Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 77 : NƯỚC (Đỗ Chiêu Đức)

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 77 : 

                         NƯỚC
                                    
                  
                   Mây thua NƯỚC tóc tuyết nhường màu da

            NƯỚC trong câu thơ trên chẳng những chỉ  MÀU của tóc mà còn chỉ cả cái TÍNH CÁCH mềm mại bồng bềnh như mâycủa tóc nữa. Kịp đến câu:

                     Một, hai nghiêng NƯỚC nghiêng thành,
                     Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

thì NƯỚC là chỉ một Quốc Gia, theo tích sau đây: Trong một lần ca hát trên yến tiệc trong cung nhà Hán, nhạc sư Lý Diên Niên đã sáng tác và ca bài hát ngắn sau đây:

       北 方 有 佳 人,           Bắc phương hữu giai nhân,
       絕 世 而 獨 立。           Tuyệt thế nhi độc lập. 
       一 顧 傾 人 城,           Nhất cố khuynh nhân thành,
       再 顧 傾 人 國。           Tái cố khuynh nhân quốc.
       寧 不 知 傾 城 與 傾 國,  Ninh bất tri khuynh thành dữ                                                            khuynh quốc,
       佳 人 難 再 得!              Giai nhân nan tái đắc !
     Có nghĩa :
                  Phương bắc có một giai nhân,
                  Riêng mình sắc đẹp tuyệt trần như tranh.
                  Nhìn thôi cái đã nghiêng thành,
                  Nhìn thêm cái nữa NƯỚC THÀNH đều nghiêng.
                  Cho dù thành nước đều nghiêng,
                  Giai nhân khó gặp khó tìm lắm thay !

                 

     Hán Võ Đế nghe xong bài hát, bất giác than rằng: "Trên đời làm sao có được một giai nhân như thế?!"  Bà chị của Hán Vũ Đế là Bình Dương Công Chúa mới giới thiệu em gái của Lý Diên Niên tấn cung. Khi triều kiến Hán Vũ Đế thấy qủa là một người đẹp tuyệt trần, lại giỏi ca múa. Từ đó cô em gái nầy của Lý Diên Niên được Hán Vũ Đế ân sủng thương yêu hơn tất cả những phi tần khác trong hậu cung. Đó chính là Lý Phu Nhân nổi tiếng đời Hán đó, nên...
   
      NƯỚC chỉ Đất Nước, chỉ Quốc Gia, chỉ Nước Nhà như trong hai câu thơ trong bài QUA ĐÈO NGANG của Bà Huyện Thanh Quan vậy:

                   Nhớ NƯỚC đau lòng con Quốc Quốc,
                   Thương Nhà mỏi miệng cái Gia Gia !

     NƯỚC đi với NON thành NƯỚC NON, cũng dùng để chỉ giang sơn đất nước, quê hương xứ sở, như khi Thúy Kiều theo Mã Giám Sinh về nơi xứ lạ, cụ Nguyễn Du đã hạ câu:

                      Những là lạ NƯỚC lạ NON,
                Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi.

    ... và khi ở lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều cũng than cho thân phận lạc loài nơi xứ lạ quê người của mình:

                     Chung quanh những NƯỚC NON người,
                     Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.
                      
             

       Rồi khi đã sa chân vào lầu xanh rồi, thì "khi tỉnh rượu lúc tàn canh, Một mình mình lại thương mình xót xa" rồi nhớ đến quê nhà:
               
                   Dặm ngàn, NƯỚC thẳm, NON xa,
              Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!                         
 
      Còn khi được Hoạn Thư gợi ý khuyên Thúc Sinh trở về Lâm Truy để sớm hôm phụng dưỡng Thúc Ông "Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn", thì chàng Thúc đã mừng rơn:

                     Được lời như cởi tất son,
            Vó câu thẳng ruổi NƯỚC NON quê người.

       NƯỚC NON còn dùng để chỉ cơ nghiệp của gia đình, có nghĩa như chữ "Giang Sơn" trong câu ca dao "Lấy chồng gánh vác GIANG SƠN nhà chồng". Khi Thúy Kiều bán mình chuộc tội cho cha đã phân bua với Vương Viên Ngoại là:

                         Lượng trên dù chẳng dứt tình,
                    Gió mưa âu hẵn tan tành NƯỚC NON.
                         Thà rằng liều một thân con,
                      Hoa dù rả cánh lá còn xanh cây.
 
     NƯỚC NON còn chỉ sự xa xôi cách trở như bị ngăn cách bởi núi sông, như chàng Kim Trọng ái mộ chị em Thúy Vân Thúy Kiều nhưng khó có cơ hội để gặp mặt, vì lễ giáo phong kiến ngày xưa nên cho dù "gần nhau trong gang tấc mà như cách trở mấy quan san":

                           NƯỚC NON cách mấy buồng thêu,
                      Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng !

                        
                   
  
     NƯỚC NON chữ Nho là Sơn Thủy, nên còn có nghĩa là Cao Sơn Lưu Thủy 高 山 流 水 là bản đàn mà Bá Nha đã đàn cho Tử Kỳ nghe khi lần đầu tiên gặp mặt (xem Điển Tích Văn Học 17: Tri Kỷ Tri Âm), nên NƯỚC NON còn chỉ những lời tri âm tri kỷ, như khi muốn nghe Thúy Kiều đàn, chàng Kim đã khẩn khoản:

                      Rằng: "Nghe nổi tiếng cầm đài,
             NƯỚC NON luống những lắng tai Chung Kỳ".

     NƯỚC NON còn là lời thề nguyền gắn bó của đôi lứa yêu nhau sẽ bền vững như núi cao nước sâu. NƯỚC NON nầy có xuất xứ từ thành ngữ "Hải thệ Sơn Minh 海 誓 山 盟", ta nói là "Thề Non Hẹn Biển" như tâm trạng Thúy Kiều lúc nhớ đến lời thề nguyền với Kim Trọng khi đã khuyên Thúc Sinh về quê thăm Hoạn Thư:

                        Tóc thề đã chấm ngang vai,
                    Nào lời NON NƯỚC nào lời sắt son.

  ... và trước khi muốn chia tay với Thúc Sinh để vượt tường đi trốn, Thúy Kiều cũng đã bộc bạch lòng mình với chàng Thúc là:

                       Bây giờ kẻ ngược người xuôi,
                Biết bao giờ lại nối lời NƯỚC NON!

     NƯỚC còn là từ dùng để chỉ mức độ, như "Đã đến NƯỚC phải liều một phen rồi!". Với nghĩa nầy cụ Nguyễn Du cũng cho Thúy Kiều thấy cuộc đời đã đến bước đường cùng khi đã lọt vào lầu xanh để phải nghe những lời dạy "Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề" nầy, khiến Thúy Kiều phải ngỡ ngàng hổ thẹn:

                       Những nghe nói, đã thẹn thùng
                    NƯỚC đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe!
                       Xót mình cửa các buồng khuê
                  Vỡ lòng, học lấy những nghề nghiệp hay!

             


        NƯỚC còn là Lượng Từ, như "đường đi NƯỚC bước" mà cụ Nguyễn Du cũng đã sử dụng với ý nầy khi tả cô Kiều bắt đầu cuộc sống ở lầu xanh với:     

                                Đòi phen nét vẽ, câu thơ,
                    Cung cầm trong nguyệt, NƯỚC cờ dưới hoa,
                                Vui là vui gượng kẽo là,
                    Ai tri âm đó mặn mà với ai ?!
     
       Khi dùng để tả cảnh trái ngang, khác thường thì ta có thành ngữ "NƯỚC ĐỤC BỤI TRONG" để nói lên cái éo le ngang trái theo tích sau đây:
       Trong thời Tam Quốc phân tranh, Tào Thực con trai Tào Tháo là một chàng trai thông minh và tài hoa rất mực, xuất khẩu thành chương nên rất được Tào Tháo yêu mến. Nhưng Tào Thực lại có tính phong lưu phóng túng, hành vi thiếu kiểm điểm và cẩn trọng, nên Tháo truyền ngôi cho Tào Phi là anh của Tào Thực. Phi không tín nhiệm Thực, luôn tìm cách để trừ Thực đi, còn Thực thì một lòng muốn đem tài năng của mình để phục vụ cho đất nước, nên viết bài thơ "Thất Ai Thi 七 哀 詩 (7 điều bi ai của mình), trong đó có đoạn như sau:

        君 若 清 路 塵,   Quân nhược thanh lộ trần,
        妾 若 濁 水 泥,   Thiếp nhược trọc thủy nê,
        浮 沉 各 異 勢,   Phù trầm các dị thế,
        會 合 何 時 偕!   Hội hợp hà thời giai !
       Có nghĩa :
                    Chàng như bụi trong trên lộ,
                    Thiếp tựa nước đục bùn dơ,
                    Trôi nổi hai bên đều khác,
                    Cùng chung hội hợp bao giờ ?!

             

     NƯỚC ĐỤC ví với mình, BỤI TRONG ví với người khác. Hai thứ ở hai vị thế khác nhau không bao giờ hòa hợp với nhau được. Cho nên khi đã thất thân với Mã Giám Sinh rồi, nhưng Thúy Kiều vẫn cảm thấy mình và "hắn ta" không bao giờ hòa hợp với nhau được, nên mới than với Vương Bà rằng:

                    Lỡ làng NƯỚC ĐỤC BỤI TRONG,
              Trăm năm để một tấm lòng từ đây !

       Để chỉ nơi thần tiên cư ngụ, ngoài từ NON BỒNG ở bài viết trước đã đề cập ra, ta còn có từ NƯỚC NHƯỢC, chữ Nho là Nhược Thủy 弱 水, là dòng nước yếu, có xuất xứ như sau:
       Theo sách "Sơn Hải Kinh" ghi lại: Phía bắc núi Côn Luân có một dòng nước rất yếu, bỏ một hột cải xuống cũng bị chìm, nên dùng để chỉ những nơi xa xôi hiểm trở chỉ dành cho thần tiên ở chứ người thường không thể ở được. Trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng của ta có câu:

                    Có phen dạo cảnh Đào nguyên,
           Vui dòng NHƯỢC THỦY, chơi miền Bồng Lai.

     Còn trong truyện Nôm khuyết danh "Nhị Độ Mai" thì có câu:

                          Cõi người NƯỚC NHƯỢC nguồn Đào,
                    Liền mây ngàn dãy, bày sao trăm tòa.

                   
              
               
     Cuối cùng, ta có NƯỚC CÀNH DƯƠNG, là "Giọt Nước Cành Dương", chữ Nho là Dương Chi Cam Lộ 楊 枝 甘 露; tức là giọt nước cam lộ trong tịnh bình của bà Quan Thế Âm Bồ Tát được rải ra bằng cành dương liễu cắm ở trong bình. Nước cam lộ có công dụng cải tử hồi sinh, tiêu trừ phiền não, bệnh tật, hàn gắn mọi đổ vỡ của nhân sinh... Trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" của cụ Nguyễn Du có câu:

                      Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
                NƯỚC tịnh bình rưới hạt Dương Chi.

      Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phan Trần" thì gọi là NƯỚC CÀNH DƯƠNG:

                       Sinh đương nấu sắt nung vàng,
             Bỗng nghe như NƯỚC CÀNH DƯƠNG tưới nhuần.

                                
                

     Còn trong Truyện Kiều thì sau khi vào tu ở Quan Âm Các, Thúy Kiều cũng cảm thấy như "Dường gần rừng tía dường xa bụi hồng", cõi lòng đã lắng đọng, nên  "Tơ duyên đâu lại còn mong, Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi" và cảm thấy rất an tâm để tu hành: 

                   Cho hay GIỌT NƯỚC CÀNH DƯƠNG,
             Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên. 

    Xin được kết thúc thành ngữ điển tích về chữ NƯỚC ở đây. Hẹn bài viết tới !


                                              杜 紹 德
                                           Đỗ Chiêu Đức








 

Không có nhận xét nào: