Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT “PHỤC SINH CHÍNH TRỊ CÔNG GIÁO VIỆT NAM & ĐẾ CHẾ CỘNG SẢN” CỦA NGUYỄN HỮU LIÊM, ĐÔI ĐIỀU GÓP Ý VỚI TÁC GIẢ (Bài 2 - Nguyễn Đức Cung)

 NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT “PHỤC SINH CHÍNH TRỊ CÔNG GIÁO  VIỆT NAM & ĐẾ CHẾ CỘNG SẢN” CỦA NGUYỄN HỮU LIÊM,  ĐÔI ĐIỀU GÓP Ý VỚI TÁC GIẢ

(Bài 2) 

Nguyễn Đức Cung 

2.- Triết học là “nữ tì của thần học” (ancilla theologiae) & Khung chữ của bài viết Nguyễn Hữu Liêm.  

Ở đây tôi không muốn đào sâu ý nghĩa của một câu nói đã có từ ngàn xưa để xem môn triết học có thật sự là đầy tớ gái của thần học hay không, cũng như không  muốn tìm hiểu tương quan sâu xa giữa hai bộ môn này như thế nào, cái nào quan  trọng hơn cái nào, nhưng khi đọc bài viết của Nguyễn Hữu Liêm có một vài chỗ khiến tôi thấy cần tìm hiểu đôi chút mối tương quan cao hạ ẩn tàng trong hai cụm  từ đó khiến cho tác giả này đã phải cất công đưa ra một dự phóng mang tính chính  trị đối với đạo Cộng Giáo mà tôi xét thấy không phải chứa đầy chất chính trị hoặc  có khả năng tạo nên một lực lượng chính trị như NHL viết đậm dấu ấn trong một  bài viết chỉ bốn trang giấy khổ loại bình thường 8/11. 

Một điều cũng cần nói rõ là mặc dù biết tác giả NHL tốt nghiệp bằng cấp cao nhất về Triết học (TS) nhưng khi đi vào một lãnh vực liên quan đến thần học tôi nghĩ tác giả cũng nên tỏ ra dè dặt vì đó không phải là phạm vi sở trường của  mình. Đây là một suy tư chân thành chứ thật tình tôi không có một dụng ý ẩn tàng  nào cả dù là muốn nhắm vào tác giả.  

Câu nói tiếng La Tinh “Philosophia, ancilla theologiae”, “Xem ra nguồn gốc của thuật ngữ này là ông Philô Alexandria ở đoạn chú giải sách Sáng Thế 16, 1-2.  Nàng hầu Agar người Ai Cập tượng trưng cho các khóa học nhập môn cần thiết để lãnh hội những hoa trái của sự cao minh, tượng trưng nơi bà Sara, vợ chính thức  của ông Abraham. [Cf. De Congressu quaerendae Eruditionis Gratia, en Obras  completes de Filón de Alejandria, traducida por José Maria Trivino, Acervo 

Cultural Editores: Buenos Aires 1976, vol.III, pp. 75-116.] Thứ Ba, 26 tháng 10,  2021. Web: https://tsthdm.blogspot.com/2021/10/tuong-quan-giua-triet-hoc-voi than-hoc html. Đọc câu chú giải này, tôi thấy giật mình vì sức mạnh vi diệu của nội  dung và thán phục trí óc siêu việt của người xưa. 

“Philô Alexandria”, chính là PHILON le Juif, là một triết gia Hy Lạp gốc Do  Thái, sinh ở Alexandrie (khoảng năm 13 tr. C.N. – 54 sau C.N.) có ảnh hưởng trên  sự giải thích Kinh Thánh mang nhiều tính ẩn dụ đối với nền văn chương Giáo phụ. 

Một tác giả khác, Linh mục Vinh-sơn Bùi Đức Sinh, O.P., M.A. (đã già lắm  rồi, chắc cũng gần 100 tuổi) đã viết và phát hành 22 cuốn sách lớn nhỏ, mà nổi  tiếng nhất là bộ Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam (1864 trang) thuộc dòng Đa Minh hiện ở Sài Gòn, đưa ra ý kiến phản biện về mối liên quan giữa triết học và  thần học khi viết rằng: “Triết học, tuy người ta kêu là “đầy tớ của thần học”  (ancilla theologiae), nhưng nó vẫn có mục đích, phương pháp và giá trị riêng; nói  cho đúng, triết học là bạn và trợ tá, chứ không phải là đầy tớ, càng không phải là  nô lệ của thần học.” (Bùi Đức Sinh, Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, Chân-Lý Xuất Bản, Sài Gòn, 1972, tr. 359). 

Giáo sư Luis Mariano de la Maza trong Thời sự Thần học, số 85, tháng  08/2019 từ trang 9-136, có phân tích nhiều về hai lãnh vực triết thần, xin trích một  vài đoạn ngắn như sau: “Danh từ “thần học” (theologia) nói lên cái gì đó khác với  triết học, bởi vì nhắm đến đối tượng: thần học là học về Thiên Chúa, cũng tựa như  “xã hội học” (sociologia) là học về xã hội, “tâm lý học” (psychologia) là học về tâm lý, v.v… Chính đối tượng nói lên căn cước của môn học, và là nguồn mạch  của tri thức. Trái lại, philosophia có nghĩa là “yêu mến sự khôn ngoan”: nó không  được định nghĩa dựa trên nội dung (đối tượng) nhưng dựa trên một thái độ của  chủ thể suy tư. Nó nói lên một lối sống. Phải chăng đây chính là điểm tạo ra sự khác biệt giữa thần học và triết học.” (Trang điện tử của Dòng Đa Minh Sài-Gòn). 

Trong thông điệp Đức Tin và Lý Trí (Fides et Ratio) của Đức Thánh Giáo  Hoàng Gioan Phaolồ II, ban hành ngày 14 tháng Chín năm 1998, đoạn mở đầu có  ghi: “Đức tin và Lý trí ví như đôi cánh giúp con người vươn cao lên trong sự chiêm  nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã in đặt nơi tâm khảm con người ước vọng tìm  biết chân lý để cuối cùng con người được nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ nhận 

biết và yêu mến Người, con người sẽ đạt thấu được sự thật về mình cách đầy đủ (x.  Xh 33, 18; Tv 27, 8-9; 63, 2-3; Ga 14,8; 1Ga 3,2).[bản in HVCT, 12-1997, Nhà xb.  TPHCM]. 

Chương II có nhan đề Tôi Tin Để Hiểu (Credo ut Intellegam) và Chương III  có tên Tôi Hiểu Để Tin (Intellego Ut Credam) cho người đọc một số ý niệm về Thần Học và Triết Học và nhiệm vụ của chúng được nói đến trong thông điệp lừng  danh này. Trong bản dịch của Thông Điệp này, khi nhắc đến Thánh Anselmô  (1033-1109) Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II có viết: “Đối với vị thánh  nguyên là tổng giám mục thành Canterbury, tính ưu việt của đức tin không đối lập  với sự nghiên cứu thuộc sở trường của lý trí. Thực vậy, lý trí không có nhiệm vụ 

duyệt xét và đưa ra lời phê phán về nội dung của đức tin, do nó không có thẩm  quyền và cũng không có khả năng làm việc đó. Chức năng của lý trí, đúng hơn, là  truy tầm ý nghĩa, khám phá ra những chứng lý khả dĩ giúp mọi người đạt được một  cách hiểu nào đó về những chân lý kết thành nội dung đức tin.” (Bản dịch Việt  ngữ của HVCT tức Học Viện Cứu Thế, 1997, trang 75). 

Khi NHL viết ra những câu sau đây cho là như một “dự phóng chính trị”, thì  tôi, tôi sẽ phân tích đoạn đó dưới lăng kính của một lời “tiên tri” hay “ngôn sứ”  theo quan điểm thần học Ki-Tô giáo: “Nếu có một dự phóng chính trị và cách  mạng trong tương lai gần ở Việt Nam thì chúng ta phải thấy có hai thế lực đang  âm thầm trỗi dậy một cách vững chắc, hùng mạnh và khó có thể ngăn chặn: Khối  tín đồ Công giáo (CG) và khối tư bản “đỏ” thân hữu. Đế chế Cộng sản (CS) hiện  nay sẽ bị chuyển hóa, đào thải và chính trị quốc gia sẽ bị kiểm soát bởi hai nguồn  năng lực đang lên nầy. Trong khi khối tư bản đỏ thì có tiềm lực kinh tế nhưng  không có quần chúng. Nhưng khối Công giáo thì có cả hai, cộng thêm đức tin nhiệt  thành vào mệnh lệnh của Giáo hội và cơ cấu tổ chức – trong nỗi uẩn ức của kẻ ngoại cuộc chính trị quốc gia bấy lâu nay. Có thể nói rằng, tương lai chính trị Việt  Nam gắn liền với sự phục sinh của khối tín đồ CG. Đảng Ta phải lắng nghe lại lời  của Karl Marx: Một cảnh tượng lạ lẫm đang hiện lên trên chân trời Việt Nam - Viễn tượng Công giáo.” 

Dự phóng chính trị và cách mạng nầy của NHL đầy lạc quan, chắc nịch vì  xuất phát từ miệng ông nói, tay ông viết, trí lòng ông tin tưởng, tư duy của ông sản  sinh và nuôi dưỡng, cộng thêm trí thức đầy ắp của ông phát tiết ra dưới ngòi bút 

văn hoa và thông tuệ của mình. Đây cũng chính là điểm mà trang điện tử Bauxite  Viet Nam muốn bài báo NHL trở nên lời mời gọi phản biện, là chất xúc tác sẽ gây  nên các cuộc thảo luận chắc chắn là hào hứng mà họ muốn có. Có sự trùng hợp nào  chăng khi đọc bài báo ngắn của GS Nguyễn Đình Cống (cũng trên mạng Bauxite  VN) hôm qua cho biết bên phía Đảng CS cũng đang cổ vũ cho một cuộc thi “viết  chính luận về nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai  trái thù địch trong tình hình mới”? Nếu có thì cũng là một cuộc “tung hứng” hi hữu  vậy! 

Trong lịch sử văn học Pháp, người ta ghi nhận nhà văn Jules Verne là một  văn gia giả tưởng thiên tài có một không hai xuyên suốt lịch sử thế giới. 

“JULES VERNE sinh ngày 8.2.1828 ở Nantes, nước Pháp. Ngay từ thuở nhỏ Jules Verne đã tỏ ra say mê khoa học. Năm 20 tuổi, Jules Verne buộc phải học luật  ở Paris theo ý muốn của cha. Cũng ở tuổi nầy, Jules Verne đã tình cờ làm quen  được với Alexandre Dumas (hơn cậu tới 26 tuổi) và được nhà văn Dumas quý  trọng, giao cho cậu dựng những vở kịch ngắn rất thành công. 

Mặc dầu rất thân và làm việc với Dumas (chuyên viết về lịch sử), Jules  Verne đã chọn cho mình một hướng đi riêng biệt bằng cách viết truyện về khoa học  giả tưởng. Tuy các tác phẩm đều dựa trên trí tưởng tượng, nhưng Jules Verne đã  làm việc một cách rất cẩn thận và khoa học. Tại phòng làm việc của ông trên một  ngọn tháp cao ở nhà ông, ông trang bị đầy đủ các dụng cụ khoa học, bản đồ, sách  vở, và những điều ông viết ra chẳng những dựa trên những thực tại khoa học mà  còn là điều tiên tri về những tiến bộ khoa học sau này. Ông đã viết về tàu ngầm.  máy bay, tàu không gian… từ 50 năm trước khi anh em Wright chế ra máy bay.  Một trăm năm sau, người ta nhận thấy những tiến bộ khoa học đã chứng minh cho  những truyện ông viết là xác thực. Vì thế nếu nói rằng Jules Verne là nhà bác học  viết văn thì cũng không phải là quá đáng. 

Bước đầu của nghiệp văn, Jules Verne không được chú ý lắm. Tác phẩm đầu  tiên của ông: Cinq Semains En Ballon (Năm Tuần Trên Khinh Khí Cầu) viết năm  1863, ông đưa tới 15 nhà xuất bản thì cả 15 nhà đều từ chối in. Ông nổi nóng, đã  tính đem ném bản thảo vào lửa, nhưng vợ ông đã thử giúp chồng một lần chót xem  sao? Không ngờ lần này người ta chịu in, và sau khi in xong, cuốn sách bán chạy 

ngoài sức tưởng tượng, đưa đến cho tác giả một hợp đồng mỗi năm hai cuốn với  nhà xuất bản. Từ đó Jules Verne bỏ các công việc làm ăn khác để chuyên tâm vào  viết tiểu thuyết. 

 Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Jules Verne là: Voyage Au Centre De  La Terre (Du Hành Vào Trung Tâm Trái Đất) – 1864), De La Terre À La Lune (Từ Trái Đất Lên Mặt Trăng – 1870), Autour De La Lune (Vòng Quanh Mặt Trăng – 1870), Vingt Mille Lieues Sous Les Mers (Hai Mươi Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển 

1870), Le Tour Du Monde En Quatre-Vingt Jours (Vòng Quanh Thế Giới Trong 80  Ngày -1873)… 

 Tất cả các tác phẩm vừa kể đã được quay thành phim, dịch ra nhiều thứ tiếng và được cả thế giới say mê. 

 Jules Verne mất ngày 24.3.1905 tại Amiens. 

(Vũ Dzũng biên soạn, Những tác phẩm lớn trong văn chương thế giới, Nhà xb. Văn Học, in lần thứ tư, 1998, trang 469). 

 Jules Verne được kể là một nhà tiên tri của khoa học. Từ điển Petit Larousse  illustré, 1987 đã viết rằng “Il créa le genre du roman scientifique d’anticipation”. (trang 1761) sau đó kể một số các tác phẩm của ông như dẫn ở trên. Mong rằng lời  tiên tri của NHL dính bén được đôi chút về sự thật. 

 Theo quan điểm Ki-tô giáo, có hai hạng tiên tri hay ngôn sứ (hoặc là “thầy thị kiến” theo sách 1 Sa-mu-en 9,9) đó là tiên tri thật và tiên tri giả (ngôn sứ thật, ngôn  sứ giả). Ở đây tôi sẽ chỉ đưa ra các định nghĩa về hai loại này dựa theo tư liệu của  Kinh Thánh. Sách Đệ Nhị Luật chép rằng: “Nếu điều ngôn sứ nói nhân danh ĐỨC  CHÚA không ứng nghiệm, không xảy ra, thì không phải là lời ĐỨC CHÚA đã  phán; ngôn sứ đã nói càn, anh (em) không phải sợ ngôn sứ ấy.” (Kinh Thánh trọn  bộ Cựu Ước và Tân Ước, Sách ĐỆ NHỊ LUẬT, 18, 22, Nhà xb. Thành Phố Hồ Chí  Minh, do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, 1999, trang 225).

 Trong khi đó, Đức Giám Mục Nguyễn Văn Khảm trong “Kinh Thánh 100  Tuần” nói rằng: “Nói tiên tri để phục vụ cho chế độ thì đó là tiên tri giả. Nói tiên  tri mà phục vụ lời Chúa, không sợ chết, không sợ hậu quả thì đó là tiên tri thật…” 

 Tin Mừng Thánh Gioan có viết về cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su với tổng  trấn Phi-la-tô như sau: “ 33 Ông Phi-la-tô trở vào dinh cho gọi Đức Giê-su và nói  với Người : “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” 34 Đức Giê-su đáp : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?” 35 Ông Phi-la-tô trả lời : “ Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông  cho tôi. Ông đã làm gì?” 36 Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian  này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” 37 Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói  rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng  cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng tôi.” 38 Ông Phi-la-tô nói với  Người: “Sự thật là gì?” (Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của  Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nhà xb. TPHCM, 1999, trang 1417). 

 Trong sách Kinh Nghĩa của Địa phận Huế viết theo thể vấn-đáp mà thuở nhỏ tôi từng phải học thuộc lòng để được Rước Lễ có những câu như: Thiên Chúa  Nhất Thể Tam Vị Đệ Nhất Thiên. Hỏi có mấy đàng lên Thiên Đàng? Thưa có một  đàng rất chính rất thật là Đạo Thánh Đức Chúa Trời. -Hỏi Đức Chúa Trời là ai?  Thưa Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, muôn vật”… Có thuộc lòng sách  Kinh Nghĩa mới được chịu Phép Thánh Thể (Holy Communion). Như vậy ngay từ 

khi còn bé, người Công Giáo đã coi việc sống ở trần gian này chỉ là sống ở cõi tạm,  bởi vì như đoạn Kinh Thánh trích dẫn ở trên, Đức Giê-su cho biết nước của Ngài  không thuộc thế gian này. Thánh I-Nhã (Ignace of Loyola) thường hay nói câu  được nhiều người truyền tụng: “ Lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được  ích gì ?” Ông này lúc đó là một chiến binh bị thương mà cứ ngày ngày lê chân què  đi qua đi lại trước một cậu sinh viên đầy triển vọng xông ra với đời với câu đó lặp  đi lặp lại, rót vào tai anh thanh niên đó. Chính câu này đã khiến cho Phan-xi-cô  Xa-vi-e (Francis Xavier) đã bỏ tất cả tương lai, sự nghiệp, tài sản thế gian để đi  theo Chúa và sau đã trở thành một vị thánh lớn trong Giáo Hội Công Giáo. Cho  nên đối với người Công Giáo Việt Nam, họ sẵn sàng chết để giữ Đức Tin, nhất là  những cái chết “tử vì đạo” thì họ lại càng rất hiên ngang chấp nhận, bởi vì quê thật 

của họ là Thiên Đàng. Vậy nên trong các cáo phó của người chết Công Giáo, ta  thường đọc thấy câu “…đã về nhà Cha”, hay “đi về nhà Cha” ý nghĩa là như thế.  

 Trong Tin Mừng Mác-cô có kể câu chuyện: “25 Có một bà kia bị băng huyết  đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia  bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của  Người. 28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc  đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa  đám đông mà hỏi: ‘Ai đã sờ vào áo tôi?” 31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông  chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’ 32 Đức Giê-su ngó  quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì  đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt người, và nói hết sự thật với  Người. 34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con  hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Kinh Thánh Tân Ước, Mác-cô 4, 25-34, Sách 

đã dẫn, trang, trang 1334.) 

 Tôi không là người học chuyên về triết nhưng cũng rất thích câu châm ngôn  sau đây: “Nosce te ipsum” (Hãy tự tìm biết mình) được cho là ghi trên vòm đền  Delphi. NHL hãy nên chiêm nghiệm câu châm ngôn trên. 

 Bởi vậy khi NHL viết “nỗi uẩn ức của kẻ ngoại cuộc chính trị quốc gia bấy  lâu nay” và muốn đặt nó vào lòng của người Công Giáo Việt Nam thì thật là sai  lầm nếu không nói đó là sự áp đặt khá nặng tay. Khi người ta thèm muốn một cái  gì thí dụ bằng cấp, địa vị, quyền lực, tiền bạc, giàu sang v.v… mà không được thì  mới có sự uất hận, do ước vọng dồn nén lâu ngày mới sinh ra uẩn ức chứ? Đó là  điều tâm lý học dạy rõ. Nhưng ở đây, trên đất nước Việt Nam hiện tại, người Công  Giáo hằng ngày tạ ơn Chúa, cầu nguyện cho quê hương có cuộc sống an hòa, công  bằng và hạnh phúc chứ có tham vọng gì to tát đến quyền lực đâu?  

 Ngòi bút của NHL viết tiếp: “Trong khi cơn sóng Tư bản“đỏ”là đứa con  nuôi khó trị và ương ngạnh trong nhà của Đảng ta thì cộng đồng tín hữu Công  giáo là một đế chế đức tin đứng im bên ngoài cửa nhà nhưng đang đón chờ và vận  động cho một vận hội mới trong niềm căm hận đối với Đảng. Một đằng thì quyền 

lợi kinh tế, tiền bạc của giới tài phiệt đỏ sẽ làm sụp đổ cơ sở và gia sản tinh thần  của Đảng; đằng kia thì niềm tin vào cõi khác của người Công giáo nay đang  chuyển hóa thành nên một sức mạnh thế gian có tổ chức và kỷ luật chính trị. Đến  khi hai giòng thác quyền lực nầy đồng quy thì đế chế chính trị Cộng sản sẽ bị phế bỏ.” 

 Viết bốn chữ “đế chế đức tin”, NHL tỏ ra chưa nắm vững về ý nghĩa lịch sử của cụm từ này nếu không muốn nói là có chút ít “dè bỉu” trong đó. Thông thường  hai chữ đế chế vốn một ý nghĩa xấu hơn là tốt, thí dụ hai chữ đế chế thường đi gần  với hai chữ đế quốc. Viết đến đây tôi lại chợt nhớ đài phát thanh Hà Nội khoảng  năm 1968 thường có bài hát với mấy câu nhớ được như sau: “Nhìn về miền Nam ta  ghi mối thù, đồng bào ơi… Đế quốc Mỹ phải rút lui ngay, rút cho khỏi đất này.” 

Hai chữ đế chế cũng hay đi đôi với các chế độ chính trị của quốc xã Đức, phát-xít  Nhật v.v… trong Thế Chiến II. 

 Trong tâm thức người Công Giáo, nhất là Công Giáo Việt Nam không hề có  bốn chữ “đế chế đức tin” và xin trả cụm từ này về lại cho NHL, bởi vì Đức Tin của  người Công Giáo là một sự chọn lựa và chọn lựa rất tự do, còn trong một đế chế chính trị hay quân sự chẳng hạn, chắc chắn con người không có tự do kể cả tự do  lựa chọn.  

 Điều 180 của sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có ghi: “Tin là hành vi  của con người, có ý thức và tự do, xứng hợp với phẩm giá con người.” (Nguyên  tác : Catéchisme de l’Église Catholique, bản dịch có tên Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của 14 dịch giả gồm các linh mục, các nữ tu và giáo lý viên, Nhà xb TPHCM,  1998, trang 81). Điều 875 có ghi: “Làm sao tin nếu không được nghe trước đã?  Làm sao nghe nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng nếu không được sai  đi?” (Rm 10, 14-15; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Sđd, trang 340). Tiến trình  vận hành này là đúng theo quy luật của Đức Tin. 

 Những hành động như “đón chờ, vận động” trong suy tư của NHL được viết  ra như trên rồi gán cho cộng đồng Công Giáo Việt Nam sẽ gây cho người Công  Giáo sự ngỡ ngàng qua đó thấy được sự “nghe hơi nồi chõ” của tác giả này. “Niềm  căm hận” đối với đảng CS là một điều tất nhiên đối với đại đa số quần chúng Việt  Nam, nhưng viết như trên thì hóa ra chỉ có người CG Việt Nam là còn căm thù chế

độ cầm quyền mà thôi, còn các tôn giáo khác, lực lượng khác thì đều là “phe ta”  của đảng hết! Sự tưởng tượng của NHL đã đi quá xa và hoàn toàn không có cơ sở khi ông cho rằng “niềm tin vào cõi khác của người Công giáo nay đang chuyển  hóa thành nên một sức mạnh thế gian có tổ chức và kỷ luật chính trị.” Nhận định  và dự phóng của NHL đã hoàn toàn sai mất rồi vì lẽ khi viết như vậy NHL đã hoàn  toàn không biết gì về Đức tin của người Công Giáo cả, một Đức tin mà người  Công Giáo đã phải đổ máu ra để bảo vệ từ hơn hai nghìn năm nay. NHL nên nhớ 

rằng người Công Giáo luôn luôn coi đời này là cõi tạm. Trong ngày thứ Tư Lễ Tro  (Ash Wednesday), người Công Giáo xức tro trên đầu khi vị linh mục đọc câu:  “Con người hãy nhớ mình là bụi tro, và người sẽ trở về bụi tro” (Memento, homo, quia pulvi es, et in pulverem reverteris). Bởi vậy chắc chắn người Công Giáo, nhất  là Công Giáo Việt Nam chắc chắn không bao giờ có ước vọng làm vương làm  tướng gì trên mảnh đất trần gian này, vì đây không phải là quê thật của họ. Quê  thật của họ là Nước Trời, đúng như Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, em ruột của  viên bác sĩ Cộng Sản một thời theo phò chủ tịch Hồ Chí Minh để cuối đời bị gạt ra  ngoài lề đảng, BS Nguyễn Khắc Viện, vị giáo sư đại học Nguyễn Khắc Dương này  đã viết rõ trong cuốn hồi ký đặc sắc của ông có tên “ Qui a respexit humilitatem  meam, Vì Chúa đã đoái nhìn đến thân phận nghèo hèn của tôi” rằng: “Chỉ có chế độ Nước Trời là muôn thuở, ở khắp mọi nơi, mọi lúc ở chính trong tâm hồn của  những ai mến Chúa yêu người; cho nên cũng chẳng có gì phải chạy trốn nơi này  sang nơi nọ; đâu đâu Chúa cũng ở trong lòng mình. Sự lựa chọn là lựa chọn từng  giây, từng phút giữa Thiên Chúa và ma quỷ, mà trận địa là chính lòng mình.” (Ba  mươi năm Công Giáo Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản, 1975-2005, Nguyệt san  Diễn Đàn Giáo Dân, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại, Cơ sở Đức quốc,  Bửu Sao (Hoa Kỳ), Hạt giống trong bụi gai, trang 175). 

 Đức Giáo Hoàng Bênedictô XVI trong cuốn sách “Thiên Chúa và Trần thế” đã viết rằng: “Đức tin là một con đường. Bao lâu còn sống, ta còn trên đường, và  vì vậy, đức tin luôn bị đe dọa và bị chèn ép… Đức tin chỉ có thể trưởng thành,  trong khi mọi giai đoạn cuộc sống nó đủ sức chấp nhận và chịu đựng sức mạnh  cũng như sự o ép của không tin, cuối cùng vượt thắng chúng để lại bước đi tiếp  trên một đoạn đường mới.” (Joseph Ratzinger, Biển-Đức XVI, Thiên Chúa và  Trần Thế, Tin và Sống trong thời đại ngày nay, Trao đổi với Peter Seewald, bản  dịch của Phạm Hồng Lam, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại xuất bản,  2008, trang 37).

 3.- Ở với họ nhưng không theo họ (Sic vos non vobis)… 

 Đến đây tôi xin mượn câu nói ở trên từ trong bài viết của Winston Phan Đào  Nguyên làm tiểu đề để nói chuyện với ông NHL. Bài viết của Winston PĐN từ trang 170-192 được in trong tập Kỷ Yếu Triển lãm và Hội thảo Trương Vĩnh Ký,  do Ban Tổ chức Triển lãm & Hội thảo TVK xuất bản – 2019 (California) nhắm  mục đích biện hộ cho Trương Vĩnh Ký vì dư luận cố tình hay vô ý hiểu lầm nhà  bác học này qua việc dịch câu chữ La Tinh nói trên. Tôi muốn nói dùng câu nói đó  để chỉ về chỗ đứng của người Công Giáo Việt Nam trong tình hình hiện tại. 

 Ở Việt Nam người viết một cuốn sách nhỏ đầu tiên về Cộng Sản, cảnh giác  tính cách độc hại của chủ thuyết CS đó là linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích  (1891-1979). Cuốn sách có tên Vấn Đề Cộng Sản, in tại Quy Nhơn năm 1927, đã  được sử gia Hoa Kỳ David G. Marr nhắc lại trong tác phẩm Vietnamese Tradition  on Trial 1920-1945 do University of California Press in năm 1984, trang 84). Cha  Thích là một bậc chân tu được mọi người kính trọng, nhất là giáo dân, sinh viên  Viện Đại Học Huế. 

 Cũng tại Việt Nam, năm 1945, sau khi Hồ Chí Minh cướp được chính quyền  từ tay Chính phủ của Thủ Tướng Trần Trọng Kim và tuyên bố độc lập (19-8- 1945), bốn Giám mục Việt Nam là GM Nguyễn Bá Tòng, GM Bùi Chu Hồ Ngọc  Cẩn, GM Vĩnh Long Ngô Đình Thục, và GM Phát Diệm Lê Hữu Từ đã ký một văn  điện văn ngày 23.09.1945 và ký tiếp theo một điện văn ngày 04.11.1945 gởi đến  Tòa Thánh Vatican và 2 nước Anh-Mỹ “yêu cầu Đức Giáo Tông, Triều đình La  Mã, các Hồng y, Tổng giám mục, Giám mục và hết các giáo sĩ cùng giáo dân toàn 

cầu, ủng hộ nền Độc lập của Tổ quốc Việt Nam chúng tôi.” (Ba Mươi Năm Công  Giáo Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1975-2005, Trần Ngọc Báu (Thụy Sĩ), Ba  mươi năm sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc, 2005, trang 26). Tác giả bài viết nêu  rõ: “Trong tình huống cực kỳ sôi bỏng, vàng thau lẫn lộn, máu đổ thịt rơi của  người dân Miền Nam, lời lẽ khẩn trương của điện văn thứ hai nói trên cho thấy  lòng yêu nước của 4 vị Giám mục Việt nam rất can trường, nồng nàn, vô tư và rực  rỡ sáng ngời như thế nào! Các ngài đã tỏ ra có lòng yêu nước chân thực và sang  suốt, bất chấp cuộc khởi nghĩa dành độc lập được biết là do đảng cộng sản của Hồ Chí Minh chủ động…” (trang 27).

 Trong Thư Chung 1951, (và kế tiếp) đã xâu xé lòng người công giáo như  thể muốn cấm đoán họ không được yêu nước theo truyền thống ngàn đời của dân  tộc Việt Nam, và đặt họ trước một sự chọn lựa vô cùng khó khăn và bi đát. Tuy  nhiên, người công giáo đã can đảm chọn đứng về phía lẽ phải! (trang 30). 

  

 Trích một đoạn của Thư Chung: “Vì tinh thần trách nhiệm quan trọng trước  Thiên Chúa, vì mối tình tha thiết yêu quý anh em, chúng tôi thấy mình có nhiệm vụ quan hệ phải loan báo cho anh em biết đề phòng nạn cộng sản vô thần duy vật,  một nguy cơ trầm trọng nhất thời nay. Chủ nghĩa cộng sản bác bỏ Thiên Chúa, bác  bỏ mọi tôn giáo, bác bỏ thuyết linh hồn hằng sống, bác bỏ tất cả quyền lợi của  nhân vị và gia đình. Chủ nghĩa cộng sản xung khắc tuyệt đối với công giáo đến nỗi  Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng: Không bao giờ có thể vừa theo cộng sản vừa  theo công giáo được, và người công giáo nào gia nhập đảng cộng sản thì lập tức  bị khai trừ khỏi Giáo Hội. Chẳng những không được gia nhập đảng cộng sản, mà  lại anh em không thể cộng tác bất kỳ dưới hình thức nào, có thể giúp đỡ họ nắm  chính quyền.” (Sách đã dẫn, trang 33). Thư này do 5 Giám mục là GM Vĩnh Long  Ngô Đình Thục, GM Phát Diệm Lê Hữu Từ, GM Bùi Chu Phạm Ngọc Chi, GM  Bắc Ninh Hoàng Văn Đoàn, và GM Hà Nội Trịnh Như Khuê, người ta thấy còn có  vị Khâm Sứ Tòa thánh Gioan Dooley, 5 vị giám mục người Pháp, và 3 vị tu sĩ  người Pháp làm nhiếp chánh và tổng quản các giáo phận Hải phòng, Kontum và  Thái Bình.[ Đức Thánh Cha Piô thứ 12 đương nhiệm, một vị giáo hoàng đã rất  từng trãi về các vấn đề chính trị thế giới và nắm vững tình hình của Liên Xô từ cuộc Cách Mạng tháng mười năm 1917 đến về sau. Trần Ngọc Báu]. 

 Và từ đó cho đến nay có biết bao thư chung, thư luân lưu, thư mục vụ v.v…  của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra đời vạch đường đi cũng như là nói lên  chính sách của Giáo Hội Việt Nam đối với thời cuộc trong nước cũng như quốc tế. 

 “Ở với họ nhưng không đi theo họ”… hay như câu nói của Khổng Tử “Quân  tử hòa nhi bất đồng” (Người quân tử sống hòa thuận nhưng không a dua, không  chạy theo họ.) Tất cả hai tư tưởng này phần nào nói lên được lối sống của người  Công Giáo đối với chế độ Cộng Sản.

 Người Công Giáo Việt Nam, nhất là đồng bào Công Giáo Miền Bắc trước  đây phải ở với chế độ Cộng Sản từ năm 1954 đến 1975, họ vẫn phải làm nhiệm vụ trọn vẹn của người công dân, thể hiện trong câu nói “thóc không thiếu một cân,  quân không thiếu một người…”, tuy vậy họ không bao giờ quên Nước Trời muôn  thuở của họ. Đó là điều NHL phải biết, và phải nhớ cho như vậy nên chớ nhập  nhằng khi viết thoải mái rằng “người Công giáo nay đang chuyển hóa thành nên  một sức mạnh thế gian có tổ chức và kỷ luật chính trị.” Tôi có chút tin rằng bài  viết này của NHL sẽ là một gợi ý khiến cho công an VC có thể khai thác bởi vì hệ 

thống công an của chế độ CS vậy mà tinh vi và bén nhạy vô cùng! Vả chăng viết  như vậy càng chứng tỏ phần nào sự bất cập trong suy luận của tác giả NHL. 

 Công Đồng Vaticano II (1962-1965) đã đem lại cho thế giới sự ngạc nhiên  về tính thích nghi của một tổ chức tôn giáo đối với thế giới chính trị nhân loại  trong đó có chế độ xã hội chủ nghĩa hay CS. 

 Trong Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay (Gaudium Et  Spes), ở Chương I nói về Phẩm giá con người, văn kiện có viết: “Thực vậy, Giáo  Hội dù hoàn toàn bác bỏ thuyết vô thần, nhưng vẫn thành thực tuyên bố rằng mọi  người, dù tin hay không, cũng đều phải trợ lực cho việc xây dựng thế giới này  được hợp lý, là nơi họ đang chung sống: điều ấy chắc chắn không thể có được nếu  thiếu cuộc đối thoại thành thực và khôn ngoan. Bởi vậy Giáo Hội phàn nàn về sự kỳ thị giữa những người tin và không tin do một số nhà lãnh đạo gây ra một cách  bất công khi không nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người. Riêng đối  với các tín hữu, Giáo Hội đòi cho họ phải được tự do đích thực để họ có thể xây  dựng đền thờ Thiên Chúa ngay tại trần gian này. Đối với những người vô thần,  Giáo Hội nhân ái mời gọi họ hãy nghiên cứu Phúc Âm Chúa Kitô với một tâm hồn  cởi mở.” (Thánh Công Đồng Chung Vaticano II, I Văn Kiện Công Đồng, Hiến  Chế-Sắc Lệnh-Tuyên Ngôn-Sứ Điệp, Bản dịch Việt ngữ của Phân Khoa Thần Học - , Giáo Hoàng Học Viện PIO X, Đà Lạt - Việt Nam, tái bản lần thứ hai, nhà in Việt  Nam, không đề năm in, trang 755). 

 Nhìn lại, từ sau khi Thế Chiến II kết thúc, Đức Giáo Hoàng Piô XII chính  thức cấm người Công Giáo hợp tác dưới mọi hình thức với các chế độ CS cho đến  Công Đồng Vaticano II (1962) cho phép đối thoại với người vô thần (CS), người  Công Giáo Việt Nam cứ thế mà áp dụng đường lối của Giáo Hội.

 Trong cuốn sách Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, tác giả Linh Mục Bùi Đức  Sinh, O.P. đã để ra một chương để nói về “Cộng tác Đạo Đời giữa Thần Quyền và  Thế Quyền (thế kỷ VIII-XIII)” mở đầu như sau: 

 “Vì con người mà Giáo Hội được thiết lập, và cũng vì con người mà Giáo  Hội nhập thế: Giáo Hội sinh hoạt giữa nhân gian. Giáo Hội tức nhiên không khỏi  đụng chạm tới quyền lực của vật chất và trần gian. Hàng giáo phẩm phải sử dụng  quyền bính thiêng liêng do đấng Sáng lập trao phó, làm sao dung hòa với quyền  bính đó. Chính vì trần gian này mà Giáo Hội phải có tiền của vật chất để thi hành  sứ mạng bác ái, để tồn tại trên mặt đất và để phụng sự Thiên Chúa xứng đáng.” Trong chương đó, tác giả cho biết: “Chúng ta tìm hiểu Giáo Hội phải cộng tác với  thế quyền đến mức độ nào; trong phạm vi của mình, Hội Thánh phải tùy trường  hợp mà tỏ ra cương nghị hay mềm giẻo, thận trọng và sáng suốt… Khi lòng vị kỷ 

đụng độ nhau và khi quyền lợi vật chất được nói đến, tức thì tham vọng cũng nổi  dậy theo. Rồi lịch sử, vì vốn ưa thích những chuyện hấp dẫn, đã không bỏ lỡ cơ hội  để khai thác những vụ xung đột, mâu thuẫn. Người ta dễ phóng đại một lời tuyên  bố, một mẩu chuyện, khiến nhiều người tưởng lịch sử thời Trung cổ toàn những  xung đột giữa thần quyền và thế quyền không chịu thông cảm nhau…” Linh mục  sử gia Bùi Đức Sinh dẫn câu nói của Thánh Bênađô cũng đáng lưu tâm, như sau:  

 “Tôi không đồng ý với những người nói rằng hòa bình và tự do của Giáo  Hội phương hại tới Đế quốc hay là sự thịnh vượng của Đế quốc phương hại tới  Giáo Hội. Thật vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng nên thần quyền và thế quyền ở trần  gian này không phải để đào thải nhau, nhưng để trợ giúp nhau.” (Epist.244) [Bùi  Đức Sinh, Sđd, trang 251]. 

 Trong nghi thức Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) ở phần Cầu  Nguyện có mục số IX cầu cho chính quyền (For those in public office) có đoạn  như: “Ta hãy cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia. Xin Chúa thương soi trí mở lòng để họ biết hành động theo thánh ý mà tận tận tình lo cho dân nước được an  cư lạc nghiệp và vui hưởng tự do.” (Thinh lặng cầu nguyện). Rồi linh mục đọc: 

 Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, 

 Chúa làm chủ lòng người,

và bảo vệ quyền lợi của nhân dân các nước. 

Xin ghé mắt nhân từ mà ban ơn soi sáng trợ lực 

Cho những nhà lãnh đạo quốc gia, 

để họ biết cùng nhau làm cho thế giới được hòa bình, 

muôn dân được thịnh vượng, 

và mọi người được hưởng tự do tôn giáo. 

 Chúng con cầu xin… 

 (Sách Lễ Rô-ma, trang 268). 

 Trong Kinh Thánh Tân Ước cũng có rất nhiều đoạn nói việc người Công  Giáo phải có bổn phận tôn trọng và vâng phục chính quyền. 

Xin đọc câu sau đây trong Thư thứ nhất của Thánh Phê-rô

 “13 Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra: dù là  vua, người nắm quyền tối cao, 14 dù là quan, sứ giả của nhà vua để trừng phạt kẻ làm điều ác và khen thưởng người làm điều thiện, 15 vì ý muốn của Thiên Chúa là  anh em hãy làm điều thiện đề bịt miệng những kẻ ngu xuẩn vô tri. 16 Anh em hãy  hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm  màn che sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa. 17 Hãy tôn trọng mọi  người, hãy thương yêu anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua.  (Kinh Thánh Tân Ước, 1 Phê rô 2, 13-17, Sđd, trang 1564). 

 Như việc việc cầu nguyện và tôn trọng chính quyền đã được các thánh Tông  Đồ dạy dỗ từ hơn hai nghìn năm nay, thể hiện rõ trong Giáo Lý Hội Thánh Công  Giáo, trong Thánh lễ Mi-sa của người Công Giáo hằng ngày cũng như trong các  dịp lễ trọng, các cử hành phụng vụ v.v…  

 Trước đây người ta hay nói cụm từ “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc”  cũng là cách thể hiện thái độ sống của người tín hữu Công Giáo trên “con đường  về quê”; tuy vậy câu đó ngày nay ít thấy ai nhắc tới vì nó có vẻ là một sáo ngữ!

(Còn tiếp) 


 Nguyễn Đức Cung 

Philadelphia, 21/4/2022

   







Không có nhận xét nào: