Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 52 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

           Chữ Nghĩa Làng Văn 52

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Vày

Vày : vò trong tay

(vày )

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xẻ: xẻ cơm nhường áo”

Viết đúng phải là “Sẻ cơm nhường áo”. Vì “sẻ” đây là “sẻ” trong “san sẻ”, “chia sẻ”.

(Hòang Tuấn Công)

 


Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó

Chừ: bây giờ

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xỉ: xỉ mắng; xỉ nhục”

Viết đúng phải là “sỉ mắng”, “sỈ nhục” 恥 辱, vì “sỈ” 恥 là yếu tố gốc Hán, có nghĩa là làm cho nhục nhã.

(Hòang Tuấn Công)

 


Thành ngữ tục ngữ

Nói rắn (*) trong lỗ bò ra 

(rắn không có… tai) (*)

Nói con kiến trong lỗ cũng phải bò ra 

Khen người có tài ăn nói 

(Nguyễn Dư)


Phù dung, phù du

Phù dung là một loại cây sống trong nước. 

Lá to, hoa đỏ, trắng hay vàng.

(Lý Bạch, Vương Xương Linh cho "phù dung" là một loài sen)


Phù du là tiếng Hán, tiếng Việt là con vờ hay con vờ vờ

Một thứ côn trùng ban ngày bay ở trên mặt nước, tối hay bay ở gần bóng đèn và mau chết. 


Phù là nổi lên mặt nước, còn có nghĩa khác là hư không.

Phù dungphù du chỉ đời sống ngắn ngủi, vô thường.



Thơ yết hậu

Thể thơ gọi là "yết hậu" là thứ thơ đường luật biến thể, gồm bốn câu: ba câu đầu có bảy chữ, câu cuối chỉ có một chữ mà thôi..

 

Thí dụ với Phạm Thái
Sống ở dương gian đánh chén nhè
Chết về âm phủ cắp kè kè
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó
"Be"
 

(be rượu)

 


Chữ nghĩa xưa cũ

Cây dừa tiếng Bắc thời vua Lê chúa Trịnh gọi là “cây da”. 

Thời chúa Nguyễn, theo chân những người di dân vào miền Nam khai phá đất hoang vẫn là cây dừa. 

Phương ngữ Vĩnh Long gọi là cây gừa, Ba Tri gọi là cây già.

 


Chữ nghĩa làng văn

Ở Hà Đông có làng Kẻ Noi tiếng Nôm, Cổ Nhuế là tiếng Hán, tục truyền rằng:

Vào thời Lý, Đông Chinh Vương đi đánh giặc ghé qua làng được tiếp đón nồng hậu. Trước khi ra trận, già làng hỏi nếu Vương “bãi sa tràng thịt nát xương tan” hãy cho làng lập đền thờ. Vương không thuận, vì thấy đất đai làng là vùng đầm lầy không canh tác được, dân làng phải đi lấy phân về ủ cho hoai để bón ruộng vườn.


Từ đầm lầy “lội ngòi noi nước”, “noi” “lần theo” vì vậy có tên Kẻ Noi. Từ gánh phân, dân gian có câu  “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế” để nói về nghề này.



Tác phẩm của Tự Lực Văn Đòan

Hoàng Đạo:

Tiểu Luận: Bùn Lầy Nước Đọng (1936), Mười Điều Tâm Niệm (1939).

Phóng Sự: Trước Vành Móng Ngựa (1938).

Truyện Dài: Con Đường Sáng (1940)

Truyện Ngắn: Tiếng Đàn (1941).

Loại Sách Hồng: Con Cá Thần, Lan và Huệ, Con Chim Di Sừng, Sơn Tinh, Lên Cung Trăng.

(Tự Lực Văn Đoàn chữ văn quốc ngữ - Trần Bích San)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Khi xưa vác bút theo thầy
Bây giờ em lại vác cày theo trâu

 

164 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Trí nhớ của chú Đinh Hùng mới thật đáng nhớ. Trong hồi ký về những kỷ niệm “chia ngọt sẻ bùi cùng Thạch Lam” chú tả quang cảnh nơi tôi đang đối diện này bẩy mươi năm trước như sau:

Tuy là nhà tranh nhưng ngăn nắp sáng sủa, có đủ cửa kính  cửa chớp, có thềm cao, một khoảng sân nhỏ mấp mé ngay bờ hồ, với cây liễu rũ cành lá xuống nước và khóm tre xào xạc ngoài cổng.”

Tôi đã ngủ nhiều đêm dưới mái nhà ấy, và canh khuya, khi cái tiếng vọng mơ hồ của thành phố xa xa lắng dần vào không khí óng ả của vùng hồ nước mát rượi, nằm nghe sóng vỗ vào bờ thao thức, nghe hơi thở uyển chuyển của gió lùa qua khóm tre, tôi cảm thấy những thời khắc đó thật đáng quý, khung cảnh thật dịu lành mà quyến rũ, và tôi thấm thía tại sao Thạch Lam không muốn đổi ngôi nhà tranh của anh lấy bất cứ một lâu đài dinh thự nào...


Những người bạn văn nghệ mà tôi thường gặp ở nhà Thạch Lam dạo đó là: Nhất Linh, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ, Nguyễn Tường Bách, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, đôi khi Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, và một lần, Nguyễn Tuân, một lần Nguyễn Đỗ Cung...
Tất cả những người kể trên đều đã có lần tụ họp tại nhà Thạch Lam, thường thường quanh mâm rượu, thỉnh thoảng quanh chiếu tổ tôm hay cạnh khay trà. Ở địa vị chủ nhân tác giả Hà Nội băm sáu phố phường thực đã xứng đáng với cái danh ‘hào sĩ’ mà chúng tôi tặng anh. Tôi không bao giờ quên được bữa rượu đầu tiên có mặt Nhất Linh, Thế Lữ, Huyền Kiêu, Thạch Lam...”

(Thạch Lam - Nguyễn Tường Thiết)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ăn trông nồi, ngồi trông người bên cạnh

 

Văn bút, nhân sự và sự kiện

Điều đáng chú ý là theo danh sách, ta không thấy có tên nhà văn Nhất Linh, một tên tuổi lão thành mà nhiều người vẫn thường nghĩ ông là một trong những vị đứng ra sáng lập tổ chức Văn Bút.

Tuy nhiên nếu so sánh ngày tháng và nơi cư trú của Nhất Linh ngày ấy thì ta thấy:

- Ông từ Hương Cảng trở về Hà Nội khoảng cuối năm 1950 

- Đầu tháng 4 năm 1951, ông dời Hà Nội vào Nam.

- Năm 1954, khoảng tháng 7, ông qua Pháp để chữa bệnh. Thời gian này gia đình ông cũng di cư vào Nam sau Hiệp định Genève, và cư ngụ ở khu chợ An Đông, Sài Gòn.

- Năm 1955, ông lên Đà Lạt với quyết định ở luôn trên ấy.

- Năm 1957 ông mua lô đất ở ven quốc lộ 20 Sài Gòn – Đà Lạt, ở phía nam của làng Fim-Nôm và dự tính xây một căn nhà cho chính ông. Thời gian này ông sáng tác tác phẩm Xóm Cầu Mới.

- Năm 1958, sau một cơn bão phá sập căn nhà ông đang cư ngụ nên dời về Sài Gòn để từ đó bắt đầu chuẩn bị cho tờ giai phẩm Văn hóa Ngày nay với số đầu ra mắt vào ngày 17-6-1958.


Như thế, khi các văn nghệ sĩ chuẩn bị thành lập nhóm Bút Việt từ năm 1957, nhà văn Nhất Linh đã không có mặt ở Sài Gòn. Mãi tới tháng 12-1957, nhóm mới mời ông làm cố vấn và hội viên danh dự. Tới niên khóa 1961-1962, ông được bầu làm chủ tịch Văn Bút với hai vị phó thủ tịch là LM. Thanh Lãng và Vi Huyền Đắc.

(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Qua đình ngả nón trông đình.
Nhìn anh ăn mặc thùng thình thấy ghê.

 

Linh mục Thanh Lãng

Tên thật là Đinh Xuân Nguyên, sinh ngày 23-12-1924 tại Tam Tổng, Nga Sơn, Thanh Hóa. Thuở nhỏ ông học ở trường làng, 12 tuổi thi vào Tiểu Chủng Viện Ba Làng. Năm 1945, ông thi đậu Tú Tài, đi giúp xứ đạo. Đến 1947, học triết trong hai năm tại Đại Chủng Viện Xuân Bích (Hà Nội). Năm 1949, được cử sang học tại Trường truyền giáo Roma (Ý) và được thụ phong linh mục ngày 20-12-1953.

Sao đó, ông theo học văn chương và đỗ tiến sĩ tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ. Năm 1957 về nước, ông được bổ nhiệm giảng dạy tại Đại học Văn khoa HuếĐại học Văn khoa Sài Gòn từ năm 1957 đến 1975. Ngày 17-12-1978, ông qua đời tại Sài Gòn, sau một thời gian ngắn lâm bệnh.

 

Những năm 1958 - 1975, là thời kỳ ông chuyên tâm nhất trong lãnh vực văn chương. Ông là Chủ Biên của các tạp chí như: Việt tiến, Trách nhiệm, Nghiên cứu văn học, Tin sách... và viết bài cho nhiều báo khác. Đa phần, bài viết của ông xoay quanh các vấn đề: lịch sử phát triển chữ Quốc ngữ, văn chương Quốc ngữ, giáo trình văn chương, một số bài viết về các tác giả: Nguyễn Du, Nhất LinhPhạm QuỳnhNguyễn Văn Vĩnh... Để bài viết thêm chất lượng, ông học thêm tiếng Bồ Đào Nhachữ Nôm.

 

Đã xuất bản:

Khởi Thảo Văn Học Sử Việt Nam: Văn chương Bình Dân (Hà Nội), Biểu Nhất Lãm Văn Học Cận Đại Việt Nam (Sài Gòn)

Đóng góp của Pháp trong văn học VN (Luận án Tiến sĩ, 1961)

Thử suy nghĩ về về văn hóa dân tộc (Sài Gòn, 1967)

Bảng lược đồ văn học Việt Nam (2 tập, Sài Gòn, 1967)[2]

Văn học Việt Nam: Đối kháng Trung Hoa (Sài Gòn, 1969)

Phê bình văn học thế hệ 1932 (2 quyển, Sài Gòn, 1972)

Tự điển Việt-La-Bồ (dịch với Hoàng Xuân Việt và Linh mục Đỗ Quang Chính, 1991) -13 năm tranh luận văn học (3 tập, 1995)

(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)


Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Phi công trẻ lái máy bay bà già


Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam

Nói về ảnh hưởng, tôi cho rằng văn học miền Nam chịu ảnh hưởng của bảy thứ sau đây: văn học tiền chiến, chủ nghĩa hiện sinh, phong trào tiểu thuyết mới, chủ nghĩa siêu thực, phân tâm học, thiền và triết học Đông phương. Các khuynh hướng ấy có khi bộc lộ rõ ràng, có khi kín đáo, các tác giả có khi ý thức, có khi không ý thức về chúng. Nhiều người xem ảnh hưởng của văn học tiền chiến lãng mạn như Thơ Mới hay Tự Lực Văn Đoàn lên các thế hệ sau là quá trình tự nhiên. 


Nhưng thật ra ở ngoài Bắc trong cùng thời gian đó, các tác phẩm này không được lưu hànhkhông được giảng dạy trong nhà trường, vì vậy khó có thể nói là hầu hết các nhà văn miền Bắc sau này, mà người ta gọi là thế hệ chống Mỹ, đã chịu tác động mạnh mẽ của chúng. Những tác giả này chịu ảnh hưởng của dòng văn học cách mạng và kháng chiến, như tôi có đề cập ở trên. 

Xin nêu một ví dụ. Về hình thức thơ ca, miền Bắc sử dụng rất nhiều và rất tài hoa thể thơ tự do, trong khi cùng thời gian, bất kể những thành tựu lớn, và trừ một vài ngoại lệ, miền Nam chủ yếu vẫn đứng lại ở các thể thơ truyền thống. Điều này cần được xem xét dưới góc độ tác động của các nền thơ đi trước nó. Miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của thơ văn lãng mạn tiền chiến, đặc biệt là Thơ mới, trong khi miền Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của thơ văn kháng chiến chống Pháp và dòng văn học cách mạng. 


Sự giới thiệu và tiếp nhận ảnh hưởng cũng như phát triển của bảy khuynh hướng vừa nói trên đều do công lao to lớn của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, hay dịch giả, ví dụ Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Văn Trung, Tam Ích, Trần Thái Đỉnh, Nhất Hạnh, Kim Định, Trần Văn Toàn, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Lê Huy Oanh, Đặng Tiến, Huỳnh Phan Anh và nhiều người khác. Đặc biệt những cuốn như Thơ Đường của Trần Trọng Kim, Đại Cương Văn Học Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, Thiền Luận của Suzuki, Tuệ Sỹ và Trúc Thiên dịch, Nhận định của Nguyễn Văn Trung, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện… thời ấy đã ảnh hưởng đến một đứa học sinh trung học là tôi rất nhiều. Báo chí văn học cũng đóng vai trò lớn trong việc phổ biến các tác phẩm mới và các trường phái, quan điểm nghệ thuật. Những tập san tôi đã đọc, hoặc mới, hoặc cũ của các ông anh họ tôi để lại, mà đến nay tôi còn nhớ: Văn hóa Ngày nay, Văn, Sáng tạo, Phổ thông, Bách khoa, Giữ thơm Quê Mẹ, Hương quê, Văn học, Khởi hành, Đối diện, Trình bày, Thái độ, Thời tập, Tư tưởng, Tuổi ngọc. Và những tờ báo của địa phương như Lập trường ở Huế. 

Còn gì nữa không? Chắc là còn, nhưng tôi không thể nào nhớ hết. Văn, Bách khoa, Văn học, Khởi hành, Tuổi ngọc là những món ăn tinh thần hàng ngày. 

(Nguyễn Đức Tùng)


Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Cả đời phấn đấu không bằng… cơ cấu một giây.


Những tên biệt kích cầm bút

Thế rồi mọi việc cũng kết thúc cho đến khi chúng tôi bị bắt rồi quy tội trong vụ án “Tuyên truyền phản cách mạng” mà báo chí nhà nước cộng sản đã gọi anh em chúng tôi là “Những tên biệt kích cầm bút” như sau này…

Trong suốt thời gian mấy năm, từ khi ra tù cải tạo năm 1981 đến ngày cùng bị bắt trong vụ án năm 1984, anh Dương Hùng Cường và tôi gặp nhau rất thường, nhất là sau lúc tôi đã liên lạc lại với anh Trần Tam Tiệp. Thỉnh thoảng chúng tôi bàn luận, trao đổi thoáng qua về bài vở gửi sang cho anh Trần Tam Tiệp cùng vài tin tức của những thân hữu đây đó. Tôi đưa anh đọc mấy bài thơ của tôi như Buổi chiều đi qua Hà nội, Khúc quân ca mới…. 


Phụ họa với bài Nếu chàng Trương Chi đẹp trai của anh và do anh gợi ý, tôi có viết Khi chàng Trương Chi phải ra đi nhưng anh đọc xong nói nhẹ quá, phải cho cái thằng khốn nạn ấy thật bầm dập ê chề lúc ra khỏi cuộc đời Mỵ Nương chứ không thể nhẹ nhàng và êm thắm như tôi đã viết (nội dung bài tôi giả định những chi tiết dựa vào lời nói tiên báo của cụ Ngô Hùng Diễn trước 1975, đại ý cộng sản sẽ vào đến Sàigòn và khi vào dễ dàng thế nào thì khi ra cũng sẽ dễ dàng y như vậy).


(Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tình chỉ đẹp khi tình dang dở .
Cưới nhau về tắt thở càng nhanh.

 


Thương nhớ mười hai

Có nhiều hôm hai anh em đạp xe lang thang qua từng con phố, rồi tạt vào cái hẻm nhỏ khu ngã ba Ông Tạ hay ngã tư Bẩy Hiền và lấy thuốc lá ra hút cùng với những mẩu chuyện vu vơ. Thỉnh thoảng tôi cũng ngồi với anh tại một góc quán cà phê bên đường hay cái quán cóc bình dân xập xệ, chỉ có xị rượu thuốc và đĩa đậu phụng rang, đủ cho hết một hoàng hôn của hai anh em. Nhưng nhiều hơn là vào những buổi chiều tại Thương nhớ mười hai.

Anh Dương Hùng Cường gọi chỗ này theo tên một tác phẩm của bác Vũ Bằng, vì ngẫu nhiên trùng hợp với số nhà của nơi mà bác cũng là một trong những người thường hay ghé đến. Thương nhớ mười hai thực ra chỉ là căn phố mang số 12 đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận, chỗ giáp ranh với đường Trương Minh Giảng.


Đây là nhà ông Lý Hoàng Phong, một nhà văn kỳ cựu và cũng là người chủ trương tạp chí Văn Nghệ những năm 1961-1962 ở Sàigòn.  Phía trước cửa là cái quán cóc của chị Tâm. Khoảng lề đường bầy được bốn năm bộ bàn ghế thấp dưới tàn cây bã đậu. Quán chỉ có tủ thuốc lá lẻ, vài loại nước ngọt chai và quầy dừa tươi nơi góc chân bàn, thêm nữa duy nhất cà phê vợt. Nhưng nơi đây lại là chỗ gặp gỡ của nhiều giới, như các nghệ sĩ và mấy ông nhà văn nhà báo thân quen với anh Dương Hùng Cường.


(Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)



Thành ngữ tục ngữ sai 

Trong “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Cừ không phân biệt được quán ngữ với thành ngữ, tục ngữ, v.v. 

Gắt như mắm tôm: 

mắm tôm để quá kỹ nên có mùi gắt khó chịu, ám chỉ người hay cáu gắt, quát mắng người khác.


Thực ra, mắm tôm “để quá kỹ” hay không quá kỹ đều rất gắt, đặc tính mắm tôm là vừa mặn vừa nồng, ngon mồm nhưng ghét mũi.



Đã có một thời…

Hà Thượng Nhân

Người bạn là thầy mình

Vâng, đấy là điều tôi muốn được trang trải lòng mình về sự “ra đi” của anh Phạm Xuân Ninh, bút hiệu Hà Thượng Nhân. Một người tôi kính trọng như anh mình và cũng là “sếp” của tôi trong một khoảng thời gian ngắn, là bạn đồng ngũ, bạn trong “tù cải tạo”, bạn trong cuộc đời suốt những năm làm báo và viết lách kể cả trong những cuộc chơi “xì còm”, mạt chược nhỏ…

 

Ở đây tôi không gọi là “thi sĩ” Hà Thượng Nhân, tôi chỉ gọi là “anh”, như tôi và các bạn tôi thường gọi. Tôi cũng không kể lể về con người cùng những đức tính của anh, không chỉ dành cho bè bạn mà hầu như cho tất cả những người đã từng giao thiệp với anh. Tôi cũng chưa phải là “tri kỷ” của anh và tình thân chưa bằng những vị khác đồng trang lứa hoặc có nhiều thời gian gần gụi với anh. Anh hơn tôi 11 tuổi (anh sinh năm 1922 , tôi sinh năm 1933), có thể đó là thầy mình. Tự trong đáy sâu trong lòng tôi vẫn mang tình cảm ấy, cho dù bất cứ ở ngoài đời hay sau chấn song sắt. Tôi học được ở anh những điều không có trong sách vở, chỉ có ở trong cuộc sống với bạn bè. Nhìn cách anh sống, anh nói, anh đối nhân xử thế… đó là những điều anh đã dạy cho tôi cho đến hôm nay. Không phải chỉ mình anh mà rất nhiều bạn bè cũng đã dạy cho tôi nhiều điều tương tự như thế. 

Nhưng anh là một trường hợp đặc biệt.


(Tưởng niệm Hà Thượng Nhân – Văn Quang)

 

Đừng tưởng

Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù

(Bùi Giáng)

 

Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Tưởng nhớ nhà thơ Nam kỳ lục tỉnh Trần Tuấn Kiệt

Trần Tuấn Kiệt qua đời vào chiều ngày 8 -10 - 2019, tại Sài Gòn, thọ 80 tuổi. Mồ côi mẹ lúc 8 tuổi nên thuở bé ông sống với bà ngoại tại vùng tản cư ở Đồng Tháp Mười. Năm 1950, lúc 11 tuổi lên Sài Gòn, theo học ở trường Tân Thanh với các giáo sư như Tam Ích, Thiên Giang, Bùi Giáng.



Với năng khiểu bẩm sinh, khởi đầu nghiệp cầm bút, thơ xuất hiện trong giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh. Tam Ích giới thiệu vào làng báo ở Sài Gòn. Từ cuối thập niên 1950 ông đã cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí cho đến Tháng Tư, 1975.

Bút hiệu Sa Giang ghép từ quê nhà Sa Đéc và Nam Kỳ Lục Tỉnh, vùng đất có nhiều dòng sông với Cửu Long Giang. Với thơ ông ký Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, với văn ông ghi Trần Tuấn Kiệt 

(Vương Trùng Dương)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Quân tử đắn đo là quân tử dại

Quân tử… làm đại là quân tử khôn.

 


Đuờng văn ngõ chữ

Nhạc sĩ tài hoa tài thẩm định nhiều loại rượu


Người ta kể nhạc sĩ Văn Cao uống nhiều rượu và thẩm định rất chính xác. Ông thích và thường uống rượu trắng, rượu “cuốc lủi”. Ông uống rượu theo kiểu từ từ, từ khi ngủ dậy đến tận quá trưa. Sau ngủ trưa, ông lại uống tiếp. Một ngày ông dùng đến…1 lít rượu “cuốc lủi”.


Hầu như phố nào có rượu bán, ông đều mua uống. Bởi thế, ông biết vị rượu ở chỗ nào. Một lần, vừa nhấp chén rượu, ông nói ngay: “Cái này ở chỗ cửa rạp Xiếc (phố Trần Nhân Tông), hơi “mỏng”, uống tạm được”. Lần khác, khi vừa nhấp một chút, ông nói luôn: “Cái này men Hà Đông, “gợn” nhưng mà lành”. Hôm khác, vừa uống một ngụm, nhạc sĩ nói nghiêm: “Còn một mẩu, mang từ chỗ cụ Xưởng, ở 127 phố Nguyễn Khuyến về đây. Êm nhưng mà chết người”. Khi uống rượu “bà Béo” ở phố Bà Triệu, ông nói: “Rượu “bà Béo”dễ uống”. Khi uống rượu Tiên Điền, ở phố Nguyễn Du, ông bảo: “Rượu Tiên Điền nồng, dễ gây chuyện!”. Lúc uống rượu Thuỷ Hử, cụ Cả Vạ bán, ở Ngô Sĩ Liên, ông kêu:“ Rượu Thuỷ Hử, nhạt dần theo năm cụ Cả Vạ qui tiên!”. 

Có lần, cùng bạn văn vào Bình Định, quê rượu Bàu Đá nổi tiếng. Nhấp ngụm đầu, Văn Cao đã thốt lên: “Rượu này dày thật!”. 


Thật là, ông “Nhạc sĩ Quốc ca” uống rượu nào là nhận ra vị của rượu ấy ngay một cách chính xác, rồi khái quát chất vị rượu đó bằng lời gọn ghẽ với từ ngữ rất khác biệt.

Dân gian có câu: “Người tài, hay có tật”. Có người thích, có người cười về tật của những người có tật. Thật, khó hiểu và cũng dễ hiểu ý thích, hoặc không thích của người đời với tật của người đời, nhất là tật của những người nổi tiếng, như Văn Cao…

 


Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Kính vợ đắc thọ.


Chân dung hay chân tướng nhà văn?

Trước hết, hãy nghe nhà thơ Xuân Sách tâm sự khi viết tập thơ “Lên chùa” sau đổi thành “Chân dung nhà văn “ :
“Trước đây khi còn là lính ở địa phương, khi tôi được về Hà Nội vào cơ quan văn nghệ quân đội, tôi bắt đầu đi vào cái thế giới mà trước kia tôi mơ ước. Điều tôi nhận ra là, ngoài cái phần tôi hiểu trước đây, thì thế giới nhà văn còn có những chuyện khác. 


Đó là cái mặt đời thường, cái mặt rất chúng sinh, và chúng cũng góp phần quan trọng làm nên các tác phẩm và tính cách nhà văn… Khi tôi đã tìm hiểu được những nhà văn, ngoài những tác phẩm mà tôi thường ngưỡng mộ, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: 

“Sao thế nhỉ, với bề dầy tác phẩm như thế, với vị trí trong lòng người đọc như thế, sao họ còn ham muốn những thứ phù phiếm đến thế... Một chức vụ, một quyền lực, một chuyến đi nước ngoài... Mà đã ham muốn thì phải mưu mẹo, phải dối trá và nhất là phải sợ hãi . Vì vậy chân dung của họ không thể bỏ qua. Hơn nữa, nếu vẽ được chính xác những chân dung đó, thì bộ mặt xã hôi thời đại mà họ đang sống cũng qua đó mà hiện lên”

Nhà thơ Xuân Sách lể tiếp:

“Và thế là tôi đặt bút viết tập thơ “Lên chùa” hàm ý gặp 100 pho tượng tức 100 chân dung ở đó. Tôi đưa bài thơ cho Nguyễn Khải. Anh đọc xong trên mặt có thoáng chút ngạc nhiên và nghiêm nghị chứ không cười như tôi chờ đợi. Anh bỏ bài thơ vào túi chứ. Đến giờ giải lao chúng tôi ra ngồi cạnh gốc cây sấu già, Nguyễn Khải mới đưa bài thơ cho Hồ Phương.

Nguyễn Khải nói như cách sỗ sàng của anh:
- Thằng này (chỉ tôi) ghê quá, không phải trò đùa nữa rồi.


Tôi hơi hoảng, nghĩ rằng đó chỉ là trò chơi chữ thông thường. Sau rồi tôi hiểu ngoài cái nghĩa thông thường, bài thơ còn chạm vào tính cách và đánh giá nhà văn. Mà đánh giá nhà văn có gì quan trọng hơn phong cách, và tác phẩm”. 

(Nhật Tuấn)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Còn thời lên ngựa bắn cung.
Hết thời xuống ngựa lấy thun bắn ruồi


Đuờng văn ngõ chữ

Nhà thơ béo

Hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận cùng đi bình thơ tại một trường cấp III ở Vĩnh Phú. Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu:

– Hôm nay chúng ta rất vinh dự được đón hai nhà thơ lớn của dân tộc.

Nhà thơ Huy Cận liền đứng dậy phát biểu vui:

– Tôi không dám nhận tôi là nhà thơ lớn. Anh Xuân Diệu là nhà thơ… lớn, còn tôi là nhà thơ… béo. 

 

Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Đã không xinh thần kinh còn không ổn  

Đã không đẹp còn hạn hẹp tư duy


Chữ nghiã làng văn

Người ta chỉ biết Nguyễn Công Hoan là một nhà văn có tài, tác giả của rất nhiều truyện ngắn, truyện dài nổi tiếng. Sau này Nguyễn Công Hoan có dịp viết hồi kí. Thể loại khác, bút pháp cũng đổi khác. Viết hồi ký Nguyễn Công Hoan hay dùng lối nói đốp chát thẳng thừng, có lúc quên cả "Tiên học lễ, hậu học văn". 

 

Điển hình là một đoạn viết liên quan đến lịch sử nước ta :

Khải Định là một thằng vô học, chỉ chơi bời. Năm 1919, đã "ngự giá Bắc tuần ". Nó nghĩ ra cách ăn mặc rất ngộ nghĩnh: Vàng từ đầu đến chân. Nón lợp vải vàng, có đính long ly quy phượng bằng vàng. Khăn vàng. Áo màu vàng, thêu kim tuyến, ngắn trên đầu gối. Hai vai đeo ngù quan binh Pháp bằng vàng. Thắt lưng to bản giát vàng. Ghệt đính vàng. Giày tây da vàng, có gài cái sắt thúc ngựa bằng vàng. Tay đeo bốn chiếc nhẫn vàng mặt đá màu lớn. Ra Hà Nội, nó ngồi cùng xe với toàn quyền Sa-rô. Mình cứ tưởng đống rơm, không biết là người.

 

(Tiên học lễ hậu học văn - Nguyễn Dư)



Quốc tử giám 

Sử chép "Năm 1070 xây Văn Miếu, sai Hoàng Thái Tử tới đó học [...] Năm 1076 Lý Nhân Tông lập Quốc tử giám sau lưng Văn miếu làm nơi học tập cho Hoàng Thái Tử". Vì Quốc tử giám xây ngay sau lưng Văn miếu nên sự lẫn lộn Văn Miếu với "Nhà Giám". 

(Nguyễn thị Chân Quỳnh)



Chinh phụ ngâm bị khảo 


Hoàng Xuân Hãn căn cứ vào đâu mà kết luận bản dịch Chinh phụ ngâm hiện lưu hành là của Phan Huy Ích?
Trước hết, ông dựa vào lời đính chính của Phan Huy Chiêm đăng tên báo Nam Phong (số 106, tháng 6, năm 1926), và bản thân ông đã từng tìm tới quê cũ của họ Phan và cũng được các bậc trưởng bối của họ Phan tại đây đọc bản dịch lưu hành và xác nhận là do tổ tiên truyền lại. Tuy nhiên họ không có trong tay bản nôm cổ như ông mong muốn.


Hơn nữa, ông tìm hiểu bút pháp của Đoàn Thị Điểm thì thấy bà là người mẫu mực trong dịch thuật ưa lối dịch sát văn bản hay “áp dịch” trong khi bản Chinh phụ ngâm lưu hành lại theo lối dịch thoát hay “phỏng dịch” là sở trường của Phan Huy Ích.


Ngoài ra, học giả họ Hoàng lại tìm ra được một bản dịch Chinh phụ ngâm cổ có ghi chữ nữ giới và dịch rất cẩn thận vì dịch giả sợ bỏ sót nghĩa nên so với nguyên tác 477 vế thì bản dịch này dài hơn nguyên tác, vì có 496 vế. Ông tin rằng đó chính là dịch pháp của Hồng Hà nữ sĩ.


Trong khi ấy vì dịch thoát nên bản dịch hiện lưu hành ngắn hơn nguyên tác vì chỉ có 408 vế. Điều này chứng tỏ nó phản ánh bút pháp của họ Phan.
Tuy vậy, lập ‎ luận của giáo sư Hãn cũng mới chỉ là một giả thuyết về tác giả dịch phẩm Chinh phụ ngâm hiện lưu hành mà thôi chứ chưa đủ sức thuyết phục mọi người từ bỏ thành kiến nó là tâm huyết của nữ thi hào nổi danh Đoàn Thị Điểm.
 

(Chinh phụ ngâm bị khảo – Hoàng Yến Lưu)



Khoa cử 

Quan trường do Nho phái xuất thân. Khoa cử kén người hỏi về phép trị nước của đạo Nho / đạo Khổng, trọng "Đức" hơn "Tài", lấy Tứ thư [Đại học, Luận ngữ, Trung dung, Mạnh tử], Ngũ kinh [Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Thi, Kinh Thư vả Kinh Xuân thu].


Nước ta bắt đầu có khoa cử từ năm 1075, thời nhà Lý, nhưng lúc đầu tổ chức còn sơ sài, sang thời nhà Trần đã chỉnh đốn, cải tổ có phương pháp, dựa theo khoa cử Trung Quốc với ít nhiều sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh nước ta.

Khoa cử Việt Nam cực thịnh dưới thời Lê Thánh Tông, sang thời Lê Trung Hưng bắt đầu chú trọng vào từ chương mà sao nhãng phần đạo đức chính yếu, hết tin tưởng vảo "đạo Thánh [Khổng]". 

(Nguyễn thị Chân Quỳnh)



Tranh Hàng Trống

Trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu: tranh điệp Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh đỏ Kim Hoàng (Sơn Tây) tranh Hàng Trống là trung tâm làm tranh lớn thứ hai, chỉ sau Đông Hồ. Gọi là tranh Hàng Trống bởi "lò" tranh quy tụ ở phố Hàng Trống, Hà Nội. 

(phố Hàng Trống)


Từ đây "bắt lửa" sang Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt. Dường như thời sầm uất nhất đã xa. Muốn tìm lại tranh Hàng Trống phải đến chốn linh thiêng: đền, miếu, điện thờ, hoặc lục tìm trong các bộ sưu tập của tư nhân và các viện bảo tàng. Bức tranh Ngũ hổ được coi là lớn và hầu như còn giữ được vẻ đẹp thuần khiết của phong cách tranh Hàng Trống, hiện còn ở chùa làng Kim Liên. 


Xưa kia dòng tranh này thuộc tổng Tiêu Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương (nay là quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhưng chủ yếu là ở Hàng Trống (xưa là thôn Tự Tháp). Phường phố này đã từng có tiếng về các ngành nghề thủ công như tranh dân gian, trống tế trống hội, hòm tráp sơn ta, hàng thêu, quạt, nón, cờ phướn, võng lọng v.v, sầm uất quanh năm.

 

Chửi mất gà - 1

Tiên sư nhà mày, mày tưởng ngày nào mày cũng rình mò “tiệm cận” hàng rào nhà bà là bà không biết đấy à? Bà là bà “giả thiết” mày ăn cắp hơn hai chục con gà nhà bà, mày về mày vỗ béo để nhồi “đường cong” cho con vợ mày, à… à… mày vẽ nữa đi, mày tô nữa đi. Mày tô, mày vẽ, mày nhồi cho đến khi “đường cong” của con vợ mày nó nứt toác, nó gẫy khúc ra, chọc xiên chọc xẹo đi, rồi đi lên đi xuống nữa vào, rồi có ngày con vợ mày sẽ hạ “vuông góc” một mạch thẳng xuống “góc tù..ù ù ù…

 

“Văn hóa” chửi tục ngày nay 

Ngày nay? Nhớ lại một câu chuyện vui của người Hà Nội:

"Hai nhà giáo trò chuyện, bàn về vấn đề giáo dục tuổi trẻ.

Một ông than:

- Hôm nọ đi hóng mát Bờ Hồ, tôi được nghe hai cô nói chuyện: "Đéo mẹ cái thằng ấy, mới quen nhau mà nó cứ nhằng nhặc đòi địt tao!" Bậy bạ đến thế là cùng.


Ông kia chép miệng:

- Bọn trẻ bây giờ mất dạy quá! Tôi rất lo ngại. Luôn miệng nhắc nhở con bé nhà tôi phải ăn nói cho đàng hoàng, lễ phép. Nhưng, nhắc mãi nó vẫn đéo nghe! Đéo dạy được!"

                     (Nguyễn Dư)

 

Chửi mất gà - 2

Hôm nay bà chửi một bài,
Ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền.
Bà chửi cho mày hóa điên,
Bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng.
Bây giờ bà mệt quá chừng,
Bà về cơm nước, nhớ đừng quên a…
Muốn sống thì thả gà ra,
Lạy bà hai lạy, bà tha cho mày… ày ày ày

 

Giai thọai làng văn xóm chữ 

Trong buồng ông ấp bà

Nguyễn Công Trứ và những giai thoại ngông ‘thấu trời xanh’

Khoảng 10 tuổi, Củng (tên cúng cơm của Nguyễn Công Trứ)  theo cha trở về Hà Tĩnh quê nội. Trong làng có ông Đồ Trung tốt bụng, đứng ra mời thầy đồ về nuôi trong nhà để trẻ con của làng tới học, trong đám học trò đó có Củng. 


Một hôm, ông Đồ Trung nói: “Ta có câu đối này, trò nào đối hay và nhanh sẽ được thưởng một quan tiền”. Rồi ông ta chỉ về phía cây đại đứng ngoài vườn, đọc vế đối: 

- Ngoài vườn cây đại nở hoa đại.


Các học trò ngồi nhìn nhau. Thầy lên tiếng giục, chỉ có cậu bé Củng khép nép thưa: “Thưa, con sợ bị quở phạt ạ”.

Thầy ra vẻ rộng lượng: “Trò cứ đối, nếu hay thì ta sẽ thưởng cho. Được lời, Củng nghiêm chỉnh đứng dậy đọc: 

- Trong buồng ông Trung ấp bà Trung.


Vế đối rất chuẩn, “trong” đối với “ngoài”, “Đại” đối với “Trung”, và “nở” thì đối với “ấp” khiến ông Đồ Trung đỏ mặt im lặng và tất nhiên Củng được nhận một quan tiền.

 

***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Về Nhân Văn Giai Phẩm, trước khi đưa ra một số tình tiết “phản kháng” của văn nghệ sĩ, Tô Hoài “thủ” trước một lập trường chính trị vững vàng theo đảng:
”Nhưng mà những hoạt động gây sự không phải chỉ ở vài bài báo trên Nhân Văn, mà cái chính là ý đồ chính trị rộng ra nữa của một số giới không phải là những người làm báo Nhân Văn trong tình hình nhạy cảm ở các đô thị lúc ấy… không ai lưu tâm những người bỏ tiền cho vốn in báo và những hoạt động chính trị đòi thay đổi và chia quyền lãnh đạo đã âm thầm dấy lên, trong giới tư sản đương bối rối, trong một số trí thức ở vùng mới giải phóng và ở đảng Dân Chủ. Báo Nhân Văn chỉ là một phần bề ngoài và là một thủ thuật chính trị dựa vào “trăm hoa đua nở”.


Vậy rõ ràng vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Tô Hoài trước sau vẫn vững “lập trường cách mạng”, không có “phản tỉnh”, “phản mê” gì hết. Tuy nhiên ông cũng đưa ra một vài hồi ức cho thấy không phải nhà văn nào cũng “vững vàng” như ông.
Trong “Nhìn lại một số sai lầm trong bài báo và công tác“ báo Nhân Dân ngày 12 tháng ba năm 1958, Tô Hoài sát phạt anh em:
”Càng thấy rõ những tư tưởng nguy hại của một số người, từ báo Nhân Văn, không phải ngẫu nhiên tồn tại và có cơ phát triển đối kháng, chống lại đảng, chống lại chủ nghĩa xã hội trong khi giai đoạn cách mạng đương chuyển nhanh, chuyển mạnh” và tự kiểm thảo: ”Tôi đã đánh giá thấp những hoạt động của tư tưởng chính trị và nghệ thuật kiểu báo Nhân Văn vẫn sống sót, lại nhặt nhạnh dần thêm những rơi rớt lạc hậu của từng người hoặc một phần nào trong tư tưởng mỗi người, vào lúc giai đoạn cách mạng đương chuyển, nó dẫy giụa chống lại bước tiến mới của cách mạng và đã tác hại không nhỏ.


(Nhật Tuấn)


(xem tiếp kỳ tới)

 

Tác giả: Nhà văn Nhật Tuấn tên thật là Bùi Nhật Tuấn, sinh ra tại Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn. Truyện ngắn và tiểu thuyết là hai thể loại nổi bật trong sự nghiệp văn học của ông. Nhà văn Nhật Tuấn qua đời ngày 6-10-2015 tại bệnh viện Thống Nhất, Sài Gòn, hưởng thọ 74 tuổi.
Tác phẩm: Con chim biết chọn hạt

Đi về nơi hoang dã (tiểu thuyết, 1988)

Quê nhà Quê người (chung với Nhật Tiến, 1994)

Một cái chết thong thả (tập truyện, 1995)

 

(Nhà văn Nhật Tuấn là em nhà văn Nhật Tiến)

 

***


Phụ đính II

 

Chữ nghĩa làng văn

Theo Hồ Quỳnh gia phả, Hồ Sĩ Anh đời Lê, 2 trong 4 người con là Hồ Thế Viêm và Hồ Phi Cơ. Nguyễn Huệ là cháu bốn đời của Hồ Thế ViêmHồ Xuân Hương là cháu bốn đời của Hồ Phi Cơ


Như vậy Nguyễn Huệ, Hồ Xuân Hương cả hai là anh em họ, cùng ông tổ năm đời của Hồ Sĩ Anh. Theo gia phả ông tổ dòng họ Hồ là Hồ Hưng Dật, di dân sang cổ Việt từ thời Ngũ Đại, vốn người Triết Giang, lập cư ở Nghệ An.


Chữ nghĩa làng văn 

Hồ Hữu Tường: Hồi ký làm báo 

Hồ Hữu Tường và " 41 năm làm báo". Vũ Bằng và " Bốn Mươi năm nói láo" (làm báo). Qua hai tác giả này, cái vinh và cái nhục của nghề nghiệp, cái góc trong và cái mặt ngoài đã được kể lại với những trang hồi ký mà những thế hệ sau khi đọc đã tưởng tượng lại được một thời kỳ thật đặc biệt của lịch sử.


Hồ Hữu Tường sinh năm 1910. Năm 1926, ông du học tại Pháp, học trường Đại học Marseille và nộp luận án thi Cao học Toán tại đại học Lyon. Thời gian này ông kết bạn với các nhà cách mạng lưu vong như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Năm 1939, trong chiến dịch đàn áp của chính quyền thưc dân Pháp ông bị đày ra Côn Đảo với cùng nhiều chính khách khác.


(xem tiếp kỳ tới)


(Nguyễn Mạnh Trinh)  










Không có nhận xét nào: