Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Mấy Lời Muốn Thưa Với GS Hồ Ngọc Đại - Hoàng Đằng

MẤY LỜI MUỐN THƯA VỚI GS HỒ NGỌC ĐẠI
Hoàng Đằng viết

Mấy hôm nay, dư luận xôn xao không đồng tình với giáo sư Hồ Ngọc Đại về cách dạy tiếng Việt và chữ Việt cho trẻ học lớp 1 trong “tài liệu: Tiếng Việt lớp 1 Công Nghệ Giáo Dục”.
Thiên hạ, đa số, không đồng tình vì nhiều lý do: cách ghép vần không chuẩn, bài chọn để học không hợp lý về phương diện giáo dục…  Quan trọng nhất là cách của giáo sư Hồ Ngọc Đại không tiện lợi, dễ dàng, và hiệu quả hơn cách cũ. Lại thêm, đem dùng “tài liệu” ấy kéo theo nhiều tốn kém về tiền của và sức lực của quốc gia, của nhân dân, của phụ huynh và của học sinh.
Đáng lý trân trọng những góp ý xây dựng ấy – xây dựng cho cả nền giáo dục, cho tương lai cả dân tộc, giáo sư Hồ Ngọc Đại, trong trả lời phỏng vấn báo Điện Tử Trí Thức Trẻngày 10/9/2018, lại huênh hoang phát biểu: "Làm giáo dục thì xin KHẲNG ĐỊNH không ai giỏi hơn tôi"; nghe quá "trạng", chịu không nổi! Giỏi hay không giỏi, cứ để người ngoài đánh giá - người ngoài đây là nhân dân, là các bậc thức giả, ai đời mình tự đánh giá mình như thế! Kho tàng trí thức, trong bất cứ lãnh vực nào, cũng mênh mông; như cánh rừng bạt ngàn, mỗi người tiếp cận cánh rừng chỉ thấy được một phần, không thể KHẲNG ĐỊNH ai hơn ai. Thói tự kiêu của giáo sư Hồ Ngọc Đại xuất phát từ cái nhìn thiển cận của “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.

Giáo dục hiện thời chưa tốt. Thành thử, bậc thức giả nào nghĩ ra cách cải TIẾN để tốt lên, thì ai mà không mừng, không hoan nghênh! 
Tuy nhiên, cách cải tiến của giáo sư Hồ Ngọc Đại được đem ra thực nghiệm từ 40 năm nay rồi (từ năm 1978) mà kết quả tích cực chưa có chi cụ thể. Học sinh các lớp thực nghiệm "có rất nhiều trẻ xuất thân trong những gia đình trí thức danh giá" (lời của giáo sư), nghĩa là có chỉ số IQ tốt, có điều kiện tốt... mà thành tích ra đời chẳng có chi nổi trội. Trường hợp thành công của Ngô Bảo Châu không phải nhờ học thực nghiệm mà nhờ sự thông minh xuất chúng của cá nhân được đào tạo bài bản ở Tây phương. Từ thực tế đó, công nghệ giáo dục của giáo sư không được đa số nhân dân chấp nhận, giáo sư bày ra “công nghệ giáo dục” chẳng khác chi một người nào đó đem ra chào một món hàng mà không ai mua – hàng ế.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại lại có cái quan niệm không bình thường. Nhìn lại lứa học trò “công nghệ giáo dục” ra sống ở đời, giáo sư nói: “Niềm tự hào lớn nhất của tôi là một cậu học trò (của “công nghệ giáo dục”) giờ làm nghề sửa xe”. Theo giáo sư, người này du học, tốt nghiệp hai bằng đại học ở nước ngoài về, nhưng “có một niềm đam mê kỳ lạ với máy móc và đặc biệt thích sửa xe”, nên không làm việc gì mà mở quán sửa xe và khoe: “Tao bây giờ hạnh phúc lắm vì ngày nào cũng được văn ốc”. Thấy vậy, giáo sư cho rằng “tôi đã giáo dục thành công, để học trò trở thành chính nó, chứ không phải trở thành ai khác”. Xin giáo sư khoan vội tự hào, giáo sư nên nghĩ lại: 
(1) Vì cần bảo đảm cuộc sống, người ta có thể chọn nghề gì có thu nhập hơn thì làm dù trái với sở học từ nhà trường; 
(2) Nhà nước, doanh nghiệp không tạo ra đủ việc làm đúng sở trường của người tốt nghiệp thì họ phải tìm cách "khởi nghiệp" một nghề gì đó chứ không lẽ thất nghiệp, chờ chết đói...
(3) Nhiều người tốt nghiệp ngành mà nhà nước chưa có ngành đó, hoặc ngành đó nhà nước có rồi mà không có nhu cầu, người tốt nghiệp được bố trí vào một công việc không thích hợp thì họ ra làm tự do.
(4) Người có 2 bằng đại học nước ngoài làm nghề sửa xe tuyên bố: “Tao bây giờ hạnh phúc lắm!”, nhiều khi nói vậy mà không phải vậy, biết đâu đấy là một lời than trách!
Giáo dục có vấn đề, thất bại, mới đẩy người tốt nghiệp hai bằng đại học ở nước ngoài, về nước mở quán sửa xe; có chi đáng tự hào đâu!
Đại học nhắm đến việc phát minh, sáng chế về khoa học, kỹ thuật, việc lập thuyết về học thuật, tư tưởng. Vặn ốc vít thì cần gì phải học đại học! Một sự lãng phí trong giáo dục – đào tạo quá lớn mà giáo sư - người tự xưng giỏi hơn thiên hạ trong giáo dục - lại cho là thành tích rồi đem ra khoe.  Khó hiểu quá!

         12/9/2018 (03/8/Mậu Tuất)





Không có nhận xét nào: