Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

An Trụ - Đỗ Chiêu Đức


                        Nghĩa hai chữ An Trụ
 
    AN 安 : Về Chiết tự thì AN là chữ Hội Ý, được ghép bởi 2 bộ, phần trên bộ MIÊN 宀 là Cái Nóc Nhà với 2 mái 2 bên, nghĩa rộng là Cái Nhà.  Phần dưới là chữ NỮ 女 là cô Gái.  Hội Ý : Con Gái ra ngoài thường hay bị bắt nạt, hiếp đáp, còn nếu ở trong nhà thì Yên Ổn,  An Toàn hơn nên nghĩa chữ AN... 

   1. AN là Hình Dung Từ (Tính Từ):
    AN là YÊN,  AN là phản nghĩa của NGUY, như "Cư An Tư Nguy" (Ở Yển ổn thì nên nghĩ đến lúc Hiễm Nguy)
    AN là AN LẠC yên vui.
    AN là AN NINH không ai gây rối, lộn xộn.
    AN là AN KHANG Mạnh khỏe không có bệnh tật, như Bình An.

   2. AN là Động Từ:
    AN là giữ Vững, như AN TÂM (giữ vững lòng mình).
    AN là Đặt để, như AN Trí.
    AN là Làm cho Yên như:  AN Gia Lập Nghiệp, An Bang định Quốc, An Cư Lạc Nghiệp.
    AN là Sắp xếp sẵn, như An bày.
    AN là giữ lấy Cái mà ta có sẵn, không đua đòi, như AN PHẬN,  AN Vị: Cam tâm với cái số phận của mình, giữ yên với cái vị trí của mình.

  3. AN là NGHI VẤN TỰ :
     AN NĂNG?  là Làm sao có thể?
     AN TẠI?  là Ở đâu? là Còn đâu nữa?!
     AN ĐẮC? là Làm sao (mà có) được?


Chữ TRỤ 柱 thuộc loại chữ HÀI THANH, gồm 2 phần: Bên trái là bộ MỘC 木 chỉ Ý, bên phải là chữ CHỦ 主 chỉ ÂM nên TRỤ 柱 có nghĩa gốc là...

   1. DANH TỪ :
      TRỤ là Cây Cột, ta thường nói Cột Trụ, Nó là Cây cột Chính dùng để chống đỡ.
      TRỤ TRƯỢNG là Cây Gậy chống để đi đường.
      TRỤ là những gì có hình tượng giống như là Cây Cột, như THỦY TRỤ là Cột Nước ở ngoài biển khi "Rồng hút nước."          THẠCH TRỤ là những tảng đá có hình giống như Cây Cột.

   2. ĐỘNG TỪ :
      TRỤ là Chống đở, Chống Chỏi.  TRỤ THIÊN là Chống Trời. TRỤ ĐỊA là Chỏi xuống đất.
      TRỤ là Chặn đứng lại.
      TRỤ là Đứng Vững. TRỤ lại ở đâu đó, có nghĩa là Dừng lại chỗ nào đó một cách vững vàng.

             Thành ngữ Thư giản : BẢO TRỤ CHI TÍN là Cái Uy Tín Về Việc Ôm Cột Cầu. Theo sách TRANG TỬ : VĨ SINH hẹn với cô gái ở dưới trụ cầu, khi nước lớn, cô gái không đến, VĨ SINH ôm lấy cột cầu "chịu trận" mà chết.  Si tình đến thế là cùng! NGUYỄN DU gọi ÔM CỘT là ẤP CÂY và đã mượn tích nầy để cho KIM TRỌNG "Hù" THÚY KIỀU:
                 ...Tháng tròn như cuội cung mây,
                 Trần trần một phận "ẤP CÂY" đã liều!
rồi mới tỏ tình...
                        Tiện đây xin một hai điều,
                  Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?! 
   



               Trở lại với từ AN TRỤ.  Theo như nghĩa chữ AN và chữ TRỤ ở trên, thì...

       AN TRỤ là Yên phận một cách vững vàng với Cái mà mình có sẵn.
       AN TRỤ là Đứng vững một cách bình ổn không bị lay động.

       Trong văn học thì có Thành Ngữ: BÍCH LÝ AN TRỤ, BÍCH LÝ là Trong Vách, AN TRỤ là Đặt để một cây Cột.  Đặt một cây TRỤ ở trong Vách cho Vách vững chắc hơn. Nghĩa bóng là phải biết Vận động Rèn luyện thân thể cho thể lực được mạnh mẽ cường tráng hơn. Trong Hồi thứ 3 truyện TÂY DU KÝ của Ngô Thừa Ân, khi Tôn Ngộ Không hỏi về thuật Trường Sinh, thì Bồ Đề Tổ Sư đã giảng là: " 若要长生,也似壁里安柱.”  Nhược yếu trường sinh, dã tự bích lí an trụ."Có nghĩa:" Nếu như muốn trường Sinh thì như là trong vách phải chỏi thêm một cây cột vậy! " Ý là: Phải biết cách rèn luyện thêm ở" bên trong," còn rèn luyện bằng cách nào, thì đó là bí quyết của Đạo Giáo để tu thành Tiên mà người ngoài không thể biết được!

       Trong Phật giáo chỉ chấp nhận AN TRỤ, tức là đứng vững trên lập trường của mình, mà không chấp nhận BÍCH LÝ AN TRỤ, tức là phải nhờ vào cái gì đó (làm cây cột) để dựa vào. Giác ngộ là phải do tự thân mình GIÁC rồi NGỘ, chớ không nhờ cậy vào một thế lực phép mầu nào cả!

         Về câu "ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM" 應無所住而生其心 mà Thầy nêu ra, thì chữ TRỤ nầy là chữ TRÚ 住 được đọc trại ra thành TRỤ.  TRÚ là Ở, là Cư Trú, là Trú ngụ. Nghĩa phát sinh của nó là GIỮ LẠI giống như chữ TRỤ ở trên nên câu nói trên có nghĩa...
         ƯNG VÔ SỞ TRỤ nghĩa đen thui là: Phải không có cái gì đó được giữ lại.
         NHI SANH KỲ TÂM là:... Mà sanh ra cái tâm đó.
         Ghép 2 vế lại, nghĩa của cả câu là: "Cái tâm được sanh ra khi trong lòng không có giữ lại một tạp niệm nào cả!"  ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM nghĩa là thế!





        Cái khó là: Làm sao KHÔNG giữ lại trong lòng một Ý niệm nào cả, KHÔNG là không rồi, mà SẮC cũng là KHÔNG luôn thì mới được, phải Ý thức được là pháp luân đang xoay chuyển, vạn vật đang vận động không ngừng nghỉ, không TRỤ lại đâu cả!  Đừng cố gắng giữ cái gì đó lại ở trong lòng mặc dù cái đó là việc tốt, việc mình muốn làm, rồi cố gắng thực hiện việc đó... Cái đó kêu bằng: HỮU SỞ TRỤ, còn ở đây là: VÔ SỞ TRỤ mà!   ƯNG là Phải, Phải VÔ SỞ TRỤ như Lục Tổ Huệ Năng vậy thì mới thốt ra được câu kệ...

             Bổn lai vô nhất vật,                   本來無一物
             Hà xứ nhạ trần ai?!                  何處惹塵埃 ?!
       (Vốn dĩ KHÔNG có gì cả, thì lấy đâu ra cái CHỖ để nhuốm bụi trần?!)

         Cái tâm được sanh ra khi trong lòng không giữ lại một cái gì cả, đó chính là cái PHÁP TÂM, cái THIỀN TÂM đó vậy!

           Đỗ Chiêu Đức xin thưa những cái mà tôi NGỘ được, nhưng đây chỉ là những cái tri thức bên ngoài, mọi tu tập còn phải do chính bản thân người tu tập VÔ SỞ TRỤ rồi nhiên hậu mới SANH KỲ TÂM mà tự mình ĐỐN NGỘ!
                          
                                 Đỗ Chiêu Đức



Không có nhận xét nào: