NHÂN ĐỌC BÀI “PHỤC SINH CHÍNH TRỊ CÔNG GIÁO VÀ ĐẾ CHẾ CỘNG SẢN” CỦA NGUYỄN HỮU LIÊM, ĐÔI ĐIỀU GÓP Ý VỚI TÁC GIẢ
(Bài I)
Nguyễn Đức Cung
Trong lời giới thiệu bài viết này, Bauxite Viêt Nam có ghi tác giả bài báo là một học giả (Học giả Nguyễn Hữu Liêm). Tôi có người bạn mới quen là Tiến Sĩ Trần Kiêm Đoàn hiện ở San Jose năm ngoái cho biết bạn của anh là Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Liêm, học về ngành Triết, và trước đây tôi có đọc rất nhiều bài của Nguyễn Hữu Liêm trên Web Đàn Chim Việt, và Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức, và mới đây có đọc vài bài trên VOA tiếng Việt. Trong bài góp ý này tôi xin phép dùng chữ “học giả” hay ông Nguyễn Hữu Liêm (NHL) cho tiện.
Mỗi lần có dịp tham dự một buổi ra mắt sách hoặc giới thiệu một tác phẩm văn học nào đó, hay viết bài góp ý nhân đọc một bài báo, tôi lại nhớ đến một câu nói của Tăng Tử 僧 子, một đệ tử thân thiết của Khổng Tử: “Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân 君 子 以 文 會 友, 以 友 輔 仁 Nghĩa là: “Người quân tử dùng văn chương để họp bạn, dung bạn để giúp nhau tiến lên đức nhân.” (Luận Ngữ, Thiên XII Nhan Uyên, 24. Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử & Luận Ngữ, Nhà xb. Văn Học, 2003, trang 421; Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Nhà xb. Khai Trí, 1973, tr. 71. Chữ nhân 仁 mà Tăng Tử đưa ra ở đây tuy có ý nói là đạo nhân nghĩa, nhưng ngày nay xét cho cùng cũng có thể hiểu đó là chính nghĩa của một dân tộc, lý tưởng của một tổ chức, một hiệp hội, hay rộng ra là một tôn giáo, có khi là hoài bảo thiêng liêng, sâu thẳm của một tác giả, một nhà văn hoặc một cá nhân nào đó. Chính câu nói của vị cao đồ của thầy Khổng khiến cho tôi cũng phải biết giới hạn của mình khi thẳng thắn viết ra những suy tư cá nhân.
Đối với một người Công Giáo như tôi, tuần lễ này được gọi là Tuần Thánh và ngày hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh bắt đầu Tam Nhật Thánh (Triduum) mà được đọc một bài viết do một học giả thuộc Phật Giáo lại có danh tiếng, chuyển trên trang Web Bauxite Viet Nam thì thật là một niềm vui. Đọc hết bài viết cũng thấy ngổn ngang những suy tư trong lòng nên thấy cần thiết phải góp ý với tác giả một vài điều sau đây.
1.- Nhân đọc bài viết của NHL, suy nghĩ về những điều gặp thấy trước đây.
Ngoại trừ những cuốn sách và những bài viết của TS Vũ Ngự Chiêu mang tính bài Công Giáo một cách quyết liệt, cực đoan và đầy vẻ hận thù mà tác giả Winston Phan Đào Nguyên đã lột trần bản chất và lật tẩy một cách rất khoa học và nhân bản trong cuốn Đặc San viết về Trương vĩnh Ký (Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo TRƯƠNG VĨNH KÝ [ngày 8 tháng 12 tại Nam Cailfornia], bài Petrus Key và Petrus Ký, Chuyện Một Lá Thư Mạo Danh Trương Vĩnh Ký Vào Thế Kỷ 19, trang 242-392), tôi có đọc nhiều bài viết của TS Cao Huy Thuần, đệ tử của Hòa Thượng Thích Trí Quang thuộc làng Diêm Điền kế cận gần làng tôi tức phường Đồng Mỹ còn có tên giáo xứ Tam Tòa ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, và nhiều sách của Trần Gia Phụng, bạn học cùng lớp ĐHSP ban Sử Địa và các chứng chỉ Phương Pháp Sử, Sử VN và Đông Nam Á, Sử Tây Phương v.v… với LM Nguyễn Phương, LM Nguyễn Hòa Nhã, Thượng Tọa Thích Thiên Ân (con của Hòa Thượng Thích Tiêu Diêu, tự thiêu trong dịp Phật Giáo chống chính quyền VNCH năm 1963). Hai tác giả Cao Huy Thuần và Trần Gia Phụng đã tỏ ra sai lầm lúng túng khi bước vào một lãnh vực khá xa lạ với họ đó là khi họ viết về Công Giáo nhất là Công Giáo ở Việt Nam.
Trường hợp Cao Huy Thuần.- Ở đây tôi xin trích một đoạn của nhà báo Lữ Giang (1937-2018) viết về Cao Huy Thuần dưới nhan đề “Nhà trí thức trí trá”:
“NHÀ TRÍ THỨC TRÍ TRÁ
Trong cuốn “Divers Voyages et Missions” Các Cuộc Hành Trình và Truyền Giáo) của LM Alexandre de Rhodes xuất bản tại Paris năm 1653, ở đoạn cuối, chương 19, phần thứ 3, có một đoạn nguyên văn như sau:
“J’ai cru que la France, étant le plus mieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujettir à Jésus-Christ, et particulièrement que j’ytrouverais moyen d’avoir des évêques, qui fussent nos Pères et nos Maîtres en ces Églises. Je suis sorti de Rome à ce dessein le 11ème Septembre de l’année 1652 après avoir baisé les pieds du Pope”.
Trong cuốn “hành Trình và Truyền Giáo”, trang 263, xuất bản tại Việt Nam năm 1994, Hồng Nhuệ đã dịch ra Việt ngữ như sau: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông phương đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn.Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Đức Giáo Hoàng.”
Ở đây Hồng Nhuệ đã sửa mấy chữ “plusieurs soldats” (nhiều chiến sĩ) thành “quelque soldats” (mấy chiến sĩ), đó là điều đáng tiếc. Các đoạn khác được dịch khá trôi chảy. Hồng Nhuệ có chú thích ở trang 289: danh từ “chiến sĩ” (doldat) nói ở đây là chiến sĩ Phúc Âm tức là nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng.
Nhưng trong Luận án Tiến sĩ “Đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam (1857-1914)”, [Christianisme et Colonialisme au Vietnam (1857-1914) xuất bản tại Paris năm 1968, Cao Huy Thuần đã sửa đổi và trích không trọn câu nói trên của LM Alexandre de Rhodes, sau đó đã dịch ra tiếng Việt trong bản do Quê Hương xuất bản năm 1988 ở Los Angeles như sau:
“ Tôi tin rằng: Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh sĩ để đi chinh phục toàn thể Đông phương, cũng như ở đó, tôi sẽ có cách để có nhiều giám mục vốn là Cha và các Thầy của chúng ta ở trong các nhà thờ. Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó.
Với đoạn trên, Cao Huy Thuần đã:
Bỏ đi đoạn “đưa về qui phục Chúa Kitô”.
Sửa đoạn “và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn” lại thành “tôi sẽ có cách để có nhiều giám mục vốn là Cha và các Thầy của chúng ta ở trong các nhà thờ.
Câu cuối cùng “tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Đức Giáo Hoàng”, đã được biến ra thành: “Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó.”
Các nhà khảo cứu ở trong cũng như ngoài nước đã phê bình khá nhiều hành động trí trá này của Cao Huy Thuần.
Trước hết, Cao Huy Thuần có bằng tiến sĩ ở Pháp mà không phân biệt được chữ “Église” viết hoa (có nghĩa là Giáo Hội) và chữ “église” viết thường (có nghĩa là nhà thờ)!
Cao Huy Thuần thừa biết trong Giáo Hội Công Giáo cũng như trong xã hội, chữ “soldat” hay “soldier” không chỉ dùng để chỉ binh lính, bộ đội mà còn để chỉ những người xã thân cho một lý nào đó, vì thế Từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh đã dịch chữ “soldat” là “lính, bộ đội, chiến sĩ…” Hiện nay, những chữ như Soldiers of Mary, Soldiers of Christ, Soldiers of the Cross, Soldats du Christ, Soldat du communautarisme chrétien, L’armée du Christ, Legion of Mary (Legio Mariae)… được dùng rất nhiều trong Giáo Hội Công Giáo để chỉ những tổ chức và những chiến sĩ truyền giáo dưới những dạng thức khác nhau. Trong lãnh vực hoạt động xã hội, chúng ta cũng thường thấy những chữ như Soldats de la civilization (Chiến sĩ văn hóa), Soldats de la liberté (Chiến sĩ tự do), Soldier of Mercy, Soldier of Love, Soldiers of Peace v.v… Có ai coi những chữ “soldat”hay “soldier” nói trên là binh lính hay bộ đội như Cao Huy Thuần đâu?
Trong lễ tưởng niệm 400 ngày sinh của Alexandre de Rhodes, Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm đã dịch thẳng câu chữ “plusieurs soldats” là “chiến sĩ truyền giáo” và hiện nay “tên gián điệp đội lốt tôn giáo” Alexandre de Rhodes đã trở thành danh nhân Việt Nam được đặt bia ở Thư viện Quốc gia và tên đường ở Sài Gòn.” (Lữ Giang, Website Một Góc Trời, Tài liệu trên mạng ngày 9/9/2011).
Trong tác phẩm có tên Les missionnaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viêt-nam, Linh Mục Tiến Sĩ Roland Jacques (tên Việt Nam là Dương Hữu Nhân), người sành sỏi các thứ tiếng như Hy Lạp, Do Thái, La tinh, Bồ-đào-nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Việt Nam và Hán tự… đã viết rằng: “Il est vrai qu’Alexandre de Rhodes a parfois employé dans ses publications un langage image: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujettir à Jésus-Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des évêques, qui fussent nos pères et nos maîtres en ces Églises…” Il s’est trouvé des universitaires pour interpreter litéralement les pieuses metaphors de ‘soldats et de ‘conquêtes’. [Alexandre DE RHODES, Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, Paris, Sébastien Mabre-Cramoisy et Gabriel Cramoisy, 1653; reed. En fac-similé avec trad. Vietnamien par HỒNG NHUỆ [pseudonym de Nguyễn Khắc Xuyên], Hồ-Chí-Minh Ville, Tủ sách Đại kết, 1994: 3e partie, p.78-79). Dịch nghĩa đoạn văn trên và chú thích: “Sự thực thì Alexandre de Rhodes đôi khi đã dùng một lối nói bóng bảy trong các tài liệu ông đã xuất bản: “Tôi đã nghĩ rằng Pháp quốc vốn là vương quốc sùng đạo nhất trên thế giới, hẳn có thể cung ứng cho tôi nhiều chiến sĩ lên đường chinh phục toàn Đông phương, để đưa về Chúa Giêsu Kitô, và đặc biệt là tôi mong xứ ấy giúp tôi có được những giám mục, là những bậc làm cha, làm thầy của chúng tôi trong các giáo hội ấy…” Thế mà, có những bậc học giả cấp đại học từng giải thích các hình ảnh tỷ dụ trong ngôn ngữ sùng đạo “chiến sĩ” và “chinh phục” theo nghĩa đen của chúng!” [Alexandre de Rhodes, Divers voyages etmissions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, Paris, Sébastien Mabre-Carmoisy et Gabriel Cramoisy, 1653; tái bản bằng bản chụp với phần dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ [bút hiệu của Nguyễn Khắc Xuyên], TP Hồ Chí Minh, Tủ sách Đại Kết, 1994; phần 3, tr.78-79. Xem John DE FRANCIS, Colonialism and Language Policy, La Haye, 1997. Cũng xem chú thích 74. Bản dịch Việt ngữ tác phẩm của Roland Jacques do các dịch giả Nguyễn Đăng Trúc - Trần Duy Nhiên - Nguyễn Bá Tùng - Hồ Ngọc Tâm, Định Hướng Tùng Thư, 13 g rue de l’Ill, 67116 Reichstett, France, xuất bản 2004, trang 33].
Chúng tôi lấy làm tiếc không có sách của John de Francis để xem thái độ trí trá của tác giả này như thế nào, có giống Cao Huy Thuần hay không, tuy nhiên Cao Huy Thuần đã tỏ ra biết phục thiện và lắng nghe các lời chỉ trích phê phán thẳng thắn của các bậc thức giả khác nên trong ấn bản do Nguyên Thuận dịch (do Nhà xuất bản Tôn Giáo, in năm 2003 tại Hà Nội) tác giả đã bỏ đoạn văn này. Cũng là may, bởi nếu còn giữ lại đoạn đó thì cũng là một vết nhục của một giáo sư đại học mà thôi!
Trước hết xin nói rõ cùng học giả NHL và quý độc giả tôi là người xuất thân ngành Sử của Trường Đại Học Văn Khoa, Viện Đại Học Huế trước năm 1975. Thầy dạy sử của tôi là LM Nguyễn Phương (mất năm 1993) và GS Nguyễn Thế Anh hiện còn sống ở Pháp. Tôi cũng có học Triết với GS Trần Văn Toàn, Sư Huynh Fredinand. Một số bạn thân của tôi còn sống như anh Nguyễn Lý Tưởng, TS Lê Đình Cai, GS Trần Gia Phụng, anh Võ Hương An tức Giám Sát Võ Văn Dật. Nghề của chúng tôi là dạy sử, viết sử mà đối tượng nghiên cứu là thời sự quá khứ khác với đối tượng của các bộ môn văn chương trong đó có triết học. Bởi những mối liên hệ trên đây, tôi cảm thấy vui khi đọc những tác giả đó viết về sử học có liên quan đến vấn đề Công Giáo.
Trường hợp nhà nghiên cứu Trần Gia Phụng.- Anh Phụng với tôi là chỗ đồng môn nghĩa là cùng học với nhau thời gian ba năm tại ĐHSP Huế và Trường Văn Khoa Huế, có chung rất nhiều ông thầy nổi tiếng về ngành Sử và Địa, Triết và Văn, như các LM Nguyễn Phương, Nguyễn Hòa Nhã, LM Lefas, LM Oxarango, TT Thích Thiện Ân, LM nhà văn Thanh Lãng, GS Trần Văn Toàn, Sư Huynh Ferdinand tức Đặng Văn Toán, LM Nguyễn Văn Thích v.v… Tuy vậy khi viết về đạo Công Giáo ở VN anh TGP cũng mắc nhiều sai lầm chỉ vì lãnh vực CG ấy vậy mà vô cùng phức tạp nên không dễ gì bước vào, nhất là khi đọc và viết phải có Đức Tin của một người Công Giáo. Một số bài viết trước đây của tôi phản biện lại những bài viết của tác giả Trần Gia Phụng được đăng lên nhiều trang Web, báo giấy và nay đã được tôi in lại trong cuốn sách xuất bản tháng 10-2021 có tên “Sử trung luận bút” do nhà xuất bản Nhật-Lệ ở Philadelphia, TB Pennsylvania phát hành nên tôi thấy quý vị độc giả nên tìm đọc nếu cần. Với anh Trần Gia Phụng tôi luôn giữ niềm kính phục và thương mến.
Trở lại bài viết của học giả Nguyễn Hữu Liêm (NHL), để thấy sự khác biệt giữa một người theo ngành Triết và một môn đệ của ngành Sử, dĩ nhiên giữa hai ngành này cũng có sự liên hệ mật thiết với nhau, xin đọc vào nhận định của sử gia linh mục Nguyễn Phương đã viết cách nay hơn sáu thập niên như sau:
“Trong việc đào tạo sử gia, triết lý đóng một vai trò quan trọng, vì sử gia cần phải có một vai trò quan trọng cho trí óc phán đoán, dựa trên những nguyên tắc của một nền triết lý lành mạnh. Sử gia phải biết Luận lý học để có thể diễn đạt tư tưởng một cách sáng sủa, trật tự, đúng đắn. Những lúc gặp khó khan, người chép sử không sao tránh được sự áp dụng những hình thức luận lý thông thường như quy nạp và diễn dịch. Đã đành, một khối óc bình thường, dầu không học các môn đó, cũng có thể vận dụng được guồng máy tư tưởng một cách tự nhiên, nhưng kẻ có học sẽ có thể làm việc một cách sẵn sang, chắc chắn và khéo léo hơn biết bao. Rồi, như đã nói trên, nhà viết sử lại là kẻ cố vươn mình đến chân lý khách quan trong quá khứ và phải cần đến trí thức học vì đó là môn phân tích bản tính và giá trị khách quan của trí thức, tỏ ra cho họ thấy rằng con người có thể biết chắc được sự thật về thời quá khứ. Đạo đức học thì cung cấp cho sử gia những nguyên tắc về cương thường đạo lý trong đời sống cộng đồng và cá nhân, nhờ đó sử gia có thể biết được nghĩa lý và giá trị của những người và những việc đã qua. Sau hết siêu hình học, dầu bề ngoài xem ra không có dính líu gì đến sử học, vẫn có quan hệ nhiều đến sử gia. Nó bảo đảm mạnh mẽ nguyên tắc nhân quả, tức là nguyên tắc sử gia phải dựa vào để trình bày sự kiện lịch sử, ngoài ra nó còn nêu ra một động cơ đại đồng cho tiến trình lịch sử. Một sử gia hữu thần sẽ rất khác với một sử gia vô thần trong việc trình bày chân lý lịch sử.” (Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, Phòng Nghiên Cứu Sử Viện Đại Học Huế, 1964, trang 40-41).
Đọc bài viết của NHL, thoạt đầu tôi thấy sự khác biệt giữa nhà nghiên cứu Triết học so với nhà nghiên cứu Sử khác nhau trong lối trích dẫn và thấy công việc của nhà nghiên cứu Sử học sao mà chi li vất vả đến thế! Ông NHL khi trích dẫn Alexandre de Rhodes, cuốn Divers Voyages et Missions (dịch là Các cuộc Hành trình và Truyền giáo) xuất bản tại Paris năm 1653, thì trích dẫn nhan đề sách bằng tiếng Việt, có thể khiến một vài người không quen sẽ hỏi: “Vậy sách này cha de Rhodes viết bằng tiếng Việt à?” Người viết Sử sẽ phải mất nhiều thì giờ hơn khi trưng rõ tên cuốn sách, nhà xuất bản, năm in, nơi in… trong khi nhà nghiên cứu Triết như NHL thì trích dẫn mà chẳng cần các điều phải ghi ra như trên. Trích dẫn như ông NHL làm sẽ khiến nhiều người đọc vào thắc mắc. Từ câu “Trong suốt 30 năm hành trình truyền giáo [ở Á Đông] của tôi, đó chỉ là hoạt động của ơn Thánh nhằm chinh phục các linh hồn, là những chiến thắng của đức tin đối với sai lầm, sự thành lập Giáo hội Thiên Chúa ở nhiều miền đất nước xưa kia thuộc về ma quỷ.” (Alexandre de Rhodes, Hành trình và Truyền giáo (1653)). Nếu độc giả muốn kiểm soát lại những đoạn văn trích dẫn và dịch ra trên đây của NHL cũng thật khó vì không có nguyên văn của cha Đắc Lộ để kiểm chứng, thí dụ ông NHL dịch chữ “ma quỷ” trên đây chẳng hạn. Với nguyên tắc trích dẫn của Phương Pháp Sử Học mà chúng tôi đã được học tại Trường Văn Khoa Huế (1962), khi trích dẫn phải trích đúng nguyên văn, kể cả những chữ hay chỗ tác giả viết sai cũng phải để y nguyên như vậy, không được sửa (Nguyễn Phương, Sách đã dẫn, mục “cước chú”, trang 175-182).
Tuy nhiên đọc vào rất nhiều sách của GS Trần Văn Toàn, dạy triết ở Viện Đại Học Huế từ 1957 đến 1965, trong các bài viết của ông trên Tạp chí Đại Học cũng như những sách xuất bản khi ông sống ở hải ngoại, kể cả những tư liệu ông gửi riêng cho tôi như Contribution à l’étude de la traduction vietnamienne des concepts chrétiens, rồi bài Liên quan giữa Cái chết và vấn đề Thiên Chúa theo quan niệm của Feuerbach, hay sách Đạo trung tùy bút, do nhà xb. Tôn Giáo in năm 2008 cũng đều ghi chú rõ ràng như các nguyên tắc của Phương Pháp Sử Học.
Một tác giả ở trong nước nổi tiếng về ngành Triết, Tiến sĩ Linh Mục Trần Thái Đĩnh cũng đã xuất bản trên mấy chục cuốn sách viết về Triết (mà lúc bấy giờ có lẽ NHL chưa chào đời), cũng viết và trích dẫn như vậy, theo nguyên tắc của Phương Pháp Sử, thế thì có lẽ chỉ một mình NHL là muốn viết sao thì viết (dĩ nhiên), nhưng trích dẫn thì cũng phải tôn trọng một nguyên tắc nào đó chứ?
Khi học giả NHL trích câu sau đây: “[Nếu] các em không được diễm phúc tử đạo [như các Thánh, thì ít nhất] các em hãy bắt chước lòng can đảm khẳng khái của họ.” (Tạp chí Nghĩa binh Thánh thể, 1945), quả thật với tấm lòng của một người nghiên cứu sử, tôi rất mong được đọc chú thích về người viết, nơi in của tạp chí này, bởi vì từ năm 1953 tôi cũng là một thiếu niên tham gia “Nghĩa binh Thánh thể “ở giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình. Sao tác giả NHL lại hà tiện chữ nghĩa đến thế?
Một điều tôi xin nói rõ ở đây là NHL đã đi vào vết xe của hai tác giả là Cao Huy Thuần và Trần Gia Phụng đó là đã can đảm bước vào một lãnh vực mà họ ít để tâm nghiên cứu đó là lãnh vực Công Giáo, vì coi thường và tự phụ. TS Cao Huy Thuần khi nói về đạo Công Giáo là nói bằng tất cả sự hận thù (có lẽ do ảnh hưởng của “thầy tôi” - chữ của tiến sĩ họ Cao) - HT là Thích Trí Quang nên đã bị nhà báo Lữ Giang gán cho biệt danh “nhà trí thức trí trá”. Trong một loạt bài giảng thuyết “Kinh Thánh 100 Tuần” phổ biến dưới dạng CD, Đức Giám Mục Nguyễn Văn Khảm hiện coi sóc Giáo Phận Mỹ Tho có cho biết ở Đại Học Công Giáo Manila ở Phi Luật Tân có một nhà sư học lấy bằng Tiến sĩ Thần Học. Như vậy nghiên cứu sinh này vào lớp là chỉ biết tự mình học thôi chứ không cần phải có niềm tin, trong khi các sinh viên Công Giáo vào các lớp thần học này là phải âm thầm đọc kinh trước để cầu xin ơn Đức Chúa Thánh Thần. Người Công Giáo trước khi làm một việc gì như xem lễ, đọc kinh, cử hành mục vụ, hội họp, đi đường, đi hành hương v.v… đều đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần để cầu xin ơn trợ lực. Sở dĩ họ làm như vậy vì họ có Niềm tin, có Đức Tin. Đối với ngườ CG, Đức Tin quan trọng vô cùng
Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Điều 741 có viết: “Thánh Thần giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn. Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nên Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng “rên siết khôn tả” (Rm 8, 26), tác giả những kỳ công của Thiên Chúa, là Thầy dạy cầu nguyện.”(Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của 14 dịch giả, Nhà xb. TP Hồ Chí Minh, 1998, trang 289.)
Học giả NHL, khi viết bài mà chúng tôi sẽ điểm tới trong những tiết mục cụ thể sau, chắc đã tỏ rõ tấm thiện chí của mình qua tinh thần lạc quan cùng tập thể Công Giáo tại Việt Nam. Chúng tôi xin chia sẻ tâm tình đó và dĩ nhiên khi viết bài góp ý này, chúng tôi viết với cương vị cá nhân nên chịu hoàn toàn trách nhiệm do bài viết mình đưa ra. (Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét