Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ (6) (Đỗ Chiêu Đức

 Tạp Ghi và Phiếm Luận :  

  NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ  (6)


                                      
                     
              Nàng rằng: Thiên tải nhất thì,
           Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn .
              Rồi đây bèo hợp mây tan,
          Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu?!

      Khi Thúy Kiều vừa báo ân báo oán xong xuôi, thì sư trưởng "Giác Duyên vội vả gởi lời từ quy", và Thúy Kiều đã cầm bà ta ở lại bằng 4 câu thơ nêu trên:

          Nàng rằng: THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
     CỐ NHÂN đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.
          Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
    Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu?!
       
                         

      THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千 載 一 時 : THIÊN là Một ngàn; TẢI là Năm; NHẤT là Một; THÌ là Lúc, là Thuở, nên THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千 載 一 時 ta nói là "Ngàn Năm Một Thuở" để chỉ cơ hội nào đó hoặc chuyện gì đó rất hiếm khi xảy ra, họa hoằn lắm mới có được hay gặp được. 

      CỐ NHÂN 故 人 : CỐ là Cũ; NHÂN là Người, nên CỐ NHÂN là "Người cũ". Người cũ ở đây có nghĩa là "Người quen cũ, Người yêu cũ, Bạn cũ..." Theo tập quán ngôn ngữ khi chữ CỐ được đặt trước chức vụ nào đó thì có nghĩa là QUÁ CỐ là đã chết. Ví dụ: 
       - CỐ 故 Tổng Thống là Tổng thống đã qua đời, đã chết. Còn...
       - CỰU 舊 Tổng Thống là Tổng Thống tiền nhiệm, Tổng Thống cũ, vẫn còn sống.

     BÀN HOÀN 盤 桓 : BÀN là Cái mâm; HOÀN là Cây Nêu để cắm trên nhà, thành, mồ mả. Hai Danh từ nhập lại thành Tính từ BÀN HOÀN 盤 桓 : Có nghĩa là lòng vòng quanh co, không tiến lên được; là Bồi hồi, lưu luyến không nở rời nhau. Nghĩa phát sinh là Nấn ná ở lại chưa muốn đi, nên hai câu thơ :
                   Nàng rằng: THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
                  CỐ NHÂN đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.
Có nghĩa :
     Thúy Kiều nói với vãi Giác Duyên rằng: Ngàn năm một thuở, khó có dịp lắm những cố nhân như chúng ta mới có cơ hội gặp gỡ nhau đây, thôi thì bà hãy nấn ná trì huỡn ở lại chơi vài hôm nữa đi rồi hãy đi. Vì:
                       Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
                 Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu?!

      BÈO HỢP MÂY TAN do câu nói chữ Nho là BÌNH TỤ VÂN TÁN 萍 聚 雲 散. Có nghĩa: Bèo trôi nổi trên mặt nước hiếm khi tụ họp được với nhau cùng một chỗ, cũng như mây bay tứ tán trên bầu trời, thấy hợp đó bèn liền tan đó; nên BÈO HỢP MÂY TAN dùng để chỉ sự tụ hợp hay gặp gỡ hiếm có và không bền bỉ vững chắc, mạnh ai nấy trôi nổi hoặc bay đi ngay sau đó. Còn...

      HẠC NỘI MÂY NGÀN là Hạc ngoài đồng nội và Mây bay trên ngàn; chữ Nho gọi là CÔ VÂN DÃ HẠC 孤 雲 野 鶴 đều là những thứ phiêu lưu nổi trôi vô định; nên không biết đâu mà tìm, không biết đâu mà kiếm (Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu?!) Không nói HẠC NỘI MÂY NGÀN thì nói là MÂY BAY HẠC LÁNH như khi đã lập am xong, Thúy Kiều cho người đi tìm Giác Duyên thì:

              Sư đà hái thuốc phương xa,
       MÂY BAY HẠC LÁNH biết là tìm đâu?
                
               
                   

        Bốn câu thơ THIÊN TẢI NHẤT THÌ... ở trên là lời cầm cọng rất thành khẩn chân tình của những người bạn thân thiết với nhau lâu ngày mới được gặp lại. Bốn chữ THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千 載 一 時  còn là câu đố chiết tự để ghép thành một chữ mới: Lấy chữ THIÊN  trong Thiên Tải, ghép với chữ NHẤT   trong Nhất Thì, ta có được chữ NHÂM  壬 là Ngôi thứ 9 của Thiên Can, cũng là chữ NHÂM của năm NHÂM DẦN 壬 寅 là năm nay đây.

        Khi Hoạn Thư cho Khuyển Ưng đi bắt Thúy Kiều về Vô Tích để làm Hoa Nô cho mình rồi, và khi Thúc Sinh "Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương, Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê". Về đến nhà, sau khi "Nhà hương cao cuốn bức là, Buồng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng" để cho hai người không dám nhận nhau trong cảnh ngỡ ngàng chủ tớ rồi, Hoạn Thư lại bày tiệc rượu "Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu" và khi:

                Vợ chồng CHÉN TẠC CHÉN THÙ,
           Bắt nàng đứng chực TRÌ HỒ hai nơi.

     CHÉN TẠC CHÉN THÙ : THÙ 酬 là chén rượu của chủ nhân rót mời khách. Còn 酢 : TẠC là chén rượu của khách rót mời lại chủ nhân, nên THÙ TẠC là Chủ và khách cùng mời qua mời lại khi uống rượu với nhau; Sau dùng rộng ra chỉ thân quyến hay bạn bè cùng vui chơi uống rượu với nhau thì gọi là "cùng nhau THÙ TẠC" hay "cùng THÙ TẠC với nhau". Ở đây chỉ vợ chồng Thúc Sinh và Hoạn Thư cùng "CHÉN TẠC CHÉN THÙ" tức là cùng mời qua mời lại nhau uống rượu. 
                     
                       


     TRÌ HỒ 持 壺 : TRÌ là Cầm, nắm, giữ, như DUY TRÌ 維 持 là Cứ giữ như thế. HỒ là cái Bình, ở đây chỉ Bình rượu; nên TRÌ HỒ có nghĩa là "Cầm bình rượu" để chờ rót. Hai câu thơ trên nói:
     "Khi vợ chồng Thúc Sinh cùng uống rượu với nhau thì bắt Thúy Kièu phải đứng đó cầm bình rượu rót cho hai người cùng mời qua mời lại để uống vui với nhau". Và Hoạn Thư đã không ngừng ở đó, mà còn hành hạ Thúy Kiều đủ điều:

               Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
           Bắt quì tận mặt bắt mời tận tay !

     Chữ THÙ 酬 ngoài nghĩa là chén rượu của chủ rót mời khách ra, còn có nghĩa là đền công hay bù đắp cho ai về việc gì đó hoặc về cái gì đó, như:
    - THÙ LAO 酬 勞 : là Trả công hay bù đắp cho sự lao nhọc của ai đó, nên Tiền Thù Lao là tiền trả công cho sức lao động đã được bỏ ra.
    - THÙ KIM 酬 金 : KIM ở đây là Kim Tiền, nên THÙ KIM là Tiền Lương.
    - THÙ TẠ 酬 謝 : Dùng tiền bạc, tài vật hay quà cáp để cám ơn ai đó.

    Ngoài ra, chữ THÙ còn có nghĩa làm việc gì đó theo phép lịch sự, xã giao, buộc phải làm chiếu lệ, như:
    - THÙ KHÁCH 酬 客 là Tiếp đãi khách khứa theo phép lịch sự, vì chả lẽ khách đến công ty mà mình không tiếp đãi.
    - ỨNG THÙ 應 酬 là phải giao tiếp qua lại; chả lẽ người ta hỏi thăm mình mà mình không hỏi thăm lại; bánh ít đi thì phải có bánh quy lại; Hòn bấc ném đi thì hòn chì phải ném lại... Đó là phép Ứng Thù.

      Cũng trong Truyện Kiều, khi sư Giác Duyên đưa mọi người đến gặp Thúy Kiều ở thảo am để rước nàng về cùng đoàn tụ với gia đình. Thúy Kiều đã không chịu về, lấy cớ là "Mùi thiền đã bén muối dưa, Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng" và nại cớ sư Giác Duyên đã cứu mạng mình nên không nở bỏ bà mà đi: "Trùng sinh ơn nặng biển trời, Lòng nào nở dứt nghĩa người ra đi". Vương Viên Ngoại đã phải khuyên bảo và lý luận:

            Ông rằng: BỈ THỬ NHẤT THÌ,
      Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền.
            Phải điều cầu Phật cầu Tiên,
      Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?

              
                      

       BỈ THỬ NHẤT THÌ 彼 此 一 時 là câu nói gọn lại của "BỈ NHẤT THÌ, THỬ NHẤT THÌ 彼 一 時, 此 一 時". BỈ là Kia, là Cái kia; THỬ là Này, là Cái nầy. Câu nói có nghĩa: "Cái nầy một lúc, Cái kia một lúc". Đây là câu nói của Công Tôn Sửu trong sách Mạnh Tử 孟 子 公 孫 丑, ý muốn nói là: Cái thời cơ của lúc đó là như thế ấy, còn cái thời cơ của hiện tại là như thế nầy; Ý chỉ: Việc đời mỗi lúc mỗi khác; lúc xưa thì như thế kia, còn bây giờ thì như thế nầy, tức là phải biết "Tùy cơ ứng biến" chớ không chấp hành một cách cứng ngắt, không linh động như Vương Ông đã nói "Tu hành thì cũng phải khi TÒNG QUYỀN". 
      NGỘ BIẾN TÒNG QUYỀN 遇 變 從 權 là Hễ có biến động thay đổi bất thường, thì phải biết tùy theo hoàn cảnh tình huống lúc đó mà hành xử cho hợp lẽ tự nhiên, chớ không chấp hành quy tắc một cách máy móc trái với nhân tính.

     Trong phần đầu của Truyện Kiều qua phần triết lý giáo đầu của cụ Nguyễn Du, ta còn gặp thành ngữ BỈ SẮC TƯ PHONG 彼 嗇 茲 豐 qua hai câu thơ:

            Lạ gì BỈ SẮC TƯ PHONG,
    Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen!

       Như ta đã biết ở phần trên BỈ 彼 là Cái Kia; THỬ 此 là Cái Nầy. Ở đây TƯ 茲 cũng có nghĩa là Này, là Cái Này nữa. Đây là cái Lý học nói lên lẽ tự nhiên của tạo hóa: Phong vu thử sắc vu bỉ, vạn vật lý cố nhiên 豐 于 此 嗇 于 彼,萬 物 理 固 然。có nghĩa: Đầy ở cái nầy, thì sẽ cạn ở cái kia, đó là lẽ cố nhiên của vạn vật. Trong phần kết thúc Truyện Kiều cụ cũng đã viết:

            ...Trời kia đã bắt làm người có thân.
                   Bắt phong trần phải phong trần,
              Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
                   Có đâu thiên vị người nào,
               Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,

      Trở lại với chữ TƯ 茲 và chữ THỬ 此 đều có nghĩa là Này, là Cái Này. Một chữ có thanh BẰNG (TƯ), một chữ có thanh TRẮC (THỬ) để cho tiện lợi và dễ sử dụng trong thi ca, như trong truyện "Trang Tử Cổ Bồn Ca 莊 子 鼓 盆 歌" của quyển truyện Kim Cổ Kỳ Quan  今 古 奇 觀 được kết thúc bằng bài thơ:

  從 茲 了 卻 冤 家 債,  TÒNG TƯ liễu khước oan gia trái,
  你 愛 之 時 我 不 愛。Nễ ái chi thời ngã bất ái. 
  若 重 與 你 做 夫 妻,Nhược trùng dữ nễ tố phu thê,
  怕 你 斧 劈 天 靈 蓋!  Phạ nễ phủ phách thiên linh cái!

                 
                       

   TÒNG TƯ 從 茲 có nghĩa : Từ rày về sau; Từ nay trở đi...
Diễn Nôm :
                 Từ nay đã dứt nợ oan gia,
                 Ta hết yêu người người yêu ta.
                 Tiếp tục vợ chồng như trước nữa,
                 Có ngày búa bổ vỡ đầu ra !
   Lục bát :
                 Từ nay dứt nợ oan gia,
                 Người yêu ta hết thiết tha người rồi.
                 Vợ chồng tiếp tục chẳng thôi,
                 Có ngày búa bổ cho lòi óc ra !
                 
      Còn trong bài thơ "Tặng Khứ Tỳ 贈 去 婢" của Thôi Giao 崔 郊 đời Đường thì ta sẽ gặp từ "TÒNG THỬ 從 此" như sau:

 公 子 王 孫 逐 後 塵,  Công tử vương tôn trục hậu trần,
 綠 珠 垂 淚 濕 羅 巾。  Lục châu thùy lệ thấp la cân.
 侯 門 一 入 深 如 海,  Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
 從 此 蕭 郎 是 路 人。  Tòng thử Tiêu Lang thị lộ nhân!

                      
                   

      TÒNG THỬ 從 此 cũng có nghĩa là: Từ rày về sau; Từ lúc này trở về sau; cũng có nghĩa là: Từ đó về sau...

Diễn Nôm :
                 Công tử vương tôn ruổi bụi xa,
                 Lục Châu nhỏ lệ ướt khăn là.
                 Cửa hầu tựa bể sâu thăm thẳm,
                 Từ đó chàng Tiêu kẻ xứ xa !...
    Lục bát :
                 Vương tôn công tử theo sau,
                 Lục Châu nhỏ lệ ướt bao khăn là.
                 Cửa hầu sâu tợ biển xa,
                 Chàng Tiêu từ đó kẻ qua bên đường !...

      Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã mượn ý nầy để cho Kim Trọng thuyết phục Thúy Kiều khi KIM KIỀU tái hợp:

             Có còn chi nữa mà ngờ,
   Khách qua đường dễ hững hờ chàng Tiêu !

      Hẹn bài viết tới !

                                                  杜 紹 德
                                                Đỗ Chiêu Đức








Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

VÔ DUYÊN (GS Bửu Kế) & Hảo Huyền (Trần văn Dật)

                                                         
                                                       

DUYÊN
Lòng thẳng không quen chuyện hão huyền,
Tôi toàn gặp gỡ những vô duyên.
Trăng lên trong lúc mây u ám,
Sông quạnh, mù sa, nước ngược thuyền.

Tôi đợi bên trời chút nắng hanh,
Sưởi lòng giá lạnh giữa ngày xanh.
Nhưng mà mưa vẫn rơi không dứt,
Biết hướng nào đây! Đón gió lành.

Đò lỡ sang ngang lắm chuyến rồi,
Hững hờ, hiu quạnh, đón hồn tôi.
Vườn người nẩy nở khi xuân đến,
Xuân đến, vườn tôi vẫn thế thôi!

Hoa nhạt mùi hương, nước cạn dòng,
Chẳng còn mơ ước, hết chờ mong.
Đời tôi như cốc cà phê đắng,
Không mảnh đường tan để dịu lòng.


Thầy Bửu Kế( Hoa Đầu Mùa),
Giáo sư Viện Hán Học Huế.


Họa nương vận: 

HẢO HUYỀN

Tôi đã ôm mang chuyện hão huyền
Nên đời quở trách: ”Thật vô duyên!”:
Trăng thanh thoáng mát trên làn nước
Thoải mái trôi sông một chiếc thuyền…

Gió nồm thì ẩm, bấc thì hanh(1)
Chẳng nghĩa lý gì với tuổi xanh
Đêm mộng ngày mơ theo dáng nguyệt
Nguyện cầu niềm ước được an lành!

Mọi việc e dàn xếp cả rồi
Làm sao như ý được cho tôi?
Một ngày pháo nổ ran tan xác
Tan cả tâm ai… - Mộng nữa thôi?

Chèo khó bởi đi ngược với dòng
Không lường sức trước, cứ hoài mong
Thì ra ta đã nhiều mơ hão
Hồng vút bay xa… - Để hận lòng!


Trần Văn Dật
Vĩnh Long 20-2-2022


(1) Gió bấc thì hanh, gió nồm thì ẩm (Tục ngữ).






Làm Sao - Kate

       

                            

Làm Sao!

Làm sao cho tôi quên được em
Quên bờ vai quên mái tóc đen dài
Quên giọng nói em mát mềm êm ái
Quên mùi hương quyến luyến khi đêm về
Làm sao cho tôi quên được em
Quên đôi môi quên ánh mắt đượm buồn
Quên nụ hôn quên lần ôm em vội
Quên giọt buồn rơi trên lối chia đôi
Làm sao làm sao thôi nhớ
Đêm chia tay để mãi mãi đêm dài
Thôi thì thôi cuộc tình tan trong tối
Đen vào đêm để đêm mãi ngủ vùi
Làm sao!
Làm sao!
Làm sao!

Kate, 02-22-2022






Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Tập Kiều: XUÂN CẢM & VUI XUÂN (Trần Văn Dật)

 

                             


Tập Kiều:                           
                  XUÂN CẢM 

              Ngày xuân con én đưa thoi
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông 
              Bốn bề bát ngát xa trông 
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng !
                        Trần Văn Dật

Tập Kiều:
                  VUI XUÂN

               Hải đường lả ngọn đông lân 
Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng 
               Sắm sanh xe ngựa vội vàng 
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao
               Cười cười nói nói ngọt ngào 
Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa 
               Mảng vui rượu sớm trà trưa 
Ngày xuân càng gió, càng mưa, càng nồng 
               Xập xè én liệng lầu không 
Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay 
                        Trần Văn Dật







Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

TÌNH XƯA THÔI ĐÃ MUỘN MÀNG - Vkp Phượng Tím

 TÌNH XƯA THÔI ĐÃ MUỘN MÀNG

vkp phượng tím
Ngày xưa anh thiếu cau trầu
Cho nên em bước qua cầu sang sông
Hơn năm mươi năm long đong
Chúng mình gặp lại mà lòng xốn xang
Trầu xanh héo hắt úa tàn
Cau già nghiêng ngã gốc tràn rể lên
Cau hương trồng ở ngoài hiên
Giao thừa trỗ trái gợi niềm bâng khuâng
Dưới mưa hai đứa tần ngần
Mo cau nhỏ đó dành phần cho em
Còn anh sủng nước ướt mèm
Nghe xao xuyến lạ... môi thèm bờ môi
Trăm năm quá nửa mất rồi
Bây giờ tóc bạc xa xôi bẽ bàng
Tình xưa... thôi đã... muộn màng!!!
Mùng năm Tết Đinh Dậu 2017
Vkp phượng tím






CÁCH XƯNG HÔ DÀNH CHO THÂY – TRÒ (Hoàng Đằng)

 CÁCH XƯNG HÔ DÀNH CHO THẦY – TRÒ 

 

Hình mượn trên mạng

 

“CHÀO MỪNG CÁC CON HỌC SINH TRỞ LẠI TRƯỜNG HỌC”

Ở hình trên, bên phải cái bảng đỏ đặt bên trái lối vào các lớp của trường THCS Giảng Võ – Hà Nội có in câu chữ ấy màu đỏ trưng ra trong ngày đón học sinh trở lại trường để học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến (online) ở nhà do dịch Covid. 

Câu chữ có in dư hai chữ “CÁC CON” khiến mấy hôm nay dư luận bàn cãi về cách xưng hô dành cho Thầy và Trò. 

Ở nước mình, hình như người vô công rỗi nghề nhiều, thành thử thỉnh thoảng dấy lên những tranh luận không đáng tranh luận… hehe

Nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân “yêu cầu Bộ Gíao Dục – Đào Tạo thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là:

1/ CẤM giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn". 

2/ Yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không được gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con” …

Cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô". Gọi "thầy giáo", "cô giáo" chỉ dành cho học sinh gọi người dạy mình.

3/ Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học.”

Ô. Lại Nguyên Ân yêu cầu như thế ít nhiều cùng suy nghĩ như GS. Trần Ngọc Thêm, cách đây không lâu, đã đề xuất bỏ “Lễ” trong học đường, vì sợ “tạo cảm giác e dè, khúm núm, nhỏ bé …” ở học sinh (trích ý kiến tham luận về vấn đề của Ô. Hoàng Vương).

Sau khi ý kiến của Ô. Lại Nguyên Ân đến tai độc giả, có người thỏa hiệp, nhưng cũng có người phản đối – thậm chí phản đối gay gắt. Vì thế, Ô. Lại Nguyên Ân mới đưa ra những giải thích thêm như sau:

1/ Học sinh thời nay học theo chương trình giáo dục đổi mới, tính hòa nhập quốc tế cao. Các đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Pháp… chỉ đơn giản là “tôi”, “bạn” (thì tiếng Việt Nam cũng phải đơn giản lại như thế).

2/ Người dạy học không được gọi học sinh là “con”, vì từ này chỉ dành cho các bậc sinh thành.

3/ Việc thống nhất cách xưng hô giữa giáo viên, học sinh, sinh viên là tiền đề, bước đệm cho việc thống nhất cách gọi giữa các mối quan hệ khác trong xã hội (tại cơ quan, tại hội đoàn …) 

Ý kiến, lập luận của Ô. Lại Nguyên Ân hợp lý hay không hợp lý, vấn đề này xin nhường các bậc thức giả thẩm xét.

Ở đây, tôi chỉ muốn đưa ra vài ý kiến cá nhân thôi.

Bên Tây, tiếng Anh cũng như tiếng Pháp không có đại từ nhân xưng (pronom personnel – personal pronoun)  biểu tỏ mức độ thân sơ tình cảm trong giao tiếp như tiếng ta. Theo tôi, như thế ở điểm này tiếng ta trội hơn. Giờ không lẽ ta bỏ ưu điểm của mình để học theo khuyết điểm của người. Tôi có thời gian dài sống, gần gũi với vài ông Tây, họ khen tiếng ta dồi dào ở điểm này.

Người đi dạy là người được đào tạo nhiều năm ở trường sư phạm – trường dạy phương pháp, tư cách khi dạy học - có trình độ văn hóa, giao tiếp… không phải thấp. Việc xưng hô với học trò thế nào cứ để các người đi dạy tùy cơ ứng biến miễn sao thanh nhã, lịch sự, thân thương, gần gũi là được (lúc nào thì CON, lúc nào thì EM, lúc nào thì BẠN, lúc nào thì ANH CHỊ…), cần chi phải ra QUY ĐỊNH, “QUY CHẾ”. HÃY để một ít không gian tự do cho người làm nghề dạy học! Đừng biến họ thành cái máy!

Từ thời xa xưa, ý niệm “SƯ – ĐỆ” đã nói lên quan hệ “THẦY – EM” giữa người dạy và người học rồi. Nhưng trong tiếng Việt, ý niệm ấy được diễn ra là “THẦY – TRÒ” mà không là “THẦY – EM”. Việc thay đổi cách gọi người học (trò – em – con – bạn – anh chị…) được điều chỉnh theo hướng tốt đẹp thể hiện tình cảm qua cả một thời gian dài. 

Người dạy gọi người học là thế. Còn người học tự gọi mình là gì trước mặt người dạy?

Dù cao tuổi hơn bậc dạy mình, dù học ở bậc đại học hoặc trên đại học, khi trò chuyện hoặc tranh luận với bậc dạy mình, người học phải xưng “em”; còn nếu người dạy đáng tuổi cha mẹ thì tự xưng “con”. Tự nhận mình là “em”, là “con”, tức là  biểu tỏ sự kính trọng, có kính trọng mới học được. Nếu xưng “tôi” nghĩa là ngang hàng rồi thì đến học gì!!! Cũng như “tầm sư học đạo” trong tôn giáo, trước một Linh Mục Thiên Chúa Giáo hay trước một Thượng Tọa, Hòa Thượng Phật Giáo thì xưng “con”. Xưng “tôi” trông xấc xược lắm. 

Còn người đi dạy thì gọi họ là gì?

Trước đây, ai dạy học, được gọi là THẦY, CÔ (SƯ), học sinh gọi như thế, cả cộng đồng gọi như thế. Bằng chứng, tôi chỉ đi dạy một thời gian không nhiều, mà đến hôm nay nhiều người còn gọi tôi là THẦY.

Bây giờ, trong một xã hội tự xưng là “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO’, tại sao phải thay đổi cách gọi? 

Tại sao không dùng từ GIÁO SƯ mà dùng từ GIÁO VIÊN? À quên… từ GIÁO SƯ có dùng nhưng để chỉ một học hàm… hihi.

Trước đây, người đi dạy, trên văn bản chính thức, gọi là giáo sư; chỉ ở bậc tiểu học gọi là giáo viên. Nhưng tôi thấy từ giáo viên không xứng hợp mấy!

GIÁO SƯ VÀ VÀ GIÁO VIÊN khác nhau thế nào? 

VIÊN ()trong chữ Hán gồm trên chữ KHẨU (miệng – để ăn), dưới chữ BỐI (tiền bạc, của cải), nghĩa là người được giao cho một việc để làm ăn; còn SƯ, ngoài ý nghĩa một việc làm ăn, còn mang ý nghĩa rao giảng kiến thức, gầy dựng nhân cách. Xem trong tiếng Pháp nè! Từ instituteur (thường được dịch là giáo viên) đi ra từ động từ instituer (gầy dựng: fonder) đó. 

SƯ có nội hàm là thiên chức; còn VIÊN không có nội hàm ấy.

Hoàng Đằng

15/02/2022