Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                     Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Bụt

Bụt do chũ Phạn Bouddha, có nghĩa là biết: Bụt.

Người Trung Hoa phiên dịch là Phật đà.


Hủ tiếu 

Ở Phnom Pênh, ngừơi Miên gọi món “phở nước” của người Tàu Ku Tíu”. Món “Ku Tíu” này sang nước ta, ta gọi là hủ tiếu. 


A Di Đà Phật

Trong thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có câu: “Thỉnh ông Phật tổ A-Di Đà”. “A” nghĩa là . “Di Đà” có nghĩa là lượng.

A Di Đà Phật là tiếng Phạn, là lời niệm mong khi viên tịch được trở về cõi cực lạc (nguyên nghĩa vô lượng thọ Phật”). 


Cũng là lời chào của những Phật tử trong giao tế.



Câu đối về địa danh

Ra xứ Nghệ, đến quán Hành, uống rượu gừng, chuyện cà riềng cà tỏi.

Đến Đồng Nai, nhớ Kỳ Lừa, ăn thịt chó, ngồi tán vượn tán hươu



Tiền chiến - 1

Lâu nay người ta viết (nói), chẳng hạn, lớp văn nghệ sĩ tiền chiến; tái bản tác phẩm tiền chiến (như văn thơ của Tự Lực Văn Đoàn, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Tiền chiến = trước chiến tranh hẳn là nói: trước chiến tranh với Pháp (1945).


Dường như có những trường hợp không thoả đáng.

Nói Nguyễn Tuân, chẳng hạn, là nhà văn “tiền chiến” chắc là nghe xuôi.  Về tác phẩm, chẳng hạn Chùa Đàn, truyện của Nguyễn Tuân, xuất bản giữa năm 1946. Rồi Đèo Cả, thơ của Hữu Loan ; Chiến sĩ Việt Nam, ca khúc của Văn Cao ; được sáng tác sau 1945 có gọi là những tác phẩm tiền chiến không?


(Khải Nguyên)



Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

Dựa theo cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thì: Dưới ảnh hưởng của cơn bão “mưa Âu gió Á”, bên cạnh sự tồn tại ngàn năm rủ bóng của giá trị cũ thì đầu thế kỷ 20, “những cái Tôi” bắt đầu đảo lộn. Các giai tầng mới ra đời, những hệ lụy văn hóa trộn lẫn.

 

Khi Nguyễn Bính viết “Chân Quê” thì cô gái mặc yếm lụa sồi, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ngày xa xưa ấy đã ít nhiều phấn hương thị thành, trở về soi bóng và khuấy động vẻ tĩnh lặng của giếng làng Khổng giáo. Và trong giao thoa lịch sử ấy, chúng ta cùng tìm hiểu chân dung hai “cô hàng” đầu tiên của làng tân nhạc Việt Nam, một quen thuộc, một lạ lẫm của cái buổi ban đầu ấy…


Đó là “Cô Hàng Nước” của nhạc sĩ Vũ Huyến (bản nhạc được viết khoảng năm 1950 – nguồn Lê Tuấn) “Cô Hàng Cà Phê” của nhạc sĩ Canh Thân.

  (Nhạc sĩ Lê Văn Thương)



Sự xuất hiện của địa danh "Huế" 


Căn cứ dữ kiện về ngôn ngữ chữ Huế xuất hiện trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh, từ chữ Hóa trong địa danh Thuận Hóa.

Hóa biến thành Huế do kị huý, tên ông Nguyễn Nạp Hóa, cháu 6 đời của ông Nguyễn Bặc - công thần của nhà Đinh - tổ của nhà Nguyễn nên Hóa phải đổi thành Huế.


(Nguyễn Gia Kiểm – báo Làng Văn)



Tiền chiến - 2

Nói cho công bằng, không thiên vị, không định kiến, thì cái mốc “1945” đánh dấu những chuyển biến, những thay đổi về tinh thần, về ý thức, về nếp sống, về các mối quan hệ… theo cái hướng “đổi đời” . Được biết cái từ “tiền chiến” vốn khá phổ biến ở miền Nam trước 30-4-1975 thường dùng để chỉ những văn nghệ sĩ và các tác phẩm văn nghệ từng có mặt trước cái mốc trọng đại trong lịch sử đất nước năm 1945. 

(Khải Nguyên)



216 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ  

Ngày xưa, chuyện xẩy ra từ đầu thế kỷ 20, nhưng thế tạm đủ để gọi là ngày xưa được rồi, Vậy thì ngày xưa ấy có một ông cự phú làm giàu nhờ buôn bán thóc lúa vùng châu thổ sông Hồng, ở trong một dinh cơ đường Bến Thóc thành phố Nam Định. Ông lấy nhiều vợ, bà vợ đầu sinh ba cô con gái, cô út nổi tiếng xinh đẹp nhất thành phố, sau này trở thành nàng Tố của Vũ Hoàng Chương. Ở cùng đường Bến Thóc có một chàng bạch diện thư sinh, tôi không dùng sáo ngữ  đâu vì chàng có bộ mặt trắng thật sự, trắng đến nỗi như có thêm sắc xanh lợt tên là Vũ Hoàng Chương con một ông tri huyện.


Chàng Vũ liền trầu cau đi hỏi nàng Tố bé con nhưng nhan sắc, cỡ 15, 16 tuổi. Ông bố nàng từ chối. Bà chị S kể lại có lẽ lý do tài chính: ông bố chê nhà trai nghèo. Thực ra ông đang chờ một mai mối con trai dòng họ Trần, một họ lớn nhiều khoa bảng trong tỉnh. Chàng này vừa tốt nghiệp Polytechnique ở Pháp về, khác hẳn chàng Vũ, khoẻ manh, nét mặt rất đàn ông. Khỏi phải nói thêm cũng biết ông bố thuận gả cô con gái cưng cho họ Trần. Đoàn xe rước dâu đông tới 30 xe hơi, theo tiêu chuẩn hồi đó, là “thứ nhất Bắc Kỳ, thứ nhì Đông Dương”. Đoàn xe để lại trên vỉa hè đâu đó xác pháo tươi hồng và vài chàng thất tình vì người đẹp đã đi lấy chồng, trong đó có chàng Vũ. Nhưng khác với mọi chàng, chàng Vũ biết làm thơ từ nhỏ, bây giờ sự thất tình, như một chất xúc tác kỳ diệu, làm chàng trở thành một thi sĩ lớn của Việt Nam. 


Dĩ nhiên đề tài quan trọng nhất thời kỳ đầu là mối thất tình vì nàng Tố. Ông than ông tiếc ông gọi tên nàng ầm ầm náo nhiệt trong thơ, thí dụ như trong bài “Tháng Sáu Mười Hai”. Mười hai tháng sáu là ngày nàng lên xe hoa về nhà chồng, “Tố của Hoàng ơi Tố của Hoàng, Tố của Hoàng nay Tố của ai...”.  Cần chú giải ngay là Tố không phải là tên thực của nàng, nhũ danh của nàng bắt đầu cũng bằng chữ T nên chàng Vũ phóng tác ra tên Tố.


(Nàng Tố của Vũ Hoàng Chương – Thế Uyên)



Mộng

Đi trong cõi mộng ta đừng mộng
Đứng giữa đất trời chẳng hướng trông
Ngồi đây soi bóng mình qua lại
Nằm ngủ mơ màng nhớ tánh không.



Vũ Ánh: Người cuối cùng rời khỏi tàu - 1

Dường như máu làm thời sự đã nuôi dưỡng Vũ Ánh từ trước khi anh thực sự vào nghề. Năm 1964, ở kỳ thi tuyển vào lớp đào tạo phóng viên đài phát thanh, Vũ Ánh vượt lên hàng đầu vì sự hiểu biết thời sự hơn hẳn nhiều người khi thi vấn đáp. Hôm đó, không ai trả lời được câu hỏi giám khảo Nguyễn Ngọc Linh nêu ra về trận đánh Ấp Bắc. Tất cả đều ‘ú ớ’, trừ Vũ Ánh. Nói Vũ Ánh yêu thời sự là điều không thể phản bác, rõ ràng làm truyền thông mà không thích thời sự, không sống với nó thì nên chọn nghề khác. Tôi nhớ Vũ Ánh nói như thế trong một khoá huấn luyện dành cho phóng viên các đài phát thanh địa phương. 

Sau khi được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn phóng viên truyền thanh, Vũ Ánh tự hướng mình vào những công tác tại mặt trận. Ở đài chúng tôi dù có là phóng viên chiến trường thì cũng vẫn phải làm các lĩnh vực thời sự khác khi được yêu cầu, Vũ Ánh cũng thế và anh có thể “đóng” nhiều vai. Thời Vũ Ánh khởi sự làm phóng viên chiến trường, không quân VNCH vẫn còn sử dụng trực thăng H34, chưa có UH 1. Vũ Ánh đi rất nhiều và có nhiều cái Tết ra tiền đồn đón Xuân với lính, cùng nghe pháo địch và làm phóng sự. 

(Nguyễn Mạnh Tiến, cựu Phóng viên Đài Phát thanh Sài Gòn)



Mộng

Một hôm mộng thấy... 

Kệ!



Vũ Ánh: Người cuối cùng rời khỏi tàu - 2

Vũ Ánh là một trong ba phóng viên dân sự của Hệ thống Truyền thanh Quốc gia đã tốt nghiệp và có bằng nhảy dù của Quân lực VNCH. Có bằng dù vào giai đoạn chưa ai khoác áo lính như thế mới “hách”. Tôi nhớ ông Lê Phú Nhuận sau đó đã có bài phóng sự rất hay “Tôi Học Nhảy Dù”. Ngày ba ông bạn Vũ Ánh, Lê Phú Nhuận, Dương Phục nhảy ‘saut’ đầu tiên, tôi tình nguyện đợi ở bãi nhảy để chụp ảnh một bầu trời đầy hoa dù. Nhớ lại những kỷ niệm cũ, bâng khuâng đến kỳ lạ. Dẫu đã nửa thế kỷ, những kỷ niệm của đời phóng viên vẫn chợt hiện. 

Vũ Ánh không có số làm phóng viên lâu dài và đã có thể trở thành người cầm súng theo đúng nghĩa của từ đó. Có đến một nửa anh em phóng viên Đài Phát Thanh Saigon bị động viên khoá 5/69 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Sau giai đoạn 1 ở Quang Trung và gần xong 8 tuần huấn nhục ở Trường Bộ binh Thủ Đức, chúng tôi từng nghĩ, từ nay sẽ thực sự sống cuộc đời nhà binh vì qua giai đoạn căn bản quân sự mà không được về, được chuyển lên Thủ Đức thì chắc sẽ học đến khi ra trường. Thời gian đó những chuyên viên tối cần thiết ở cả lãnh vực công hoặc tư có thể được động viên tại chỗ hoặc biệt phái ngoại ngạch. Song rất bất ngờ, mười mấy người chúng tôi, vừa phóng viên, vừa chuyên viên kỹ thuật đột nhiên nhận được lệnh trở về trình diện nhiệm sở cũ là Đài Phát Thanh Saigon, Hệ thống Truyền thanh Quốc gia. Chúng tôi được trở về làm công việc chuyên môn dân sự như trước. 

(Nguyễn Mạnh Tiến, cựu Phóng viên Đài Phát thanh Sài Gòn)



Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 1

Sẽ có bao nhiêu thế hệ học trò chỉ biết đến chiến tranh thông qua những sách giáo khoa lịch sử...? Lịch sử ấy sẽ ra sao? Văn chương ấy sẽ ra sao? Các nhà phê bình chính thống, hưởng bổng lộc của chế độ từng có chung nhận định, rằng văn học chiến tranh ở xứ ta đến giờ vẫn chưa có tác phẩm ngang tầm với những cuộc chiến mà dân tộc vừa mới trải qua. Tóm lại là chưa có tác phẩm xứng với những cuộc chiến. Chà! Ngợi ca thế vẫn còn chưa đủ chăng? Hay là họ muốn có những tác phẩm kiểu như Chiến Tranh và Hòa Bình của Lép Tônxtôi? Họ không hiểu nguyên nhân tại sao, trong khi nhà văn ta đông thế, tài thế, lại “trưởng thành” từ những cái nôi chiến tranh nhiều thế, được học tập, rèn dũa “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” kĩ thế... Nhiều lúc tôi tự hỏi, rằng không hiểu sao cái nền văn học gọi là “lọt sàng xuống... sông” này vẫn còn cần đến những tác phẩm như thế để làm gì nhỉ? Chẳng phải văn học xưa nay chỉ dùng để tuyên truyền, giáo dục (theo một chiều duy nhất đúng) đấy thôi?

Thì ra, để chuẩn bị cho “hội nhập”, người ta cũng cần phải “rửa mặt” một tí với văn chương. Dạo ấy, người ta (nghiến răng) trao giải thưởng, rồi lu loa rầm rĩ về một cuốn tiểu thuyết được coi là “giọng điệu lạ”, “cái nhìn lạ”... về cuộc chiến tranh (?). Đến nỗi bác hàng xóm thương binh cụt chân của tôi sống bằng nghề đan sọt để hót phân nghe đồn, sang nhờ tôi tìm mua cho bằng được. 

Vậy mà đọc xong, bác thương binh ấy chỉ thở dài buông một nhận xét kinh hồn: “Những kẻ ca ngợi chiến tranh là không có lương tâm. Riêng cái này không thấy ca ngợi. Nhưng viết như thế này thì cũng chỉ mới thấy có lương mà chưa hẳn đã có tâm”. 


Té ra “nó” chẳng qua chỉ là một chén nước xà phòng, dùng để “rửa mặt” cho một nền văn học lối mòn, chuyên nói a dua mà thôi. Cái gọi là “lạ” ấy đã nhanh chóng tan biến vào biển cả của sự quên lãng. 

(Phạm Lưu Vũ)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Đừng tự hào vì mình nghèo mà giỏi,

Hãy tự hỏi sao mình giỏi mà vẫn nghèo.



Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 2

Cũng may là văn chương muôn đời, văn chương tồn tại không chỉ nằm trong số những tác phẩm được cấp giấy phép lưu hành, không chỉ của các “nhà...” trong Hội Nhà Văn. Trong không khí thơm phưng phức của văn chương từ trong Hội Nhà Văn tiết ra, tôi lại phải dẫn ra đây một nhận xét khác của bác thương binh cụt chân đan sọt ở trên. Bác trỏ tay vào cái chân cụt mà nói, nguyên văn như sau:
“Tôi không những là nhân chứng của cuộc chiến, mà còn là độc giả của những nhà văn, nhà thơ viết ra những thứ giả dối, ca ngợi sự đểu giả, ca ngợi chiến tranh theo một chiều duy nhất ấy đấy. Là nhân chứng, tôi khinh bỉ. Là độc giả, tôi thất vọng.”

Còn nhiều người khác tuy không có lương nhưng có tâm, vẫn ngày đêm miệt mài viết về sự thật, dù những sự thật ấy còn ở trong bóng tối, còn phải cất dưới hầm sâu.
Tác giả đó là Vũ Ngọc Tiến. Tôi tình cờ được đọc ông trên mạng internet. Tác phẩm đầu tiên tôi muốn kể đến là truyện ngắn có cái tên: Vị Phồn Thực”. Bỏ qua những vòng vo dẫn truyện, điều đầu tiên đập thẳng vào trái tim người đọc là sự tuyên chiến với cái giả dối. 

Ông bắt đầu viết về cái đói của những người lính như thế này:
Trên hồ sơ báo tử từ mặt trận gửi về Bộ Quốc Phòng chỉ ghi lạnh lùng hai chữ sốt rét. Nhưng xin các ông bố bà mẹ, những người vợ hiền ở hậu phương thời ấy biết cho, lũ lính chúng tôi sốt rét ít thôi, đa phần là chết đói. Đói vì mấy ông chỉ huy hám thành tích, vững lập trường “tự lực cánh sinh”, chỉ nhận người và vũ khí, còn lương thực xin cấp trên cho được tự túc... 

(Phạm Lưu Vũ)



Lê Hữu Mục - 1

- Khi khảo sát một tác phẩm, phải cẩn thận, tốt nhất là giới hạn lại cái câu: Chữ này viết sai, phải là thế này. Chắc bản khắc đã lầm, chắc người sao chép đã lộn. Anh Mục nhấn mạnh nhiều lần với tôi: Không gì dễ dàng bằng nói người xưa sai. Họ không cãi được mà người đời nay không bao nhiêu người có thể biện hộ giùm cho họ. Đó mới là điều nguy hiểm vì phần nhiều ta chưa xét đến hết mọi mặt, kết luận chữ đó sai chính thật là ta sai. Cụ Đào Duy Anh mắc lỗi này dầu rằng sở học của cụ thiệt là uyên bác! 


- Nên chú ý đến cổ ngữ, cổ âm…:  Xét thơ xưa, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồng Đức, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm… phải chú ý đến giọng đọc xưa, lối nói xưa. Cố gắng quên mình là người bây giờ với cách nói, cách suy nghĩ bây giờ của thế kỷ 20, 21, mà đặt mình vào thời cách đây năm sáu thế kỷ, nhứt là để ý đến những nhóm chữ Hán mà người xưa dịch ra tiếng Việt. Không hiểu từ mà họ dịch thì ta không thể nào hiểu được chữ Nôm đó… 

(Nguyễn Văn Sâm)



Mộng

Trần gian vốn là mộng
Thực hư cũng là mộng
Say mộng hay tỉnh mộng
Đều là mộng mà thôi.



Lê Hữu Mục - 2

Tiểu sử

Lê Hữu Mục sinh ngày 24 tháng 11 năm 1925 tại làng Lưu Phương, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. 


Học vấn
Cử Nhân, Văn Chương Pháp, Đại Học Hà Nội, 1950..
Cao Học, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Đà Lạt, 1960.
Tiến Sĩ, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Sài Gòn, 1970

Dạy học
Giảng Viên Đại Học Huế, Viện Nghiên Cứu Nôm Học, 1958-1963
Giảng Viên Đại Học Huế, Văn Khoa
Giáo Sư Đại Học Sàigòn (Sài Gòn), Giám Đốc Viện Nghiên Cứu
Giáo Sư, Quốc Học, Huế, 1952-1957


Tác phẩm
Thân thế và Sự nghiệp Nhất Linh (giáo khoa, 1955)
Nhận định về Đoạn Tuyệt (biên khảo, 1955)
Luận đề về Khái Hưng và Hoàng Đạo (giáo khoa,1956)
Lĩnh Nam Chích Quái (1959)
Việt Điện U Linh Tập (1960)
Quân Trung Từ Mệnh Tập (1960)
Ức Trai Thi Tập (1961)
Lịch Sử Văn Học Việt Nam, (biên khảo, 1968) v…v… 

  

(Phan Anh Dũng)


Mộng

Một hôm mộng thấy:
- Giàu sang tột đỉnh
- Quyền cao chức trọng
- Hạnh phúc tràn đầy...

Giật mình tỉnh giấc: ta vẫn là ta

Buồn



Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt

Sau tháng Tư 1975, tôi có dịp gặp gỡ các văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào Nam. Những cuộc “gặp” lẫn “gỡ” này, cái đinh đóng vô đầu, vui ít buồn nhiều. Vui, là gặp được những người mình từ lâu mong đợi gặp. Lại khá bàng hoàng khi đụng phải những nhà văn nhà thơ từng là các tác gia được “vang bóng một thời”, nay trở thành những cán bộ tuyên truyền, “Nói mãi không thôi những điều dân miền Nam nghe muốn ói”.


Thật hạnh ngộ khi chúng tôi được gặp nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu Tím Hoa Sim, cùng một số vị trong vụ án Nhân văn – Giai phẩm [1], những năm từ 1957 về sau, trên đất Bắc.

Những người bị chế độ đương thời bắt bớ, tù đày là hầu hết những văn nghệ sĩ có chủ trương, qua tác phẩm công khai của mình trên báo chí, mục đích chống lại đường lối cai trị độc đoán, đàn áp tư tưởng, thủ tiêu quyền tự do sáng tác.


Nhớ, hôm gặp Văn Cao trong một đêm nhạc Sàigòn chào mừng ông. Ông sinh năm 1923, lúc chúng tôi gặp ông, ông chỉ vừa độ tuổi 60, nhưng quá gầy yếu, mái tóc đã trắng phau, lưng còng, trông như một cụ già gần chín mươi tuổi. Ông rất vui, lại đầy nước mắt, khi nghe-nhạc-của-mình-được-hát, với đầy lòng thương yêu và kính trọng của người Sàigòn.


(Cung Tích Biền)


Mộng

Một hôm mộng thấy :
- Nợ nần bủa vây
- Bệnh hoạn tật nguyền
- Tai họa triền miên...


Giật mình tỉnh giấc: ta vẫn là ta

Mừng



Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 1

Cuối năm 1956, nói đến báo Nhân Văn và tập Giai Phẩm, ông Hồ đã chỉ thị: "Đó là những hạt giống xấu gieo trên miếng đất của những tư tưởng sai lầm". Theo chỉ thị miệng của ông Hồ, Tố Hữu tuyên bố: “Nhân Văn Giai Phẩm là những hạt giống xấu, phải dọn lại đất cho tốt”. Tố Hữu thực hiện ý nghiã thâm sâu của cuộc thanh trừng: “Nhổ cỏ phải nhổ tận rễ”.

     

Sau này Trường Xuân đến họp ở đại hội nhà văn cho hay ông Hồ cũng có "cảm tình" với Nhân Văn và nói không nên dùng dao mổ trâu để giết gà. Trường Xuân đã phản ảnh chỉ thị ở “cấp trên cùng”, bởi không ai dám “bịa” một chuyện như thế về ông Hồ dưới thời đại Hồ Chí Minh. Đã từ lâu, nhiều người trong nhóm hùa theo Tố Hữu “đánh” nhóm Nhân Văn Giai Phẩm rất mong muốn Tố Hữu hãy xin lỗi anh em Nhân Văn Giai Phẩm lấy một tiếng. Như nhà viết kịch Bửu Tiến đã làm trong một đại hội nhà văn. Gần đây nhiều anh em văn nghệ đã hùa theo Tố Hữu “đánh” anh em Nhân Văn Giai Phẩm hồi ấy, nay đã nhận sai lầm, họ đã đến từng nhà xin lỗi từng người. Cho lòng mình nhẹ nhõm, cho lòng bạn nhẹ nhõm. Nhưng Tố Hữu đã không làm.


Hãy thành thật và sòng phẳng với những sai lầm trước đây của mình. Trong “Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu”, tác giả Nhật Hoa Khanh đã viết: “Không thấy lời nhận lỗi hoặc xin lỗi những nạn nhân trước đây của mình, ai cũng được Tố Hữu đánh giá rất cao, rất tốt đẹp, chỉ thấy khen là khen. Những thế hệ bây giờ không biết chuyện cũ, cứ tưởng ông Tố Hữu rất tốt với mọi người, ông không thù ghét ai, làm sao ông Tố Hữu lại có thể đánh những tài năng văn nghệ như anh em Nhân Văn Giai Phẩm?”.


(Gặp nhà thơ Tố Hữu tại 76 Phan Đình Phùng - Nhật Hoà Khanh)



Một câu hỏi chưa được trả lời - 1


Ông Trần Duy (1), hoạ sĩ, nhà báo, và thư ký toà soạn của 5 số báo Nhân Văn, là một trong những người trực tiếp tham gia và trở thành nạn nhân của vụ Nhân Văn Giai Phẩm. 

Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ im lặng, ông công khai đưa ra cái nhìn hồi tưởng của mình về sự việc này. Chúng tôi tin rằng bài viết của ông sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích không phải chỉ cho việc đánh giá quá khứ mà còn cho nhận thức về những sự kiện đang diễn ra tại Việt Nam hôm nay. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả. (talawas)


***

Từ khi tôi rời nhà trường phổ thông trung học và gia đình, có một nơi không bao giờ phụ tôi, lúc nào cũng an ủi tôi và vực tôi dậy. Đó là mỹ thuật! Không có mỹ thuật, không có cái đẹp. Cái đẹp ấy đúng là cái cuống rốn đã thay mẹ tôi nuôi dưỡng tôi và cho tôi tiếp xúc với cuộc sống, với con người.. Tôi thành người, thành một người yêu đất nước, yêu dân tộc chính là nhờ mỹ thuật. Vì ngay cái chủ nghĩa yêu nước của tôi cũng là chủ nghĩa yêu cái đẹp của đất nước, con người của đất nước mà thôi.


(Trần Duy)


(1) Trần Duy tên thật là Trần Quang Tăng, nguyên quán thôn Lục Lễ, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; sinh ngày 20-7-1920. Ông là Thư ký Tòa soạn báo Nhân Văn và trên báo Nhân Văn đã đăng bài phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (số 1), Giáo sư Đào Duy Anh (số 2). Ông mất năm 2014 tại Khâm Thiên, Hà Nội.



Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ  - 2

Nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng, nhà văn tướng quân Trần Độ trưởng ban Văn Hoá Văn Nghệ của đại hội đảng lần VI, tổng bí thư là ông Nguyễn Văn Linh, người đã giúp ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố những câu đáng ghi vào lịch sử văn nghệ: “cởi trói cho văn nghệ sĩ” “các văn nghệ sĩ hãy tự cứu lấy mình” “không bẻ cong ngòi bút” “trình bày sự thật”...v..v... Trong cái không khí cởi mở ấy của Nghị quyết 5/BCT về văn học nghệ thuật, nhà văn Trần Độ đến gặp Tố Hữu và hỏi ông về thái độ đối với anh em Nhân Văn Giai Phẩm bấy giờ.

Tố Hữu với giọng trọ trẹ xứ Huế đã nói:

- Rất tiếc! Rất tiếc! Hồi ấy tôi đã không tiêu diệt hết chúng nó đi.


(Gặp nhà thơ Tố Hữu tại 76 Phan Đình Phùng - Nhật Hoà Khanh)



Một câu hỏi chưa được trả lời - 2


(chùa Bút Tháp. lụa. 

tranh họa sĩ Trần Duy)


Gia đình tôi là một gia đình phong kiến suy tàn, tôi mang theo cái buồn của sự suy tàn ấy mong tìm một lối thoát và trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương là cánh cửa thoát nạn của đời tôi. Những sự rủi ro vẫn đeo đẳng tôi từng bước… Cách mạng lên, cha tôi bị bắt (sau cha tôi được tha là nhờ cụ Huỳnh Thúc Kháng can thiệp). Tôi đang học bị mất nguồn tài trợ gia đình. Chính phủ Pháp bị Nhật lật đổ, tiền học bổng của tôi cũng bị cắt. Tôi học đến năm thứ 3, trường Mỹ Thuật Đông Dương không còn nữa, do đó khóa học của tôi cũng dở dang.


Tôi gặp anh Lê Hữu Kiều là hướng đạo sinh, anh giới thiệu tôi vào Việt Minh. Dưới sự điều động của Thành Bộ Việt Minh Hà Nội, tôi được giới thiệu vào đảng Dân Chủ. Lúc ấy tôi không có ý thức gì về đảng phái, tôi chỉ cần một tổ chức giúp tôi làm việc, đóng góp khả năng của tôi phục vụ đất nước. Ông Hoàng Minh Chính điều động tôi làm công tác mua vũ khí cho Việt Minh. Tôi liên lạc với quân đội Nhật tù binh của Đồng Minh, tiếp đó là với lính Tàu Tưởng đóng ở Hải Dương để mua một số lượng vũ khí khá nhiều, được chở về Hà Nội cho ông Hoàng Minh Chính.


Đến ngày toàn quốc kháng chiến, ông Hoàng Minh Chính điều tôi vào bộ phận quyết tử quân đánh trường bay Gia Lâm mà ông là người chỉ huy. Tôi tham gia cùng ông và các ông Đặng Việt Châu, Lê Minh Nghĩa trong mấy trận tập kích cho đến trận cuối cùng, ông Hoàng Minh Chính bị trọng thương, mọi người tin là ông đã chết tại sân bay. Tôi mang chiếc ví, bút máy và giấy tờ kỷ niệm mà ông Hoàng Minh Chính trước khi ra trận ủy tôi mang đưa lại cho vợ ông là bà Hồng Ngọc; tôi đến gặp bà Ngọc tại trạm cứu thương Vân Đình trao những kỷ vật trên và báo tin anh Chính đã bị tử thương. Bà Ngọc vừa khóc vừa cười bảo tôi: “Anh Chính còn sống và đang nằm điều trị ở đây”.


Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 3

Những lời buộc tội
Để biết rõ cuộc chỉnh huấn ở ấp Thái Hà về nhóm Nhân Văn, chúng ta nên đọc qua bài viết của người trách nhiệm cấp lãnh đạo trong trường: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi….

Tố Hữu "vạch mặt" những "tên phản động":

"Chúng là những tên phản trắc, có kẻ như Phan-Khôi một đời đã năm lần phản bội tổ quốc, kẻ đã từng phục mạ “người An-nam là chó, và đã là chó thì phải ăn cứt” để “thuyết phục” người khác đầu hàng địch, mà vẫn tự cho mình là “học giả tiết tháo”, và được kẻ đồng bọn phong cho là “anh hùng của ba trăm nô lệ” 


Chúng là những con buôn "mác-xít", "cách mạng" đầu lưỡi như Trương-Tửu, Trần-Đức-Thảo mà thực chất là những tên tơ-rôt-skit vô tổ quốc đã từng nấp dưới nách của địch chống lại cách mạng, suốt đời thù ghét những người cộng sản và tất cả những ai tin yêu. Chúng là những kẻ đầu cơ cách mạng, như Nguyễn-Hữu-Đang. Trên thực tế, rõ ràng chúng đã làm như những tay sai của địch thực hành kế hoạch phá hoại của Mỹ-Diệm ở miền Bắc là “chống cộng trong lòng cộng".

Cuối cùng, Tố Hữu nhấn mạnh đến sự kiện:

"Cuối năm 1956, nói đến báo Nhân Văn và các tập Giai Phẩm, Hồ Chủ Tịch đã chỉ rõ: "Đó là những hạt giống xấu gieo trên miếng đất của những tư tưởng sai lầm". Bởi vậy, vấn đề không phải chỉ là vứt bỏ những hạt giống xấu, mà còn là dọn lại đất cho tốt.

(Thụy Khuê)



Một câu hỏi chưa được trả lời - 3

Ban chỉ huy đánh trường bay Gia Lâm giải tán, ông Đặng Việt Châu giới thiệu tôi với ban chỉ huy Khu 10 lúc đó đóng ở Tuyên Quang – Phú Thọ. Khoảng cuối 1946 đầu 1947 tôi đến ban chỉ huy Khu 10 gặp ông Song Hào và được điều vào làm tại ban địch vận. Tôi tham gia những chiến dịch ở Khu 10, viết, vẽ cho báo Sông Lô, được giới thiệu làm việc cùng ông Đặng Văn Việt, người chỉ huy chiến dịch đường số 4. Sau chiến dịch Điên Biên Phủ tôi được cử về Tuyên Quang cộng tác với ông Chiến Sỹ, một trí thức người Đức tên là Erwin Borchers, bỏ hàng ngũ quân đội Pháp sang tham gia kháng chiến từ thời kỳ bí mật. Ông là người phụ trách trại tù binh Pháp ở Núi Cố, tôi là phiên dịch. 


Vào khoảng tháng 3 năm 1950 ông Nguyễn Huy Tưởng nhận tôi về Hội Văn Nghệ Việt Nam. Cùng thời kỳ ấy Cục trưởng Cục Quân Y là bác sĩ Vũ Văn Cẩn có đề nghị đưa tôi về giúp ông Từ Giấy trình bày và vẽ cho báo Vui Sống, tuyên truyền cổ động cho phong trào vệ sinh phòng bệnh. Năm 1950 Hội Văn Nghệ cử tôi và một số cán bộ của hội tham gia đoàn cải cách ruộng đất tại Yên Thế, Bắc Giang. Những điều tôi chứng kiến ở các buổi đấu tố, về cách xử án, cách đối xử với các đối tượng bị quy là địa chủ, khiến tôi không mấy đồng tình và từ đó trong tôi đã có những suy nghĩ không hay về cải cách ruộng đất. Do đó tôi bị thải hồi và giao trả về Hội Văn Nghệ với án kỷ luật: chống cải cách ruộng đất.

(Trần Duy)



Lan man chuyện “Họ”… và tên

Cũng xin mở ngoặc thêm một tí (gọi là lan man mà). Các nhà sử học đã từng làm cho dân ta tự hào về một nhánh của họ Lý, do một hoàng tử (Lý Long Tuờng) đời Lý xiêu dạt sang Triều tiên từ thế kỉ 12, có đời đã từng làm tới chức tể tướng ở bên ấy. 

Vậy tưởng cũng nên công bằng với một vị hoàng tôn lừng lẫy đời nhà Trần sau đây. Ấy là vào khoảng những năm 1360-1366, con trai vị “Quốc Vương” bán nước Trần Ích Tắc, tên là Trần Hữu Lượng theo người cha (hèn) chạy sang Tàu. Vào cuối đời nhà Nguyên, Trần Hữu Lượng đã dám chiêu tập binh mã, tranh nước với Chu Nguyên Chương - vị vua lập nên triều đại nhà Minh (mà ông suýt thắng Chu Nguyên Chương nếu không bị phản bội)


Người viết không hiểu tại sao Trần Hữu Lượng khi lập nước (ở bên Tàu) lại đặt tên cho triều đại mình là nhà “Hán”? Trần Hữu Lượng đâu phải người đất Hán? Lại cũng không gọi theo họ (là nhà “Trần” chẳng hạn?). Điều này phải chăng có liên quan đến giấc mơ của vua Trần Thái Tông trước khi sinh hoàng tử Trần Ích Tắc, cho rằng Ích Tắc là người phương Bắc đầu thai? Mặc dù nhà “Hán” của Trần Hữu Lượng tồn tại ngắn ngủi có bảy năm (giống nhà Hồ). Song cũng phải công nhận ông là một bậc anh hùng cái thế. Nói (dại) chứ nếu (chẳng may) mà ông đánh bại Chu Nguyên Chương, chiếm lấy ít ra thì cũng từ phía nam sông Dương Tử, hoặc thậm chí toàn cõi Trung Hoa, thì lịch sử cũng như cương thổ giữa nước ta với nước Tàu ngày nay hẳn sẽ khác đi rất nhiều.

(Phạm Lưu Vũ)


Đĩ 

Thành ngữ, ca dao ta có rất nhiều câu ám chỉ bọn gái đĩ già mồm. Sau những trận chơi cho thủng trống tầm bông, cho toác toạc toàng toang, các ông núp sau lưng vợ, lên mặt đạo đức khuyên các cô làm đĩ chín phương, để một phương lấy chồng. 

Kẻ ít học cũng a dua nói leo vài câu vô nghĩa: 

Đĩ xơ đĩ xác, đĩ xạc đĩ xờ
Đĩ ở trên bờ, đĩ lặn xuống ao. 

  

Có người ra mặt chê nhưng đúng hơn là ganh tị với đĩ: Làm đĩ có tàn, có tán, có hương án thờ vua, có chuông chùa niệm Phật

  (Xướng ca vô loài – Nguyễn Dư)



Thân phận nàng Kiều ba chìm bẩy nổi 

3. Thế hệ Chu Mạnh Trinh (1862-1913): Kiều được nhìn nhận như một cô gái nhỏ bé đáng thương, đồng hóa thân phận Kiều với tác giả, phê bình Kiều với thái độ nghệ sĩ, giàu cảm tính rất tài tử mà tiêu biểu là Chu Mạnh Trinh Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu…đã toan đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên.

4. Thế hệ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh (1913-1932): Kiều được tôn xưng là tài hoa. Phạm Quỳnh còn đi xa hơn nữa muốn truyện Kiều là Thánh Kinh, là Phúc Âm của cả một dân tộc. Tâng bốc lên tận mây xanh, nên Phạm Quỳnh bị kết tội là học phiệt, bị Ngô Đức Kế mỉa mai nước Việt Nam là Kim Vân Kiều Quốc.

5. Thế hệ Tự Lực Văn Đoàn (1932-1945): Lúc này xuất hiện nàng Loan trẻ trung sôi nổi trong Đoạn Tuyệt, nàng Mai dịu dàng dằm thắm trong Nửa Chừng Xuân, nên Kiều trở thành một bà già lẩm cẩm chẳng còn ai tơ tưởng tôn xưng nàng thành thần tượng nữa.

6. Thế hệ sau 45: Kiều bị đem ra đấu tố trước tòa án nhân dân, bị kết tội là phản động, đồi truỵ, bị đem thiêu đốt.

7. Thế hệ sau 54: Kiều đầu thai. Ở miền Bắc nàng bỗng trở thành một cô gái vô sản. Ở Miền Nam, nàng là một cô gái hiện sinh dám dấn thân, dù suốt mười lăm năm là những tháng ngày buồn nôn. 


Và hai nàng Nam và Bắc hơn 20 năm gườm nguýt nhau, chửi bới nhau không thương tiếc!


(Khuất Đẩu – Nàng là ai, hỡi Thúy Kiều)



Thành ngữ tục ngữ… sai 

Chọc cứt ra mà ngửi 

Ý nói: Bới việc xấu ra.

Lời giải thích chung chung và quá đơn giản. Ý câu này chê trách, phê phán ai đó hay bới móc chuyện xấu, việc xấu của người ta thì trước hết tự mình dễ bị mang tiếng là bụng dạ xấu xa, hẹp hòi chuốc lấy phiền hà cho chính bản thân.

(Hoàng Tuấn Công)



Phạm Duy và 10 bài tục ca

Để biết một cách cặn kẽ nội dung của 10 bài tục ca không có cách gì khác hơn là phải nghe qua những bài hát này [1]. Về mặt tiết điệu, Phạm Duy viết tục ca bằng nhiều thể loại, từ dân ca hay qua lối kể chuyện đến rock, blues và đến cả loại nhạc mà ông gọi là “quốc ca” (tôi nhấn mạnh, hai chữ này phải để trong ngoặc kép)


Hình thức ca từ trong tục ca của Phạm Duy rất đa dạng nhưng nổi bật hơn cả là rất tục tĩu. Có những bài quá sỗ sàng trong cách dùng chữ, chẳng hạn như dùng huỵch tẹt một số từ ta thường nghe hoặc chửi thề một cách không ngượng miệng.

Bạn đọc sẽ tìm thấy trong 4 tục ca cuối cùng (từ số 7 đến số 10) cả một kho từ ngữ trần trụi đến đến độ sỗ sàng, “khó nghe”. Tôi không tiện nhắc lại những từ ngữ đó, làm như vậy sẽ mất đi tính nghiêm túc của bài phân tích, dù là phân tích về… tục ca. 


(Nguyễn Ngọc Chính)


      Tục ca số 7: Nhìn lồn

      Tục ca số 8: Em địt 

      Tục ca số 9: Chửi đổng 

      Tục ca số 10: Cầm cặc


Trở lại tuổi thơ cùng Lucky Luke 


Họa sĩ Morris và những bàn vẽ trong Lucky Luke



Chân dung Lucky Luke 

do Morris phác họa



Lucky Luke qua nét vẽ và chữ ký của họa sĩ Morri

(Nguyễn Ngọc Chính)



Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

The Big Story


The big story.  Nguồn: bibl.u-szeged.hu & loc.gov


Chín năm sau Tết Mậu Thân, hai năm sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, “The Big Story” ra mắt độc giả Hoa Kỳ. Cuốn sách mang tựa đề “The Big Story: How the American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tet 1968 in Vietnam and Washington” do Westview Press xuất bản lần đầu năm 1977, và Yale University Press tái bản lần thứ 2, và thứ 3 năm 1983 và 1986. Ấn bản sau cùng, 632 trang, do Presidio Press phát hành năm 1994.


The Big Story góp một phần không nhỏ làm sáng tỏ trang lịch sử Mậu Thân lấy dữ kiện thay cho ấn tượng, thay lời phỏng đoán bằng những phân tích không thiên vị. Cuốn sách là một nghiên cứu đồ sộ về vai trò của giới truyền thông trong sự kiện quân sử quan trọng của Việt Nam.

Công việc sau cùng của Peter Braestrup (1929-1997) (7), tác giả “The Big Story”, là Biên tập viên thâm niên và Giám Đốc Truyền Thông của Thư Viện Quốc hội Hoa Kỳ. Trước đó Braestrup là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại Korea, là phóng viên kinh nghiệm ở chiến trường Algeria và Việt Nam.


(7) Peter Braestrup (1929-1997) – Journalist; Time magazine 1953-1957; New York Herald-Tribune, 1957-1959; Nieman Fellow at Harvard University 1959-1960; New York Times, 1960-1968; Saigon bureau chief, Washington Post, 1968-1973; Woodrow Wilson International Center for Scholars, 1973-1989; founded the Wilson Quarterly, 1976; Senior Editor and Director of Communications, Library of Congress, 1989-1997. Online: http://snipurl.com/20tgl [www_lbjlib_utexas_edu], February 15, 2008.

(Trần Giao Thủy)



Đèn Cù

(Tự truyện của tác giả Trần Đĩnh)

Những suy tư, thao thức của tác giả được trình bày riêng, bên ngoài lời kể các sự kiện. Người viết không thêm thắt tình cảm, suy tư, phê phán, như thêm mắm muối, tiêu, hành, vào cho món ăn thêm mùi vị. Như khi ông thuật lời nhà báo Tiêu Lang đã chứng kiến cảnh mấy anh du kích đặt cái xác bà Nguyễn Thị Năm vào áo quan, áo quan nhỏ quá không vừa. Mấy anh bèn đứng lên trên xác bà đẩy cho lọt xuống. “Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ.” 


Hay khi ông kể chuyện về họa sĩ Phan Kế An, một trong bốn năm người cùng phụ trách báo Sự Thật lúc đầu. “Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À, cái Z. tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ ông cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy Z. đến nữa. Chắc ‘máy’ cụ yếu, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến ‘gu’ của cụ.” Trần Đĩnh cũng nhớ trong lớp học “chuẩn bị cải cách ruộng đất” tháng Bảy năm 1953, “Cụ Hồ đến giảng cách nhật, có lúc cụ đùa hô lên trong hội trường Hồ Chí Minh Muốn Nằm!” “Rồi tay chỉ vào đầu [nói]: Từ đây thì Bác già, nhưng từ đây (tay chỉ vào bụng) thì Bác trẻ.”


Trần Đĩnh kể chuyện vợ nhà thơ Lê Đạt, ông bị đưa đi lao động “cải tạo” vì tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Người đàn bà mang tội là “vợ Nhân Văn”… bị “cơ quan, tập thể liên tục ép bỏ chồng” nhưng bà không bỏ.  “… Những đêm giá buốt Thúy diễn kịch ở Hải Phòng, Đạt từ chỗ lao động cải tạo xuống tìm vợ. Không có giấy chứng minh nhân dân, Đạt không thuê được nhà trọ, hai đứa ngồi ghế vườn hoa suốt đêm nghe còi tàu thủy hú thi với gió biển.” Một câu văn ngắn cho chúng ta sống cả một đêm dài nghe tiếng tầu thủy vang vọng trong tiếng gió hú. Tác giả đóng vai một nhân chứng, một người quan sát, chỉ thuật lại những gì mình nghe, mình thấy. 

(Ngô Nhân Dụng)



Những chiếc xe mì của quá khứ

Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ, mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn. Trên đó để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm, lon “guigoz” đựng muỗng đũa. Ông bà nào dân Việt thuần tuý đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.

 

Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích văn hóa Trung Hoa. Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc như nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm, mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát tiên phó hội, Bát tiên quá hải, Tôn ngộ không, Thất hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn thuỷ…

 

Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt hoài.

Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè, đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.

 

(Đỗ Duy Ngọc)


***


Phụ đính I


40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi 

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn 

Tổng hợp từ nhiều nguồn)


Nguyễn Tất Nhiên 

(1952-1992)

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30-5-1952 tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, Biên Hoà..

Ông là một thi sĩ bẩm sinh, tài hoa, suốt đời cuồng nhiệt, đam mê với thơ, đặc biệt là thơ tình. Biết làm thơ từ rất sớm: Mới 14 tuổi (1966,) đã có tập thơ đầu tay “Nàng Thơ Trong Mắt” và hai năm sau, 16 tuổi (1968,) viết tiếp tập thơ“Dấu Mưa Qua Đất” .

Năm 1970, ông tự ấn hành tập thơ“Thiên Tai,”lần đầu tiên lấy bút danh Nguyễn Tất Nhiên. Năm 1978, ông vượt biên và định cư tại Pháp. Tại đây, nhà xuất bản Sud-Asie đã ấn hành tập“Thơ Nguyễn Tất Nhiên” gồm những bài thơ sáng tác từ 1970 – 1980. Sau đó, ông sang Hoa Kỳ, định cư tại Nam California, tiếp tục sáng tác thơ, cho ấn hành các tập thơ“Chuông Mơ” (NXB Văn Nghệ,1987,)“Tâm Dung”(NXB Người Việt, 1989,)“Minh Khúc” (1990, đã hoàn tất bản thảo, phổ biến hạn chế.)


Ông mất ngày 3-8-1992 tại California.


***


Phụ đính II


Về cái chết của Cao Bá Quát

Sử nhà Nguyễn cho rằng Cao Bá Quát đã làm quân sư cho Lê Duy Cự. Triều đình phái binh tiễu trừ. Quân khởi nghĩa bị tan rã. 

Có thuyết cho rằng Cao Bá Quát bị bắn chết tại trận tiền năm 1854. Cũng có thuyết cho rằng Cao Bá Quát bị bắt và bị xử tử hình năm 1855. Triều đình đã ra lệnh tru di tam tộc gia đình họ Cao. Anh ông là Cao Bá Đạt đang làm tri huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bị bắt giải về kinh và giữa đường tự tử. Cháu ông là Cao Bá Nhạ (tác giả Tự Tình Khúc) trốn về Mỹ Đức (Hà Đông) nhưng sau cũng bị bắt và bị đày lên thượng du và chết ở đó.


(Hoàng Yến Lưu)













Không có nhận xét nào: