Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 88 : QUY, QUYỀN, QUYỂN, QUỲNH (Đỗ Chiêu Đức)

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 88 :                                       

             QUY, QUYỀN, QUYỂN, QUỲNH

                             
                                            QUY là VỀ

             Chữ QUY 歸 là VỀ, là THEO VỀ; thuộc dạng chữ Hội Ý  trong CHỮ NHO... DỄ HỌC, có diễn tiến chữ viết như sau: 
                               
 
Ta thấy :                                 

        Chữ QUY  gồm có: Bên trái phía trên là bộ Phụ  : là làng xóm chợ búa dựa theo ven sông. Phía dưới là chữ Chỉ  : là dừng lại. Bên phải là chữ Trửu  : là cây chổi. Hàm ý là... Người du tử ngày xưa khi dừng chân trên một làng mạc ven sông nào đó, chợt thấy người đàn bà cầm cây chổi quét nhà, mà chạnh lòng muốn quay trở lại quê nhà, như nhà thơ Thế Lữ đã viết trong bài thơ "Giây Phút Chạnh Lòng"....

                     Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
                     Chiều thu se lạnh gió heo may.
                     Dừng chân trên bến sông xa vắng,
                     Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây !

  nên...

             Chữ QUY 歸 có nghĩa VỀ là vậy. Như :
       - QUY GIA 歸 家  : là Về nhà. QUY CỐ HƯƠNG 歸 故 鄉: là Về quê cũ.
       - VU QUY 于 歸 : là về nhà chồng. Lúc đến để mua Thúy Kiều, sau khi đã "...ngã giá vàng ngoài bốn trăm" rồi thì Mã Giám Sinh mới:

                    Định ngày nạp thái VU QUY,
            Tiền nong đã có việc gì chẳng xong !
                             
                            
       
       - QUY NINH 歸 寧 : là Gái có chồng về nhà thăm cha mẹ ruột, gọi là QUY NINH.  Khi Thúc Sinh vừa lên đường về Lâm Truy với Thúy Kiều thì Hoạn Thư cũng đi về nhà "mét má":

              Gió câu vừa gióng dặm trường,
       Xe hương nàng cũng thuận đường QUY NINH.
             Thưa nhà huyên hết sự tình,
      Nỗi chàng ở bạ c, nỗi mình chịu đen...

        - TỪ QUY 辭 歸 : là Từ biệt quy khứ 辭 別 歸 去, có nghĩa là: Từ biệt để đi về. Trong Truyện Kiều, sau khi chứng kiến Thúy Kiều báo ân báo oán xong xuôi rồi, thì đối với:

              Việc nàng báo phục vừa rồi,
       Giác  Duyên vội vã gởi lời TỪ QUY...

       - QUY PHỤC 歸 服, QUY THUẬN 歸 順 : đều có nghĩa là Ngoan ngoãn mà về theo ai đó... Còn...
      Chữ QUY có Bộ Bạch , bên kia là Chữ Phản : là Ngược lại, QUY  nầy là một dị bản, một cách viết khác của chữ QUY 歸 nêu trên, nếu chiết tự thì có nghĩa: Đang trong chỗ tối, đi ngược lại để trở về với chỗ sáng, đặc biệt là chữ QUY  nầy CHỈ DÙNG TRONG KINH PHẬT chứ không được dùng rộng rãi như chữ QUY  nêu trên. Ta có từ:
       
        -  QUY Y 皈 依 : là Về để nương tựa theo, là Dốc lòng về với... Hiểu rộng ra là Bỏ chỗ tối về với chỗ sáng, Bỏ nơi mê muội mà về nơi bến giác, Vượt qua bể khổ để đến với niết bàn... Ta thường gặp nhóm từ mà cũng là thành ngữ: 

         * QUY Y TAM BẢO 皈 依 三 寶 : tức là "Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng 歸 依 佛,歸 依 法,歸 依 僧". Đây là những từ chuyên dùng của đạo Phật, mà đã là từ chuyên dùng của Phật giáo thì phải tìm hiểu nguồn gốc của các từ nầy trong kinh Phật bằng tiếng PHẠN, chữ Hán cổ chẳng qua cũng là văn tự dùng để dịch kinh Phật mà thôi. Ví dụ : Nước ITALI, người Hoa nhại bằng âm Quan Thoại là 意 大 利, ta dịch lại âm nhại của người Hoa là Ý Đại Lợi, rồi gọi tắt là nước Ý, nên ITALI và Ý Đại Lợi về mặt ý nghĩa không có ăn nhằm gì với nhau cả, chỉ là nhại âm cho có tên để gọi mà thôi. Tương tự, ta có CANADA 加 拿 大 là Gia Nã Đại, AMERICA 亞 美 利 加 là Á Mỹ Lợi Gia, là nước Mỹ...v.v....  
 
                                                                                                   
         Sự thật, TAM QUY Y tiếng Phạn là "Tisarana", "Ti" là Tam, và "sarana" là Nơi Phù hộ che chở, ý muốn nói là do Phật Pháp Tăng ba ngôi hình thành nơi che chở phù hộ cho những ai theo về. Trong chương thứ 14 của kinh "A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận 阿 毘 達 磨 俱 舍 論" thì giải thích:
         QUY Y là "Saranam gacchami". Gacchami là động từ chỉ sự thẳng tiến, đến nơi, và Saranam là Danh từ chỉ sự che chở phù hộ. Như vậy, thì QUY Y là "Thẳng tiến đến nơi mà ta sẽ được sự che chở và phù hộ", nói cách khác là "Về với Phật Pháp Tăng để hưởng được sự phù hộ và che chở". Cũng theo Kinh trên,  Saranam gacchami  còn có nghĩa Cứu tế và Nương tựa, nên mới được các nhà dịch thuât Trung Hoa dịch là QUY Y 歸 依, có nghĩa là "Tìm về để nương tựa". 
                               
               

          Trong Truyện Kiều, khi Hoạn Thư biết ý Thúy Kiều "Rắp đem mệnh bạc nương nhờ cửa Không" thì cũng đã "Hương hoa, ngũ cúng, sắm sanh lễ thường" rồi mới:

               Đưa nàng đến trước Phật đường,
         TAM QUY, ngũ giới, cho nàng xuất gia.

        Còn trong sử thi "Thiên Nam Ngữ Lục" thì QUY Y có nghĩa là "Đi Tu":

              Sa môn thế phát QUY Y,
      Về trong ẩn họa ai thì kẻ hay ?
      
        QUY 龜 còn là con Rùa. Người xưa cho rằng loài rùa có tuổi thọ trên một ngàn năm, nên dùng từ QUY LINH 龜 齡 là "Tuổi của con rùa" để chỉ tuổi thọ và sống lâu, như trong thơ của Chiêu Lỳ Phạm Thái:

             Đã ngoài sáu dật QUY LINH,
     Phương đông lại rạng tiểu tinh một nàng.                

      Ngoài việc sống dai, Rùa còn được cho là có tính đa dâm, gọi là QUY DÂM là "Dâm dục như loài rùa". Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Trinh Thử, khi Chuột Bạch khuyên Chuột Đực có câu:

           QUY DÂM ghi lại còn gương,
      Tụng kinh giới sắc sao chàng chẳng răn ?
                
                           
    
Còn từ...
        QUYỀN 權, ngoài nghĩa QUYỀN UY 權 威 ra, còn có nghĩa là QUYỀN BIẾN 權 變.  QUYỀN BIẾN tức là biết linh động để ứng phó những tình huống thay đổi trước mắt, chớ không hành sự cứng ngắt. Có nghĩa là phải biết tùy cơ mà ứng biến.  NGỘ BIẾN 遇 變 phải biết TÒNG QUYỀN 從 權, như khi gặp cơn gia biến nên Thúy Kiều mới quyết định bán mình để chuộc tội cho cha và em trai, để...

               Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
       Trong khi NGỘ BIẾN TÒNG QUYỀN biết sao?

          Khác với KINH 經 là KINH THƯỜNG 經 常 là những nguyên tắc mẫu mực theo lẽ thường tình, nên CHẤP KINH 執 經 là giữ nguyên tác một cách cứng ngắt, không biết linh động. Ví dụ: như lễ tiết của Nho gia là "Nam nữ Thọ thọ bất thân 男 女 授 受 不 親", có nghĩa: Con trai con gái đưa và nhận không được chạm vào tay nhau (Sợ sẽ phát sinh dục niệm); Nhưng khi thấy cô gái nào đó té xuống sông sắp chết đuối thì vẫn phải nhảy xuống cứu vớt và ôm cô ta lên như thường, chớ không lẽ nói không dám chạm vào người rồi để cho cô ta chết đuối hay sao?! Sự linh động đó gọi là "Biết KINH Biết QUYỀN", nói cho gọn là KINH QUYỀN, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh Nữ Tú Tài có câu:

                  Ruột tằm bối rối nào yên,
          Bồi hồi chưa định KINH QUYỀN làm sao ?!

      Cũng có thể nói thành QUYỀN KINH, như khi Kim Trọng phân bua với Thúy Kiều về "chữ Trinh" của người phụ nữ khi Kim Kiều tái hợp:

               Xưa nay trong đạo đàn bà,
        Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường,
               Có khi BIẾN có khi THƯỜNG,
       Có QUYỀN nào phải một đường CHẤP KINH.
              Như nàng lấy hiếu làm trinh,
       Bụi nào cho đục được mình ấy vay ?
                    
                          

        Về thành ngữ "QUYỂN THỔ TRÙNG LAI 卷 土 重 來" có nghĩa là: Cuốn đất mà trở lại (với khí thế mới mẻ và mạnh bạo hơn) như ý của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt "Đề Ô Giang Đình 題 烏 江 亭" của Đỗ Mục đời Đường khi đến bến Ô Giang nơi mà Hạng Võ Sở Bá Vương đã tự sát:

 勝 敗 兵 家 事 不 期,     Thắng bại binh gia sự bất kỳ,
 包 羞 忍 恥 是 男 兒.       Bao tu nhẫn sĩ thị nam nhi.
 江 東 子 弟 多 才 俊,    Giang Đông tử đệ đa tài tuấn,
 捲 土 重 來 未 可 知。     Quyển thổ trùng lai vị khả tri !
Có nghĩa :
                   Thắng bại chuyện binh ai biết trước ,
                   Làm trai nhịn nhục cứ dửng dưng.
                   Giang Đông tuấn kiệt còn đầy rẫy,
                   Cuốn đất làm nên chửa biết chừng !

       Ý của Đỗ Mục là: Nếu như Hạng Võ cố chịu nhục mà về Giang Đông chiêu mộ thêm anh tài còn đầy rẫy nơi đó mà phất cờ đánh lại Lưu Bang, thì chưa biết chừng đã làm nên cơ nghiệp lớn! Trong văn học cổ thường dùng thành ngữ nầy để ngụ ý khôi phục lại, chấn hưng lại việc đã hỏng, đã thất bại; như trong bài "Phú Thi Hỏng Năm Canh Tý" của Trần Tế Xương có câu:

      Nghĩ đến chữ "lương nhân đắc ý", thêm nỗi thẹn thùng,
     Ngẫm đến câu "quyển thổ trùng lai", nói ra ngập ngọng.
                           
                            
             
      Trong văn học cổ, hễ nhắc đến chữ QUỲNH là người ta nghĩ ngay đến QUỲNH DAO 瓊 瑤, QUỲNH TƯƠNG 瓊 漿.
     - QUỲNH DAO 瓊 瑤 là một loại đá qúy, được tôn xưng là ngọc Quỳnh ngọc Dao, có cành nhánh như là một loại san hô trên cạn, mà cụ Nguyễn Du đã dùng để tả cái dáng vẻ trong sáng thanh thoát của Kim Trọng:

                  Hài văn lần bước dặm xanh,
           Một vùng như thể cây QUỲNH cành DAO.

  Còn trong truyện thơ Nôm "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ" cũng có câu:

                Hoa tưới long lanh rèm bích ngọc,
                Hương đưa sực nức gác QUỲNH DAO.

    - QUỲNH TƯƠNG 瓊 漿 là thứ dung dịch được chế tác bằng ngọc Quỳnh; đúng hơn là một loại rượu có màu sắc lóng lánh như ngọc, được ngâm ủ bằng các loại trái cây qua qủa, như rượu cocktail của ta ngày nay vậy; Nhưng ngày xưa đó là rượu quý của tiên uống và theo truyền thuyết Trung Hoa người thường uống vào có thể thành tiên được. Lần đầu tiên trong đêm hẹn ước Thúy Kiều và Kim Trọng đã uống loại rượu nầy:

                  Chén hà sánh giọng QUỲNH TƯƠNG,
           Giải là hương lộn, bình gương bóng lồng !

         Thiếu chút nữa thì cả hai đều "lên tiên" cả rồi! Nhưng rồi mười lăm năm sau, khi Kim Kiều tái hợp, ta thấy lại cảnh:

                Thoắt thôi tay lại cầm tay,
          Càng yêu vì nết càng say vì tình.
               Thêm nến giá, nối hương bình,
         Cùng nhau lại chuốc chén QUỲNH giao hoan.
         
                   

        Mong rằng tất cả những người hữu tình trong thiên hạ kết cuộc đều được vui vẻ đoàn tụ viên mãn như là Kim Trọng và Thúy Kiều vậy. Mong lắm thay!

        Hẹn bài viết tới ! 

                                                                                                                                                                          杜 紹 德
                                                     Đỗ Chiêu Đức





Không có nhận xét nào: