Viện Hán Học Sinh Sau Đẻ Muộn trong bối cảnh Đại Học Huế thời T T Ngô Đình Diệm
(Bài của Nguyễn Lý-Tưởng)
Viện Hán Học Huế được thành lập do Nghị định số 389-GD của Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm ký ngày 8/10/1959 với chương trình đào tạo trong thời hạn 5 năm gồm các môn học: Quốc văn, Sử Địa, Sinh ngữ, Hán văn, Bạch Thoại, Triết học từ trình độ Tú tài đến Đại học. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể được bổ dụng làm Giáo sư Trung Học với chỉ số lương 370, chuyên viên Viện Khảo Cổ hay là nhân viên ở các Sứ Quán VNCH tại các nước Đông Nam Á.
Điều kiện dự thi phải có bằng Trung Học Đệ I cấp (lớp 9) nhưng trên thực tế đa số thí sinh là những học sinh thi hỏng Tú Tài I (lớp 11) và phải qua một kỳ thi tuyển với trên 500 thí sinh mà chỉ chọn 40 người (thực tế chỉ có 30 hay 31 người theo học).
(Viện Hán Học tại Di Luân Đường- Thành Nội Huế)
(Viện Hán Học tại Di Luân Đường- Thành Nội Huế)
Ngày khai giảng niên học đầu tiên 1959-1960 được tổ chức tại Di Luân Đường (nhà thờ Đức Khổng Tử) tức trường Quốc Tử Giám thời xưa, bây giờ là trường Trung học Hàm Nghi Huế. Vì chưa có cơ sở nên Viện Hán Học Huế phải dùng Toà nhà Di Luân Đường để làm nơi đặt văn phòng Ban Giám Đốc và lớp học cho sinh viên. Do sinh viên Viện Hán Học là những học sinh ưu tú đã gặp rủi ro trong kỳ thi Tú Tài I... mà sau nầy, khi học tại Viện Hán Học, nhờ có căn bản Hán Văn mà họ thi đậu Tú Tài I, II rồi ghi danh học Văn Khoa, đa số có Cử Nhân, có Cao Học... Một số thi vào Đại Học Sư Phạm ban Sử Địa hay Việt Hán đã được vị thứ cao. Có những sinh viên tốt nghiệp bên Viện Hán Học sau nầy được tuyển dụng vào dạy tại Đại Học Văn Khoa hay Sư Phạm... và cũng có những sinh viên tốt nghiệp Viện Hán Học trở thành giáo sư quốc văn, sử địa, sinh ngữ ở các trường Trung Học và một số là Hiệu Trưởng ở các trường Trung Học tỉnh.
Mục đích thành lập Viện Hán Học được ghi trong Nghị Định thành lập: Viện Hán Học có mục đích “đào tạo một số chuyên viên Hán Văn cần thiết cho các cơ quan và các học đường, nghiên cứu và dịch thuật các pho cổ văn bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm và nghiên cứu Đông y học.” Viện có 3 ban chuyên môn là Ban Hán Học, Ban Nghiên Cứu và Dịch Thuật, Ban Nghiên Cứu Đông Y Dược.”
Trong bài diễn văn khai mạc khóa đầu tiên, Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Đại Học Huế kiêm Giám Đốc Viện Hán Học, đại ý nói rằng: “Đây là mỹ ý của Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn bảo vệ nền cổ học và văn hóa đạo đức của nước nhà do tổ tiên để lại.”
Trong một bài nghiên cứu “Giáo Dục Hán Học tại Miền Nam Việt Nam trong bước chuyển văn hóa- xã hội: Viện Hán Học Huế (1959-1965), Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, Giáo sư Đại học Hà Nội đã có nhận xét về Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau: “Nhân vật Ngô Đình Diệm (1901-1963) dù xuất thân trong một gia đình Công giáo mộ đạo, bản thân ông cũng là người Công giáo, nhưng lí lịch và cách hành xử của ông vẫn mang đậm tính chất của một con người Nho Giáo, gắn với nền Hán Học truyền thống.”...."Truyền thống Nho Giáo – Hán Học đó hẳn đã thôi thúc Tổng Thống Ngô Đình Diệm thiết lập một số thiết chế nhà nước liên quan đến Hán Học, trong đó có Viện Hán Học...”
Năm 1964, có hai Giáo Sư Viện Hán Học là GS Võ Như Nguyện và GS Nguyễn Hồng Giao được Viện Đại Học Huế trao cho nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa Hán Văn theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục. Trong lời giới thiệu sách này (Lời Tựa), Linh Mục Cao Văn Luận đã viết mấy dòng sau đây: "Bộ Văn Hóa Giáo Dục có ủy thác Viện Đại Học Huế soạn thảo một bộ sách dạy Hán văn cho các lớp Trung học đệ I cấp. Mục đích của Bộ không phải chỉ để giúp ích riêng cho những học sinh theo đuổi Hán Văn thuần túy mà còn cho tất cả học sinh nào muốn viết và nói tiếng Việt cho đúng. Hẳn ai cũng biết, muốn giỏi Việt Văn cần phải am hiểu Hán Văn, để trong khi viết và nói khỏi bị lầm lẫn về từ ngữ. Sở dĩ trong sách báo ta thường thấy những chữ dùng sai như “xán lạn” thì viết “sáng – lạng”, “tháp nhập” hóa thành “sát nhập” “yếu điểm” lẫn lộn với “nhược điểm”, “tái nhóm” thay vì “tái hội” v.v. "Đó là điều khuyết điểm rất quan trọng mà chúng ta không thể nào bỏ qua được”... Sách của hai tác giả Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao đã xuất bản năm 1964 tại Sài Gòn do Nha Học Liệu Bộ Giáo Dục thực hiện... Mãi đến năm 1997, nhà xuất bản Đà Nẵng đã in lại bộ sách nầy 3 lần để bán ra ngoài thị trường. Điều đó đủ nói lên nhu cầu học hỏi Hán Văn cần thiết cho tiếng Việt như thế nào.
Như đã nói trên, Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người rất quan tâm đến vấn đề “bảo vệ nền cổ học và văn hóa đạo đức của nước nhà do tổ tiên để lại” nên đã chủ trương thành lập Viện Hán Học Huế, mặc dù nó được sinh sau đẻ muộn, không ra đời cùng thời với các phân khoa khác ngay từ khi Viện Đại Học Huế được thành lập (1957). Các Đại Học khác của Việt Nam có trước Đại Học Huế nhưng không có Viện Hán Học. Chỉ có Đại Học Huế mới có Viện Hán Học và được ra đời dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, cho chúng ta biết một chi tiết lý thú là Miền Nam đã có Viện Hán Học từ 1959 trong khi Miền Bắc mãi đến 1972 mới thành lập bộ môn Hán Nôm. Mặc dù trường Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm đã có dạy môn Hán Văn và đã có chứng chỉ Hán Văn (Văn khoa) và ngay ở các lớp Trung Học Đệ I Cấp (từ lớp 6 đến lớp 9) đã có chương trình dạy Hán văn... Nhưng sự ra đời của Viện Hán Học vào năm 1959-1960 là một trường hợp đặc biệt. Đó là một trường đào tạo chuyên biệt về Hán Văn để phục vụ cho việc dạy chữ Hán, phiên dịch sử liệu và sách cổ, và chuyên viên ở các sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở các nước Đông Nam Á.
Chúng tôi được biết có hai lần các Giáo sư Viện Hán Học (đặc biệt là các nhà khoa bảng) đã được Tổng Thống Ngô Đình Diệm chú ý: Lần thứ I, chuyến đi thăm Đài Loan vào cuối năm 1959, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chọn cụ Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu và Linh Mục Nguyễn Văn Thích (tức Sảng Đình Nguyễn Hy Thích) đi theo trong phái đoàn. Ngoài ra còn có một Giáo sư trẻ làu thông Hán Văn và Bạch Thoại là GS Nguyễn Văn Dương, mới 27 tuổi cũng được đi theo phái đoàn để làm thông dịch cho Tổng Thống. Cả ba vị đều là Giáo Sư của Viện Hán Học. Lần thứ 2, vào năm 1962, kỷ niệm 5 năm thành lập Đại Học Huế, Tổng Thống đã ngừng lại ở phòng triển lãm của Viện Hán Học rất lâu và nói chuyện với cụ Hồ Đắc Định về ý nghĩa của các vật được trưng bày: “Thư, Kiếm, Lư, Đăng” (Thư là sách cổ, Kiếm vua ban cho người học trò thi đậu Tiến sĩ, Lư trầm để đốt cho tâm hồn hướng thượng và Đăng là đèn đốt lên để đọc sách)... Đó là 4 vật tượng trưng cho tinh thần của Kẻ Sĩ tức người Nho Sĩ ngày xưa. Nghe cụ Hồ Đắc Định giải thích xong, Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất lấy làm tâm đắc.
Ban Giám Đốc Viện Hán học gồm có:
-Giám Đốc: Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Đại Học Huế kiêm Giám Đốc Viện Hán Học
-Phó Giám Đốc: cụ Lương Trọng Hối, Cử Nhân Hán học, lúc đó là Dân Biểu Niên Trưởng trong Quốc Hội
-Chủ Sự Hành Chánh: cụ Võ Như Nguyện, cựu Tỉnh Trưởng Bình Định, đồng thời là Dân biểu Quốc Hội
Giám học: Giáo Sư Phan Văn Dật (nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, học giả)
Và một số các vị khoa bảng xưa như cụ Nguyễn Huy Nhu (Tiến sĩ Hán Học), cụ Hà Ngại (Phó Bảng), Linh Mục Nguyễn Văn Thích (Giáo Sư Đại học), cụ Phạm Lương Hàn (Tú tài Hán Học), cụ Ngô Đình Nhuận (Tú tài Hán Học), cụ Nguyễn Duy Bột (sinh viên Quốc Tử Giám xưa), cụ Hồ Đắc Định (sinh viên Quốc Tử Giám), Giáo sư Nguyễn Văn Dương (giảng viên tại trường Đại Học Văn khoa Huế).
Ban Giảng Huấn (từ 1960-1965):
Hán Văn: Linh Mục Nguyễn Văn Thích, cụ Hà Ngại, cụ Võ Như Nguyện, cụ Phạm Lương Hàn, cụ Ngô Đình Nhuận, GS Nguyễn Văn Dương (dạy Hán văn và Bạch thoại), GS Nguyễn Hồng Giao (Hán Văn và Bạch Thoại), GS Phan Chí Chương (dạy Bạch Thoại), GS La Hoài (dạy Bạch Thoại)
Quốc Văn: GS Nguyễn Văn Dương, Phan Văn Dật, Phạm Ngọc Hương.
Triết: các GS Đỗ Đình Thạch (Triết Tây), Nguyễn Văn Dương (Triết học Trung Hoa), Nguyễn Văn Trọng (Triết Tây)
Sử: GS Nguyễn Phương (GS Đại Học Văn khoa và Sư phạm, dạy Sử Nhật Bản), Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn Duy Khác (dạy Sử Việt Nam), cụ Nguyễn Duy Bột (dạy Sử Trung hoa)
Địa lý: GS Lê Khắc Phò (Đại học Sư Phạm), GS Nguyễn Hữu Châu Phan
Anh văn: các GS Bửu Kế (Thư viện Đại học), Vĩnh Quyền, Paul Vogle, Cao Xuân Duẫn, Trương Xuân Trực
Pháp văn: Các GS Cao Hữu Hoành, Nguyễn Văn Kháng, Nguyễn Văn Thám, Phạm Kiêm Âu, Trần Điền (1964-1965)
Linh mục Cao Văn Luận, tuy giữ chức Giám Đốc của Viện và cụ Lương Trọng Hối, Phó Giám Đốc, nhưng trên thực tế việc điều hành Viện, sắp xếp chương trình giảng dạy, mời Giáo sư cộng tác v.v. đều do cụ Võ Như Nguyện, Chủ Sự Hành Chánh trực tiếp chỉ đạo.
Viện Hán Học quy tụ các vị uyên thâm về Nho Học, vừa giúp công việc giảng dạy cho sinh viên, vừa làm công tác phiên dịch sử liệu và nghiên cứu Đông Y.
Ủy ban Phiên Dịch Sử Liệu (Hán ra Việt) thuộc Viện Khảo Cổ, được đặt tại Viện Hán Học Huế.
Nghị Định thành lập Viện Hán Học (trích Công Báo VNCH)
Nghị Định số 389-GD ngày 8 tháng 10 năm 1959 thành lập Viện Hán Học Huế
Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa
Chiếu Sắc Lệnh số 4-TTP ngày 29 tháng 10 năm 1955 và các văn kiện kế tiếp, ấn định thành phần Chính Phủ;
Chiếu những văn kiện tổ chức viện đại học Quốc Gia Việt Nam và những trường chuyên môn đặt thuộc quyền Bộ quốc gia giáo dục;
Chiếu Sắc lệnh số 45-GD ngày 1 tháng 3 năm 1957 thiết lập viện đại học Huế;
Chiếu Nghị định số 95-GD ngày mồng 1 tháng 3 năm 1957 mở các lớp tại Viện Đại Học Huế trong niên khóa 1957-1958;
Chiếu nghị định số 61-GD ngày 21 tháng 2 năm 1959 thiết lập và tổ chức các khóa đại học và trường cao đẳng chuyên môn tại viện đại học Huế kể từ niên khóa 1958-1959;
Chiếu đề nghị của Bộ quốc gia giáo dục,
Nghị Định
Điều thứ nhất. –Nay thiết lập tại Viện Đại Học Huế một trường đại học chuyên dạy Hán Văn gọi là “Viện Hán Học.”
Điều thứ 2.-Viện Hán Học đặt dưới quyền điều khiển của một Giám Đốc do Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm.
Điều thứ 3.-Số sinh viên ưu tú của Viện Hán Học được cấp học bổng và định xuất học bổng sẽ do nghị định Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục ấn định.
Điều thứ 4.-Tổ chức nội bộ của Viện Hán Học, điều kiện và thể thức thi nhập học, chương trính học khóa, thể thức thi lên lớp và thi mãn khóa, việc cấp phát văn bằng tốt nghiệp sẽ do nghị định Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục ấn định sau.
Điều thứ 5.-Kinh phí về việc thiết lập và hoạt động của Viện Hán Học do ngân sách quốc gia (Bộ Quốc Gia Giáo Dục đài thọ).
Điều thứ 6.-Viện Hán Học có thể tổ chức những ban nghiên cứu Đông y, dịch thuật sách vở và tài liệu Hán Văn và dạy Hán Văn theo lối hàm thụ. Việc tổ chức các ban trên đây sẽ do nghị định Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục ấn định, theo đề nghị của Viện Trưởng Viện Đại Học Huế.
Điều thứ 7.-Bộ Trưởng tại Phủ Tổng Thống và Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục, chiếu nhiệm vụ thi hành nghị định này.
Sài-gòn, ngày mồng 8 tháng 10 năm 1959
Giải tán Viện Hán Học:
Nhưng số phận của Viện Hán Học bị chết yểu theo vận nước. Người tha thiết với nền cổ học là Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị thảm sát thì cái tinh thần Nho Học của ông cũng bị xóa bỏ ngay sau khi ông không còn là người đỡ đầu cho Viện Hán Học được nữa. Theo Đoàn Thêm (Việc Từng Ngày, 1965 trang 87) Viện Hán Học Huế bị giải tán do Nghị Định số 742/VHGD ngày 25/5/1965 “bải bỏ Viện Hán Học thuộc Đại Học Huế” nghị định nầy do GS Trần Ngọc Ninh (Bộ Trưởng Giáo Dục trong Chính Phủ Phan Huy Quát) ký. Nhưng theo Tiến Sĩ Nguyễn Tuấn Cường, Đại Học Hà Nội, “Giáo dục Hán học trong biến động văn hóa xã hội”, bài thuyết trình viết vào năm 2013... thì Nghị Định số 1627-GD ký ngày 22/9/1965 do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng) về việc “giải tán Viện Hán Học”... Tổng Ủy Viên Văn Hóa Xã Hội kiêm Ủy Viên Giáo Dục là GS Trần Ngọc Ninh có nhiệm vụ thi hành. Xin lưu ý: GS Trần Ngọc Ninh (Thạc sĩ Y Khoa) là Tổng Trưởng Giáo Dục trong Chính Phủ Phan Huy Quát được Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ mời tham gia Tân Nội Các với chức vụ Tổng Ủy Viên Văn Hóa Xã Hội kiêm Ủy Viên Giáo Dục từ ngày 19/6/1965. Điều mà ai cũng biết là: chủ trương giải tán Viện Hán Học Huế đã có từ thời GS Bùi Tường Huân làm Tổng Trương Giáo Dục trong Chính Phủ Nguyễn Khánh (1964)... Dư luận thời bấy giờ cho rằng “Viện Hán Học do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lập ra... nên người đối lập với chệ độ nhà Ngô không muốn thấy nó tồn tại sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ.”
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường (Hà Nội) nhận xét: “Viện Hán Học được thành lập một phần lớn là nhờ chủ trương tôn sùng Nho Giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cho nên sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963) bị lật đổ ngày 1/11/1963, chính quyền chuyển sang bàn tay lãnh đạo của các tướng lãnh quân đội trong thời kì Quân Quản (1963-1967) với liên tục các cuộc đảo chánh quân sự, thì Viện Hán Học không được quan tâm nữa, nhất là khi các chính phủ mới đều biết Viện là “con đẻ” của vị Tổng Thống vừa bị lật đổ.” Khi Bùi Tường Huân thay thế chức Viện Trưởng VĐH Huế của Cao Văn Luận, từ tháng 9/1964, thì VHH bị đối xử bằng một thái độ lạnh nhạt. Mặc dù nhiều cán bộ của Viện như Võ Như Nguyện và Trần Điền, đã rất nỗ lực tìm lối thoát cho cả thầy và trò, nhưng không được sự hưởng ứng của Bộ cũng như VĐH Huế. Thầy và trò VHH phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của thời đại để có thể duy trì một cơ quan đào tạo và nghiên cứu văn hóa của dân tộc.”
“Ngày 1/10/1964, trong một cuộc họp của VĐH Huế do GS Bùi Tường Huân làm chủ tọa, GS Dương Đình Khôi (Đại Học Văn Khoa, thuộc VĐH Huế) đã đề nghị Bộ sáp nhập VHH vào Đại Học Văn Khoa vì 2 lí do: một là Viện Hán Học khi ấy không có Giám Đốc, hai là giảng dạy giống như ở Đại Học Văn khoa. Hai ngày sau, 3/10/1964, Viện Hán Học có điện văn gởi Bộ phản đối ý định sáp nhập, “vì tôn chỉ, phương pháp và chương trình của VHH hoàn toàn khác biệt với Đại Học Văn Khoa.” Kết quả là việc sáp nhập đã không xảy ra.
“Tháng 2/1965, GS Trần Điền vừa nhậm chức Xử Lí Thường Vụ Giám Đốc Viện (tức là Quyền Giám Đốc), ông đã nhận thấy cần cấp tốc giải quyết hai vấn đề là “bổ dụng sinh viên tốt nghiệp” và “quy chế đào tạo” thì mới có thể duy trì VHH. Một buổi họp Hội Đồng Giáo Sư đã được tổ chức cấp tốc, đề nghị lên Bộ một quy chế đào tạo mới, với tổng thời gian học 7 năm, chia làm 3 cấp: (1) Tú tài Hán Học (3 năm) nhằm đào tạo sinh viên có bằng Tú Tài Cổ Ngữ Hán Văn trong khi chờ đợi Ban Cổ Ngữ được mở trong các trường Trung Học. (2) Cao Đẳng Hán Học (2 năm) nhằm đào tạo Giáo Sư Hán Văn Trung Học Đệ Nhất Cấp hoặc Chuyên Viên Sứ Quán Đông Nam Á. (3) Đại Học Hán Học (2 năm) nhằm đào tạo Giáo Sư Việt Hán Trung Học Đệ Nhị Cấp, hoặc Chuyên Viên các Sứ Quán, nhà nghiên cứu. (4) Ngành nghiên cứu của Viện sẽ được thiết lập sau khi có sinh viên tốt nghiệp Đại Học Hán Học. Về vấn đề bổ dụng sinh viên tốt nghiệp, tháng 3/1965, Hội Đồng cũng gởi các tờ trình lên VĐH Huế trình bày tâm nguyện bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc của phụ huynh và học sinh, đồng thời nêu các giải pháp cho vấn đề bổ dụng. Dù cho các giải pháp như trên của Hội Đồng Giáo sư không được thực hiện trong thực tế lịch sử, nhưng nó cũng cho thấy những nổ lực nghiêm túc của các nhà quản lí giáo dục cũng như các nhà giáo Hán Học.” (Hết trích)
Hướng giải quyết của Bộ là bổ dụng những người tốt nghiệp cho đi làm Giáo Sư Trung Học Đệ I Cấp; và cho những sinh viên chưa ra trường (a) hoặc được vào trường Sư Phạm Quy Nhơn tiếp tục học để trở thành giáo viên tiểu học. (b) cho vào học Đại Học Sư Phạm (không cần điều kiện phải có bằng Tú Tài II) nhưng phải thi tuyển, nếu thi đậu mới được học. Chấp nhận các điều kiện như thế thì đương nhiên Viện Hán Học bị giải tán.
Nhiều học giả, trí thức trong nước lên tiếng qua báo chí, góp ý, phân tích sự quan trọng của Viện Hán Học... Nhưng Bộ Giáo Dục không quan tâm vì phe sinh viên đã thỏa hiệp “bỏ Viện Hán Học, chạy lấy người” để tìm đường sống trước mắt.
Westminster, CA 92683 ngày 7 tháng 10/2014
Nguyễn Lý-Tưởng, cựu sinh viên Khoa I Viện Hán học Huế
(Viết để nhớ đến Thầy cũ, bạn cũ tại Viện Hán Học Huế ngày xưa 1959-1962)
(Viện Hán Học tại Phủ Nội Vụ - Đại Nội Huế)
(Viện Hán Học tại Nhà Viễn Đệ - Bến Ngự Huế)
Nguyễn Lý Tưởng
(Trích Kỷ Yếu Đại Học Huế -2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét