Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 53 ( Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

 Chữ Nghĩa Làng Văn 53

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


***

 

Vằn


Vằn : một loại chó


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 


Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó.


Đi trớt: đi hết 

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xỉa: xưng xỉa”

Viết đúng là “sưng sỉa”. Đây là từ ghép: “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù), “sỉa” = sưng phù lên (mặt sưng mày sỉa).


(Hòang Tuấn Công)

 


Thành ngữ tục ngữ  

Một đồng một cốt

Để hành nghề mê tín dị đoan, các ông đồng bà cốt thường gọi hồn, bắt ma, làm lễ giải hạn để kiếm tiền thiên hạ. Họ dùng nhiều mưu mẹo để lừa dối. 

Thành ngữ này để chỉ bọn người chuyên dối trá lừa đảo:
Đà đao lặp sẵn chước dùng
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay
(Truyện Kiều)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xoa: xít xoa”

Viết đúng là “xuýt xoa” (“xuýt” = phát ra tiếng gió trong miệng; “xoa” = dùng tay mơn nhẹ vết thương hoặc xoa lại với nhau, tỏ vẻ đau đớn, kinh ngạc hay tiếc nuối…).


(Hòang Tuấn Công)

 


Chửi... đái bậy


Tiên sư tổ bố nhà mày nhá, để ông, để bà dậy cho thằng già đái bậy biết nhá. Cha năm đời mười đời bố cụ nhà mày nhá, để ông, để bà lấy dao cắt buồi mày, để ông, để bà bỏ thỏm buồi mày vào nồi, đun sôi sùng sục, mày múc ra mâm, mày ăn ngấm ngầm cho tới tam đại, tứ đại nhà mày nhá! Tiên sư tổ bố thằng già đái bậy.

(Vô danh thị)

 

Từ điển chính tả sai lỗi... chính tả

Chúng tôi tiếp tục dẫn ra những ví dụ sai chính tả của cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” GS-TS Hà Quang Năng chủ biên - ThS Hà Thị Quế Hương; Đại học Quốc gia Hà Nội).


“Reo: reo rắc”


Viết đúng là “gieo rắc” - từ ghép: “gieo” đồng nghĩa với “gieo” trong “gieo hạt” và + rắc” trong “rắc hạt” 

(Hòang Tuấn Công)

 


Cóc chết ba năm lại quay đầu về núi 

 

Trong Từ điển thành ngữ Việt Nam có câ “cóc ba năm lại quay đầu về núi”. Hình thức gốc của câu này là “cáo chết ba năm quay đầu về núi” như ai nấy đều biết. Đâu có thể nào tự tiện đổi cáo thành cóc được, vì nếu có thể hoán vị một cách tuỳ tiện như thế thì biết đâu sẽ chẳng có người hứng chí viết con cáo là cậu ông trời” để làm một cuộc đổi đời vì xưa nay ai cũng biết rằng cậu của ông trời là… con cóc. 


Rất có thể là thợ nhà in chơi khăm các nhà biên soạn Từ điển thành ngữ Việt Nam nên mới xếp sai “cáo” thành “cóc” chăng!


(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

 


Tác phẩm của Tự Lực Văn Đòan

 


Tú Mỡ


Dòng nước ngược, (tập 1 Đời Nay, Hà Nội, 1934), tập  2 Đời Nay, Hà Nội, 1941).

Đòn bút (1962)

Ông và cháu (tập thơ thiếu nhi, 1970)

Thơ Tú Mỡ (tập thơ tuyển, 1971)

 Diễn ca, chèo, tuồng 

Rồng nan xuống nước (tuồng, 1942)

Tấm Cám (chèo, 1955)

Nhà sư giết giặc (chèo, 1955)


(Tự Lực Văn Đoàn chữ văn quốc ngữ - Trần Bích San)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ước gì môi em là đít bút
Anh ngồi học bài cắn đít bút hun em

(Jap Tiên sinh)

 

Văn bút, nhân sự và sự kiện

Vì đã có sự vận động với quốc tế từ trước, nên ban vận động Bút Việt đã được mời tham dự ngay Đại hội Văn bút Quốc tế lần thứ 29 họp tại Đông Kinh, Nhật Bản, từ ngày 1 đến 9 tháng 9-1957. Phái đoàn Việt Nam gồm có Đỗ Đức Thu, Đái Đức Tuấn, Phạm Việt Tuyền, Hoàng Định Lượng, và Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Tham dự hội nghị này có 350 nhà văn, nhà thơ, ký giả đại diện cho 27 quốc gia trên thế giới.

Trong phiên họp ngày 2 tháng 9 năm 1957 tại Đông Kinh, Đại hội Văn bút Quốc tế đã chính thức thu nhận hội viên mới: Nhóm Bút Việt của VNCH. Khi ở Đông Kinh về, các đại biểu đã triệu tập một phiên họp vào cuối tháng 10-1957 để tường trình công việc.


Qua tháng 11-1957, tại trụ sở tạm thời của nhóm ở số 69 đường Cao Thắng Sài Gòn, ban vận động từ chức vì xong nhiệm vụ. 

Ban chấp hành lâm thời được bầu ra gồm 5 vị:

Chủ tịch: Đỗ Đức Thu.

Phó Chủ tịch: Vương Hồng Sển và Vi Huyền Đắc.

Tổng Thư Ký: Hiếu Chân Nguyễn Hoạt.

Thủ Quỹ: Bùi Xuân Uyên.


Nhiệm vụ của ban chấp hành lâm thời là thiết lập trụ sở, xúc tiến thủ tục hành chánh xin thành lập nhóm, thiết lập thư viện, phát triển hội viên, cho đại hội toàn quốc và xuất bản tờ Kỷ yếu.

Ngày 21 tháng 10 năm 1957 Nhóm được cấp giấy phép hoạt động ở trụ sở số 25 Võ Tánh Sài Gòn (đây chỉ là địa chỉ mượn của báo Tự Do để làm giấy tờ), do 3 vị đứng tên là Đỗ Đức Thu, Vương Hồng Sển, và Nguyễn Hoạt.


Như thế, nhóm Bút Việt đã được hình thành từ ngày 2-9-1957 trên phương diện quốc tế và ngày 21-10-1957 là trên phương diện hành chánh ở trong nước.


(Trụ sở ở 157 Phan Đình Phùng Sài Gòn)


Khoảng năm 1957, nhóm Bút Việt dời về trụ sở mới ở số 157 đường Phan Đình Phùng.Tới năm 1959 nhóm lại dời về trụ sở số 36/59 Cô Bắc và ở đây cho tới năm 1971 mới lại dọn về số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn.

(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)


Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Khôn ba năm dại một giờ.

Biết vậy dại sớm khỏi chờ… ba năm.


165 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Năm 1995, bạn Phan Cao Phái nhận đứng [làm chủ], Việt Hóa 2 cơ sở của Pháp là nhà sách Portail  và nha in Imprimerie d' Extrême Orient /(I.F.O.M, đã ủy tôi đổi lại tên việt, tôi đặt  tên: nhà sách Xuân Thu (thời đại văn học cực thịnh của Tàu ) và, nhà  in Kim Lai).  Và, tôi dùng một gian bên trái nhà sách Xuân Thu, để bán toàn sách Việt ngữ.


Ở đây, một hôm,  tôi (Phùng Tất Đắc) gặp một người, trạc ngoài 30, vẻ mặt cởi mở, nói năng lễ độ, dáng dấp chững chạc, đến tìm 

mấy cuốn sách hiếm.  Tôi có thiện cảm ngay.  Sau đó, hỏi thăm, mới  hay khách là ông Thái Văn Kiểm. Quê ông, vốn ở làng Bao La, phủ Quảng Điền, học trường Quốc Học Khải Định, rồi được bổ làm Tham Tá tòa Khâm [Sứ]. Năm 1952, Tỉnh  Trưởng Khánh Hòa, rồi Tỉnh Trưởng Ninh Thuận.  Sau 1954, được  chuyển sang Bộ Giáo Dục, rồi qua bộ ngoại giao, được bổ nhiệm  sở ở Tunis, Dakar, Zaire. Sau, trở lại Pháp, làm thư viện trường cao đẳng Kiến Trúc. Năm 1987 về hưu, một đời công chức nhiều biến chuyển, rất thuận lợi cho một người hiếu học và viết sách biên khảo...


Năm 1965,  giải nhất. về nghiên cứu cho cuốn Đất Việt Trời Nam. Năm 1957, giải Cosmos cho cuốn  Ay pays du Ne1nuphar (Montreal- Canada).  Năm 1981, luận án tiến sĩ về từ ngữ Việt nam.  Năm 1991, ông được đón vào viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp Quốc, với tư cách  là hội viên liên kết. Ông dùng nhiếu bút danh, riêng tôi quí cái bút danh Bao La cư sĩ.  


Nếu chỉ thấy 2  chữ Bao La, tên quê hương, có thể cho là khiêm trang, là tự phụ.  Nhưng, cái bao la về kiến thức, được lồng vào chữ đồng nội của quê hương nước nhà, còn gì mến yêu hơn.


(Nhớ nơi kỳ ngộ: Thái Văn Kiểm - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ai mua tui bán cây…si,
Si tui tốt giống cành chi chít cành.
Hễ si mà gặp đất lành,
Là si phát triển trở thành... siđa.

 


Vũ Bằng - 1

Tôi luôn giữ một khoảng cách với những thân hữu của anh vẫn lui tới nơi đây và thỉnh thoảng chỉ chuyện trò, gần gũi bác Vũ Bằng mà tôi biết là một trong số những người anh Dương Hùng Cường đã giới thiệu với anh Trần Tam Tiệp. 


Bác thật xuề xòa bình dân và dễ tính. Thỉnh thoảng bác Vũ Bằng hay rủ anh Dương Hùng Cường và tôi đi ăn chỗ này chỗ nọ, như tại cái quán cháo cá ở chợ cũ, một tô phở xe trong xóm nhỏ xứ đạo An Lạc… mỗi lần rủng rỉnh tí tiền sau khi nhận được món quà thuốc tây của anh Trần Tam Tiệp bên Pháp gửi về. 


Một hôm, chợt nhớ đến Miếng ngon Hànội và Miếng lạ miền Nam, tôi hỏi bác về việc cảm nhận sự ngon trong ăn uống thì bác cười và nói văn chương chữ nghĩa chỉ luận tả hoa lá cành cho vui thôi, thực ra phải vào cơn đói trong cảnh tù đầy như bọn tôi thì mới cảm nghiệm được hết ý nghĩa của từng miếng ăn thức uống.


Đúng vào thời điểm bọn an ninh đã bắt đầu theo dõi rồi liên tục bám sát tôi từng ngày, nên dù có biết tin mà vẫn không dám đến viếng bác cũng như dự tang lễ. Nơi đăng cáo phó nhỏ ở trang cuối một tờ báo tại thành phố khi đó, chỉ thấy ghi sơ sài vắn tắt vài dòng về năm sinh và ngày mất của bác vậy thôi. Trong bản cáo trạng ở một lần chuẩn bị đưa vụ án “Tuyên truyền phản cách mạng” của mấy anh em chúng tôi ra tòa rồi sau đó đình xử, chính quyền cộng sản thật lố bịch khi vẫn để tên bác Vũ Bằng trong danh sách các bị cáo, nhưng trơ trẽn và giả dối nói rằng đã cho bác được cải tạo tại địa phương vì tuổi già sức yếu.


(Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)

 


Đừng tưởng

Đừng tưởng cứ trọc là sư.. 

Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan

(Bùi Giáng)

 

Vũ Bằng - 2

Bác Vũ Bằng từ trần vào khoảng đầu tháng Tư năm 1984. Một nhà văn nhà báo lẫy lừng từ thời 1930-1940, với nhiều tác phẩm ghi đậm dấu cho từng thời kỳ văn học và trường phái văn chương Việt Nam, lúc chết thật cô đơn âm thầm lặng lẽ quá.

Sau này khi ra tù tôi có sang tìm nhà bác ở bên kia bờ sông Sàigòn, trên đoạn đường Trình Minh Thế cũ, gần đến cầu Tân Thuận, để thắp một nén tâm hương, nhưng vì không còn nhớ chính xác được địa chỉ và dọc con đường này đã chỉnh trang sửa chữa làm thay đổi hết tất cả, chẳng còn nhận ra các dấu vết cũ nên đành tạ lỗi với vong linh bác Vũ Bằng…


(Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa giám thị cũng đi thi .
Cũng cóp cũng quay chẳng kém chi.
Mà nay giám thị lại trông chặt .
Chẳng để em xem một tí gì…

 


Vũ Bằng - 3

Vậy mà bây giờ tôi (Vũ Bằng) đói cơm đói thuốc, đành chôn sống thân mình ở ngoại ô, trong một túp lều tối tăm rầu rĩ không được mặt trời soi đến... Tất cả lời lãi của cuộc đời hỉ xả của tôi đến bây giờ rút lại chỉ còn lại một cái bàn đèn thuốc phiện và mấy chồng báo nát. Còn đến tiền thì tuyệt nhiên không có đồng nào; ăn bữa sớm lo bữa mai, một đứa ở cũng không có để sai đi mua thuốc.

Tôi nằm chôn ở đây đợi một cái gì không đến. Tôi đợi một sự may mắn xui cho tôi có ít tiền để tôi cai thuốc phiện đi, tôi sẽ cố sức, một lần chót, viết một tác phẩm cuối cùng, một tác phẩm mà tôi chắc sẽ hơn hết cả một trăm cuốn sách tôi đã viết, có lẽ hơn hết cả những tác phẩm từ trước đến bây giờ. Nhưng có lẽ đó chỉ là một huyễn mộng của một người không may trên đời.


Ngày mai, chỉ ngày mai thôi, tôi sẽ chết. Tôi chắc lúc chết mặt tôi sẽ còn mở, cho nên tôi không muốn anh nhìn tôi làm gì. Tôi sẽ "đi" một mình, không có ai vuốt mắt cho cả, nhưng tôi sẽ sung sướng vì tôi tin rằng đời này là tạm bợ, những người muốn thực tâm làm được sự nghiệp to tát cần phải chịu sự thử thách kiếp này để thắng kiếp sau. 

(Vũ Bằng) *


* Tên thật: Vũ Đăng Bằng. Bút hiệu: Tiêu Liêu, , Vũ Tường, Sinh ngày 3.6.1913 tại Hà Nội. Mất ngày 7.4.1984 tại Sài Gòn.
Tác phẩm: Miếng ngon Hà Nội (bút ký, 1960), Thương nhớ mười hai (hồi ký, 1972), Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969).

 

Đừng tưởng

Đừng tưởng có của đã sang.. 

Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây

(Bùi Giáng)

 

Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam


Vũ Bằng đã làm cho bao nhiêu thanh niên phải thầm thương trộm nhớ miền Bắc, như một người phụ nữ dịu dàng không quen biết, người chị, người mẹ, người yêu, những món ăn chỉ nghe tên mà không biết là món gì, ngọn đèn dầu, hoa xoan, mưa bụi liêu riêu mà chẳng bao giờ thấy chúng ra sao. Như vậy có một khuynh hướng văn chương hoài niệm tiêu biểu là Vũ Bằng trong Văn Học Miền Nam, và những người khác nữa như Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh. Khuynh hướng này tiếp tục được sau này trong văn học hải ngoại. Cũng phải thôi. Xa quê, dù là từ Bắc vào Nam hay từ bên này qua bên kia biển Đông, ai cũng thương nhớ khôn nguôi. Nguyễn Đình Toàn viết trong “Áo Mơ Phai” (1972 )

 

Tuy nhiên, hoài niệm không phải là dòng chủ lưu. Tôi nhận thấy một số tác giả trước đây viết về Văn Học Miền Nam hoặc hiện nay viết về Văn Học Hải Ngoại nhấn mạnh có phần quá đáng đến tính chất hoài hương. Cuộc sống bao giờ cũng mới, mỗi ngày, nên ngoài những hoài niệm, vốn hết sức đáng trân trọng, người xa quê hương, xa nước, kẻ lưu vong, kẻ di dân, còn biết bao tình cảm và suy tư khác trong cuộc sống mới, dằn vặt, sâu sắc, phong phú, bâng khuâng. Và không dễ mà khẳng định, vui ít buồn nhiều.

(Nguyễn Đức Tùng)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Con cò đi uống rượu đêm.
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Còn anh chả uống ngụm nào.
Cũng say ngây ngất ngã vào lòng em .

 


Đã có một thời…

Hà Thượng Nhân

Một điều cần nói rõ, không phải ai là “sếp” cũng được cấp dưới kính trọng, đôi khi còn ngược lại. Làm “sếp” mà không có cái tâm, không có cái tình, chỉ có cái “uy”, không có cái “ân” thì khó có cấp dưới nào kính trọng. Một anh cấp dưới kính trọng một cấp trên chỉ lấy “uy”, lấy “quyền” ra chỉ huy, hò hét thì anh cấp dưới đó xứng đáng được gọi là kẻ “nịnh thần”. Kẻ dám nói thẳng nói thật mới đúng là cấp dưới đáng kính trọng. Con người nào cũng bình đẳng như nhau, khác nhau chỉ ở chỗ có được kính trọng hay không mà thôi, là chân lý không thể thay đổi. Nhưng ở đây tôi không dám dài dòng về chuyện này. 

 

Tôi chỉ muốn chứng minh rằng tại sao anh Phạm Xuân Ninh được hầu hết các cấp dưới của anh kính trọng, chính vì nhân cách lớn của anh. Nhân cách ấy thể hiện ngay trong lối sống hàng ngày, lối giao thiệp, tiếp xúc với mọi người quanh mình và ngay với thuộc cấp. Anh không là quân nhân chuyên nghiệp, không là sĩ quan học trường võ bị ra, nhưng anh lại là một người lãnh đạo rất giỏi, anh nói gì ai cũng nghe, sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ.

Làm việc với anh Ninh cứ như trong một gia đình, chẳng phải lo nghĩ gì đến cái lưới kỷ luật lúc nào cũng sẵn sàng úp chụp lên đầu. Đó là lý do tại sao khi anh ra đi, chỉ có lòng thương tiếc.

 

(Tưởng niệm Hà Thượng Nhân – Văn Quang)

 


Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Ăn quen, nhịn không quen

 


Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Tưởng nhớ nhà thơ Nam kỳ lục tỉnh Trần Tuấn Kiệt - 1


(Quyển “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, 1880-1965” của Trần Tuấn Kiệt - Hình: quansachmuathu.vn)


Cuộc đời Trần Tuấn Kiệt sống chết với nghiệp cầm bút nhưng số phận không thoát khỏi lao tù.

Năm 1970, Trần Tuấn Kiệt được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật. Vài nguồn tin cho rằng ông bị kẻ khác đố kỵ đả kích “trao thân lầm trốn lính.” Năm 1971 khi ông đang ở tù, với mức án 10 năm lao công đào binh vì không chịu đi lính, vợ ông cùng với họa sĩ Nghiêu Đề xin chữ ký của 100 vị nhân sĩ, trong đó người đứng đầu ký tên Bản Kiến Nghị do Linh Mục Thanh Lãng (Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam 1963-1975), ông đã được Tổng Thống Thiệu ân xá còn một năm tù treo và được cho về nhà vào ngày 30 Tết năm 1971.


Sau 1975, ông cũng bị đi tù cải tạo gần 10 năm, ở trại giam Phan Đăng Lưu, Chí Hòa, rồi đổi lên trại tù Gia Trung ở Gia Lai, Kon Tum đến tháng 10, 1985, mới được về. Sách vở của ông rất nhiều nhưng ông đã đốt vào thời điểm tháng 4, 1975, nên thơ và truyện của ông trước kia, hiện nay rất khó tìm. Ông chia sẻ: “Lúc tôi đi tù gần 10 năm ở trại Gia Trung về ở nhà, các bạn thường giúp đỡ: Trần Lam Giang, Đào Trường Phúc… gởi về.” Bản án dành cho ông 10 năm từ Chí Hòa đến Gia Lai thật là phi lý, đó cũng là thảm kịch cho văn nghệ sĩ miền Nam trước năm 1975.


(Vương Trùng Dương)

 


Chữ là nghĩa

Bướm rừng sờ cái là bay

Bướm nhà sờ cái lăn quay ra giường

 


Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Tưởng nhớ nhà thơ Nam kỳ lục tỉnh Trần Tuấn Kiệt - 2

Trần Tuấn Kiệt sống rất giản dị, đầu tóc rối bù, ăn mặc xuềnh xoàng. Tuy sống thật nhiều, sống với nghề cầm bút nhưng vẫn nghèo. Cư ngụ căn nhà trong hẻm, vợ bán bắp nướng và chuối chiên để nuôi cả gia đình. Khi được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật năm 1970 với số tiền khá lớn nhưng bản tính hào sảng, có cơ hội chén tạc chén thù với bạn bè. 


Ông đích thực là chàng lãng tử sống với thơ, văn, suốt một đời. Thích đá gà và cũng là đệ tử của Lưu Linh. Về chuyện đá gà, Trần Tuấn Kiệt viết lại: “Khi không có đề tài gì cho mục Nói Chuyện Với Đầu Gối thì Chu Tử thường đem tôi ra làm đề tài. Cho nên mới có chuyện Trấn Tuấn Kiệt nổi tiếng nhất nước là đá gà, còn người thật thứ nhì mới đến Nguyễn Cao Kỳ. 

Sở dĩ có chuyện đó là vì mỗi chiều Thứ Bảy đi đá gà về, tôi đều mua mấy con gà chết trận về cho bà xã nấu cà-ri đãi anh em. Nhằm lúc không có gà chết mà bạn bè tới nhà đông quá, tôi làm luôn con gà cưng nhất của mình đãi anh em nhậu…”.

(Vương Trùng Dương)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Thấy em yểu điệu cầm daọ… mỗ gà.
Con gà em cắt làm ba.
Trời ơi có phải em là… em không??

 


Đuờng văn ngõ chữ

Trần Đăng Khoa có… hai vợ

Khi làm thủ tục nhập học trường viết văn Gorki, nhà thơ Trần Đăng Khoa phải làm một bản tự khai lý lịch có hai câu hỏi:

– Sang Liên Xô lần thứ mấy?
– Đã có vợ chưa…

 

Lúc ấy, nhà thơ đã sang Liên Xô 2 lần và vẫn là trai chưa vợ, nhưng có lẽ đãng trí nên Trần Đăng Khoa đã ghi:

– Sang Liên Xô: 0
– Đã có vợ chưa: 2…



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Hoa chanh nở giữa vườn chanh.
Còn em hoa súng thì đành ở… ao



Chân dung hay chân tướng nhà văn?

Năm 1992, vào dịp lần đầu tiên xuất bản tập thơ ông phát biểu :
“Nói về đồng nghiệp cũng là nói về mình. Cái hay cái dở của một người cũng là của một thời. Câu thơ Từ thủa tóc xanh đi vỡ đất. Đến bạc đầu sỏi đá chưa thành cơm đâu chỉ là số phận của một nhà thơ. Hơn ai hết, tôi nghĩ, nhà văn là đại diện của một thời, là lương tri của thời đại. Đã đành là khó ai vượt được thời đại mình đang sống, không dễ nói hết, nói công khai những điều suy nghĩ. Nhưng cũng thật đau lòng và xấu hổ khi những nhà văn bán rẻ lương tâm, còng lưng quỳ gối trước quyền uy, mê muội vì danh lợi. Có lẽ đó là động cơ thúc đẩy tôi viết, nếu có nói quá cũng dễ hiểu. Cái con quỷ ám nếu có thì cũng là ảnh hưởng những cảm xúc ấy, nỗi đau chung ấy. Tiếng cười nhiều khi xuất phát từ nỗi đau! Những bài thơ chân dung đã có cuộc sống riêng của nó”


Ông tên thật là Ngô Xuân Sách, sinh ngày 4-7-1932 tại Trường Giang, Nông Cống, Thanh Hoá. Năm 1960, ông bắt đầu công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1987, ông chuyển vào làm chủ tịch Hội Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu.


 


Đầu năm 2008, nhà thơ Xuân Sách chuyển ra Hà Nội sống với con gái để có điều kiện chữa bệnh suy gan và suy thận. Thế nhưng, do tuổi cao sức yếu, sau mấy ngày nằm ở bệnh viện, khuya ngày 2-6 nhà thơ Xuân Sách đã lặng lẽ từ biệt cõi đời . 


(Nhât Tuấn)



Điện Càn Nguyên 

1010 - Năm Canh Tuất thời nhà Lý, Lý Thái Tổ đóng đô ở Thăng Long, dựng điện Càn Nguyên trên núi Nùng (1), cũng gọi là núi Long Đỗ làm nơi coi chầu, phía trước là Long Trì (thềm rồng) cao 9 bậc, tả hữu có hai con rồng dài trên một trượng. 

Bên tả điện Càn Nguyên là điện Tập Hiền, bên hữu là điện Giảng Võ, mở cửa Phi Long thông sang cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phụng thông sang cung Uy Viễn, chính hướng Nam là điện Cao Minh, đều gọi là "Thềm Rồng". Bên trong Thềm Rồng có mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt.


Dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi nghỉ ngơi của vua. Bên tả làm điện Phật Quang, bên hữu làm điện Nguyệt Minh , đằng sau dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thụy làm chỗ ở cho cung tần. Dựng thành, đào hào. Bốn mặt thành mở bốn cửa: phía Đông là cửa Tường Phù, phía Tây là cửa Quảng Phúc, phía Nam là cửa Đại Hưng, phía Bắc là cửa Diệu Đức.


(Nguyễn thị Chân Quỳnh)


(1) Núi Nùng là một gò đất đắp từ thời Lý, cao 5 thước, tứ bề vuông vức Theo phong thủy trong ruột núi có cái lỗ gọi là Long Đỗ 

(2) Long Đỗ - Theo truyền thuyết, Cao Biền đắp La Thành, thấy một người trong đám mây ngũ sắc có ý muốn trấn áp. Đêm nằm mơ thấy người ấy xưng là thần Long Đỗ. Cao Biền đem búa đồng chôn để yểm, đêm sau mưa gió, sáng dậy thấy búa đồng bị đánh tan thành cát bụi. Biền sợ, lập đền thờ thần Long Đỗ.

 


Chữ nghĩa làng văn

Tục thờ thành hoàng có từ đời Tam Quốc. Thành hoàng với từ thành chỉ thành quáchhoàng cái hào bao quanh thành; ghép lại một từ “thành hoàng” để chỉ vị thần coi giữ cho cái thành. 

Vì vậy thành hoàng gốc gác ở bên Tàu. Ở bên ta việc thờ thần hoàng được ghi chép khi vua Lý Thái Tổ dời đô, mộng thấy một cụ đầu bạc phảng phất trước bệ rồng... Sau khi hỏi rõ lai lịch là “thần” sông Tô Lịch, vua phong làm Quốc Đô Thăng Long thần hoàng


Đình thờ thần hoàng, miếu thờ thổ thần. Nhưng cũng có miếu thờ thần hoàng, như miếu làng Ngọc Động, Ninh Bình thờ thần hoàng là ông ăn mày. Ngày hiện hóa của thần hoàng, làng mở hội, nghinh rước “thần hoàng” là… cái bị và cái gậy từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước cái gậy, cái bị về miếu yên vị



Tranh Hàng Trống

Khác với tranh Đông Hồ, kỹ thuật tranh Hàng Trống kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ, với việc tô màu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quét phẩm nước, luôn luôn tạo được những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế. Nhờ vậy, màu sắc rất uyển chuyển, đáp ứng đòi hỏi của khách mua tranh nơi kẻ chợ.

Các đề tài phản ảnh minh họa cổ tích, tranh Hàng Trống nổi trội về tranh thờ, ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo, với hình tượng tương đối giản dị mà thể hiện công phu, không bao giờ thiếu sắc thái uy vệ về ý nghĩa.


(tranh Ngũ Hổ ở chùa Kim Liên)


Việc xuất hiện những tranh Hàng Trống như Bạch hổ, Hắc hổ, Ngũ hổ, Đức Thánh Trần, Bà chúa Liễu, Tướng Trấn môn ("Canh cửa") tại kinh đô, từ nội phủ cung đình đến nhà thường dân, từng được Hoàng Sĩ Khải, một nhà thơ làm quan thời Mạc (cuối tk.16) nhắc tới. Như vậy, tranh Hàng Trống có lẽ ra đời cùng thời với tranh Đông Hồ, vốn được dòng họ Nguyễn Đăng sản xuất truyền tới hai mươi đời, tức khoảng 500 năm.



Thành ngữ tục ngữ sai 

Cây sát lá, cá tróc vảy

Kinh nghiệm cây cảnh sát lá mới ra hoa, cá tróc vảy mới sạch.


Câu này Nguyễn Cừ đã đoán sai hoàn toàn so với ý dân gian muốn nói. “Cây sát lá, cá tróc vảy” (Dị bản: Cây chạm lá, cá chạm vảy) là hai điều bất lợi đối với cây trồng, vật nuôi. Bởi cây quang hợp bằng lá, hút dinh dưỡng bằng bộ rễ. Nếu cây luôn bị động chạm đến lá, dập gẫy lá sẽ còi cọc, không sinh trưởng được. 

Vảy cá giống như bộ da, cá bị tróc vảy chậm lớn, dễ sinh bệnh tật. Bởi vậy, còn có dị bản: “Cây chọn mất lá, cá chọn mất vảy”, cây giống lựa chọn, nâng lên đặt xuống nhiều lá sẽ bị dập gẫy, không tốt; cá giống lựa chọn, bắt lên, bỏ xuống nhiều sẽ bị tróc vảy, dễ chết sau khi thả xuống ao.

(Hoàng Tuấn Công)

 


Giai thọai làng văn xóm chữ 

Con trâu già - 1

Năm 1902, Thành Thái tuần du tới cầu sông Cái Long Biên Hà Nội mà người Pháp đặt tên là Pôn- Đuyme, dự lễ trấn yểm.

 

Cụ Tam Nguyên Yên Đổ mặc dù đã rời quan trường từ mùa thi 1892; cụ cũng được triệu về Hà Nội bái yết nhà vua và dự lễ. Tất cả các quan khi bái yết nhà vua đều phải tuân theo nghi lễ của triều đình, nghĩa là phải quỳ lạy, đến lượt cụ Tam Nguyên thật trớ trêu cho cụ bởi bà chánh phi của Thành Thái là con gái TS Nguyễn Trọng Hợp trước đây đã đính ước với con trai cả của cụ là Nguyễn Hoan, sau vì một lý do nào đó nên không thành. Nay nếu buộc phải thực hiện nghi lễ, nhưng nếu lễ vua mà không lễ vợ vua là không ổn, mà lễ vợ vua hóa ra cụ phải lễ con dâu trượt của mình, sẽ là trò cười nên theo sĩ khí của nho sĩ Bắc Hà, cụ bái yết nhà vua và chỉ vái hai cái. 

 

Có lẽ vua biết uẩn khúc này nên chỉ quở trách nhẹ, còn cụ Tam Nguyên thưa:
– Muôn tâu, thần giờ chỉ như một con trâu già, xin đức khâm thượng khai ân!

Nhà vua mỉm cười. Song, vì biết tài ứng khẩu thành thi của cụ nên truyền:
– Vậy khanh làm bài thơ “Vịnh trâu già”, nếu hay trẫm miễn tội.

Cụ ung dung đọc bài thơ theo Đường luật thất ngôn bát, cú “Vịnh trâu già” như sau:


Một nắm xương khô một nắm da,
Bao nhiêu các ách đã từng qua.
Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa,
Tai nặng buồn nghe Ninh Tử Ca.
Sớm thả Vườn Đào chơi đủng đỉnh,
Tối về thôn Hạnh thở nghi nga.
Có người toan giết tô chuồng mới,
Ơn đức vua Tề lại được tha.

 


Chùa cổ Bà Đá


Ở Hà Nội có ngôi chùa cổ có tên tự: Linh Quang tự, Sùng Khánh tự, ở số 3 phố Nhà Thờ, gần hồ Hoàn Kiếm. Chùa Bà Đá được xây năm 1056 dưới đời Lý Thánh Tông

 

Chùa nằm trên một con phố nhỏ và dài chỉ vài trăm mét. Trước kia trong chùa có tượng Phát Lâm (tượng có nụ cười yêu đời) được coi là một trong tứ khí của Hà Nội.

Tương truyền khi đào đất đắp thành Thăng Long vào đời vua Lê Thánh Tông (1460 -1497) ở thì phát hiện được một pho tượng bằng đá hình dáng một phụ nữ. Dân chúng cho là Thánh Mẫu nên đã lập đền thờ ngay tại nơi đào được tượng và gọi là đền Bà Đá. 

                    (Mai KimThành)

 


Giai thọai làng văn xóm chữ 

Con trâu già - 2


Bài thơ “xuất khẩu” trên quả là tài tình hiếm có, rất đúng niêm luật, sát đầu đề dù đó là đề tài khó. Hay hơn ở chỗ cụ đã ví mình, một vị quan lại không còn mẫn cán với triều đình như xưa, nay chỉ như một con trâu già, trâu phế canh không còn công dụng gì với nhà nông nữa. Bởi nay chỉ còn có da bọc xương do cả đời kéo cày mắc ách, làm lụng vất vả, ăn giả làm thật như trong “Lục súc tranh công” đã tả đó là 2 câu mở đầu.

 

Đến câu 3-4, cụ dùng điển tích Tàu để mở rộng ý rằng con trâu còn có công với nước. Đó là chuyện Điền Đan thời Chiến quốc, một tướng nước Tề khi bị nước Yên sang đánh chỉ còn có một thành. Điền Đan dụng mưu dùng mồi rơm có tẩm dầu buộc vào đuôi trâu, mài sừng sắc nhọn hoặc gắn kiếm sắc vào sừng, đốt lửa cho trâu sợ xông vào quân Yên. Quân Yên sợ bỏ chạy, nước Tề được phục quốc ~~> Nếu không có trận hỏa công đó chắc chắn nước Tề bị tiêu diệt.

Hoặc Ninh Tử chính là Ninh Thích khi chưa làm quan, có tài nhưng không ai biết đến. Ông làm nghề chăn trâu, thường gõ sừng trâu để hát, nói lên chí lớn của mình, để sau đó Quản Trọng dùng làm tướng nước Tề.

 

Hai câu 5-6 của bài thơ có từ Vườn Đào, thôn Hạnh xuất xứ từ chuyện Vũ Vương đánh Trụ đã dùng trâu để vận chuyển rất đắc lực. Sau khi diệt Trụ, ông đã ra lệnh 3 năm cấm giết trâu, buổi sớm cho chăn ở Vườn Đào, tối về cho nghỉ ở thôn Hạnh Hoa, một làng đẹp của Tàu xưa, lại có nghề nấu rượu nổi tiếng ngon như “Tam Quốc chí” đã tả.

Câu kết “Ơn đức vua Tề” nhắc lại sự tích Tề Tuyên Vương thấy lính dắt trâu đi qua trước thềm, con trâu run rẩy sợ hãi, vua hỏi thì được biết họ dắt trâu đi giết lấy máu làm sơn tô chuồng mới, bèn ra lệnh tha trâu không giết. 

 

Nguyễn Khuyến ví mình như là một con trâu già mà người ta chỉ nhăm nhăm muốn giết để ăn thịt, liệu ông (chỉ vua Thành Thái) có tha mình như vua Tề đã tha trâu không giết thịt?

 

***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn


Tô Hoài nhớ lại:
“Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi Nguyên Hồng xua xua tay, nói như hét vào mặt tôi:
- Tiên sư mày, làm thằng Câu Tiễn ông thì không, Nguyên Hồng thì không!
Nguyên Hồng khóc thút thít.
- Tao về Nhã Nam.
- Về Nhã Nam?
- Ừ, Nhã Nam. Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam.”
Phải chăng mượn lời Nguyên Hông, 42 năm sau, Tô Hoài đã “chữa khéo” hành động của mình trong vụ Nhân Văn hồi đó mình là “Câu Tiễn”?

Trong những năm tháng “khó khăn“ đó, Tô Hoài kể lại “hai hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên, tuy chỉ làm có cái bìa sách cho nhà xuất bản nọ nhưng chắc là không khí sát phạt ở các buổi họp khiến các anh ngại, đã xin ra đảng”; Dương Bích Liên đã vẽ “một tranh sơn dầu hai đứa trẻ gái gầy guộc xanh lét cả tóc” có tên là “Hào” bị loại khi mang ra triển lãm. Nguyễn Sáng vẽ ký hoạ trên báo Nhân Văn một đầu người ở cổ có vết khía, như cái lá. Người ta bảo đấy là chân dung Trần Dần và cái sẹo còn lại khi anh định tự vẫn. Vì vậy họa sĩ Nguyễn Sáng không được xét huân chương kháng chiến.


(Nhật Tuấn)

 

***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn 

Nhà thơ Nguyễn Bính và lá số tử vi - 1

Dạo ấy là những ngày Tháng Chạp, cha tôi từ bệnh viện nơi sơ tán về ghé lại nhà chú Tân Thanh nghỉ dưỡng. Chú Tân Thanh có tên tục là ông lang Hứa, chú làm nghề đông y, thích làm thơ và nhất là rất yêu thơ Nguyễn Bính. Một hôm cha tôi nói với chú Tân Thanh:

- Chú Hứa này, anh đã coi số tử vi, năm nay anh chết đấy, nếu may qua được năm nay thì anh sống thêm được chục năm nữa! Chú Tân Thanh gắt:

- Vớ vẩn, chết gì mà chết, tử vi với tử vẩn, anh cứ nói huyên thuyên!

- Thật mà hôm nào rỗi anh cho chú xem. Nhưng cha tôi cũng không kịp cho chú Tân Thanh xem lá số tử vi như ông đã hứa.


Khoảng 25, 27 tết cha tôi đem chiếc xe đạp hiệu Phượng Hoàng (tiền mua chiếc xe cũng là của chú thím Tân Thanh đưa) ra kỳ cọ sửa sang để chuẩn bị về Nam Định ăn tết. 

(Sự thật về cái chết của nhà thơ Nguyễn Bính, cha tôi

Nguyễn Bính Hồng Cầu) 

 


Chữ Nghĩa Làng Văn 

Nhà thơ Nguyễn Bính và lá số tử vi - 2


Thấy vậy thím Tân Thanh mới bảo:

- Bác ở lại ăn Tết với vợ chồng chúng em, sức khỏe bác ốm yếu như vậy, đường sá gập ghềnh lỏm chỏm đá to đá nhỏ, ổ gà ổ voi không khéo ngã thì có chết! 

Cha tôi nói:

- Cô không sợ anh chết ở đây à?

- Chúng em chẳng sợ gì cả, chết thế nào được! Bác cứ ở lại đây ăn Tết cùng gia đình chúng em có dưa ăn dưa có muối ăn muối. Chú Tân Thanh nghe vợ nói, cũng hăng hái góp lời:

- Cô ấy nói phải đấy! Bác cứ ở lại ăn Tết với chúng em, khi nào khỏe hẳn rồi hãy về, chúng em không buộc.


Thế là cha tôi đồng ý ở lại với gia đình chú Tân Thanh để ăn thêm cái Tết xa nhà, không ngờ đó lại là một “ Xuân tha hương” vĩnh viễn của cha tôi ở nơi cũng tạm gọi là đất khách. 

Vào  khoảng 8 giờ sáng, ngày 20 tháng 1 năm  1966 nhằm ngày 29 tháng chạp Âm Lịch (Tết năm ấy không có ngày 30), tại nhà chú Tân Thanh  ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cha tôi đã trút hơi thở cuối cùng.


(Sự thật về cái chết của nhà thơ Nguyễn Bính, cha tôi

Nguyễn Bính Hồng Cầu)










Không có nhận xét nào: