Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

MỘT GIA ĐÌNH VĂN MINH PHẢI LÀ TẬP HỢP CỦA NHỮNG NGƯỜi BẠN THÂN - Tác giả: FUKUZAWA Yukichi / Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

 

MỘT GIA ĐÌNH VĂN MINH PHẢI LÀ TẬP HỢP CỦA NHỮNG NGƯỜi BẠN THÂN

Phúc Ông Trăm Truyện, số 7
Tác giả: FUKUZAWA Yukichi
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái, có ý kiến “cha nghiêm, mẹ thân”. Ý nói người cha nên có thái độ nghiêm khắc, thận trọng, và giữ gìn lời ăn tiếng nói đối với con cái. Người mẹ, ngược lại nên thân thiện thương yêu con cái. Cả hai cần phải phối hợp để có cân bằng thích hợp trong tiếp xúc với con cái, có cứng có mềm, có gấp (nhanh) có thong thả (chậm). Luận theo tính tình của nam nữ thì ý kiến này cũng có một phần hợp lý.

Tuy nhiên, ở thế gian này mọi việc đều có cải thiện và tiến bộ. Do tiến bộ của học thuật và văn minh, phong cách tiếp xúc, sinh hoạt giữa cha mẹ và con cái dần dần cũng phải thay đổi. Chủ trương “cha nghiêm, mẹ thân” phát sinh ra từ tư tưởng “nam trọng nữ khinh” không nên áp dụng trong gia đình của xã hội văn minh.

Trong thời đại mà tất cả quyền hành trong gia đình đều thuộc vào người nam chủ gia đình, người mẹ chỉ có bổn phận sinh ra và nuôi lớn con cái, còn người cha thì độc tài như một ông vua, không những đối với con cái mà cả với người vợ cũng có uy quyền tuyệt đối. Trong thời đại này, con phải không những phải phục tùng mệnh lệnh của người cha mà còn phải không được chống đối, phản kháng, không nghe theo bất kỳ một lời nói nào của ông.

Đôi lúc do tình cảm tự nhiên của con người, từ quan hệ lợi hại rõ ràng, người cha thấy không phải hay thấy có lỗi với con cái mình, nhưng vì uy nghiêm của người cha mà một khi đã thốt ra lời phải thực hiện cho bằng được, không thể rút lại lời nói. Do đó, trong những trường hợp này, người mẹ một mực không nói cái gì đúng cái gì sai mà chỉ lặng lẽ lo lắng giúp đỡ con cái với lòng thương yêu. Trong lòng của người cha cũng không phải có ghét bỏ con cái nên mặc dù biết việc giúp đỡ của người mẹ nhưng làm như không biết, chờ cho sự việc kết thúc êm đẹp để duy trì cuộc sống yên lành của gia đình. Chuyện này đời nào cũng thường có, xưa cũng như nay.

Tóm lại, “cha nghiêm, mẹ thân” là chuyện thật trong thực tế. Tuy nhiên, ở xã hội văn minh thì không phải vậy. Quyền hạn của cha và mẹ đối với con cái hoàn toàn như nhau, không bên nào nặng hơn, không bên nào nhẹ hơn. Nếu nói cần nghiêm khắc với con cái thì cả cha lẫn mẹ đều phải nghiêm khắc. Nếu nói cần thân thiện với con cái thì cả cha lẫn mẹ đều phải thân thiện. Trong việc nuôi dưỡng giáo dục con cái dĩ nhiên cần phải có cả nghiêm khắc và thân thiện. Tuy nhiên, khi cần phải nghiêm khắc với con cái cũng không cần phải trách mắng con cái với thái độ cứng rắn như đối với người ngoài. Nếu như lời nói và hành động của cha mẹ chính trực (ngay thẳng) và trong sạch không một chút khó coi thì gia đình sẽ như nơi những người bạn thân tụ họp, lúc nào cũng vui vẻ như ngày Tết.

Nguyễn Sơn Hùng, tháng 6/2017


Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Nguồn: Truyện số 7 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Truyện Tiếp Theo” của Fukuzawa Yukichi, 1902, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành








Không có nhận xét nào: