Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Viết Điếu Văn Cho Người Chưa Chết

        VIẾT ĐIẾU VĂN CHO NGƯỜI CHƯA CHẾT

Đang nghỉ trưa. Nằm mê man. Cửa mở. Nghe tiếng động, tôi
mở mắt, hai phụ nữ qua tuổi trung niên bước vào; ấy là hai
đứa cháu gọi tôi bằng chú họ.
Tôi chống tay, ngồi dậy, rời giường, đi tới bàn, ngồi và mời
hai cháu cùng ngồi.
Hai cháu đặt hộp bánh công nghiệp lên bàn, cháu lớn thưa
chuyện:
- Phiền giấc ngủ trưa của chú. Hai đứa cháu mua hộp bánh,
đến thăm chú và nhân tiện, nhờ chú viết cho một bài để lúc
mẹ cháu “đi”, các cháu thương khóc.
Tôi giật mình, bối rối, hoảng hốt, hỏi:
- Ôi chao ôi! Ôi chao ôi! Mẹ các cháu sao rồi? …
Cháu lớn từ tốn trả lời:
- Mẹ cháu hiện chả sao cả, mẹ cháu yếu lâu rồi, chưa có chi
báo động khẩn cấp, nhưng năm nay 90 tuổi rồi, các cháu chỉ
lo trước thôi …
Chị Hoàn quê ở làng trên. Qua tuổi hai mươi, chị đã được gả
chồng trong làng. Lễ đính hôn xong, vị hôn phu đi tập kết ra
Bắc, chờ hai năm nữa, sẽ làm lễ thành hôn. Hiệp Định Genève
chia hai đất nước, dự trù tổ chức tổng tuyển cử để tái thống
nhất sau hai năm. Vậy mà sau đó, tổng tuyển cử không diễn
ra như người ta đã hứa hẹn, cam kết.
Anh Vững ở làng dưới. Sau hai lần tìm vợ ở làng không thành,
nhờ mai mối, anh tới với chị Hoàn rồi nên vợ thành chồng.
Anh Vững thua chị Hoàn đến 6 tuổi. Chị Hoàn có nhan sắc,
nói năng nhẹ nhàng, tính tình hiền lành, anh Vững yêu chị
ngay, anh không bận tâm chi chuyện chị già hơn nhiều.
Chiến tranh đẩy anh Vững vào lính, chị đi theo anh một thời
gian dài, vô tận miền Nam, lên tận Tây Nguyên.
Chị sinh năm đứa con gái. Theo thời gian, chị già đi, với lại,
chưa sinh được con trai. Cuối năm 1971, anh lấy cớ đi thụ
huấn khóa gì đó về quân sự dài ngày ở nước ngoài và sắp xếp
cho mẹ con chị về quê. Thật ra, anh chẳng đi đâu cả, anh
đang quen với cô bán hàng ở câu lạc bộ đơn vị, muốn lấy cô
ấy mà sợ chị ngăn cản, quấy rầy.
Giữa tháng Hai năm Nhâm Tý (1972), chiến sự ác liệt ở quê
nhà, dân làng di tản ra khỏi làng để tránh bom đạn. Chị đem
năm con đi, đứa nhỏ nhất chưa biết đi, chị phải bồng trên tay.
Ngày hôm ấy, chị cùng dân Quảng Trị lũ lượt vượt truông cát
Hải Lăng dưới cái nóng vào hè. Trên đầu, đạn xéo, dưới đất,
pháo nổ. Chị bồng đứa nhỏ nhất, hối thúc đứa lớn dắt đứa bé
chạy. Cái nắng nóng của thời tiết cộng thêm cái khát, cái đói
trong người, chị tưởng bản thân và đàn con sẽ ngục ngã.
Nhưng không… Nhìn mọi người chung quanh hối hả, lon xon
chạy, chị quên cái mệt.
Oằm! Một tiếng nổ đâu đó làm chị và đứa con đang bồng trên
tay nhào xuống. Trong đôi mắt không còn nhìn rõ, lờ mờ…
chị thấy người chung quanh chạy tán loạn. Trong mơ màng,
chị tưởng rằng các con chị đã chết hết rồi.
Chị nhìn xuống chân, cẳng chân trái không cử động được, chị
đã bị gãy chân; đứa con nhỏ chị bồng rơi xa khoảng hơn mét,
máu nơi bắp vế chảy nhiều, phần dưới bị đạn hay mảnh đạn
cắt ra chỉ còn dính với phần trên cơ thể khoảng 1/3.
Chị trườn qua, xé áo mình băng cột cho con bé rồi băng cột
cho mình. Hai mẹ con nằm giữa cát, đợi chết
Người di tản phía sau dồn tới. Một người cúi xuống, giao cho
chị một loon sữa đặc Ông Thọ khui sẵn; chị van xin gởi bốn
con còn đi được vào dòng người; chúng bịn rịn không muốn
rời mẹ, chị phải dùng hết sức lực quát tháo, với lại, mấy người
thương tình dẫn chúng chạy theo.
Chị nút sữa rồi mớm sữa cho con nhỏ.
Trời đã tối, cát bớt nóng. Chị cảm thấy trong người hơi khỏe.
Chị không đi được, bên cạnh chị, la liệt người chết. Chị lâm râm
đọc kinh cầu nguyện.
Về hướng Quảng Trị, chị nghe tiếng máy của xe cộ đang tiến về
phía Huế. Chị gượng ngồi dậy, liên tục la lớn: “Cứu cho với! Cứu
cho với!”. Một chiếc xe dừng lại, ba anh lính Cộng Hòa xuống,
bế chị và con chị lên xe; họ đưa nước và bảo chị uống rồi cho bé
uống, nhưng chớ uống nhiều, sợ máu chảy mạnh.
Ba giờ sáng, hai mẹ con chị nhập nhà thương Việt Đức ở Đà Nẵng.
Số chị và con chị chưa chết.
Mấy tháng sau, được điều trị tốt, chị đi được, con chị được nối liền
chân, chị lên Hòa Khánh và tìm gặp lại 4 đứa con chị gởi cho đoàn
người di tản. Vậy là nhờ Ơn Trên, gia đình chị đã đoàn tụ; chỉ
chồng chị còn đang biệt vô âm tín.
Bây giờ, chị đang ở với đứa con gái út – đứa đã bị thương nằm lại
với chị giữa truông cát Hải Lăng hồi đầu hè 1972.
Con bé này nay cũng đã 50 tuổi có gia đình, nhà cửa, con cái đàng
hoàng.
Không biết sao trưa nay – mà không phải trưa nào khác, nó rủ chị
nó đến nhà để nhờ tôi viết “điếu văn”; tôi e rằng ấy có thể là cái
điềm báo chị Hoàn không còn sống được bao lâu nữa; tôi hứa với
hai cháu:
- Mấy hôm nay, chú mệt. Đợi vài ba ngày nữa, hơi khỏe, chú sẽ nhờ
người chở vào nhà, thăm chị, xem chị thế nào rồi cảm xúc dậy trào,
chú mới viết được và chú hứa sẽ viết…

Hoàng Đằng
18/Hai/Tân Sửu (1)
(31/3/2021)
(1) Viết để hồi tưởng ngày 19/Hai/Nhâm Tý (1972) - ngày dân
làng tôi bỏ làng lưu lạc tránh chiến tranh…

Không có nhận xét nào: