tòa.

                   
              
               
     Cuối cùng, ta có NƯỚC CÀNH DƯƠNG, là "Giọt Nước Cành Dương", chữ Nho là Dương Chi Cam Lộ 楊 枝 甘 露; tức là giọt nước cam lộ trong tịnh bình của bà Quan Thế Âm Bồ Tát được rải ra bằng cành dương liễu cắm ở trong bình. Nước cam lộ có công dụng cải tử hồi sinh, tiêu trừ phiền não, bệnh tật, hàn gắn mọi đổ vỡ của nhân sinh... Trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" của cụ Nguyễn Du có câu:

                      Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
                NƯỚC tịnh bình rưới hạt Dương Chi.

      Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phan Trần" thì gọi là NƯỚC CÀNH DƯƠNG:

                       Sinh đương nấu sắt nung vàng,
             Bỗng nghe như NƯỚC CÀNH DƯƠNG tưới nhuần.

                                
                

     Còn trong Truyện Kiều thì sau khi vào tu ở Quan Âm Các, Thúy Kiều cũng cảm thấy như "Dường gần rừng tía dường xa bụi hồng", cõi lòng đã lắng đọng, nên  "Tơ duyên đâu lại còn mong, Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi" và cảm thấy rất an tâm để tu hành: 

                   Cho hay GIỌT NƯỚC CÀNH DƯƠNG,
             Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên. 

    Xin được kết thúc thành ngữ điển tích về chữ NƯỚC ở đây. Hẹn bài viết tới !


                                              杜 紹 德
                                           Đỗ Chiêu Đức