Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Đôi Điều Tâm Sự III - Đỗ Chiêu Đức

      Đôi Điều Tâm Sự III

          Ba tôi, theo bà nội tôi từ tỉnh Quảng Đông xứ Triều Châu qua  đây lúc 7 tuổi, vì lớn lên ở nông thôn, nên nói tiếng Việt rất sỏi, biết giã gạo chày đôi chày ba, biết hát huê tình... và vì là con trưởng, nên em út đều gọi bằng Tùa Hia (là Đại Ca, là Anh cả). Má tôi cũng thứ hai, nên cả hai bên nội ngoại các em đều gọi là Tùa Hia, vì vậy mà mọi người lầm tưởng ông tên là TÙA HIA...  
                 
                Tám tư một cõi đi về
       Nhất sinh lao nhọc đề huề một thân.(1)
 
             NHỚ TÙA HIA    (2)
                        
           Tùa hia nổi tiếng một thời,
           Cái Răng Ba Láng người người biết tên.
           Ông Cò, Ông Cửu, Cái Chanh,
           Trẻ già quen gọi chú, anh, ê, thằng!

 Ba mươi một chín chào đời,(1930)
 Quê hương xa tít mù khơi Quảng, Trừng.(3)
 Ba bảy phiêu bạt phong trần,(1937)  Inline image
 Việt Nam cùng mẹ tảo tần sinh nhai.
      Bốn mươi, đèn sách như ai,(1940)    Inline image
      Tân Triều trường mới vùi mài sử kinh.
      Giang hồ trôi nổi lênh đênh,
      Thương hồ cuộc sống bấp bênh qua ngày.

Tốt nghiệp liền phải đi cày,
 Ba năm góp vốn miệt mài một thân. (4).
 Nấu cơm, chẻ củi, quét sân
 Gánh nước, đi chợ, nấu ăn, đủ nghề.

      Mặc người sai khiến hả hê,
      Cam thân nghèo khó chẳng hề thở than.
      Bạc bài, âm nhạc, ca sang,
      Hòa cùng cậu chủ bản đàn “măng đô”.

Khẩu cầm, tiêu, sáo, nhị hồ,
Nhà nghèo được dịp điểm tô cuộc đời. (5)
Thông minh tài trí tuyệt vời,
Phòng bên kế toán gọi mời đêm đêm.
     Chi  thu sổ sách học thêm,  Inline image 1945
     Bàn tính, bàn toán gỏ liền như ai.
     Chủ nhân để mắt thương tài,
     Gả liền cháu gái, trai tài sánh đôi. (6)  Inline image  1947

Mười tám tuổi chợt đổi đời,
Lãnh ngay “Tằng khạo” ghe chài sướng thân .(7)
Tưởng rằng dứt nợ phong trần,
Nào hay mạng số lần khần trêu ngươi.

     Ghe chài bị đục, chìm ngay !
     Việt Minh kháng chiến bắt đày vô bưng.
     Đầu lòng con đẻ giữa chừng
     Đến khi được thả, con mừng thôi nôi !  Inline image  1948 (ĐCĐ)

Trở về cuộc sống nổi trôi,
Cái Chanh quá bước một thời mãi mê.
Ba mươi sáu con số đề,
Sòng bài, tài xiểu, bàn đề, ra thai. (8)

     Trãi qua một cuộc trần ai,
     Đổi nghề nấu rượu vô chai “Hoa đèo”
     Hủ chì, Hèm để nuôi heo,
     Rượu thuốc, hổ cốt lại đèo “Áp sanh”. (9)

Nhưng rồi cũng chịu đành hanh,
Mở tiệm tạp hóa đua tranh với đời.
Vi Ký, tiệm bán không lời,
Đành thôi, để tiếng một thời “Tùa Hia”! Inline image  1959

      Cái Chanh thôi hết đi dìa,
      Dọn dìa Ba Láng chia lìa từ đây!
      Năm Căn, tiếp tục đi cày
      Cân than, tài phú, cho dài đường đi.(10) Inline image  1961

Bà Cai, lần nữa thiên di,
Chuyển sang chành lúa một khi, lở thời!
Quận Lẻ, khắc nghiệt đua đòi,
Đuổi nhà, lần nữa di dời Cái Răng.(11) Inline image  1963 

     Từ đây ổn định tiềm năng,
     Nổi danh Tài phú Cái Răng một thời.
     Huê hồng béo bở tuyệt vời,
     Xây lầu quê ngoại, rạng ngời thanh danh  (12) Inline image               1970

"Tùa hia", giờ đã công thành,  Inline image  1972
 Cháu con khôn lớn học hành đến nơi.
 Tiêu dao cùng hưởng phước trời,
 Thọ qua tám chục, ai người chẳng mong!?

      "Kim hôn" kỷ niệm năm mươi năm,  Inline image  2000
      "Toản hôn" sáu chục năm ròng sống chung.
      "Lục tuần" rồi "Thất tuần" xong,
      "Bát tuần" thượng thọ, cháu ông cháu bà ! Inline image            2010

Bốn đời sum họp một nhà,  Inline image 2002
Việt Kiều yêu nước gần xa tụ về.
Mỗi năm cứ Tết gần kề,
Năm châu bốn bể đề huề một khi ! (13)

     Vinh hoa phú quý kể chi,  Inline image 2010
     Cái Răng ai dám sánh bì với ông ?!
     Ước mơ giờ đã toại lòng,
     Mong ông sớm được siêu thăng cỏi ngoà!

Giờ đà nhẹ bước trần ai,
Nợ trần rủ sạch, thân ngoài hư không !
     ............................

                     Một đời cần mẫn nên công,
                     Nêu gương “Tiểu phú do cần“ ai ơi! (14)
                     Mong cha sớm được lên Trời,
                     Tiêu diêu cực lạc, một đời bôn ba !!!
                                         Trưởng nam,
                                      ĐỖ CHIÊU ĐỨC
                                               Kính điếu
                                                  2013
Chú Thích :
(1). Đề Huề : Đề là Xách, Huề là Dắt. Từ kép Đề Huề là Mang Xách, Dắt díu, Gánh Vác. Trong Truyện Kiều, khi tả lúc Kim Trọng Xuất hiện, Nguyễn Du đã Viết :
          Đề Huề lưng túi gió trăng ,
        ( Đề Huề nầy là Mang Xách ), Còn...
   Đề Huề một thân : là chỉ một mình mình gánh Vác.
(2). TÙA HIA :
      Âm Tiều Châu của từ Đại Huynh 大兄, có nghĩa là Anh Cả, Anh Hai. Lúc bấy giờ Tùa Hia chỉ khoảng 22, 23 tuổi, nhưng Vì em út 2 bên nội ngoại đều kêu là Tùa Hia, nên người ngoài lầm thưởng Tùa Hia là Tên gọi. Vì Vậy, con nít thì gọi là CHÚ Tùa Hia, người lớn thì gọi là ANH Tùa Hia, mấy ông già thì gọi là THẰNG Tùa Hia, còn những kẻ có chức có quền lúc bấy giờ, như ông Trung Đội Diễn, Ông Đại Đội Sáu thì khi nói chuyện cứ Ê Tùa Hia là lịch sự lắm rồi !
(3). Quảng Trừng : Tỉnh Quảng Đông, huyện Trừng Hải Tiều Châu bên Trung Quốc.
(4). Ba Năm Góp Vốn...: Nhà nghèo, nên khi vừa tốt nghiệp Tiểu học phải đi ở đợ 3 năm cho Chành lúa Hưng Phát, lấy tiền công ba năm làm Vốn cho ba má đi sang lúa kiếm lời mà sống.
(5). Nhà Nghèo Được Dịp...: Vì Cậu chủ là bạn học cũ, lại rất thích âm nhạc, nên dạy cho cách sử dụng tất cả các loại nhạc khí, để cùng hòa tấu cho Vui. Trong Chành lúa lại có 2 phòng VIP : Một là Phòng Kế Toán, Một là Phòng Bài Bạc để các chủ cả sát phạt lẫn nhau. Vì ở đợ, nên phải phục Vụ cả 2 phòng, sành Và giỏi cả 2 thứ, lại phải Xuống bếp phụ bếp, nên lại giỏi cả nấu ăn. Nghĩa là, giỏi cả đờn ca xướng hát, cờ bạc, kế toán và nấu ăn nữa!
(6). Gả liền cháu gái...: Bà Chủ rất thương thanh niên tài giỏi, lại chịu khó cố gắng học hỏi đủ thứ, nhưng Vì không có con gái, nên mới bắt cháu gái gọi bằng cô (là Má tôi đó) gả cho làm Vợ.
(7). Tằng Khạo: Tiếng Tiều Châu, có nghĩa là Xếp, là Quản lí, Quản đốc. Tằng Khạo ghe chài là Làm xếp của một chiếc ghe chài.
(8). Bàn Đề, Ra Thai: Vì có Hoa tay khéo, viết chữ Hoa và chữ Việt rất đẹp, nên Lưc lượng Hòa Hảo giao cho trách nhiệm viết vẽ và in thai đề 36 mỗi ngày.
(9). Hoa Đèo, Hủ Chì : Từ chuyên môn của nghề nấu rượu cổ điển Và các loại rượu thuốc làm lậu lúc bấy giờ như : Hổ cốt, Áp sanh, Mai Quế lộ...
(10). Cân Than...: Làm Tài Phú Cân Than cho Công Ty Than Đước Hậu Giang của bà Ngô Đình Nhu lúc bấy giờ, phải xuất tỉnh đến tận xứ Năm Căn, Cà Mau.
(11). Đuổi Nhà...: Từ Ba Láng dời Xuống Cầu Bà Cai, bị ông Quận Trưởng tên Lẻ đuổi nhà, nên lại dọn Xuống chợ Cái Răng, ở phía sau Lâm Chi Phát.
(12). Xây Lầu Quê Ngoại : Thập niên 1960- 1970, nổi tiếng là Tài Phú giỏi nhất Cái Răng, mỗi năm được Chủ chia cho 5% huê hồng, nên Về quê Vợ ở Ba Láng cất cái nhà lầu đầu tiên của Xóm nầy, làm mọi người đều trầm trồ khen ngợi.
(13). Đề Huề : Ở đây có nghĩa là Dắt díu nhau mà Về.
(14). Tiểu Phú Do Cần: Thành ngữ Việt Nam: "Đại phú do Thiên, Tiểu phú do cần."  Có nghĩa: Làm giàu lớn là do số Trời cho, còn làm giàu nhỏ là do biết siêng năng, cần kiệm.
            Inline image
  Má ẳm ĐCĐ    Bán tạp hóa ở             Làm Tài phú       Tài Phú Vạn Hưng
   3 tháng tuổi.    Cái Chanh 1959.         Cái Răng 1962      Ba Láng 1974   

         
                HOÀNG CẨU NGỌA HOA TÂM

       Trong bài thơ "NHỚ TÙA HIA" làm để điếu tang và để nhớ và kỷ niệm lúc Ba tôi mất, tôi có giới thiệu chi tiết: Má tôi là cháu của bà chủ chành lúa. Chành lúa nầy là Chành Khổng Hưng Phát ở phía bên kia cầu sắt bắt qua sông ngang nhà lồng chợ Cái Răng , là chành lúa lớn nhất Thị Trấn Cái Răng lúc bấy giờ, nên Má tôi cũng thuộc dạng Tiểu Thơ, mặc dù ở trên Ba Láng thuộc miệt vườn, nhưng vẫn được đi học chữ Hoa, nên cũng biết chút đỉnh chữ Nho, và theo nề nếp cổ xưa, nên cũng học đủ các thứ Công Dung Ngôn Hạnh...
         Mỗi lần nhà có đám giỗ đám tiệc, thì các tiểu thơ miệt vườn cũng ra sức trang điểm các món ăn cho đẹp mắt, nhất là các loại dưa và cải chua được khắc thành những chữ Nho như: Phước, Lộc, Thọ, Khang, Ninh 福,祿,壽,康,寧...   Các Hương Sư, Hương Quản thường để mắt xem xét xà khen con gái Ba Láng  biết chữ Nho. Ngoài ra trên các mặt bàn hoặc màn treo còn được các cô thêu đủ loại bông hoa chim cá cảnh và chữ Nho, như Gia Đình Hạnh Phúc 家庭幸福, Diên Niên Ích Thọ 延年益壽  v.v. và v.v... nên...
           Má tôi cũng là một tay thêu rất đẹp, tất cả các mặt gối ở nhà nằm đều do một tay bà thêu ra cả! Còn tôi, tôi là "chuyên gia" can-kê mẫu thêu lên vải cho Má tôi thêu. Sau nầy, lớn hơn, vẽ khéo tay mà lại viết chữ đẹp, tôi còn vẽ và chế tác các mẫu thêu mới cho Má tôi nữa.
         Vì tôi có tới 8 đứa em, nên mỗi đứa đều có một cái gối thêu theo tuổi của mỗi đứa, nên tôi phải tìm mẫu để thiết kế cả 12 Con Giáp cho gối của đứa nào thì ra đứa nấy mà không lộn xộn giành giựt nhau mỗi tối!
        Quá trình tìm mẫu thiết kế cho 12 con giáp thật là vất vả: Ví dụ như: Tuổi Dần, tuổi Thìn, tuổi Ngọ thì rất đễ dàng tìm mẫu con Cọp, con Rồng, con Ngựa thật đẹp để làm mẫu thêu. Còn như  "Tuổi Tý là con chuột nhà, bắt vịt bắt gà khoét lổ đào hang" hổng lẽ vẽ hình con chuột mỏ nhọn lĩu thì thêu lên coi sao được, nên tôi đã phải mượn hình tượng của con MICKEY MOUSE để làm mẫu thêu cho đẹp...
        Cũng như Tuổi Thân con khỉ thì mượn hình tượng của Tề Thiên Đại Thánh, tuổi Hợi con Heo thì mượn hình tượng của Trư Bát Giới... 

Inline imageInline imageInline image
 
Rồi...
       Không lẽ chỉ vẽ có cái hình mà thôi, phải có chữ nữa chớ! Cái nầy mới rắc rối đây, phải tìm chữ nào cho phù hợp với cái mặt gối nằm ngủ mà còn phải có ý nghĩa và ăn với cái hình thì mới được. Ví dụ như: Mặt gối hình con Ngựa tuổi Ngọ thì viết bốn chữ MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG 馬到成功, hình Tề Thiên con Khỉ tuổi Thân thì viết 4 chữ THÔNG MINH DĨNH NGỘ 聪明颖悟, hình Trư Bát Giới con Heo thì hạ 4 chữ CAO CHẨM VÔ ƯU 高枕無憂, có nghĩa: Ăn no ngủ kỹ không lo lắng gì cả! Có nhiều con liên quan đến Thành Ngữ Điển Tích như con Gà tuổi Dậu, thì tôi viết câu Thành Ngữ VĂN KÊ KHỞI VŨ 聞雞起舞  (là Nghe Gà gáy thức dậy  luyện võ),  lấy tích của ông...
       TỔ ĐỊCH 祖逖  (chữ nầy còn được đọc là THÍCH), người đời Tấn, từ nhỏ đã có chí lớn, ngoài việc học văn, mỗi sáng cứ nghe gà gáy là ông thức dậy luyện võ, trở thành người văn võ song toàn.  Sau làm đến chức Trấn Tây Tướng Quân, nên thành ngữ Văn Kê Khởi Vũ sử dụng cho hình con gà thì không còn gì thích hợp hơn.

                      Image result for 聞雞起舞 Inline image  

         Có nhiều con rất khó tìm câu chữ cho thích hợp, như con Chuột, con Rắn... thì trên mặt gối chỉ thêu thêm 2 chữ Good-night hoặc 晚安 (Vãn An nghĩa như Good-night) mà thôi.
         Một hôm, tôi đang tạo mẫu cho tuổi Tuất, vẽ xong hình con Chó nằm dưới khóm hoa ngẩng đầu lên nhìn trăng, còn đang băn khoăn chưa biết phải hạ chữ gì, thì thời may có ông Cậu đến chơi. Ông Cậu nầy cũng là Cậu Chủ của Ba tôi ngày xưa, nên giỏi cả Cầm Kỳ Thi Họa, ông gợi ý và nhắc cho tôi về điển tích giữa Tô Đông Pha và Tể Tướng Vương An Thạch, rồi sẵn cây viết Nguyên Tử ông khoanh luôn cho tôi 5 chữ: HOÀNG CẨU NGỌA HOA ÂM 黄狗卧花陰 để hoàn tất mẫu gối thêu "Tuổi Tuất là con chó cò, nằm khoanh trong lò lổ mũi lọ lem!"
         Về Điển Tích giữa Tô Đông Pha và Vương An Thạch như sau...
         Vương  An Thạch là Tể Tướng đương triều, chẳng những giỏi văn thơ mà còn giỏi về chính trị nữa (Vương An Thạch Tân Pháp, là cải cách chính trị nổi tiếng của ông lúc bấy giờ, ở đây, ta chỉ bàn về văn chương). Tô Đông Pha là một quan Hàn Lâm, rất giỏi văn thơ. (Trong Đường Tống Bát Đại Gia thì cha con Tô Đông Pha chiếm hết 3 ghế rồi), và có lẽ vì thế mà ông cũng hơi hợm mình, nên mới cả gan sửa thơ của Tể Tướng, vì ông cho Vương An Thạch đã nhầm lẫn, khi viết 2 câu thơ  sau:

      Minh nguyệt đương đầu KHIẾU,  明月當頭叫,
      Hoàng cẩu ngọa hoa TÂM.         黄狗卧花心.
Có nghĩa :
          Trăng sáng kêu ngay ở trên đầu, và Con chó vàng nằm giữa lòng hoa.

          Ông cho là Tể Tướng đã lẫm cẫm nên nhầm, mới sửa lại là:

           Minh nguyệt đương đầu CHIẾU,   明月當頭照,
           Hoàng cẩu ngọa hoa ÂM.              黄狗卧花陰.
Có nghĩa:
         Trăng sáng soi ngay trên đĩnh đầu, và Con chó vàng nằm dưới bóng hoa.

         Vương giận, mới đày ông xuống miền Mân Nam (Vùng Phúc Kiến, Quảng Đông ngày nay).              
        Một hôm, Tô Đông Pha đi dạo trong làng để thăm hỏi dân tình thì thấy một con chim lạ rất đẹp, mới hỏi thăm dân làng đó là con chim gì? Dân làng đáp rằng: Đó là con chim Minh Nguyệt! Tô nghe nói giật mình. Dân lại nói tiếp là, loài chim nầy chuyên tìm ăn loại sâu bọ màu vàng nằm giữa lòng hoa. Tô hỏi là loại sâu gì? thì dân bèn tìm ngắt một đóa hoa thật đẹp, nhưng ở giữa nhụy hoa có một con sâu màu vàng nằm cuốn tròn, mõm dài và mình đầy lông trông như một con chó con bé xíu, dân bảo con sâu đó tên là Hoàng Cẩu! Tô bèn thở dài và chép miệng: "Thật đáng kiếp!" Ông trách cho sự dốt nát và hợm hĩnh của mình. Từ đó, mới chịu phục Tể Tướng là giỏi...
        Thì ra hai câu thơ của Tể Tướng là để nói về hai loài vật nầy:

    Con chim Minh Nguyệt đang hót ở trên đầu, và...
    Con sâu Hoàng Cẩu nằm rút mình trong nhụy hoa.

Trở lại với...
       Má tôi, mãi cho đến năm 70 tuổi bà mới thôi không còn thêu nữa.
       Trong cuộc đời thêu thùa của bà, ngoài việc thêu các mặt gối cho người nhà nằm, bà còn thêu tặng cho bà con cháu chắc. Nhớ một lần, cô Tư của tôi sanh em bé nhằm năm Tuất, bà bèn thêu cái mặt gối có con chó và câu "Hoàng Cẩu ngọa hoa âm" để tặng. Mấy hôm sau, Bà Nội tôi ghé nhà nhắc nhở Má tôi, sao tặng cái mặt gối "KỲ QUÁ VẬY!" Má tôi mới chợt nhớ ra rằng, dượng Tư của tôi là Thầy Thuốc Bắc họ HUỲNH (Hoàng) 姓黄, cháu của ông chủ tiệm thuốc bắc Dân Hòa Hưng.  Câu "Hoàng Cẩu ngọa hoa âm" khác nào gọi con của cô dượng Tư là " Con Chó Vàng nằm dưới bóng hoa!" Vỡ lẽ ra thì việc đã rồi, đành phải nín thinh luôn, may mà cô dượng Tư cũng không có để ý mà bắt lỗi, thiệt hết hồn! Nên...
        Nhiều khi không phải mình cố ý, hảo ý nữa là khác, nhưng cũng làm ra những chuyện dễ Giựt Mình!!!...

       Để kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng đọc một bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt rất hay của Tể Tướng Vương An Thạch nhé!
 
                XUÂN DẠ
Kim lô hương tẫn lậu thanh tàn
Tiễn tiễn khinh phong trận trận hàn
Xuân sắc não nhân miên bất đắc
Nguyệt di hoa ảnh thướng lan can
                     Vương An Thạch

         春夜

金爐香燼漏聲殘,
剪剪輕風陣陣寒。
春色惱人眠不得,
月移花影上欄桿。
        王安石

DIỄN NÔM :
                        ĐÊM XUÂN
      Lửa tắt, canh tàn, hương thoảng qua,
      Hây hây gió sớm lạnh ru mà.
      Trêu ngươi xuân sắc, khôn yên giấc,
      Trăng chiếu lan can ngập bóng hoa!
                              Đỗ Chiêu Đức 
             

                           ÔNG GIÀ TỨ CANG
  
                      Image result for chợ nổi cái răngImage result for chợ nổi cái răng           
                     
               Hò hơ....
         Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền,
         Anh có thương em thì cho bạc cho tiền,
         Đừng cho lúa gạo... ờ... hò hơ...
         Đừng cho lúa gạo... ờ... Xóm giềng họ cười chê!

        Tôi sinh ra ở xã Thường Thạnh, Ba Láng, tức là ấp Yên Thượng của Thị Trấn Cái Răng, huyện Châu Thành, tỉnh Phong Dinh, nên nghe thuộc lòng câu hò trên từ lúc còn chưa vào lớp Đồng Ấu.  BA LÁNG quê tôi, nơi đây lúc tôi còn nhỏ, trong làng xóm còn có những vị tiền bối chức sắc của tổ chức xã hội trước kia, như: Hương Quản, Hương Sư... Đặc biệt nhất là ông Ba  Hương Sư, tác phong nghiêm chỉnh, đạo mạo. Theo nghĩa của chữ Sư, thì chắc hồi xưa ông Ba là Thầy dạy chữ Nho trong làng.

              Inline image 
               Hương chức hội tề

              Inline image
                          Hương Sư

        Khi tôi khoảng 11, 12 tuổi gì đó, thì ông Ba làm nghề thầy thuốc, bắt mạch cho toa rất nổi tiếng, có thể là lúc bấy giờ đã không còn có người học chữ Nho nữa, nên ông xoay sang nghề làm thầy thuốc chăng?!  Bây giờ thì không nói về những vị Hương Thân đạo mạo khả kính nữa,  tôi xin kể về một ông Hương Thân rất vui tính ở trong làng để các bạn nghe chơi tiêu khiển trong những ngày cuối năm chờ Tết đến!...

       Không biết xưa kia giữ chức vụ gì trong Hương Chức Hội Tề, ÔNG SÁU rất được mọi người trong xóm kính trọng, giỏi chữ Nho, am tường về phong tục tập quán cổ truyền, tính tình vui vẻ, thích nói chơi, nên rất được thanh thiếu niên trong xóm yêu mến...
        Cũng không biết ưu thời mẫn thế như thế nào, Ông Sáu hay nói ngược lại những câu chữ Nho của người xưa. Ví dụ như câu:

             Tiền tài như phân thổ,                 錢 財 如 糞 土,
              Nhơn nghĩa trị thiên kim.          仁 義 值 千 金。
Nghĩa là :
           Tiền của tài sản thì như là đất là phân, không đáng quí trọng.
           Nhân nghĩa ở đời mới đáng giá ngàn vàng!

thì ông Sáu cũng nhại lại cái âm của câu nói mà nói ngược lại là:
                     Tiền tài như... ông Tiên Tổ,
                     Nhân nghĩa tợ... cục cứt khô !
để mỉa mai thói đời xem trọng kim tiền mà coi nhẹ nghĩa nhân. Hoặc như câu:
                     Nhất ngôn ký xuất,                一 言 既 出,
                     Tứ mã nan truy.                    四 馬 難 追。
Nghĩa là :
           Một lời đã nói ra thì Xe bốn ngựa (phương tiện giao thông nhanh nhất ngày xưa) cũng không thể rượt theo mà lấy lại lời nói đó cho được... thì ông nói thành:
                  Nhất ngôn ký xuất,                一 言 既 出,
                  TỬ... mã nan truy .              死 ...馬 難 追。
hàm ý con ngựa Chết thì làm sao rượt theo mà lấy lại lời nói cho được, cho nên cứ nói càng!...
              Nhiều khi Ông chỉ sửa những câu chữ Nho để nói chơi cho vui mà thôi. Ví dụ như câu:
        Bần cư náo thị vô nhân vấn,        貧 居 鬧 市 無 人 問,
        Phú tại thâm sơn hữu viễn thân.  富 在 深 山 有 遠 親。
Có nghĩa :  
       Nghèo mà ở nơi chợ búa náo nhiệt cũng không có ai thèm hỏi tới, còn...
       Giàu mà ở nơi núi sâu rừng thẳm, cũng có bà con xa tìm đến thăm!  thì Ông nói thành:
              Bần cưa ván ngựa đen như sắn,
              Cú tại màng tang đứng chết trân !
hoặc như câu:
                       Đạo cao long hổ phục,       道 高 龍 虎 伏,
                       Đức trọng quỉ thần kinh.    德 重 鬼 神 驚。
Nghĩa là :
            Đạo pháp mà cao cường thì rồng cọp cũng phải phủ phục mà chịu phép.  Cái đức của con người mà cao trọng thì quỉ thần cũng phải kinh sợ (mà không dám làm hại). 
      
           Image result for 道高龍虎伏  
             Đạo cao long hổ phục 

            Inline image
              Đào ao lên đất cục

thì Ông nói lại cho vui là :
                           Đào ao lên đất cục,
                           Đứt họng cổ lòi gân!

        Nghe Ông nói, lúc đó tôi bèn quay sang nói nhỏ với thằng bạn là: "Đạo cao long hổ phục, mà ổng nói thành Đào ao lên đất cục kìa!"  Nhè đâu ông Sáu nghe thấy, mới quay lại nói với tôi là: "Cái thằng nầy, Đào ao không lên đất cục thì lên cái gì mậy? Mà nầy, mầy học chữ Nho mà mầy có biết "TAM CANG" là gì không?" Tôi được dịp, bèn đáp một cách hãnh diện:
       - Thưa Ông Sáu, TAM CANG là Quân thần cang, Phụ tử cang và Phu thê cang. Bà con ta hay nói tắt TAM CANG là: Quân thần, Phụ Tử, Phu Phụ.   
        Ông Sáu cười cười gằn giọng :
      - Mầy giỏi quá há! Vậy tao hỏi mầy, mầy có biết TỨ CANG không ?
        Tôi há hốc, ngạc nhiên quá hỏi lại:
       - Sao có Tứ Cang nữa ông Sáu?
        Ông Sáu cười lớn nói:
       - Cái thằng nầy không biết gì hết, TỨ CANG là cái lớn nhất không thể CAN được!      
        Tôi càng ngạc nhiên hơn, hỏi:
       - Cái gì mà hổng CAN được ông Sáu? 
         Ông Sáu nghiêm mặt lại nói:
       - TAM CANG là Quân thần Cang, Vua đánh tôi, có người CAN được. Phụ Tử Cang, Cha đánh con, cũng CAN được. Phu Thê Cang, Chồng đánh Vợ, cũng còn CAN được. Nhưng , Ông đánh thì vô phương CAN!... Tôi làm tài khôn nhanh nhẩu chen vào:
       - Ông đánh thì cũng CAN được chớ sao không?
 Ông Sáu phá lên cười lớn:
       - Thằng nầy, Ong Vò Vẻ đánh làm sao ai dám CAN. Ong đánh là TỨ CAN đó biết không?! 
        Vừa lúc đó anh Ba từ ngoài vườn chạy vào, hai tay che đầu miệng la oai oái, có mấy con ONG bay theo phía sau... Ông Sáu cười ngất nói:
      - Đó, đó! Thằng Ba nó bị TỨ CANG đó, mầy giỏi mầy vô CAN đi!
  Thì ra...
        Gần Tết, anh Ba ra vườn sửa sang lại vườn tược cho gọn ghẽ sáng sủa để Ăn Tết, kéo nhằm ổ ONG BẦN, nên bị  NÓ rượt chạy vào...

        Thì ra, ONG ĐÁNH là TỨ CANG. Ong đánh thì không ai dám CAN cả!!!
       Từ đó, Tôi và các bạn trong xóm gọi ông Sáu là ÔNG GIÀ TỨ CANG!  
                                   
       Đây là chuyện có thật, tên cúng cơm của Ông Sáu là ĐỰC. Mọi người trong xóm đều gọi là Ông Sáu Đực. Bà con bên ngoại của Má tôi, nên Má tôi gọi ông là Cậu Sáu.
       Vì là dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, nên nói chuyện phát âm không có phân biệt giữa CAN và CANG hay ONG và ÔNG gì cả!

        Bây giờ, đã hơn 60 năm qua, ông Sáu đã không còn nữa. Gần Tết, tha hương đất khách, ngồi đây nhớ lại chuyện xưa, lòng bồi hồi xúc động. Đâu rồi thời gian thơ ấu, đâu rồi những phong hóa cũ, đâu rồi những tập tục của ngàn xưa, đâu rồi ÔNG SÁU của dạo nào?!... đành ngậm ngùi đọc lại 2 câu thơ cuối của Vũ Đình Liên trong bài thơ Ông Đồ là:

                    Những người muôn năm cũ,
                    Hồn ở đâu bây giờ?!!! ...

                                   Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào: