Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

Tại Sao Người Nhật Có Rất Nhiều Họ - Nguyễn Sơn Hùng

 Tại Sao Người Nhật Có Rất Nhiều Họ

                                      Nguyễn Sơn Hùng

1. Số họ của người Nhật

Dân số của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Đại Hàn vào năm 2020 lần lượt là 1,439 triệu, 126 triệu, 97 triệu, và 51 triệu người. Trong khi đó số họ, family name trong tiếng Anh và 名 字 (myoji) trong tiếng Nhật, của người dân trong các quốc gia nói trên lần lượt là khoảng 5 ngàn, 200 ngàn, 1 ngàn (số họ của người Kinh chỉ khoảng 165), và 300 họ. Số họ của Nhật Bản nhiều hơn Trung Quốc 40 lần, Việt Nam 200 lần và Đại Hàn 900 lần.

Họ Kim của Đại Hàn chiếm 20% dân số, và nếu thêm 2 họ Lý và họ Phác chiếm khoảng 50 % dân số. Ba họ đứng đầu của Trung Quốc là Vương, Lý và Trương đều chiếm khoảng 7% dân số nên cộng lại khoảng 21%. Ba họ đứng đầu của Việt Nam là Nguyễn (khoảng 38%), Trần khoảng 21 %, Lê khoảng 9%, tổng cộng khoảng 68 % dân số. Trong tổng số 3 họ đứng đầu của Nhật Bản TakahashiSuzuki và Satô chiếm không đến 1%.

   Từ số liệu trên chúng ta có thể thấy Nhật Bản là một trong những quốc gia đặc biệt có rất nhiều họ trên thế giới. Ở đây người viết xin được giới thiệu sơ lược quá trình lịch sử thành lập và biến đổi về họ ở Nhật Bản để quý độc giả có thể thấy lý do tại sao quốc gia này có rất nhiều họ và qua đó hiểu được một vài đặc điểm của dân tộc này. 

2.Trước thời Nara (~710)

Vào thời cổ đại Nhật Bản đã có chế độ thị tínhThị 氏 (uji) để chỉ huyết thống của một tập đoàn con người có cùng dòng máu của tổ tiên. Có các thị tộc nổi tiếng như Trung Thần 中 臣 (Nakatomi) giỏi về việc cúng thần tế lễ; thị tộc Thổ Sư 土 師 (Haji) giỏi về việc xây cất mộ; thị tộc Vật Bộ 物 部 (Monobe), Đại Bạn 大 伴 (Ômoto) nổi tiếng về việc quân sự và hình phạt.

Tính 姓 (kabane) là danh hiệu đượcThiên Hoàng ban phong cho. Vào năm 646 do cải cách Đại Hóa, 8 cấp bậc của tính được đặt ra: Chân Nhân 真 人(Mahito), Triều Thần 朝 臣 (Ason) , Túc Nỉ  宿 禰 (Sukune), Kị Thốn 忌 寸 (Imiki) , Đạo Sư 道 師 (Michinoshi) , Thần 臣 (Omi), Liên 連 (Muraji), Đạo Trí 稲 置 (Inagi). 

3.Thời đại Heian (794~1185)

Vào thời đại này các trọng thần hầu hết do 4 thị tộc:   Nguyên 源 (Minamoto), Bình 平 (Taira, Hei), Đằng Nguyên 藤 原 (Fujiwara), và Quất 橘 (Tachibana) đảm nhiệm. Thị tộc   Nguyên và Bình xuất thân từ huyết thống Thiên Hoàng. Thị tộc Đằng Nguyên có nhiều người làm Hoàng Hậu. Bởi vì Thiên Hoàng ban phong hoặc nâng cấp cho những người có công với triều đình nên bốn thị tộc này đều có tính là Triều Thần nên chế độ phân biệt thân phận, địa vị bằng tính không còn giá trị trên thực tế.

   Trong 4 thị tộc trên, thị tộc Fujiwara là có thế lực to lớn và đông người nhất. Do đó vào cuối thời Heian, danh tự (họ) 名 字 (myoji) được dùng để phân biệt gia tộc trong thị tộc. Một người cha có nhiều con trai có cùng thị nhưng lập gia đình ra ở riêng, nơi trú ngụ khác nhau và theo nghề nghiệp khác nhau. Thị tộc Fujiwara có rất nhiều người, nhiều gia đình nên sinh ra nhu cầu dùng họ để phân biệt giữa các gia đình (gia tộc) trong cùng thị tộc. 

4. Họ của quý tộc

Quý tộc Fujiwara lấy tên địa danh của nơi cư trú trong kinh đô Kyoto làm họ cho các gia tộc. Nhất Điều 一 条 (Ichijô) , Nhị Điều  二  条 (Nijô)… Cửu Điều 九  条 (Kujô), Ưng Ti  鷹 司(Katatsuka), Cận Vệ 近  衛 (Konoe) là các gia tộc đều thuộc thị tộc Fujiwara.

Các thị tộc như MinamotoTaira và Tachibana cũng có khuynh hướng tương tự. Như vậy vào thời kỳ này họ gồm có hai loại: loại họ giữ nguyên tên của thị tộc và loại họ mới lấy từ tên địa danh cư trú sinh sống. 

5. Họ của võ sĩ (samurai)

Trong thành phần quý tộc cũng có người trở thành võ sĩ để hành nghề bảo vệ an ninh cho các quý tộc hoặc đi địa phương để khai thác đất đai mới lập nghiệp. Thành phần này thường lấy tên thị tộc của tổ tiên hoặc tên nơi sinh sống lập nghiệp làm họ.

Trước thời Nam Bắc Triều (1337~1392), gia sản được chia cho các người con nhưng các gia tộc của con thứ phải chịu quản lý của con trưởng hay người con được chỉ định thừa kế. Từ thời Nam Bắc Triều gia sản chỉ truyền lại cho con trưởng hoặc người con được chỉ định thừa kế để tài sản không bị phân tán làm thế lực gia tộc bị suy yếu. Các người con không được kế thừa phải đi đến địa phương khác hay làm con nuôi của các thị tộc để lập sự nghiệp. Các người này sẽ có họ mới không còn giữ họ ban đầu và lập ra một thị tộc mới.

Việc không chia đều tài sản cho con cái để tránh phân tán tài sản đưa đến suy giảm thế lực không những trong giới võ sĩ mà cũng được lan rộng trong giới thương mại.

   Thí dụ vào thời Nam Bắc Triều, thế lực của hai võ sĩ Túc Lợi Tôn Thị 足 利 尊 氏 (Ashikaga Takauji) và Tân Điền Nghĩa Trinh 新 田 義 貞 (Nitta Yoshisada) tranh nhau. Hai người này vốn xuất xứ từ thị tộc Nguyên 源 (Minamoto) nhưng Takauji có lãnh địa tên là Ashikaga nên tên địa danh này trở thành họ của ông. Trường hợp của Yoshisada cũng tương tự. Do đó, ở Nhật Bản người cùng huyết thống cách nhau vài đời tranh đấu nhau là chuyện thông thường. Nếu không thay đổi giữa các thế hệ thì họ Nguyên (Minamoto) có thể tương tự với họ Nguyễn ở Việt Nam và họ Kim ở Đại Hàn.

 Tổ của dòng họ Tân Điền (Nitta) vốn là Nguyên Nghĩa Trọng源 義 重 (Minamoto Yoshishige) có 4 con trai: trưởng nam thành lập thị tộc Lý Kiến 里 見 (Satomi), con thứ hai lập thị tộc Sơn Danh 山 名 (Yamana), con thứ ba kế thừa thị tộc Tân Điền (Nitta), con thứ tư lập thị tộc Đức Xuyên 徳 川 (Tokugawa). Thời Kamukura chủ yếu do thị tộc Nguyên (Minamoto) làm Tướng Quân lập ra mạc phủ Kamakura; thời Muromachi do thị tộc Túc Lợi (Ashikaga) làm Tướng Quân lập ra Mạc Phủ   Muromachi và thời Edo do thị tộc Đức Xuyên (Tokugawa) làm Tướng Quân lập ra mạc phủ Edo. Các Tướng Quân nói trên đều xuất xứ từ thị tộc Nguyên (Minamoto), một thị tộc phát sinh từ huyết thống của Thiên Hoàng Nhật Bản. 

6. Thời đại Kamakura (1185~1333)

Vào thời đại Kamakura giới quý tộc và giới võ sĩ bắt đầu có nhận thức xem họ (myoji) là đặc quyền của hai cấp bậc này, Mạc Phủ ra luật cấm nông dân có họ. 

7. Thời đại Muromachi (1336~1573)

Tuy nhiên vào thời Muromachi nông dân khởi loạn, thời đại hạ khắc thượng bắt đầu, thế lực Mạc Phủ suy yếu và nông dân có ảnh hưởng đến giới võ sĩ nên giới võ sĩ bắt đầu cho cho nông dân theo họ của mình. Luật cấm nông dân có họ của Mạc Phủ trở nên thất bại.  

8. Thời đại Azuchimomoyama (1573~1603)

Võ sĩ Toyotomi Hideyoshi thống nhất Nhật Bản bắt đầu chính sách phân chia thân phận giữa võ sĩ và nông dân. Họ (myoji) lại được xem như đặc quyền của giới thống trị và nông dân dần dần tự ý thức hạn chế việc dùng họ.  

9. Thời đại Edo (1603~1868)

Vào thời Edo, họ (myoji) được dùng như chứng minh thân phận. Năm 1801 lệnh cấm thứ dân có họ và mang đao được ban hành. Họ được xem là đặc quyền của cấp bậc võ sĩ trở lên và một số thứ dân như võ sĩ trở thành nông dân hoặc các thương gia có thương hiệu.

Trên sổ sách hành chính nhà nước thứ dân không có họ nhưng trên sổ sách tư nhân họ có thể được dùng. Do đó, cho đến thời Edo người thường dân Nhật Bản không có họ trên phương diện công cộng chính thức nhưng có thể có họ ở mặt tư nhân. Số họ của giai cấp võ sĩ trở lên trong thời đại này khoảng 10 ngàn. 

10. Thời Meiji (1868~1912)

Ngày 19 tháng 9 năm 1870 (Minh Trị năm thứ 3) lệnh thường dân được phép có họ được ban hành. Tuy nhiên thường dân e ngại có họ sẽ phải đóng thuế nên ít người chịu đăng ký.

Năm 1871 luật Hộ Tịch được ban hành. Cùng năm chính phủ ra luật phế bỏ dùng tính (kabane), chỉ được dùng họ và tên thật.

Năm 1872 luật cấm dùng nhiều tên được ban hành, nghĩa là chỉ được dùng một thứ tên, tên thường gọi (tự 字 (azana)) hoặc tên thật (húy 諱 (imina)).

Thời xưa tên họ đầy đủ được viết như sau cho cho trường hợp 織 田 信 長: 平 朝 臣 織 田 三 郎 信 長, nghĩa là gồm có thị (平 Taira no) )- tính (朝 臣 Ason)- họ 織 田 (Oda) – tự (三 郎 Saburô)) )- húy (信長 Nobunaga).

Cùng năm ban hành luật cấm đổi họ đã đăng ký để tránh việc đổi họ dễ dàng.

Ngày 13 tháng 5 năm 1875 chính phủ ra luật bắt buộc phải sử dụng họ vì việc đăng ký họ không được phổ cập tốt. Để giúp người không biết đặt họ, chính phủ đưa ra một số họ để có thể chọn.

Các cách sử dụng họ sau đây đã được sử dụng:

  • Dùng họ đã được cho phép từ thời Edo.
  • Dùng họ đã có trước thời Edo nhưng đã không sử dụng chính thức.
  • Dùng họ của các nhân vật quan trọng trong thôn.
  • Tự mình đặt ra.

  Các cách đặt họ mới được dùng như sau:

  • Lấy từ tên địa danh.
  • Lấy từ địa hình hoặc phong cảnh.
  • Lấy từ phương hướng hay vị trí.
  • Lấy từ nghề nghiệp.

Năm 1898 luật vợ chồng phải cùng họ được ban hành.

Lời kết

  Lược qua quá trình lịch sử thành lập họ ở Nhật Bản chúng ta có thể thấy vài đặc điểm như sau: 

1. Trước thời Minh Trị, họ được xem là một cách để phân biệt thân phận, giai cấp xã hội, và giai cấp thống trị xem như một đặc quyền của họ. 

2. Sau thời Nam Bắc Triều người Nhật có khuynh hướng không phân chia đều tài sản cho các con để tránh suy yếu thế lực cả trong giới võ sĩ và thương gia. 

3. Họ có mối quan hệ mật thiết với nơi sinh sống. Do đó người Nhật Bản dùng từ nhất sở huyền mệnh 一 所 懸 命 (isshokenmei), nghĩa là dồn hết sức lực sinh mạng của mình vào một địa điểm, một địa phương để diễn tả tư thế nỗ lực cố gắng. Ngày nay “một địa điểm” không còn thích hợp nên người Nhật đổi 所 (sho) thành 生 (shô) nghĩa là gắng sức cả đời. 

4. Ngày xưa người Nhật Bản có khuynh hướng tạo lập cho dòng dõi (thị tộc) mới có sắc thái khác hoặc tốt hơn dòng dõi (thị tộc) của đời trước để xứng đáng với việc lập ra những gia tộc mới hoặc thị tộc mới.  

5. Ngày xưa do cách ghi chép tên họ phức tạp bao gồm cả thị, tính, họ, tự và húy và tích cực ghi chép gia phả nên người Nhật Bản biết được nguồn gốc huyết thống của mình.


Nguyễn Sơn Hùng, 21/1/2022

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Tài liệu tham khảo

1.Trang web của công ty Kaju (tiếng Nhật): https://ka-ju.co.jp/column/myo

2.Kasaya Kazuhiko: Tinh Thần Sử của Võ Sĩ Đạo 武 士 道 の 精 神 史 (nội dung: sơ lược về diễn biến lịch sử của tinh thần võ sĩ đạo) (tiếng Nhật), Chikumashobo, 2017





Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Tài liệu tham khảo

  1. Trang web của công ty Kaju (tiếng Nhật): https://ka-ju.co.jp/column/myoji
  1. Kasaya Kazuhiko: Tinh Thần Sử của Võ Sĩ Đạo 武 士 道 の 精 神 史 (nội dung: sơ lược về diễn biến lịch sử của tinh thần võ sĩ đạo) (tiếng Nhật), Chikumashobo, 2017


 2. Kasaya Kazuhiko: Tinh Thần Sử của Võ Sĩ Đạo 武 士 道 の 精 神 史 (nội dung: sơ lược về diễn biến lịch sử của tinh thần võ sĩ đạo) (tiếng Nhật), Chikumashobo, 2017










Không có nhận xét nào: