Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn 32 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

               Chữ Nghĩa Làng Văn 32

Ngộ Không Phí Ngọc Hùn


Chữ Việt cổ


Chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã biến mất trong từ vựng hiện đại


Thạp/ khạp: đồ đựng bằng đất nung


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Tiếng Việt không đơn giản - 1

 

Hỏi: hôm qua đi chùa, một vị sư giảng có câu : "Sắc không không sắc sắc thị không", nghĩa là gì vậy? Phải chăng nghĩa là phàm vật chỉ có sắc tướng đều là vật tạm, phải có một ngày hư nát? 

Đáp: Không hiểu!


Hỏi: hai chữ "Sắc Không, Không Sắc" người ta thường lẫn lộn nói rằng "Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc". Vậy 2 câu này là gì? 

Đáp: Không thông!

 

(Nguồn ĐatViet.com)


(xem thêm Sắc không, không sắc - Nguyễn Khuyến, tr 16)



Tó táy

Tó táy : luồn tay tìm tòi

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Tiếng Việt không đơn giản - 2

Hỏi :trong truyện Kiều có câu: 

"Thiều quan chín chục đã ngoài sáu mươi." 

Thiều Quang là gì, và câu đó có nghĩa là gì vậy?
 

Đáp: Thiều quang là quang cảnh đẹp đẽ của mùa xuân hay ánh mặt trời của mùa xuân. Câu đó có nghĩa mùa xuân có 90 ngày thì hôm đó đã là sáu mươi mấy ngày rồi... 


Có một câu khác ngay ở phía trên câu đó:
"Thanh Minh trong tiết tháng ba" đã nói rõ cái thời điểm đó.

(Nguồn ĐatViet.com)



Bia cây số

Bất cứ gì khắc trên bia phải thận trọng như bia cây số quy ước chung là viết đơn vị đo lường và số cách nhau một khoảng trống.


Không nên viết 14Km mà viết đúng là 14 Km.


(Nguyễn Văn Tuấn)



Viết hoa 

Ngay trong khái niệm danh từ riêng như tên của một người, có hai trường phái đối nghịch:


Cách thứ nhất: viết hoa tất cả chữ trong tên người: Nguyễn Văn Tốt hay Lê Thị Mùi.


Cách thứ hai: viết hoa họ và tên, vì hai chữ đệm trong tên “văn““thị“ dùng để xác định giới tính nam hay nữ của người mang tên ấy, không thuộc về “họ“ mà cũng không thuộc về “tên“, nên không cần phải viết hoa: Trần thị Toét hay văn Bướng.


(Nguyễn Văn Tuấn)



Đã có một thời…

Đi tìm ông nặn tượng


Nhà điêu khắc đang làm gì?

Chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn nhỏ được tạo hình bằng một gốc cây. Anh Thu bắt đầu tâm sự: 

- Tôi về Việt Nam hai năm rồi đấy, chứ không như dư luận cho rằng tôi mới về để… làm một cái gì đó”

Thái Phương hỏi thẳng thừng:
– Không phải để dựng lại tượng Tiếc Thương sao?


Nguyễn Thanh Thu cười hà hà, có vẻ khoái chí vì câu hỏi thẳng thắn này. Anh bật người ra phía sau, hất hàm hỏi lại:
– Ai cho làm mà làm? 
Thái Phương gặng tiếp:
– Nhưng anh có ý định đó không?
– Tôi về đây hai năm rồi với một hoài bão khác. Người nghệ sĩ chỉ sáng tạo một lần. Lần thứ hai không thể làm như lần thứ nhất. Nhưng nó sống được trong lòng mọi người thì tự nó còn mãi. Tôi tự hào về tác phẩm này. Dựng lại là một điều chẳng hay ho gì. “Nó” sống trong lòng mọi người là đủ.  


Chúng tôi hiểu ý anh, nhưng thật tình sống ở đây lâu, chúng tôi biết, có những điều mà những người như anh Thu hơi ngại, cần phải… “giữ mình”. Chúng tôi cũng chẳng khác gì anh. Tôi thông cảm dễ dàng, tuy nhiên cũng cố moi xem anh Thu có gặp trở ngại gì trước những dư luận đó không. Anh lắc đầu:


– Chẳng có gì đáng nói cả. Thật sự là tôi có một hoài bão đã ấp ủ từ lâu chứ chẳng phải là bây giờ mới có. Một bức tượng nói về cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long(*)


(*) xem kỳ tới bức tượng nói về cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long : Bức tượng một thôn nữ


(Văn Quang)



Đừng tưởng 

Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
Ai ơi nhớ lấy đừng quên…

(Bùi Giáng)



Đã có một thời…

Vĩnh biệt họa sĩ Thái Tuấn

Những người “anh em cũ”

Tôi đáp chuyến xe đò vào sáng sớm về Sài Gòn. Khi tôi đến nơi đã là gần trưa, 3 người con trai của anh Thái Tuấn đón sẵn, đưa vòng hoa của các bạn ở nước ngoài và chúng tôi vào bên bàn thờ người quá cố. Những cái tên rất quen của “làng văn, làng báo Sài Gòn những ngày xưa”, tôi không thể kể hết.


Người con đầu của Thái Tuấn đã ngoài 60, Thái nắm tay tôi kể:

– Bác Tú Duyên và bác Mạnh Đan vừa ở đây về thì chú tới.

Anh Tú Duyên năm nay đã 92 rồi nhưng vẫn còn khoẻ mạnh. 


(bức Trần Bình Trọng của Tú Duyên)


Thái đưa cho tôi xem mấy hàng chữ của hoạ sĩ Tú Duyên vừa ghi trong cuốn sổ lưu niệm. Nét chữ mới chỉ hơi run, nhưng lời lẽ thì vẫn còn rất trẻ: Anh viết: “Cầu cho linh hồn hoạ sĩ yên vui. Còn tôi hơn bồ 2 tuổi còn ngồi đây viết những lời như thế này. Thân chào linh hồn hoạ sĩ. Đồng nghiệp Tú Duyên. Ngày 27-9-2007”.

(Văn Quang)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Hữu duyên thiên lý i-meo lại
Vô duyên đối diện cãi nhau hoà



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Hoàng Cầm: "Hòang cầm bán rượu lậu" 

Ở ngoài đó người ta hành hạ xỉ vả Hoàng Cầm dử lắm. Một lần nọ vì Hoàng Cầm mở quán rượu để kiếm sống bị công an "mời". Hoàng Cầm đã chết vợ từ lâu, tôi không biết năm nào, nhưng đọc báo thì thấy nói như thế. Anh còn được đứa con gái chạy tần chạy tảo nuôi cha, nhưng không hiểu vì sao vợ chết không lâu anh lại mất luôn đứa con gái. Cụt mất nguồn sống và nguồn tình cảm, anh suýt gục ngả, nhưng cũng may, anh gượng đứng được và sống đắp đổi qua ngày nhờ cái quán. Bài báo mà tôi được đọc không nói rõ quán ở nơi nào? Tuy vậy bạn bè cũ và khách mới đến cũng khá khá. Thấy anh dễ thở người ta bèn kiếm chuyện. Người ta "mời" anh lên đồn "làm việc".


Người ta bảo anh làm bản kiểm thảo. Anh nói: "Tôi không biết làm kiểm thảo, tôi chỉ biết làm thơ!". Anh bị kết án ba tội. Tội thứ nhất là tội bán rượu mà nhà nước cấm. Tội thứ hai là tội bán rượu không có môn bài. Tội thứ ba là quán rượu rù quyến khách làm ngưng trệ xây dựng xã hội chủ nghĩa.


Vì chống viết kiểm thảo nên người ta bắt anh quay mặt vô tường... Báo không có nói là Hoàng Cầm phải đứng như vậy bao lâu, nhưng Hoàng Cầm vẫn không chịu viết kiểm thảo. Gan cóc tía như vậy nên anh được nhận một "danh dự" khác là mang trên cổ một tấm bìa cứng có dòng chữ "Hòang cầm bán rượu lậu" và lôi đi bêu riếu ngoài đường. Hoàng Cầm vẫn đi như thường. 


Chưa hết đâu. Họ còn chụp ảnh, phóng to dán trên đường phố. Rồi họ lục soát nhà, lấy tập thơ Kinh Bắc rồi không trả lại. 

(Xuân Vũ)



Nói lái với thơ ca, hò vè

Yêu em từ độ… méo trời
Khi nào… méo đất mới rời em ra .



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Hoàng Cầm: "Đi tìm lá Diêu Bông" 

Sau cái chết của vợ con, Hoàng Cầm có lúc đã trở thành lẩm cẩm, quên trước quên sau. Có lúc nấu cơm xong, anh bới ra cho chó ăn hết rồi nhịn đói. Có khi ăn cơm xong lại đi nấu nồi khác rồi bỏ đó… "để dành bộ đội tới thì tiếp tế". Ai hỏi tại sao nồi cơm còn đầy? Anh bảo: nồi này thuộc đời Ngũ Đế ăn hoài không hết. Nhằm lúc gặp anh đi ngoài đường, người ta hỏi anh đi đâu, anh cười: "đi tìm lá Diêu Bông". Anh bán rượu cho khách và bảo: muốn ra thơ cứ cho rượu vào. Tửu nhập, thi xuất.


Một hôm Phùng Quán tới thăm. Báo chỉ thuật lại mà không nói anh ở đâu. Phùng Quán hỏi: - Anh Hoàng Cầm có bài thơ nào mới làm cho em xin!

Hoàng Cầm lắc:

- Tôi không biết làm thơ

- Vậy lâu nay anh làm gì?

- Không làm gì hết!

- Nghĩa là sao?

- Nằm, ngồi, ngồi xong thì đứng dậy rồi đi. Chỉ có thế thì đâu gọi làm gì được!

- Đi đâu, sao không thấy anh lên Hà Nội?

- Chỗ nào có lá Diêu Bông thì đi. Hà Nội không có lá Diêu Bông nên không đi!

- Sao anh không làm thơ như trước?

- Không muốn làm nữa.


Hoàng Cầm không làm thơ nữa. Người ta chỉ muốn nhìn Hoàng Cầm như một tội nhân bán rượu lậu. Nhưng đâu có ai nhìn Hoàng Cầm với cặp mắt đó. 

Hoàng Cầm không làm thơ cũng như Thế Lữ, kiện tướng Tự Lực Văn Đoàn, người mở đầu kỹ nguyên thơ mới Việt Nam, từ sau cách mạng tháng tám đến chết không viết một câu thơ. Cấp trên có hỏi, anh đáp: "Tôi chưa chỉnh được cái đầu nên chưa làm!" . 


Xưa Thế Lữ nổi tiếng vì làm thơ, nay Thế Lữ lại nổi tiếng vì không làm thơ. Ai cũng biết và tiếc Thế Lữ không làm thơ nữa. 

Rồi tới Hoàng Cầm.

(Xuân Vũ)

 


Câu đố dân gian

Hai chân đứng, 
Hai chân quỳ,
Cái bụng chì ì;
Cấm nói con cóc?

(con ếch)



144  Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

“Nữ tướng” văn xuôi phải kể đến nhà văn Phạm thị Hoài. Hoài xuất hiện cùng với Nguyễn Huy Thiệp ở báo Văn Nghệ. Hồi đó tôi ở Sài Gòn ra, Dương Tường đưa tôi mấy truyện ngắn của Phạm Hoài Nam (tên mới ra lò của Hoài) dặn: ”cậu đọc kỹ và nhận xét coi”. Đọc xong tôi mang trả Dương Tường và chẳng hiểu sao tôi lại phán như ông thày đời: ”Con bé này cứ đi theo đường này nhất định là tắc tị…”  Mấy năm sau Phạm thị Hoài nổi như cồn với Thiên Sứ, Mê Lộ, Marie Sến… tôi thấy ân hận vì đã nhận xét bộp chộp. Hai chục năm sau nhớ lại thấy bớt áy náy, vì suy cho cùng văn tài nào chẳng tới lúc… tắc tị?.


Sau này Phạm thị Hoài sang Đức làm Talawas, diễn đàn văn học nghệ thuật bậc nhất. Tuy bận rộn Hoài vẫn viết tiểu luận, và vẫn viết hai truyện ngắn xuất sắc: “Cam Tâm” và “Ám thị”. 

Có lần về VN, Hoài tìm tới cơ quan tặng tôi cuốn Marie Sến. Tôi treo cuốn này ở ghi đông xe đạp vừa đạp vừa ngẫm nghĩ về nó, tới lúc quẹo trái, mải nghĩ bị xe máy phía sau tông hắt bắn lên trời cả người lẫn sách, nằm liệt cả tháng, sau cứ nhìn thấy Marie Sến của Hoài lại giật mình thon thót nghĩ tới lúc hút chết.


Xuân Sách hiểu khá rõ Phạm thị Hoài:
Dẫu chín bỏ làm mười
hay mười hai cũng mặc
Chẳng ai dung thiên sứ đất này
Dụ đồng đội vào trong mê lộ
Rồi bỏ đi du hí đến năm ngày.


(Chân dung hay chân tướng nhà văn? – Nhật Tuấn) (*)

(*) Nhật Tuấn là em nhà văn Nhật Tiến

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Buồn buồn tự tử… chết chơi

Ai dè... chết thiệt buồn ơi là buồn

 


Về khúc Tống Biệt

Lá đào rơi rắc lối thiên thai,

Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!

Nửa năm tiên cảnh,

Một bước trần ai,

Ước cũ duyên thừa có thế thôi!

Đá mòn, rêu nhạt,

Nước chảy, huê trôi,

Cái hạc bay lên vút tận trời!

Trời đất từ đây xa cách mãi.

Cửa động,

Đầu non,

Đường lối cũ,

Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

            (1922)


Tống Biệt là bài Từ khúc theo điệu Hoa phong lạc, rút từ vở chèo Thiên Thai, có thể coi là một bài toàn bích. Vì đây là vĩnh biệt (từ đây xa cách mãi), bài thơ có nhịp chân bước quyến luyến mà chậm rãi, dường như ung dung. Văn khí trong thơ thay đổi luôn, câu ngắn thì như nấc như nghẹn, câu dài thì như tiếng than não nuột của chia tay nhau giữa cảnh trời đất mênh mông...



Tên đường phố Sàigòn năm 1956

Bờ sông Sàigon được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử, ghi nhớ những trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Mông cổ, chống nhà Nguyên cuả Hưng Đạo Đại Vương.

 

Cụ Nguyễn Du, mà thầy đồ Thiệp, người dạy học vỡ lòng cho tôi, khi nói chuyện với cha tôi, bao giờ cũng gọi với danh xưng cụ Tiên Điền. Vậy phải tìm đường nào đặt tên cho xứng? Tôi thấy con đường vừa dài vừa có nhiều biệt thự đẹp, với hai hàng cây rợp bóng quanh năm, lại đi ngang qua công viên đẹp nhất Saigon, vườn Bờ Rô, thì quá xứng đáng. Không có đường nào thích hợp hơn. Tuyệt! Vườn Bờ Rô cũng được đổi tên thành vườn Tao Đàn làm cho đường Nguyễn Du càng thêm cao sang. Vua Lê Thánh Tôn, người lập ra Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, cũng cho mang tên một con đường ở trung tâm thành phố.

 

Trường nữ trung học Gia Long lớn nhất Sài gòn thì, (trớ trêu thay?), lại mang tên ông vua sáng lập nhà Nguyễn. Có lẽ nhà văn Thuần Phong muốn làm một chút gì cho trường nữ trung học có thêm nữ tính, nên đã đặt tên hai đường song song nhau cặp kè hai bên trường bằng tên của hai nữ sĩ: Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm. Thẳng góc với hai đường Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm là đường Hồ Xuân Hương. Ba nữ sĩ nằm bên cạnh nhau, thật là có lý, nhưng có lý hơn nữa có lẽ là đường Hồ Xuân Hương đi ngang qua bệnh viện Da Liễu. Tác giả những câu thơ Vành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại hai bên thịt vẫn thừa” mà cho mang tên đường có… bệnh viện Da Liễu.

 

Ông nhà văn trưởng phòng Họa đồ quả là sâu sắc. Mãi sau này đọc tiểu sử ông, mới hết thắc mắc làm sao chỉ là một công chức như tôi mà ông đã làm được việc quá xuất sắc và hi hữu này.

Vì ông là nhà văn.


(Nguyễn Văn Luận)



Phố Tản Đà

Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là… thực sĩ nữa.

(Phố của thành phố – 1957 Bình Nguyên Lộc)



Tên đường phố Sàigòn sau năm 1975


Từ 1954 đến 1964, sở Văn hóa Hà Nội thành lập Ban tên phố với “nhậy cảm” và “tế nhị” bỏ tên phố mang tên vua quan thời Nguyễn, thay vào tên chiến địa (Bắc Sơn, Điện Biên Phủ, v…v…). 

 

Phố Nguyễn Hữu Huân tên xưa là phố Bè Thượng (người Pháp đặt tên là Rue de la Digue). Năm 1955 gọi là phố Phan Thanh Giản. Bởi chưng sử gia miền Bắc bài bác Phan Thanh Giản hê lụy với người Pháp nên họ đưa Nguyễn Hữu Huân thay thế. 

 

Nguyễn Hữu Huân (1830-1875), quê Chợ Gạo, tỉnh Định Tường, ông dự thi Hương (cử nhân) và đỗ đầu, nên được gọi là Thủ khoa Huân. Ông khởi nghĩa chống Pháp ở các tỉnh miền đông Nam kỳ, ông bị Pháp xử chém năm 1875 tại Định Tường.

Từ Hà Nội vào Sài Gòn, phố Phan Thanh Giản cũng đã đi vào chiến địa với tên Điện Biên Phủ. 



Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Nhà thờ cổ nhất

Nhà thờ Chợ Quán tại 20 Trần Bình Trọng, xây dựng từ năm 1674 là nhà thờ cổ nhất tại Sài Gòn cổ nhất ở miền Nam. Ngôi thánh đường có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1000 người. Trải qua hơn 3 thế kỷ, nhà thờ Chợ Quán đã được trùng tu nhiều lần. 


Sài Gòn xóm

Thuở ấy, Sài Gòn xóm chưa có nước máy vào nhà, chưa có cột đèn dẫn điện vào các hẻm. Ngoài nước giếng, người dân quen xài nước máy công cộng. Cứ ba bốn hẻm, lại có một “phông ten”. Trong khu chợ Bàn Cờ, giữa hẻm 212 Nguyễn Thiện Thuật có một “phông ten” nước, vừa xài cho xóm, vừa xài cho chợ. 

Tại đấy, từ sáng đến tối đều đông chật người. Các bà, các chị gánh nước thuê, đầu đội nón lá, mặc áo bà ba, xắn ống quần cao để lộ bắp đùi rắn rỏi. Hai thùng nước sóng sánh, đong đưa nhịp nhàng trên đòn gánh. Đó là loại thùng thiếc vuông của các hãng nước mắm, dầu dừa, dầu hôi..., bây giờ rất hiếm thấy. 


Hầu như ngày ấy, nhà cửa trong xóm không có cảnh “kín cổng cao tường”. Bởi lẽ đơn giản, nhà trong xóm, không có cổng, không có tường rào. “Nhà cây” có mành tre hay mành gỗ cũng chỉ để che nắng. Hiên nhà là nơi đặt mấy chiếc ghế cũ hay “bộ ngựa” để người nhà hay hàng xóm ngồi chơi. Đặc biệt, trước hiên nhà thường có một giá thờ đơn giản nhưng trang trọng, gọi là bàn thờ Ông Thiên. Trên đấy, bao giờ cũng có một bát nhang và một cây đèn hột vịt. Người trong xóm tin các vong hồn phiêu lạc và tà ma nào đấy trông thấy khung cảnh thiêng liêng đó sẽ phải tránh xa. 

Ở nhiều nhà, còn để một khạp nước có nắp đậy cẩn thận, kèm theo chiếc gáo dừa để khách đi qua cứ tự nhiên múc uống. 


(Phúc Tiến)



Xóm Gà

Đường Ngô Tùng Châu (trước là đường làng 20 không đèn) có hai hàng cây sao hai bên đường, hoa sao có hai cánh nâu lúc rơi quay như bông vụ khi có gió thổi nhiều, học trò đi học về, nhặt hoa thẩy tung lên biến thành cả đàn chim cánh nâu tung bay quây tròn đẹp mắt. 


Trên đường Ngô Tùng Châu củng có một đặc điểm thời đó là nhà hàng cây vườn bán thịt dơi, gọi là Quán Dơi, theo tôi đuợc biết đây là quán dơi đầu tiên ở Sài Gòn-Gia Định, chuyên bán nhiều món thịt dơi, sau đó một thời gian thì đóng. 


Ngay ngả tư Xóm Gà và “bót” cảnh sát Nguyễn Văn Gặp có một tiệm mì-hủ tiếu-xíu mại-dầu chao quẩy-bánh bao, điển hình cho những tiệm ăn Tàu ở các ngả tư, đông người qua lại thời đó. 


Đường Lê Quang Định Xóm Gà đi về hướng về ngả tư Bình hoà, có nhà ông Thầy Nước Lạnh, ngày xưa , người ta đồn rằng  nước lạnh được ông làm “phép” trị bá bịnh. Dân chúng có một thời đổ xô tới đây tràn cả ra đường, nhiều khi đến hổn loạn, ngày nào cảnh sát cũng phải đến giữ trật tự. 

(Y Nguyên-Mai Trần)



Ghép chữ Nôm 

Tài hơn nữa, ta đem một chữ rất thường dùng ghép với một chữ khác để cấu-tạo thành không biết bao nhiêu chữ kép với những nghĩa đầy lý thú: 


Như một chữ “ăn” đem ghép thành: 

ăn bám, ăn bận, ăn bẩn, ăn bòn, ăn bốc, ăn bớt, ăn cắp, ăn có, ăn cỗ, ăn cơm, ăn cưới, ăn cướp, ăn cháo, ăn chay, ăn chạy, ăn chắc, ăn chận, ăn chẹt, ăn chịu, ăn chơi, ăn chùa, ăn chực, ăn dè, ăn đêm, ăn đòn, ăn đút, ăn đứt, ăn gian, ăn giỗ, ăn hại, ăn hàng, ăn hiếp, ăn kiêng, ăn khao, ăn khem, ăn khín, ăn khớp, ăn lãi, ăn lạt, ăn lận, ăn lời, ăn lương, ăn lường, ăn mày, ăn mặc, ăn mặn, ăn mót, ăn mừng, ăn nằm, ăn nói, ăn ngủ, ăn nhậu, ăn nhín, ăn nhịp, ăn nhờ, ăn ở, ăn quịt, ăn rơ, ăn sương, ăn tạp, ăn Tết, ăn tiệc, ăn tiền, ăn thề, ăn thua, ăn trộm, ăn trớt, ăn uống, ăn vạ, ăn vã, ăn vặt, ăn vận, ăn vụng, ăn xài, ăn xén, ăn xin, ăn xổi, ăn ý...

(Tiếng Việt hồn Việt – Lê Thương)



Sài Gòn một chút quán xá 

Quán Hương Lan

 

Hồi đó, trước cửa Bưu điện Sài Gòn có hai quầy bán bánh mì mà người ta quen gọi là bánh mì Bưu điện, quầy nằm bên phải hình như có tên là Hương Lan (Nguyễn Văn Ngãi), bán những ổ bánh mì con cóc nhỏ trét sốt mayonnaise, kẹp jambon, xúc xích, thêm vài lát dưa leo ngâm giấm (cornichon của Tây, pickled cucumber của Mỹ),và đặc biệt là thịt gà quay xé nhỏ.

  

(Bánh mì Bưu Điện hay bánh mì Hương Lan)

 

Nhắc tới ổ bánh mì được làm ngắn, nhỏ lại và tròn như con cóc, kẹp nhân thịt gà quay xé nhỏ của bánh mì Bưu điện, thì ta cũng không quên nhớ lại tiệm bánh mì con cóc (Nguyễn Văn Ngãi), bán những ổ bánh mì con cóc nhỏ trét sốt mayonnaise, kẹp jambon, xúc xích, thêm vài lát dưa leo ngâm giấm (1) và đặc biệt là thịt gà quay xé nhỏ. có vị ngọt ngọt, mặn mặn rất ngon.

 

(1) Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ nhân bánh mì Hòa Mã nói:  “Người miền Nam thường thích cái gì cũng có tí rau. Vì vậy ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương thơm, vài khoanh ớt cay vừa ăn vừa hít hà mới… đã điếu“

Bánh mì Bưu Điện Sài Gòn một thời tạo ra kiểu ăn bánh mì thịt của người Việt. Xe bánh mì thịt với kiểu cách bưu điện Sài Gòn sau nầy trở thành mô típ chung cho xe bán bánh mì thịt ở miền Nam. Đi về tỉnh bạn sẽ bắt gặp trước nhà lồng chợ, cửa trường học, tại bến xe đò… hình ảnh những chiếc xe bánh mì thịt kiểu Bưu điện Sài Gòn quen thuộc. Thèm ổ bánh mì, ớt cay hít hà.

 

(Bánh mì Sài Gòn theo giòng thời gian – Xuân Phương)



Sài Gòn một chút quán xá

Bánh mì Hòa Mã


Tiệm bánh mì lâu năm ở Sài Gòn, phải nói đến tiệm bánh mì Hòa Mã. Năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc  và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội.


Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội. Năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) ra đời tại số 511 Phan Đình Phùng. Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng, gần khu vực Bàn Cờ, nơi có những địa điểm nổi tiếng như Kỳ Viên Tự, Tam Tông Miếu, trường Aurore, Cư xá Ðô thành, nhà bảo sanh Ðức Chính…

 

Tiệm Hòa Mã gọi ổ bánh mì thịt của mình là cát-cút (cassecroute), bữa ăn lót dạ, bữa ăn nhẹ. Những năm 60, giá bán một ổ bánh mì Hòa Mã là 3 đến 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 đến 10 đồng.

 

http://www.tongphuochiep.com/images/03.2016/banhmihoama.jpg  


Ảnh chụp Hoà Mã 1960  & Hòa Mã ngày nay

 

Ngày nay, Hòa Mã không khác xưa là mấy. Hòa Mã cũ kỹ, bảng hiệu phai màu theo năm tháng vì đã tồn tại hơn 50 năm kể từ ngày mở cửa. Nhiều người nói chủ nhân Hòa Mã là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn… và con ngõ bên cạnh bánh mì có tên ngõ Hòa Mã. 

(Bánh mì Sài Gòn theo giòng thời gian – Xuân Phương)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Ông Đùng bà Đà

 

Trong hội làng Quang Lang (Thái Thụy, Thái Bình) có trò múa ông Đùng - bà Đà, một trong nhiều trò diễn thể hiện rõ tính phồn thực. Dân làng làm một hình nộm đàn ông gọi là ông Đùng và một hình nộm người đàn bà gọi là bà Đà với một số hình nộm trẻ con trai gái tượng trưng cho con cái của hai ông bà. Thân hình nộm được đan bằng trúc sa, một loại tre trồng ở bãi biển. Mặt ông Đùng bà Đà được vẽ trên chiếc nia, mặt trẻ con được vẽ trên chiếc giần. Trên tai bà Đùng và tai các cô con gái được đeo hoa mào gà đỏ (dân Quang Lang gọi là hoa ông Đùng). Quần áo ông Đùng bà Đà được may bằng vải buồm cũ. Khi múa, người múa chui vào thân hình nộm đi bằng cà kheo thành chân ông Đùng bà Đà.

 

Trò múa này thường diễn ra vào xẩm tối ngày 14 tháng 4. Sau khi vái lạy Thánh ở đền và ở chùa xong, chiêng trống nổi lên, tất cả dân làng hô “tinh, tinh, tinh, phập” thì ông Đùng bà Đà úp mặt vào nhau và bắt đầu múa dọc khắp đường làng. Khi chuẩn bị kết thúc thì ông Đùng bà Đà chạy thật nhanh để dân làng đuổi theo “phá Đùng”. Theo trống hiệu phá Đùng, dân làng tranh nhau xô vào giằng xé, ai cũng mong cướp được một đoạn nan trên người ông Đùng bà Đà để lấy phước. Sau khi lấy được họ đem về gác đầu giường hy vọng sẽ khỏe mạnh, những người trong độ tuổi sinh nở thì sớm sinh con theo ý muốn, cắm xuống thuyền thì thuyền ra khơi vào lộng bình an may mắn, cắm ra ruộng muối thì ruộng muối bội thu... Từ những tiếng hô của dân làng “tinh, tinh, tinh, phập” đến động tác quện vào nhau của ông Đùng bà Đà... người dân Quang Lang đã mộc mạc bày tỏ quan niệm phồn thực.

  ( Đặng Hoài Thu)


Chữ nghĩa lỗ mỗ ngu ngơ 

Ra đường gặp ả hồng nhan

Thằng cu nghển cổ nóng ran cả người



Văn hoá chửi 

Tôi cứ bị ám ảnh mãi: Tại sao khi thấy Trần Dần văng tục “Nắm, nắm cái con cặc”, tôi lại thấy rất.. đã. Ðã, không phải vì nó tục mà vì... nó hiên ngang, nó... đầy khí thế. Tại sao?

Ðụng đến bộ phận sinh dục là đụng đến văn hoá, thậm chí, đụng đến một trong những phần sâu thẳm nhất của văn hoá. Cả Sigmund Freud lẫn Jacques Lacan đều xem những khoái cảm sinh lý là nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành nhân cách, đều xây dựng lý thuyết về dục vọng, dục tính và chủ thể tính của họ trên hình ảnh của dương vật, và đều hình dung lịch sử văn minh của nhân loại như là một tiến trình đè nén và thăng hoa của bản năng sinh lý vốn chủ yếu gắn liền với các bộ phận sinh dục.


Người ta đối diện với nó không phải chỉ với tư cách một cá nhân mà còn với tư cách của một tập thể và một lịch sử. Cảm giác thích thú hay khó chịu của người đọc khi đọc bài viết này là một thứ phản ứng có điều kiện, được hình thành dần dần qua thời gian, với vô số những tác động từ bên ngoài, chứ tuyệt đối không phải là một cái gì tự nhiên nhi nhiên. 

(Nguyễn Hưng Quốc)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Trời mưa bong bóng phập phồng

Mẹ đi lấy chồng, con ở với…trai



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Cái sự làm sao, Cái sự làm vậy


Có những trò diễn lại có cách thể hiện bằng các điệu múa như trò múa Mo ở Đức Bác (Phú Thọ). Xưa dân Đức Bác có thờ một vị nữ thần và có tục múa hát thờ mô phỏng tính giao. 


(Nõ nường)

Đền thờ xưa nhỏ, làm bằng gỗ có một gian đặt trên một quả gò - gọi là gò ám ảnh. Sau chỗ đất ấy được thay bằng một ngôi đình. Khi tế lễ xong có trò múa âm dương hòa hợp, gồm tám nam và tám nữ ăn mặc chỉnh tề. Bên nam cầm sinh thực khí nạm bằng gỗ vuông, bên nữ cầm hình sinh thực khí nữ bằng mo cau


Trong khi múa có trống chiêng đệm. Bên nam hát trước: Cái sự làm sao, nữ đáp: Cái sự làm vậy. Bên nam lấy cây vông chọc một lỗ thủng vào mo cau, sau đó dùng gỗ vuông vừa chọc vào mo cau vừa hát: Cái sự thế này là cái sự làm sao? Tất cả vừa múa vừa đi vòng tròn, tiến lên, lùi xuống trong một thời gian nhất định. Vào buổi tối khi lễ xong, lại có tục tắt đèn, trai gái tự do đùa nghịch. Mục đích của trò này cũng là cầu cho vạn sự sinh sôi nảy nở, kể cả mùa màng cũng như con người được phát triển.

(Đặng Hoài Thu)



Những vai phụ “láy”, “đệm” trong ngôn ngữ Việt 

Việt ngữ cũng có những từ ngữ mà tôi gọi là vai phụ, vì nhiều từ ngữ trong tiếng Việt, nếu đứng riêng một mình, thường không có nghĩa gì cả. Trước tôi, đã có nhiều tác giả bàn luận về loại từ ngữ này và đặt tên cho chúng là "từ láy" cặp kè trong những "từ kép" hoặc "từ đôi". Trước tiên, tôi đề nghị làm giấy khai sinh một danh gọi khác cho "từ láy", vì chữ "láy" gợi trong trí tôi phong cách diễn đạt trong âm nhạc: luyến láy. Mà ngôn ngữ là phương tiện truyền thông bằng tiếng nói hoặc bằng chữ viết, vì vậy tôi được phép còn gọi chúng là "từ đệm", và có dành cho chúng một chương ngắn trong giáo trình Việt Ngữ của tôi cho người bản xứ.


Theo tôi, "từ kép" là những cụm từ có đôi, có cặp và mỗi từ, khi đứng riêng có nghĩa hẳn hoi và không nhất thiết đồng âm, cùng vần, nhưng lẽ đương nhiên phải có nghĩa tương quan. 

"Từ đệm" cũng như "từ láy" là những "từ đơnvô nghĩa được đệm vào một từ có nghĩa thành những "từ kép" để thêm thắt ấn tượng cho lời nói hoặc câu văn. 

Cho dễ hiểu, tôi xin rút ra vài thí dụ:

– "cáu gắt" là "từ kép" ghép từ "cáu kỉnh" và "gắt gỏng", với "kỉnh" (vô nghĩa) đệm cho "cáu" và "gỏng" (vô nghĩa) đệm cho "gắt". 

Tương tự, có:

– "la mắng": "la lối" và "mắng mỏ".

– "buồn chán": "buồn " và "chán chường".


(Ngô Nguyên Dũng)

 


Giai thọai làng văn xóm chữ

Câu đối sắc không của cụ Nguyễn Khuyến


Cuối năm 1946, trên đường tản cư, khi qua làng Văn Tràng, tỉnh Nam Định, chúng tôi thấy trên cổng chùa đề bốn chữ:
Sắc không, không sắc


Bốn chữ tuy ý nghĩa uyên ảo song là chữ cửa miệng của nhà Phật tử, không có gì đặc biệt, đặc biệt có chăng lá bên giòng lạc khoản đề tên Tam nguyên Yên Đổ.
Chúng tôi lấy làm lạ sao ông Tam nguyên lại cho bốn chữ thông thường quá như thế, sau có một bạn người làng giảng cho mới hiểu nguyên làng này chuyên về nghề mài dao đánh kéo, trong lúc chế tạo người ta thường hay vấn đáp
- Sắc chưả - Chưa sắc!

Bốn chữ "Sắc không, không sắc" dùng chỗ khác thì không có gì đặc sắc nhưng đề vào chùa một làng mài dao, thì lại ngụ một nụ cười hóm hỉnh! Nụ cười này, giá để ý thì cũng đã nhận ra được phần nàọ. Là vì nếu đặt câu hỏi: sao không dùng như lời nói thường "Sắc sắc không không" hoặc "Không không sắc sắc" mà lại đặt chéo là "Sắc không không sắc"? 

Nếu hỏi thế, ắt đã phải ngợ một dụng ý gì của tác giả. Ngợ thế thôi, chứ cũng chẳng ai ngợ được rằng ông Tam-nguyên đã dùng chữ sắc theo cái nghĩa là sắc bén.

 


“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?  

Từ "dễ", theo thói thường, giữ vai trạng từ trong ngữ pháp, phản nghĩa với "khó". Ấy mà, trong lời ta thán thường nghe: "Đàn bà dễ có mấy tay!", "dễ" giữ nhiệm vụ gì, khó xác định sao cho chính xác. Khác với: "Con bé ấy càng lớn trông càng dễ thương", "dễ" có nghĩa như "đáng". Nhưng tuyệt đối, không ai nói: "Con bé ấy càng lớn trông càng đáng thương", vì ý nghĩa của hai câu nói khác nhau nhiều lắm. Tình tiết trong ngôn ngữ Việt đâu phải chỉ đơn giản bao nhiêu đó. Vì, nếu như "thương" được thay bằng "yêu", ta sẽ có "dễ yêu" cũng như "đáng yêu", thì "dễ" và "đáng" lại đồng nghĩa với nhau, mới chết!

 

"Dễ" còn được người Việt sử dụng trong lời khen: "Thằng đó không biết ăn nhằm giống gì mà lấy được con vợ đẹp dễ sợ." Hay: "Tao mới làm quen được con nhỏ kia đẹp ác." Điểm ngộ nghĩnh trong hai thí dụ vừa nêu là biến tính của hai từ "sợ" và "ác". Nghĩa tiêu cực tan biến đâu mất, để hỗ trợ tích cực, "nâng cấp" tính đẹp lên tột đỉnh, vượt qua ý niệm giới hạn của "sợ" và "ác"!!! Như thể ở cực điểm, ngôn ngữ cường điệu có khả năng triệt tiêu cả đối tính. Tương tự vậy, người Việt nói: "Con vợ thằng chả nói năng vụng về vậy mà nấu ăn ngon ghê!" thay cho "ngon quá"; hoặc "Ca sĩ X không rành nhạc lý gì hết, vậy mà hát hay kinh khủng!" thay vì "hay tuyệt". Lạ… ghê!

                   (Ngô Nguyên Dũng)



 


 












 




































Không có nhận xét nào: