Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

TIẾT 9 – TÂM TỨ ĐOAN / Tác giả: ITÔ JINSAI / Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

                       TIẾT 9 – TÂM TỨ ĐOAN

                                 Tác giả: ITÔ JINSAI (*)
                          Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Lời thưa trước

Itô Jinsai khuyên nên tìm hiểu nội dung sách Mạnh Tử trước vì sách này là sách giải thích sách Luận Ngữ. Theo người dịch, về mặt đạo đức làm người thì một trong những điểm quan trọng nổi bật của học thuyết Mạnh tử là ông chủ trương “bản tính con người vốn thiện lương từ lúc chào đời”. Do đó, người dịch chọn tiết “Tâm tứ đoan” để mở đầu loạt bài giới thiệu chi tiết nội dung của sách “Ngữ Mạnh Tự Nghĩa” của Itô Jinsai (Y Đằng Nhân Trai). Trong tác phẩm tác giả ghi tên là Itô Itei (Y Đằng Duy Trinh), tên hiệu lúc sáng tác nhưng ở đây ghi tên hiệu sau cùng của ông để quý độc giả dễ tìm hiểu tra cứu thêm.

Điều 1

Theo sách chú thích và giải nghĩa của ngày xưa (cổ chú) (1) cho những kinh sách cổ điển thì “đoan” là “bản本”, có nghĩa “nguồn gốc”. “Tâm tứ đoan” là nguồn gốc xuất phát ra nhân nghĩa lễ trí. Từ điển chữ Hán giải thích “đoan” là “bắt đầu” (thủy 始) hoặc là “mối (manh)” (tự 緒). Cả 3 đều cùng một ý.

Tuy nhiên Khảo Đình (tức Chu Hy) đặc biệt dùng từ “đoan” với nghĩa “đầu mối (đoan tự 端 緒)”, nói rằng ““đoan” giống như vật có ở bên trong và mối (tự 緒) của vật lộ ra bên ngoài”. Trong khi đó các thí dụ giải thích nghĩa của chữ “đoan” mặc dù có nhiều nghĩa nhưng đều quy về một ý như đã trình bày ở trên. Chữ “tự緒” phải xem đồng nghĩa với chữ “bản thủy本 始” nghĩa “nguồn gốc ban đầu”.

Tôi nghĩ rằng cái kén của con tằm có “đầu mối” (đoan tự) , và nếu kéo cứ kéo ra mãi không ngừng thì sẽ thành lụa dày (tăng繒) hoặc lụa tơ trần (bạch 帛) dài khoảng 2 trượng (khoảng 6 m). Nghĩa là từ “đoan tự” hàm chứa ý “kéo và làm cho dài ra”. Nói như Khảo Đình thì trái ngược với nghĩa “nguồn gốc ban đầu” (bản thủy), không phải như nghĩa của các thí dụ giải thích nghĩa của chữ.

Tôi nghĩ rằng ý muốn nói của Mạnh tử là con người có tâm tứ đoan giống như thân thể có 2 tay 2 chân (tứ chi) (Bài 6 chương 3 Công Tôn Sửu, sách Mạnh Tử). Con người ai cũng có tâm tứ đoan đàng hoàng, không cần phải tìm kiếm hoặc vay mượn từ bên ngoài. Nếu như biết khuếch sung (làm cho đầy đủ và làm to lớn thêm) tâm tứ đoan này thì giống như lửa cháy lan rộng, nước suối chảy lan rộng, cuối cùng có được đức của nhân nghĩa lễ trí. Do đó mới lấy tâm tứ đoan làm nguồn gốc ban đầu của nhân nghĩa lễ trí. Đây là chủ ý căn bản của Mạnh tử, và các Nho gia đời Hán lấy nội dung này truyền đạt cho nhau.

Tưởng cũng nên nói thêm các điều sau. Sách Trung Dung nói “Đạo của người quân tử bắt đầu (đoan) từ (việc xử sự tốt trong) quan hệ vợ chồng” (2). Tả Thị Truyện (tức sách Xuân Thu) nói: “Làm lịch (lịch xem ngày tháng năm) cần phải bắt đầu đúng từ khởi điểm (đoan) rồi cứ vậy mà tiếp tục” (3). Người xưa dùng “đoan” trong các từ ngữ như “hấn đoan” (4), “họa đoan” (5), “khai đoan” (6), “phát đoan” (7) đều với nghĩa “nguồn gốc ban đầu” (bản thủy) (8). Trong trường hợp để hiểu nghĩa của tâm tứ đoan càng không thể không tuân theo nội dung chú thích giải nghĩa của ngày xưa.

Phần phụ thêm

“Đạo quân tử bắt đầu từ quan hệ vợ chồng” (chương 12 Trung Dung)

Tìm thấy trên Internet tiếng Nhật có nội dung dịch ra tiếng Nhật hiện đại dễ hiểu nên dịch lại ở đây để giới thiệu độc giả biết thêm về sách Trung Dung.

Đạo của người quân tử có phạm vi rất to lớn ai cũng có thể áp dụng nhưng nội dung hàm chứa mức khó khăn vi diệu. Ngay cả vợ chồng ngu muội cũng có thể biết giữ đạo là gì. Tuy nhiên nói đến đỉnh cao tận cùng của đạo thì ngay cả thánh nhân cũng có điều chưa biết được.

Ngay cả vợ chồng không học cũng có thể thực hành một phần của đạo. Tuy nhiên đối với đỉnh cao tận cùng của đạo thì ngay cả thánh nhân cũng không thể thực hành đầy đủ trọn vẹn. Đối với nhiều việc làm của trời đất rộng lớn (hiện tượng tự nhiên), con người cũng có những điều căm ghét như đối với thời tiết quá lạnh quá nóng so với bình thường, mất mùa nặng nề, bão tố, động đất, sóng thần to lớn đến mức kinh thiên động địa….

Do đó nếu nói sự to lớn của đạo quân tử thì trong thiên hạ không có gì để có thể đặt lên hoặc chứa đựng được; còn nói đến mức độ nhỏ của đạo thì trong thiên hạ không có gì nhỏ hơn. Thiên Đại Nhã Hạn Lộc trong kinh Thi viết: “Diên phi ngư dược”, nghĩa là “Diều hâu bay trên trời cao, cá tung tăng dưới hố nước sâu”. Trình độ cao thấp của đạo quân tử biểu hiện trong hoạt động của diều hâu và cá. Mặc dù nói là đạo của người quân tử nhưng điểm xuất phát của đạo là bắt đầu từ vợ chồng không học. Còn nếu như truy cứu đến đỉnh cao tận cùng của đạo thì đạo biểu hiện ở trong mọi sự việc, mọi hiện tượng của trời đất”.

“Trên là chương 12, lời của Tử Tư làm rõ ý của câu “Đạo không thể tách rời” trong chương đầu của Trung Dung. Trong 8 chương tiếp theo là do Chu Hy trích dẫn các lời của Khổng tử để làm rõ hơn”.

Ghi chú

– Nội dung trong ( ) với khổ chữ nhỏ là của người dịch thêm vào cho dễ hiểu hoặc ghi lại từ Hán Việt của nguyên văn.

(1) Theo Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển, ở Trung Quốc các chú thích giải nghĩa kinh sách từ đời Hán đến đời Đường gọi là “cổ chú”, các chú giải từ đời Tống trở về sau gọi là “tân chú”. Ở Nhật Bản, mốc thời gian để phân biệt là thời kỳ thành lập “quốc học” (1688~1704). Bốn nhà quốc học tiêu biểu của Nhật Bản: Kada no Azumamaro (1669~1736), Kamono Mabuchi (1697~1769), Motoori Norinaga (1730~1801), Hirata Atsutane (1776~1843).

(2) Nguyên văn chữ Hán: 君 子 之 道, 造 端 乎 婦 trong chương 12 của Trung Dung.

 (3) Trong phần “Văn Công Nguyên Niên” của sách Xuân Thu Tả Thị Truyện. Nguyên văn chữ Hán: 履 端 於 始.

(4) Hấn đoan 釁 端: nguồn gốc ban đầu của hiềm khích, bất hòa. (Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, dưới đây viết tắt ĐDA: Nguyên nhân việc tranh chấp, hiềm khích.)

(5) Họa đoan: bắt đầu, triệu chứng của tai họa. (Không có trong ĐDA)

(6) Khai đoan: khởi điểm, bắt đầu.(ĐDA: mở mối đầu (commencement))

(7) Phát đoan: bắt đầu của sự việc.(ĐDA: mở mối (commmencer))

(8) Trong ĐDA, bản thủy: lúc ban đầu; bản nguyên: gốc nguồn = căn bản.

Tham khảo thêm

(1) Trong Mạnh Tử Quốc Văn Giải Thích, Đông Hồ Nguyễn Hữu Tiến dịch “đoan” là “căn”. Trong Tứ Thư Bình Giải, Lý Mạnh Tuấn dịch là “đầu mối”.

(2) Theo Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển (phiên bản Tinh tuyển bản: Bản thủy là bắt đầu của ban đầu; bản nguyên. Đoan tự là manh mối của sự vật.

Theo Tự Thông (phổ cập bản) của Heibonsha do Shirokawa Shizuka biên soạn: Bản thủy là bắt đầu của sự việc. Đoan tự là bắt đầu, manh mối.

Nhận xét

(1) Người dịch chưa hiểu rõ lý do Jinsai không đồng ý nội dung giải thích của Chu Hy đến mức mạnh như vậy? Không biết các lý do sau có giải thích được không: (1) Theo cách giải thích của Chu Hy, có thể gây hiểu lầm là phải có người bên ngoài “kéo dài” tâm tứ đoan ra mới có được nhân nghĩa. Tuy nhiên, không phải vậy mà phải tự mình tu dưỡng mới được, do đó Jinsai không đồng ý? (2) Lập ra nghĩa mới khác với cách hiểu của số đông lúc đương thời sẽ sinh ra hiểu sai, và dễ làm người khác bắt chước theo gây ra rối loạn cho việc học tập của người đời.

(2) Tiếng Hán thật rắc rối khó hiểu chính xác! Do đó hãy thử suy nghĩ xem xét nghĩa của chữ “đoan” từ ý muốn nói của Mạnh tử. Ý Mạnh tử muốn nói là nhân nghĩa lễ trí (sau đây viết ngắn là nhân nghĩa) bắt nguồn từ tâm tứ đoan. Do đó, “đoan” ở đây để nơi chốn chứ không phải thời gian vì nhân nghĩa không phải chỉ xuất phát từ tâm tứ đoan ở thời điểm ban đầu nào đó thôi mà luôn luôn xuất từ đây. Do đó hiểu “đoan” là “nguồn”, là “cội” (gốc) là đúng nhất, không phải là “manh mối”. Có “nguồn”, “gốc” sẵn thì chỉ cần giữ gìn cho không bị che lấp, và nuôi dưỡng thì “đoan” sẽ sinh trưởng ra và phát triển. Do lý do này mà Mạnh tử nói nên “tồn tâm, dưỡng tính” (Bài 1 chương 13 Tận Tâm thượng) . Gìn giữ tâm có nghĩa là gìn giữ “nguồn” của nhân nghĩa, bồi dưỡng tính có nghĩa là nuôi dưỡng “nguồn” nhân nghĩa. Tóm lại, hiểu “đoan” là “nguồn” thì thích hợp với điều Mạnh tử muốn nói. Tuy nhiên, nếu dịch “đoan” là “nguồn” hoặc “gốc” thì “tâm tứ đoan” phải dịch “tâm có/của 4 nguồn” hoặc “tâm có/của 4 gốc” trở nên rất khó hiểu và khó nghe!

Viết đến đây người dịch không biết phải giải quyết thế nào cho ổn nên xem xét lại nguyên văn của sách Mạnh Tử thì thấy ông chỉ dùng từ “tứ đoan” 3 lần trong bài 6 của chương 3 Công Tôn Sửu với cách nói “con người có tứ đoan” chứ không có từ “tâm của tư đoan”, từ này do Jinsai dùng để đặt tựa cho hạng mục này. Với từ “đoan” Mạnh tử dùng như sau: “Tâm của trắc ẩn (thương xót) là “đoan” của nhân (tình thương). Tâm của hổ thẹn (tu ố) là “đoan” của nghĩa….”.  Có nghĩa là “đoan” trong sách Mạnh Tử để nói “đoan” của nhân nghĩa chứ không phải của tâm. Do đó nếu dịch câu trên như “Lòng thương xót là nguồn phát sinh của nhân. Lòng hổ thẹn là nguồn phát sinh của nghĩa…” thì đúng ý của Mạnh tử muốn nói lại dễ hiểu. Đối với từ “tâm tứ đoan” hoặc không dùng cách nói này hoặc dịch là “tâm có/của 4 nguồn phát sinh nhân nghĩa lễ trí”. 

Người dịch lại nhớ Jinsai thường dùng từ “dị đoan” để chỉ các tư tưởng, học thuyết không phải của thánh nhân, không phải của Khổng Mạnh, hoặc để chỉ tà thuyết. Từ điển tiếng Nhật giải thích “dị đoan” là không thuộc “chính thống” hoặc để chỉ các tôn giáo hoặc học thuyết được một số ít người tin với tính cách ngoại lệ so với những tôn giáo hoặc học thuyết được nhiều người công nhận là chính thống vào thời đại dó. Đào Duy Anh giải thích “dị đoan” là 1) Những điều tín ngưỡng lạ lùng, 2) Dị giáo (superstition, hétérodoxe, hérésie). (Ông giải thích “dị giáo” là tôn giáo không phải thứ mình tin tưởng). Xem ra, từ điển tiếng Nhật giải thích rõ ràng và khách quan nhất. Trong trường hợp từ “dị đoan”, hiểu “đoan” là “nguồn hoặc gốc phát sinh” vẫn hợp nghĩa, và “dị” nghĩa là “khác với chính thống”.

Đối với chữ “thủy 始” thường cho chúng ta hình ảnh “bắt đầu” (của thời gian) hơn là hình ảnh của nơi xuất phát (không gian). Nếu dùng từ “nhân” có nghĩa là “hạt giống” thì có thể sinh ra hiểu nhầm vì “giống” thì có tốt có xấu, ở đây Mạnh tử muốn nói là “nguồn phát sinh “tính thiện” của con người” và tất cả mọi người đều có như nhau. 

Sau khi viết nhận xét (2) này xong, người dịch cảm thấy hiểu hơn lý do mà Jinsai không đồng ý cách giải thích từ “đoan” của Chu Hy: không phải là những lý do viết ở nhận xét (1). Khi dịch Điều 2 của tiết này và đọc Tiết 5 Đức người dịch hiểu ra rằng: hiểu sai nghĩa của chữ hoặc của từ ngữ thì sinh ra hiểu sai cả ý rồi đưa đến việc áp dụng sai và triển khai sai. Khi triển khai sai thì không những hại bản thân mà hại cả người khác. Phải chăng đây là lý do phê bình nghiêm khắc của Jinsai?

Thật ra Jinsai đã viết ý trên trong “Lời tựa” của sách nhưng người dịch vô ý không đọc trước, đến sáng ngày 2/2/2024 khi sắp hoàn thành bản dịch tiết này mới đọc tới!

Điều 2

Trong Mạnh Tử Tập Chú (sách chú thích và giảng nghĩa nội dung sách Mạnh Tử của Chu Hy) viết “Tứ đoan (4 nguồn phát sinh nhân nghĩa lễ trí, nói theo Chu Hy là 4 “manh mối” của nhân nghĩa lễ trí) có trong con người (chúng ta) và tùy theo nơi hoặc trường hợp mà (chúng ta) phát hiện ra chúng. Nếu ai biết làm chúng sung mãn đến mức lượng có sẵn từ đầu của chúng (bản nhiên chi lượng) thì chúng mỗi ngày mỗi mới (1) đến mức độ chính bản thân mình cũng không có thể dừng lại được”. Ý muốn nói của “phát hiện ra” trong lời nói trên là “Nếu thấy được điều đúng nên thương xót thì (chúng ta) thương xót, nếu thấy đúng điều phải hổ thẹn thì hổ thẹn, nếu thấy điều đúng phải khiêm nhường (khiêm tốn và nhường nhịn) thì khiêm nhường, nếu thấy điều đúng phải phân biệt đúng sai thì phân biệt đúng sai”.

Nếu như Chu Hy giải thích, thì rõ ràng là, nếu không thấy được những điều đúng phải thương xót, đúng phải hổ thẹn, đúng phải khiêm nhường, đúng phải phân biệt đúng sai thì lòng thương xót, lòng hổ thẹn, lòng khiêm nhường và lòng phân biệt đúng sai không có dịp (cơ hội) phát sinh ra. Tuy nhiên, số cơ hội (chúng ta) gặp được việc đúng phải thương xót trong một ngày không phải nhiều. Đôi lúc suốt trong 10 ngày trôi qua, cũng có thể không gặp được trường hợp nào đáng thương xót. Đối với trường hợp của việc hổ thẹn, khiêm nhường và phân biệt phải trái cũng tương tự. Như vậy, số ngày (chúng ta) dùng sức để phát hiện tứ đoan thường ít ỏi mà số ngày không làm gì lại nhiều hơn. Như thế, dù (chúng ta) có muốn dùng sức khuếch sung tứ đoan để đi nữa thì phải làm bằng cách nào để thực hiện được đây? Ngoài ra, ngay cả trường hợp (chúng ta) chỉ muốn khuếch sung lòng thương xót (tâm trắc ẩn), (chúng ta) cũng còn lo sợ mình không đủ khả năng nói chi đến việc khuếch sung “từng thứ một của tất cả 4 thứ đoan” (Jinsai ý thức chủ trương của Lục Tượng Sơn nên nói điều này). Do đó, nỗi lo sợ khi gặp người khác, (chúng ta) phải nhìn trước xem sau, không còn thời giờ ứng tiếp thật là khó tránh được phiền não khó đam nỗi.

Trong khi đó, nội dung mà Mạnh tử truyền đạt thật sự không phải khổ cực như vậy mới thực hiện được. Nội dung đó là tứ đoan có sẵn trong con người chúng ta giống như chúng ta sinh ra có sẵn 2 tay và 2 chân; không nghe người khác dạy cũng hiểu, không nghĩ tới chúng cũng tự nhiên đến (Bài 6 chương 11 Cáo Tử thượng), tại sao lại cần phải chờ phát hiện ra chúng! Tại sao lại cần phải tập trung tinh thần chú ý nhận thức mới phát hiện ra được chúng! Đúng là thật sự không lĩnh hội được ý của Mạnh tử một chút nào cả!

Tượng Sơn (2) nói: “Các người luận về học thuyết gần đây (3) cần phải bổ sung từng thứ một của tất cả 4 thứ đoan khi khuếch sung chúng”.

Tại sao lại phải có cái lý luận như vậy? Chẳng phải lúc đương thời Mạnh tử đã từng làm sáng tỏ rằng con người lúc chào đời đã có sẵn tứ đoan, và đó là đặc tính tốt lành (tính thiện) của con người; do đó (chúng ta) không nên tự cho mình không có khả năng làm điều thiện, điều tốt mà tự hủy hoại bản thân mình (Bài 6 chương 3 Công Tôn Sửu), đó sao?

Một khi tứ đoan có ở trong tâm tức là cái lý (có thể hiểu là quy luật, việc tất nhiên) của tứ đoan tự nó sẽ rõ ràng, nghĩa là đối với điều thật sự đáng thương xót thì con người tự nhiên sẽ thương xót; đối với điều thật sự đáng xấu hổ thì tự nhiên xấu hổ, đối với điều thật sự đáng khiêm nhường thì tự nhiên sẽ khiêm nhường, nếu điều thật sự phải phân biệt đúng sai xảy ra trước mặt thì con người tự nhiên sẽ phân biệt đúng sai. Lời này thật quá rõ ràng. (Thế mà Tượng Sơn nói như trên,) Chẳng khác gì không hiểu được ý của Mạnh tử!

Mạnh tử nói “Con người ai cũng có lòng thương xót (trắc ẩn), khi thấy người khác bị tai hại thì không nỡ (bất nhẫn) bỏ qua, việc khuếch sung (nguyên văn chữ Hán là “đạt”) lòng thương xót này chính là nhân (của nhân nghĩa lễ trí). Con người ai cũng có lòng hổ thẹn (tu ố) không muốn làm việc bất nghĩa, bất chính, việc khuếch sung (nguyên văn chữ Hán là “đạt”) lòng không muốn làm việc hổ thẹn này chính là nghĩa” (4) (Bài 31 chương 14 Tận Tâm hạ). Các từ “không nỡ (bất nhẫn)”, “không làm (bất vi)” này là “lòng thương xót (trắc ẩn)”, “lòng hổ thẹn (tu ố)”, theo thứ tự. Từ “đạt” trong nguyên văn ý nói “khuếch sung”. Tôi cho rằng lòng thương xót, lòng không muốn làm việc hổ thẹn không có chỗ nào mà không tiếp nhận (nghĩa là chắn chắn được tiếp nhận ở mọi nơi). Chẳng phải ý tưởng muốn truyền đạt của Mạnh tử thật là rõ ràng, thích đáng, và hiệu quả (của ý tưởng này) thật là giản dị và gần gũi (thân thiết) sao?

Tôi nghĩ rằng mặc dù 2 tiên sinh Chu và Lục đều rất tôn kính và tin tưởng Mạnh tử nhưng Hối Am (tức Chu tử) thì chuyên lấy “trì kính” (phương pháp tu dưỡng bằng tập trung ý thức) làm chủ yếu, còn Tượng Sơn thì trước hết lấy việc thành lập “cái to lớn ấy” (5) (ý nói lý luận, lý thuyết của tính thiện v.v…) làm chủ yếu nhưng đối với nghiên cứu phương pháp khuếch sung (ý nói phương pháp thực dụng) thì thật sự chưa hề bỏ công sức lần nào. Té ra thất bại (của ông) to lớn như thế này!

(*) Nguồn: Itô Jinsai (1683): Ngữ Mạnh Tự Nghĩa (語 孟 字 義)

Ghi chú

(1) “Mỗi ngày mỗi mới”: Trích từ sách Đại Học, câu châm ngôn mà vua Thang cho khắc ở bồn tắm của ông để cảnh giác bản thân.

(2) Trích từ Ngôn Lục thượng của Tượng Sơn Tiên Sinh Toàn Tập quyển 34 nhưng Jinsai viết lại cho dễ hiểu. Lục Tượng Sơn (1139~ 1193), tên Cửu Uyên, đậu Tiến sĩ ra làm quan nhưng lúc 49 tuổi mở trường dạy học. Ông cùng thời với Chu Hy.

(3) Ý nói các người trong học phái của Chu tử.

(4) Nếu dịch sát nguyên văn câu này rất khó hiểu nên ở đây dùng nội dung dịch tiếng Nhật hiện đại của Tanaka Netarô, dễ hiểu và đúng ý.

(5) Dùng từ “Kỳ đại giả” trong Bài 14 chương 11 Cáo Tử thượng: “Dưỡng kỳ tiểu giả, vi tiểu nhân; dưỡng kỳ đại giả, vi đại nhân” (Nuôi dưỡng điều (cái) nhỏ (việc không quan trọng) thì làm tiểu nhân; nuôi dưỡng điều (cái) lớn (việc quan trọng) thì làm đại nhân).

Nhận xét

(1) Để thực hiện nhân nghĩa lễ trí, theo Chu Hy thì quá khó, theo Jinsai thì quá dễ! Tuy nhiên cách viết của Jinsai “Một khi tứ đoan… đúng sai. Lời này thật quá rõ ràng” có thể gây hiểu lầm lớn hoặc có thể do người dịch chưa nắm được ý của ông? Theo ý của đoạn văn này thì để thực hiện nhân nghĩa thì cứ giao phó cho bản tính tự nhiên của mình. Nếu như vậy tại sao Mạnh tử lại nói cần phải “khuếch sung”? Không biết trong tiết khác hoặc trong tác phẩm khác, ông có đề cập cụ thể làm thế nào để khuếch sung không? Nếu không thì ông chẳng khác với Tượng Sơn, vì phê bình người khác mà không đưa cách giải quyết.

Theo người dịch nghĩ rằng trước khi khuếch sung, ít nhất cần phải gìn giữ tâm để “nguồn phát sinh tứ đoan” không bị che lấp. Một phương pháp thực hiện điều này là tập luyện được “sunao na kokoro” (người dịch dịch là tâm tự nhiên) của Matsushita Kônosuke. Một phương pháp dễ dàng hơn mà người dịch mới nghĩ ra là “không bỏ quên lòng biết ơn”. Hãy luôn luôn ghi nhớ rằng “con người không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ hoặc làm việc của người khác”. Người dịch tin rằng nhờ lòng biết ơn chúng ta có thể không để cho tự ái cá nhân, lợi ích cá nhân và nhiều thứ khác che lấp lên nguồn phát sinh tính thiện của con người, là tứ đoan. Ngoài ra, việc học, việc đọc sách cũng ích lợi, giúp chúng ta biết những trường hợp chưa từng gặp qua để suy nghĩ, xem xét trước để khi gặp phải có thể ứng xử đúng đắn.

Nếu chỉ giao phó cho bản tính tự nhiên mà không cố gắng tập luyện gì cả trong cuộc sống ngày thì tứ đoan chỉ phát sinh ở những trường hợp sự kiện bên ngoài có tác dụng rất mãnh liệt như “cắn rứt lương tâm” làm cho các cặn bã che lấp nguồn phát sinh tính thiện bay mất đi để cho tứ đoan phát sinh trở lại.

Tài liệu tham khảo

(1) Yoshikawa Kôjirô & Shimizu Shigeru (1971): Nhật Bản tư tưởng đại hệ 33- Itô Jinsai và Itô Tôgai (tiếng Nhật), nhà xuất bản Iwanamishoten.

(2) Tanaka Netarô (2021): Mạnh Tử (sách điện tử, tiếng Nhật), nhà xuất bản Seibundo Shinkosha.

Nguyễn Sơn Hùng
Bắt đầu ngày 29/1/2024
Viết xong ngày 3/2/2024

Trở về trang chủ

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng









Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

KÝ ỨC - Thơ Phượng Hồng và Thơ Họa


                            

       KÝ ỨC

Ký ức bùng lên đẹp giấc mơ

Xua đi đêm trắng ngỡ phai mờ

Chùm phim óng ả hồng nhung lụa

Vàng gấm tơ, lòng dạ ngẩn ngơ

Rót xuống trần gian xuyên ngõ ngách

Tỏa lan cõi tạm khắp sông hồ

Nao nao khoảnh khắc thân thương ấy

Gợi nhớ ngày xưa thuở dại khờ !

PHƯỢNG HỒNG


Thơ Họa:

      KÝ ỨC

Cạn tuổi xuân thì, xóm nhỏ mơ

Buồn trông đỉnh núi phủ sương mờ

Thời gian tựa gió lùa qua vội

Bến mộng như thuyền đợi ngóng ngơ

Bảng lảng tầng không vờn ngợp khói

Bâng khuâng tiếng sóng vỗ quanh hồ

Vàng phai lá rụng bờ hoang tưởng

Ký ức về gom mãi khạo khờ…

Lý Đức Quỳnh

   20/4/2024


  KỶ NIỆM HIỆN VỀ

1- Kỷ niệm hiện về trong giấc mơ,

Đời như bừng sáng hết lu mờ.

Khung trời rực rở màu tươi mịn,

Cảnh trí tỏa bồng sắc bóng ngơ.

Mộng mị bổng vương xuyên khắp chốn,

Thân thương chực đến trãi sông hồ.

Bốn bề nhân nghĩa gom quy tụ,

Xực tỉnh không vơi nhớ tuổi khờ.

                       *

Đôi dòng mượn tạm kết vần thơ.

 

2- Em về bên ấy dệt niềm mơ,

Để lại ai đây kiếp sống mờ.

Đám cưới mịn màng đeo áo lụa,

Hôn nhân bỏ kẻ sống ngu ngơ.

Pháo vui câu chúc vang làng xóm,

Mắt lệ sầu riêng ngập bể hồ.

Cười khóc có đâu phân biệt nhớ,

Phòng không dành lại kẻ ngu khờ.

                           *

Cuộc tình xé nát khó thành thơ!

HỒ NGUYỄN

 (20-4-2024)

 

    VƯƠNG VẤN

Âm thầm vương vấn nỗi hoài mơ!

Hình bóng làng tôi chửa nhạt mờ!

Lảnh lót câu hò ru dạ ngẩn

Yên bình nắng trải gợi hồn ngơ

Chờ mong có dịp qua rừng núi

Ngóng đợi về quê ghé biển hồ

Bến cũ, cây đa mình hẹn nhé!

Cười ên tủm tỉm giống như khờ!

  Như Thu

04/20/2024

 

MỘT THỜI VANG BÓNG

Đêm về ký ức mộng nằm mơ

Nhớ lại, vàng son khói tỏa mờ

Thoăn thoắt mình dây em nhảy nhót

Tung tăng chân sáo trẻ ngu ngơ

Cành vương nắng lụa xuyên vòm lá

Liễu rũ mành tơ chiếu mặt hồ

Ôn cố tri tân mà luyến tiếc

Một thời vang bóng tuổi ngây khờ…!

   MAI XUÂN THANH

 Bay Area April 19, 2024

 

      GỢI SỐC

Đêm khuya thức giấc bởi nằm mơ

Đã mấy mươi năm không thấy mờ

Năm ấy tháng Tư lộ diện rõ

Bảy lăm thay dép mặt làm ngơ

Diễn oai khăn đỏ bạn cùng khoá

La hét lung tung ở thành hồ

Khó hiểu sự đời đen đổi trắng

Cùng nhau học nữa tránh mê khờ …

  Yên Hà

20/4/2024

 

    MƠ ÔI!

(Nương vận họa vui)


Ôi chao mọi sự tưởng như mơ!

Ôi cả nhân sinh đã hóa mờ

Ôi chết đầy kia nào ngó tới

Ôi tan khắp đó vẫn làm ngơ

Ôi bom độc ác còn hơn khỉ

Ôi dạ lưu manh chẳng khác hồ

Ôi thế thời ôi, ôi thế thế…

Ôi đừng đụng đến kẻo cho khờ.

Thái Huy

 4/20/24

 

     LỠ BẾN

Phượng hè hé nở rộn hoài mơ,

Phảng phất tình xưa chẳng xoá mờ.

Phong kín tâm tư nhiều nhớ tưởng,

Phôi phai hồn mộng lắm sầu ngơ !

Phong thư tuổi nhỏ lòng ngây dại,

Phòng lớp trường xưa ý khạo khờ !

Phóng khoáng tình yêu trao thuở đó…

Phải đành lỡ bến chuốc giang hồ !

Liêu Xuyên

 

QUÊ CŨ NGÀY XƯA

Xa quê, bỏ lại một trời mơ

Hình ảnh thân thương chẳng xóa mờ

Bến nước đông vui người đến chợ

Con đường thơ mộng kẻ sang hồ

Những mùa phượng vĩ tràn lưu luyến

Từng buổi hẹn hò rộn ngác ngơ

Lúng túng nụ hôn đầu vụng dại

Dưới vầng trăng bạc thuở ngây khờ.

   Sông Thu

( 21/04/2024 )


      KÝ ỨC

Và đây tất cả ý luôn mơ

Mặc định tình kia chẳng nhạt mờ

Xưa đã bao thu-làm ngất lịm

Hiện còn mấy nắng-khiến lơ ngơ?

Nói ra lạỉ nhớ-khi dong phố

Bàn đến càng thương-lúc dạo hồ


Thoải mái du tình trong giấc mộng

Mình ơi, yêu đấy chứ không khờ!

Thái Huy

 4/21/24

 

TUỔI THƠ NGÀY HẠ

          (Họa 4 vần)

Khi màu nắng ửng đẹp trời mơ

Tạo hoá hồn nhiên dưỡng ảo mờ

Những đoá hoa vàng thi rộ nở

Bao tình ái rạng cảm hoài ngơ

Trần gian một cõi xao mùa bức

Ngách ngõ ngàn nơi ủ mộng khờ

Khoảnh khắc dìm sâu đòi vẹn vẽ

Nao lòng nhắc lại thuở còn thơ.

Mai Thắng

  240422

 

    QUÊ NGOẠI 

Tuổi già nhiều lúc mặt lơ ngơ

Quê ngoại ngày xưa tỏ-nhạt-mờ.

Trong xóm lưa thưa hàng quán chợ

Trên sông chen chúc ghe thương hồ.

Tiếng rao lanh lảnh con đường vắng

Em bé ngây ngô ánh mắt khờ.

Tất cả còn hằn trong ký ức

Cho tôi sống lại một trời mơ!

 Mailoc

4-21-24

 

ÔN LẠI CHUYỆN XƯA

Tuổi ngọc vàng son những ước mơ

Thanh niên hoài bảo tối trăng mờ

Tao phùng bằng hữu lòng thông cảm

Gặp lại cố nhân dạ nỡ ngơ

Chạnh nghĩ thuyền ra khơi biển cả

Buồn suy bến đỗ chốn giang hồ

Trăm năm lối cũ bao chờ đợi

Cõi tạm đường xưa mấy dại khờ…!

    MAI XUÂN THANH

  Bay Area April 21, 2024

 

   TUỔI DẠI KHỜ

Mười sáu nên trăng lắm mộng mơ

Thương thầm, nhớ trộm, ái mù mờ

Trưa hè tròn bóng, chàng ngồi ngóng

Xế hạ trọn chiều, thiếp đứng ngơ

Bé bảo chờ nhau bên suối Nguyệt

Anh thưa gặp Ngọ cạnh Rùa hồ

Ngây thơ nào biết yêu là khổ

Trinh trắng trao ai tuổi ngố khờ.

     LAN

(2204/2024)

        
       NGÓ LẠI 
Cuộc đời chồng chất những cơn mơ
Nó khiến không gian cũng tỏ mờ
Để kỷ niệm xưa luôn sống động
Nhưng tình trường đó quá ngu ngơ
Nắng mưa chạnh nhớ thề non nước
Sương gió hoài mong mộng hải hồ
Thoắt nửa trăm năm xô dĩ vãng 
Giờ thì ngó lại thấy như khờ ...
   Rancho Palos Verdes 21 - 4 - 2024

              CAO MỴ NHÂN 

 

 

KỶ NIÊM MỘT THỜI 
Khoảnh khắc say nồng trong giấc mơ...
Đến khi bừng tỉnh không gian mờ.
Ngoài trời còn tối đen như mực,
Bỗng giác lòng tôi tiếc ngẩn ngơ...
Giấc mộng tan rồi theo gió bảo...
Xác xơ cây cỏ cạnh bên Hồ.
Ngày xưa cuộc sống vàng son ấy.!...
Kỷ niệm một thời nay dại khờ...
Mỹ Nga, 22/04/2024. AL, 14/03/Giáp Thìn

 

   GIẤC MƠ XƯA

         (Họa 4 vần)

Kỷ niệm ru mềm ngỡ giấc mơ

Sao quên được những lối sương mờ

Bên em cúc điểm vàng xinh luyến

Cạnh dốc hoa chào tím đẹp ngơ

Dạ ấy tình gieo thề tiếng hẹn

Lòng đây sóng cuộn hứa câu chờ

Phong ba cuộc sống đời đôi ngả

Có lúc chiều buông mắt lạc khờ

      Minh Thúy Thành Nội

Tháng 4/22/2024

 

THOÁNG GIẤC MƠ QUA

Giật mình thức giấc biết vừa mơ

Hình ảnh ngày xưa tưởng đã mờ

Nắng nhạt công viên đùa tinh nghịch

Mây mù quán gió chuyện ngu ngơ

Giã từ bạn học đường hoạn lộ

Tạm biệt người thương tuổi khạo khờ

Xếp bút sa trường vang tiếng gọi

Đì đùng pháo nổ kiếp giang hồ

Hưng Quốc

       Texas 4-22-2024

 

    GIỮ TRONG TIM

Thuở bé thường hay thích mộng mơ

Lung linh hình ảnh hiện lờ  mờ

Vui buồn lẫn lộn thời son trẻ

Tha thiết vụng thầm trí ngất ngơ

Đùa giỡn quây quần bên mái lá

Chạy chơi tìm kiếm cạnh ven hồ

Biết bao kỷ niệm thời thơ ấu

Giữ lại trong tim tuổi khạo khờ !

THIÊN LÝ


                   KÝ ỨC TRONG TÔI

Tuổi già nhưng vẫn ủ niềm mơ

Nước Việt trong tôi chẳng xoá mờ

Hình ảnh núi đồi như vải lụa

Bóng hình đồng ruộng tựa sông hồ

Niềm vui quấn quýt khi lòng sướng

Nỗi khổ vương mang lúc dạ ngơ

Khắc khoải tâm tư hoài kỷ niệm

Nào nguôi thân phận thuở ngu khờ

Songquang

                                 20240427





 

 

 


 

 



 












Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

ƯỚC MƠ VÀ HIỆN THỰC - Lý Đức Quỳnh và Thơ Họa


                   

ƯỚC MƠ VÀ HIỆN THỰC

        (Cảm tác theo ảnh)

Chỉ với tay không chẳng thoát nghèo

Mong đời có được chú trâu theo

Lên nương vận chuyển mùa thu hoạch

Xuống ruộng cày bừa lúc cấy gieo

Lặng lẽ mơ ươm từ bỏng khát

Âm thầm mộng ủ đến trong veo

Rồi gom lá kết thành tâm nguyện

Hạt ngọc lung linh giữa bọt bèo.

Lý Đức Quỳnh

   18/4/2024


Thơ Họa:

      KIẾP NGHÈO

Vẫn biết học lên thoát cảnh nghèo

Nhưng tiền đóng phí biết sao theo

Mẹ cha vất vả lo cày cấy

Mùa vụ nhọc nhằn bận gặt gieo

Cơm áo chưa đầy, con dốt đặc

Ước mơ nào thỏa, mộng tàn veo

Người ta sen thắm hương thơm ngát

Mình mãi loay hoay với kiếp bèo.

  Sông Thu

( 19/04/2024 )

 

  ĐÀNH CAM SỐ PHẬN

Một nghề lão luyện ắt không nghèo… (?)

Nông nghiệp chăn trâu thảo dã theo

Buổi trước phân bò thừa nước tưới…

Ngày nay hạt giống thiếu tay gieo…

Mơ Tiên bất khả thi hy vọng

Mộng Bướm không thành hiện thực veo

Cố gắng bản thân trong cuộc sống

Đành cam số phận giữa ao bèo…!

   MAI XUÂN THANH

 Bay Area April 18, 2024

 

   MỘNG VÀ THỰC

Dãi nắng, dầm mưa bởi phận nghèo

Cơm không no bữa, nỗi buồn theo

Cho trâu gặm cỏ, ôn bài tập

Xạ lúa vào mùa thả hạt gieo

Cố gắng học hành, tâm tấn tới

Trao dồi kiến thức, trí thông veo

Ước mơ danh toại tương lai sáng

Hiện thực lênh đênh tựa vạt bèo.

     LAN

(19/042024)

 

    MONG CHỜ

Bộ não thông minh dẫu có nghèo!

Hoàn thành trâu mộng lá chèn theo

Mơ ngày lội nước còng lưng giẫm

Đợi buổi ra đồng giúp hạt gieo

Những ngọn lúa vàng luôn thẳng tắp

Bao hàng mạ nõn khó cong veo

Từ lâu ước vọng nay đành phải

Đặt hết niềm tin gửi cánh bèo!

 Như Thu

04/19/2024

 

     SỐ NGHÈO

Trời đã ban cho cái số nghèo

Lâu rồi mà nó cứ đeo theo

Thiếu mưa khô đất cây đều chết

Nhiều nắng cạn nguồn hạt khó gieo

Nước mặn tràn đồng tiêu đám lúa

Phèn chua vượt mức diệt ao bèo

Bạc tiền khó kiếm ăn không đủ...

Vừa mới cơm chiều, tối đói veo.

2024-05-19

  Võ Ngô

 

  CẢNH KHỔ ĐEO

Đất nước Tự Do Dân bớt nghèo,

Bớt đâu không thấy cái nghèo theo...

Quan giàu Dân khổ lo từng bửa,

Tội nghiệp oan gia ai đã gieo !...

Ruộng lúa tràn đồng toàn nước mặn,

Vườn cây ăn trái rẻ như bèo...

Dân nghèo quá khổ Quan nào biết?...

Sáng cháo, chiều rau cảnh khổ đeo...

Mỹ Nga

  19/04/2024. AL,11/03/Giáp Thìn

 

     XUA NGHÈO

Năm qua tháng lại vẫn còn nghèo,

Khổ não không lìa vẫn bám theo.

Ruộng nứt phèn đeo vây lúa chết,     

Đồng khô nước thiếu lấy gì gieo.

Muôn dân đói khát quan sung túc,

Khắp nẻo rên ầm túi trống veo.

Mơ ước khó khăn không hiện thực,

Tình thương dân rẻ tợ như bèo.

                     *                  

Tiếng khóc u sầu cứ mãi đeo.

HỒ NGUYỄN

 (19-4-2024)

 

    MỪNG RỠ

Mừng rỡ hoan hô nay hết nghèo

Ai ngờ cũng vậy mãi vương theo

Rừng vàng bạc biển thời yên ổn

Đỡ ít chân trâu lúa vẫn gieo

Biệt phủ nguy nga dân thế lực

Chen chúc chòi tranh chén cháo veo

Đổi thay lối sống thêm tơi tả

Mãi thế kiếp trâu khó gặm bèo …

  Yên Hà

19/4/2024

 

      MƠ HAY MỚ

Bởi đâu thiên hạ hóa ra nghèo?

Cái đói để rồi cứ bám theo

Hạn hán tùm lum sao mạ sống

Mặn phèn cùng khắp lúa khôn gieo

Tây nguyên thấy rõ đeo gùi lép

Nam Bộ nhìn chung vác bụng veo

Cuộc sống nay thời hơn cỏ rác

Còn thua cả nữa sánh chi bèo?

Thái Huy

4/19/24

 

   MỘT CHUYẾN ĐI

Lụp xụp ven sông một mái nghèo

Khách đường ngờ vực hãi hùng gieo.

Im lìm xóm nhỏ buồn lau lách

Lặng lẽ thuyền con dạt cánh bèo.

Kinh rạch ngoằn ngoèo đêm lạnh lẽo

Trùng dương rờn rợn gió vi veo.

Quê hương ngoảnh lại lòng xao xuyến

 Lữ thứ đoàn người bóng nguyệt theo!

  Mailoc

Apr-19-24

 

   CHÚ PHỈNH

         (họa 4 vần)

Tất bật như trâu đâu tránh nghèo?

Chồng cày vợ cấy nợ nần theo

Lũ con nheo nhóc mò ao cạn

Chủ nợ phì phèo xem mạ gieo

Lúa chín đầy đồng bụng cứ lép

Cá bơi ngộp nước mắt mờ nheo

Đổi đời tưởng bở… nông dân bảnh

Chú phỉnh? Trời ơi phận cám bèo

Kiều Mộng Hà

Austin.4.19.24

 

   TẬN DIỆT THAM Ô

Vô Sản chính chuyên phải chịu nghèo

Từ ngày Tư Bản học đòi theo.

Ham tiền nhũng lạm, tai ương đến

Hám lợi làm sằng, khổ nạn gieo.

Quẳng củi mọt sâu, thiêu đốt rụi

Vào lò Bát Quái, cháy tiêu veo...

Điểm son Dân chấm ông nhà nước

Tận Diệt Tham Ô, cứu kiếp bèo!

DUY ANH

04/20/2024

 

    XỨ CHÂU PHI

 Ai đã sang đây mới thấy nghèo*

 Đất cằn cát bỏng khó mà theo

 Dân làng thiếu thốn người sơ học

 Sỏi đá chất chồng giống sao gieo

 Đào  giếng cố xoay còn chẳng thấu

 Lo ăn tắm rửa, chốc xong veo

 Cỏ cây chưa đủ nuôi sinh vật

 Sông nước tìm đâu để vớt bèo !

THIÊN LÝ

*Người từng sống ở PHI CHÂU

 

       ĐỂ KIẾP… 

Số vẫn long đong vướng víu nghèo

Bao lần những tưởng khổ thôi theo

Mong rồi vượt khó nhờ trồng trọt

Ước sẽ lên tầm cậy tưới gieo

Khắc đến giờ đi hoài rộ thắm

Mùa qua tháng lại mãi mơ veo

Bàn tay khéo léo xoay vần cách

Để kiếp mờ căm hết phận bèo

PHƯỢNG HỒNG

 

   VỊNH KIẾP TRÂU

        (Thủ nhất tự)

Thở than ơi hỡi kiếp Trâu nghèo,

Thân béo đời luôn khốn khổ theo !       

Thảm thiết ruộng cày đau đớn chịu,

To đùng xe kéo nặng nề gieo !

Trầm mình cựa quậy nơi bùn đất,

Toét miệng uống thêm nước cát bèo !

Trời đoạ Trâu mang đầy vất vả…

Tiếng đàn chẳng hiểu sách phên veo !

Liêu Xuyên


   BÓNG NẮNG BUỒN 

Sơn lâm chan chứa ánh dương nghèo

Khi nắng vừa lên, chim hót theo

Cả một rừng vàng hoa suối nở

Nguyên dòng thác bạc sóng mây gieo

Vừa nghe đất động bờ non lở

Đã thấy cây gồng đá núi veo

Mơ thực ngàn xưa không khói lửa

Đồi sim sắc tím, nhớ bông bèo...

        Rancho Palos Verdes  21 - 4 - 2024

CAO MỴ NHÂN

 

      CẢNH NGHÈO 

Thương thay hoàn cảnh  của dân nghèo

Chật vật cả đời đói khổ theo

Dãi nắng dầm sương buôn bán sống

Đội mưa chịu gió cấy trồng gieo

Quanh năm đạm bạc cùng rau cháo

Suốt tháng hẩm hiu phận cám bèo

Trí não đơn thuần trâu lá kết

Bao giờ thoát hạn tiễn sầu veo

Hưng Quốc

      Texas 4-21-2024


    Số Nghèo 

Không may số kiếp mãi luôn nghèo 

Cố gắng cày bừa hụt sức theo 

Đất rộng bầu, cam nhà cuốc rải 

Vườn dài quả trái thợ trồng gieo 

Trời khô nước cạn công hư tuốt 

Nắng cháy cây tàn việc hỏng veo 

Cứ tưởng sau mùa buôn bán đắt 

Đành như vốn liếng thả rong bèo 

           Minh Thúy Thành Nội 

            Tháng 4/22/2024