Phải Sống Độc Lập Khi Trưởng Thành
FUKUZAWA Yukichi (*)
Dịch : Nguyễn Sơn Hùng
***
Phận làm con, “Ơn cha mẹ cao hơn núi, sâu hơn biển” và “Đến chết không quên công ơn cha mẹ” là việc đương nhiên. Tuy nhiên, sau khi được cha mẹ nuôi dưỡng, cho ăn học đầy đủ đến tuổi trưởng thành, con người phải sống độc lập. Sau khi trưởng thành không để cha mẹ phải bảo hộ hoặc nhờ vả cha mẹ lo cho việc sinh sống.
Là cha mẹ, nên hiểu khi con cái không còn nhờ vả mình để sinh sống thì không nên ngăn trở hành động hoặc tự do phát ngôn của chúng một cách quá đáng, dù biết rằng không ai lo lắng cho chúng bằng mình, và mình là người chúng phải tôn kính hơn ai cả. Trong khi còn nuôi dưỡng hoặc trông nom việc sinh sống cho con cái, cha mẹ có thể mệnh lệnh hoặc bắt buộc chúng phải làm theo ý mình. Nhưng khi con cái sống độc lập, cha mẹ không nên làm việc này nữa.
Sau khi con cái sống độc lập, cha mẹ và con cái nên đối xử với nhau vì tình thương yêu. Nếu cha mẹ hoặc con cái bị ốm đau, lúc đó nên săn sóc, trông nom lẫn nhau. Nếu gặp tai nạn hoặc điều không may bất ngờ xảy ra, không ngần ngại cho mượn tiền giúp đỡ nhau là chuyện đương nhiên phải làm.
Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một quan hệ đặc biệt của con người. Tuy nhiên, thế hệ của cha mẹ và con cái là khác nhau. Thế hệ mới có cách sống mới. Thay đổi của thời đại rất nhanh chóng và nhiều hơn chúng ta tưởng, nên cách sống của người lớn tuổi không thể lặp lại hoặc còn thích hợp với thế hệ mới. Đặc biệt trình độ khác biệt hiện nay giữa các thế hệ có thể nói thật là to lớn.
Sau khi con cái kết hôn và vợ chồng gia đình chúng đang cố gắng làm việc để sinh sống, xây dựng gia đình mới, cha mẹ không có lý do gì để can thiệp vào. Cha mẹ không nên rầy la hoặc buồn phiền vì con cái không theo lời hoặc sống xa cách mình. Trái lại, nên để con cái tự do, chỉ trông chừng, và cầu mong sao cho con cái có thể tự sức mình sinh kế và vượt qua được các trở ngại khó khăn. Có như thế thì xã hội mới tiến bộ được.
Trước khi con cái trưởng thành, gia đình sum họp sống hòa thuận; tổ ấm gia đình là niềm vui của cha mẹ. Nay con cái rời cha mẹ lập gia đình mới, niềm vui này không còn nữa. Tuy nhiên, cha mẹ nên nghĩ rằng một khi con cái lập gia đình, tổ ấm của ngày trước nay đã chia thành làm hai nơi, và niềm vui gia đình cũng phân hai.
Mặc dù rời xa cha mẹ nhưng tổ ấm mới là niềm vui của con cái, là động lực để chúng khắc phục khó khăn của cuộc sống mới. Chính nhờ niềm vui này, thế hệ mới có thể rời xa quê hương đi làm việc ở nước ngoài hoặc di trú đến nơi chưa được khai khẩn để xây dựng gia đình mới. Từ đó xã hội và quốc gia mới phát triển được.
Tuy nhiên, có trường hợp người của thế hệ mới chưa hoàn toàn tự sống độc lập được trong đời sống thực tế, khi đó cần hướng dẫn, giúp đỡ kinh nghiệm hoặc hỗ trợ của cha mẹ. Cũng có trường hợp chênh lệch về trí tuệ và tài lực giữa cha mẹ và con cái rất lớn. Đối với các ngoại lệ này cần có cách xử lý thích hợp.
Nguyễn Sơn Hùng
Tháng 6/2017
(*) Nguồn: Truyện số 29 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét