Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Người Giao Kẻ Nhận - Mai X Thanh


Người Giao Kẻ Nhận

Bọc thép đạp tông cửa ngõ vào...
Quân hàm mấy cái đỏ lao xao...
Người giao thấp thỏm vai Ông Chủ,
Kẻ nhận ngông nghênh khuất lấp sao...
Trịnh trọng dập giày chào Thượng Tướng
Thản nhiên trung tá mắng ồn ào...
Tay không chẳng có gì mà nói ?
Ai bảo bàn giao... " Đã Nốc Ao ! "

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 04 năm 2015

Tháng Tư Đen: Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần - Nguyễn Lý Tưởng


Nhân Ngày Quốc Hận 30/4/1975
Nhìn Lại Lịch Sử, Nhớ Đến Những Người Đã Hy Sinh
“Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần”

GS Nguyễn Lý-Tưởng

Khởi đi từ việc quân Pháp đã cho tàu chiến đến gây hấn và đánh chiếm nước ta vào thế kỷ 19 và những nhà ái quốc đã hô hào duy tân, tự cường, nâng cao dân trí để cùng đấu tranh giàng lại độc lập cho đến khi Hồ Chí Minh đem chủ nghĩa cộng sản áp đặt lên đất nước ta, gây nên một cuộc nội chiến giữa những người quốc gia yêu chuộng tự do và những người cộng sản chủ trương bành trướng chủ nghĩa duy vật, làm tay sai cho Liên Sô và Trung Cộng. Kết quả là ngày Quốc Hận 30/4/1975, và sự có mặt của mấy triệu người Việt Nam ở hải ngoại hiện nay. Vì không thể sống chung với cộng sản độc tài, chúng ta đã bỏ hết nhà cửa, tài sản, bỏ cả quê hương, mồ mả tổ tiên, bạn bè, người thân, v.v. để vượt biển đi tìm tự do. Cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền vẫn được tiếp tục nhằm xóa bỏ chế độ cộng sản tại Việt Nam.
Trong biến cố 30/4/1975, Cộng Sản Việt Nam đã thắng về quân sự, nhưng chúng không thắng được ý chí bất khuất của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và toàn thể nhân dân Miền Nam. Vì thế, chúng đã lập ra các nhà tù cải tạo để giam giữ, hành hạ những người đã phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Chúng đã đày đọa anh em chúng ta  tận những nơi rừng thiêng nước độc ở Miền Bắc. Đói rét, bệnh hoạn, xa gia đình, xa quê hương, một số anh em đã bỏ xác trong trại tù tập trung cải tạo, một số sống sót sau hàng chục năm bị ngược đãi, đã được trở về trong cảnh gia đình tan nát, dân chúng lầm than.
Nhờ sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, của các quốc gia yêu chuộng tự do và nhất là các phong trào đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nên sau 15 năm dưới chế độ cộng sản, một số các cựu sĩ quan, viên chức của chế độ VNCH cùng với gia đình đã được đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài hoặc được định cư tại Mỹ.
Thực tế đã cho chúng ta thấy rõ, Chủ Nghĩa Cộng Sản đã đem lại cho Việt Nam một nền kinh tế suy sụp, dân chúng phải sống trong cảnh nghèo đói, bị áp bức. Nền luân lý, đạo đức, văn hóa của tổ tiên hoàn toàn bị suy đồi, con người sống với nhau không còn tình cha con, tình vợ chống, tình làng xóm nữa mà đã trở thành những kẻ gian dối, phản bội, hận thù giai cấp, duy vật, mất niềm tin vào Thượng Đế, vào các tôn giáo nhất là đạo thờ kính ông bà tổ tiên đã khuất.
Nhân ngày Quốc Hận 30 tháng 4, chúng ta không quên công lao và xương máu của chiến sĩ đồng bào đã đổ ra vì tự do, độc lập và để ngăn chận chủ nghĩa cộng sản vô thần.
Trong số những anh hùng đó, có một số người đã được báo chí, sử sách nêu tên như các tướng, Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai...và một số sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ đã lấy tấm thân đền nợ nước, thà chết vinh hơn sống nhục, đã tự tử không chịu đầu hàng, không chịu trao thân cho kẻ thù bắt bớ, giam cầm, tù tội. Tuy thân xác họ ngày nay đã ra tro bụi, nhưng tên tuổi của họ vẫn còn sống mãi trong sử sách, sống mãi trong lòng mọi người.
Cứ mỗi lần kỷ niệm ngày Quốc Hận 30 Tháng 4, báo chí, đài phát thanh và qua các cuộc họp mặt của đồng bào trong các buổi lễ, các cuộc meetings, người ta lại nhắc nhở đến họ, vinh danh họ. Người xưa thường nói: “Sinh vi tướng, tử vi thần” (nghĩa là khi còn sống làm tướng chỉ huy quân đội, khi chết trở nên thần thánh được nhân dân tôn thờ). Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung,v.v. là những anh hung trong sử sách Việt Nam, tuy đã chết nhưng vẫn còn được sùng kính như những vị thần thánh của các tôn giáo. Họ là những vị thần của dân tộc Việt Nam và sẽ phù hộ cho chúng ta trong cuộc tranh đấu chống xâm lăng, chống cộng sản, đem lại tự do, thanh bình và thịnh vượng cho dân tộc.
Nhân ngày quốc hận 30 tháng 4, chúng ta hãy nhớ đến một số các vị anh hùng đã chứng tỏ tinh thấn bất khuất trước kẻ thù, đã nêu gương trung liệt đối với tổ quốc và đồng bào. Chúng tôi xin được nói về các vị tướng đã hy sinh mạng sống mình để chứng tỏ lòng trung thành với tổ quốc, bất khuất trước kẻ thù:



1.Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II, Quân khu II (vùng II  ChiếnThuật tại Pleiku). Ông sinh ngày 16/10/1928 tại Hà Đông trong một gia đình trung lưu, miền Bắc. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Tích và cụ bà Nguyễn Thị Nhiễm. Sau khi học hết chương trình trung học, ông tình nguyện vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt là trường đào tạo sĩ quan hiện dịch, khóa 8 khai giảng ngày 1 tháng 7/1952. Sau 01 năm thụ huấn, mãn khóa với cấp bậc Thiếu úy (28/6/1953: thủ khoa là Thiếu Úy Nguyễn Bá Thìn tự Long sau nầy là Đại Tá, chết tại trại tù Yến Bái). Thiếu Úy Phạm Văn Phú được chọn vào binh chủng Nhảy Dù, một binh chủng thiện chiến của quân đội. Năm 1953-1954, tình hình chiến sự rất sôi động tại các chiến trường Miền Bắc, ông được thả dù xuống căn cứ Điện Biên Phủ, nơi có khoảng 20.000 lính Pháp-Việt đang trấn giữ và bên ngoài có khoảng 60.000 lính Việt Minh đang bao vây, tấn công. Khoảng 5 tháng sau ngày ra trường, từ Thiếu úy, ông được thăng cấp Trung Úy vào ngày 1 tháng 12 năm 1953 và trong vòng 3 tháng sau, từ Trung Đội Trưởng ông được lên cấp Đại Đội Trường Đại đội 1 Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và khoảng 40 ngày sau ông được thăng cấp Đại Úy tại mặt trận (25/4/1954) vì có công tái chiếm trọng điểm chiến lược (đồi Elianne) trong trận Điện Biên Phủ. Và 12 ngày sau khi ông được thăng cấp Đại Úy, căn cứ Điện Biên Phủ thất thủ, ông bị bắt vào lúc 9 giờ sáng ngày 7 tháng 5/1954 trước khi Tướng De Castrie, chỉ huy căn cứ Điện Biên Phủ đầu hàng; lúc đó, không ai biết tin tức Đại Úy Phú sống hay chết, xem như mất tích. Gần 01 năm sau ngày ký kết Hiệp Đinh Genève (20/7/1954) ông được trao trả tù binh tại cầu Bến Hải, vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị vào ngày 8 tháng 7/1955.
Ông đã trải qua các khóa huấn luyện về Dẫn Đạo Chỉ Huy, về Lực Lượng Đặc Biệt,v.v. Từ Đại Úy, Thiếu Tá đến Thiếu Tướng, trong vòng 16, 17 năm, ông lần lượt giữ các chức vụ : Tỉnh Đòan Trưởng Bảo An, Quận Trưởng, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt, Xử Lý Thưởng Vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Phụ Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 rồi Sư Đoàn 1, Tư Lệnh Biệt Khu 44 (Đồng Tháp Mười), 1969, vinh thăng Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Lực lượng Đặc Biệt. Năm 1970,Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh (23/8/1970), 15/4/1971 vinh thăng Thiếu Tướng tại mặt trận (Sư Đoàn 1). Năm 1972, vì lý do sức khỏe, về Saigon chữa bệnh. Năm 1973: Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Ngày 5/11/1974, Tư Lệnh Quân Đoàn II, Quân Khu II tại Pleiku
       Sau hiệp định Paris (27-01-1973) Việt Cộng lợi dụng quân Mỹ rút, đã tăng cường xâm nhập quân lính, xe tăng tứ Bắc vào Nam theo đường Trường Sơn và dọc biên giới Lào, Miên, đã tạo áp lực nặng nề cho vùng cao nguyên Pleiku, Ban Mê Thuột. Năm 1974, Việt Cộng đánh chiểm tỉnh Phước Long và vùng Ba Biên Giới (Việt-Miên-Lào), tháng 3/1975, Việt Cộng tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột đồng thời chiếm Quảng Trị. Trước tình hình đó, trong cuộc họp mật tại Cam Ranh ngày 13/4/1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái khỏi Pleiku để giữ vùng Duyên Hải. Quyết định sai lầm đó đã khiến cho cả một Quân đoàn QL/VNCH tan rã. Hàng triệu cán bộ, công chức và gia đình cũng như đồng bào phải bỏ nhà cửa, tài sản chạy thoát thân, gây nên tình trạng hỗn loạn toàn Miền Trung. Nhân đà thắng lợi đó, cộng sản Hà Nội ra lệnh đem quân ào ạt tiến chiếm Miền Nam...
     Đầu tháng 4/1975, Thiếu Tướng Phú lâm bệnh phải vào điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, trước ngày 30/4/1975.  Sau  khi nghe tin Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn... đã bỏ Saigon trốn ra ngoại quốc, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh, tướng lãnh mạnh ai nấy chạy, Ông liền trở về tư dinh, 19 đường Gia Long, Saigon để sắp xếp cho vợ con ra đi và ra lệnh cho sĩ quan tùy viên là Trung Úy (có sách viết là Đại Úy) Đỗ Đức Tân (cũng là em vợ của ông) đem vợ con ông ra phi trường Tân Sơn Nhất để di tản... Khi vợ con ra khỏi nhà rồi, ông quyết định uống thuốc tự tử để trọn lòng trung thành với tổ quốc, không muốn cho bản thân bị kẻ thù làm nhục khi bị cộng sản bắt lần thứ hai... Trung Úy Mạnh, sĩ quan An Ninh biết được liền báo cho vợ con ông đang ở phi trường quay trở lại, đưa ông vào bệnh viện Grall ngay trước mặt nhà, để cấp cứu. Nhưng vì thuốc quá mạnh nên không còn cứu được nữa. Vợ con, bạn bè... những người chứng kiến giây phút đau lòng đó không ai là không cảm thương cho một vị tướng khi sa cơ thất thế, chỉ có đem cái chết đền nợ non sông mà thôi.
     Sau khi ông chết rồi, Việt Cộng đã tịch thu hết nhà cửa, tài sản của ông khiến cho vợ con phải cảnh không nhà cửa, tiền bạc, đành tìm đến nương tựa nhà bà con (nhà Trung Úy Tấn), người biết chuyện không ai mà không thương mến ông.
     (Tôi có người bạn là Đại Tá Nguyễn Bá Thìn tự Long, cùng tuổi, cùng khóa 8 sinh viên sĩ quan Đà Lạt với tướng Phú... cho biết: Trước 1954, Tướng Phú đã có một đời vợ, khi ông bị tù sau trận Điện Biên Phủ, người nầy đã bỏ ông. Năm 1957, anh Long đã giới thiệu cho ông Phú bà Đỗ Thị Lâm Đệ, sinh năm 1935 tại Thượng Hải, cha mẹ đều là người Hoa, về sau bà mẹ lấy một người Việt Nam, cô nầy trở thành người Việt, lấy họ Đỗ là họ Việt. Cô nầy xinh đẹp, quý phái, nhân hậu hay thương người và có tướng là mệnh phụ phu nhân... Bạn bè tướng Phú thường nói “bà nầy có tướng là mệnh phụ phu nhân nên mới gặp được tướng Phú từ lúc hàn vi”. Tôi quen Tướng Phú năm 1970 khi ông về làm Tư Lệnh Sư đoàn 1 ở Huế, lúc đó tôi đang là Dân Biểu tỉnh Thừa Thiên. Tôi có giới thiệu người bạn, hiện nay đang ở Australia, nguyên là binh nhì thuộc Sư Đoàn 1 nhưng có Tú Tài Pháp, có bằng Cử Nhân và Cao Học... để giúp Tướng Phú giao dịch thư từ với các bạn người Pháp trong Hội Cựu Chiến Binh Điện Biên Phủ của Pháp. Bạn tôi cũng dạy con ông Phú học. Năm 1972, ông Phú từ Huế về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi có đề nghị với ông cho con trai ông vào học trường La Salle Taberd  Saigon là trường tư thục công giáo danh tiếng... Về sau cậu nầy được du học Mỹ và khoảng 1980-1990, đã bảo lãnh cho mẹ và các em qua Mỹ. Hiện nay phu nhân của Thiếu Tướng Phú đã qua đời, các con đang ở Mỹ)
Huy chương: Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương – Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu – 53 Huy chương đủ mọi loại khác nhau và một số huy chương Pháp, Mỹ...
2.Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam
Sinh ngày 23/9/1927 trong một gia đình danh giá ở đất Thừa Thiên, thân phụ là cụ Nguyễn Khoa Túc (Thanh Tra Học Chánh), thân mẫu là Công Tôn Nữ Mộc Cẩn thuộc dòng Tuy Lý Vương , hoàng tộc nhà Nguyễn. Tổ tiên từ đời nầy qua đời khác có công giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cõi trong cuộc Nam Tiến, đánh dẹp loạn lạc, đem lại thái bình cho dân chúng. Sử sách còn ghi tên: Ông Nguyễn Khoa Đăng (quan Nội Tán) , Nguyễn Khoa Chiêm (Tham Mưu) của chúa Nguyễn, Nguyễn Khoa Minh (thời Minh Mạng), tổ tiên có một vị tiến sĩ từ chức quan lập ra chùa Ba La Mật ở Phú Vang, trở thành Hòa Thượng... rất danh tiếng. Ở Huế có 4 họ tộc lớn là Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Thân Trọng, Hà Thúc... thì Nguyễn Khoa được kể là danh giá bậc nhất... Nguyễn Khoa Nam lớn lên là một người con hiếu thảo, đạo đức, một học sinh tốt: năm 1946, ông thi đỗ Tú Tài I, làm Chủ Sự Hành Chánh tại Huế. Năm 1953, động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, mang cấp bậc Thiếu úy (1953), thụ huấn cấp Đại Đội Trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt (1954), là một sĩ quan có tinh thần trách nhiệm, ở bất cứ đơn vị nào ông cũng được binh sĩ cũng như cấp chỉ huy kính phục. Với nhiều công lao trên các chiến trường, nhiều lần du học về các khóa chuyên môn quân sự cao cấp tại Hoa Kỳ... Ông lần lượt giữ các chức vụ Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Trường, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù, thăng Đại Tá (1969), Tư Lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh (1970), vinh thăng Chuẩn Tướng (1971), vinh thăng Thiếu Tướng (1972), Thiếu Tướng thực thụ (1974) sau đó được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV vùng IV Bộ Tư Lệnh đóng tại Cần Thơ, chịu trách nhiệm bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long (Miền Tây) là nơi dân cư đông đúc, ruộng đất phì nhiêu, là một vùng chiến lược quan trọng.
Ngày 37/4/1975, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương rồi trốn chạy ra ngoại quốc. Sau đó, trước áp lực quân sự của Việt Cộng từ Hà Nội đang ồ ạt tiến vào. Ngoài ra, còn do áp lực của Mỹ và của Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc của ông Vũ Văn Mẫu mà đàng sau là Thượng Tọa Thích Trí Quang nhất định đòi hỏi phải cụ Trần Văn Hương trao quyền lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Trước và sau khi bàn giao chức vụ Tổng Thống VNCH tại Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh đã cam kết bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Nhưng sáng 30/4/1975, Minh đã tuyên bố đầu hàng CS mà không có một nỗ lực chiến đấu nào mặc dầu lúc đó quân đội vẫn còn, lãnh thổ vẫn còn, chưa mất hết tất cả.
Trước lệnh buông súng đầu hàng của Dương Văn Minh, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã bình tĩnh, tập họp quân đội dưới cờ, thông báo tình hình. Hết đêm 30/4, qua ngày hôm sau, lúc 6:30 sáng 1 tháng 5/1975, ông mặc quân phục, ngồi tại văn phòng tư lệnh, dung súng tự sát để trở về với tổ tiên anh hùng, mới 48 tuổi. Thân làm tướng “thành mất thì tướng phải chết theo thành”, ông không muốn để cho tấm thân phải bị sỉ nhục bởi quân thù.
Tất cả sĩ quan, binh sĩ và đồng bào nghe tin đó đều không cầm được nước mắt. Những sĩ quan và binh sĩ còn trung thành với ông đã đưa thi hài ông qua Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Trung Tá Bác Sĩ Hoàng Như Tùng, Giám đốc Quân y viện Cần Thơ đã lo việc mai táng cho Thiếu Tướng tại Nghĩa Trang quân đội Cần Thơ. Ngày hôm sau 2/5/1975, chị ruột là Nguyễn Khoa Diệu Khâm từ Saigon đến Cần Thơ dựng bia mộ. Mấy năm sau (1984), bà con dòng họ cải táng, đưa tro cốt về gởi tại chùa Già Lam đường Lê Quang Định, Gia Định do Hòa Thượng Thích Trí Thủ... Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam ở độc thân, không lập gia đình, tu thân theo tinh thần Phật giáo, ăn chay, niệm Phật.
Huy chương: Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tam Đẳng và các huy chương đủ loại...

3. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (Tư lệnh Phó Quân Đoàn IV)
Sinh ngày 27/3/1933 tại Hốc Môn, Gia Định, cha mất sớm, ở với mẹ là Trương Thị Đức, trong một gia đình trung lưu, là học sinh giỏi tại trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Dakao, Saigon, lớn lên trong cảnh chiến tranh, nhập ngũ theo lệnh Tổng động viện trước Hiệp Định Geneve (20/7/1954), tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức với cấp bậc Thiếu Úy (1955), phục vụ quân đội dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ (1955-1963), chỉ huy từ đại đội đến tiểu đoàn. Năm 1967, Trung Tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 Sư đoàn 21 Bộ Binh.  Năm 1968, vinh thăng Đại Tá. Năm 1970, Tỉnh Trưởng Phong Dinh (Cần Thơ), Năm 1971, Tư lệnh phó Sư đoàn 21 BB rồi lên Tư Lệnh Sư đoàn 5 BB, thăng Chuẩn Tướng (9/3/1972). Ngày 6/4/1972, Việt Cộng bao vây An Lộc (tỉnh Bình Long) Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng dùng trực thăng nhảy dù xuống An Lộc, tử thủ cùng với Đại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng Bình Long, thời gian bị VC bao vây gần 3 tháng. Cuối cùng Việt cộng bị đẩy lui. Ngày 7/7/1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến tại mặt trận gắn Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tam Đẳng kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, vinh thăng Chuẩn Tướng thực thụ. Ngoài ra còn thêm huy chương đặc biệt “Bình Long Anh Dũng”. Trận đánh nổi tiếng nầy khiến cho cả thế giới đều biết “Chuẩn Tướng  Lê Văn Hưng, người anh hùng tử thủ Bình Long - An Lộc”... xem như một trận Điện Biên Phủ thứ 2 trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Trận đánh đã tiêu diệt hàng chục ngàn lính Việt Cộng. Năm 1973, ông qua làm Tư lệnh Sư đoàn 21 BB ở Miền Tây. Năm 1974, Tư lệnh phó Quân Đoàn IV dưới quyền của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.

Ngày 30/4/1975, sau khi được lệnh đầu hàng, ông gặp gỡ, tâm sự với sĩ quan và binh sĩ dưới quyền, từ giã anh em và gia đình. Ông nói “Tôi bằng lòng chọn cái chết. Tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ được thành thì phải chết theo thành”.  Lúc 8:45 phút tối 30/4/1975, ông dùng súng tự tử tại văn phòng Phó Tư Lệnh, lúc 42 tuổi để lại người mẹ, vợ và bốn người con: 3 gái, 01 trai. (an táng tại khu đất của gia đình).
Huy chương: Đệ Tam đẳng Bảo Quốc Huân Chương,  Chương Mỹ Bội Tinh Đệ Nhất Hạng, Lục Quân Huân Chương Đệ I hạng, 28 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, 3 Chiến Thương Bội Tinh, Huy chương của Hoa Kỳ tặngv.v.

4. Chuẩn Tướng Trần Văn Hai
Sinh 1/1925 tại Gò Công trong một gia đình trung lưu, sau khi học hết chương trình Trung Học, tình nguyện vào Quân Đội,
 -1952 tốt nghiệp khóa 7 Võ Bị Liên Quân Đà Lạt với cấp bậc Thiếu Úy, đã lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu Đoàn Trưởng,  
-1963, Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ (Nha Trang), 
-1965, Trung Tá Tỉnh Trưởng Phú Yên,
 -1967 thăng Đại Tá , 
-1968 Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân, 
- 1968, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, 7/1970, vinh thăng Chuẩn Tướng Tư lệnh Biệt khu 44 (vùng Đồng Tháp Mười: các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Châu Đốc, An Giang),
-1972, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II tại Pleiku (Biệt động quân biên phòng),
-Chỉ huy trưởng Trung Tâm huấn luyện Lam Sơn kiêm Trung Tâm Dục Mỹ,
- Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang, -1/11/1974: Tư Lệnh Sư Đoàn & BB... Trải qua các đơn vị, ông được tiếng là một người có tư cách, gương mẫu, tận tụy phục vụ cho quốc gia. Thời tuổi trẻ, ông đã từng là đảng viên Đại Việt (cùng người anh là Trần Văn Xuân, Thủ lãnh Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn của Đại Việt) mục đích tranh đấu giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, xây dựng cho đất nước một chế độ tự do dân chủ. Trải qua các chiến trường, ông chứng tỏ là một cấp chỉ huy có khả năng và trong sạch. Sĩ quan và binh sĩ dưới quyền ai cũng thương và kính phục ông.
Ngày 30/4/1975, khi có lệnh buông súng đầu hàng, lúc đó ông đang ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Mỹ Tho, gần Saigon, ông tập họp sĩ quan và binh sĩ, phổ biến tin tức, cám ơn và từ giã anh em. Ông khuyên mọi người nên trở về nhà lo cho vợ con, không nên tiếp tục chiến đấu đổ máu vô ích. Ông nói:  “Vận nước đã đến hồi như vậy rồi, không làm gì hơn được”. Khoảng nửa đêm 30/4 gần sáng 01 tháng 5/1975, ông ăn mặc áo quần chỉnh tề, mang đầy dủ huy chương trên ngực rồi vào phòng chỉ huy của Tư Lệnh Sư Đoàn, uống khoảng 20 viên thuốc hiệu Optalidon (thuốc trị đau nhức đầu của Pháp) và 1/3 chai rượu nho (rượu lễ của Linh Mục) rồi gục đầu chết trên bàn. Khoảng 4 giờ sáng, sĩ quan trực mới biết ông đã chết. Sáng 1/5/1975, thi hài ông được đưa vào quàn tại bệnh xá Sư đoàn 7. Lúc 2 giờ chiều, sĩ quan tùy viên của ông là Trung Úy Huỳnh Văn Hoa về Saigon báo tin cho vợ ông, bà Phạm Thị Cúc, ngay sau đó, mẹ và các em của ông thuê xe tang từ Saigon về Mỹ Tho đưa xác ông về tại bệnh viện Grall (Đồn Đất) đường Nguyễn Du, Saigon. Việc khâm liệm hoàn tất vào lúc 8 giờ tối. Sáng hôm sau, 2/5/1975, an táng tại Nghĩa trang chùa Vĩnh Nghiêm, Saigon. Tôi có người bạn, ngày xưa là Trương Ty Cảnh Sát dưới quyền ông, nghe tin vội chạy đến bệnh viện Grall, chứng kiến tận mắt cảnh thi hài ông nằm trên giường, mặc áo quần sĩ quan cấp tướng, ngực mang đầy huy chương. Anh bạn tôi nói: “Những hạng người như thế trên đời nầy dễ gì có được” rồi anh bật khóc.

5. Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ (Tư lệnh Sư đoàn 5 BB)
Sinh ngày 22/8/1933, cha: Lê Nguyên Liên, mẹ: Lê Thị Huệ,  trong một gia đình Nho học, danh giá tại thị xã Sơn Tậy. Họ Lê nhiều người đỗ đạt, đã từng giữ chức vụ lớn trogn chính quyền quốc gia như Trung Tướng Lê Nguyên Khang, v.v. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ là con đầu lòng trong một gia đình gồm 2 em gái cùng mẹ và một em trai cùng cha khác mẹ, hiện còn ở Việt Nam. Năm 1951, học hết trung học tại Hà Nội, ông trúng tuyển khóa 2 Lê Lợi, trường Võ Bị địa phương Huế (thường gọi là trường Hạ Sĩ Quan Đập Đá),  Năm 1953 theo học Khóa Huấn Luyện Biệt Kích tại Bãi Cháy, Hưng Yên, lên Trung Úy thuộc tiểu đoàn 19 BVN do đại Úy Đỗ Cao Trí chỉ huy (1970 là Trung Tướng). Năm 1954, tiểu đoàn 19 BNVN trở thành Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, ông được chọn du học khóa Nhảy Dù tại Pau (Pháp). Năm 1955 đánh nhau với Bình Xuyên tại trường Petrus Ký Saigon, bị thương. Năm 1956, vinh thăng Đại Úy, Quận trưởng Bến Cát (Bình Dương). Năm 1965 lên Thiếu Tá. Năm 1968, Trung Tá Trung đoàn trưởng trung đoàn 8 Sư đoàn 5 BB. Năm 1970, Đại Tá, du học Mỹ, trở về làm Tư lệnh phó Sư đoàn 5 BB. Năm 1972, phụ tá Chuẩn tướng Lê Văn Hưng tại trận An Lộc. Ông là người đầu tiên sử dụng M.72 hạ xe tăng Việt Cộng tại mặt trận Bình Long-An Lộc, từ đó binh sĩ thêm tin tưởng vào loại vũ khí mới nầy. 1973 Đại Tá Tư lệnh phó Sư đoàn 21 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng. Ngày 01/11/197 đặc cách ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Anh Dũng Bội Tinh nhành Dương Liễu, một tuần sau lên Tư lệnh Sư đoàn 5 BB. Ngày 1/11/1974, vinh thăng Chuẩn tướng.
Ngày 30/4/1975, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự tử sau khi được lệnh đầu hàng...Theo Trung Tá Văn, Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị Sư đoàn 5 BB kể lại cho ông Lê Nguyên Hoàng (anh con bác của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ) giờ phút cuối cùng của Chuẩn tướng Vỹ như sau:
Ngày 30/4/1975, khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ họp sĩ quan, binh sĩ Sư đoàn 5 lại và nói: “Mặc dù có lệnh trên nhưng tôi cương quyết không đầu hang. Tôi sẽ có cách tự xử riêng với tôi. Anh em ai lo thân nấy, chạy được thì chạy”.
Trong khi bên ngoài, VC bắc loa kêu gọi đầu hàng thì ông vẫn bình tĩnh và ra lệnh cho nhà bếp tổ chức một bữa tiệc mời anh em. Sau khi ăn uống no say, ông đứng dậy và đi vào phòng bên cạnh. Lát sau, có tiếng súng nổ, mọi người chạy vào thấy ông ăn mặc quân phục chỉnh tề, mang huy chương và quân hàm Chuẩn tướng nằm chết trên giường. Ông đã dùng súng bắn xuyên cằm lên đầu tự tử. Lúc đó khoảng 12:30 chiều ngày 30/4/1975.
Tất cả các sĩ quan đều có mặt khi Việt Cộng vào. Tướng chỉ huy của VC thấy như vậy, đã nói: “Đây mới xứng đáng là con nhà tướng”.
Anh  em đem chôn ông tại sân Bộ Tư Lệnh bên cạnh cột cờ, nhưng VC không cho. Cuối cùng phải đem chôn trong vườn cao su ở bên ngoài đồn.
Trong lúc chiến trận xảy ra thì vợ con ông đã chạy theo dòng người di tản ra ngoại quốc. Hai ngày sau khi ông chết, 2/5/1975, người vợ của Trung Tá Phan Mạnh Tuân (anh ruột bà Lê Nguyên Vỹ) đi gặp Việt cộng, nói dối là vợ của ông Lê Nguyên Vỹ , xin nhận xác chồng về chôn. Bà con đã đào mộ cũ lấy xác đem về chôn ở Hạnh Thông Tây, có lập bia mộ rõ ràng. Năm 1987, bà mẹ của ông, đã ngoài 80 tuổi,  và anh em của ông từ Sơn Tây vào cùng ông Lê Nguyên Hoàng (Trung Tá VNCH vừa đi tù cải tạo về) đi cải táng, lấy cốt của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ đem thiêu để mang về quê nhà, thị xã Sơn Tây. Ông Lê Nguyên Hoàng đã quan sát kỹ thấy sọ của Chuẩn Tướng có vết đạn xuyên qua. Hiện nay, bà con dòng họ ở ngoài Bắc đã xây lăng mộ cho Chuẩn Tướng tại quê nhà. Vợ con của ông hiện đang sống ở Mỹ. Hoàn cảnh gia đình, năm 1954, mẹ và anh em đều ở lại Miền Bắc, chỉ có ông Lê Nguyên Vỹ theo đơn vị vào Nam và lúc đó đang đi học về Không Quân tại Pau (Pháp). Chúng tôi viết lại mấy dòng nầy qua lời kể của Trung Tá Lê Nguyên Hoàng, hiện đang sinh sống tại thành phố Garden Grove, California, USA

Kết luận: Nhân ngày Quốc Hận 30/4/1975, chúng tôi xin đốt nén hương tưởng niệm các bậc anh hùng “sinh vi tướng, tử vi thần” và những sĩ quan, binh sĩ cũng như những người yêu nước và đồng bào vô tội đã chết trong ngày 30/4/1975 và trong suốt cuộc chiến chống lại cộng sản từ 1945 đến nay. Sau ngày 30/4/1975, máu của những người yêu nước vẫn còn đổ ra trong các cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Gương trung dũng của quý vị là gương sáng cho muôn đời noi theo.
(bài nầy đã viết cách nay gần 20 năm, và đã được bổ túc vào tháng 4/2015)

 Nguyễn Lý Tưởng


                                                                  ***********

          

VINH DANH CÁC TƯỚNG LÃNH
TUẪN TIẾT NGÀY 30/4/75 
     NGŨ vị Nam, Hai, Phú, Vỹ, Hưng,
        TƯỚNG tài khí phách rất oan hùng.
     DŨNG uy sáng giá không đơn lẻ,
        CẢM động vô cùng tuẫn tiết chung.
       LƯU mãi ngàn đời  trang Sử chép,
        DANH lừng mãi mãi sách ghi công.
    MUÔN năm chói lọi Vì Sao sáng,
          THỦA trước tiền nhân cứu núi sông.
Lê Đắc



Buồn Cứ Buồn Hơn Mỗi Tháng Tư- Thuyên Huy


Buồn Cứ Buồn Hơn Mỗi Tháng Tư

Buồn cứ buồn hơn mỗi tháng Tư
Bốn mươi năm đất mẹ mịt mù
Quê nghèo đơn lẻ người nằm đó
Bên này tôi tượng đá chơ vơ

Người bỏ cuộc tàn trưa Ba Mươi
Quê hương từ đó mất tiếng cười
Huyệt sâu chôn khúc hồn tử sĩ
Tôi đây người đó có gì vui

Tôi chưa trả người nợ núi sông
Ngày lây lất sống giữa chợ đông
Cô đơn hồn lệ trời đất khóc
Người hiểu cho tôi một nỗi lòng

Quê hương ngày cứ xa rất xa
Bóng trăng xứ lạ bóng trăng tà
Bao giờ trở lại căn nhà cũ
Tôi hát cho người khúc hoàn ca

Vận nước mệnh đời bao nỗi đau
Tháng Tư vẫn mãi tháng Tư sầu
Hồn tôi một kiếp đời buốt lạnh
Như bốn mươi năm dưới mộ sâu

Người cho tôi hẹn một ngày về
Không như chiều đó tôi bỏ đi
Hoa trước mộ người màu áo trận
Mình kể nhau nghe mộng xuân thì

Thuyên Huy
Quê người cuối tháng tư đen năm 2015


Nén Hương Ngày Hạ - Việt Hạ



Nén Hương Ngày Hạ

(Tưởng nhớ ngày mất tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Vùng 4, tuẩn tiết tại Cần Thơ ngày 1/5/1975)

Thắp nén hương dâng lên chủ tướng
Nhớ về hồi ức buổi phân ly
Thế cuộc bó tay người bất khuất
Cam đành tuẫn tiết vẹn tình quê!

Đoàn quân ngơ ngác vì vô chủ
Binh sỉ rã tan điểm chốt cùng
Những cuộc đào sinh đầy chết chóc
Những đời đày đọa giữa lao lung!

* * *

Băm mấy năm dài nhiều biến đổi
Thời gian không xóa hết niềm đau
Đoàn quân ngày ấy phân hai nhánh
Chung vết thương lòng đã khắc sâu!

Quân đi đất mới đầy kiêu hãnh
Thương nhớ quê hương nặng trĩu lòng
Viễn cảnh vinh quang nhưng thất bại
Quê nghèo chưa thoát khỏi xiềng gông!

Quân ở chuỗi ngày dài chịu đựng
Âm thầm đối mặt những tai ương
Sống trên quê mẹ như thân gửi
Chờ ánh dương quang luống mỏi mòn!

Kẻ thắng lộ hình người cướp đoạt
Bóng đêm toàn trị phủ quê hương
Chế độ độc tài và dối trá
Gia tài của mẹ Việt Nam buồn!

Chính sách sai lầm dân đói khổ
Chủ trương mông muội nước tang thương
Vỡ ra mặt thật nhiều tồi dỡ
Tâm trí u mê, mộng vĩ cuồng!

Chủ thuyết mác lê đà sụp đổ
Xướng danh tội ác chống nhân loài
Chủ nghĩa cầm quyền tìm bám víu
Mô hình chuyển hóa chỉ loay hoay!

Cộng sản biến hình tư sản đỏ
Ma fia quyền lực ẩn mưu mô
Tiếp cận nhân quyền nhiều thách thức
Hành trình dân chủ lắm cam go!

Trải qua những kiếp đời nô lệ
Lịch sử sang trang chuyển mỹ từ
Lý tưởng sống đời dần biến mất
Lòng người vô cảm hóa vô tư!

Chiến tranh dai dẳng đầy ngao ngán
Cái giá hòa bình trả quá cao
Dân tộc oằn mình và khiếp nhược
Hồn thiêng sông núi khóc thương sầu!

* * *

Muốn để thời gian dìm ký ức
Ôm niềm chiến bại để tìm quên
Vết thương vẫn cứ không lành miệng
Đến hạ thương căng máu rĩ tràn!

Việt Nam đất nước dài đau khổ
In đậm trong hồn tiếng mẹ thiêng
Nỗi đau thất trận là bài học
Nỗi hận lòng tham kẻ bạo quyền!


 Việt Hạ - 2011



Đập Bia Tương Niệm - CN





      Đập Bia Tưởng Niệm
                      1
   Tin gây chấn động cõi Đông Tây,
   Bia dựng thiêng liêng tưởng niệm này
   Cho xác ôm hờn chìm đáy nước,
   Hoặc hồn câm hận thấu tầng mây.
   Tránh đâu cho khỏi người gieo gió,
   Gặt bão rồi đây sẽ có ngày.
   Bia đá trăm năm dù đã đập,
   Ngàn năm bia miệng, tính sao đây?
                     2
    Bia dựng thuyền nhân thác biển Đông,
    Cộng Nô bôi bẩn giống Tiên Rồng.
    Trị dân tiếng khóc vang trời đất,
    Giữ nước hiến dần, mất núi sông.
    Phụ nữ bán buôn, nhơ quốc thể,
    Nam nhân xuất khẩu, kiếp lao công.
    Bia kia đã xóa, còn bia miệng,
    Đắc tội ngàn năm với Tổ Tông!

                    CN



Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

* Tình Bạn Xưa - Mailoc

TÌNH  BẠN  XƯA
 
Lòng bỗng nhớ mấy bạn thân còn lại,
Tình bạn già đẹp mãi chẳng hư hao.
Tháng năm dài cuồn cuộn nước trôi mau,
Nơi đất khách bùi ngùi nao nao nhớ.
 
Có người bạn, gặp rồi lòng ngờ ngợ,
Ôi! Hình hài khác hẳn khó nhận ra.
Nước thời gian tắm gội tóc sương pha,
Nghiêng dấu mặt, xót xa lệ nhoà mắt.
 
Có người bạn, ba mươi năm xa cách,
Giữ rượu sầu ly tách lúc chia tay.
Hẹn ta về cùng uống nốt hết chai,
Ôi tri kỷ! Khiến lòng ai thổn thức. ( * )
 
Có người bạn chờ ta trong nao nức,
Nhắn ai về dệt lại kỷ niệm xưa.
Gặp lại nhau mừng tủi mấy cho vừa,
Ôn chuyện cũ ngày xưa khi đói rách.
 
Có cô bạn năm mươi năm không gặp,
Trong quán ăn, một chập nhận ra nhau.
Em cho xem tập lưu bút bèo nhèo,
Ta ngấn lệ nghẹn ngào từng trang giấy . ( ** )
 
Tình bạn hỡi! Muôn trùng xin giữ lấy,
Để cánh chim đâu đấy bốn phương trời.
Tìm về nhau an ủi lúc chơi vơi,
Cao đẹp quá! Bạn ơi tình muôn thuở.
 
Theo vận nước có kẻ đi người ở,
Mỗi tháng Tư quá khứ lại trở về.
Gởi hồn mình theo cánh nhạn lê thê,             
Quê hương mới, ủ ê đầu bạc trắng.
                          Mailoc
                    ( Tháng 4 – 2015 )
( * )
    Năm tháng 12 - 1980, tôi còn nhớ rõ lắm, hai  ngày trước khi vượt biên, tôi mang chai rượu Tây đến nhà anh B, người bạn thân nhất cùng trường, hai người nhâm nhi một chút gọi là rượu chia tay, vì ngày mốt tôi phải xuống Rạch Gía rồi. Có cuộc chia tay nào không não lòng? Vì thế mới vài ly nhỏ hai chúng tôi nghe như có gì nghèn nghẹn trong cổ họng, trong buồng tim uống không vô. Anh ấy bèn đóng nắp chai rượu lại bảo rằng không thể uống nữa =, 1/2 chai nầy anh niêm lại hứa đợi ngày tôi về tụi mình sẽ uống nốt sẽ vui hơn. Rồi anh giục tôi ra về .
Năm 2007 về VN thăm mồ mã cha mẹ, tôi ghé Saigon đến tìm anh nơi căn nhà ở khu Thành Thái cũ nhưng được biết anh ấy đã bán nhà từ lâu, tôi bèn trở lại ngôi trường sơn đỏ nơi đường Bà Huyện thanh Quan hỏi thăm về anh;  giáo viên, nhân viên văn phòng toàn người mới không ai biết về anh cả, thời may gặp vợ chồng anh Sáu người giữ trường cũ chở tôi đến nhà anh ở khu Sư Vạn Hạnh. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau mừng ra nước mắt. Anh ấy bảo rằng:  tôi sẽ cho cậu một ngạc nhiên nhé rồi mở tủ lấy ra chai Remy Martin cũ còn dán băng keo đề ngày 20-12-1980, đã mấy chục năm mà anh còn cất giữ đợi tôi v . Qủa thật là chuyện ngoài sức tưởng tượng của tôi. Điều làm tôi cảm động nhất khi nghe anh kể, anh đã dời nhà mây lần, cái gì không cần lắm thì bỏ hoặc kêu bán nhưng chai rượu cũ vẫn mang theo, đến đổi thằng con trai anh khi xưa 10 tuổi,  rồi nó lớn lên hai ba chục tuổi, nhiều lần  nó đòi đem chai rượu ấy ra nhậu nhưng bị anh cấm tuyệt. Chuyện chai rượu ấy, mỗi lần nhớ lại khiến tôi bâng khuâng tự hỏi sao cái tình bạn, tình người lại thắm thiết cao đẹp như vậy?

( ** )
 Năm 1962 -63, đang học năm cuối ĐHSP Saigon, tôi bị lao phổi phải vào nằm bịnh viễn HB ở trong Chợ Ln trong khu dành riêng cho nam nữ sinh viên. K. O cô sinh viên đẹp nhất, nước da ngâm ngâm như lai Ấn Độ, mắt to đen lay láy, mũi cao lại hát hay nên ai cũng thích lân la chuyện trò. Suốt bảy tám tháng trời chung sống bên cạnh bạn bè chúng tôi thân thiết xem nhau như ruột thịt, hoàn cảnh gia đình của từng người chúng tôi đều biết rõ, thương  nhau vì đồng bịnh mà! Cứ mỗi lần có ai xuất viện là chúng tôi mở một tiệc nho nhỏ khoản đãi mừng cho người lành bịnh.  Mỗi anh chị em đều có quyển lưu bút nho nhỏ chuyền nhau để bạn bè ghi lại vài dòng lưu niệm trước khi chia tay. Giữa năm 1963 tôi được ra về tiếp tục lại năm cuối. Sau đó mỗi người một ngã lâu lâu chúng tôi có gặp nhau hỏi thăm về nhau thế thôi.  Rồi vận nước ập xuống, nhà nhà ly tán nói gì đến bạn cũ xưa  mấy ai còn lòng dạ để thăm hỏi.
 Nhưng mười năm trước đây, trong tiệm phở Hoà ở nam Cali ngang Phước Lộc Thọ, tôi thấy bên bàn đối diện có một bà Việt tóc bạc muối tiêu ngồi giữa hai cậu thanh niên Mỹ có vẽ lai, tôi liếc nhìn và cố moi trí nhớ vì thấy người nầy có nét quen quen.  Khi nàng vừa bước ra khỏi cửa tiệm, tôi tạm buông đủa rồi vội   vàng bước theo sau, miệng gọi nho nhỏ gọi K O, K O! Khi đến gần, Nàng bèn quay lại, nàng nhận ra tôi ngay sau gần năm  chục năm không gặp. Trở lại tiệm phở chúng tôi kể sơ sơ cho nhau nghe hoàn cảnh của mình, trao nhau địa chỉ và số điện thoại rồi bỗng nhiên nàng mở xách tay lấy ra quyển sổ màu xanh nhỏ đưa ra trước mặt tôi, hỏi tôi có còn nhớ cái chi không? Trời ơi quyển lưu bút cũ bèo nhèo sình to của bịnh viện HB mấy chục năm trước mà KO còn giữ và mang kè kè mãi bên mình, thật không thể tượng tượng nàng trân qúi vật kỷ niệm và tình bạn đến thế. Đọc và nhìn lại tuồng chữ năm xưa của mình viết, lòng tôi bồi hồi vô cùng xúc động. Ôi! Cả một bầu trời thương nhớ.
   Cả hai chuyện riêng của tôi xin chia sẻ cùng Bạn không là huyền thọai đâu nhé!


Hạ Buồn - Việt Hạ



          Hạ Buồn

Hạ về buồn lắm bạn ơi
Làm thơ con cóc đọc chơi đỡ buồn …
Chao ôi thơ Hạ buồn hơn!
Nỗi buồn giăng mắc chập chờn tháng năm
Ngày dài viễn cảnh tối tăm
Ngồi buồn nhớ chuyện xa xăm thuở nào
Tháng Tư nắng nóng lên cao
Lòng như oặn thắt nỗi đau tột cùng
Cái giây phút ấy hãi hùng
Tuyệt đường sa bước lao lung ngậm hờn
Nắng mưa ai rõ nguồn cơn
Chóng chầy là việc thế gian bốc đồng
Gẫm như là chuyện Tái Ông
Được ngựa mất ngựa cái vòng quẩn quanh
Hên xui nào thấu sự tình
Biết sao số phận đã dành sẵn cho
Còn trời, còn đất còn lo
Còn người, còn việc được thua sá gì!
Dẫu sau cũng ráng cười khì!
Vui buồn thì cũng như ri mất rồi
Dòng đời trăm nẻo ngược xuôi
Giữ lòng thanh thản sống vui đời thường
Phận nghèo một nắng hai sương
Gửi hồn mơ buổi quê hương chuyển mình!


Việt Hạ - 2012 


Cộng Sản Suy Tàn - Khôi Nguyên

                        Cng Sn Suy Tàn 

Cái nôi Cng Sn bên Nga
Mác Lê thuyết y người ta b ri.
Bây gi còn bám my người,
Tht đáng xu h, thói đi tham lam!
Bc Hàn, Trung Quc, Vit Nam,
Cu Ba cũng thuc loi ham thuyết này.
Cng Đng người Vit có hay:
Cng Sn ch nghĩa sp ngày cáo chung.
Vit Nam ni b ri bung
Đng viên cao cp, tranh hùng t nhau.
Vì dân, vì nước thy đâu,
Ch thy hèn nhát, trước sau vì mình!
Tri cao cũng phi bt bình
Thiên tai, thm ha thình lình n ra:
Bnh  Sars, bnh Aids, cúm gà
Biến thành đi dch, nếu ta chng phòng.
Tiếp theo Bão t Cung phong
Ri li Hn hán, long đong trăm chiu.
Mùa màng, gia súc tiêu điu
Dân lành mt mát, biết kêu đng nào.
Bt công, tham nhũng, sưu cao
Tôn giáo bt mãn, đng bào liên minh.
Biu tình, ri li biu tình
Sc sôi khp nước, y hình sm vang.
Bo quyn lúng túng, kinh hoàng
Cho người gii đc, vn mang hn thù.
Bên trong vn đã ri bù
Bên ngoài Trung Quc, ô dù năm xưa,
Bây gi đi nng, thay mưa
Đp đu nước Vit, giết ba ngư dân
Li đòi chiếm bin, xí phn
Đng chân đã được, li lân đng đu.
Cng thêm Âu M phía sau
C gây sc ép, buc bu đa nguyên.
Thi cơ, xu thế khó yên
Nm vùng nên liu... khi phin mai sau...

Khôi Nguyên