Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Giai Thoại Văn Chương : Từ HOÀNG HẠC LÂU đến HÀM DƯƠNG THÀNH ĐÔNG LÂU (Đỗ Chiêu Đức)

 Giai Thoại Văn Chương : 

Từ HOÀNG HẠC LÂU đến HÀM DƯƠNG THÀNH ĐÔNG LÂU


                      
       Hoàng Hạc Lâu 黃 鶴 樓 nằm ở trên Hoàng Hạc Cơ 黃 鶴 磯 của Xà Sơn thuộc đất Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc, được xây dựng từ năm Hoàng Võ thứ 2 của nước Đông Ngô thời Tam Quốc (223 sau CN). Theo sách "Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí 元 和 郡 縣 圖 志" ghi lại: "Tôn Quyền khi xây Cố thành ở Hạ Khẩu, vì thành tây giáp Trường Giang, góc Giang Nam lại có bờ đá lớn, nên xây lên một lầu cao để quan sát, gọi tên là Hoàng Hạc Lâu. Lầu được xây dựng cho mục đích quân sự." Nhưng theo sách "Cực Ân Lục 极 恩 录" ghi lại, thì Hoàng Hạc Lâu là do dòng họ Tân Thị xây lên để làm tửu lâu.
      Qua các triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, trước sau được tu sửa đến 10 lần, nhưng cuối cùng vẫn bị hũy ở đời vua Quang Tự thứ 10 (1884). Từ đời Bắc Tống cho đến khi bị hũy, Hoàng Hạc Lâu từng là Đạo Tràng lớn của Đạo giáo (Lão giáo), là nơi truyền đạo của tiên ông Lữ (Lã) Động Tân (một trong Bát Tiên ). Tương truyền, Tổ Sư Lã Động Tân đã cởi hạc thăng thiên trong ngày 20 tháng 5 ở Hoàng Hạc Lâu, nên nơi đây trở thành thánh tích của Đạo Giáo từ đó.
     HOÀNG HẠC LÂU hiện nay: Năm 1957, khi xây cầu bắt ngang sông Trường Giang ở Vũ Xương, chân cầu dẫn đã chiếm dụng mất địa chỉ cũ của Hoàng Hạc Lâu. Mãi đến năm 1981, chính quyền Thành phố Vũ Hán mới căn cứ các tư liệu lịch sử cho xây dựng lại, cũng trên Xà Sơn nhưng cách địa chỉ cũ khoảng 1 ngàn mét. Đến tháng 6 năm 1985 mới khánh thành và cũng trở thành luôn là biểu tượng của Thành phố Vũ Hán.
     Hoàng Hạc Lâu mới gồm 5 tầng, cộng thêm 5 mét đỉnh tháp là hình một hồ lô khổng lồ. Tổng chiều cao là 51,4 mét, cao hơn lầu cũ khoảng 20 mét, chiều rộng là 30 mét, gấp đôi chiều rộng của lầu cũ. Toàn bộ được xây dựng bằng bê tông cốt sắt kiên cố. Trong ngoài, cỏ cây hoa kiểng, tranh họa, điêu khắc... đều theo một chủ thể là "Bạch vân Hoàng Hạc". Cột lớn 2 bên là một đôi câu đối dài 7 mét như sau:

   Sảng khí tây lai, vân vụ tảo khai thiên địa hám
   爽 氣 西  來,   雲 霧  掃  開  天  地 撼,
   Đại giang đông khứ, ba đào tẩy tịnh cổ kim sầu.
   大 江   東  去, 波 涛  洗  净   古  今 愁。
Dịch nghĩa :
         Hơi mát từ tây đến, mây mù quét sạch mở ra làm lay động đến đất trời.
         Sông lớn chảy về đông, sóng gió theo dòng rửa sạch cả nỗi sầu kim cổ.

                                   Hoàng Hạc Lâu Hiện nay : Với chủ đề " Bạch Vân Hoàng Hạc "                 

       Hoàng Hạc Lâu là một "Đệ nhất lâu danh thắng" bao đời nay của Trung Hoa, thu hút biết bao văn nhân, thi sĩ đến đây để ngâm vịnh. Trong số đó, phải kể đến bài thơ Thất Ngôn Bát Cú của Thôi Hiệu là tuyệt tác nhất, thơ và lầu cùng bổ túc cho nhau để cùng lưu danh thiên cổ. Chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ tuyệt tác này nhé:

        黄 鹤 樓                             HOÀNG HẠC LÂU
 昔 人 已 乘 黃 鶴 去, Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
 此 地 空 餘 黃 鶴 樓。 Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
 黃 鶴 一 去 不 復 返, Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
 白 雲 千 載 空 悠 悠。 Bạch vân thiên tải không du du
 晴 川 歷 歷 漢 陽 樹, Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thọ
 芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲。 Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
 日 暮 鄉 關 何 處 是, Nhật mộ hương quan hà xứ thị
  煙 波 江 上 使 人 愁    Yên ba giang thượng sử nhân sầu
            崔 颢                                              Thôi Hiệu

         
             

Dịch nghĩa:
       Người ngày xưa đã cởi hạc bay đi mất rồi, nên nơi nầy chỉ còn lại một Hoàng Hạc Lâu trống không mà thôi. Hoàng hạc đã một đi không trở lại, chỉ có mây trắng là vẫn dằng dặc bay mãi ngàn năm. Trời quang mây tạnh trên sông nên nhìn rõ cả những hàng cây bên bờ Hán Dương đối diện, và màu cỏ non xanh biếc trên bãi Anh Vũ ở giữa ngả ba sông. Khi chiều xuống, lúc mặt trời chen lặn, ta không phân biệt phương nào là hướng của quê hương, nên dạ chợt âu sầu vì khói sóng trên sông mờ mịt... Cảnh dẫn đến tình và tình hòa vào cảnh thành một bức tranh sống động gợi cảm tuyệt vời!

Diễn nôm :
                       Người xưa đã cởi hạc bay cao
                       Bỏ lại ven sông Hoàng Hạc Lâu
                       Hoàng hạc một đi không trở lại
                       Bạch vân muôn thuở vẫn bay mau
                       Hán Dương sông tạnh rừng cây tỏ
                       Anh Vũ bãi xa cỏ biếc màu
                       Chiều xuống quê nhà xa chẳng thấy
                       Đầy sông khói sóng ngẩn ngơ sầu !

 Bài diễn nôm Luc Bát của Thi sĩ Tản Đà :

                         Hạc vàng ai cởi đi đâu
                         Mà đây Hoàng Hạc riêng Lầu còn trơ
                         Hạc vàng đi mất từ xưa
                         Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
                         Hán Dương sông tạnh cây bày
                         Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non 
                         Quê hương khuất bóng hoàng hôn
                         Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai !...

                  
                         
     Quả là cảnh tình hợp nhất, tình cảnh tương liên, hòa hợp thành một bức tranh tuyệt tác... Thảo nào mà khi đến đây, nhìn lên vách thấy bài thơ nầy, Thi Tiên Lý Bạch đã phải quẳng bút mà than rằng:
  Nhởn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,   眼 前 有 景 道 不 得,
  Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.   崔 颢 题 詩 在 上 頭.

Có  Nghĩa :
      Trước mắt có cảnh mà nói chẳng nên lời, vì Thôi Hiệu đã đề thơ ở phía trên đầu ta rồi! Vì Lý biết chắc rằng, nếu mình có miễn cưỡng làm thơ, thì chắc chắn chẳng bao giớ bằng được bài thơ mà Thôi Hiệu đã làm, nên thôi. Nhưng nỗi lòng ấm ức vẫn cứ mãi âm ĩ trong tâm, cho nên khi đến đất Kim Lăng, lên ngắm cảnh trên Phụng Hoàng Đài, ông mới xúc cảnh sinh tình, mà làm nên bài thơ "Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài 登 金 陵 鳳 凰 台" rất xuất sắc, gieo vần và âm hưởng đều tương tự như bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Phải chăng để giải tỏa đi cái ấm ức bấy lâu nay ở trong lòng? Ta hãy cùng đọc bài thơ này nhé:
                                
   登 金 陵 鳳 凰 台         
 Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài
 鳳 凰 台 上 鳳 凰 游,  
 Phụng Hoàng Đài thượng Phụng hoàng du
 鳳 去 台 空 江 自 流。         
Phụng khứ đài không, giang tự lưu
吳 宮 花 草 埋 幽 徑,         
Ngô cung hoa thảo mai u kính
 晉 代 衣 冠 成 古 邱。         
Tấn đại y quan thành cổ khâu
 三 山 半 落 青 天 外,         
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
 二 水 中 分 白 鷺 洲。         
Nhị thủy trung phân Bạch lộ châu
 總 為 浮 雲 能 蔽 日,         
Tổng vị phù vân năng tế nhật
 長 安 不 見 使 人 愁。         
Trường An bất kiến sử nhân sầu! 
             李白      Lý Bạch

            


 Inline image
 
                          Lên Phụng Hoàng Đài ở Kim Lăng.
      Ngày xưa, phụng hoàng đã từng dạo chơi trên đài Phụng Hoàng nầy, nay phụng đã đi rồi, chỉ còn dòng sông lặng lẽ trôi. Hoa cỏ trong cung Ngô ngày xưa, nay đã tiêu điều trong hẽm vắng, những bậc vương hầu khanh tướng nhà Tấn, nay cũng chỉ còn lại những nấm mộ xưa. Nhìn ra xa, trong cảnh mây mù, ba ngọn núi liền nhau như bị rớt một nửa trên vòm trời xanh, bên dưới dòng sông Tần Hoài tách làm đôi chảy thành hai nhánh bởi cù lao Bạch Lộ (cù lao có rất nhiều cò trắng trên đó mà thành tên). Trong cảnh trí nầy, mây mù lại che khuất cả vầng thái dương, nên không thấy được đất Trường An, khiến cho người ta càng thấm thía thêm nỗi sầu nhân thế...
     Lý Bạch ví mây mù như là bè lũ nịnh thần, che lấp mặt trời là lấn áp Thiên tử, khiến cho người ưu thời mẫn thế cảm thấy lo buồn... 

Diễn nôm:
                      Lên Đài Phụng Hoàng Ở Kim Lăng

                    Phụng Hoàng Đài trước phụng hoàng chơi
                    Phụng đã biệt tăm, sông vẫn trôi
                    Hoa cỏ cung Ngô đà vắng vẻ
                    Y trang nhà Tấn cũng xa rồi
                    Ba núi lưng trời như ẩn hiện
                    Hai dòng sông nước rẻ đôi nơi
                    Cũng bởi mây mù che mặt nhật
                    Trường An chẳng thấy dạ bồi hồi !

                   
                    

 
      So với "Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu" thì bài nầy ngụ ý xâu xa hơn, thâm trầm, và có chiều sâu hơn, kỹ thuật cũng nghiêm cẩn hơn, nhưng thơ của Thôi Hiệu lại khoáng đạt hơn, trực tả cảnh trí trước mắt, hơi thơ liền lạc đi một mạch từ đầu đến cuối, và "đi " thẳng vào lòng người đọc!... Hai bài đều có cái hay riêng, nhưng sao ta vẫn thấy Hoàng Hạc Lâu như vẫn thanh thoát và gợi cảm hơn... Có phải chăng... tại Hoàng Hạc Lâu gần gũi, thân thiết với người đọc hơn là với Phụng Hoàng Đài?!!!....
          Không riêng gì Lý Bạch, còn có rất nhiều thi sĩ đương thời ngấm ngầm ganh tỵ với bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Họ không ganh ghét, mà chỉ muốn chứng tỏ tài năng của bản thân mình, vì địa vị và tài hoa của họ cũng không thua Thôi Hiệu chút nào cả! Trong số những thi sĩ "ngấm ngầm" nầy, ta thấy có Vương Xương Linh, tác giả của bài "Khuê Oán" nổi tiếng với câu "Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu!...". Ông đã làm bài "Vạn Tuế Lâu" với đủ cả âm hưởng và vần điệu của "Hoàng Hạc Lâu". Nào, ta hãy cùng đọc bài thơ nầy nhé!....                            

   萬 歳 楼                           VẠN TUẾ LÂU
江 上 巍 巍 萬 歳 楼。 Giang thượng nguy nguy Vạn Tuế Lâu
不 知 経 歴 幾 千 秋。 Bất tri kinh lịch kỷ thiên thu  
年 年 喜 見 山 長 在。 Niên niên hỉ kiến sơn trường tại 
日 日 悲 看 水 独 流。 Nhật nhật bi khan thủy độc lưu 
猿 狖 何 曾 離 暮 嶺     Viên dứu hà tằng ly mộ lĩnh 
鹭 鷀 空 自 泛 寒 洲。 Lô tư không tự phiếm hàn châu  
誰 堪 登 望 雲 煙 裏    Thùy kham đăng vọng vân yên lý 
向 晩 茫 茫 發 旅 愁     Hướng vãn man man phát lữ sầu 
            王 昌 齡                         Vương Xương Linh.           


                                           


       Inline image
     
Nghĩa bài thơ :
            Vạn Tuế Lâu cao cao ngất nghểu trên bờ sông Trường Giang, không biết là trải qua mấy ngàn thu rồi. Nhưng, vẫn còn mừng vì mỗi năm đều trông thấy núi xanh vẫn còn đó, chỉ buồn là mỗi ngày đều thấy dòng nước âm thầm lặng lẽ trôi. Bầy khỉ vượn vẫn luyến lưu chưa từng rời khỏi đĩnh núi mỗi khi chiều xuống, cũng như đàn cò kia vẫn luôn luôn bay lượn vô tư lự trên bãi sông lạnh lẽo. Ai là người có thể leo lên đứng trên lầu cao nầy, nhìn vào trong khói mây mờ mịt mỗi buổi chiều, mà không thấy lòng trổi dậy một nỗi buồn lữ thứ tha hương?!

Diễn nôm :
                               VẠN TUẾ LÂU

                    Ngất nghểu trên sông Vạn Tuế Lầu
                    Mấy ngàn năm cũ vẫn cao cao
                    Mừng trông núi biếc còn trơ mãi
                    Buồn ngắm sông côi vẫn chảy mau
                    Lũ vượn luyến lưu chiều núi thẳm
                    Đàn cò bay lượn bãi sông sâu
                    Nào ai lên gác trông mây khói
                    Chiều xuống mênh mông lữ khách sầu !
 
          Mặc dù không so được với Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, và Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài cũa Lý Bạch, nhưng đây cũng là một bài thơ hay tả lại cảnh trí của một Danh Lâu thuở xưa ở trên Tây Nam thành của Phủ Trấn Giang thuộc Tỉnh Giang Tô.

          Mãi đến gần cuối buổi Tàn Đường, vào khoảng năm Đại Trung thứ ba đời Đường Tuyên Tông (849), ta mới lại đọc được bài "Hàm Dương Thành Đông Lâu 咸 陽 城 東 樓"  của Hứa Hồn, thấy âm điệu và phong cách cũng mang chút gì hơi hám Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, kể cả vần được gieo cũng làm cho người đọc cảm thấy như đang đọc lại câu "Yên ba giang thượng sử nhân sầu!" Xin trích dịch sau đây để mọi người cùng thưởng lãm !

   《咸 陽 城 東 樓》          Hàm Dương Thành Đông Lâu                           
  一 上 高 城 萬 里 愁,  Nhất thượng cao thành vạn lý sầu,
  蒹 葭 楊 柳 似 汀 洲,  Kiêm hà dương liễu tự thinh châu, 
  溪 雲 初 起 日 沉 閣,  Khê vân sơ khởi nhật trầm các,
  山 雨 欲 來 風 滿 樓。  Sơn vũ dục lai phong mãn lâu. 
  鳥 下 綠 蕪 秦 苑 夕,  Điểu hạ lục vu Tần uyển tịch,
  蟬 鳴 黃 葉 漢 宮 秋,Thiền minh hoàng diệp Hán cung thu,
  行 人 莫 問 當 年 事,  Hành nhân mạc vấn đương niên sự,
  故 國 東 來 渭 水 流。  Cố quốc đông lai Vị Thủy lưu. 
                 許 渾                                 Hứa Hồn                 
       
        Inline image 
                                 
 
         HỨA HỒN, tự là Dụng Hối (Có sách cho là Trọng Hối), người đất Đơn Dương (Mục Châu) đời Đường, đậu Tiến Sĩ năm Thái Hòa thứ sáu, làm Huyện Lệnh Huyện Thái Bình, năm Đại Trung thứ ba làm Giám Sát Ngự Sử, vì bệnh nên xin chuyển về miền đông, sau cùng làm  Thứ Sử ở hai Châu Sính và Mục. Ở mọi nơi ông đều có tiếng là vị quan tốt. Ông giỏi về thơ, còn lưu lại đời sau hai tập thơ "Đinh Mão Tập".
          Theo "Tuyên Hòa Thư phổ" ghi: Hứa Hồn tuy không chuyên về thư pháp, nhưng chữ viết bay bướm dễ nhìn, có phong cách riêng. Hồn làm thơ giống như Đỗ Mục, tuy không phóng đạt bằng Đỗ, nhưng hoa lệ thì có thừa, người học thơ xưa nay đều rất thích đọc, nên Hồn càng nổi tiếng song song cả thơ lẫn thư pháp. 

DỊCH NGHĨA :
          TRÊN LẦU ĐÔNG CỦA THÀNH HÀM DƯƠNG.
      Lên đến tận trên lầu cao của đông thành thì nỗi sầu lại dài thêm vạn dặm. Trước mắt, lau sậy hòa vào màu xanh của dương liễu mường tượng như màu xanh của đất Thinh Châu. Những làn hơi nước trong khe suối vừa bốc lên thành những làn mây mỏng thì mặt trời cũng đã chìm xuống phía sau lầu rồi! Và cơn mưa núi chưa kịp đổ xuống thì gió đã ào ạt đầy cả lầu! Lũ chim bay xà xuống bãi xanh hoang vu của vườn thượng uyển đời Tần ngày xưa trong buổi chiều tà. Và lũ ve cuối mùa cố cất tiếng ngâm trong đám lá vàng của cung viên nhà Hán vào buổi chiều thu se lạnh. Ôi thôi! Người qua đường xin đừng hỏi đến chuyện của năm xưa nữa, Cố quốc từ hướng đông mà đến cũng như dòng Vị Thủy theo hướng của tất cả những dòng sông đổ vào Hoàng Hà rồi cũng đều chảy về với biển Đông thuận theo lý tự nhiên... 

 DIỄN NÔM :
                          Vòi vọi thành cao vạn dặm sầu,
                          Lau xanh liễu rũ ngỡ thinh châu.
                          Mây vờn khe suối vầng ô khuất,
                          Mưa chửa thành cơn gió ngập lầu.
                          Chim lượn xập xòe Tần thượng uyển,
                          Ve sầu rả rít Hán cung thâu.
                          Nào người chớ hỏi đời xưa cũ,
                          Sông Vị về đông vẫn chảy mau !
      Lục bát :
                         Thành cao cho vạn lý sầu,
                         Vi lô tơ liễu tựa màu thinh châu.
                         Mây lên mặt nhựt khuất lầu,
                         Mưa chưa thành hạt gió sầu đầy song.
                         Chim xà Tần uyển vườn không,
                         Ve ngâm rả rít Hán cung thu sầu.
                         Nào ai chớ hỏi vì đâu ?!
                         Về đông sông Vị chảy mau, lệ thường !!!...
                                                              
            Mặc dù không làm rung động lòng người và còn để lại dư âm như Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, không cảm khái và ưu thời mẫn thế như Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài của Lý Bạch, không nhẹ nhàng thương cảm như Vạn Tuế Lâu của Vương Xương Linh , Hàm Dương Thành Đông Lâu của Hứa Hồn cũng nói lên một niềm hoài cổ não lòng, xót xa đến... dửng dưng, vì biết đó là cái lẽ thường của cuộc sống, cái lý của sự vật ở trên đời "Vật cực tất phản", Âm cực dương hồi, hết thịnh rồi lại suy... cứ thế luân lưu mãi, như tất cả những dòng sông đều chảy về đông...

     Hành nhân mạc vấn đương niên sự,  
     行 人 莫 問 當 年 事,       
      Cố quốc đông lai Vị Thủy lưu !!!        
     故 國 東 來 渭 水 流。
         ( Nào người chớ hỏi đời xưa cũ,
           Sông Vị về đông vẫn chảy mau 
                                  
                              


            Hẹn bài viết tới.

                                            杜 紹 德
                                         Đỗ Chiêu Đức
                             
                      

Không có nhận xét nào: