Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Cứ Tới Ngày Này - An Hoàng

              

                                       
                           

              Cứ Tới Ngày Này

Đã mấy chục năm rồi, từ ngày tới xứ Mỹ, cứ mỗi lần Tết đến, là tôi lại nhớ tới bạn Đỗ Duy Chưởng, dù rằng anh chẳng còn trên dương thế cùng tôi và các bạn.  Ở Trường Mẹ, anh ở H, tôi ở G, cận lân, nước mất nhà tan sau 1975 , tôi và anh nằm chung một sàn tù ở Vinh Phú:


             Thứ nhất cận lân, thứ nhì cận thân
             Chúng tôi có cả, chẳng nhường cho ai !
             Đời người có ngắn có dài
             Củ khoai miếng sắn, chia hai trong tù...

Chuyện tôi và anh nói sao cho hết! Xuân về nhớ anh, bàn tay anh đã gói những chiếc bánh chưng vuông vức, 10 cái như một, chẳng khác nào ông già bán "lạc rang húng lìu" bên hồ Hoàn Kiếm năm xưa, khi ông thò tay vào bị bốc 10 gói như một, không thừa không thiếu hạt nào! Bạn không tin, cứ hỏi những người sinh ra từ Hà Nội mà xem.
Cứ sau ngày đưa Ông Táo về Trời là chúng tôi lại chuẩn bị mọi thứ: gạo nếp, đậu xanh, thịt  heo, tiêu hành, lá dong, lạt để chờ đôi bàn tay anh.
Họ Đỗ gói bánh không cần khuôn (ngày xưa các cụ gói không cần khuôn), gói như thế mới chặt và bánh luộc ra ngon hơn là gói khuôn.
Tôi là kẻ vụng về chân tay, nhưng lại là chân chạy vặt giỏi, luôn sẵn sàng ứng chiến chạy ra chợ mua những thứ cần. Gói xong, xếp bánh trong nồi cũng có bàn tay bác, ngoài ra bác còn dặn căn lửa phải đều:
 
              Nghề chơi cũng lắm công phu
         Nghề ăn cũng thế, chẳng thua kém gì !

Chữ CHƠI ở đây, theo người xưa là: khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên, ngao du sơn thủy... chứ chẳng phải Ngã Năm, Ngã Ba, ta bà Xóm Thái !
Tối luộc bánh, Chưởng thường rủ nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đến, hai ông ở gần nhau và cùng tuổi (sinh năm 1936), hơn tôi 3 tuổi. Nhà thơ đi đâu cũng mang theo cây Bazooka ( Điếu cày), mời ông ba số 5, ông chê nhạt trong khi thiên hạ thì: 
              Ba số, nhí nhố cũng xong
              Hoa Mai, nói hoài không hiểu!
Hoa Mai (thuốc lá XHCN sản xuất).

Hai ông đều thuộc Tâm Lý Chiến ( CTCT, con tôm con tém, chúng khép là CIA), bởi thế hai ông dù thua tôi một cấp, nhưng gỡ  lịch  nhiều hơn! Tôi về trước hai ông vì có "chống lưng" là ông anh bảo lãnh, các bác biết cả rồi!
Chúng ta phải bỏ nước ra đi vì không thể sống nổi với những kẻ không còn tính người, những kẻ "máu lạnh", dù cho chúng có "buông dao đồ tể". Với bàn tay nhuốm máu đó, muôn đời chúng cũng không thể thành Phật được! 
Câu nói của ai đó: "chúng ta đi mang theo quê hương", thật thấm thía, không cần phải bê cả mảnh đất hình chữ S mà hồn quê đã hòa quyện trong ta như hình với bóng như: "anh đâu thì em đó, anh đó thì em đây" và khế quê hương hôm nay không còn ngọt nữa rồi, chứ không như thuở nào:
               "Quê hương là chùm khế ngọt
                  Cho con trèo hái mỗi ngày
                  Quê hương là đường đi học
                  Con về rợp bướm vàng bay..."

Những ngày chưa mất nước, thỉnh thoảng tôi hay lại phòng Tâm Lý Chiến gặp Chưởng, gặp nhà thơ Hà Huyền Chi K14 VB (xếp của Chưởng) thấy tôi tới anh lại kêu vào trong: Chưởng ơi! An tới kiếm cậu này. Nói tới nhà thơ, không thể không nhắc đến bài thơ Lệ Đá mà Trần Trịnh đã phổ nhạc và bản nhạc ấy đã đi vào bất tử, xin chỉ chép ra đây 4 câu điệp khúc vì bài thơ khá dài:
                 Tình yêu đã vỗ cánh rồi  
                  Là hoa rót mật cho đời
                  Chắt chiu kỷ niệm dĩ vãng
                  Em nhớ gì không em ơi ?

Nhớ những ngày nằm cùng sàn tù sát nhau có tôi, Chưởng, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Khuê đen BĐQ, Hải K21, Hải Pháo Binh Dù... Nay chỉ còn tôi và Hải PB, Khuê bị stroke, còn 3 ông kia thì đã về với đất! Buồn làm sao! Chả nhẽ lại ngâm thơ Hồ Dzếnh:
               Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
               Đem chi Xuân lại gợi thêm sầu
               Với tôi tất cả đều vô nghĩa 
               Tất cả không ngoài sự khổ đau...

Tôi vẫn nhớ hàm răng đều đặn của Chưởng, nụ cười chân thật của anh, một người cha gương mẫu của hai cô con gái, một người chồng chung thủy bên một hiền thê ngoan hiền. Anh còn là một con chiên ngoan đạo
Ngày chúng tôi đi Mỹ, chính anh đã ở lại giao nhà cho "bọn ăn cướp" dùm chúng tôi, căn nhà lầu có máy lạnh mà ông anh bà xã đã mua một triệu hồi đó.
Hôm nay, ngồi ăn miếng bánh chưng, hình ảnh Chưởng lại hiện về trong tôi:
              Ta lại nhìn nhau để đón Xuân
              Xuân đến nhân gian đã bao lần
              Trong tôi, anh vẫn còn hiện hữu
              Có lúc xa và có lúc thật gần...
                                                                                      
                                                                AN HOÀNG






Không có nhận xét nào: