Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 57 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Chữ Nghĩa Làng Văn 57

                                   Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

***

Vỡi

Vỡi : nghỉ ngơi, hết

(vỡi việc)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

 

“chia: chia xẻ (= chia sẻ)”. (Nguyễn Văn Khang)

 

Chỉ dẫn “chia xẻ” = “chia sẻ” là sai. “Xẻ” trong “chia xẻ” (chia, xẻ/cắt ra nhiều phần, khiến cho không còn nguyên vẹn như vốn có nữa), chính là “xẻ” trong  “chia năm xẻ bảy” (tình trạng bị phân tán, chia cắt, xé lẻ). 

Còn “sẻ” trong “chia sẻ” (cùng hưởng, cùng chịu), lại là “sẻ” trong “chia ngọt sẻ bùi” (cùng chung hưởng với nhau, dù ít dù nhiều).

 

(Hòang Tuấn Công)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trong quán nhậu trước 75, các tửu đồ thường cảm khái: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt - Còn hơn le lói cả trăm năm”.

Câu này từ trong bài thơ Giục giã của Xuân Diệu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt - Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 

Như vậy, “chia xẻchia sẻ không phải một từ với hai dạng chính tả, mà là hai từ khác nhau.

(Hòang Tuấn Công)


Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó


Mủng: cái thúng nhỏ


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“dặm: Hát dặm. → không viết: giặm”. (Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “giặm” không sai. Là lối hát dân gian, nhịp điệu dồn dập, lời dựa vào thơ năm chữ, hai câu cuối bao giờ cũng lặp lại về âm vận và cao độ. Hát giặm phổ biến ở Nghệ An, Hà Tĩnh”.

 

(Hòang Tuấn Công)


Đẹp giai

“Giai” : tiếng Hán Việt là đẹp. Như giai nhân.

Vậy mà đàn ông, con trai cứ nói mình… đẹp giai.


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

 

“dọi: dọi đèn pha. → không viết: rọi”. (Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “rọi” mới đúng. Vì “rọi” trong “rọi đèn pha” chính là “rọi” trong “soi rọi”.  Ánh nắng rọi qua khung cửa”.

 

(Hòang Tuấn Công)


Nói lái xưa và nay 

Trong loại thơ ca, hò vè cũng có thể tìm thấy nhiều câu nói lái: 
- Mắm nêm ăn với quả cà 
Vắng anh Tử Trực đâu mà biết ngon. 
(Ăn mắm nêm với cà mà thiếu quả ớt thì không ngon. Ớt ? Tử là con, trực là ngay, con ngay > cay ngon, là ớt chứ gì nữa).

 
- Bụi riềng trồng ở bờ ao 
Chú mộc tồn quấn quít ngày nào cũng xin. 
(mộc tồn : cây còn, con cầy, đã nói ở kỳ trước) 

(Nói lái mà chơi, nghe lái chơi - Thân Trọng Sơn)


Văn bút, nhân sự, và sự kiện

Những gương mặt tiêu biểu


Phạm Việt Tuyền là Tổng Thư Ký của nhóm Bút Việt (sau đổi Trung Tâm Văn Bút) kể từ năm 1957 đến 1975 đã do các vị sau đây đảm trách:

1957-1960: Nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt.

1960-1961: Luật sư Nghiêm Xuân Việt.

1961-1975: Nhà văn, nhà báo Phạm Việt Tuyền. `


Như vậy trải 15 năm ròng rã, trong vai trò một Tổng Thư Ký, nhà văn Phạm Việt Tuyền đã gánh vác một trọng trách hết sức nặng nề là điều hợp mọi công việc của Văn Bút.

Vào tháng 10-1961, trong vai trò chủ nhiệm nhật báo Tự Do, ông đã cho mở trên báo này một trang Văn Học Nghệ Thuật lấy tên là Tác Giả, Tác Phẩm và Công Chúng nhằm phổ biến những bài giới thiệu tác phẩm mới tới người đọc và hỗ trợ phong trào thưởng thức và phê bình sách do trung tâm Văn Bút chủ trương. 

Tác phẩm của ông gồm những cuốn: Trên Đường Phụng Sự (kịch, 1947) – Phá Lao Lung (thơ, 1956) – Nghệ Thuật Viết Văn (biên khảo, 1952) – Nghị Luận Văn Chương (biên khảo, 1953) – Quan Điểm về Mấy Vấn Đề Văn Hóa (1959) – Phương Pháp Nghị Luận, Phân Tích và Phê Bình Văn Chương (1969) – Tôi Đọc Thơ ( phê bình, 1971) – Cửa Vào Phong Tục Việt Nam (biên khảo, 1972) – Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính với phần giới thiệu và phê bình của Phạm Việt Tuyền (1974).

Trong lãnh vực giáo dục, ông là giáo sư dạy Chứng Chỉ Dự Bị ban Việt Hán ở Ðại học Văn Khoa, Sài gòn; hay chứng chỉ Văn Chương Việt Nam, cho năm thứ nhất ở Ðại học Văn khoa, Huế.

Ðầu năm 1980, ông định cư tại Pháp, thành phố Strasbourg và mất ở đây ngày 16 tháng 2 năm 2009, hưởng thọ 73 tuổi.

(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)


Chữ là nghĩa

Hưu là bỏ kiếp làm ... trâu
Ngày ngày khỏi phải dãi dầu nắng mưa


Trăm hoa đua nở trên đất Bắc - 1

Mục lục tác giả và tác phẩm

 

Nguyễn Tuân

  • Giới thiệu Nguyễn Tuân

  • Phở (tuý bút) (xem tr 10)

  • Phê bình nhất địnnh là khó

  • Nguyễn Tuân tự phê bình

Văn Cao

  • Giới thiệu văn Cao

  • Anh có nghe không (thơ)

  • Những ngày báo hiệu mùa xuân (trích trong bài thơ dài “Những người trên cửa biển”)

Hoàng Cầm

  • Giới thiệu Hoàng Cầm

  • Em bé lên sáu tuổi (thơ)

  • Tiếng hát (trích 2 đoạn trong hồi thứ nhất vở kịch thơ dài Tiếng hát Trương Chi)

Hữu Loan

  • Giới thiệu Hữu Loan

  • Cũng những thằng nịnh hót (thơ)

  • Lộn sòng (truyện ngắn)

 


Ngày xưa... ngày nay

Ngày xưa ngồi lái…xe con,
Ngày nay… xe buýt mài mòn đôi mông.



Học giả Hoàng Văn Chí - 2

Ông Hoàng Văn Chí sinh ngày 1 tháng 10, 1913 tại Thanh Hóa; khi ra Hà Nội học Albert Sarraut (1928-1935), và đậu cử nhân Khoa Học tại Ðại Học Ðông Dương (1940). Bút hiệu Mạc Ðịnh. Năm 1940 kết hôn với bà Lê Hằng Phấn, ái nữ Sở Cuồng Lê Dư.

Tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1946, chính thức hoạt động với chính quyền Việt Minh (1949-53) với tư cách chuyên viên phụ trách đúc tiền, làm giấy in bạc, chế tạo hóa chất cho quốc phòng. Năm 1954 ông bỏ kháng chiến trở về thành. 

Sau năm 54, ông di cư vào Nam (1955). Qua Âu Châu lưu trú tại Pháp (1960-65) bắt đầu viết sách và hoạt động văn hóa. Sang Mỹ từ năm 1965, theo lời mời của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tác giả các cuốn sách: “Phật Rơi Lệ,” 1956 - “Trăm Hoa Ðua Nở Trên Ðất Bắc,” 1959…
Nghiên cứu và sưu khảo các tài liệu về văn hóa, triết lý cổ kim, Ðông Tây với tham vọng đưa ra trong một cuốn sách, tổng nhận định về bước tiến hóa của nhân loại. Cuốn sách được thực hiện tựa đề: “Duy Văn Sử Quan” đang viết dở dang 1988, thì tác giả từ trần ngày 6 tháng 7 năm 1988 tại Maryland Hoa Kỳ, thọ 75 tuổi.

  

(Người phát giác vụ “Nhân Văn - Giai Phẩm” – Viên Linh) 


Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Uống cafe trứng Giảng

(Nguồn: Tôi đi đâu)


Trăm hoa đua nở trên đất Bắc - 3


Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, soạn giả Trăm hoa đua nở trên đất Bắc  xuất bản tại Sài Gòn, 1959, cho biết:  "Ở Hà Nội ra đi đầu năm 1955, tôi đã hẹn với các bạn ở lại hễ có dịp sẽ nói lên tiếng nói của họ",


 

 

"Tôi làm việc một mình", "Tôi liên lạc được với một ủy viên trong Ủy ban kiểm soát đình chiến. Họ đi Hà Nội như đi chợ. Mỗi tuần họ cắp về Sài Gòn cho tôi tất cả báo chí xuất bản ở Hà Nội", " Tôi làm việc trong hai năm 56-58"

 

"Bộ Thông tin và nói chung, không hề giúp. "Trước khi đưa in, Lý Trung Dung nghe nói có người gần ông Diệm ngờ rằng tôi soạn cuốn Trăm Hoa Đua Nở là có ý xúi dục trí thức miền Nam bắt chước trí thức miền Bắc nổi lên chống lại chế độ. Vì vậy nên Lý Trung Dung bàn với tôi nên để bút hiệu Mạc Định là soạn giả. Chỉ ký tên Hoàng Văn Chí vào bài Tựa"  

 

(Trích Phỏng vấn cụ Hoàng Văn Chí, Từ Nguyên thực hiện, bán nguyệt san Tự Do số 50, ngày 16/11/1986, phát hành tại Bỉ).

(Người phát giác vụ “Nhân Văn - Giai Phẩm” – Viên Linh) 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Nhớ ai như nhớ láng giềng.
Chỉ mong tắt lửa tối đèn... có nhau.


Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

Lê Ngộ Châu, 160 Phan Đình Phùng


Nhờ đức tính kín đáo, hòa nhã, Lê Châu đã tập hợp không những trên mặt báo nhiều khuôn mặt khác biệt, thậm chí trái ngược về hoàn cảnh, tính tình lẫn chính kiến, mà còn quy nạp được nhiều bè bạn đến từ những chân trời khác nhau.

 

Khi được tin Lê Châu mất, tôi có điện thư cho nhà văn Trần Hoài Thư, anh trả lời là đã được Lữ Quỳnh điện thoại thông báo: cả hai cùng lò Bách Khoa. Anh kể: mình là quân nhân, từ Cao Nguyên về Sài Gòn, hẹn với người yêu, vốn là độc giả hâm mộ, từ Lục Tỉnh lên, tại tòa soạn Bách Khoa, 160 Phan đình Phùng. 

Sau đó hai người thành vợ thành chồng. Trụ sở Bách Khoa là nơi hẹn và là hộp thư ; chuyện Trần Hoài Thư, lúc ấy dường như còn ký Trần Qúy Sách, là chuyện tình chính đáng, còn những quan hệ linh tinh, bay bướm của các nhà văn, nam và nữ, thì hằng hà sa số. Nhưng Lê Châu không bao giờ kể.

 

Bây giờ thì anh vĩnh viễn im lặng.

Với nhiều bạn bè, dù là thân thuộc, Lê Châu vẫn là niềm bí ẩn lớn lao giữa cơn gió bụi của thời đại.

(Đặng Tiến)

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Thương thay thân phận… đàn bà.
Hơn 30 tuổi vẫn là… đàn em.



Thuở mơ làm văn sĩ

Thường vào những ngày Chủ Nhật đầu tháng, đám văn nghệ choai choai chúng tôi gặp nhau tại cà phê Gió Bắc ở đường Phan Đình Phùng. Ở đây tôi gặp nhiều bạn bè, những '”kẻ sĩ” choai choai, nhưng có vẻ ông cụ non lắm rồi. Cũng không có những tay làm ra vẻ kỳ quái, nhưng tôi cho rằng “thùng rỗng kêu to”. 

Sự thật chẳng có gì đáng nói, vì họ chẳng có sắc thái gì riêng biệt hết. những mớ vay mượn lung tung mà cũng không triển khai được. Làm thơ không ra làm thơ bèn nói thơ tự do. Viết văn tối mò mò nói là văn bí hiểm. Chịu không thể nào hiểu nổi. Mở miệng nói ra là trường phái này, trường phái kia. những tác gỉa Albert Camus, Jean Paul Sartre, Simone de Bauvoire. Sự thật tôi không hiểu nổi, khi tôi biết chính họ không đọc và hiểu nổi sách ngoại ngữ... như tôi vậy. Có thể đó là “cái mốt”. 

(Nguyễn Thụy Long)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực


Miếng ngon giữa đàng.
Ai đàng hoàng là dại.


Làng báo Sài Gòn những năm “50” 

Vài tháng sau, là biên tập viên tòa soạn một trong hai nhật báo kiểu Bắc nổi tiếng ở Sài Gòn, tờ kia là nhật báo Tự Do của nhóm ký giả Tam Lang, Mặc Đỗ, tôi được trao việc mới là đặc phái viên khi cần, phải rời tòa báo tới hiện trường của sự việc. 

 

Lúc này những báo có nét đặc thù ở thủ đô miền Nam có khoảng năm sáu tờ, như Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc, Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Lẽ Sống, Lẽ Sống Mới của Ngô Công Minh, Sài Gòn Mới của ông bà Phú Đức Bút Trà Tô Thị Thân, Dân Chủ. Tờ này báo Bắc của ông Vũ Ngọc Các, thuộc loại tranh đấu chính đảng, với thư ký tòa soạn Nguyễn Thạch Kiên, trang trong có Thanh Tâm Tuyền. Phóng viên có những Quốc Phượng, Thanh Nhã, Anh Quân... Chuyến đi đầu tiên của phóng viên Lê Nguyên, một bút hiệu của tôi (Viên Linh) lúc ấy, là vào Rừng Sát trong Chiến dịch Hoàng Diệu. Mở màn cuối tháng 9, 1955, Dần theo ngày tháng, đi theo nhiều chiến dịch ở “Nam Kỳ Lục Tỉnh,” chân phóng viên đã giúp cho sự quan sát và các cuộc tiếp xúc của một người trẻ tuổi trở nên rộng thoáng hơn, cũng như những kình chống mâu thuẫn thế sự phải coi là tất nhiên, và từ đó, phải biết chịu đòn. Nghề báo đã cho nghề văn những kinh nghiệm quí giá, và ngược lại cũng thế. Đại khái họ mừng sinh nhật thứ 18 của tôi, và chúc tôi chóng thăng tiến trong nghề báo. 


Người đồng nghiệp đứng tuổi nói giọng Bắc, ôm vai tôi khen ngợi tôi là tương lai rạng rỡ, sau này sẽ giúp ích cho đời, không nên hư đốn như họ. Vừa nói ông ta vừa đưa ra mấy tờ giấy trăm, để tôi mua vé. Anh em muốn đãi tôi một chầu xem hát, ăn uống phủ phê, nhưng ra khỏi phòng cho sớm, vì từ dưới thuyền, mấy nàng ca nữ đã réo lên giục giã, như muốn đổ bộ ngay. À, họ muốn tôi ra khỏi phòng, ít ra là thời gian một suất hát. “Vì tương lai của thanh niên, niềm hy vọng của đoàn thể, tôi nên đi giải trí bằng cải lương ngoài rạp, và nhường phòng cho họ.” Ý nghĩa sáng tỏ là như thế. Tôi không thèm cầm tiền, nhún vai đi ra.

(Viên Linh)

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Chồng người áo gấm xông hương.
Chồng em áo rách, em thương... chồng người.


Đuờng văn ngõ chữ

Chế Lan Viên, Nguyễn Khải vào Sài Gòn - 1

Khoảng đầu những năm 80 Nguyễn Khải đưa gia đình vào Sài Gòn. Lúc đầu xem chừng sinh hoạt còn khó khăn. Nói chuyện với tôi thấy anh cứ nhấp nhổm chạy ra chạy vào: Vì gia đình bán giải khát và cho thuê điện thoại. Có khách đến phải chạy vội ra phục vụ. Mấy năm nay thì khá hơn rồi.. 

Biết tôi vào Sài Gòn thế nào anh cũng mời đến uống rượu.

Đến Nguyễn Khải lúc nào cũng có rượu. Anh nói bây giờ rượu Tây sẵn, nghĩ thương ông Nguyễn Tuân. Ngày xưa mỗi lần họp thấy ông lấy ra một cái bi đông rượu rót vào cái nắp mời vị này vị khác. Nay rượu Tây đầy ra đấy ông không còn để mà uống.

 

Nói chuyện với Nguyễn Khải tôi không ngờ hồi mới vào Sài Gòn loại văn nghệ sĩ cỡ Chế Lan Viên mà khổ đến thế: "Vũ Thị Thường (vợ Chế Lan Viên) nói đi đường chỉ mong nhặt được tiền ai đó đánh rơi "

(Hệt như câu nói của Hoàng Ngọc Hiến hồi ấy: "Đi đường thấy có một đồng xu rơi cũng phải nhặt. Kiếm đâu ra một xu bây giờ)

 

"Chế Lan Viên ở quận Tân Bình chỉ thèm ăn một bữa ngon phải ra tận quán bà luật sư Nguyễn Phước Đại (quán Blibliothèque) để được bà ấy đãi một bữa cơm Tây. Ai mời đâu mời cũng đi. Chỉ để kiếm bữa ăn thế thôi và xách về một chai nước mắm hay mấy cân gạo họ cho. Nguyễn Khải cùng đi với Chế Lan Viên. Một thằng làm thơ, một thằng viết ký một ca sĩ đi theo hát. Tôi gọi là hai kép một cô đầu cùng đi kiếm bữa ăn và ngồi nghe mấy tay giám đốc dốt nát vào đấy ba hoa. Nó có tiền nên hai nhà văn cứ phải gật gù nghe tụi nó dạy dỗ".

 

"Nói chung cộng sản coi văn nghệ sĩ như rác. Lê Duẩn coi Tố Hữu cũng chỉ như một con hát. Nhưng lại sợ văn nghệ. Vì chỉ dùng tuyên truyền dùng nước bọt mà giành được nước. Chỉ nói có làm gì đâu. Nói đủ cả chẳng làm gì. Thí dụ cứ nói phê bình tự phê bình mà chưa bao giờ phê bình tự phê bình cả. Có dám nói thật đâu mà phê bình tự phê bình. Chỉ toàn đào tạo gia nhân đầy tớ bọn nịnh hót. Sợ văn học cũng vì thế. Vì văn nó nói sự thật. Rất sợ biểu tượng hai mặt. Chỉ đề cao văn tuyên truyền đề cao vè. Thật ra bọn nhà văn nói chung nhát không dám chống chế độ".

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bắc bảo kỳ, Nam kêu cọ (kỳ cọ) 

Bắc là quá dại, Nam thì ngu ghê 


Đuờng văn ngõ chữ

Chế Lan Viên, Nguyễn Khải vào Sài Gòn - 2

"Chế Lan Viên một thời dựa thế Tố Hữu cũng hách lắm. Tô Hoài gọi là thằng nặc nô của đảng. Hồi chỉnh huấn văn nghệ sĩ, Chế Lan Viên làm tổ trưởng nói với Nguyễn Tuân: ông tưởng ông to lắm à? Tôi phụ trách ông kia mà”. Họp chấp hành ý kiến Chế Lan Viên là quyết định. Thí dụ ban chấp hành bàn có nên kết nạp Phan Quang không? Mọi người chờ ý kiến của Chế Lan Viên. Chế Lan Viên đi đái vào nói: "Thằng Thép Mới nó còn ở ban chấp hành được thì thằng Phan Quang sao không cho vào hội được". Ai cũng gọi là thằng tuốt. Thằng Nguyễn Đình Thi, thằng Tô Hoài, thằng… chẳng sợ ai cả".

Nhưng Chế Lan Viên chết rất khổ. Vũ Thị Thường phục vụ rất mệt. Gần chết hay quát tháo vợ con. Vũ Thị Thường nói chỉ thèm được ngủ khi Chế Lan Viên chết việc đầu tiên là ngủ bù một giấc dạy mới có sức mà khóc".

Ngay sau khi Nguyễn Khải mất, tôi có anh bạn trong Nam ra Hà Nội nói Nguyễn Khải chết không có đất chôn. Đúng ra là không được chôn ở nghĩa địa Sài Gòn (tại Thủ Đức) phải đưa lên nghĩa địa Củ Chi rất xa. Tiêu chuẩn được chôn ở Thủ Đức ngoài những ông thành uỷ viên hay trung ương uỷ viên không kể phải có 65 năm tuổi đảng. Nguyễn Khải tất nhiên cũng phải đưa đi Củ Chi. Võ Văn Kiệt thấy thế nên can thiệp. Ông tuyên bố nhường suất chôn ở Thủ Đức của ông cho Nguyễn Khải.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Nhà sạch thì mát.
Bát sạch hết cơm.



Giai thọai làng văn xóm chữ  

Phở Nguyễn Tuân

 Ngày tết, thế nào gia đình nhà văn cũng gói bánh chưng và tự luộc. Vợ nhà văn, một người phụ nữ của phố cổ Hà Nội, tự tay làm bánh, gói bánh theo đúng cách ngày xưa. Mâm cỗ ngày Tết của gia đình mang đậm tính truyền thống: Thế nào cũng có món hầm, thường là chân giò hầm măng, có món giò lụa. Tuy viết về ẩm thực vào hạng siêu nhưng Nguyễn Tuân không biết vào bếp, chỉ biết thưởng thức. Và ông không bao giờ chê những món ăn của vợ nấu, cho dù có lúc mặn, nhạt.

 

Theo GS Nguyễn Xuân Đào: “Giò là món bố tôi thích ăn”. Nhưng cũng theo quan sát của con trai nhà văn, Nguyễn Tuân không ăn tỏi và ngại thịt chóÔng cũng không thích mắm tôm, chỉ nhắm rượu với thịt ba chỉ chấm mắm tép. Riêng món phở được ông viết hết sảy: “Phở ăn bất cứ vào giờ nào cũng đều thấy trôi cả. Sớm, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào cũng ăn được.

 

Trong một ngày ăn thêm một bát phở, cũng như lúc trò chuyện ăn giọng nhau mà pha thêm một ấm trà, cùng thưởng thức với bạn bè. Ở ngoài đời, nhà văn không nghiện phở đến độ ngày nào cũng phải ăn một bát phở. “Ngày xưa có quán phở trong ngõ nhà 90B2 Trần Hưng Đạo là một trong địa chỉ ưng ý của Nguyễn Tuân”, con trai nhà văn nhớ lại. Nhưng ông cũng không khái tính đến mức chỉ ăn phở ông bà Định, nhà văn còn ăn ở những quán khác cùng bạn bè.

 


Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn"

Thử phở cuốn Ngũ Xá vào buổi tối

(Nguồn: Tôi đi đâu)


Chân dung hay chân tướng nhà văn?

Nguyễn Bính, Tú Mỡ

Cứ vậy, không chừa một ai, từ những cây đại thụ trong rừng văn chương cho tới những thế hệ sau, chỉ bằng một khổ thơ ngắn, bằng những cái tựa sách, Xuân Sách đã tạc nên chân dung chân thực hơn bất cứ mấy anh phê bình văn học “ăn theo nói leo”

Nhà thơ Nguyễn Bính, tham gia cách mạng từ 1947, về Hà Nội năm 1954, làm báo tư nhân Trăm Hoa từ năm 1956. Thời đó, báo của Nguyễn Bính là cái gai đối với các nhà lãnh đạo văn nghệ. Ông “cả gan” chê thơ Tố Hữu, và Xuân Diệu: ”Vì những sai lầm nghiêm trọng, cần phải xét lại toàn bộ giải thưởng văn học 1954 - 1955; đề nghị đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì. Loại tập thơ Ngôi sao xứng đáng” (của Xuân Diệu). 

Tất nhiên chỉ ra được vài số Trăm Hoa “chết yểu”. Tuy không xơi đòn nặng như Nhân văn Giai phẩm nhưng Nguyễn Bính cũng phải rời Hà Nội về Nam Định làm anh nhân viên ngoài biên chế. 

Trong thơ chân dung về nhà thơ tình số 1 VN này , Xuân Sách điểm có hai tác phẩm tiêu biểu Lỡ Bước Sang Ngang (1940), Giếng Thơi (1957) nhưng vẫn không quên “sự kiện báo Trăm Hoa” với tình cảm xót xa:

“Hai lần “lỡ bước sang ngang“
Thương con bướm đậu trên dàn mồng tơi 
Trăm Hoa thân rã cánh rời 
Thôi đành lấy đáy “giếng thơi” làm mồ.

***
Nhà thơ Tú Mỡ trước cách mạng đã từng “ngang ngạnh” trong “dòng nước ngược”:
“Trong đình quan khách cỗ bàn.
Vòng ngoài dân đói hàng ngàn xúm đông
Há mồm lố mắt đứng trông
Chúc thầm các cụ các ông muôn đời”


Nhưng từ ngày theo kháng chiến thì “Tú mỡ” đã thành “Tú tóp”:
“Một nắm xương khô cũng gọi mỡ 
Quanh năm múa bút để mua vui 
Tưởng cụ vẫn bơi dòng nước ngược 
Nào ngờ trở gió lại trôi xuôi.”

(Nhất Tuấn)


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Ta về ta tắm ao ta.
Dù trong dù đục cũng là… cái ao.


169 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Ông (Tô Hòai) đặc biệt rất chú ý học chữ. Ông chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Có cách học và chịu khó thì lúc nào cũng học được. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú về những từ tế nhị như từ chung quanh chuyện ăn, uống... Ông cho nên biên soạn một cuốn từ điển về từ ngữ. Ông thấy tiếng Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay, tránh nói thô. Ông phân biệt “mồm” với “miệng”. Nói “miệng’ sang hơn nói “mồm”. Cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen thì phải gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”... 

Ông khoe học được một từ nghề nghiệp mới: “ thầy dìu”. Thầy dìu là thầy dạy khiêu vũ, dìu dắt (entrainer) người tập khiêu vũ. Theo ông “tai vách mạch rừng” vốn là “tai vách mạch dứng”. Còn “run như cầy sấy”, Xuân Diệu cho đúng ra phải là “run như cây sậy” . Nhưng Tô Hoài cho thế là Tây nói chứ không phải ta nói...

Có một chuyện rất vui là, vào những năm 60 của thế kỉ trước, Phạm Văn Đồng có đề xướng một cuộc vận động gọi là “Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông triệu tập một số nhà văn, nhà ngôn ngữ đến trao đổi về vấn đề này. 

Tô Hoài không được mời vì bị coi là viết sai tiếng Việt, sai ngữ pháp, nghĩa là vi phạm vào sự trong sáng của tiếng Việt. 

Chính Tô Hoài nói cho tôi biêt chuyện này.

(Nguyễn Đăng Mạnh)


Ngày xưa... ngày nay

Ngày xưa uống cả… chục lon,
Ngày nay ngủ gục… nửa lon vẫn còn.


Về bài thơ Hồ Trường - 1

Vỗ gươm mà hát

Nghiêng bầu mà hỏi

Trời đất mang mang ai người tri kỷ

Lại đây cùng ta cạn một hồ trường

Cụ Nguyễn Bá Thụy (ông nội Nguyễn Thụy Long) là anh em đồng hao với Nguyễn Bá Trác. Bà nội Nguyễn Thụy Long kể lại: Nguyễn Bá Trác từ nước ngoài trở về sau khi chí chẳng thành danh chẳng đạt. Một buổi chiều cô đơn ngồi tại quán biên thùy ở biên giới Tàu và Việt, trong tâm trạng chán đời, nên Nguyễn Bá Trác làm bài thơ Hồ Trường...”. 

 Cụ bà giải thích “Hồ trường là ống tre, là ống bương to, đổ đầy rượu cho những tay hảo hán uống ở vùng thượng du Bắc Việt. Những tay hảo hán tửu lượng rất cao, uống bao nhiêu cũng được, tu rượu ung úc như nước lã, họ thường đeo hồ rượu nầy trên lưng. Hồ rượu được gọi là hồ trường này chứa được vài lít rượu. 

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Mai này có lúc nấu chung một nồi.


Về bài thơ Hồ Trường - 2

Bà Thụy Khuê dẫn chứng:

Chúng ta biết chắc Nguyễn Bá Trác và Lê Dư là những người theo phong trào Duy Tân. Khi bị lùng bắt, họ chạy sang Nhật, Nhật đuổi, chạy sang Tàu, rồi không chịu được kham khổ và nhớ nước, họ trở về đầu thú. Vì vậy, Sở Cuồng Lê Dư bị coi là phản cách mạng, Vũ Ngọc Phan trong hồi ký không dám nhắc đến tên bố vợ là Sở Cuồng Lê Dư.

Nguyễn Bá Trác (1881-1945), làm báo Nam Phong từ tháng 7/1917 đến khoảng tháng 9/1919, thì được vời vào Huế làm quan, đến chức Tổng Đốc, sau bị Việt Minh xử bắn năm 1945. Theo Phạm Thị Ngoạn (con gái Phạm Quỳnh) trong cuốn Introduction au Nam Phong (Tìm hiểu tạp chí Nam Phong): Nguyễn Bá Trác là đàn anh của Phạm Quỳnh về cả tuổi tác (hơn Phạm Quỳnh 11 tuổi), lẫn danh vị (đỗ cử nhân), và nhờ một quá khứ mạo hiểm đã khiến ông nổi danh lịch duyệt”.

Những trước tác trên Nam Phong của bà Phạm Thị Ngoạn (con Phạm Quỳnh), chứng tỏ ông là người thơ văn lỗi lạc, bài Hồ Trường là một trong những kiệt tác về thơ. 

(Khuyết danh)


Chữ nghĩa làng văn


Ở phủ Quốc Oai tại Sơn Tây (xem “Con gái Sơn Tây” ở dưới)hai cây cầu mái ngói do Phùng Khắc Khoan dựng năm 1602, một là cầu ông Cống, hai là cầu ông Nghè ở chùa Thầy. Ruộng vườn có “mía re” (thổ ngữ về mía)“rạch ngô” (ruộng ngô). Làng Mía (Kẻ Mía), tên nôm của làng Đường Lâm là một làng có hai vua: là Phùng Hưng (761-802) và Ngô Quyền (898-944). 

       


Chơi Chữ

"Nghề chơi cũng lắm công phu", huống hồ chơi... chữ!

Trong văn chương ta, có nhiều lối chơi: thơ, phú, câu đối, tập Kiều, nói lái sử dụng lối nào là tùy theo tình, theo cảnh, theo cách cấu tứ mà phô diễn ra cho phù hợp với nguồn cảm hứng trong giờ phút đó của nhà văn.
Cái thú chơi chữ của nhà nho khi xưa, chúng tôi đã chép lại ít nhiều trong tập "Giai Thoại Làng Nho" khởi từ thế kỷ XIV (đời nhà Trần) đến đầu thế kỷ nàỵ Bởi vậy chúng tôi mới Mảnh tiên kể hết xa gần, và ước mong rằng bạn sẽ chung một mối hoài cảm
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)


Chữ nghĩa làng văn

 

Bài vè "Con gái Sơn Tây". Có một số dị bản với hai câu đầu như:

Gái Sơn Tây yếm thủng tày dần

Răng đen hạt nhót chân đi cù lèo

 

Hai câu này bị hai lỗi chính tả liên quan đến các đồ dùng hằng ngày của nhà nông: Vật dụng đầu tiên là cái "giần" dùng để đãi cám và trấu ra khỏi gạo sau khi giã. Vật dụng thứ hai là chiếc "cù nèo" giống như chiếc liềm nhưng có cán dài dùng để cắt cỏ

Vì thế, nguyên thủy hai câu trên của bài vè, thật ra như sau:

Gái Sơn Tây yếm thủng tày giần

Răng đen hạt nhót chân đi cù nèo


Thành ngữ tục ngữ sai 

Mồng ba ăn rốn, mồng bốn ngồi trơ 

Tháng tư là tháng giáp hạt, nếu tháng ba không ăn dè sẻn thì tháng tư sẽ bị đói.

Tục ngữ nói chuyện “mồng”, sao Nguyễn Cừ lại đổi sang “tháng”? 

Dân ta có câu cửa miệng: “Ba ngày Tết” hoặc “Đói giỗ cha, no ba ngày tết”… Làm lụng vất vả quanh năm, Tết đến, nhà ai cũng cố gắng no đủ. Nhưng, con cháu hay ông bà tổ tiên, người sống cũng như người đã khuất cũng chỉ đủ đầy, hương khói trong ba ngày Tết. Ngày mồng ba là ngày cuối cùng của ba ngày Tết, nên gọi “ăn rốn”, bánh chưng, giò chả gì đó cũng “tổng vét”. 

Sang mồng bốn, “ngồi trơ”, coi như trở lại ngày thường, hết Tết. Không chỉ “ngồi trơ” vì không có cái gì ăn, mà còn “ngồi trơ” vì công việc đồng áng đã làm xong trước Tết cả. 

(Hoàng Tuấn Công)


Chùa Bà Banh 

Hồi ấy, gần xứ trạng Quỳnh ở (Thanh Hóa), có một pho tượng đá rất kỳ lạ, trần truồng đứng giữa đồng, miệng tủm tỉm cười, tay trỏ xuống chỗ kín, gọi là tượng bà Banh. Pho tượng kỳ cục vậy nhưng linh lắm, ai đi qua trông thấy, nhếch mép cười thì không xếch mồm cũng méo miệng. Đồn rằng chỗ người Tàu giấu của, thiêng lắm.

Quỳnh nghe đồn, đi xem. Đến nơi thấy tượng trần truồng mà chân lại đi giày, cổ đeo hạt. Quỳnh không cười không nói, cầm bút đề ngay vào ngực tượng một bài thơ nôm rằng:


Khen ai đẽo đá tạc nên thày!

Khéo đứng ru mà đứng mãi đây?

Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt.

Dưới chân đứng chéo một đôi giày,

Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu,

Hay là bốc gạo thử thanh thầy?

Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa,

Phô phang chi ở đám quân này.

    

Đề thơ xong. Tượng đá bỗng toát mồ hôi ra, từ đó mất thiêng.


***


Phụ đính I

Chân dung hay chân tướng nhà văn

Khoảng năm 1982 nhà thơ Dương Tường vào Sài Gòn trọ khách sạn Bông Sen đường Đồng Khởi, sang trọng bậc nhất Sàigòn. Trước khi ra Hànội, ông đã kịp giới thiệu tôi làm quen cô tiếp tân. Từ đó sáng nào tôi cũng trốn cơ quan, lẻn tới khách sạn, đứng sát bên cô để "phụ việc " sau quầy. Cô là người Sàigon cũ, xinh đẹp, tiếng Anh làu làu, thỉnh thoảng lại dúi cho tôi bia Sàigòn, thuốc lá Du Lịch đầu lọc lúc đó là của hiếm.

Một sáng trò chuyện đang tíu tít, bất chợt từ ngoài cửa bước vào một khách nam và một khách nữ. Nhận ra hai người, tôi vội ngồi thụp xuống chân cô tiếp tân, im thít.

Lát sau, cô vỗ vỗ lên đầu tôi:
“ Khách lên phòng rồi… anh đứng dậy đi”
Tôi cứ nấn ná chờ “máy bay địch đã bay xa” mới đứng lên làm cô tiếp tân phì cười:

“ Sếp anh sao anh sợ vậy?”
“Sếp đâu? Anh không muốn ổng nhìn thấy bất lợi cho em …”
Cô gái lắc đầu:
“ Hổng sao, ông Nguyễn Quang Sáng đó… nghe nói ổng là nhà văn cách mạng…”
Tôi phì cười:
“ Nhà văn cách mạng thì sao ?”
“ Kính nhi viễn chi thôi…”
Tôi ưỡn ngực:
“ Anh nhà văn cách mạng nè, sao em không kính nhi viễn chi?”
Cô gái bĩu môi:
“ Anh mà cách mạng gì? Du đãng thì có…”

(Nhật Tuấn) *

* Nhà văn Nhật Tuấn là em nhà văn Nhật Tiến

***

Phụ đính II

Chữ nghĩa làng văn

Nhà thơ Tế Hanh

Tô Hoài có lần kể với tôi: Có một tay làm văn hoá khá lâu ở Đại Sứ Quán nọ mới hỏi thăm mình về một nhà thơ đáng yêu lắm mà hắn quên mất tên. 

“Ông ta là loại người như thế nào?” 

“Dáng đi, tay quờ quờ như là đang đi men tường thế này”.

“Thế thì ông Tế Hanh?” 

“À, phải rồi, Tế Hanh”. 

Cái hình ảnh người đi men tường nói ở đây, có lẽ không chỉ đúng với con người rù rì lần bước của một Tế Hanh ngoài đời, mà có lẽ, cả một Tế Hanh trong thơ. Tế Hanh thỉnh thoảng cũng có những lúc đi đến tận cùng mọi sự việc, những lúc bốc lên.

(Vương Trí Nhàn)


Chữ nghĩa làng văn 

Vụ án “Về Kinh Bắc”, một sự kiện “Hậu Nhân Văn”

Nhưng trong lúc Hòang Cầm ngong ngóng được cho về vào dịp Tết, thì một số trí thức Pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh vận động đã gửi thư cho Lê Đức Thọ đề nghị thả nhà thơ. Tin đến tai Tố Hữu, ông “bạn thơ” quý hoá phán một câu xanh rờn: “Nước ngoài can thiệp hả? Thế thì giam thêm 1 năm nữa cho biết!”. 

Thế là Hoàng Cầm bị giam tổng cộng 16 tháng.

(Hòang Hưng)









Không có nhận xét nào: