Để tặng người
có tên PTTQ
1.
Thằng bé đứng lấp ló từ xa, bên
cạnh cái giường ngủ nhỏ kê đầu đường ra vào, lấm lét nhìn, không như những đứa
trẻ khác, trai có gái có, ồn ào nói cười, lăng xăng vây quanh đám người vừa xuống
chiếc xe đò lớn đậu ngoài sân rộng, đang bận rộn hối hả, sắp xếp mấy cái túi
xách đầy ắp đồ đạc trên hai cái bàn dài, được đặt dọc theo tường vào lúc sáng sớm.
Hậu lấy làm lạ, đưa mắt nhìn bà sư cô trọng tuổi hướng dẩn ngầm hỏi, bà mĩm cười,
rồi bỏ đi lại gần nó, nói gì đó, nó tủm tỉm theo sau bà. Bà cho biết nó tên
Minh, sắp tròn ba tuổi, ít nói, nhút nhát và ít khi chơi đùa như những đứa khác,
kể từ ngày người ta đưa nó về Làng cô nhi Long Thành lúc mới lên hai. Không giống
như những người bạn khác, họ lập nhóm thăm viếng trẻ em mồ côi ở đây từ năm đầu
đại học, nhất là mấy chị bên trường Quốc Gia Sư Phạm, họ nhanh nhẹn, chạy tới
chạy lui, kéo em này em kia ra sắp hàng ngay ngắn để nhận quà, vì mới lên đây lần
đầu nên Hậu có phần lúng túng, nhưng rồi mọi việc đâu cũng vào đó. Theo lời sư
cô, ở khu này có tất cả ba mươi mấy em, đứa lớn nhất lên năm, đứa nhỏ nhất lên
ba và cùng được xếp học chung một lớp mẫu giáo.
Nắng lên dần từ phía dưới xa, cuối con đường ngoằn ngoèo chạy ra quốc lộ
đi Vũng Tàu, ở trên đồi trời đã có chút hơi ấm đầu ngày. Bên dãy nhà trong,
chuông chùa chầm chậm đổ từng tiếng kéo dài theo bóng mặt trời lên. Đám trẻ
theo người lớn chạy túa ra sân, từng đôi từng cặp ríu rít tươi cười, mặt mày hớn
hở, tay cầm gói quà mới được, mở ra đưa cho nhau xem hộp bánh tây, cây kẹo ngọt
mà chúng nó có. Bà sư cô đứng trò chuyện với vài anh chị ở một góc sân. Đám trẻ
vừa ăn vừa chạy đuổi nhau theo bóng mình rung rinh dưới nắng sớm. Hậu nhìn
quanh, thằng bé Minh tay cầm gói quà chưa mở, đứng sớ rớ một mình ngay bìa cửa
ra vào, miệng cười nhẹ mà không chịu nhập bọn với các em khác. Hậu đi lại, ngồi
xếp bằng dưới thềm xi măng, thằng bé Minh đứng yên nhìn, Hậu nhẹ nhàng kéo nó
ngồi xuống sát bên mình, lấy gói quà của nó đang có trên tay mở ra, xé hộp bánh
tây đưa cho nó, thằng bé cầm lấy một cái đưa lên miệng, nhìn ra sân nắng ăn một
cách ngon lành. Nhìn kỹ hơn, Hậu thấy thằng bé dễ thương quá nhất là cặp mắt to
đen thăm thẳm và cái miệng như lúc nào cũng muốn cười. Hậu hỏi han thằng bé này
nọ, nó gật đầu lắc đầu, trả lời tiếng được tiếng không ngoại trừ hai tiếng chú
Hậu thật rõ, không bao lâu hai chú cháu nắm tay, đi qua đi lại chỉ chỏ chỗ này
chỗ nọ, thằng bé cười khục khặc.
Ở lại đó tới sau giờ ăn trưa, nhóm người thăm viếng lục đục ra về, nắng
hậm hực lên cao, trời đã nóng gắt từ lúc
giữa ngày, ở một phía thấp lưng chừng đồi hiện rõ một màu cây cỏ úa của những
ngày đầu Thu. Không khác gì những lần trước, cũng bịn rịn cũng buồn buồn, mấy đứa
bé vây quanh chiếc xe đò, bóng duỗi mình theo chiều nắng vắt ngang xe, khoanh
tay cúi đầu dạ chào cô chào chú, những bàn tay nhỏ nhắn nằm gọn trong tay người
lớn chưa chịu buông. Hậu bồng thằng bé Minh lên, hôn trên cái má căng tròn, một
cái hôn thật dài mang theo mùi thơm của nắng cháy từ cánh đồng vàng một màu hoa
cỏ dại. Hậu là người cuối cùng lên xe, bà sư cô nắm tay thằng Minh đứng ra xa,
chiếc xe nổ máy rồi chậm chạp, trở đầu lăn bánh xuống đồi, để lại phía sau những
cái vẫy tay, chưa biết mõi của đám trẻ, mờ khuất dần theo từng khúc quanh ngoằn
ngoèo chạy dài trên con đường vừa có chút bụi đỏ.
Hậu mượn xe Honda của Tuấn, thằng
bạn con nhà giàu nhà ở Biên Hòa, cùng học năm thứ ba, trở lại làng cô nhi Long
Thành vào sáng thứ bảy một tuần sau đó, thăm thằng bé Minh lần nữa với bộ quần
áo mới, mà anh đã mua từ sạp bán vải quen của chị Hòa trên lề đường Lê Lợi, gần
ngã tư có xe nước mía Viễn Đông. Từ sau ngày ở trên đó về, hình ảnh thằng bé
Minh, đứng lủi thủi một mình trong góc phòng với cái nhìn ngơ ngác, ngây thơ cứ
loanh quanh đâu đó trong đầu, Hậu bổng dưng thương và buồn cho nó, giống cái buồn
đã đeo đuổi chuỗi ngày đơn độc mồ côi nghèo khó của mình từ những ngày bằng tuổi
nó. Hậu quyết định nhận thằng bé Minh làm con đở đầu, mà không nói gì với ai. Ngoài
những lúc đi chung với nhóm bạn độ ba bốn tháng một lần, cứ cách hai ba tuần là
Hậu mượn xe Honda chạy lên Long Thành, hai chú cháu chơi đùa, tập viết tập đồ
chữ này chữ kia cả buổi trời. Rồi thằng bé bớt đi nhút nhát, nó cao lớn dần,
nói năng nhiều hơn, biết hỏi chú Hậu câu này câu nọ, cũng như không còn đứng ở
góc phòng như những ngày trước kia nữa. Hôm sinh nhật mừng bốn tuổi, với số tiền
đi dạy kèm, để dành mấy tháng qua, Hậu ra sạp bán đồ chơi ngoài chợ Bến Thành
mua cho thằng bé Minh chiếc xe chữa lửa có còi hụ khi đẩy nó chạy. Nhìn thằng bé ôm nó khư khư trong tay, cầm chạy
vòng quanh khoe đám bạn Hậu thấy lòng mình tràn ngập một niềm vui khó tả.
Mùa hè năm nay qua mau hơn năm ngoái, hàng Phượng già dọc theo đường Cộng
Hòa xem ra không còn cánh hoa nào chịu làm đời nở muộn. Đường về bỗng vội vã
thiếu cái nắng “tím chiều hoang biền biệt” đón đưa của trời Sài Gòn, thường có đôi
ba cơn mưa về ngang bất chợt. Sách vở vẫy
tay chào nhau, kỷ niệm một thời áo trắng mực đen trả lại ghế giảng đường sau những
năm dài miệt mài ôm giấc mơ “công hầu khanh tướng”. Tốt nghiệp, Hậu được bổ nhiệm
về dạy Việt Văn cho lớp đệ nhị của trường trung học Tống Phước Hiệp ở mãi tận
Vĩnh Long, đường dài sông nước. Hôm lên Long Thành thăm thằng bé Minh trước
ngày đi, Hậu mang theo cái hộp giấy cạt-tông cứng, gói quà cho nó, đựng bộ đồ
bi-da-ma mới, đôi giày săn-đan da nhỏ nhắn màu nâu đậm, hai ba hộp bánh lạt và
hộp bi đá đủ màu mà anh ta mất mấy ngày lòng vòng chọn tới lựa lui ngoài chợ Bến
Thành. Cũng như mọi lần, dựng cái xe Honda dưới bóng cây trước khu nhà của đám
trẻ xong, Hậu nhanh chân đi đến dãy giường ngủ, không thấy thằng bé Minh ở đó,
Hậu loanh quanh tìm kiếm nhưng vẫn không thấy nó đâu đây. Trên đường ngược lên
chỗ làm việc của bà sư cô, Hậu được chị quét dọn cho hay, sáng nay bà có xuống
dẩn thằng bé đi lên văn phòng chính rồi mà chưa thấy trở lại.
Nghe tiếng bà sư cô gọi, Hậu lùi lại nhìn vào trong, thằng bé Minh đang
ngồi bên cạnh một người con gái trẻ tóc dài khá đẹp, miệng bi bô gì đó, không
có vẻ gì buồn trong phòng tiếp khách. Bước vào, chưa kịp bỏ thùng quà xuống thì
thằng bé bỏ chạy ùa tới nắm tay Hậu lắc qua lắc lại như mọi lần. Hậu bồng nó
lên, nó ôm cổ anh ta cười thành tiếng. Bà sư cô, theo sau ông Tư Sử, người giám
đốc của làng cô nhi, từ trong phòng làm việc bước ra, ông bắt tay Hậu cám ơn
chuyện nhận thằng bé Minh làm con đở đầu và lo lắng cho nó suốt một năm qua. Hậu
bỏ thằng bé xuống, ông xoa đầu nó khen giỏi, nhìn về hướng người con gái lạ,
ông chưa kịp nói gì thì bà sư cô đã lên tiếng trước, giới thiệu cô con gái là mẹ
ruột của thằng bé Minh, ông Tư Sử gật đầu cười nhẹ mà không nói gì thêm, chào mọi
người rồi bỏ đi ra ngoài. Ngoài sân nắng lên cao từ lâu, lưa thưa đâu đó một
vài cụm mây xám nhỏ đong đưa theo chiều gió sớm trên bầu trời xanh biếc một màu
của ngày cuối Hạ. Bà sư cô cũng đi ra sau đó không lâu trước khi nhắc, nếu Hậu
có cần gì thì gặp bà dưới khu nhà của đám trẻ. Hậu gật đầu chào nhìn theo, chưa
biết phải bắt đầu câu chuyện với người con gái chỗ nào vì cái ngạc nhiên bất chợt
cộng một chút ngỡ ngàng, vẫn còn đang quẩn quanh đâu đó trong đầu, từ khi được
giới thiệu cô là mẹ của thằng bé Minh.
Quyên, mẹ của thằng bé Minh, tuổi độ chừng không quá hai mươi, là học
sinh giỏi lớp đệ nhị ban C của trường nử trung học Lê Văn Duyệt, gần ngã tư Bảy
Hiền một vài năm trước. Sau lần sinh hoạt chung, làm báo Xuân với trường trung
học Mạc Đĩnh Chi ở Phú Lâm, Quyên gặp Thế , anh học trò lớp đệ nhất, chủ bút của
đặc san năm đó, rồi hai người yêu nhau. Cũng như những mối tình được đất trời tạo
nên từ thuở “tạo thiên lập địa”, họ cũng có hẹn hò, có thề nguyện chuyện trăm
năm cho riêng mình ở ngày mai ngày mốt. Họ góp nhặt những kỷ niệm tình, từ con
đường đi bên nhau dưới mưa lá me bay đến những chiều ngồi tay nắm tay, ở một quán
nước bên lề, thầm mong màn đêm đừng xuống, xếp kín vào đôi tim đong đầy thiên
đường mơ ước. Cuối mùa thi năm đó, trên
gác trọ của Thế ở đầu chợ đường Hậu Giang, trong một chiều mưa dầm, trời đất mù
mờ như sương khói từ giữa trưa, Quyên đã trao cho Thế những gì quý nhất của đời
người con gái hòa cùng nhịp thở tận cùng và ngút ngàn hạnh phúc như một cơn bão
nổi.
Sài Gòn lại bắt đầu có biểu tình chống chánh quyền do một số các nhóm hay
phong trào thiên tả, thân cộng, thành phần thứ ba thứ tư, trong đó có sinh viên
học sinh gây ra trên nhiều đường phố, nhất là sau những ngày của mùa hè đỏ lửa.
Ngày có kết quả tú tài hai, Thế có mặt trong đám đông người, biểu tình vây kín
trụ sở Ủy Ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến ở góc đường Lý Thái Tổ và Nguyễn
Hoàng, xế phía bên này của Tổng nha Cảnh sát Đô Thành, hô hào phản chiến đuổi Mỹ.
Cảnh sát Dã chiến được huy động đến giải tỏa, có dùi cui, xô xát và có súng nổ.
Thế không may bị thương nặng vì trúng đạn, được xe cứu thương đưa vào bệnh viện
Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản nhưng đã chết vài giờ sau đó. Gia đình đem
Thế về chôn ở quê nhà, cuối đường ngã ba Chợ Đệm. Quyên đau đớn tột cùng, mang
theo cái bào thai chưa tròn ba tháng, lặng lẻ theo sau đám đông học sinh trường
Mạc Đĩnh Chi đưa Thế ra nghĩa địa nghèo nàn, cây lá cằn cổi giữa cánh đồng nằm
quanh, mùa nào cũng lấp sấp phèn chua nước mặn. Chuyến xe đò cuối cùng, Long An
về Sài Gòn đã chạy ngang qua từ lâu lắm rồi, Quyên vẫn còn đứng khóc sụt sùi
trước mộ, Quyên đã mất đi một người tình, một người chồng mà chỉ có mỗi riêng
mình cô ta hiểu.
Quyên thôi học, bỏ trường, khăn gói về nhà người dì ở quê mẹ tại Chợ
Bún, Bình Dương chờ ngày sinh nở, sau khi nói dối với gia đình là lên Đà Lạt
làm cho một công ty tư nhân lớn, sẽ về thăm khi được nghỉ phép. Sau ngày thằng
bé Minh chào đời, nhờ phụ giúp người dì trong những ngày chờ sinh, với số tiền
dành dụm được, Quyên gởi con vài ngày, trở lại thăm nhà như đã hứa với chút quà
mua từ chợ Bá Chiểu. Năm thằng bé Minh sắp tròn hai tuổi, lần này Quyên bồng thằng
bé theo, cũng nói về thăm bà ngoại, nhưng mang con đến làng cô nhi Long Thành
như quyết định mà cô đã giữ kín từ lâu.
Giờ cơm trưa, Quyên chạy đi chạy lại, đút cơm cho con, vì thằng bé Minh
không chịu ngồi yên một chỗ, trông cô vui ra mặt. Hậu gặp bà sư cô, hai người đứng
ở một góc sân, dưới mái hiên nhìn vào, bà cho biết là thằng bé Minh được Quyên
rước về chiều này, không còn ở đây nữa, mọi thủ tục đã làm xong. Hậu bổng dưng
thấy lòng chợt như muốn khóc, khóc vì không biết là có còn dịp để nhìn thấy lại
thằng bé nữa hay không, nhưng cũng bổng dưng vui, vì rồi từ nay, thằng bé đã có
mẹ, cái hạnh phúc nhất của đời người mà đám bạn của nó ở đây khó tìm ra được. Cơm
nước xong, biết là có nấn ná lâu hơn cũng không được gì, Hậu gọi, thằng bé Minh
chạy ùa lại, Hậu bồng nó lên, hôn vào má, cái hôn từ biệt rất dài trong hy vọng
nó sẽ không là cái hôn lần cuối, thằng bé Minh ngây thơ cười chúm chím như ngày
hai chú cháu mới gặp nhau. Xin bà sư cô tờ giấy nhỏ, Quyên viết vội địa chỉ nhà,
rồi nói khẻ hy vọng có ngày nào đó mời Hậu ghé qua, Hậu đưa thùng quà cho cô ta
rồi cầm lấy tờ giấy cám ơn mà không hẹn. Hậu chào ra về, thằng bé Minh lững thững
nắm tay Quyên và bà sư cô đi theo sau một đoạn đường, cho tới chỗ dựng xe Honda
đầu cổng. Trời ngấp nghé xế chiều, nắng bùi ngùi trãi dài, bóng ba người
nghiêng nghiêng đổ trên cái sân rộng giữa đồi, gần tới ngã rẽ ra quốc lộ Hậu
quay lại nhìn, họ vẫn còn đứng ở đó.
Trên đường trở xuống Vĩnh Long sau mấy ngày về Gò Dầu nghỉ Tết, ngồi uống
cà phê tại cái quán quen cũ trên đường Vạn Hạnh, chờ người bạn đưa ra xa cảng
Phú Lâm, người đàn bà trẻ có mái tóc dài khỏi vai, dẩn thằng bé trai dễ thương cười
nói với nhau, thong thả ngang qua, Hậu chợt dưng thấy lòng mình ray rứt nhớ thằng
bé Minh quá. Đã hơn nửa năm, kể từ ngày không còn trở lại làng cô nhi Long
Thành, bận bịu với công việc của một ông thầy giáo mới ra trường, Hậu quên bẳng
đi chuyện thằng con đở đầu mà ngày nào đây, không thấy nó thì nhớ gay nhớ gắt,
đếm ngày đếm giờ mong đi gặp cho được. Bây giờ nhớ thì nhớ để mà buồn vậy thôi.
Thằng bé Minh chắc có lẽ cũng đã quên dần hình dáng chú Hậu trong cái đầu non nớt
dễ quên hơn là dễ nhớ. Miếng giấy nhỏ có địa chỉ nhà Quyên, vẫn còn nằm yên, giữa
một trang nào đó của cuốn sách vứt đâu đây trong phòng trọ, hình như chưa có lần
nào Hậu định tìm xem lại. Trời bổng dưng mát, nắng trở mình dịu dàng đâu đó rồi
bỏ đi, mưa về ngang lất phất bay man mác như bụi phấn. Chuyến xe đò chót về
Vĩnh Long trở mình ra khỏi bến, bỏ lại Sài Gòn sau lưng không một chút gì bịn rịn,
luyến tiếc.
2.
Buổi sáng, trời
không mưa như những ngày qua nhưng sương mù giăng kín, từ ngoài phía biển vào, vắt
ngang đầu dãy nhà ngoài của trại tỵ nạn tạm cư Kijiang, nằm sát cạnh ven bờ.
Chưa kịp uống xong ly cà phê đen, nghe tiếng người nhốn nhào ồn ào, Hậu vừa định
đứng dậy xem, vợ chồng chị Tươi, ở căn nhà bên cạnh nói vọng qua là có một chiếc
tàu của người mình mới tấp vô, cảnh sát Nam Dương đang kiểm soát ở dưới. Gọi là
trại tỵ nạn cho có vẻ xôm tụ, thật ra nơi này chỉ là khu đất nối dài từ phía
trong phố quận nhô ra bờ biển, ngó ra năm ba cái đảo nhỏ khác xa xa, cũng có
người dân địa phương sinh sống, lác đác chung quanh. Trừ cái nhà lợp tôn rộng lớn,
trước là kho hàng bỏ hoang của một công ty khai phá chất bô-xít, được sửa sang,
sắp xếp lại cho người ở, phần còn lại là các dãy nhà dựng san sát nhau bằng cây
với ván, dọc theo đám đất cao, chạy dài quanh ven bờ và mấy con đường đất mòn bằng
phẳng ở giữa, vốn đã có từ lâu lắm rồi, cho con số khoảng trên dưới gần bảy tám
trăm người. Lưa thưa vài chục cây cao lớn, xen kẻ đâu đó như cố che cho người ta
một chút bóng mát dưới cái nóng hừng hực của đất trời Nam Dương. Người đến trại
này là những người trên các chiếc tàu đánh cá nhỏ từ miệt bờ biển phía Nam miền
Nam ra đi, sau những ngày nhấp nhô trên sóng lớn, trong mưa sa gió gào. Trại
không có rào, ai muốn lội bộ ra phố xá của quận hay lên chợ tỉnh trên Tanjung
Ungat, cứ tự nhiên đón xe taxi mà đi, không ai làm khó làm dễ.
Bỏ ly cà phê xuống cái ghế cây ọp ẹp, cũng như mọi lần, kể từ ngày đến
trại gần hơn một năm qua, không có gì làm, Hậu lửng thửng cùng mấy anh chàng độc thân đi câu cá biển sớm
về ngang, ra đứng trên mõm đồi cao nhìn xuống bên dưới bờ cát. Đám người của
chiếc ghe mới tới, già trẻ lớn bé, chừng độ sáu bảy chục, bồng bế nhau, rã rời,
mõi mệt sắp thành hàng dài theo sau anh cảnh sát Nam Dương đi lên chỗ căn lều từ
dưới bờ biển, bỏ lại chiếc tàu bạc màu, cũ kỹ, nằm nghiêng qua ngã lại, chòng
chành theo chiều con sóng buổi sáng vừa lên. Người trong trại, trên dưới gọi
nhau ơi ới, chạy tới ngồi đứng đông nghẹt xung quanh căn lều, mặc sức mặc tình
hỏi thăm đủ chuyện. Trời bắt đầu có một vài vạt nắng giữa trưa, thêm đôi chút bụi
đất đỏ, lác đác trên một khoảng sân rộng giữa trại, đong đưa nhè nhẹ theo chiều
gió từ ngoài biển vào.
Nghe có tiếng người mình hỏi nhau, đi ra từ tiệm bán đồ nhà bếp sát bên,
Hậu chần chừ, tò mò đứng lại trước cửa bưu điện quận Kijiang thay vì định đi về
trại ngay như đã tính. Đám người chừng bốn năm cô gái dắt một thằng bé trai khoảng
năm sáu tuổi, cười cười nói nói đi ngang qua, chăm chú chỉ chỏ vào mấy tấm ảnh
lớn, dán trên cửa kiếng của một tiệm chụp hình bên kia đường. Hậu lững thững đi
sau họ một khoảng không mấy xa, thằng bé buông tay chạy trước, tiếng ai đó
trong đám gọi lớn “Quyên coi chừng thằng Minh” làm Hậu đứng khựng lại, giựt
thót mình, nói thầm “không lẽ là thằng bé Minh”. Cùng lúc mấy người con gái đi
chậm lại thì Hậu cũng vừa đến gần, Quyên ngờ ngợ nhận ra, cô nắm tay thằng bé
kéo về phía Hậu đứng, mừng rỡ nói như nghèn nghẹn “Minh ơi, chú Hậu, chú Hậu”.
Hậu ngồi xuống thấp, thằng bé bỏ tay mẹ ra, chạy ùa tới, ôm chầm lấy, Quyên lặng
thinh, những người còn lại trố mắt ngạc nhiên nhìn, không ai nói một lời. Quyên
nhìn Hậu rồi nhìn con, mắt cô rươm rướm đỏ, Hậu cũng không khác gì hơn, hình
như mình đã khóc. Thằng bé Minh nắm tay Hậu cười khúc khích bỏ đi trước, đám
con gái chầm chậm phía sau chờ qua đường. Ở một phía xa, trời có chút khói lam,
tỏa ra lờ mờ, quyện vào cái lạnh nhè nhẹ
của sương chiều, từ ngoài biển về ngang, đan thành từng vệt ở cuối đường về lại
trại Kijiang. Đêm đó, lần đầu trong những ngày sống tạm ở đây, Hậu đã thức một
đêm dài, chờ sáng.
Gió biển từ ngoài khơi thổi vào,
làm dịu đi phần nào cái nắng nung người của những ngày giữa mùa Hạ. Hậu xách
túi đồ vừa đủ nặng đi trước, hai mẹ con thằng bé Minh phía sau, hối hả theo
nhóm người vừa xuống chuyến xe buýt, chỡ người tỵ nạn có tên trong danh sách đi
định cư ở Pháp từ trại Kujiang lên Tanjung Ungat đến trễ giờ, xuống chiếc tàu lớn
như chiếc phà du lịch, có nhân viên của phái đoàn Pháp đứng chờ, đưa họ qua Tân
Gia Ba, chuẩn bị đón chuyến máy bay Air France đi Ba Lê sáng sớm ngày mai. Người
sĩ quan cảnh sát Nam Dương đứng ở một phía gần cuối cầu tàu vẫy tay chào, tàu
chầm chậm tách bến, nhấp nhô theo từng con sóng lớn ngoài biển vỗ thành tiếng. Hậu
nắm tay Quyên, nhìn nhau rồi cùng nhìn ở một phía xa xa, thành phố Tân Gia Ba
hiện rõ dần trong tầm mắt, Hậu kéo thằng bé Minh vào giữa người, thằng bé ôm lấy
Hậu nũng nịu hai tiếng “chú Hậu” dễ thương của những ngày ở Long Thành năm đó. Quyên
đứng bên, mĩm cười nhìn, gió ngoài kia lùa tóc nàng bay dài từng sợi lẻ, bồng bềnh
theo những con sóng biển san sát nhau, gọi nhau về bờ, nơi ở đằng sau đó cũng
còn có chỗ nhánh sông rẽ muộn.
Thuyên
Huy
(Người viết tự dựng bối cảnh và nhân
vật, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô tình nếu có)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét