Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

BỂ DÂU KHOẢNH KHẮC (Hồ Công Tâm) & Thơ họa

 

                          

BỂ DÂU KHOẢNH KHẮC

Trăm đắng nghìn cay cuộc đổi đời,
Khỉ ngồi bàn độc... tựa đùa chơi.
Đau lòng chim Viêt... ơi sung rụng,
Xót dạ cành Nam... đẫm lệ rơi.
Cờ quạt búa liềm thâu ruộng đất,
Dép râu nón cối đoạt cơ ngơi.
Bể dâu khoảnh khắc trời vân cẩu,
Thắng/bại, được/thua... một chữ thời!

Black April 2022
HỒ CÔNG TÂM

Thơ họa :

 Thiên Cơ Bất Khả Lậu

"Thiên Cơ Bất Khả Lậu" thương đời
"Vật đổi sao dời" nhớ lại chơi
Chim Việt Cành Nam đau lá rụng
Mộ phần Gió Bấc xót châu rơi
Thương dân trăm họ thân chùm gởi
Nhớ nước ngàn dâu nắng kén ngơi
Khoảnh khắc buông tay đành gảy súng
Thời gian chứng tỏ chữ vô thời...!

Mai Xuân Thanh
 April 29, 2022







Đi - ĐẶNG QUANG TÂM

         ĐI


Hôm tôi đi buổi chiều không có nắng
Con dế mèn khóc tặng một bài thơ
Bác hàng xóm chạy qua nhà căn dặn
Rảnh về thăm đừng có để tau chờ

Vài đứa bạn đứng bên đường ngơ ngác
Dở mũ chào thằng bạn học năm xưa
Có đứa hỏi: mày bao năm phiêu bạt
Sao cứ đi mà chẳng thấy quay về

Tôi nhìn lại căn nhà nay trống vắng
Nơi tôi chôn bao kỹ niệm ấu thơ
Má tôi đứng nhìn theo im lặng
Mắt má buồn mái tóc trắng bạc phơ

Tôi ghé lại thăm ngôi trường tiểu học
Tên tôi đề trên vách chắc đã phai
Ông giáo già đang ra bài tập đọc
Tiếng học trò như chim sáo ban mai

Tôi lặng lẽ bước đi qua quán nước 
Tìm bạn bè thất lạc bấy lâu nay
Đám con nít chơi bầu cua cá cọp
Thấy tôi vô lật đật xóa con bài

Thằng bạn cũ mời tôi mua vé số
Mày giúp tau thời củi quế gạo châu
Tôi hỏi tên mấy đứa quen thuở nọ
Nó lắc đầu chết ngoài biển còn đâu

Rồi nó chỉ qua dãy hàng thuốc lá
Mày nhớ không thầy dạy lớp mười hai
Ổng cải tạo cả mấy năm mới thả
Giờ ngồi đây buôn bán sống qua ngày

Ra khỏi quán tôi đi vào Đền Thánh
Nơi ngày xưa tôi đi lễ đầu năm
Hồn tử sĩ máu căm sắc lạnh
Nỗi oán hờn trên khuôn mặt tối tăm

Thôi đã hết một kiếp người khốn khổ
Tôi đi đây và không hẹn quay về
Thuyền Bát Nhã đưa tôi vào nấm mộ
Đang chờ tôi trong chiều lạnh tái tê.

ĐẶNG QUANG TÂM
4-8-2019

* Khi mới làm xong bài thơ này, tôi đặt cho nó cái tựa là ĐI, nhưng ĐI không được may mắn. Gửi ĐI nhiều chỗ nhưng số phận của ĐI thật hẩm hiu. Khi báo Người Việt chọn đăng thì họ đổi tựa bài thơ lại là Để Nhớ Ngày 30-4 cho hợp “gu” độc giả hải ngoại. Ngoài ra, họ còn đổi câu: Con dế mèn hát tặng một bài thơ thành Con dế mèn khóc tặng một bài thơ. Chỉ đổi có chữ hát thành chữ khóc mà bài thơ có vẽ như là một bài tưởng niệm. Trời đất ơi, người ta nói tiếng Việt quá thâm thuý là như dzậy.
* Có một ông bạn đọc bài thơ này, nói với tôi bài thơ có 3 lỗi. Thứ nhứt, mày đi đâu mà không dắt má mày theo bỏ bả ở nhà một mình. Thứ hai, bạn bè với nhau mà thằng khùng nào dở mũ chào mày? Thứ ba, con nít sao không đi học mà chơi bầu cua cá cọp. Trước khi tôi trả lời ông bạn này, xin mở ngoặc giới thiệu ông bạn ngụy này đã tốt nghiệp khoá cải tạo 10 năm, nên chuyện gì xảy ra trong 10 năm đó ông chả biết. Đi mà dắt má tôi theo rủi bị bắt, ai sẽ lãnh tôi ra? Bạn bè còn sống mà thằng nào dở mũ chào là đứa đó sắp nhảy lên bàn thờ ngồi. Sau ngày 30-4, con của ngụy được nhà nước ưu ái cho miễn đi học, ở nhà chơi. Tội nghiệp anh bạn tôi già cả nên dễ quên. Hèn chi nước Cam Lồ đầy vẩy trong nhân gian mà nó hỏi tôi ở đâu bán để nó đi mua.
* Theo phong tục của dạo Cao Đài, trước khi chôn phải vào Đền Thánh lạy Chí Tôn Phật Mẫu rồi mới ra Cực Lạc Thái Bình của Đạo ở. 
* Ở chỗ tôi ở hiện giờ, có nhiều người chết, giấy khai tử để ngày nào cũng được, nhưng mộ bia phải khắc chết ngày 30-4-1975 thì người chết mới... vui vẻ, xuôi tay nhắm mắt. Hỏi tại sao thì thân nhân cho biết, sau ngày đó, đối với họ “Chưa chết mà như đã chết rồi “. Nghe mà tê tái cho kiếp người sanh lầm thế kỷ.
*Một năm đã trôi qua, ngồi đọc lại bài thơ này, lòng buồn vô cùng. Biết nói gì hơn. Đời là một bể khổ. Con người lặn hụp trong đó để đi tìm hạnh phúc, rốt cuộc, có tìm được cái gì đâu. Kẻ thắng người thua. Trên đời này, biết cũng chết mà dại cũng chết. Thế hệ của tôi sanh không nhằm thời. Năm nay tôi đã 72 tuổi, bạn học thời còn nhỏ đã chết gần hết. Má tôi cũng đã chết, ông giáo già trong bài thơ này cũng không còn nữa. Phần tôi thì lưu lạc xứ người, sống lây lát vài năm nữa rồi cũng cởi Hạc về…Trời. Ôi một kiếp nhân sinh. Thế thảm.







CẢM XÚC NHỚ QUÊ (Hồ Nguyễn) & Thơ họa

 


CẢM XÚC NHỚ QUÊ

Đọc mấy vần thơ bỗng nhớ quê,

Bao năm xa cách vẫn chưa về.

Thân thương bóng cũ giờ đau xót,

Quý mến năm nào nghĩ tái tê.

Hạnh phúc thi vần trao thắm thiết,

Bình an âm điệu chuyển mân mê.

Cảm tình thân hữu gieo dòng nhạc,

Cuộn quyện cung vàng dạ kéo lê.

HỒ NGUYỄN

 (14-4-2022)


HỌA 1: CẢM XÚC     

      THI HỌA ĐÀN CA TÀI TỬ

Thơ tranh đầy đủ mối tình quê,

Mỹ thuật trình bày tiếng vọng về.

Đồng ruộng lúa vàng ươm phía ấy,

Con cò cánh trắng liệng bên tê.

Đường xưa lúa gánh anh thương quá,

Lối cũ xe bò chị cũng mê.

Phượng vỹ ve sầu nghe tiết tấu,

Phong lưu tài tử, khách ngồi lê.

Mai Xuân Thanh 

(April 14, 2922)


HỌA 2: ĐẸP TÌNH  QUÊ  

Tuổi Xuân nhớ mãi cảnh đồng quê,

Thắm thiết thân thương thả bước về.

Mấy thuở buồn vui xưa lối cũ,

Đôi lần nghĩa đậm chốn ni tê.

Dòng sông trong chảy bừng hương sắc,

Rặng núi mờ xa ngắm mải mê.

Thỏ thẻ đôi lời ươm kỷ niệm,

Lung linh bóng bạn tinh thâm lê.

    NAM GIAO


HỌA 3: QUÊ

Trong đầu thậm nghĩ còn đâu quê?

Súng gẫy Tháng Tư khó trở về.

Ai tội mang đây-không cảm xót?

Ai sầu chuốc đấy-chẳng cho tê?

Thời gian nỗi chết-trong oan khuất,

Bốn bảy niềm đau-giữa muội mê.

Xin được sẻ chia thơ với bạn,

Họa vui một chút tránh ngồi lê..!

Thái Huy 

(4/17/22)


HỌA 4: VỚI QUÊ

Thâm đặng nao hồn đắm nghĩa quê,

Ngóng trông mòn mỏi khát ngày về.

Thương thời cơ khổ lòng the thắt,

Xót thuở hàn vi dạ nhói tê!

Phước đức còn giữ niềm thiện tín,

May mà không vướng phải "bùa mê".

Hồi hương thăm lại điền viên vũ,

Cành bổng cành la trĩu táo,lê...

Nguyễn Huy Khôi 
(20-4-2022)


HỌA 5: NHỚ HỒN QUÊ

Tri xuân man mác nh hn quê,

Vin x nhiu năm cha tr v.

M mã cha ông bun ý thm,

Bin tri sông núi nh lòng tê.

Cnh xưa li cũ vườn hoa nát,

Nhà mi đường nay đt khách mê.

T nn an thân già x M

Đành thôi tui hc kéo đi lê !

Liêu Xuyên


HỌA 6: NHỚ QUÊ

Ai làm ngăn cách sống xa quê,

Thao thức đêm đêm vẫn nhớ về.

Mây trắng lững lờ bờ bến nớ,

Biển xanh thăm thẳm nhạn bên tê.

Trăng thanh gió mát đâu hờ hững,

Má thắm môi hồng chẳng đắm mê.

Xóm cũ làng xưa bao kỷ niệm,

Sang sông con sáo đậu cành lê.

Texas, April 21st 2022

HỒ CÔNG TÂM


HỌA 7: TÓC XƯA

Đổi cờ ngơ ngác... lạc xa quê,

Hơn bốn mươi năm vẫn nhớ về.

Xứ lạ nhìn mây lòng thổn thức,

Quê người ngắm tuyết dạ buồn tê.

Hoàng hôn mờ khuất chân trời rộng,

Biển vắng đìu hiu mộng tỉnh/mê.

Đất khách ngậm ngùi bao trăn trở,

Tóc xưa thưa ngọn nhuốm màu lê.

KIỀU MỘNG HÀ 
(April 21st 2022)


HỌA 8: VỌNG CỐ HƯƠNG

Lần tay lẩm nhẩm cách làng quê,

Xa vắng hương thôn biệt bước về.

Đường cũ xa xưa chôn cắt rốn,

Trường an vắng bóng bước chân tê.

Nhớ em gánh nước bờ đê vắng,

Thương bé mục đồng tre sáo mê.

Đất rộng trời cao mây vất vưởng,

Thả hồn cố quốc khéo chân lê.

TRẦN ĐÔNG THÀNH


HỌA 9: KẺ XA QUÊ

Vẫn còn vương vấn mối duyên quê,

Đã bỏ đi xa chẳng trở về.

Thuở ấy em thường hay bẽn lẽn,

Tôi vừa mới lớn biết mô tê.

Hoa thương chưa gắn trên làn tóc,

Nỗi nhớ len vào trong giấc mê.

Đã lựa lần ngày trôi phẳng lặng,

Mảnh đời lữ thứ cứ mang lê.

April 22, 2022

Võ Ngô 


HỌA 10: NƠI ẤY LÀ QUÊ

Ấp ủ trong lòng một cõi quê,

Nơi xa phía ấy mãi trông về.

Nhà nghèo mái thủng xem trời ướt

Khi đói bụng mềm lết cẳng tê.

Mẹ mảnh áo buồm chìm giữa cực

Cha manh khố tải liệt trong mê.

Hai thân quằn quại đi theo Tổ,

May mắn con giờ thoát kiếp lê.

Trần Như Tùng


HỌA 11: NẶNG TÌNH QUÊ

Bao năm viễn xứ nặng tình quê,

Cách trở núi non mãi nhớ về…

Mồ mã ông bà còn phía nớ,

Cửa nhà cha mẹ vẫn bên tê.

Già nua thương phận đời bương chải,

Tuổi trẻ xót thời cảnh đắm mê.

Lần lựa tháng ngày buồn lữ thứ,

Thôi đành gắng gượng bước chân lê.

songquang 

20220422


HỌA 12: XUÂN NHỚ

Nhìn đào nở nụ lại mơ quê,

Từ bước ra đi, chẳng trở về

Bão táp nhiều phen ,thương cội mận

Phong ba lắm độ, nhớ hoa lê

Đồng vàng lúa chín bao trìu mến,

Rặng bưởi,hàng dừa bấy đắm mê.

Chiếc bóng thân đơn,nơi xứ lạ,

Ngàn trùng cách biệt, nỗi lòng tê!

THANH HÒA 

(22/04/2022)


HỌA 13: LƯU LUYẾN

Chôn nhau cắt rốn ấy là quê, 

Từ lúc nằm nôi đến học về.

Kỷ niệm ông cha ngôi giỗ mả,

Ly hương dạo ấy thấm lòng tê. 

Chia lìa thổn thức luôn ghi nhớ, 

Đồng ruộng cò bay gió thoảng mê. 

Lưu luyến làng tôi hò đối đáp,

Trai thanh nữ tú quyện đam mê …

YÊN HÀ 

(22/4/2022)


HỌA 14: VIẾNG QUÊ

Nhóm bạn chung trường rủ viếng quê,

Rồi ta sắp đặt những nơi về…

Bình Dương dạo cảnh cùng mua sắm,

Đà Lạt lên đèo cứ tỉ tê.

Bà Điểm cau nồng dăm phút chuộng,

Biên Hòa bưởi ngọt mấy lần mê.

Giờ đây chợt nhớ sao mình chẳng…

Ghé lại Cao Bằng thưởng thức lê?

NHƯ THU 

(04/22/2022)







THÁNG TƯ XƯA (Từ Nguyên) & Thơ họa

      THÁNG TƯ XƯA

Bốn bảy năm qua ở xứ người,

Mỏi mòn mong đợi phút vui tươi.

Nhớ giờ cách biệt xa vùng Thánh,  

Nhớ phút chia ly đổi phận đời.

Nhớ mối tình đầu thương chẳng hiệp,

Nhớ trang thơ cuối sầu nào vơi.

Bao giờ cố quốc Tâm duy chủ,

Ngày ấy Đạo Trời rạng khắp nơi.

Từ Nguyên 

(27/04/2022)


Thơ họa:

NGÀY ẤY NĂM XƯA  
 "30/04/1975."

Ngày ấy năm xưa đặng mấy người.

Màu Xuân TÂY VỨC thắm hoa tươi.

Trời chiều mây bạc xa vùng THÁNH.

Ly hận ngày xưa tủi phận đời...

CƠ KHẢO may duyên cò mấy kẻ.

Hợp tan,tan hợp sầu nào vơi.

CƠ TRỜI chỉ định tan rồi hợp...?

Ngày ấy vui mừng khắp mọi nơi.

Mỹ Nga 28/04/2022 
ÂL, 28/03/Nhâm Dần


     ĐỔI ĐỜI

Cám cảnh đổi thay giữa kiếp người.

Hồng Trần biến động khó mong tươi.

Tháng tư năm ấy cơ Trời chuyển .

Biến đổi thế nhân, biến đổi đời.

Bỏ nước ra đi không điểm hẹn. 

Lìa quê biệt dạng lệ nào vơi...

Cao xanh đã thấu từng tâm khảm.

Gạt lệ vươn lên để chọn nơi.

Quyên  le  
28/04/2022


   Tháng Tư 1975

Sanh cơ lập nghiệp ở quê người 
Cây trái vườn hoa đẹp thắm tươi 
Toà Thánh Tây Ninh đây vạn đại 
Điện Thờ Phật Mẫu đó muôn đời 
Bảy lăm cái mốc thời gian chết 
Bốn mấy niên canh mắt lệ vơi 
Thánh Thất đệ huynh tu mấy chỗ...
Cao Đài tỷ muội học nhiều nơi ...

Mai Xuân Thanh 

  April 27, 2022


Mùa Xuân Ất Mảo 

Tháng Tư - Ất Mão, đổi thay người
Cảnh vật trời Nam héo khó tươi
Xã tắc can qua thù vạn kiếp
Thiên cơ bất khả lậu muôn đời
Thuyền nhân tị nạn, nhà, quê mất
Kẻ sĩ hồi cư mắt lệ vơi
Bốn bảy năm rồi tai nạn dịch
Tạm dung đất khách trải nhiều nơi...

Mai Xuân Thanh
 April 28, 2022


HOÀI VỌNG THÁNG TƯ


Tháng tư còn ở xứ quê người,

Biết đến bao giờ sống đẹp tươi?

Bến cũ thuyền đưa còn đông khách?

Non xanh gió thoảng mãi yên đời ?

Sài thành rộn rịp người vui vẻ ?

Đô Huể êm đềm nước cạn vơi ?

Nam Bắc giờ đây còn tấc bậc,

Mong Trời chan rưới phúc nơi nơi.


  Nam Le

 (27/04/2022)









 

CHẲNG ĐẶNG NÓI RA (THÁI HUY) & Thơ họa

            

CHẲNG ĐẶNG NÓI RA

Việc ấy xem ra chẳng đặng đừng

Ngỡ rằng đã bị quẳng sau lưng

Nhưng sao nhọt đó còn đang tấy

Quái lạ ung kia vẫn cứ mưng

Khiến cả con dân - đau chẳng dứt

Làm toàn đất nước-xót không ngưng

Nguyện Trời xin Chúa ra tay cứu,

Ban sống an vui quả thật mừng.

Thái Huy

 4/25/22


Thơ Họa:


KÝ ỨC VÀ LỜI KHUYÊN

Ký ức khơi lên,trí bảo đừng

Phải nào đinh đóng ở ngoài lưng

Sâu lòng thảng thốt, niềm xưa quặn

Thẳm dạ bàng hoàng, loét cũ mưng…

Hãy đến tương lai, ngời sáng tỏa

Thôi về quá khứ, não phiền ngưng

Lời khuyên ném suốt theo dòng lũ

Kiếp bọt bèo trôi… chẳng thể mừng.

Lý Đức Quỳnh

    26/2022


     TỰ NHỦ

Lúc muốn quên đi, lúc nhủ đừng

Dù buồn, ký ức khó quay lưng

Vết thương ngày ấy không còn tấy

Cái nhọt năm nào đã hết mưng

Nhưng nỗi ngậm ngùi luôn vẫn đậm

Và niềm đau đớn mãi chưa ngưng

Dẫu sao trí óc còn minh mẫn

Phân biệt đúng sai, thế cũng mừng

   Sông Thu

( 27/04/2022 )

 

CHUYỆN ĐỜI KHÓ NÓI

Muốn nói điều chi cũng phải đừng

Chuyện gì trước mặt... bỏ sau lưng

Nhọt ung vừa nhúm đang còn tấy

Thương tích lâu rồi  mãi vẫn mưng

U uẩn để lâu sao thấy tức

Muộn phiền chất chứa cứ nào ngưng

Ơn Trên  Chúa Phật xin ban phước

Cứu vớt nhân gian thiệt quá mừng...

TẠ VƯƠNG KIM  

 

  BUÔNG CHO VƠI

Nhìn xem thế sự có chi mừng,

Mọi việc không màng nặng gánh lưng.

Khỏa lấp vết nhơ mau tẩy xóa,

Mổ quăng ung nhọt chẳng u mưng.

Oan khiên đất nước còn chưa dứt,

Thống khổ dân tình chửa thấy ngưng.

Thuận một lòng chung vai gánh vác,

Sớt chia đau đớn cũng là mừng.

HỒ NGUYỄN

 (27-4-2022)

 

CẮT BỎ NIỀM ĐAU

Niềm đau đôi lúc chợt như mưng

Quên đó mà sao cũng chẳng ngưng

Bởi nhập ăn sâu vào trí não

Rồi luồn đau nhức ở ngang lưng

Ước gì cắt bỏ cho tan biến

Để mãi dây dưa chẳng đặng đừng

Đã hết nhọt ung rồi rạng rỡ

Lòng người cảm xiết nỗi vui mừng.

Lê Mỹ Hoàn

 4/27/2022

 

      CHIA SẺ

Chuyện khổ trần gian muốn lạy đừng

Ai đành bỏ mặc quẳng bên lưng

Từng hôm nghĩ mãi hồn đau phổng

Lắm buổi suy hoài dạ nhức mưng

Sớm tối lùng bùng nghe tiếp diễn

Trưa chiều ngớ ngẩn dõi không ngưng

Chung lòng thực tế, cầu trời Phật

Góp sẻ tình thương thật đáng mừng

      Minh Thuý Thành Nội

Tháng 4/27/2022

 

KHÓ MONG ĐỪNG NGHĨ

Cuộc đời cứ nghĩ khó mong đừng

Bởi vậy bực mình chả muốn ngưng

Ung nhọt giữ nguyên thì bớt nhức

Vết thương rịt lại chẳng còn mưng

Đớn đau nhân loại sao quay mặt

Bất hạnh con người cứ ngoảnh lưng

Huynh đệ tương tàn mà tiếp diễn

Đâu còn có thể đón vui mừng

SQ



PHẬT BẢO ĐỪNG

Ác nghiệp bây gây, Phật bảo đừng!
Tin từ trong nước* khó quay lưng
Niềm đau thuở trước gần quên lãng
Nỗi hận ngày nay bỗng phát mưng
Dẫu biết tâm bình, cây muốn lặng
Mà nghe dạ xót, gió chưa ngưng
Cốt tro tướng Nguyễn Khoa Nam đó
Phải bị rời Chùa, Đảng mới mừng!

DUY ANH
28-4-2022
*Mới đây, Công An CSVN ra lệnh cho trụ trì chùa Quảng Hưng Già Lam, địa chỉ 498/11 Đường Lê Quang Định Gò Vấp Sài Gòn phải di dời tro cốt của tướng Nguyễn Khoa Nam và không cho để ở bất cứ chùa nào khác


 Khối U "sưng tấy" 
 Ung Nhọt "cứ mưng"

Tháng tư thuở ấy bảo ai đừng ?
Ký ức đau thương cứ lận lưng ?
Vết đạn ngày xưa luôn nhức nhối
Nhọt u năm cũ vẫn đau mưng
Công dân chạy loạn buồn ly tán
Xứ sở tan hoang khổ chẳng ngưng
Nương bóng Thiền Môn cầu Thượng Đế
Cậy Chùa Phật Tổ hóa duyên mừng...!

Mai Xuân Thanh
 April 28, 2022







Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

“Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần” - Gs Nguyễn Lý Tưởng

 

Nhân Ngày Quốc Hận 30/4/1975

Nhìn Lại Lịch Sử, Nhớ Đến Những Người Đã Hy Sinh 

“Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần

GS Nguyễn Lý-Tưởng



Khởi đi từ việc quân Pháp đã cho tàu chiến đến gây hấn và đánh chiếm nước ta vào thế kỷ 19 và những nhà ái quốc đã hô hào duy tân, tự cường, nâng cao dân trí để cùng đấu tranh giành lại độc lập cho đến khi Hồ Chí Minh đem chủ nghĩa cộng sản áp đặt lên đất nước ta, gây nên một cuộc nội chiến giữa những người quốc gia yêu chuộng tự do và những người cộng sản chủ trương bành trướng chủ nghĩa duy vật, làm tay sai cho Liên Sô và Trung Cộng. Kết quả là ngày Quốc Hận 30/4/1975, và sự có mặt của mấy triệu người Việt Nam ở hải ngoại hiện nay. Vì không thể sống chung với cộng sản độc tài, chúng ta đã bỏ hết nhà cửa, tài sản, bỏ cả quê hương, mồ mả tổ tiên, bạn bè, người thân, v.v. để vượt biển đi tìm tự do. Cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền vẫn được tiếp tục nhằm xóa bỏ chế độ cộng sản tại Việt Nam.

Trong biến cố 30/4/1975, Cộng Sản Việt Nam đã thắng về quân sự, nhưng chúng không thắng được ý chí bất khuất của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa và toàn thể nhân dân Miền Nam. Vì thế, chúng đã lập ra các nhà tù cải tạo để giam giữ, hành hạ những người đã phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Chúng đã đày đọa anh em chúng ta  tận những nơi rừng thiêng nước độc ở Miền Bắc. Đói rét, bệnh hoạn, xa gia đình, xa quê hương, một số anh em đã bỏ xác trong trại tù tập trung cải tạo, một số sống sót sau hàng chục năm bị ngược đãi, đã được trở về trong cảnh gia đình tan nát, dân chúng lầm than.

Nhờ sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, của các quốc gia yêu chuộng tự do và nhất là các phong trào đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nên sau 15 năm dưới chế độ cộng sản, một số các cựu sĩ quan, viên chức của chế độ VNCH cùng với gia đình đã được đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài hoặc được định cư tại Mỹ.

Thực tế đã cho chúng ta thấy rõ, chủ nghĩa cộng sản đã đem lại cho Việt Nam một nền kinh tế suy sụp, dân chúng phải sống trong cảnh nghèo đói, bị áp bức. Nền luân lý, đạo đức, văn hóa của tổ tiên hoàn toàn bị suy đồi, con người sống với nhau không còn tình cha con, tình vợ chống, tình làng xóm nữa mà đã trở thành những kẻ gian dối, phản bội, hận thù giai cấp, duy vật, mất niềm tin vào Thượng Đế, vào các tôn giáo nhất là đạo thờ kính ông bà tổ tiên đã khuất.

Nhân ngày quốc hận 30 tháng 4, chúng ta không quên công lao và xương máu của chiến sĩ đồng bào đã đổ ra vì tự do, độc lập, và để ngăn chận chủ nghĩa cộng sản vô thần.

Trong số những anh hùng đó, có một số người đã được báo chí, sử sách nêu tên như các tướng, Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai... và một số sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ đã lấy tấm thân đền nợ nước, thà chết vinh hơn sống nhục, đã tự tử không chịu đầu hàng, không chịu trao thân cho kẻ thù bắt bớ, giam cầm, tù tội. Tuy thân xác họ ngày nay đã ra tro bụi, nhưng tên tuổi của họ vẫn còn sống mãi trong sử sách, sống mãi trong lòng mọi người.

Cứ mỗi lần kỷ niệm ngày quốc hận 30 tháng 4, báo chí, đài phát thanh, và qua các cuộc họp mặt của đồng bào trong các buổi lễ, các cuộc meeting, người ta lại nhắc nhở đến họ, vinh danh họ. Người xưa thường nói: “Sinh vi tướng, tử vi thần” (nghĩa là khi còn sống làm tướng chỉ huy quân đội, khi chết trở nên thần thánh được nhân dân tôn thờ). Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung,v.v. là những anh hùng trong sử sách Việt Nam, tuy đã chết nhưng vẫn còn được sùng kính như những vị thần thánh của các tôn giáo. Họ là những vị thần của dân tộc Việt Nam và sẽ phù hộ cho chúng ta trong cuộc tranh đấu chống xâm lăng, chống cộng sản, đem lại tự do, thanh bình, và thịnh vượng cho dân tộc.

Nhân ngày quốc hận 30 tháng 4, chúng ta hãy nhớ đến một số các vị anh hùng đã chứng tỏ tinh thấn bất khuất trước kẻ thù, đã nêu gương trung liệt đối với tổ quốc và đồng bào. Chúng tôi xin được nói về các vị tướng đã hy sinh mạng sống mình để chứng tỏ lòng trung thành với tổ quốc, bất khuất trước kẻ thù:

1.Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II, Quân khu II (vùng II  ChiếnThuật tại Pleiku). Ông sinh ngày 16/10/1928 tại Hà Đông trong một gia đình trung lưu, miền Bắc. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Tích và cụ bà Nguyễn Thị Nhiễm. Sau khi học hết chương trình trung học, ông tình nguyện vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt là trường đào tạo sĩ quan hiện dịch, khóa 8 khai giảng ngày 1 tháng 7/1952. Sau 01 năm thụ huấn, mãn khóa với cấp bậc Thiếu úy (28/6/1953: thủ khoa là Thiếu Úy Nguyễn Bá Thìn tự Long sau nầy là Đại Tá, chết tại trại tù Yến Bái). Thiếu Úy Phạm Văn Phú được chọn vào binh chủng Nhảy Dù, một binh chủng thiện chiến của quân đội. Năm 1953-1954, tình hình chiến sự rất sôi động tại các chiến trường Miền Bắc, ông được thả dù xuống căn cứ Điện Biên Phủ, nơi có khoảng 20.000 lính Pháp-Việt đang trấn giữ và bên ngoài có khoảng 60.000 lính Việt Minh đang bao vây, tấn công. Khoảng 5 tháng sau ngày ra trường, từ Thiếu úy, ông được thăng cấp Trung Úy vào ngày 1 tháng 12 năm 1953 và trong vòng 3 tháng sau, từ Trung đội trưởng ông được lên cấp Đại đội trường Đại đội 1 tiểu đoàn 5 Nhảy Dù và khoảng 40 ngày sau ông được thăng cấp Đại úy tại mặt trận (25/4/1954) vì có công tái chiếm trọng điểm chiến lược (đồi Elianne) trong trận Điện Biên Phủ. Và 12 ngày sau khi ông được thăng cấp Đại Úy, căn cứ Điện Biên Phủ thất thủ, ông bị bắt vào lúc 9 giờ sáng ngày 7 tháng 5/1954 trước khi Tướng De Castrie, chỉ huy căn cứ Điện Biên Phủ đầu hàng; lúc đó, không ai biết tin tức Đại úy Phú sống hay chết, xem như mất tích. Gần 01 năm sau ngày ký kết Hiệp Đinh Genève (20/7/1954) ông được trao trả tù binh tại cầu Bến Hải, vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị vào ngày 8 tháng 7/1955. 

Ông đã trải qua các khóa huấn luyện về Dẫn Đạo Chỉ Huy, về Lực Lượng Đặc Biệt v.v. Từ Đại úy, Thiếu tá đến Thiếu tướng, trong vong 16, 17 năm, ông lần lượt giữ các chức vụ: Tỉnh đòan trưởng Bảo An, Quận trưởng, Tham mưu trưởng Lực Lượng Đặc Biệt, Xử lý thưởng vụ Tư Lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh, Phụ Tá Tư lệnh Sư đoàn 2 rồi Sư đoàn 1, Tư lệnh Biệt Khu 44 (Đồng Tháp Mười), 1969, vinh thăng Chuẩn tướng, Tư lệnh Lực lượng Đặc Biệt. Năm 1970,Tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh (23/8/1970), 15/4/1971 vinh thăng Thiếu Tướng tại mặt trận (Sư Đoàn 1). Năm 1972, vì lý do sức khỏe, về Saigon chữa bệnh. Năm 1973: Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Ngày 5/11/1974, Tư lệnh Quân Đoàn II, Quân khu II tại Pleiku

       Sau hiệp định Paris (27-01-1973) Việt Cộng lợi dụng quân Mỹ rút, đã tăng cường xâm nhập quân lính, xe tăng từ Bắc vào Nam theo đường Trường Sơn và dọc biên giới Lào, Miên, đã tạo áp lực nặng nề cho vùng cao nguyên Pleiku, Ban mê thuột. Năm 1974, Việt cộng đánh chiểm tỉnh Phước Long và vùng Ba Biên Giới (Việt-Miên-Lào), tháng 3/1975, Việt cộng tấn công vào thị xã Ban mê thuột đồng thời chiếm Quảng Trị. Trước tình hình đó, trong cuộc họp mật tại Cam Ranh ngày 13/4/1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái khỏi Pleiku để giữ vùng Duyên Hải. Quyết định sai lầm đó đã khiến cho cả một Quân đoàn QL/VNCH tan rã. Hàng triệu cán bộ, công chức và gia đình cũng như đồng bào phải bỏ nhà cửa, tài sản chạy thoát thân, gây nên tình trạng hỗn loạn toàn Miền Trung. Nhân đà thắng lợi đó, cộng sản Hà Nội ra lệnh đem quân ào ạt tiến chiếm Miền Nam...

     Đầu tháng 4/1975, Thiếu Tướng Phú lâm bệnh phải vào điều trị tại Tổng Y viện Cộng Hòa, trước ngày 30/4/1975, sau  khi nghe tin Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn... đã bỏ Saigon trốn ra ngoại quốc, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh, tướng lãnh mạnh ai nấy chạy... Ông liền trở về tư dinh, 19 đường Gia Long, Saigon để sắp xếp cho vợ con ra đi và ra lệnh cho sĩ quan tùy viên là Trung Úy (có sách viết là Đại Úy) Đỗ Đức Tân (cũng là em vợ của ông) đem vợ con ông ra phi trường Tân Sơn Nhất để di tản... Khi vợ con ra khỏi nhà rồi, ông quyết định uống thuốc tự tử để trọn lòng trung thành với tổ quốc, không muốn cho bản thân bị kẻ thù làm nhục khi bị cộng sản bắt lần thứ hai... Trung úy Mạnh, sĩ quan An ninh biết được liền báo cho vợ con ông đang ở phi trường quay trở lại, đưa ông vào bệnh viện Grall ngay trước mặt nhà, để cấp cứu. Nhưng vì thuốc quá mạnh nên không còn cứu được nữa. Vợ con, bạn bè... những người chứng kiến giây phút đau lòng đó không ai là không cảm thương cho một vị tướng khi sa cơ thất thế, chỉ có đem cái chết đền nợ non sông mà thôi.

     Sau khi ông chết rồi, Việt cộng đã tịch thu hết nhà cửa, tài sản của ông khiến cho vợ con phải cảnh không nhà cửa, tiền bạc, đành tìm đến nương tựa nhà bà con (nhà Trung úy Tấn), người biết chuyện không ai mà không thương mến ông.

     (Tôi có người bạn là Đại Tá Nguyễn Bá Thìn tự Long, cùng tuổi, cùng khóa 8 sinh viên sĩ quan Đà Lạt với tướng Phú... cho biết: Trước 1954, Tướng Phú đã có một đời vợ, khi ông bị tù sau trận Điện Biên Phủ, người nầy đã bỏ ông. Năm 1957, anh Long đã giới thiệu cho ông Phú bà Đỗ Thị Lâm Đệ, sinh  năm 1935 tại Thượng Hải, cha mẹ đều là người Hoa, về sau bà mẹ lấy một người Việt Nam, cô nầy trở thành người Việt, lấy họ Đỗ là họ Việt. Cô nầy xinh đẹp, quý phái, nhân hậu hay thương người và có tướng là mệnh phụ phu nhân... Bạn bè tướng Phú thường nói “bà nầy có tướng là mệnh phụ phu nhân nên mới gặp được tướng Phú từ lúc hàn vi”. Tôi quen Tướng Phú năm 1970 khi ông về làm Tư  lệnh Sư đoàn 1 ở Huế, lúc đó tôi đang là Dân Biểu tỉnh Thừa Thiên. Tôi có giới thiệu người bạn, hiện nay đang ở Australia, nguyên là binh nhì thuộc Sư đoàn 1 nhưng có Tú tài Pháp, có bằng cử nhân và cao học... để giúp Tướng Phú giao dịch thư từ với các bạn người Pháp trong Hội Cựu Chiến Binh Điện Biên Phủ của Pháp. Bạn tôi cũng dạy con ông Phú học. Năm 1972, ông Phú từ Huế về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi có đề nghị với ông cho con trai ông vào học trường La Salle Taberd  Saigon là trường tư thục công giáo danh tiếng... Về sau cậu nầy được du học Mỹ và khoảng 1980-1990, đã bảo lãnh cho mẹ và các em qua Mỹ. Hiện nay phu nhân của Thiếu Tướng Phú đã qua đời, các con đang ở Mỹ)

Huy chương: Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương – Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu – 53 Huy chương đủ mọi loại khác nhau và một số huy chương Pháp, Mỹ...

2.Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam

Sinh ngày 23/9/1927 trong một gia đình danh giá ở đất Thừa Thiên, thân phụ là cụ Nguyễn Khoa Túc (Thanh tra học chánh), thân mẫu là Công Tôn Nữ Mộc Cẩn thuộc dòng Tuy Lý Vương , hoàng tộc nhà Nguyễn. Tổ tiên từ đời nầy qua đời khác có công giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cõi trong cuộc Nam tiến, đánh dẹp loan lạc, đem lại thái bình cho dân chúng. Sử sách còn ghi tên: Ông Nguyễn Khoa Đăng (quan Nội Tán) , Nguyễn Khoa Chiêm (Tham mưu) của chúa Nguyễn, Nguyễn Khoa Minh (thời Minh Mạng), tổ tiên có một vị tiến sĩ từ chức quan lập ra chùa Ba La Mật ở Phú Vang, trở thành Hòa thượng... rất danh tiếng. Ở Huế có 4 họ tộc lớn là Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Thân Trọng, Hà Thúc... thì Nguyễn Khoa được kể là danh giá bậc nhất... Nguyễn Khoa Nam lớn lên là một người con hiếu thảo, đạo đức, một học sinh tốt: năm 1946, ông thi đỗ Tú tài I, làm Chủ Sự Hành Chánh tại Huế. Năm 1953, động viên vào trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, mang cấp bậc Thiếu úy (1953), thu huấn cấp Đại đội trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt (1954), là một sĩ quan có tinh thần trách nhiệm, ở bất cứ đơn vị nào ông cũng được binh sĩ cũng như cấp chỉ huy kính phục. Với nhiều công lao trên các chiến trường, nhiều lần du học về các khóa chuyên môn quân sự cao cấp tại Hoa Kỳ... Ông lần lượt giữ các chức vụ Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trường, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Nhảy Dù, thăng Đại tá (1969), Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh (1970), vinh thăng Chuẩn tướng (1971), vinh thăng Thiếu tướng (1972), Thiếu Tướng thực thụ (1974) sau đó được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân Đoàn IV vùng IV Bộ Tư Lệnh đóng tại Cần Thơ, chịu trách nhiệm bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long (Miền Tây) là nơi dân cư đông đúc, ruộng đất phì nhiêu, là một vùng chiến lược quan trọng.

Ngày 27/4/1975, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương rồi trốn chạy ra ngoại quốc. Sau đó, trước áp lực quân sự của Việt Cộng từ Hà Nội đang ồ ạt tiến vào, ngoài ra, còn do áp lực của Mỹ và và của Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc của ông Vũ Văn Mẫu mà đàng sau là Thượng Tọa Thích Trí Quang nhất định đòi hỏi phải cụ Trần Văn Hương trao quyền lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Trước và sau khi bàn giao chức vụ Tổng Thống VNCH tại Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh đã cam kết bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Nhưng sáng 30/4/1975, Minh đã tuyên bố đầu hàng CS mà không có một nỗ lực chiến đấu nào mặc dầu lúc đó quân đội vẫn còn, lãnh thổ vẫn còn, chưa mất hết tất cả.

Trước lệnh buông súng đầu hàng của Dương Văn Minh, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã bình tĩnh, tập họp quân đội dưới cờ, thông báo tình hình. Hết đêm 30/4, qua ngày hôm sau, lúc 6:30 sáng 1 tháng 5/1975, ông mặc quân phục, ngồi tại văn phòng tư lệnh, dùng súng tự sát để trở về với tổ tiên anh hùng, mới 48 tuổi. Thân làm tướng “thành mất thì tướng phải chết theo thành”, ông không muốn để cho tấm thân phải bị sỉ nhục bởi quân thù. 

Tất cả sĩ quan, binh sĩ, và đồng bào nghe tin đó đều không cầm được nước mắt. Những sĩ quan và binh sĩ còn trung thành với ông đã đưa thi hài ông qua Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Trung Tá Bác Sĩ Hoàng Như Tùng, Giám đốc Quân y viện Cần Thơ đã lo việc mai táng cho Thiếu Tướng tại Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ. Ngày hôm sau 2/5/1975, chị ruột là Nguyễn Khoa Diệu Khâm và em ruột là GS Nguyễn Khoa Phước (Nghị sĩ VNCH) từ Saigon đến Cần Thơ dựng bia mộ. Mấy năm sau (1984), bà con dòng họ cải táng, đưa tro cốt về gởi tại chùa Già Lam đường Lê Quang Định, Gia Định do Hòa Thượng Thích Trí Thủ trụ trì...Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam ở độc thân, không lập gia đình, tu thân theo tinh thần Phật giáo, ăn chay, niệm Phật.

Huy chương : Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tam Đẳng và các huy chương đủ loại...

3. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (Tư lệnh Phó Quân Đoàn IV)

Sinh ngày 27/3/1933 tại Hóc Môn, Gia Định, cha mất sớm, ở với mẹ là Trương Thị Đức, trong một gia đình trung lưu, là học sinh giỏi tại trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Dakao, Saigon, lớn lên trong cảnh chiến tranh, nhập ngũ theo lệnh Tổng động viện trước Hiệp định Geneve (20/7/1954), tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức với cấp bậc Thiếu Úy (1955), phục vụ quân đội dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ (1955-1963), chỉ huy từ đại đội đến tiểu đoàn. Năm 1967, Trung Tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 Sư đoàn 21 Bộ Binh. Năm 1968, vinh thăng Đại Tá. Năm 1970, Tỉnh trưởng Phong Dinh (Cần Thơ), Năm 1971, Tư lệnh phó Sư đoàn 21 BB rồi lên Tư lệnh Sư đoàn 5 BB, thăng Chuẩn Tướng (9/3/1972). Ngày 6/4/1972, Việt cộng bao vây An Lộc (tỉnh Bình Long) Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng dùng trực thăng nhảy dù xuống An Lộc, tử thủ cùng với Đại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng Bình Long, thời gian bị VC bao vây gần 3 tháng. Cuối cùng Việt cộng bị đẩy lui. Ngày 7/7/1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến tại mặt trận gắn Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tam Đẳng kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, vinh thăng Chuẩn Tướng thực thụ. Ngoài ra còn thêm huy chương đặc biệt “Bình Long Anh Dũng”. Trận đánh nổi tiếng nầy khiến cho cả thế giới đều biết “Chuẩn Tướng  Lê Văn Hưng , người anh hùng tử thủ Bình Long - An Lộc”... xem như một trận Điện Biên Phủ thứ 2 trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Trận đánh đã tiêu diệt hàng chục ngàn lính Việt Cộng. Năm 1973, ông qua làm Tư lệnh Sư đoàn 21 BB ở Miền Tây. Năm 1974, Tư lệnh phó Quân Đoàn IV dưới quyền của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.

Ngày 30/4/1975, sau khi được lệnh đầu hàng, ông gặp gỡ, tâm sự với sĩ quan và binh sĩ dưới quyền, từ giã anh em và gia đình. Ông nói “Tôi bằng lòng chọn cái chết. Tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ được thành thì phải chết theo thành”.  Lúc 8:45 phút tối 30/4/1975, ông dùng súng tự tử tại văn phòng Phó Tư Lệnh, lúc 42 tuổi để lại người mẹ, vợ, và bốn người con: 3 gái, 01 trai. (an táng tại khu đất của gia đình).

Huy chương: Đệ Tam đẳng Bảo Quốc Huân Chương,  Chương Mỹ Bội Tinh Đệ Nhất Hạng, Lục Quân Huân Chương Đệ I hạng, 28 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, 3 Chiến Thương Bội Tinh, Huy chương của Hoa Kỳ tặng v.v.

4. Chuẩn Tướng Trần Văn Hai

Sinh 1/1925 tại Gò Công trong một gia đình trung lưu, sau khi học hết chương trình Trung học, tình nguyện vào Quân đội, -1952 tốt nghiệp khóa 7 Võ Bị Liên Quân Đà Lạt với cấp bậc Thiếu Úy, đã lần lượt giữ các chức vụ: tiểu đoàn trưởng, 

-1963, Thiếu Tá chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ (Nha Trang),

-1965, Trung Tá tỉnh trưởng Phú Yên,

-1967 thăng Đại Tá ,

-1968 Đại Tá Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân,

- 1968, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia,

7/1970, vinh thăng Chuẩn Tướng Tư lệnh Biệt khu 44 (vùng Đồng Tháp Mười: các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Châu Đốc, An Giang),

-1972, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II tại Pleiku (Biệt động quân biên phòng), -Chỉ huy trưởng Trung Tâm huấn luyện Lam Sơn kiêm Trung Tâm Dục Mỹ, - Chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang,

-1/11/1974: Tư Lệnh Sư Đoàn & BB... Trải qua các đơn vị, ông được tiếng là một người có tư cách, gương mẫu, tận tụy phục vụ cho quốc gia. Thời tuổi trẻ, ông đã từng là đảng viên Đại Việt (cùng người anh là Trần Văn Xuân, Thủ lãnh Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn của Đại Việt) mục đích tranh đấu giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, xây dựng cho đất nước một chế độ tự do dân chủ. Trải qua các chiến trường, ông chứng tỏ là một cấp chỉ huy có khả năng và trong sạch. Sĩ quan và binh sĩ dưới quyền ai cũng thương và kính phục ông.

Ngày 30/4/1975, khi có lệnh buông súng đầu hàng, lúc đó ông đang ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Mỹ Tho, gần Saigon, ông tập họp sĩ quan và binh sĩ, phổ biến tin tức, cám ơn và từ giã anh em. Ông khuyên mọi người nên trở về nhà lo cho vợ con, không nên tiếp tục chiến đấu đổ máu vô ích. Ông nói:  “Vận nước đã đến hồi như vậy rồi, không làm gì hơn được”. Khoảng nửa đêm 30/4 gần sáng 01 tháng 5/1975, ông ăn mặc áo quần chỉnh tề, mang đầy dủ huy chương trên ngực rồi vào phòng chỉ huy của Tư Lệnh Sư Đoàn, uống khoảng 20 viên thuốc hiệu Optalidon (thuốc trị đau nhức đầu của Pháp) và 1/3 chai rượu nho (rượu lễ của Linh Mục) rồi gục đầu chết trên bàn. Khoảng 4 giờ sáng, sĩ quan trực mới biết ông đã chết. Sáng 1/5/1975, thi hài ông được đưa vào quàn tại bệnh xá Sư đoàn 7. Lúc 2 giờ chiều, sĩ quan tùy viên của ông là Trung úy Huỳnh Văn Hoa về Saigon báo tin cho vợ ông, bà Phạm Thị Cúc, ngay sau đó, mẹ và các em của ông thuê xe tang từ Saigon về Mỹ Tho đưa xác ông về tại bệnh viện Grall (Đồn Đất) đường Nguyễn Du, Saigon. Việc khâm liệm hoàn tất vào lúc 8 giờ tối. Sáng hôm sau, 2/5/1975, an táng tại Nghĩa Trang chùa Vĩnh Nghiêm, Saigon. Tôi có người bạn, ngày xưa là Trưởng Ty Cảnh Sát dưới quyền ông, nghe tin vội chạy đến bệnh viện Grall, chứng kiến tận mắt cảnh thi hài ông nằm trên giường, mặc áo quần sĩ quan cấp tướng, ngực mang đầy huy chương. Anh bạn tôi nói: “Những hạng người như thế trên đời nầy dễ gì có được” rồi anh bật khóc.

5. Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ (Tư lệnh Sư đoàn 5 BB)

Sinh ngày 22/8/1933, cha: Lê Nguyên Liên, mẹ: Lê Thị Huệ,  trong một gia đình Nho học, danh giá tại thị xã Sơn Tậy. Họ Lê nhiều người đỗ đạt, đã từng giữ chức vụ lớn trong chính quyền quốc gia như Trung Tướng Lê Nguyên Khang, v.v. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ là con đầu lòng trong một gia đình gồm 2 em gái cùng mẹ và một em trai cùng cha khác mẹ, hiện còn ở Việt Nam. Năm 1951, học hết trung học tại Hà Nội, ông trúng tuyển khóa 2 Lê Lợi, trường Võ Bị địa phương Huế (thường gọi là trường Hạ Sĩ Quan Đập Đá),  Năm 1953 theo học Khóa Huấn Luyện Biệt Kích tại Bãi Cháy, Hưng Yên, lên Trung Úy thuộc tiểu đoàn 19 BNVN do đại Úy Đỗ Cao Trí chỉ huy (1970 là Trung Tướng). Năm 1954, tiểu đoàn 19 BNVN trở thành Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, ông được chọn du học khóa Nhảy Dù tại Pau (Pháp). Năm 1955 đánh nhau với Bình Xuyên tại trường Petrus Ký Saigon, bị thương. Năm 1956, vinh thăng Đại Úy, Quận trưởng Bến Cát (Bình Dương). Năm 1965 lên Thiếu Tá. Năm 1968, Trung Tá Trung đoàn trưởng trung đoàn 8 Sư đoàn 5 BB. Năm 1970, Đại Tá, du học Mỹ, trở về làm Tư lệnh phó Sư đoàn 5 BB. Năm 1972, phụ tá Chuẩn tướng Lê Văn Hưng tại trận An Lộc. Ông là người đầu tiên sử dụng M.72 hạ xe tăng Việt cộng tại mặt trận Bình Long-An Lộc, từ đó binh sĩ thêm tin tưởng vào loại vũ khí mới nầy. 1973 Đại Tá Tư lệnh phó Sư đoàn 21 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng. Ngày 01/11/197 đặc cách ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Anh Dũng Bội Tinh nhành Dương Liễu, một tuần sau lên Tư lệnh Sư đoàn 5 BB. Ngày 1/11/1974, vinh thăng Chuẩn tướng. 

Ngày 30/4/1975, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự tử sau khi được lệnh đầu hàng... Theo Trung Tá Văn, Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị Sư đoàn 5 BB kể lại cho ông Lê Nguyên Hoàng (anh con bác của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ) giờ phút cuối cùng của Chuẩn tướng Vỹ như sau:

Ngày 30/4/1975, khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ họp sĩ quan, binh sĩ Sư đoàn 5 lại và nói: “Mặc dù có lệnh trên nhưng tôi cương quyết không đầu hàng. Tôi sẽ có cách tự xử riêng với tôi. Anh em ai lo thân nấy, chạy được thì chạy”. 

Trong khi bên ngoài, VC bắc loa kêu gọi đầu hàng thì ông vẫn bình tĩnh và ra lệnh cho nhà bếp tổ chức một bữa tiệc mời anh em. Sau khi ăn uống no say, ông đứng dậy và đi vào phòng bên cạnh. Lát sau, có tiếng súng nổ, mọi người chạy vào thấy ông ăn mặc quân phục chỉnh tề, mang huy chương và quân hàm Chuẩn Tướng nằm chết trên giường. Ông đã dùng súng bắn xuyên cằm lên đầu tự tử. Lúc đó khoảng 12:30 chiều ngày 30/4/1975.

Tất cả các sĩ quan đều có mặt khi Việt Cộng vào. Tướng chỉ huy của VC thấy như vậy, đã nói: “Đây mới xứng đáng là con nhà tướng”.

Anh  em đem chôn ông tại sân Bộ Tư lệnh bên cạnh cột cờ, nhưng VC không cho. Cuối cùng phải đem chôn trong vườn cao su ở bên ngoài đồn.

Trong lúc chiến trận xảy ra thì vợ con ông đã chạy theo dòng người di tản ra ngoại quốc. Hai ngày sau khi ông chết, 2/5/1975, người vợ của Trung tá Phan Mạnh Tuân (anh ruột bà Lê Nguyên Vỹ) đi gặp Việt cộng, nói dối bà là vợ của ông Lê Nguyên Vỹ , xin nhận xác chồng về chôn. Bà con đã đào mộ cũ lấy xác đem về chôn ở Hạnh Thông Tây, có lập bia mộ rõ ràng. Năm 1987, bà mẹ của ông, đã ngoài 80 tuổi,  và anh em của ông từ Sơn Tây vào cùng ông Lê Nguyên Hoàng (Trung Tá VNCH vừa đi tù cải tạo về) đi cải táng, lấy cốt của Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ đem thiêu để mang về quê nhà, thị xã Sơn Tây. Ông Lê Nguyên Hoàng đã quan sát kỹ thấy sọ của Chuẩn tướng có vết đạn xuyên qua. Hiện nay, bà con dòng họ ở ngoài Bắc đã xây lăng mộ cho Chuẩn Tướng tại quê nhà. Vợ con của ông hiện đang sống ở Mỹ. Hoàn cảnh gia đình, năm 1954, mẹ và anh em đều ở lại Miền Bắc, chỉ có ông Lê Nguyên Vỹ theo đơn vị vào Nam và lúc đó đang đi học về Không Quân tại Pau (Pháp). Chúng tôi viết lại mấy dòng nầy qua lời kể của Trung Tá Lê Nguyên Hoàng, hiện đang sinh sống tại thành phố Garden Grove, California, USA

Kết luận: Nhân ngày Quốc Hận 30/4/1975, chúng tôi xin đốt nén hương tưởng niệm các bậc anh hùng “sinh vi tướng, tử vi thần” và những sĩ quan, binh sĩ cũng như những người yêu nước và đồng bào vô tội đã chết trong ngày 30/4/1975 và trong suốt cuộc chiến chống lại cộng sản từ 1945 đến nay. Sau ngày 30/4/1975, máu của những người yêu nước vẫn còn đổ ra trong các cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Gương trung dũng của quý vị là gương sáng cho muôn đòi noi theo.

(bài nầy đã viết cách nay gần 20 năm, và đã được bổ túc vào tháng 4/2015)

Nguyễn Lý Tưởng