Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

PHƯƠNG CÁCH ĐỂ SỐNG ĐỘC LẬP - Dịch giả: Nguyễn Phương Hùng

  PHƯƠNG CÁCH ĐỂ SỐNG ĐỘC LẬP

FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

***

Là con người phải có tự tin và giữ gìn phẩm hạnh. Bản thân chúng ta đã có đủ ngần này trí đức, không cần phải xấu hổ với người khác. Phải tự trọng và tự tin chúng ta đáng được tôn trọng. Đó là cội nguồn phát sinh và nuôi dưỡng tinh thần độc lập trong chúng ta. Là đại nghĩa không được rời bỏ giây phút nào và dùng nó để xử lý mọi việc.

Tuy nhiên, muốn sống độc lập nhưng nếu không có phương cách để thực hiện, trong lòng sẽ luôn buồn phiền, cô độc và là nỗi đau khổ to lớn suốt cuộc đời.

Vậy phương cách để sống độc lập là gì? Chính là cái để có được cái ăn mặc ở. 


Người đời thường nói: “Trời không giết người, nếu thành tâm gắng sức, sống không phải là khó”. Mặt khác, ham lợi là thường tình của con người từ xưa đến nay. Vạn người như một, tụ tập, chen chúc vào nơi có lợi. Chúng ta cũng là người trong số đó. Cái này gọi là “cạnh tranh”. 


Cạnh tranh là cảnh khó coi, người quân tử khó vui thích làm việc này. Nhưng ăn cái mặc không ở trên trời rơi xuống, không ở dưới đất trồi lên. Do đó, để không làm phiền người khác và thật sự sống độc lập ở cái thế giới đầy cạnh tranh này, chúng ta cần phải không ngừng chịu khổ và cố gắng trong sinh hoạt gia đình và hoạt động xã hội, mặc dù thân thể chúng ta không phải là gỗ đá. Nên có thể nói con đường sinh sống của con người thật không phải dễ đi.


Để không phải chỉ nghĩ suông độc lập trong tâm, cái thực tế giúp chúng ta sống độc lập là tài sản vật chất hay phương tiện sinh sống. Nếu phương cách để có được tài vật hay phương tiện sinh sống quá khó khăn thì đồng thời với việc cố gắng hơn để có chúng, chúng ta còn phải suy nghĩ phương cách tiêu xài, chi phí đúng cách.


Đến đây vấn đề mới là nên phân biệt keo kiệt tiết kiệm như thế nào?


Keo kiệt là thiếu lòng thương người, mất lòng biết xấu hổ, tham lam tiền tài quá đáng, vượt đạo lý cho phép.

Tiết kiệm là quản lý sinh kế bản thân, sinh kế gia đình nghiêm túc, không trang trí bề ngoài hào nhoáng vô ích.

Người có lòng quân tử muốn keo kiệt cũng không thể làm được. Do đó, nếu muốn sống độc lập ngoài việc tránh keo kiệt, phải luôn để tâm tiết kiệm. Tính toán chính xác sinh kế gia đình, giảm bỏ các lãng phí không phải là keo kiệt mà làm vững chắc cơ sở để sống độc lập.


Ném số tiền lớn cho một đêm chơi hào phóng, tổ chức các nghi lễ kết hôn hay tang chế màu mè để làm ngạc nhiên bạn bè hoặc người chung quanh. Nếu nói sảng khoái thì sảng khoái thật. Nếu sinh kế gia đình cho phép, tìm cái vui vẻ này cũng là lẽ tự nhiên của con người. Nhưng nếu sinh kế gia đình không rộng rãi, dư dả mà phung phí tiền bạc như vậy là tiêu xài không đúng thân phận mình. Có người lấy cái hy vọng khó thành, tiền chưa có được nhưng tính như đã có trong tay, lấy làm thế chân để đi vay mượn tiền người khác. Nếu hỏi lý do, họ bảo rằng để giữ thể diện cho mình hay cho gia tộc, chi phí này không thể không tốn. Cái lý do như vậy không thể nói là lý do được.


Theo tôi nghĩ, giữ thể diện là sợ tiếng đời. Sợ tiếng đời có nghĩa là không để phải xấu hổ, hổ thẹn với người đời. Nhưng tiêu xài phung phí vô lý, che tai mắt bạn bè, người chung quanh để vay mượn, sau lại phải năn nỉ bạn bè xin khất trả, hay phải cúi đầu xin lỗi khi bị đòi trả. Hành động này không phải là xấu hổ nhất ở đời này sao?


Thật ra người giàu tiêu xài nhiều tiền là gián tiếp làm kinh tế xã hội thuận lợi. Đó là điều tốt. Nhưng chỉ có tài sản bậc thường lại bắt chước người giàu, nói là sợ tiếng đời hay khen chê của thế gian, tiêu xài vô lý không xứng phận mình là quên mất lòng tự tin, tự trọng, cái quan trọng nhất của con người. Phải nói hạng người này là nô lệ của tiếng đời.


Nếu nhìn cái thế giới phàm tục biến động nhanh chóng này, những hạng người sau không phải là ít. Nào là các sinh viên trẻ tuổi xài tiền không mục đích, người đời chê ghét. Nào là các quan chức nhà nước hay các nhân vật được trọng vọng trong giới làm ăn nhưng không thể quản lý nghiêm túc sinh kế gia đình để rồi rơi vào cảnh thiếu hụt thảm hại không thể gầy dựng lại. Để rồi phải bẻ cong cái nghĩa tiết quan trọng làm những chuyện xấu xa không thể ngờ tới và cuối cùng phải than thở và đau khổ. 


Nói cho đúng, tất cả là do chúng ta xem thường phương cách thực tế để sống độc lập, hoặc do sợ tiếng đời, sợ chê khen của thế gian nhưng lại quên cái hổ thẹn to lớn của bản thân chúng ta mà ra. Phải nói như vậy là thiếu dũng cảm chân thật trong cuộc sống, là nô lệ của người đời.


Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017


(*) Nguồn: Truyện số 41 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.








Không có nhận xét nào: