Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

THỬ LÝ GIẢI CÁCH TÁN GÁI TRONG MỘT BÀI CA DAO - Hoàng Đằng

 THỬ LÝ GIẢI CÁCH TÁN GÁI 

TRONG MỘT BÀI CA DAO


Ca dao có nhiều bài đề cập đến cách tán gái (Hôm qua tát nước đầu đình … chẳng hạn). Tuy nhiên, bài sau đây, tôi đọc qua, thấy có vẻ thiếu lô-gíc, thành thử, tôi tìm hiểu và muốn đem những gì tôi lý giải được chia xẻ với các bạn.

*

Chàng trai cầu hôn với cô gái mình yêu thích bằng những câu:

Trên trời có đám mây xanh,

Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng,

Ước gì anh lấy được nàng,

Thì anh mua gạch bát tràng về xây

- Xây dọc rồi lại xây ngang,

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Đem chuyện đám mây trên trời làm dẫn nhập chuyện cầu hôn, hai chuyện không có mắt xích gì lôi kéo nhau hết. đúng là cách tán gái ngớ ngẩn.

Với lại, chàng trai hứa nếu cô gái đồng ý về làm vợ anh  thì anh sẽ “xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”. Sao phải xây hồ? Sao hồ có hình bán nguyệt mà không hình khác? Sao để “nàng rửa chân” mà không phải để rửa một bộ phận nào trong cơ thể?

Nghĩ kỹ, “vậy mà không phải vậy”, ta thấy cách tán gái của chàng trai này thuộc loại thông thái.

*

Chàng trai mở đầu lời tán bằng nói đến hình ảnh đám mây trên trời:

Trên trời có đám mây xanh,

Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng …

Đám mây trên trời, không bao giờ đứng yên mà trôi nổi. Ấy là hình ảnh dùng để ví von với đời người – đời người luôn bất định.

Mây thường có màu xám hoặc màu đen. Vậy mà chàng trai lại chọn màu cho đám mây tưởng tượng của mình là màu xanh – màu của thanh bình, màu của hy vọng. 

Phủ và chen vào màu nền chủ đạo - màu xanh - của đám mây, ở giữa thì có màu mây trắng, chung quanh thì có màu mây vàng. Màu vàng, màu trắng ở đây mượn để nói đến hai kim loại quý: vàng và bạc – biểu tượng của sự giàu có.

Hai câu thơ lục bát nói chuyện mây trên trời, đọc qua, chúng ta cứ tưởng chàng trai nói bâng quơ, thậm chí vô duyên trước khi vô chuyện cầu hôn chính thức. Thật ra, ấy là phác thảo sự giàu có, yên ổn của lứa đôi dù cho phải kinh qua những nổi trôi của cuộc sống - một viễn cảnh tươi đẹp chàng trai đưa ra để lôi cuốn cô gái mình đang đối diện và đang đem lòng yêu mến.

Như thế, chàng trai là người thâm thúy, không phải hạng bình thường.

Sự thâm thúy của chàng còn thể hiện ở nét chàng chăm sóc cô gái khi đã nên vợ nên chồng. 

Ước gì anh lấy được nàng,

Thì anh mua gạch bát tràng về xây

- Xây dọc rồi lại xây ngang,

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân … 

Bàn chân ở vị trí cuối cùng của cơ thể; chàng trai lo đến bàn chân nghĩa là đã tính chuyện lo những bộ phận bên trên chỉnh chu. Ở đây, chàng chẳng cần nói đầy đủ làm gì cho dài dòng văn tự.

Bàn chân thường vấy bụi. Nước rửa chân không thiếu gì nguồn – nước giếng, nước sông, nước ao … Thế mà chàng phải xây hồ cho được để cô gái rửa chân, vậy mới thỏa mãn sự chiều chuộng của chàng. 

Hồ thì phải xây bằng gạch bát tràng – loại gạch chất lượng tốt có tiếng nhất Việt Nam. Xây thì phải kiên cố, vững chãi: “xây dọc rồi lại xây ngang”. Cái hồ rửa chân mà xây cẩn thận như thế, huống gì nhà cửa và những tiện nghi khác dành cho cô gái!

Còn lý do này nữa khiến chàng phải xây hồ chứa nước thêm vào cơ ngơi của đôi lứa, 

Theo phong thủy, nhà phải theo thế “toạ sơn hướng thuỷ”, nghĩa là trước mặt nhà phải có nước, sau lưng nhà phải có thế đất cao như trái núi. Được vậy, chủ nhà mới ăn nên làm ra, sự nghiệp hanh thông, vững chãi.

Hồ lại có hình bán nguyệt. Tại sao lại phải hình bán nguyệt?

Hình bán nguyệt là hình cánh cung với cạnh thẳng là dây cung và đường vòng nửa vầng trăng là cánh cung đặt mũi tên. Cánh cung hướng mũi tên ra bên ngoài sẽ có tác dụng bảo vệ an ninh cho phía bên trong. 

Trong phong thủy, hồ hình bán nguyệt xây trước nhà vừa chứa nước để tốt gia vận vừa trừ tà khí, xua đuổi ma quỷ, bảo vệ an toàn cho ngôi nhà.

*

Bài ca dao có phiên bản thêm 2 câu:

Có rửa thì rửa chân tay,

Đừng rửa lông mày chết cá ao anh.

Hai câu này chắc được thêm vào sau. Tôi nghĩ như thế vì câu trước: “Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa CHÂN”, câu tiếp sau: “Có rửa thì rửa chân TAY”, CHÂN và TAY không bắt vần; chả lẽ một người như chàng trai mà ứng khẩu thơ lục bát lạc vận. 

Với lại, nước hồ, dù sao, cũng không đủ sạch để rửa lông mày và lông mày cũng ít nhớp để phải rửa riêng. 

Người thêm hai câu này vào, có lẽ muốn phóng đại vẻ đẹp của cô gái. Lông mày, trong thơ văn cổ, thường được mô tả để nói lên vẻ đẹp toàn thể của phụ nữ. 

Muốn rửa lông mày, cô gái phải đưa cả khuôn mặt sát mặt hồ. Khuôn mặt cô phải quá đẹp đến nỗi cá thấy phải lặn – “chim sa cá lặn”. Ở đây, chàng trai sợ cá chết, tại sao? Cá lặn lâu không trồi lên mặt nước để thở nên phải chết. 

Thêm hai câu này vào bài ca dao, người ta chỉ muốn tâng bốc vẻ đẹp của cô gái. Nhưng ý tưởng xét thấy không hợp lý.

*

Qua những điểm vừa trình bày, chúng ta thấy chàng trai tán gái trong mấy câu ca dao mà nếu chúng ta hời hợt đánh giá có thể cho là ngớ ngẩn thì thật sự là người có học thức rộng, hiểu biết nhiều và cách tán gái của chàng thuộc hạng siêu đẳng. 

Có điều là cô gái mà chàng tán có đủ trình độ để hiểu được hết ý nghĩa chuyển tải trong mấy câu tán tỉnh của chàng hay không!!!???


Hoàng Đằng

20/4/20


Hình hồ bán Nguyệt (lượm trên internet)





Không có nhận xét nào: