Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Vô Ngôn Thông: Đốn Ngộ (Đỗ Chiêu Đức)



          VÔ NGÔN THÔNG: ĐỐN NGỘ 
                                   
                        Image result for thiền phái vô ngôn thông

         VÔ NGÔN THÔNG ( 無言通 ), 759?-826, là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải.
         Sư họ Trịnh 鄭, quê ở Quảng Châu 廣州, xuất gia tại chùa Song Lâm 雙林寺, Vụ Châu 務州. Tính tình sư điềm đạm ít nói, nhưng thông minh nên người đời gọi là Vô Ngôn Thông 無言通 (Cảnh Đức Truyền đăng lục ghi là Bất Ngôn Thông 不言通).  
        Một hôm, sư lễ Phật, có một thiền khách hỏi: "Toạ chủ lễ đó là ai?", sư thưa: "Là Phật." Khách liền chỉ tượng Phật hỏi: "Đây là Phật gì?", sư không trả lời được. Đến tối, sư y phục chỉnh tề đến lễ vị khách, vị này chỉ đến Mã Tổ. Sư lên đường đến Mã Đại Sư nhưng nghe tin Tổ đã viên tịch bèn đến Bách Trượng. Nhân nghe Bách Trượng trả lời một vị tăng khác là "Nếu giữ bản tâm ta được tịnh không, thì mặt trời trí huệ tự nhiên sẽ chiếu đến" (tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu 心地若空惠日自照) sư bỗng triệt ngộ (giác ngộ một cách triệt để). 
         Năm 820 (Canh Tí), niên hiệu Nguyên Hoà đời nhà Đường, Sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây mấy năm liền Sư chỉ quay mặt vào vách toạ thiền và không ai biết tông tích của Sư. Vị trụ trì nơi đây là Cảm Thành thầm biết Sư là Cao tăng đắc đạo nên hết sức kính trọng. Sắp sửa tịch, Sư gọi Cảm Thành đến đọc bài kệ này. Đọc xong Sư chắp tay viên tịch. Cảm Thành thiêu lấy hài cốt và xây tháp thờ trên núi Tiên Du. Sư thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông, mất năm 826, và phái thiền của sư kéo dài được 17 thế hệ.
          Bài kệ có tên là THỊ TỊCH  示寂  là "Lời bày tỏ trước khi Viên tịch" thuộc Thiền phái VÔ NGÔN THÔNG (không cần phải dùng lời mà thông suốt tất cả). Nguyên văn như sau:

       示寂                                 THỊ TỊCH
一切諸法皆從心生       Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm sinh,
心無所生法無所住       Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ. 
若達心地所住無礙       Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại,
非遇上根慎勿輕許       Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.

Nghĩa của bài kệ :
     Câu 1. NHẤT THIẾT là Tất cả; CHƯ PHÁP là Mọi ý niệm kể cả thiện ác; GIAI là Đều. TÒNG là từ ... nên Câu 1 có nghĩa:
     "Tất cả mọi PHÁP đều từ lòng ta sinh ra"
     Câu 2. VÔ SỞ SINH là Không có cái được sinh ra; VÔ SỞ TRỤ là Không có cái được giữ lại, nên Câu 2 có nghĩa:
     "Nếu lòng không có cái gì được sinh ra, thì Pháp cũng không có cái gì để giữ lại" Câu nầy nghe có vẻ "huề vốn", nhưng chính những cái nghe như đơn giản nhất là những cái mà người ta sơ hốt lơ là nhất mà không buồn nghĩ  đến cái huyền vi của nó: Ta có luôn luôn giữ được cho lòng mình "không có cái gì được sinh ra không?"  Rất khó! Vì lòng người luôn luôn chuyển động!
      Câu 3. NHƯỢC là Nếu như; TÂM ĐỊA là Lòng dạ (chớ không phải "lòng đạt đất" gì gì cả!); SỞ TRỤ là Cái mà được giữ lại; VÔ NGẠI là Không có trở ngại, không có vấn đề rắc rối nào cả, nên Câu 3 có nghĩa :
      "Nhược bằng lòng dạ đạt đến mức có thể giữ lại được tất cả những cái phát sinh mà không có trở ngại gì cả".
      Câu 4. PHI là Trừ phi; NGỘ là gặp được; THƯỢNG CĂN là người có căn cơ thượng thừa, ta nói là "Người có căn cơ tốt". THẬN là Thận trọng, cẩn thận; VẬT là Đừng , là Không nên; KHINH là nhẹ, là khinh suất, là tùy tiện; HỨA là Hứa hẹn, là Đồng ý, là Chấp nhận, nên Câu 4 có nghĩa:
     "Trừ phi đó là người có căn cơ tốt và phải rất thận trọng không dễ dàng mà chấp nhận cái gì đó hoặc ai đó cả!"

Có nghĩa:
               Vạn pháp đều do lòng sinh ra,
               Lòng không sinh pháp giữ chi mà?
               Nếu lòng chứa được muôn điều phát,
               Là đấng thượng căn chớ lở qua!

                        Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

        Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết Đốn Ngộ 頓悟, chủ trương con người ai cũng có sẵn Phật tánh, nên đều có thể trong một phút giây nào đó bỗng nhiên giác ngộ, mà khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến tu tập lâu dài. Vô Ngôn Thông, ngay từ buổi đầu tại pháp hội của Bách Trượng, đã nghe một câu hỏi về vấn đề đốn ngộ do một vị thiền giả hỏi Bách Trượng rằng: "Pháp môn đại thừa nào có thể giúp ta đạt được giác ngộ tức khắc" ( 如何是大承頓悟法門?Như hà thị đại thừa đốn ngộ pháp môn?)  Chính câu trả lời của Bách Trượng đã làm cho Vô Ngôn Thông bừng tỉnh: "Nếu giữ bản tâm ta được tịnh không, thì mặt trời trí huệ tự nhiên sẽ chiếu đến" (tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu 心地若空惠日自照). 
        Đốn Ngộ 頓悟 cũng có nghĩa như câu: "Phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật 放下屠刀立地成佛, có nghĩa: Buông con dao đồ tể (vừa sát hại sinh linh) xuống, (rồi do một cơ duyên nào đó đưa đến) là có thể thành Phật ngay tức khắc.
        Ở Việt Nam ta, những Thiền Sư quan trọng của dòng thiền Vô Ngôn Thông này là Khuông Việt (?-1011), Thông Biện (? - 1134), Mãn Giác (?-1096), Minh Không (mất 1141) và Giác Hải. Thế hệ cuối cùng là khoảng cuối thế kỷ 13.  Phái Vô Ngôn Thông theo đúng dòng Thiền của Huệ Năng, chủ trương đốn ngộ (giác ngộ nhanh chóng). Các vị thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đều có tâm hồn thi sĩ. Riêng thiền sư Không Lộ vừa được cho là thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, nhưng cũng thuộc thiền phái Thảo Đường.

              Inline image  Image result for 頓悟
        Đáp lời thầy Nguyễn Văn Trường hỏi về Đốn Ngộ ...
Thưa Thầy,

       Câu hỏi của Thầy nằm trong Phật Môn Đại Thừa Thiền Tông ĐỐN NGỘ MÔN của Đại Châu Tuệ Hải Thiền Sư lấy TÔNG, CHỈ, THỂ, DỤNG làm lý luận nhập môn. Theo Vấn Đáp sau đây:

问:此顿悟门以何为宗。以何为旨。以何为体。以何为用?
Vấn: Thử Đốn Ngộ Môn dĩ hà vi TÔNG, dĩ hà vi CHỈ, dĩ hà vi THỂ, dĩ hà vi DỤNG ?
Hỏi: ĐỐN NGỘ MÔN nầy lấy gì làm TÔNG, lấy gì làm CHỈ, lấy gì làm THỂ, lấy gì làm DỤNG ?

答:以無念为宗。妄心不起为旨。以清净为体。以智为用。

Đáp : Dĩ VÔ NIỆM vi TÔNG, VỌNG TÂM BẤT KHỞI vi CHỈ, dĩ THANH TỊNH vi THỂ, dĩ TRÍ vi DỤNG.
Đáp : Lấy VÔ NIỆM làm TÔNG, VỌNG TÂM BẤT KHỞI làm CHỈ, lấy THANH TỊNH làm THỂ, lấy TRÍ làm DỤNG.

       Bây giờ thì ta tìm hiểu từng Từ, từng Vế một:

    1. Lấy VÔ NIỆM làn TÔNG:
        TÔNG 宗 còn được đọc là TÔN, là cái Ý Đồ, cái Mục Đích mà ta nhắm tới, là cái Tôn Chỉ.
        VÔ NIỆM 無念 là không còn ý niệm, tạp niệm, không còn những suy nghĩ vẩn vơ, nên...
       "Lấy VÔ NIỆM làm TÔNG" là "Giữ lòng cho không còn những tạp niệm vẩn vơ khác mà chỉ hướng tới mục tiêu chính (TÔNG) mà thôi.

    2. VỌNG TÂM BẤT KHỞI làm CHỈ:
        CHỈ 旨  là Chiếu Chỉ, là Chỉ Thị, ở đây có nghĩa là Cách Thực Hiện, Cách Làm.
        VỌNG TÂM 妄心 là cái Lòng suy nghĩ vượt qúa lẽ thường, đòi hỏi, yêu cầu qúa đáng. BẤT KHỞI là Không trổi dậy, nên ...
       "VỌNG TÂM BẤT KHỞI làm CHỈ" là Khi Thực Hiện tu tập phải giữ sao cho cái Vọng Tâm đừng có trổi dậy.

   3. Lấy THANH TỊNH làm THỂ :
       THỂ là cái Bản Thể, là cái Thực Thể Vốn Có của con người, đó chính là Phật Tánh của mỗi người.
      THANH TỊNH 清净 THANH là Trong, TỊNH là Sạch, là Yên Lành. THANH TỊNH là Rất Trong Sạch An Lành, không chút vẩn đục nào cả! Nên...
     "Lấy THANH TỊNH làm THỂ" là  giữ cho cái Bản Thể, Cái Phật Tánh vốn có luôn luôn trong sạch không chút vẩn đục nào cả!

    4. Lấy TRÍ làm DỤNG:
        DỤNG 用 là Dùng, ở đây là Cái Trí Tuệ, cái Bát Nhã mà ta có được.
        TRÍ 智  là Trí Tuệ, là Trí lực, nên...
       "Lấy TRÍ làm DỤNG" là Những cái Trí Tuệ có được do cái Tâm Thanh Tịnh tác dụng sinh ra chớ không phải do Vọng Tưởng sinh ra.

       Nói tóm lại:

       ĐỐN NGỘ lấy TÔNG, CHỈ, THỂ, DỤNG làm lý luận nhập môn cũng giống như là ta muốn xây một Căn Nhà vậy:

     1. TÔNG là Cái Ý Định, Cái Mục Tiêu là XÂY 1 CĂN NHÀ. (Lấy Vô Niệm làm TÔNG là Xây nhà thì chỉ lo xây nhà thôi đừng nghĩ đến xây... cái khác nữa!)
     2. CHỈ là Cái Bản Vẽ chỉ CÁCH XÂY CĂN NHÀ. (lấy Vọng Tâm Vô Khởi làm CHỈ là đừng nổi hứng sảng đổi cách xây nhà
 cho khác thường thì coi chừng nhà sẽ bị... xập!)
     3. THỂ là Gạch Ngói Vật liệu vốn có để XÂY NHÀ. (Lấy Thanh Tịnh làm THỂ là dùng vật liệu vốn có để xây nhà chớ khỏi phải tìm đâu xa nữa!)
     4. DỤNG là Công dụng của CĂN NHÀ khi đã xây xong. (lấy TRÍ làm DỤNG là Tiện nghi của căn nhà như cái Trí tuệ được
 sinh ra từ tác dụng của sự tu tập vậy!)

      Thưa Thầy,
             Trên đây chỉ là Ví dụ ngô nghê của em, so sánh tạm cho dễ hiểu, chớ lý luận Phật Môn về Đốn Ngộ rất cao siêu, càng dùng từ cầu kỳ thì lại càng dễ làm "rối loạn" tư duy và càng dễ "Tẩu hỏa nhập ma" hơn.
             Mong Thầy châm chước mà hiểu cho!
                                                                    Nay kính,
                                                                 Đỗ Chiêu Đức  

              Image result for 頓悟  Inline image

Phần bổ sung của Trần Văn Lương:
Có một chi tiết nhỏ xin được góp ý về bài thơ được cho là của Thiền Sư. Thực ra là Sư dùng lại bài kệ của Nam Nhạc Hoài Nhượng, pháp từ của Lục Tổ Huệ Năng, và chỉ đổi có 1 chữ ở câu 1 và 4 chữ ở câu cuối.
Nguyên văn bài của Nam Nhạc Hoài Nhượng :
一切法 皆從心生。
心無所生,法無所住。
若達心地,所作無礙。
非遇上根,宜慎辭哉!
Bài này được ghi trong Chỉ Nguyệt Lục
(Xin xem nguyên tác tại:  
)
Bài này được ghi lại trong Ngũ Đăng Toàn Thư.
(Xin xem nguyên tác tại:
)
Bài cũng được Thiền Sư Thích Thanh Từ trích và dịch  trong cuốn "Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng" như sau:
Tất cả các pháp đều từ tâm sanh, tâm không chỗ sanh, pháp không thể trụ. Nếu đạt tâm địa việc làm không ngại, không phải thượng căn dè dặt chớ nói. (Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sanh, tâm vô sở sanh, pháp vô sở trụ. Nhược đạt tâm địa sở tác vô ngại, phi ngộ thượng căn nghi thận từ tai.)
(Xin xem bài của Thiền Sư Thích Thanh Từ tại đây:
    
Một lần nữa, cám ơn anh Đỗ Chiêu Đức rất nhiều.
Kính,
Lương

* Nên Gọi Mình Ơi - Mai Xuân Thanh & Mình Ơi - Mai Thắng


      Nên Gọi "Mình Ơi" 

Lâu rồi, vắng tiếng gọi "mình ơi" !
Có biết gì đâu thật lạ đời
Đơn giản thôi nghe lời thắm thiết
Chẳng cầu kỳ, cảm động vâng lời

Em mơ ước thứ tình chân thật
Hy vọng theo Người ở khắp nơi
Giá hạnh phúc bon chen mới có
Đừng quên lãng phí kẽo chơi vơi

Chớ ngượng ngùng khi ta muốn nói
"Mình ơi" trọn ý thiếp trong đời
Yêu tha thiết phải nên thành thật
Sáo rỗng mà chi, giản dị thôi

Muốn được quan tâm chăm sóc "vợ"
Giận hờn chi khéo nói nàng vui
Tình chàng ý thiếp, không lười biếng
Hãy gọi "mình ơi" nhoẻn miệng cười!

Mai Xuân Thanh
Ngày 19/09/2018


        Mình Ơi!

Đường mây nẻo gió mình ơi!
Chỉ là mây gió vui chơi thôi mà
Sá gì một phút la cà
Ân tình là của riêng ta với mình
Tháng ngày tình chất thêm tình
Dù không đủ sức vẫn rinh theo hoài
Lỡ cùng tắm khúc sông dài
Đục trong cùng chịu nắm tay cùng cười!
Hihi …
        Mai Thắng 



Hương Sài Gòn - Trầm Vân


    Hương Sài Gòn
Yêu làm sao những làn hương
Hương Sài Gòn ngát yêu thương dịu dàng
Mùi hương tà áo bay ngang
Cây nghiêng cành đón dìu làn nắng rơi
Mùi hương của bóng lứa đôi
Bầu trời ngan ngát tiếng cười trổ hoa
Mùi hương giọng nói thật thà
Nè anh, à hén thật là dễ thương
Mùi hương của ánh trăng sương
Dỗ ngon dỗ ngọt nỗi buồn vướng vai
Hàng cây nghiêng nỗi nhớ ai
Mùi hương một mái tóc dài quấn quanh
Mùi hương một khoảng trời xanh
Trường xưa kỷ niệm dỗ dành thời gian
Ngày xanh mưa đẹp nắng vàng
Con đường đến lớp thênh thang gió lùa
Mùi hương của ký ức xưa
Theo dòng xe chạy quẹo cua vào lòng
Hẹn hò sáng nhớ chiều mong
Giờ người tay bế tay bồng đành sao ?
Mùi hương tô phở ngọt ngào
Mùi hương gỏi cuốn món xào món chiên
Mùi hương của trái sầu riêng
Thơm môi người, ngát cả thềm gió mây
Sài Gòn thương nhớ đong đầy
Rót vào ly rượu uống say nghĩa tình
Nhịp đời có lúc chông chênh
Hương Sài Gòn mãi quanh mình chở che
Người đi phố đợi người về
Bóng đêm ngan ngát lời thề trăng sao
Tình quê sóng vỗ dạt dào
Hương Sài Gòn mãi ngấm vào trong tim
        Trầm Vân



Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Đi Giữa Mùa Thu - Triệu Dương NLT



       Đi Giữa Mùa Thu

Đạp tuyết mà đi giữa lá vàng,
Sương mù giăng mắc, mùa Thu sang.
Chuyện xưa còn nặng, tình lưu luyến,
Ân nghĩa giờ đây, sao bẽ bàng?

Chim nhạn từng không xuống phía Nam
Anh đào chín đỏ thuở hồng hoang.
Bao nhiêu mơ ước từ xa vắng,
Chén rượu ly bôi uống vội vàng.

Trà thơm nhấp cạn vẫn khô khan,
Chiếc bánh trên tay nhớ cố nhân.
Một buổi chiều đi không trở lại,
Ngoài xa chim nhạn vượt mây ngàn.

Sóng biển nhấp nhô bờ trắng xóa,
Đá còn trơ trọi giữa bao la.
Dâu bể bao đời nay còn lại,
Non cao bóng cả, cảnh chiều tà.

Ta còn theo mãi dấu chân chim,
Một tiếng chim kêu, sóng nổi chìm.
Tự cổ giai nhân nan tái đắc,
Bạc đầu chẳng gặp lại người em.

Gió thét mưa gào trên Biển Đông,
Đêm qua em bỗng nhớ thương chồng.
Chồng ai? Em nhớ em không biết.
Có phải giấc mơ, giấc mơ hồng?

     Triệu Dương NLT
Một sáng mùa Thu (28/9/2018)







Thu Cảm & Thu Cali (Mai Xuân Thanh)

  

  1) Thu Cảm

Mùa thu ảm đạm cũng vui buồn
Tuổi trẻ nhìn trăng tỏa sáng buông
Trai tráng nề chi cơn bão táp
Cao niên trải nghiệm trận phong cuồng
Ngủ ngon một giấc ai nhiều chuyện
Say khướt vài chung bạn nói suông
Một gánh túi thơ nơi đất khách
Hai vai bầu rượu trở về nguồn

Mai Xuân Thanh



    2) Thu Cali

Nhớ bạn tri âm vò võ buồn
Cali ấp ủ dễ gì buông
Rừng phong thiếu phụ đơn thân loạn
Dốc núi anh chàng chiếc bóng cuồng
Bất tín những ai hay hứa cuội
Vô tâm nhiều kẻ nói năng suông
Tuy nhiên, hiểu họ còn xa xứ
Vả lại, biết điều trở lại nguồn !

Mai Xuân Thanh
Ngày 25/09/2018 



       Thu Cảm

Cali thắng cảnh khách nhàn du
Đến phố LA sương sớm mù  (LA : Los Angeles)
Đường rộng xe đò đi mát rượi
Free way tài xế chạy êm ru
Thương ai bỏ xứ xa Đà Nẵng
Nhớ bạn hoài hương ngóng Núi Vu
Quạnh quẽ chăn đơn trong quán trọ
Chạnh buồn gối chiếc với đêm thu

Mai Xuân Thanh
Ngày 26/09/2018






Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Kiếp Tha Hương - Mai Xuân Thanh


       Kiếp Tha Hương

Tha hương đất khách bạn quen ta
Hạnh ngộ bao năm vẫn thuận hoà
Êm ái bên nhau như sáo nhạc
Ân cần sát cánh tựa bài ca
Cali biển Thái Bình không cách
Đà Nẵng Sài Gòn cũng chẳng xa
Xướng họa thơ Đường hay cảm tác
Thân thương hình ảnh chốn quê nhà

Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 09 năm 2018



Trái Tim Vẫy Gọi - Trầm Vân


    Trái Tim Vẫy Gọi
Cuộc đời ngắn lắm em ơi
Nắng chưa kịp đỏ, mưa rồi ướt tim
Sóng chưa kịp nổi đã chìm
Ngày chưa kịp đẹp đã đêm lạnh lùng
Lẽ nào em để môi hồng
Phai trong lạnh lẽo mênh mông xế chiều
Tiếng chim thắc thỏm lời yêu
Rơi trong hoang lạnh hắt hiu bầu trời
Lẽ nào môi chẳng chờ môi
Con đường cô lẻ tiếng cười xa nhau
Và em nhan sắc bỏ đâu
Nếu không có kẻ bạc đầu nhớ thương
Thì ta hãy bước chung đường
Yêu cho sực nức mùi hương ái tình
Cho trời thắp nến lung linh
Mỗi ngày sinh nhật bóng hình đôi ta
Giọt mưa làn nắng đơm hoa
Ánh trăng muôn thưở chẳng già, vàng mơ
Chiều trôi qua lối hẹn chờ
Ngát lời chim hót tiếng thơ nồng nàn
Và tình đừng để sang ngang
Trái tim lệ đổ muôn ngàn giọt đau
         Trầm Vân



Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

* Thu Phân Tháng Tám - Mai Xuân Thanh

    Thu Phân Tháng Tám

Thu phân tháng tám tới đây rồi
Giấy bút làm thơ gởi bạn tôi
Thấm thoát thời gian hờ hững quá
Thung dung xế bóng lạnh lùng trôi
Thiếu nhi đốt nến đèn bánh ú
Bô lão dâng nhang bánh đậu, xôi
Truyền thống lâu đời cho trẻ nít
Quây quần ca hát cũng vui thôi

Mai Xuân Thanh
Ngày 23/09/2018 
(Rằm Trung Thu năm Mậu Tuất)




Độc Lão Tử của Bạch Cư Dị (Bài viết của Đỗ Chiêu Đức)

                   Độc Lão Tử  
                      Bạch Cư Dị

1. Nguyên bản chữ Hán cổ của bài thơ:

     讀老子                      Độc Lão Tử
言者不如知者默,   Ngôn giả bất như tri giả mặc,
此語吾聞於老君。   Thử ngữ ngô văn ư Lão Quân. 
若道老君是知者,   Nhược đạo Lão Quân thị tri giả,
緣何自著五千文?   Duyên hà tự trứ ngũ thiên văn ?
          白居易                               Bạch Cư Dị

                       
2. Chú Thích:
    - Độc Lão Tử: Là Đọc sách của Lão Tử viết.
    - Ngôn Giả: là Người nói. Bất Như: là Không bằng.
    - Tri Giả: là Người biết. Mặc: là Trầm mặc, là im lặng.
    - Thử Ngữ  là Câu nói nầy. Ngô Văn Ư: là Ta nghe ở...
    - Lão Quân: là Thái Thượng Lão Quân, tức là Lão Tử,
      Ông tổ của Đạo Giáo.
    - Nhược Đạo: là Nếu nói rằng, Nếu bảo rằng.
    - Duyên Hà: là Duyên cớ làm sao..., Tại làm sao...?
    - Tự Trứ: là Tự mình trứ tác, là Tự mình viết ra.

3. Nghĩa bài thơ:
                    Đọc Tác Phẩm của Lão Tử
      "Người nói không bằng người biết mà im lặng không nói." Câu nói nầy ta nghe được ở Thái Thượng Lão Quân. Nếu bảo Thái Thượng Lão Quân là người hiểu biết, thì cớ sao ông ta còn tự tay viết nên năm ngàn chữ của quyển Đạo Đức Kinh?

       Chương thứ 56 của Đạo Đức Kinh 道德經 mở đầu bằng câu: " 知者不言,言者不知 Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri" Có nghĩa: 
"Người hiểu biết là người không nói, còn người hay nói là người chả biết gì."  Vì câu nói nầy mà Bạch Cư Dị làm bài thơ tứ tuyệt trên để chất vấn Lão Tử:
       Ông nói là "Người biết không nói, Người nói là người không biết."  Nếu nói ông là người biết (thì ông phải lặng thinh), chứ cớ sao ông lại viết ra đến 5 ngàn chữ? (Thế thì ông có phải là người hiểu biết chăng?)  Ý nói là: Ông nói một đàng, làm một nẻo; Nói xong rồi tự đưa tay lên vả miệng mình luôn!

4. Diễn Nôm:
                             
                     Người nói không bằng biết lặng câm,
                     Lời nầy ta nghe tự Lão Quân.
                     Nếu bảo Lão Quân là người biết,
                     Sao còn viết đến năm ngàn hơn?!

       Có một giai thoại mà Bạch Cư Dị không hề biết, là: Đạo Đức Kinh không phải do Lão Tử 老子 viết nên, mà là do Doãn Hỉ 尹喜 viết thành theo như tiểu truyện sau đây:

       Lão Tử vốn họ Lão, tên Nhĩ, tự là Bá Dương, sanh khoảng 655-622 trước Công Nguyên, đời Châu Huệ Vương. Khoảng 20 tuổi, vì chiến loạn nên về sống với chú là Châu Thái Sử. Vì chú không có con, nên ba bốn năm sau, vào năm thứ 31 đời Châu Tương Vương, tiếp nhận chức Thái Sử của chú và giữ chức vụ nầy đến 32 năm. Sau thấy khí số của nhà Châu đã suy vi, bèn từ quan mà đi. Khi đến ải Hàm Cốc, có quan giữ ải là Doãn Hỉ, bấy lâu đã mộ tiếng Lão Tử, bèn cùng từ quan mà theo về ở núi Chung Nam, rồi cùng về quê của Doãn Hỉ ở Thiên Thủy mà định cư.
     Khi nhà Tây Châu mất, vương thất của Đông Châu phái người đến tìm Doãn Hỉ ra làm quan, thấy có một ông già tiên phong đạo cốt ngồi một bên, mới hỏi là ai và định mời ra làm quan luôn, nhưng vì Lão Tử đã chán ngán với cảnh quan trường, nên mới nói thác đi mình mang họ Lý, vì thấy có cây Lý trước cửa. Từ đó mọi ngừơi mới gọi ông là Lý Nhĩ.
     Sau khi Doãn Hỉ ra làm quan, lúc rảnh rổi mới ngồi chép và biên soạn lại những gì mà lúc còn ở chung đã hỏi và đã được Lão Tử giải thích cặn kẽ, viết lại thành quyển Đạo Đức Kinh. Nên trong Đạo Đức Kinh ta chỉ thấy câu trả lời mà không hề thấy câu hỏi bao giờ, vì Đạo Đức Kinh là do Lão Tử khẩu đáp và do Doãn Hỉ hệ thống lại mà thành.
    
 Nhưng,
                Mặc dù không phải của ông viết, nhưng vẫn là lời của ông nói như thường!


                        Đỗ Chiêu Đức