Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Đôi Điều Tâm Sự V - Đỗ Chiêu Đức


            Đôi Điều Tâm Sự V

           Nhân đọc bài thơ "Giáo Già Tự Tình" của thầy Phạm Khắc Trí, ĐCĐ tôi cũng muốn nói lên Đôi Điều Tâm Sự sau đây...
  
Giáo Già Tự TìnhPKT 09/12/2014
Cõi đời gió bụi bao gian khổ,
Suốt kiếp phong sương lắm đoạn trường.
Lòng đỏ khôn nguôi niềm biệt xứ,
Trời xanh khéo bỡn khách tha phương.
Ba chìm bảy nổi còn ngơ ngác,
Chín ghét mười thương những vấn vương.
Năm tháng tuổI già quay ngó lại,
Tội nhau khôn dại chốn vô thường.

Inline image
PKT 09/12/2014


Kính Thưa Thầy, Bạn,

        Hổm rày đọc hết Giáo Già tự trào, tự bạch, tự trách , tự thán , tự vịnh , nay lại tự tình. Làm Đỗ Chiêu Đức tôi cũng xúc động với nghề Thầy Giáo nầy. Theo tôi biết thì ngoài Thầy Lộc, Thầy Trí, Thầy Vạn (Trầm Vân), Thầy Trường, Thầy Chân Diện Mục... thì anh HUỲNH HỮU ĐỨC, anh CAO LINH TỬ, Niên Trưởng SONG QUANG, niên Trưởng mà cũng là người giữ vườn của trang mạng PTG&ĐTĐ USA là Nhà Văn Trần Bang Thạch cũng là Nhà Giáo, và cuối cùng là người mang tiếng là Thầy Đồ là tôi đây cũng là... một Thầy Giáo Già, vì ai trẻ nhất cũng trên 60 và gần 70 tuổi  cả rồi!!!
        Không biết chị PHƯƠNG HÀ (LỘC MAI), Cô KIM OANH, KIM PHƯỢNG... có phải là Cô Giáo hay không?  chớ Cô KIM QUANG thì là Hiệu Trưởng TTH TÂN HƯNG Cái Răng ngày xưa của tôi đó!
       Inline image Riêng tôi, xuất thân con nhà nghèo, thất học sớm, mà lại mơ ước làm Thầy giáo (nghèo mà ham!) , trong khi chữ Hoa chỉ học có Tiểu Học, chữ Việt thì mới học hết lớp Đệ Lục là... tốt nghiệp rồi. May nhờ có quới nhân phù trợ giới thiệu cho vào một trường dạy tiếng Hoa ở tuốt tận Ban Mê Thuộc cho vừa học vừa dạy vừa... run, nên chỉ có 18 tuổi đã trở thành Thầy Giáo dạy lớp Hai Tiểu Học rồi, rồi cứ cái đà vừa học vừa dạy vừa... đi lính, lại được lên dạy Trung học ở các lớp đêm Chợ Lớn của các trường Quảng Nhã, Phước Đức... Sau 1975, cũng vừa học vừa dạy ở các Trung Tâm Ngoại Ngữ của các Đại Học ở Sài Gòn và Trời xui Đất khiến  lại được Thỉnh giảng vào Khoa Trung của Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (Đại Học Văn Khoa ngày trước ở 12 Đinh Tiên Hoàng Quận I) đến năm 1998 thì định cư ở HOA KỲ!
        Inline image Dạy học và Tự Học mấy chục năm, học trò cũng nhiều mà Thầy học thì cũng lắm, chẳng những học ở Thầy , ở bạn, mà gần đây còn phải Học Ở Các Học Trò Cũ của mình nữa, về Máy Tính, về Computer... Cho nên lại càng thắm thía hơn với lời dạy của Đức Khổng Phu Tử là "Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên 三人同行必有我師焉" (Trong 3 người cùng đi, thế nào cũng có một người là Thầy của ta đó!) Trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi 擇其善者而從之,其不善者而改之 (chọn người giỏi mà học theo cái giỏi của họ và người dở thì biết cái dở đó mà tránh).
          Bây giờ ngồi đây nghĩ lại, ai đó than van oán trách cho nghề giáo là nghề nghèo nàn bạc bẽo, riêng tôi, thì tôi rất thỏa mãn với cái nghề giáo của mình: Thứ nhất, là thỏa mãn được ước mơ làm Thầy Giáo của mình từ nhỏ. Thứ hai, là nhờ dạy học mà bắt buộc phải tự học, nên kiến thức ngày càng phong phú hơn. Thứ ba, là trước mắt, Thầy học, bạn học, học trò ở khắp Năm Châu Bốn Bể. Đi đâu cũng có người quen hết. Thứ tư, là được dạy cả 3 bậc học, từ Tiểu Học, Trung Hoc, cho đến Đại Học. (Đụng "La Phong" rồi còn gì!)  Chẳng những thỏa mãn ước mơ được làm thầy giáo của mình, mà tôi còn vươn đến đỉnh cao nhất của nghề Thầy Giáo, nhất là được đứng trên bục giảng của trường Đại Học Văn Khoa ngày xưa để giảng cho sinh viên. Thú thật, trước đây dù có nằm mơ tôi cũng không dám mơ được như thế! Và...

        Niềm VUI lớn nhất là cho đến trước mắt thì Thầy cũng như là bạn, bạn cũng như là Thầy, học trò mà cũng là bạn, và cũng là THẦY nữa! Đâu có nghề nào được như nghề nầy, đâu có nghề nào Vui hơn nghề nầy nữa đâu?!

       Trong niềm VUI đó, xin được HỌA VẬN bài GIÁO GIÀ TỰ TÌNH của Thầy PHẠM KHẮC TRÍ kính mến sau đây:

                 GIÁO GIÀ TỰ TÌNH

           Bụi phấn suốt đời dù có khổ,
           Niềm vui chan chứa khắp bao trường.
           Tiểu Trung Đại học luôn ba cấp,
           Âu Á Mỹ Châu khắp bốn phương.
           Đồng học bạn bè tình mãi thắm,
           Thầy Cô anh chị nghĩa còn vương.
           Học Thầy, học Bạn, học... Trò nữa!
           Cầu học "Tam Nhân" ấy lẽ thường!!!

                              Đỗ Chiêu Đức.
                                     2014

                  TÔI là Người Nước nào?!

       Dĩ nhiên, tôi là Đỗ Chiêu Đức, được sanh ra ở xã Thường Thạnh và lớn lên ở xã Thường Thạnh Đông, chợ vườn chồm hổm ở Cái Chanh, 5 giờ sáng nhóm đến khoảng 9-10 giờ thì tan chợ. Cái Chanh cách Thị Trấn Cái Răng khoảng 5 cây số đường đất với cầu ván đóng đinh cũng có, mà cầu tre lắt lẻo cũng nhiều, như câu hát ru em mà tôi thường nghe:

                      Ví dầu cầu ván đóng đinh,
                  Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi...

       Nên mặc dù là người Việt gốc Hoa (Triều Châu), tôi chỉ biết gọi Cha Mẹ Anh Chị bằng Pá Má Hia Chế và các từ thông dụng như Ăn cơm, ăn cháo là "Chìa bừng, chìa múi..." ra, thì toàn bộ sinh hoạt gia đình đều bằng tiếng Việt của Nam Kỳ Lục Tỉnh. 7 tuổi vào trường làng học lớp Đồng Ấu, học đánh vần với quyển Con Gà Con Chó, với các thành ngữ sau khi đã qua vần ngược là:
          * Dùi đánh đục, đục đánh săng.
          * Ách giữa đàng , mang vào cổ.
          * Ăn bữa giỗ, lổ bữa cày.
          * Đặng buồng nầy, xây buồng nọ.
          * Ăn thì có, ó thì không...

       Inline image  Tôi lại nổi tiếng đánh Cờ Nhào giỏi nhất đám con nít ở Cái Chanh. Một hôm, có Bác Ba ở xóm Ông Cò Nhỏ nghe tiếng tôi tìm đến đánh thử, Bác ghìm với tôi chừng nửa tiếng đồng hồ, rồi cũng bị tôi lừa thế nhào đôi một cái, bác chỉ còn có 8 con cờ, đang tìm cách gở gạt, đi lầm một nước, tôi lại được dịp nhào ba, còn có 5 con cờ thua là cái chắc. Bác Ba xô bàn cờ đứng dậy, xoa đầu tôi và khen: "Con Tùa Hia thông minh thiệt!" Tôi nổi tiếng "thông minh" từ đó! 10 tuổi ( 1958) ra chợ Cái Răng học chữ Hoa, cậu tôi mới dạy cho tôi đánh cờ Tướng, và câu chuyện bắt đầu từ đây...

       Inline image  Trước 10 tuổi, lớn lên và học chữ Việt ở xã Thường Thạnh Đông, chợ Cái Chanh. Tôi là một đứa bé nông thôn nhà quê Việt Nam thuần túy. Khi ra đến Thị Trấn Cái Răng học chữ Hoa ở Trường Tiểu học Tân Triều của người Hoa sáng lập, tôi mới thấy được chiếc xe hơi Traction chạy đưa khách từ Cái Răng đi Cần Thơ, phố xá nhà lầu hai ba từng, và điều làm tôi ngạc nhiên nhất là một hôm đang trên đường đi tới trường, thì có mấy đứa nhỏ cũng đi học ở một trường Việt gần đó, chỉ trỏ và nói rằng: Mấy đứa "Ba Tàu" giàu hơn mình, đi học phải mang giày, còn mình thì đi chân không thôi! Tôi không biết "Ba Tàu" là gì, nhưng rồi cũng phải biết, vì hai tiếng "Ba Tàu" nầy theo tôi suốt thời gian niên thiếu, như khi chuyển sang học luyện thi bằng Tiểu Học ba tháng, lớp tôi 11 đứa đậu được 10 đứa, thì các bạn ở trường Việt lại khen: Mấy đứa "Ba Tàu" nầy giỏi thiệt. Một tháng sau, tôi đậu luôn vào Đệ Thất của trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, thì lại nghe: Cái thằng "Ba Tàu" đó giỏi qúa! Hai năm sau (1964), tôi đi thi ẩu... và đậu luôn bằng Trung Học Đệ Nhấp Cấp. Mấy anh học Đệ Tứ thi rớt lại mĩa mai một cách thán phục:  Cái thằng "Ba Tàu" đó mới học Đệ Lục mà, sao mà đậu bằng Trung Học  được?! 

          Inline image 16 tuổi  (1964), Tôi và ông bạn Liêu Chương Cầu lên Chợ Lớn làm lao công trong trường Phước Đức ở số 226 đường Khổng Tử (nay là trường Trần Bội Cơ). Chợ Lớn là nơi kinh doanh buôn bán của người Quảng Đông, cả người Việt vào Chợ Lớn buôn bán cũng biết nói tiếng Quảng Đông. Tôi là người Tiều Châu, tiếng Tiều còn nói không rành, làm sao biết tiếng Quảng Đông mà nói. Tôi và ông bạn Cầu chỉ lỏm bỏm được vài câu Quan Thoại cà chật cà vuột, nên nhiều khi văn phòng hoặc thầy cô giáo sai biểu hoặc nhờ cậy điều gì, phải nói tới nói lui mấy lần hoặc phải ra dấu thì mới hiểu được, nên các thầy bà đó gọi chúng tôi là "Ó Nàm Chẩy 安南仔" (tiếng Quảng Đông có nghĩa là "Thằng An Nam"). Và không chỉ ở trong trường, đi mua đồ, hay đi ăn cơm ở các sạp cơm bình dân, vì đang tập nói tiếng Quảng Đông nên phát âm không chuẩn, họ vẫn gọi chúng tôi là "Ó Nàm Chẩy" như thường.

          Inline image 50 tuổi (1998), định cư ở Mỹ, rồi phải chạy theo cuộc sống ở đây, đâu có thời giờ để mà đi học tiếng Anh. 56 tuổi (2004) nhập quốc tịch Mỹ, nhưng nói chuyện với Mỹ vẫn "mỏi tay" như thường! Và mấy người Mỹ làm chung ở trường học vẫn gọi tôi bằng Vietnamese mặc dù tôi đã là công dân Hoa Kỳ rồi, nghĩ có tức không?! Nhưng nếu nói mình là người Mỹ, thì mình có nói rành tiếng Mỹ đâu mà câu mâu!? Nhưng, đây cũng là một điều bất công rất tự nhiên trên nước Mỹ: Người Đức, Người Ý, Người Pháp, người Anh... nói chung là người da trắng, khi nhập tịch Mỹ là thành ngay Mỹ Trắng. Người Châu Phi bất kể nước nào, nhập tịch Mỹ, thì thành Mỹ Đen. Nhưng người "da vàng mũi tẹt" nhập tịch Mỹ, không có ai gọi là "Mỹ Vàng" cả! Ngay cả người da vàng với nhau, gặp nhau cũng hỏi: where do you come from? (Bạn từ đâu đến đây?) Ý muốn hỏi, bạn là người đến từ Đài Loan, Nhựt Bổn, Việt Nam, Đại Hàn, Phi Luật Tân...

           Dưới 10 tuổi ở Cái Chanh, tôi là em bé quê Việt Nam, khi ra đến chợ Cái Răng thì thành "Ba Tàu", lên đến Chợ Lớn thì lại thành "Ó Nàm Chẩy". Qua đến Mỹ, mặc dù đã nhập tịch rồi vẫn bị gọi là Vietnamese!!!  Việt Nam chê, gọi tôi là "Ba Tàu", nhưng họ chưa chắc đã giỏi tiếng Việt bằng tôi. Cũng như Tàu chê tôi, gọi tôi là "Thằng An Nam", nhưng họ cũng đâu có giỏi tiếng Tàu bằng tôi đâu! Chỉ có Mỹ chê, gọi tôi là Vietnamese thì tôi chịu, vì tôi nói tiếng Mỹ rất "mỏi tay". Rốt cuộc, Đỗ Chiêu Đức là người gì đây?!

           Nhờ các tiền bối, thân hữu "xử" dùm xem, Đỗ Chiêu Đức là người nước nào? Chinese Vietnamese American?)

                                          Nay kính,
                                       Đỗ Chiêu Đức
  TB :
          Hỏi chơi thôi! Chớ tôi là người Việt Nam chính hiệu mà! Sanh ra và lớn lên ở VN, nơi chôn nhau cắt rún  là VN, mồ mả ông bà tổ tiên ở VN, cha mẹ còn ở VN, anh em con cháu còn ở VN... Chỉ có cái "gốc Hoa" mà thôi! Mà đã là "gốc" thì mình đâu có chọn lựa được!  Qua Mỹ 20 năm (1998-2018) tôi không có về thăm "gốc" lần nào cả, vì có biết ai bên đó đâu mà "thăm", có thăm thì cũng có ai biết mình là ai đâu mà "viếng"! Nhưng, tôi lại về VN đến 10 lần, cứ chắc mót 2 năm đủ tiền mua vé máy bay là vợ chồng tôi lại bay về VN thăm Cha Mẹ, em út, con cháu và bà con cô bác... Đặc biệt năm 2013 về VN đến 2 lần vì Ba tôi mất... Không phải chỉ riêng tôi, mà tất cả người Việt gốc Hoa đều như thế cả! Về thăm Trung Quốc chỉ là để du lịch khi dư dả, còn về thăm thân nhân ở VN mới là chánh...
          Người Hoa ở VN cho con cái học tiếng Hoa vì sợ mất gốc, cũng giống như người Việt Nam chúng ta hiện nay ở Mỹ cho con cái học tiếng Việt Nam cũng chỉ vì sợ mất gốc mà thôi!
          Hỡi ôi! Buồn thay cho "Cái thứ Ba Tàu!"
                                                ĐCĐ

Đọc chơi thư giản:

                                 TỨ KHOÁI

          Năm 1964, khi tôi thi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, có ông tài phú Gia làm chung chành lúa với ba tôi ở nhà máy Công Thành, đọc thấy tên tôi trong Danh Sách Thí Sinh Thi Đậu Bằng Trung Học được đăng trên báo, ông đã khen tôi còn nhỏ mà đã đậu Diplom (diploma) và đọc một câu trong bài thơ Tứ Khoái là "Kim bảng tánh danh đề 金板姓名题" cho ba tôi nghe. Xin kính trình với Quý Vị một bài thơ xưa nữa, bài thơ TỨ KHOÁI 四快, nói về bốn cái "Khoái" nhất của các Cụ ngày xưa như sau:
 
                Cửu hạn phùng cam vũ,         久 旱 逢 甘 雨
                Tha hương ngộ cố tri ,            他 鄉 遇 故 知
                Động phòng hoa chúc dạ,       洞 房 花 燭 夜
                Kim bảng quải danh thì .         金 板 掛 名 時
 
Chú thích :
        1. Vũ 雨: Là Mưa. Vd: Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách. Còn được đọc là VÕ. Vd: Đão Võ: là cầu mưa. CAM 甘 là Ngọt.
        2. Cố 故: Là Xưa. Vd: Cố nhân: Người xưa, Cố sự: Chuyên đời xưa...
                          Là Cũ. Vd: Cố hương: Quê cũ...
                          Khi đi với chữ QUÁ là Quá Cố: thì có nghĩa là chết đi.
        3. Quải 掛: Là Treo. Vd: Quải danh: là treo tên. "Quải danh thì" là Khi tên được treo.  Quải Quan 掛冠: Là treo nón (từ quan).
           Chữ nầy khi đọc là QUÁI thì có nghĩa là QUẺ. Vd: Bát Quái.

Nghĩa từng câu :
Câu 1: Trời hạn hán lâu ngày, gặp được trận mưa rào (ngọt) đổ xuống.
Cầu 2: Ở nơi xa quê hương mà gặp được người quen cũ.
Câu 3: Đêm động phòng hoa chúc khi ta kết hôn.
Câu 4: Khi được treo tên trên bảng vàng, tức là khi thi đậu làm quan.
           Câu chót có người đọc là: "Kim bảng tánh danh đề". 金板姓名题. Có nghĩa Tên tuổi được ghi lên trên bảng vàng, nghĩa thì cũng tương tự, nhưng "... quải danh THÌ" ăn vận với "...Ngộ cố TRI" ở trên hơn là "... tánh danh ĐỀ".
 
         Đây là 4 cái KHOÁI nhất của các ông bà ngày xưa,  xin được diễn nôm như sau:
 
                     Hạn lâu, gặp được mưa rào,
                     Xa quê lại được chào người quen xưa,
                     Động phòng hoa chúc đêm mưa,
                     Bảng vàng bia đá cho vừa lòng em!

 
           Nhưng có Cụ còn cho như thế vẫn chưa được "Thật Khoái!"
           Muốn diễn tả cho thật khoái, các cụ còn thêm vào mỗi đầu câu 2 chữ như sau:
 
                      THẬP NIÊN cữu hạn phùng cam võ,
                      THIÊN LÝ tha hương ngộ cố tri,
                      LÃO GIẢ động phòng hoa chúc dạ,
                      THIẾU NIÊN kim bảng quải danh thì

 
    Xin tạm diễn nôm như sau:

                       Mười năm hạn hán bỗng tuôn mưa,
                       Ngàn dặm quê người gặp bạn xưa,
                       Lão ông còn động phòng hoa chúc,
                       Tuổi trẻ bảng vàng quả sướng chưa!

 
         Bốn câu thơ trên gọi là "Tứ cực khoái 四極快". Còn như muốn diễn tả 4 điều làm cho người ta bực mình nhất, (Tứ bất khoái 四不快) thì sẽ thêm vào mỗi đầu câu 2 chữ  như sau:
 
                          VIÊM ĐIỀN cữu hạn phùng cam võ,
                          ĐÀO TRÁI tha hương ngộ cố tri,
                          THÁI GIÁM động phòng hoa chúc dạ,
                          CỪU NHÂN kim bảng quải danh thì.

 
     Cũng xin diễn nôm như sau:
 
                           Ruộng muối nắng lâu chợt đổ mưa,
                           Trốn nợ quê người gặp bạn xưa,
                           Thái giám bắt động phòng hoa chúc,
                           Kẻ thù đậu đạt, khổ hay chưa?!

           Người xưa luận về Tứ Khoái thì như thế, còn hiện nay chúng ta có được những thứ nào khả dĩ gọi là KHOÁI không?

                                           Đỗ Chiêu Đức
 
          Sau đây là tài liệu sưu tầm của em Kim Chấn Võ, một cựu học sinh Tân Hưng Cái Răng, về bài thơ "Tứ Khoái" mà thành "Hết Khoái" vì có một sự kiện đi kèm theo sau đó. Bài thơ như sau:

久 旱 逢 甘 雨  
Cửu hạn phùng cam vũ
                                              暴 雨 淹 沒 村 !                                 
                                             Bạo vũ yêm một thôn !
他 鄉 遇 故 知                        
Tha hương ngộ cố tri ,
                                              久 住人!                                                                    
                                             Cửu trú nan vi nhân!
洞 房 花 燭 夜                       
Động phòng hoa chúc dạ,
                                               親 友 醉 不 歸  !                                                                       
                                             Thân hửu túy bất qui !
金 板 掛 名 時                       
Kim bảng quải danh thì .
                                                公 主 已 嫁 去 !                                                      
                                             Công chúa dĩ giá khứ!

 Ghi Chú :

        1. Bạo vũ 暴雨 : Trong thành ngữ "Cuồng phong bạo vũ" , ta thường nói là "Mưa cuồng gió loạn". Bạo vũ là Mưa lớn, Mưa xối xả, Mưa như trút nước!
        2. Yêm một 淹没: Yêm là Ngập, Một là mất. Yêm Một là Chìm ngập.
        3. Nan vi Nhân 難為人 : là Khó làm người, nghĩa là rất khó xử trong việc ăn ở chung với ai đó, khó sống với ai đó. Khác với VI NHÂN NAN : Làm người rất khó, ý chỉ Cái đạo làm người phải rất thông tình đạt lý, giữ mình nghiêm cẩn cho phải đạo . 
        4. Giá 嫁: là Gả, là lấy chồng. Giá Khứ: Gả đi rồi, đã lấy chồng rồi!

Thích nghĩa từng câu:

         1. Cửu hạn phùng cam võ: Nắng lâu gặp mưa ngọt, mưa rào (khoái). Nhưng... Bạo vũ yêm một thôn: Mưa lại quá lớn làm chìm ngập cả thôn xóm (hết khoái!)
         2. Tha hương ngộ cố tri: Ở nơi xa quê hương mà gặp được người quen (khoái). Nhưng... Cửu trú nan vi nhân: là Ở lâu khó làm người. Đây là vế sau của câu: Tương kiến dị đắc hảo 相見易得好 (Cửu trú nan vi nhân 久住難為人). Con người, mới gặp nhau, lâu lâu gặp nhau, tay bắt mặt mừng thì rất dễ tốt với nhau, rất niềm nở với nhau. Nhưng nếu, ở chung với nhau lâu ngày, thì sẽ sanh ra nhiều chuyện, rắc rối với nhau, thậm chí cải lộn, đánh lộn, hoặc ghét đến nỗi không thèm nhìn mặt nhau luôn (hết khoái!)
         3. Động phòng hoa chúc dạ: Đêm động phòng hoa chúc thì KHOÁI khỏi phải nói rồi! Nhưng... Thân hữu túy bất qui: Bạn bè thân thích nhậu say cứ la cà, rề rà, nhừa nhựa nhậu hoài không chịu về, làm chú rễ bực mình (hết khoái) vì không vào động phòng hoa chúc được!
        4. Kim Bảng quải danh thì: Khi tên họ được treo trên bảng vàng, thi đậu làm quan (khoái thiệt!) Ngày xưa, thường thì khi thi đậu Trạng Nguyên, nhà Vua hay gả Công Chúa cho làm vợ, làm Phò Mã, vừa Đại Đăng Khoa vừa Tiểu Đăng Khoa, Khoái biết chừng nào. Đằng nầy, thi đậu mà... Công Chúa dĩ giá khứ: Công Chúa đã gả đi rồi, đã có chồng rồi!  Hết Khoái!!!

Diễn nôm :
        Hạn lâu gặp được mưa rào (Khoái).
        Nhưng mưa tràn ngập, nước trào xóm thôn (Hết khoái)

        Xa quê gặp được người quen (Khoái)
        Ở chung lâu giận, chẳng thèm nhìn nhau (Hết khoái).

        Động phòng hoa chúc khoái sao!
        Bạn bè say nhậu VÔ! VÀO!  suốt đêm (Hết khoái).

        Bảng vàng Khoái tỉ, thấy tên,
        Nhưng nàng Công Chúa đã lên xe... hoa! Thôi khoái).

                                                                                  
                                Đỗ Chiêu Đức



Không có nhận xét nào: