Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

Tạp Ghi và Phiếm Luận - NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ (8): Giá Áo Túi Cơm (Đỗ Chiêu Đức)

 Tạp Ghi và Phiếm Luận :

 NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ  (8)
                    Giá Áo Túi Cơm
                                 
                                        
                           Y  GIÁ  PHẠN  NANG
           
      GIÁ ÁO TÚI CƠM chữ nho là Y GIÁ PHẠN NANG 衣 架 飯 囊. Y GIÁ là cái giàn, cái giá để móc (máng) áo quần; PHẠN NANG là cái túi để đựng cơm. Cái GIÁ để máng ÁO và cái TÚI để đựng cơm chỉ có công dụng để làm được hai việc đó mà thôi. Thành ngữ nầy dùng để chỉ những người mà thân mình chỉ như cái giá để máng áo lên và cái bụng thì như cái túi để đựng cơm; tức là những con người chỉ biết MẶC QUẦN ÁO và ĂN CƠM, ngoài ra không biết làm gì nữa cả. Tóm lại, Thành ngữ nầy dùng để chỉ những người VÔ DỤNG, không nên thân, không làm nên tích sự gì cả, chỉ biết mặc quần áo và ăn cơm mà thôi !
       
      Y GIÁ PHẠN NANG có xuất xứ từ Tam Quốc Diễn Nghĩa hồi thứ 23 三 国 演 义 第 二 三 回:Có đoạn... 帝覽表,以付曹操。操遂使人召衡至。禮畢,操不命坐。禰衡仰天歎曰:「天地雖闊,何無一人也!」操曰:「吾手下有數十人,皆當世英雄,何謂無人?」衡曰:「願聞。」操曰:「荀彧、荀攸、郭嘉、程昱機深智遠,雖蕭何、陳平不及也。張遼、許褚、李典、樂進勇不可當,雖岑彭、馬武不及也。呂虔,滿寵為從事;于禁、徐晃為先鋒。夏侯惇,天下奇才;曹子孝,世間福將。安得無人?」衡笑曰:「公言差矣。此等人物,吾盡識之:荀彧可使弔喪問疾,荀攸可使看墳守墓,程昱可使關門閉戶,郭嘉可使白詞念賦,張遼可使擊鼓鳴金,許褚可使牧牛放馬,樂進可使取狀讀詔,李典可使傳書送檄,呂虔可使磨刀鑄劍,滿寵可使飲酒食糟,于禁可使負版築牆,徐晃可使屠豬殺狗。夏侯惇稱為『完體將軍』,曹子孝呼為『要錢太守』。其餘皆是衣架、飯囊、酒桶、肉袋耳!」... Vua xem tờ biểu xong, đưa cho Tào Tháo 曹 操, Tào Tháo bèn sai người triệu Nễ Hành 禰 衡 đến. Làm lễ xong, Tào Tháo không mời ngồi. Nễ Hành ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời đất tuy rộng, nhưng sao không có lấy một người.” Tào Tháo nói: “Thủ hạ của ta có đến mấy chục người, đều là anh hùng trong đời, sao lại bảo là không có người?” Nễ Hành nói: “Xin được nghe là những ai?” Tào Tháo đáp rằng: “Tuân Úc 荀 彧, Tuân Du 荀 攸, Quách Gia 郭 嘉, Trình Dục 程 昱, mưu trí sâu xa... dù là Tiêu Hà 蕭 何, Trần Bình 陳 平 theo cũng không kịp; Trương Liêu 張 遼, Hứa Chử 許 褚, Lý Điển 李 典, Nhạc Tiến 樂 進 dũng mãnh không ai bằng... dù là Sầm Bành 岑 彭, Mã Vũ 馬 武 theo cũng không kịp; Lữ Kiền 呂 虔, Mãn Sủng 滿 寵 là tùng sự; Vu Cấm 于 禁, Từ Hoảng 徐 晃 làm tiên phong. Hạ Hầu Đôn夏 侯 惇 là kỳ tài trong thiên hạ; Tào Tử Hiếu 曹 子 孝 là phước tướng ở trên đời, sao lại bảo là không có người?” Nễ Hành cười đáp rằng: “Ông nói sai rồi. Những người đó tôi đều biết cả: Tuân Úc có thể sai đi điếu tang thăm bệnh, Tuân Du có thể sai đi canh mồ giữ mả, Trình Dục có thể sai đóng cửa giữ nhà, Quách Gia có thể sai ngâm thơ đọc phú, Trương Liêu có thể sai đánh trống khua chiêng, Hứa Chử có thể sai chăn trâu thả ngựa, Nhạc Tiến có thể sai tiếp thư đọc chiếu, Lý Điển có thể sai đưa tờ truyền hịch, Lữ Kiền có thể sai mài dao đúc kiếm, Mãn Sủng có thể sai uống rượu húp hèm, Vu Cấm có thể sai vác gỗ xây tường, Từ Hoảng có thể sai mổ heo giết chó. Hạ Hầu Đôn là Tướng quân chỉ biết bảo vệ thân mình, còn Tào Tử Hiếu là Thái thú chỉ biết vòi tiền người khác. Còn lại đều là phường giá áo, túi cơm, thùng rượu, túi thịt cả.” (Kỳ dư giai thị Y GIÁ, PHẠN NANG, TỬU DŨNG, NHỤC ĐẠI NHĨ 其 餘 皆 是 衣 架, 飯 囊, 酒 桶, 肉 袋 耳). Ngoài "Giá Áo Túi Cơm" ra, Nễ Hành còn chê những người vô dụng như là: "Thùng đựng rượu và Túi đựng thịt" chỉ biết uống rượu ăn thịt mà thôi chớ không làm nên trò trống gì cả!
                
         Về "Thùng đựng rượu" để chỉ những người chỉ biết có uống rượu mà không biết làm việc gì khác cả. Ta gọi những tay bơm nhậu đó là "Be Rượu"(là cái be sành để đựng rượu) hay còn gọi là "Hủ chìm", ý là suốt ngày cứ chìm trong hủ rượu mà không lo chí thú làm ăn gì hết!

     Riêng từ "Túi đựng thịt" ta còn nói là "Cái bị đựng thịt" và nói gọn lại là "BỊ THỊT", nên khi mắng ai là "Thứ cái đồ BỊ THỊT !", có nghĩa là mắng người đó là "Đồ vô dụng!" Nhưng trong tập quán ngôn ngữ của ta, khi mắng là "Đồ bị thịt" còn có nghĩa ám chỉ đó là "Những người to xác mà đần độn", lớn đầu mà không nên thân. Tóm lại:

     GIÁ ÁO, TÚI CƠM, THÙNG RƯỢU, BỊ THỊT đều là những từ dùng để diễn tả những người vô tích sự, vô dụng chỉ biết ăn ngon mặc đẹp nhậu nhẹt bê tha mà không làm nên trò trống gì được cả! Thay vì con người MẶC ÁO ĂN CƠM thì phải làm việc, đằng nầy cái thân mình như cái GIÁ để MÁNG cái áo lên và cái bụng thì như cái TÚI chỉ để CHỨA cơm, chứa rượu, chứa thịt mà thôi. Vô tích sự đến thế là cùng! Như cụ Nguyễn Du đã so sánh và ca ngợi anh hùng Từ Hải trong Truyện Kiều với lũ bất tài nói trên là:

             Phong trần mài một lưỡi gươm,
         Những phường GIÁ ÁO TÚI CƠM sá gì !
           
                      
        
     Là đàn ông, là kẻ sĩ thì phải làm nên sự nghiệp cho mình và làm những việc có ích cho đời như cụ Nguyễn Công Trứ đã nói trong bài hát nói Chí Nam Nhi:

           ... Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung,
               Làm cho rõ TU MI NAM TỬ !

      TU 鬚 là Râu; MI 眉 là Mày, NAM TỬ 男 子 là Con Trai khác với NỮ TỬ 女 子 là Con Gái, nên TU MI chuyển Nôm là RÂU MÀY, hay còn gọi là MÀY RÂU: là biểu tượng của đàn ông con trai đã trưởng thành. Từ NAM TỬ phía sau chỉ là để nhấn mạnh cho từ TU MI phía trước mà thôi. Theo quan niệm của Nho giáo ngày xưa thì: Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy giả. 身 體 髮 膚,受 之 父 母,不 敢 毀 傷,孝 之 始 也。có nghĩa:
     "Việc đầu tiên của chữ hiếu là không được làm thương tổn đến những cái mà cha mẹ đã ban cho ta, đó chính là thân thể tóc râu da thịt của ta đó !" Nên...

     Đàn ông con trai thì phải chừa râu, như dân gian đã nói:

                         Chừa râu không phải là già,
                 Chừa râu cho biết là đàn bà hay đàn ông !           
                                         
     Vì ngày xưa tóc của đàn bà và đàn ông đều dài như nhau, đều bới tóc như nhau, nên phân biệt đàn ông đàn bà phải dựa vào RÂU và MÀY, vì các bà các cô ngày xưa cũng thích làm đẹp nên thường nhổ chân mày cho nhỏ gọn và đẹp, lắm bà lắm cô còn cạo hẵn đi để kẽ lại chân mày vòng nguyệt cho vừa ý hơn đẹp hơn! Nên... Hễ thấy mày râu rậm rạp thì biết ngay là đàn ông chân chính, khác với những phường ăn chơi đàng điếm như Mã Giám Sinh đã:

                           Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
   ... mà vẫn:
                     MÀY RÂU nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao !

     "Giới Mày Râu" là chỉ cánh đàn ông chửng chạc hiên ngang với dáng vẻ của Nam Giới. TU MI là Nam Tử, mà hễ là NAM TỬ thì phải có TU có MI, có Mày có Râu để phân biệt với cánh QUẦN THOA 裙 釵 là nữ giới.
                        
                                     
                     Tu Mi Nam Tử
                
      Ta lại có thêm từ ngữ thú vị đây...
      QUẦN 裙 ai cũng biết là "Cái Quần có hai ống" để che phía dưới của cơ thể; nhưng trong chữ Nho xưa QUẦN là "Cái Váy chỉ có 1 ống lớn" bao quanh cơ thể từ rốn trở xuống mà người Hoa Sài Gòn Chợ Lớn gọi là "Cái Củn" (Có thể do phát âm của tiếng Tiều Châu "Cài Cún 個 裙" mà ra), nên QUẦN 裙 là cái váy chuyên dùng của phụ nữ ngày xưa, đi cùng với THOA 釵 là cây "Trâm cày tóc", cũng là đồ chuyên dùng của phái nữ. Cho nên...
     QUẦN 裙 & THOA 釵 là hai biểu tượng tượng trưng cho nữ giới; trong văn học cổ thường dùng từ QUẦN THOA để chỉ các bà các cô ngày xưa, như : Phận Quần Thoa, Khách Quần Thoa... Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu:

           Trên chín bệ có hay chăng nhẽ?
           KHÁCH QUẦN THOA mà để lạnh lùng!
           Thù nhau ru hỡi đông phong?
           Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào.

                     
                
                                    Quần Thoa
     Nói thêm...
     Người Hoa gọi cái quần có 2 ống là Cái Khố (KHỐ TỬ 褲 子 là cái quần). Còn tiếng Nôm ta "Cái Khố" là cái quần ngắn, lắm khi chỉ là miếng vải thô hay tàu lá chuối... quấn quanh thành "cái khố" để che phần kín bên dưới của cơ thể cho khỏi lõa lồ mà thôi, như trong truyện cổ tích xưa có anh "Trần Minh khố chuối" vậy; và cũng trong truyện đời xưa ta hay đọc được thành ngữ "Khố Rách Áo Ôm" để tả những người nghèo khó.
       
              
                            Khố chuối nào đẹp hơn?!
      
     Cái mà ta đọc là KHỐ 褲 thì đó là Cái QUẦN 2 ống của người Hoa; Còn chữ mà ta đọc là QUẦN 裙 thì lại là cái Váy, cái Củn của người Hoa. Đó chính là...
     TẬP QUÁN NGÔN NGỮ 語 言 習 慣 là thói quen của tiếng nói tùy theo từng vùng, từng miền, từng dân tộc... Như miền Bắc của nước ta gọi con heo là con LỢN, nhưng họ lại gọi bánh TAI HEO chớ không gọi bánh TAI LỢN; còn miền Nam gọi con HEO nhưng lại làm bánh DA LỢN chớ không phải bánh DA HEO... Đó đều là do TẬP QUÁN NGÔN NGỮ thói quen của tiếng nói được xuất phát từ lúc ban đầu. Những Tập Quán Ngôn Ngữ như trên có rất nhiều trong từ HÁN VIỆT. Ví dụ:

   - Người Hoa gọi sân bay là CƠ TRƯỜNG 機 場 : là nơi dành riêng cho máy bay đậu.
     Ta gọi là PHI TRƯỜNG 飛 場 : là nơi để cho máy bay cất cánh bay đi.
   - Người Hoa gọi người xem là QUAN CHÚNG 觀 眾, người nghe là THÍNH CHÚNG 聽 眾.
     Ta gọi người xem là KHÁN GIẢ 看 者, người nghe là THÍNH GIẢ 聽 者...

      Cũng cùng một thành ngữ, nhưng trong tiếng Hoa có nghĩa khác hơn trong tiếng Việt. Ví dụ như câu:
      - "NGỰA QUEN ĐƯỜNG CŨ" có gốc từ câu: Lão Mã Thức Đồ 老 馬 識 途 là Những con ngựa già nhận biết được đường cũ đã đi qua. Theo Hàn Phi Tử, Thuyết Lâm Thượng:
       Tề Hoàn Công theo yêu cầu của nước Yên, xuất quân đánh Sơn Nhung. Bị lạc trong sa mạc núi non mù mịt không biết đường ra. Quản Trọng bèn thả những con ngựa già ra rồi cho quân đi theo. Qủa nhiên, ra khỏi được nơi bị lạc, nên câu "Lão Mã Thức Đồ" dùng để chỉ sự đắc dụng của những người có kinh nghiệm từng trãi.              
      Còn câu "Ngựa Quen Đường Cũ" của ta thì lại ám chỉ "Những thói quen khó bỏ của ai đó hoặc của việc gì đó, thường là xấu hơn là tốt", như Cờ bạc, Rượu chè, Trai gái....
                         
                         

      - "ĐAO TO BÚA LỚN" có gốc từ câu: Đai Đao Khoát Phủ 大 刀 闊 斧. Câu nói nầy có xuất xứ từ truyện Thủy Hử của Thi Nại Am đời Minh. Ý chỉ: Dùng thực lực mạnh mẽ để tấn công cướp trại hay đánh trận. Nhưng "Đao To Búa Lớn" của ta hiện nay được sử dụng để chỉ sự khoát lác qúa đáng qúa mức, chưa biết có làm được việc gì không, nhưng lại sử dụng toàn những từ ngữ đao to búa lớn!
                        
                        

       Lắm khi hai từ cùng một nghĩa gốc, nhưng lại diễn hai ý hoàn toàn khác biệt nhau, như: Hai cặp từ kép CAN QUA và MÂU THUẪN dưới đây:

    *CAN QUA 干 戈 :
       - CAN  干 : là Có Quan Hệ, như Can Dự 干 預(與), Can Hệ 干 係, Can Thiệp 干 涉, Can Liên 干 聯, ta nói là Liên Can... CAN vừa là Bộ vừa là Chữ theo lối Tượng Hình như sau: 
      
  Giáp Cốt Văn   Kim Văn Đại Triện     Tiểu Triện       Lệ Thư
                         
                 
     Ta thấy ...
     CAN là hình vẽ một loại vũ khí dùng để đi săn thú rừng ngày xưa, đầu có hai mũi chỉa nhọn, dưới có dây thòng lọng, là một loại vũ khí dùng để tấn công. Nhưng sau nầy thường dùng theo nghĩa Phòng Ngự, nên CAN là cái Thuẫn, cái Mộc để chống đở phòng ngự. Còn …
    - QUA 戈 : là Một loại vũ khí ngày xưa, làm bằng đồng sắt, có cán dài, dùng để đánh trận, theo chữ viết Tượng Hình như sau:

 Giáp Cốt Văn      Kim Văn Đại Triện     Tiểu Triện     Lệ Thư
                     
             
Ta thấy :
        Đây là một loại vũ khí dùng cho kỵ binh, đầu có móc nhọn, đuôi  có cán dài để tiện việc đánh nhau trên lưng ngựa.
        Nên …
     CAN QUA 干 戈 : là Một Đâm Một Đở, một chém một ngăn, là Đánh nhau, là Chiến Tranh. Ta thường hay nghe nói: Dấy động Can Qua là Gây sự đánh nhau, là Phát động Chiến Tranh. Hai câu đầu trong bài sấm Trạng Trình có nhắc đến  từ nầy:

              Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh,   
               龍 尾 蛇 頭 起 戰 爭,
               CAN QUA xứ xứ khổ đao binh.      
               干 戈 處 處 苦 刀 兵。
Còn từ …

     *MÂU THUẪN 矛 盾 :       
        - MÂU  矛 : cũng là Một loại Vũ Khí ngày xưa dùng để tấn công. Ta thường gọi là cây Thương. Đây là một trong 214 bộ và cũng là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :

  Giáp Cốt Văn   Kim Văn Đại Triện     Tiểu Triện     Lệ Thư
                         
                                        
Ta thấy :
           Theo Giáp Cốt Văn là hình vẽ của một loại vũ khí đầu có 2 ngạnh, cán dài, đến  Đại Triện lại thêm những phần phức tạp ở đằng đầu cho dễ sát thương, và khi đến Tiểu Triện thì các phần được đơn giản hóa bằng các nét cong và thẳng. 
                              
            

                       Mâu                    Xà Mâu (đầu như con rắn)
Còn …
    - THUẪN 盾 : cũng là chữ Tượng Hình của Cái Mộc, Cái Khiên dùng để đở khi đánh nhau, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

    Giáp Cốt Văn    Kim Văn Đại Triện   Tiểu Triện       Lệ Thư
             
             
Ta thấy :
        Giáp Cốt Văn và Kim Văn Đại Triện phần trên là hình giống như cái mộc cái khiên để che chắn, bên dưới là chữ Mục là con mắt, tượng trưng cho cái mặt, nên THUẪN cũng là dụng cụ dùng để chống đở, che chắn bảo vệ cho thân mình. Thuẫn thường dùng để che trước mặt, nên ai có người giúp đỡ, che chở, nâng đỡ ở phía sau lưng thì gọi là: Có HẬU THUẪN.
                                                    
                       
                                  MÂU và THUẪN
Nên …
        MÂU 矛 là vũ khí dùng để đâm, và THUẪN 盾 là cái Mộc cái khiên dùng để đỡ, như tích sau đây:
       Theo sách Hàn Phi Tử - chương Nan Nhất: Có một người nước Sở ra chợ bán Mâu, rao rằng Mâu của ông ta rất bén nhọn, bất cứ vật gì cứng tới đâu cũng có thể đâm lủng được. Hôm sau, ông ta lại mang ra bán một cái Thuẫn, và lại rao rằng: Thuẫn nầy rất cứng chắc, không có vật bén nhọn nào có thể đâm lủng được cả. Có người hỏi ông rằng: Thế lấy cây Mâu hôm qua của ông có thể đâm lủng được cái Thuẫn này hay không?! Người bán MÂU và THUẪN cứng họng không trả lời được. Mới hay, hai sự việc cực đoan thì không thể song hành tồn tại cùng lúc với nhau được! Cho nên...
                            
                   

      *  MÂU THUẪN 矛  盾 : là Hai hoặc nhiều sự việc trái ngược hẵn nhau, không thể nào tồn tại song song với nhau được.
Còn …
      * CAN QUA 干戈 : là Chiến tranh, là Đánh Giặc, là Giặc Giã.
Ta thấy :
  - CAN là THUẪN cùng có nghĩa là Cái Mộc, Cái Khiên dùng để đở.
  - QUA là MÂU cùng có nghĩa là cây Mác, cây Thương dùng để chém để đâm.

        Nhưng CAN QUA và MÂU THUẪN lại diễn hai ý hoàn toàn khác nhau:
        Nghĩa của CAN QUA là Chiến tranh, không có liên quan gì đến nghĩa của Mâu Thuẫn cả; cũng như Nghĩa của Mâu Thuẫn là Trái ngược nhau không có liên quan gì đến Chiến Tranh cả!

      Ta thường gặp các Thành Ngữ sau đây:

      - TỰ TƯƠNG MÂU THUẪN 自 相 矛 盾 : là thành ngữ chỉ hai sự việc trái ngược hẵn nhau cùng xảy ra cùng lúc với cùng một người hoặc cùng một hoàn cảnh, tình huống. Tự mình chống chọi lại mình!
      - DĨ TỬ CHI MÂU, CÔNG TỬ CHI THUẪN 以 子 之 矛,攻 子 之 盾 : là "Lấy cây mâu của ông để tấn công cái thuẫn của ông", như ta thường nói là "Lấy gậy của ông để đập lưng của ông" vậy!

      - PHÁT ĐỘNG CAN QUA 發 動 干 戈 : là Gây ra chiến tranh, là Gây sự đánh nhau. Ta nói là DẤY ĐỘNG CAN QUA hay DẤY ĐỘNG BINH ĐAO (Binh lính và Đao thương cũng tượng trưng cho Chiến Tranh) Như Nga hiện nay đang DẤY ĐỘNG CAN QUA để đánh chiếm Ukraina vậy.

     Qua các phần trên, mới hay "Tập Quán Ngôn Ngữ" hay ho và mạnh mẽ biết chừng nào. Hai từ cùng nghĩa như nhau, nhưng theo thói quen sử dụng trong ngôn ngữ lại diễn hai ý hoàn toàn khác nhau như thế.

     Hẹn bài viết tới !
                                                             杜 紹 德                                                                                              Đỗ Chiêu Đức








Không có nhận xét nào: