Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 56 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn 56

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***

 

Vọi


Vọi : to, xa

(to như anh Vọi, to vọi vọi, xa vòi vọi)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

Cuốn sách được đặt tiêu đề: Từ điển chính tả tiếng Việt (Gs Nguyễn Văn Khang) không “xử lí chính tả” theo tài liệu, mà “xử lí” theo cảm tính chủ quan, dẫn đến rất nhiều sai sót.


 


Những sai sót bao gồm rất nhiều mặt, như: sai chính tả do lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N dấu hỏi (?) với dấu ngã (~); sai kiến thức, hiểu biết về thành ngữ tục ngữ, sai về từ ngữ Hán Việt

 

Sai chính tả do không nắm được nghĩa yếu tố cấu tạo từ; như 

“chầy: chầy chật. → không viết: trầy”.

Viết chuẩn là “trầy trật” (trầy da, trật xương). 

 

“chẽn: chiếc xe nằm chẽn lối đi. → không viết: chẹn”.



Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó


Giục giặc: lưỡng lự, muốn nói rồi lại không


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“cheo: quắt cheo”.

Chỉ có “quắt queo” (ghép đẳng lập): “quắt” = khô cong, teo lại; “queo” = cong, co lại. “chéo: chéo ngoe.  → không viết: tréo”. (Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “tréo” mới đúng (“tréo” = cái nọ quặp, ngoắc, vắt lên cái kia).

 

(Hòang Tuấn Công)



An phận thủ thường

Thành ngữ “An phận thủ thường” 

Nguyên gốc là “An phận thủ kỷ”.

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

 

”Chét: chét cho kín các khe hở. → không viết: trét”. 

(Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “trét” không sai, thậm chí “trét cho kín” mới chuẩn chính tả phổ thông. 

 

(Hòang Tuấn Công)



Trăm hoa đua nở trên đất Bắc

Mục lục tác giả và tác phẩm

(thu gọn)


Phần I: Cuộc nổi dậy của trí thức ở miền Bắc
Phần II: Tài liệu (Nhân vật và Tác phẩm)

  

(Cụ Phan Khôi)


Cụ Phan Khôi

  • Giới thiệu cụ Phan Khôi

  • Phê bình lãnh đạo văn nghệ

  • Tìm ưu điểm (ngụ ngôn)

  • Ông Bình Vôi

  • Ông Năm Chuột (truyện ngắn)

  • Nắng chiều


Trần Dần

  • Giới thiệu Trần Dần

  • Nhất định thắng (thơ)

  • Hãy đi mãi (thơ)


Phùng Quán

  • Giới thiệu Phùng Quán

  • Chống tham ô lãng phí (thơ)

  • Lời mẹ dặn (thơ)


Phùng Cung

  • Giới thiệu Phùng Cung

  • Con ngựa già của chúa Trịnh (truyện ngắn)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thà nhịn đói chứ không nhịn… nói



Học giả Hoàng Văn Chí

Nhắc đến học giả Hoàng Văn Chí, người ta có nhiều điều để chiêm nghiệm, nhiều điều để kể cho nhau nghe; ngay cả về cụ bà, là một trong ba con gái của danh sĩ Sở Cuồng Lê Dư, ông Ðông Du qua Nhật, sau đó và qua Tầu, ông cùng hoạt động với Nguyễn Bá Trác, bỉnh bút các báo Nam Phong, Hữu Thanh. Hai bà kia một làm thơ ký tên Hằng Phấn, vợ của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, một lấy Tướng Nguyễn Sơn, do Hữu Loan mai mối


Lúc ở Sài Gòn, tôi đã có cuốn Trăm Hoa Ðua Nở Trên Ðất Bắc của cụ, bản giấy láng, khổ lớn, do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa (hình như do ông Lý Trung Dung đứng đầu?) tái bản. 

Bản in lần đầu nhỏ hơn, ký tên Mạc Ðình. Nay trực tiếp gặp tác giả, nghe chuyện, tôi tìm hiểu tác giả Hoàng Văn Chí nhiều hơn.


(Người phát giác vụ “Nhân Văn - Giai Phẩm” – Viên Linh) 



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Gió đưa bụi chuối sau hè.
Giỡn chơi chút xíu ai dè… có con.



Văn bút, nhân sự và sự kiện

Những gương mặt tiêu biểu


Vương Hồng Sển là một nhà văn hóa và cũng là nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng. Toàn bộ tác phẩm đồ sộ của ông viết về cổ ngoạn cũng như những sưu khảo về văn hóa miền Nam đã rất được độc giả ưa chuộng và được giới sử học, khảo cổ kính trọng. Từ năm 1957 ông cũng đã là một trong những văn nghệ sĩ lão thành đứng ra sáng lập Nhóm Bút Việt, tiền thân của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Như thế, chính nhờ vào uy tín của những bậc lão thành như Vương Hổng Sển mà Văn Bút có được những hỗ trợ tinh thần quý báu để mỗi ngày một phát triển hơn và tồn tại suốt gần 20 năm trong sinh hoạt văn hóa miền Nam.


Căn nhà mà cụ Vương ước mong sẽ trở thành nhà Bảo tàng Vương Hồng Sển thì theo báo Tuổi Trẻ, nó chỉ còn là “di sản thoi thóp giữa Sài Gòn”. Di sản vật chất thì như thế, đến những tác phẩm tinh thần của Cụ cũng thê thảm theo lời thuật của tác giả Phạm Chu Sa trên trang Web Khaiphong.org:



“Một lần tôi đến thăm, cụ Vương buồn bã bảo cuốn hồi ký Hơn nửa đời hư nhiều đoạn đã bị người biên tập cắt xén bỏ đi hoặc tự ý sửa mà không hề tham khảo cụ. Ví dụ, đoạn cụ viết về Nguyễn Văn Sâm đã bị cắt bỏ. 


Đặc biệt cụ tâm đắc bài Ngô Quốc lão coi mắt Vương Hoàng thúc kể chuyện Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục – anh ruột Ngô Đình Diệm – mời cụ Vương đến coi mặt để đề bạt cụ nhưng thấy cụ “đầu bướu đầu bò” quá (chữ của cụ Vương) nên Ngô Đình Thục bỏ ý định tiến cử cụ cho Ngô Đình Diệm. Bài này khi in đã bị cắt xén nhiều chỗ, cụ rất buồn.


Tệ nhất là cuốn Tiếng Việt miền Nam, tựa ban đầu của cụ Vương là Tự vị tiếng nói miền Nam nhưng không biết người làm sách liên kết với nhà xuất bản tự ý đổi tựa mà không hỏi cụ một tiếng! Cụ Vương càng giận hơn khi sách in lỗi morasse đầm đìa, ví dụ con kênh dài 28 km thì in 20 km; năm 1809 thì in thành năm 1890…

“Vì vậy” cụ Vương nói giọng hờn dỗi:

“Tôi từ chối nhận cuốn sách ấy là của tôi. Con tôi sinh ra nhưng người khác khai sinh đổi tên, đổi họ tôi không nhìn nó là con tôi”.


Tôi nhớ mãi giọng cụ bực tức lẫn u uất:

“Tôi già rồi. Tiếc là có một số người làm công việc văn hóa mà làm nhiều chuyện thiếu văn hóa. Tôi biết có nhiều người lấy công trình nghiên cứu của người khác sửa thêm bớt chút đỉnh rồi đề tên mình vào…”.


(Trung tâm Văn Bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trăm năm trong cõi người ta.
Ai ai cũng phải thở ra hít vào.
Trăm năm trong cõi người nào.
Ai ai cũng phải thở vào hít ra.

 


Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

 Lê Ngộ Châu, 160 Phan Đình Phùng - 1

Cũng như tờ Văn, Bách Khoa là một tạp chí dung hòa rộng rãi mọi khuynh hướng. Không có chủ trương “văn nghệ cách mạng” cũng không chủ trương “vượt thời gian”, nó đăng bài của các lão thi sĩ tiền bối Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, lẫn truyện của Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương… Về mặt chính trị, sức dung hòa của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa : Bách Khoa là một vùng xôi đậu. Nó đón nhận cả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh, lẫn Võ Phiến “

 

Nguyên Sa dùng chữ “xôi đậu” không nhất thiết là nói đùa. Ở một nơi khác, ông có viết “Bách Khoa với đời sống lâu dài không bị xếp vào hàng ngũ báo nhà nước” (Bách Khoa, 15-1-1971). Lời này bổ sung cho lời kia, và nói lên một sự thật kỳ lạ: 

 

(Đặng Tiến)

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực


Tóc thề em để ngang vai.
Anh mà đụng tới… bụp liền đó nghe .

 


Lê Ngộ Châu, 160 Phan Đình Phùng - 2

 

Huỳnh văn Lang là bí thư Liên Kỳ Nam Bắc Việt Nam của đảng Cần Lao mà Ngô Đình Nhu làm tổng bí thư. Năm đầu, 1957, ông Lang điều khiển tờ báo, viết bài về kinh tế khi Phạm Ngọc Thảo viết về quân sự, chính trị ; 1958 ông Lang đi tu nghiệp ở Mỹ, giao Bách Khoa cho Lê Ngộ Châu điều hành ; năm 1963 ông Lang bị bắt vì tội kinh tài cho chế độ Diệm, thì Lê Ngộ Châu tiếp tục nhiệm vụ, anh em thường gọi là Lê Châu. Nhưng báo vẫn đứng tên Huỳnh văn Lang cho đến tháng 2-1965, báo phải đổi tư cách pháp nhân, lấy tên Bách Khoa Thời Đại, do Lê Ngộ Châu đứng tên chủ nhiệm, và đến tháng 1-1970, lấy lại tên Bách Khoa.

 

Với gốc gác như vậy mà Bách Khoa được xem như là báo “xôi đậu”, không bị xếp vào hàng ngũ “báo nhà nước” như Nguyên Sa ghi lại, và đóng góp lớn lao với đời sống văn hóa như Võ Phiến nhận định, là nhờ công lèo lái của Lê Châu.

 

Nguyên Sa trong bài báo đã dẫn, đã mô tả một buổi họp tòa soạn, tại Ngân Hàng Quốc Gia, khoảng 1957 : “bàn cãi về tờ Bách Khoa đã diễn ra sôi nổi. Lê Châu ngồi lặng lẽ, ít nói, hiền hòa. Thỉnh thoảng anh cất lời, toàn những lời nhẹ nhàng, vừa phải, nghiêm túc, không gây sóng gió nào”. Đúng là hình ảnh Lê Châu. Về mặt ứng xử hằng ngày, thì Vũ Hạnh có lần tập Kiều : “ở ăn thì nết cũng hay, ra điều ràng buộc thì tay cũng già”. Đúng là Lê Châu.

 

(Đặng Tiến)

 


Bên lề chữ nghĩa 


Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn

Ăn bún ngan Nhàn và uống sen nhãn nước dừa


(Nguồn: Tôi đi đâu)

 


168 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Ngày ấy ngoài việc phụ trách biên tập cho báo Tiền Tuyến, tôi (Phan Lạc Phúc) còn viết Tạp ghi hằng ngày. Khi làm trang nhất xong, trong tiếng rì rầm của máy in tôi ngồi kiểm bài trang trong và viết Tạp ghi. Trong khi đó Thanh Tâm Tuyền ngồi viết feuilleton cho chuyện dài đăng từng kỳ trên báo (tôi không nhớ rõ đó là Cát lầy hay Dọc đường). Có tác giả viết sẵn từ ở nhà, có tác giả đến tòa soạn mới viết. Thảo Trường, Lam Giang đến là đưa bài ngay. Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn đến tòa soạn mới viết. Thanh Tâm Tuyền là người viết kỹ nhất, chậm nhất, bản nháp của anh dập xóa, sửa chữa nhiều lần. Anh không chỉ là một văn nghệ sĩ, anh là một nhà trí thức khó khăn với bản thân mình trước hết.

Trong "nghề" viết Tạp ghi tôi rất cần thông tin. Một giảng viên ở khóa học bên Mỹ nói về việc viết column "Information, information, information". Tôi nhiều khi bí rì. Ở tòa soạn, tôi có 3 nguồn. Nếu cần hỏi về Đông Phương hay Sử, Địa có "ông đồ bùn chữ như chấu chát" Lam Giang; hỏi về triết sử hay văn học Tây phương có Thanh Tâm Tuyền người đọc sách chuyên sâu và kỹ lưỡng; cần thơ, văn tiền chiến có Hà "chưởng môn" hiểu rộng, biết nhiều. 


Có thể nói từ ngày Thanh Tâm Tuyền vô quân đội (1961 hay 1962), trừ một thời gian ngắn giải ngũ và sau này có gần hai năm anh làm việc trên trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, lúc nào tôi cũng làm việc gần gũi Thanh Tâm Tuyền. Đặc biệt thời kỳ Tết Mậu Thân (1968), anh bị động viên trở lại và hội nhập với anh em Tiền Tuyến chúng tôi. Ngày ấy "nhà banh" là "trăm phần trăm" ở trong trại 24/24. Chúng tôi là "ký giả" nhưng cũng phải cầm súng, tối đến đi phục kích, kiểm soát hay canh gác. 


Trong bài thơ Đường luật Thanh Tâm Tuyền có nhã ý tặng tôi sau này (dưới bút hiệu Trần Kha) có 2 câu kết "Mong ngày gặp gỡ nằm chung chiếu, Đấu láo qua đêm như dạo nào" là nói đến thời kỳ này. 

(Nói thêm về Thanh Tâm Tuyền – Phan Lạc Phúc)

 


Làng báo Sài Gòn những năm “50”

Còn nhớ hôm ấy trong Đại Học Xá Minh Mạng, góc Ngã Sáu Chợ Lớn, hai thày trò đang nói chuyện trên hiên trước dãy nhà chung cư, đột nhiên anh Đỉnh hỏi tôi, “Em có muốn đi làm báo không?”. 

Với tấm giấy giới thiệu chẳng biết viết những gì trong phong bì dán kín, cậu học trò lớp đệ tam tới tòa báo Ngôn Luận, xin gặp ông giám đốc trị sự Lê Tâm Việt. 

Hôm sau tôi tới tòa soạn ở số 126 Lê Lai Sài Gòn, con phố chỉ có nhà cửa bên số chẵn, còn bên số lẻ là một bức tường dài trơ trụi, sau tường là khu nhà ga xe lửa mênh mông, mà phía tường bên kia là đường Phạm Ngũ Lão, đầu phía trái con đường là bùng binh chợ Bến Thành, đầu phía phải con đường là ngã năm Võ Tánh Cống Quỳnh Lê Lai, có rạp hát bóng Khải Hoàn chế ngự. 

 

Tòa soạn lúc ấy chỉ có hai người đàn ông một khoảng trên 30, một khoảng giữa hai mươi, đang làm việc. Cả hai cùng mặc sơ mi cộc tay, cặm cụi trên mấy xấp giấy tờ, bản thảo viết tay. Đó là hai ông tổng thư ký và thư ký tòa soạn Thái Lân và Vân Sơn. 
Trong trí nhớ của người thông tín viên, ông trung niên da đen sạm, cười mỉm, ánh mắt xoáy tròn như mũi dùi khoan không khí; ông trẻ cười nhe đủ hai hàm răng, da dẻ sáng hơn. Tôi được chỉ định phụ trách tin tức lao động, mỗi ngày phải lui tới trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công có khi đi mệt nghỉ mà không có một cái tin nào đang viết ra hai cột báo. Không có gì đáng viết, tôi được khuyến khích cứ phải viết, nghĩ ra mà viết, tức là làm phóng sự. Hoặc đọc các báo bạn xem họ có những tin tức gì trong ngày mà báo Ngôn Luận của mình không có, thì kê ra. Nghĩa là điểm báo. 

Vài tuần sau tôi được trao một công tác mới, từ nay phải viết lại tin tức do thông tín viên các tỉnh gửi về, và viết lại các tin tòa án, tin từ các quận cảnh sát của thông tín viên Văn Đô và phóng viên Đạm Phong, một người viết Từ Thành Đến Tỉnh, thường được gọi là Tin Xe Cán Chó, khoảng 5, 6 tờ giấy đánh máy in ronéo một mặt, tin tức từ các quận cảnh sát Sài Gòn, và một người viết tay, giọng văn Nam, từ quận cảnh sát Gia Định. Đạm Phong cười nói ào ào, vui tính, từ khi biết tôi phải viết ngắn lại các tin dài thòng của anh, lại rất có cảm tình với tôi. Lối viết điều tra tội ác của anh, nghe nói là con trai ông cảnh sát trưởng Gia Định, nên qua hải ngoại, anh vẫn viết lối cũ, điều tra đảng phái chống Cộng.

 

(Viên Linh)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Trách người quân tử vô danh.
Chơi hoa xong lại… hái cành kế bên



Về bài thơ Hồ Trường - 1


(…) Trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Phạm Thế Ngũ, sau này với Lãng Nhân Phùng Tất Đắc trong tác phẩm Chơi chữ, đề cập đến bài thơ Hồ Trường chỉ khác nhau vài chữ như: chữ “hương” thay phương, “nghìn” thay ngàn, “không” thay chẳng, “lăm” thay lâu, “sơn” thay rơi và vài dấu chấm, phẩy hay…dấu chấm hỏi ở cuối câu. 

Năm 1998, tạp chí Thế kỷ 21 trong mục Bạn đọc viết đăng tải do Tôn Thất Hanh ở Canada gởi cuốn băng do ái nữ của Nguyễn Bá Trác thực hiện. Bà cho hay bài thơ tên là: “Hồ Trường”, là hoài bão của ông ngoại để lại cho các cháu…

Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương

Trời Nam nghìn dặm thẳm



Giai thọai làng văn xóm chữ 

Khó, dễ Nguyễn Tuân

Ông là người viết về phở như một “miếng ăn kỳ diệu” với nhận xét trứ danh: Phở ăn giờ nào trong ngày cũng trôi, một ngày ăn vài bát cũng bình thường, ăn mùa nào trong năm cũng có nghĩa thâm thúy. Nhưng ngoài đời, ông không phải người quá nghiền phở. Song ông cũng thấu đáo và kỹ tính y như trong văn chương.



Về bài thơ Hồ Trường - 2

Dựa vào nhà nghiên cứu văn học Thanh Lãng Đinh Xuân Nguyên: Tiếc rằng tài liệu về Nam Phong không còn lưu trữ. Mặc dù văn bản chính bài thơ Hồ trường không ai thấy, nhưng nhà biên khảo Hà Nội Phạm Thắng Vũ khảo chữ từ câu thơ đầu Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường:


Từ “xé gan bẻ cột”, theo điển tích “bẻ cột” từ sách Hán Thư. Tới chữ “thương” đọc là “trường” tác giả (Nguyễn Bá Trác) đổi thành “Hồ trường” để thành tên bài ca.

Theo Phạm Thắng Vũ: “thương” có 4 nghĩa: Chén uống rượu làm bằng sừng - Chén rót đầy rượu - Mời rượu người khác uống rượu gọi là thương - Uống rượu một mình cũng được gọi là thương.



Giai thọai làng văn xóm chữ 

Thích đào phai, lan vàng

Như nhiều văn nhân, Nguyễn Tuân là người yêu hoa nhưng không phải hoa nào cũng yêu. Ông yêu thích một cách có chọn lọc và theo cách riêng: “Tết nào ông cũng mang về một cành lan ở Ngọc Hà (con trai Nguyễn Tuân), chơi từ trước tết đến sau tết. Cụ thích lan màu vàng”, GS Nguyễn Xuân Đào cho biết. Thú chơi lan của Nguyễn Tuân được thừa hưởng từ thân sinh nhà văn, cụ Nguyễn An Lan (cụ Tú Lan), đỗ tú tài khoa thi Hán cuối cùng.

 

Cũng như các gia đình miền Bắc, nhà văn cũng sắm đào cho ngày tết: “Thường cụ cắm những cành nhỏ. Thời gian khổ của đất nước, làm gì có những cành đào to, chơi sang như thế rất hiếm”, con trai nhà văn tiết lộ. Song ông cũng khẳng định, kể cả Nguyễn Tuân sống trong thời đại hôm nay, có đủ điều kiện ông vẫn không thích những cành đào to: “Tính bố tôi như thế, cái gì cũng dung dị, chỉ chọn ở quãng giữa, đừng cái gì thái quá”. Vì thế nên sắc rực rỡ của bích đào không lọt vào mắt nhà văn? Ông chỉ thích đào phai mỏng manh, mơ màng.



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Nam vô tửu như kỳ vô phong
Nữ vô phòng kỳ vô phong cũng phất



Chân dung hay chân tướng nhà văn?

Tô Hòai, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, 

Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng


Nhà văn Tô Hoài chỉ được “con dế mèn” từ thời trước cách mạng, sau đó “tàn phai” trong những tác phẩm viết phục vụ cách mạng :
Dế mèn lưu lạc mười năm
Để o chuột phải ôm cầm thuyền ai
Miền Tây sen đã tàn phai
Trăng thề một mảnh lạnh ngoài đảo hoang


Nhà văn Nguyên Hồng nổi tiếng với Bỉ vỏ, đi với cách mạng viết khá nhiều tiểu thuyết “đồ sộ’ về số trang nhưng chẳng mấy giá trị:
Bỉ vỏ một thời oanh liệt nhỉ
Sóng Gầm sông Lấp mấy ai hay
Cơn bão đã đến dộng rừng Yên Thế
Con hổ già uống rươụ giả vờ say…”


Nhà văn Nguyễn Công Hoan ngày xưa với Kép Tư Bền từ sau cách mạng thì… hết lộc trời, còn lại chỉ viết truyện lăng nhăng :
“Bác Kép Tư Bền rõ đến vui
Bởi còn tranh tối bác nhầm thôi
Bới trong đống rác nên trời phạt
Trời phạt chưa xong bác đã cười...”


Nhà văn Ngô Tất Tố (1) sau cách mạng thời gian cầm bút ngắn ngủi cũng chưa làm nên dấu mốc nào sau “Tắt đèn” :
“Tại ba thằng mõ cỡ chuyên viên
Chia xôi chia thịt lại chia quyền
Việc làng việc nước là như vậy
Lộn xộn cho nên phải tắt đèn..”


(1) Gần ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Văn nghệ họp trên đồi Nhã Nam. Cuộc đấu tố của văn nghệ sĩ diễn ra gay gắt căng thẳng. Người ta đã vu cáo những chuyện tày trời, quyết liệt dồn Ngô Tất Tố vào tận chân tường. Tác giả Lều chõng và Việc làng đã phạm tội phục cổ nhằm mục đích gì? Và, Ngô Tất Tố đã qua đời vào đêm 20 tháng 4 năm 1954 bằng thắt cổ tại nhà riêng ở Yên Thế, Bắc Giang. Cái sự chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ chối không cho chôn. (nguồn: Thái Dõan Hiếu)



Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết mấy cuốn tiểu thuyết dày cộp nhưng cũng chỉ rặt một màu đỏ cách mạng :
“Anh chằng còn sống mãi
Với thủ đô luỹ hoa
Để những người ở lại
Bốn năm sau khóc oà…”


(Nhât Tuấn)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Nghèo nhân, nghèo nghĩa chẳng lo.
Nghèo tiền, nghèo bạc mới cho là nghèo.



Đuờng văn ngõ chữ

Mỗi nhà báo một tòa soạn riêng 

Chế độ cao này đươc áp dụng từ thời chống Pháp: “Ở Chiến khu 8, vùng Đồng Tháp Mười, ông Trần Văn Trà dành cho văn nghệ sĩ một chế độ sinh hoạt thoải mái, mỗi người ở riêng một căn chòi, tha hồ đi đứng, ngồi nằm, miễn là có cố gắng sáng tác. 

Nguyễn Bính đi lên trên ấy hồi nào, không ai hay. Thế rồi từ Chiến khu 8, trên báo Tổ Quốc, hoặc do các bạn đi công tác trên ấy chép lại, tôi vui mừng khi đọc được những vần thơ tươi mát, đôn hậu chứng tỏ nhà thơ đã hội nhập được với cuộc sống mới. 


Hãy nghe:

Thấy dừa lại nhớ Bến Tre,

Thấy sen lại nhớ đồng quê Tháp Mười

Trong Trường ca Đồng Tháp:

Hình thôn dáng xóm thương thương,

Hoa ô môi nở bốn phương anh đào…

Hoa sen nở chẳng đợi chi mùa hạ,

Chim hít-cô hót cả những chiều mưa


Nhà văn Sơn Nam kể như trên rồi nói rõ mục đích việc hồi tưởng của mình: “Dẫn chứng dông dài như trên vì hiện giờ gần như các tuyển tập của Nguyễn Bính ít thấy những đoạn thơ ấy”. Và Sơn Nam kể thêm, để thơ trên báo của mình đến được với người đọc, Nguyễn Bính mở hẳn một cửa hàng, một cơ sở phát hành. “Anh làm chủ hiệu sách tư doanh (có lẽ là đầu tiên ở chiến khu), nhà sách Nhân Dân, bảng hiệu ghi rõ ràng. 


Sơn Nam có đến cửa hàng sách này, ông kể: 

“Trong khi anh đang xào nấu món gì đó ở sau bếp, tôi nằm võng, hút thuốc mặc dầu bên cạnh sẵn chai rượu đế, nhưng tôi không màng vì dường như tạng phủ của tôi dị ứng với rượu. Anh trao cho tôi những bài thơ cắt trong báo, lúc ở Chiến khu 8. Bài thơ dài, đề tài “địch vận”. Cô gái đẹp tên Hương đã lân la với bọn trong đồn bót. Ta mở trận đánh, đạt kết quả như ý muốn nhưng Hương bị thương:

Trên giường bệnh, trong một căn nhà vắng,

Hương bâng khuâng nhìn ánh nắng bên ngoài.

Trận xung phong làm chết mất anh Hoài,

Và lạc đạn, một tay Hương bị gãy.

Còn anh Bạch, tung hoành trong trận ấy,

Giờ đem quân đi tác chiến phương nào?

Hoa ô môi mường tượng xác anh đào,

Theo gió rụng như mưa dầm lã chã.


Thi sĩ Nguyễn Bính còn tìm cách xuất bản miệng các bài thơ in báo của mình. Nhà văn Sơn Nam kể:  

“Buổi ấy, người ở ven sông Cái Lớn ít được dịp tiếp xúc với cách phát âm nghe như gắt gỏng, khó hiểu của người Việt từ đồng bằng sông Hồng. Mặc chiếc áo bà ba đen, không cài nút cổ, Nguyễn Bính đã nghiêm túc lên sân khấu, giữa tiếng hoan hô vang dậy:

Chim kia có cánh thì bay,

Con ơi, có nước thì mày phải thương.

Thà rằng chết giữa chiến trường,

Còn hơn chết ở trên giường thê nhi.

Tổng phản công sắp sửa đến kỳ!


(Ở chiến khu 8 NXB Trẻ 2002) 



Chữ nghĩa làng văn

Kẻ Noi qua Các tỉnh địa dư chí (VHv, 1716, 11b…

Theo Lê Quý Đôn, năm 1172 đời Lý Anh Tông đã có quyển Nam Bắc phiên giới địa đồ. Như vậy ngành địa lý đã xuất hiện ở nước ta từ đời nhà Lý. 

Vào thời Lý, Kẻ Noi nằm trong đất Từ Liêm của trấn Sơn Tây

 

Năm 1832, Vua Minh Mạng sát nhập Từ Liêm vào Hà Đông, vì vậy từ thời Nguyễn, Kẻ Noi thuộc về Hà Đông (tên cổ là làng Đơ

 

Chữ nghĩa làng văn

Kẻ Noi nằm ở Sơn Tây hay Hà Đông tuỳ theo người viết ở thời điểm nào. 

Vì chuyện đất đai Hà Nội theo nhà biên khảo Bùi Xuân Đính:

“Tỉnh” Hà Nội được thành lập tháng 10 năm 1831 với cuộc cải cách hành chính theo nhà Thanh của Vua Minh Mạng. 

Tỉnh Hà Nội (tỉnh bảo hộ) là địa bàn của thành phố Hà Nội (đất nhượng địa). Ngày 26-12-1896, theo hành chính trên giấy tờ, người Pháp chuyển tỉnh Hà Nội về làng Cầu Đơ. 


Ngày 3-5-1902 để tách thành phố Hà Nôi ra khỏi tỉnh Hà Nội và cũng để tránh trùng hợp tên, người Pháp đổi tên “tỉnh Hà Nội” thành tỉnh Cầu Đơ


Năm 1904 họ đổi tỉnh Cầu Đơ là tỉnh Hà Đông.

 


Chữ nghĩa làng văn

Trấn Sơn Nam đất nhà Trần khởi nghiệp, nhà Lê vì lý do nào đó với nhà Trần chia Trấn Sơn Nam làm hai trấn: Trấn Sơn Nam hạ gồm Nam Định, Thái Bình và Trấn Sơn Nam thượng Hưng Yên, Hà Đông, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam. 

Năm 1890, Vua Thành Thái ghép chữ của Hà Nội, chữ Nam của Nam Định đặt tên là Hà Nam. Ấy là Vua Thành Thái “chơi chữ”.

 

Người trong nước hôm nay gom Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình thành một tên: Hà Nam Ninh. Sau này đám hậu sinh bình thơ tác phú câu người khôn người chọn chốn lao xao, ta dại ta tìm nơi vắng vẻChốn lao xao không ngòai Nam Định, còn nơi... vắng vẻ ắt là… Ninh Bình, quê cụ Nguyền Khuyến. 



Chửi mất gà

Mọi nhà đã lên đèn. Tôi nằm chơi trên cái chõng tre giữa sân. Đúng lúc làng xóm đang yên tĩnh thì bài trường ca bắt đầu. Tôi nghe một lần là nhớ suốt đời như thế này: 

“… Nếu mày có trót dại bắt con gà của bà, nghe bà chửi mà không khôn hồn thả nó ra, mà cả nhà cả ổ mày cứ húc đầu vào ăn cho đầy miệng, thì bà cho chúng mày ăn cái máu l…, rớt l… của bà đây này (lúc này bà khẽ rướn người lên, hai đầu ngón tay khẽ nhúm chiếc váy đụp nâng lên phía trước). 


Mày tưởng mày có quyền có thế, có người làm ông nọ bà kia mà ăn hiếp gái già này à? Cứ ra mặt với bà xem! Bà thì cứ… dứt cái lông l… thứ tám, bà chẻ tạm làm tư, bà trói cổ cái ông tổ năm đời mười đời nhà mày lại, bà vẫn còn thừa cái nút hậu...”. 


Lạ chưa? Cái lông thứ tám? Bà cô tôi phải đánh số để tiện việc…chửi? 


(Nguồn: Khuyết danh)



Điện Kính Thiên 

1836 - Minh Mệnh thứ 16, vua cho là thành Thăng Long quá cao (so với Phú Xuân) giảm bớt 1 thước 8 tấc.



1841 - 1843 -Đời Thiệu Trị đổi tên điện Kinh Thiên gọi là Long Thiên. Điện xây bệ rồng cao 9 bậc, tả hữu có hai con rồng dài trên một trượng, chế từ đời Lý (26).

1848 - Năm Mậu Thân, Vua Tự Đức phá cung điện, cho dỡ hết cung điện, đồ chạm trổ mỹ thuật bằng gỗ đá đem vào Huế . 

(Nguyễn thị Chân Quỳnh)



Chùa Bà Đanh 

Theo sử gia Tạ Chí Ðại Trường, chùa Bà Ðanh ở Thăng Long có thể là kiến trúc tôn giáo Chàm do một số tù binh Chàm dựng lên.


 


Gọi chùa thực ra là ngoài quy ước, vì "Bà Ðanh tự" (tên trên bia) không thờ Phật. Chùa thờ một nữ thần Chàm ngồi trong tư thế đặc biệt hớ hênh. "Thần ban phúc cho người cầu cúng khi người này cầm gậy thọc vào hạ bộ của thần". 


Vì thế chùa Bà Đanh còn có tên bình dân là chùa Bà Banh

Vì nơi chốn này có cái chùa…vắng như chùa Bà Đanh.

Theo Tạ Chí Ðại Trường, "Ðanh" là nói về cây gậy bằng đá.


(Trong tìm tòi và suy nghĩ – Khuyết danh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như: 

 

“nhà tu hành” là “người tu hành”



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ Điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân


lỵ : sở 

Soạn giả nêu được định nghĩa đùng: lỵ sở là trung tâm hành chính của một địa phương. Nhưng thật là sai lầm khi ông đoán rằng “lỵ” là đến nơi. (Chữ này có mặt trong từ lỵ nhậm 蒞 任, nghĩa là đến nơi nhậm chức). Lỵ sở vốn là trị sở nhưng bị đọc chệch đi và đã trở thành thói quen. "Lỵ" ở đây chính là "trị" 治, nghĩa là cai quản, điều hành công việc, và cũng dùng để gọi tắt từ trị sở . 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Thành ngữ tục ngữ sai 

Nêu cao nhưng bóng chẳng ngay 


Cây nêu ngày Tết cao nhưng bóng của nó ngả xuống cong, suy ra con người có quyền cao chức trọng nhưng phẩm cách cũng chẳng ra gì.

Vì sao “Cây nêu ngày Tết cao nhưng bóng của nó ngả xuống cong”? Dân gian có câu “Y phục xứng kỳ đức”, đã dám đặt tên sách là “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” thì phải “giải” cho bạn đọc hiểu rõ “nghĩa” của nó chứ?

Cây nêu ngày Tết sở dĩ nó cao nhưng “bóng chẳng ngay” (bóng không thẳng) là vì bản thân cây nêu không bao giờ thẳng. Cây nêu không thẳng vì nó được làm bằng cả một cây tre tươi, phần ngọn cong cong, rủ xuống như cái cần câu. 


Vậy, cây nêu tuy cao nhưng thân không thẳng, thân không thẳng thì bóng chẳng ngay. Ở đây dân gian còn chơi chữ ở hai từ “nêu cao”: ai đó ở vị trí bề trên, ra điều muốn “nêu cao” phẩm giá làm gương cho người khác, nhưng bản thân mình lại chẳng ra gì!


(Hoàng Tuấn Công)


***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn


Nhưng thê thảm nhất là kỷ niệm về Nguyễn Bính. Nguyên thời làm báo Trăm Hoa, nhà thơ được một cô gái trẻ đem lòng yêu, và sinh ra một bé gái tên Hiền. Khi cháu mới bập bẹ, cô gái trả con lại cho Nguyễn Bính để đi bước nữa. Thế rồi một đêm mưa, Nguyễn Bính bế con ra dốc hàng Kèn và trao cho một người đàn ông qua đường nào đó. Ôn lại chuyện cũ. Tô Hoài xót xa: 
“Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu oan nghiệt tối hôm ấy - nếu trời để cho được sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền nhé…” Vâng tên cháu là Hiền, nhưng lẽ ra cần nói rõ, cháu là con gái của nhà thơ: Nguyễn Bính.


***
Ngày xưa ở Hànội hồi trước 1954, hàng năm vẫn tổ chức đua xe đạp quanh bờ hồ. Trong các cua-rơ – vận động viên đua xe – nổi lên một người được gọi đầy thiện cảm là “cua-rơ Bát Già”. Xấp xỉ tuổi 70, sức đã yếu so với đàn em trẻ, nhưng cua-rơ Bát Già vẫn bền bỉ bám đường đua, nhất định không bỏ cuộc, vẫn cán đích trong tiếng vỗ tay râm ran của hàng ngàn người hâm mộ cho dù cuộc đua đã kết thúc. Hình ảnh lão nhà văn Tô Hoài ngoài 90 tuổi vẫn miệt mài cầm bút gợi nhớ tới cua-rơ Bát Già ngày xưa. Kính chúc bác Tô Hoài sống lâu trăm tuổi để còn viết nhiều và viết hay hơn nữa.


(Nhật Tuấn)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn 

 

Tú Kếu tên thật Trần Đức Uyển, sinh năm 1937 tại Sơn Tây, mất ngày 25-4-2002 tại Sài Gòn. Trước khi làm báo, ông dạy học. 

 

(chân dung Tú Kếu - tranh của Chóe)

 

Ông là một thi sĩ trào phúng nổi tiếng nhất của làng báo miền Nam trong hai thập niên 60 và 70 qua mục thơ biếm chích thường xuyên trên các nhật báo và tuần báo mà ông đặt là Thơ Chém, Treo Ngành, Thơ Chua, Thơ Đen..

Sau 1975, Ông bị nhà cầm quyền cộng sản bắt và kết án 18 năm tù vì những bài thơ chống cộng của ông. tù 12 năm thì cộng sản thả ông vì bệnh mất trí nhớ (Alzheimer) của ông đã trầm trọng. Ra tù ông sống ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. 


(Nguyễn Thụy Long)



Chữ nghĩa làng văn

Bút danh

Nhà làm tự điển Thiều Chửu tên thật là Nguyễn Hữu Kha, tự Lạc Khổ có nghĩa là vui trong cảnh khổ, ít năm sau đổi thành Thiều Chửu tức cây chổi bông lau quét sạch mọi thứ rác nhơ trong tâm thức. (Vì năm 16 tuổi, ông một mình xuống Đồ Sơn bán thuốc Nam và bánh kẹo kiếm sống, nhưng vì tin người nên mất hết vốn, nên suốt 2 năm trường đành phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, thậm chí có lúc phải đi ăn mày).








Không có nhận xét nào: