Chỉ Còn Lại Chút Này Dưới Mộ Người
(Chuyện viết bằng tưởng tượng từ hình ảnh có thật, của một người đàn ông Việt lủi thủi lái chiếc xe cắt cỏ trên công viên Aberfeldie một sáng nắng cuối Mùa Hạ )
Cuối hạ, trời chưa chịu bớt nắng, mới lưng lửng sáng mà đã hâm hấp nóng, ở phía trên đồi cuối đường Brunel nhìn xuống, Thứ Sáu không phải là ngày nghỉ mà người chạy, người đi bộ, lên xuống The Boulevard, con đường dọc theo bờ sông Maribyrnong đông nghẹt. Cũng đi về hướng sông, thấm mệt sau hơn một vòng chạy từ sớm, Triều chầm chậm thả bộ ngang qua công viên Aberfeldie, trở lại chỗ đậu xe. Ba bốn anh nhân viên lo việc cắt cỏ tỉa cây của thành phố Moonee Valley, tụ năm tụ ba xí xô xí xào, ngồi bệt nghỉ dưới hàng thông cao. Bên này dãy hàng rào cây, ngăn quanh chỗ bãi đậu xe công cộng, giữa công viên cũng còn lác đác vài người đẩy máy cắt cỏ tới lui quanh mấy khoảng đất loang lở, từ ngoài đó, có người lái chiếc xe cắt giống như máy cày nhỏ, vẫy tay gọi, làm dấu bảo chờ, lúc Triều vừa đến xe mình, Triều ngờ ngợ đứng lại.
Bỏ xe, cùng một lúc vừa gở cặp chụp ngăn tiếng động trên tai xuống vừa lấy cái kiếng an toàn che mắt ra, anh nhoẻn miệng cười chào, Triều cũng buột miệng “khỏe hả anh Đức”, với anh, thật ra quen không gọi là quen mà lạ thì cũng không gọi lạ, không biết công việc xoay tua cắt cỏ công viên này, bao nhiêu ngày trong tuần nhưng thứ sáu nào cũng vậy, ngày nghỉ hàng tuần của mình, Triều lái xe đến đây, bỏ xe chạy một vòng, đều gặp anh đang chuẩn bị xe cộ dụng cụ cho công việc. Hai người chào nhau , hỏi hai ba câu khỏe không rồi thôi, chưa ai biết gì nhau nhiều ngoại trừ cái tên. Sẳn dịp làm quen, nghe nói công việc hôm nay xong sớm, anh và mấy người bạn làm chung chuẩn bị nghỉ. Sau khi anh chờ họ thu xếp mang xe và đồ đạc về chỗ nhà kho trước, Triều mời anh tới quán ăn có tên “Boat House”, cái nhà sàn gỗ nằm ở mé sông, chỗ đầu ngã tư đường The Boulevard và Waverley, cách công viên không mấy xa, uống cà phê tán dốc cho vui. Ở bàn ngoài cùng, bên này bờ người thưa dần, nắng nóng thêm, trời đứng gió, nước lớn, sông lặng lờ xuôi dòng, cả hai cùng nhìn ra xa xa, hai ly cà phê muộn nằm yên trên bàn, chưa ai đụng tới.
*
Anh Đức người Sài Gòn, nhà ở đường Hồng Thập Tự, không xa góc ngã ba Cao Thắng bao nhiêu, gia đình có một cửa hàng bán vải và kim chỉ lớn ngoài chợ Bến Thành, nhà có hai anh em, một trai một gái. Thay vì tiếp tục lên đại học, đậu Tú Tài II anh Đức vào Võ Bị Đà Lạt, ra trường chọn binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, được vài tháng ngoài Quân Khu II, về Sài Gòn lấy vợ. Vợ anh, chị Thảo, sinh viên luật, nhà ở đường Lý Thái Tổ gần ngã bảy, con một, ba chị trước làm nhân viên sở hỏa xa nay đã về hưu, nhưng mất hồi năm đầu chị học trường Luật vì bạo bệnh, còn lại hai mẹ con, có quầy bán đủ thứ bánh ngọt tại ngã sáu La Cai Nguyễn Tri Phương. Hai người quen nhau từ năm Đệ Nhất, năm chị Thảo học Phan Sào Nam, đám cưới rình rang, bạn bè bên nào cũng đông, lính cùng đơn vị có năm sáu anh, người một, người hai hoa mai vàng trên vai áo. Hết phép, anh trở ra đơn vị, tiểu đoàn 1 Quái Điểu, chị thôi học, dọn về một căn phố nhỏ ở riêng mà ba mẹ anh Đức mua cho làm của hồi môn trên đường Trần Quý Cáp, không phải làm dâu, ban ngày chạy ra chạy vô phụ tiệm vải vài tiếng, chiều về rảnh rổi qua ngồi canh chừng quầy bánh ngọt với mẹ cho vui. Cuối tháng 10 năm 1972 chị Thảo sinh thằng con trai bụ bẩm, gởi thơ báo tin, anh nhắn về đặt cho nó tên Phúc. Nội ngoại, bên nào cũng đòi cháu này cháu nọ, trở ra tuyến đầu vùng một, hành quân quần thảo với quân Bắc Việt ngày này qua ngày kia, mấy tháng sau anh lên lon Trung úy, chiến trận ngày càng khốc liệt thêm, được tin nhưng anh không về được, nằm dưới chiến hào nghĩ tới con nhiều khi buồn muốn khóc.
Một sáng sương mù, “đầu tháng 11 năm 1972, Mùa Hè Đò Lửa, tiểu đoàn 1 Quái Điểu được trực thăng vận bốc từ nhà thờ hai chuông Điền Môn bay ra, bất thần đổ quân xuống tái chiếm quận Triệu Phong, súng phòng không 23 và 37 của quân Bắc Việt bắn lên như pháo bông mặc dù trước đó mấy ngày, phi cơ B52 đã dội bom cày nát. Ngay sau khi hoàn tất cuộc đổ quân, tiểu đoàn anh Đức đã thiệt hại hơn cả trăm lính, vừa chết vừa bị thương, cánh đồng quận lỵ Triệu Phong từ đó trở thành một bãi chiến trường tàn khốc, số quân còn lại chiến đấu một mất một còn với xe tăng phối hợp cùng bộ đội của quân Bắc Việt, tiểu đoàn 1 Quái Điểu lúc này gần như tan rã, tổ này một hai người, tổ kia ba bốn dựa nhau, mạnh ai nấy đánh, cố bám bờ sông Vĩnh Định làm điểm tựa để giữ mạng sống” *, không may anh Đức bị thương nặng và bị quân xe tăng Bắc Việt bắt, giao lại cho quân chính quy giải về thành phố Vinh cùng nhiều quân nhân VNCH khác, anh Đức bặt tin từ đó, bên sư đoàn TQLC vẫn không có tin gì thêm, chỉ báo cho gia đình là anh mất tích trong chiến trận. Gia đình hai bên buồn nhiều lắm nhưng không biết làm gì hơn, chị Thảo khóc hoài, ôm con mà mắt cay xé, thờ thẩn cả mấy tháng trời, chị Thảo ẳm con về với ông bà nội, đóng cửa căn nhà ở Trần Quý Cáp. Rồi ngày tháng đi qua, cứ chờ cứ đợi mà không thấy gì hơn, nỗi đau cũng từ từ nguôi ngoai, không ai nhắc chuyện này và cũng không ai nghĩ anh Đức còn sống, nhất là sau ngày ký hiệp định Ba Lê, trông ngóng tin tức trao trả tù binh hai bên Nam Bắc, có nhiều người được trở về nhưng anh Đức vẫn thăm thẳm mù khơi, biệt vô âm tín.
Ba mươi tháng tư, Sài Gòn bó tay thua cuộc, miền Nam mất, sau đó không lâu, anh Đức và một số sĩ quan VNCH bị bắt trước đó đưa vào trại tù cải tạo trên miệt Lào Kai Yên Bái, nhập chung với những quân nhân và viên chức VNCH còn ở lại, từ miền Nam giải ra Bắc. Không lâu sau, tình cờ gặp lại, ở chung trại với ba bốn người cùng binh chủng TQLC, lợi dụng tình trạng dời trại sâu về phía nam, vì có tin là Trung cộng sẽ tấn công, anh Đức cùng chừng chục người trốn thoát trên đường di chuyển, trà trộn vào làng dân miền núi. Trời còn thương, lần mò theo đường mòn dọc Trường Sơn, băng rừng lội suối, tới Tam Biên, vào Lộc Ninh, rồi quá giang xe chở gỗ, xe hàng, chặng này chặng kia, sau hơn hai tháng trời anh về lại Sài Gòn, gầy đéc, đen thui và xơ xác, khó mà nhận ra là ai.
Cả ba căn nhà bên chị Thảo cũng như bên nhà anh đều bị tịch thu, một cái làm trụ sở “đoàn thanh niên cộng sản HCM”, cái làm văn phòng “công an phường”, căn bên Trần Quý Cáp làm “cửa hàng kinh tiêu”, hỏi người quen, gia đình anh Đức bị đưa lên vùng kinh tế mới trên miệt biên giới Miên Việt sau đợt “đánh tư sản mại bản” theo lệnh Đảng. Bên nhà chị Thảo nghe nói đã vượt biên, trước ngày công an cùng một đám nón tai bèo, quần áo màu cứt ngựa tràn vào chiếm nhà, theo gia đình ông bà Giang, chủ hảng giày Bata gần nhà trên chuyến tàu “đăng ký bán chính thức”, chiếc tàu này, chở hơn mấy trăm người, phần lớn là người Hoa, là chuyến vượt biển đầu tiên vào thẳng đất Nam Dương. Gia đình anh Đức không may, chưa kịp tính toán gì thì công an đã tới nhà trước, hôm lên xe theo đoàn người rời Sài Gòn, hai bên gia đình người tiễn người đưa, khóc sướt mướt. Thằng Phúc đã hơn ba tuổi, biết kêu nội kêu ngoại, nhìn người này người kia ngơ ngơ ngác ngác, xe chạy đi rồi, tiếng ông bà gọi lại “Phúc hỡi Phúc ơi” nghe buồn não ruột. Cùng hoàn cảnh với hàng ngàn người Sài Gòn khác bị đuổi lên vùng kinh tế mới Bù Gia Mập, ở bờ ở bụi, chống chọi muỗi mòng, rắn rít, gió chướng mưa rừng được vài tháng, Đức mang theo vài ba bộ quần áo cũ và mấy thứ lặt vặt, theo đám người vượt biên, đường bộ băng qua đất Miên, nhóm mười mấy hai chục người đã bị quân Khờ - Me đỏ cướp rồi giết chết gần hết, khi trốn ở khu đồn điền cao su Chup chờ người mối lái đưa vào Nam Vang.
Lang thang, lề đường góc chợ, sống lây lất, theo đám người bỏ vùng kinh tế mới về ở lậu, làm thuê vác mướn ở bến xe bến đò, ngày qua ngày, đi tới đi lui ba căn nhà cũ, Đức hy vọng có ai đó biết tin thêm về gia đình, nhưng vẫn bặt tin bặt tức. Hôm theo xe ba gát chở đồ ra xa cảng Phú Lâm, ngồi chờ chất đồ xuống cho chủ mướn, tình cờ anh Đức quen một người lính cụt mất một tay, tên Chung, cùng binh chủng TQLC nhưng khác tiểu đoàn, bán vé số dạo. Anh Đức theo anh này về ở tại căn nhà sàn nhỏ bên bến Xóm Voi, Bình Đông mà người bà con xa, bỏ hồi hương đâu đó dưới Bến Tranh Chợ Gạo để lại.
Một ngày mưa dầm vài tháng sau, không biết làm cách nào, Chung mang về hai bộ đồ xanh, đồng phục “thanh niên xung phong” và hai tờ giấy xác nhận đoàn viên của lực lượng này, làm việc ở nông trường quốc doanh trồng khóm Bình Sơn, Rạch Giá. Mang theo chút ít đồ dùng cá nhân, một mớ tiền dành dụm bấy lâu nay, hai người hối hả xuống xa cảng Phú Lâm đi Rạch Giá ngay chiều hôm đó. Mấy ngày sau, buổi chiều, theo chuyến tàu lớn chở đầy khóm và thơm lên Sài Gòn, cùng với hai ba chục người thanh niên xung phong, thiệt có giả có, tách ngang rẽ nhánh Hậu Giang ra cửa Bình Đại thay vì về hướng Sài Gòn như tờ giấy phép có đóng mộc đỏ mới tinh, tàu may mắn qua mặt đám công an, thoát khỏi, vào được đảo Kijang của Nam Dương sau bốn năm đêm ngày trên biển cả mênh mông, sóng to gió lớn.
*
Triều quen biết chị Thảo khi theo lời mời của chồng chị, anh Hiển, một luật sư khá thành công trong vùng phía đông thành phố Melbourne, về nhà anh chị ở vùng Kew cho biết, sau hôm đến làm thông dịch cho phiên tòa xử vợ chồng người Việt trong vụ đụng xe, cải nhau và có xô xát gây thương tích với hai anh thanh niên Úc, vì tòa buộc phải có thông dịch viên hữu thệ mặc dù luật sư bên bị cáo là người Việt. Vài lần sau hôm đó, Triều đi ăn trưa chung với anh, nói chuyện ngày xưa bây giờ, không đầu không đuôi, khi gặp lại nhau ở tòa án sơ thẩm hay bên bộ di trú, rồi đôi khi, cuối tuần Thứ Bảy, Chủ Nhật cũng có ghé qua ăn cơm chiều do anh chị mời, cứ vậy mà riết rồi thành thân hồi nào không biết, và cũng vì một thân một mình nên vợ chồng anh Hiển xem Triều như em út, đi chơi đâu xa, lên núi ra biển, ít khi nào Triều vắng mặt.
Anh chị có đứa con trai còn học mẫu giáo, thằng bé Phúc, nhanh nhẹn, lễ phép, bảnh trai, nhưng nhìn qua không giống anh Hiển cho lắm, thấy vậy thôi chứ Triều cũng chẳng thắc mắc, để ý làm gì. Thằng Phúc nói tiếng Việt rất rành, dạ thưa luôn miệng, lúc nào cũng một chú Triều hai chú Triều, thấy mà thương, chị Thảo làm ở trụ sở Hội Đồng Thành Phố gần nhà, lo việc giúp đỡ người già cả. Trường thằng bé Phúc học cũng không xa nên chuyện đưa đi đón về chẳng phải lo. Trưa hôm sinh nhật thằng bé, Chủ Nhật, không có ai, chỉ có bảy tám đứa học cùng lớp, bọn nó cũng chẳng cần người lớn. Hai ba thân chủ quen, có tiệm quán, ghé ngang gởi lại chút quà, nói đôi ba câu chúc mừng rồi quày quả đi ngay lo buôn lo bán tiếp. Tụi nhỏ xúm quanh cái bàn ăn lớn giữa nhà, hát vang bài ca mừng sinh nhật, cắt bánh, thổi đèn cầy, rồi tụm nhau xé giấy mở quà, cười nói tía lia. Ba người lớn ngồi xa, ở một góc phòng nhìn, ai cũng vui ra mặt, bọn nhỏ vừa nhập cuộc chơi thì anh Hiển phải đi vì có điện thoại gọi, ai đó cần có mặt anh, luật sư tại trạm cảnh sát Box Hill. Anh Hiển kéo thằng Phúc nói gì đó, hôn lên đầu nó mấy cái, thằng nhỏ gật đầu, quay lại Triều, bảo ở lại chơi với tụi nhỏ nhưng nếu muốn chừng nào về thì cứ về, không biết khi nào anh mới xong việc. Anh đi rồi, chị Thảo nhìn theo, nói với Triều chuyện này xãy ra thường lắm. Còn lại hai chị em, ngồi cùng một phía trong phòng khách nhìn ra, bên ngoài nắng rưng rức nhưng dìu dịu, gió mát, đám nhỏ đã chạy ra sân sau, qua khung cửa sổ rộng. Vô tình liếc ngang, Triều cảm thấy hình như có cái gì buồn buồn sao đó trong mắt chị dù chị đang cười và vẫn cái cười từ những ngày mới quen, chị buột miệng “đời nhiều khi có những chuyện không ngờ được”, lần đầu Triều nghe chị kể chuyện mình.
Chừng một tuần lễ, sau ngày nhóm của chị Thảo, 30 người, lớn nhỏ, từ bên Nam Dương qua, được đưa đến ở tại trung tâm tạm cư Midway Hostel. Tại đây đã có hơn trăm người, từ những đợt qua trước đó, cuối tháng ba, buổi sáng Chủ Nhật, chưa hẳn vào thu mà trời đã lạnh dù có nắng, hai mẹ con thằng bé Phúc cùng mấy người cùng nhóm, đi đến phòng sinh hoạt của trung tâm để chờ chọn áo quần và nhận các thứ cần dùng do mấy Dì Phước của nhóm cứu trợ từ nhà thờ Our Lady mang tới, như lời chị nhân viên văn phòng quản lý trung tâm dặn chiều hôm trước. Chị không ngờ gặp lại anh Hiển hôm đó, anh đi theo giúp việc phân phát một tay và cộng thêm việc làm thông dịch viên, hai người tròn mắt nhìn, chưng hửng, mẹ chị Thảo cũng vậy, bà đứng hỏi han anh Hiển một hơi. Mấy dì Phước tuy lăng xăng chỉ tới chỉ lui, thứ này thứ kia nhưng cũng trố mắt nhìn thắc mắc.
Chị Thảo và anh Hiển học cùng Đệ Nhất ở Phan Sào Nam, đậu Tú Tài 2, cả hai vào trường Luật, anh thương thầm chị từ năm Đệ Nhị nhưng mang chút mặc cảm con nhà nghèo nên chưa dám nói ra dù hai người đã có không biết bao nhiêu lần “tan trường chung lối”. Chị thì cũng vô tình, chuyện trò vu vơ như bạn quen vậy thôi. Nhà anh, một căn nhà cây trệt cũ trong cái hẻm nhỏ, quanh co, sau lưng trường Phan Sào Nam, gia đình chỉ có hai mẹ con, cha mất sớm, mẹ anh có gánh xôi, bán dạo, quanh khu Phan Thanh Giản, Nguyễn Thiện Thuật, Hồng Thập Tự, Lý Thái Tổ, Petrus – Ký. Chưa kịp nói ra, tin chị bỏ học lấy chồng, anh Hiển buồn suốt cả tháng trời, khóc thì không khóc nhưng lòng cứ quặn đau, đi về một mình, con đường Duy Tân giờ không còn “cây dài bóng mát”. Ngày đám cưới của chị anh rời nhà đến trường Luật thật sớm, ngồi lặng thinh ngay chỗ hai người thường ngồi, giữa giảng đường vắng tanh, cắn môi, bật khóc.
Anh Hiển xong năm cuối luật, chờ tìm người giúp cho một chỗ thực tập thì miền Nam mất. Từ ngày chị Thảo lấy chồng, hết rồi, anh cố quên rồi cũng tạm quên dần, dù có đôi lần nghe tim mình tan vỡ, khi biết tin gia đình chị Thảo đã vượt biên sau đợt đánh “tư sản mại bản”, lùa dân Sài Gòn đi vùng kinh tế mới. Qua Tết năm đó, may có một người cháu gái của mẹ anh Hiển, từ đâu đó dưới Cà Mau lên Sài Gòn ở chung, đi làm cho phường khóm gì đó, chị này không biết thân thế ra sao mà lo được có tên đàng hoàng trong tờ “hộ khẩu” của nhà mình, anh yên tâm và có sự đồng ý ngầm của mẹ, anh Hiển cùng anh bạn thân cùng xóm, nhà cũng nghèo, có người quen làm công cho ghe cào tôm ở Gò Công xuống dưới đó, rồi theo họ, ẩn trốn mấy ngày, trong một chuyến đi cào sáng sương mờ mù mịt, gió và mưa chập chùng, họ ra khơi. Anh Hiển qua Úc, cố gắng vừa làm ca đêm ở hảng xe Toyota vừa học Luật lại, sau hai ba đợt người tỵ nạn mình qua, anh tình nguyện vào hội nhà thờ, theo giúp các Dì Phước đi hết mấy chỗ có người Việt tỵ nạn ở, từ Eastbridge xuống Wiltona rồi Midway này, hôm gặp lại chị Thảo là những tháng cuối của việc hoàn tất thủ tục, chính thức trở thành luật sư.
Từ ngày đó anh Hiển tới lui thăm hỏi, đưa hai mẹ con và thằng bé, đi ra phố, đi chỗ này chỗ kia, mua cái này cái nọ, lo cho thằng bé từng chút, không đợi anh hỏi gì về nó, chị Thảo đã nói cho anh nghe một phần đời của chị, thằng bé là con của anh Đức, chuyện những ngày làm vợ và chuyện anh Đức bặt tin mấy năm trời, sau trận tiểu đoàn anh đổ quân tái chiếm quận lỵ Triệu Phong năm 1972. Rồi cũng giống như gần hết người ở trong Midway Hostel, hơn nửa năm sau, chị Thảo dọn ra ở nhà ngoài, căn nhà cây nhỏ nhắn, trên một con đường cụt vắng người gần nhà thờ Our Lady, nhờ một dì Phước già làm giấy tờ đỡ đầu. Hội nhà thờ cũng lo xe chở tới cho đủ thứ, từ cái bàn cái ghế, tủ lạnh cho tới chén nĩa, không mới lắm nhưng quý còn hơn vàng. Không lâu sau ngày anh Hiển mở văn phòng, một chiều nắng muộn đầu Hạ, tại bữa cơm ở nhà chị Thảo, ba người lớn nói chuyện với nhau nhiều lắm. Thằng bé nhìn hết người này tới người kia, cầm con gấu nhồi bông đến bên từng người một, ngây thơ cười híp mắt. Ra về trời vẫn còn sáng trưng, ngoài đường đèn chưa lên, chị Thảo bồng con cùng bác gái theo ra cổng, không nghe bác gái nói gì, vừa mở cửa xe vừa quay lại, anh Hiển cúi đầu cười, trong lòng như mở hội nhìn cả hai “dạ con biết rồi”. Cuối Hạ hai người lấy nhau, đám cưới đơn sơ, không áo cưới cô dâu, không pháo hồng hoa đỏ, vài chục người quen, trong đó hơn phân nửa là mấy dì Phước và ông cha xứ O’Brien tại cái phòng sinh hoạt của nhà thờ Our Lady.
*
Trời đầu thu, lá khô rụng đầy hai bên bờ con sông một màu vàng nâu úa, đã ba bốn thứ Sáu, không thấy anh Đức ở công viên Aberfeldie, sáng nay cũng sáng thứ Sáu, con đường cũ vắng người, trở lại chỗ đậu xe, mấy người làm chung với anh cũng ngồi tụm nhau nghỉ dưới gốc hàng cây thông chưa thay lá, như mấy lần trước, có chút tò mò, Triều ghé vào hỏi, họ cho biết anh Đức bệnh nặng, vào bệnh viện Royal Hospital cả hai tuần nay, không biết ở trong đó bao lâu. Bỏ lại xe, Triều ngồi thừ người trên lề đường nhìn xuống con sông, bỗng dưng thấy lòng buồn buồn. Sáng Chủ Nhật vào bệnh viện tìm thăm anh, được biết anh bị ung thư phổi khá nặng, chắc chỉ cầm cự khoảng không hơn một năm, mọi việc săn sóc nhờ vào tay mấy chị y tá ở đây, vì anh không có thân nhân. Hỏi chuyện nhau, nằm trên giường bệnh, anh tươi tắn, vui vẻ, không có gì buồn bã, cứ hết chuyện này tới chuyện kia. Ngồi bên anh, Triều muốn kể cho anh nghe chuyện chị Thảo mà Triều cho là có phần đúng như mình nghĩ. Anh Đức trong câu chuyện chính là anh, người đang nằm chờ một ngày cuối tới, bỏ đời ra đi này, nhưng lại chần chừ rồi thôi, ra về. Xuống lầu lâu rồi mà Triều cứ đứng dưới đường nhìn lên, tấm màn che nắng ở cửa sổ phòng anh nằm, lầu năm đã kéo ngang che kín tự nãy giờ, mắt đỏ hoe cay xé. Những ngày sau đó, Chủ Nhật nào cũng vậy, mỗi lần vào bệnh viện thăm anh Đức là mỗi lần thấy anh gầy yếu, héo hắt hơn, chưa phải mang ống thở dưỡng khí nhưng trông anh mệt mỏi, nói không nhiều như trước dù vẫn cố gượng cười, nụ cười không hồn. Một lần nữa bác sĩ lắc đầu, chắc không còn bao lâu, họ đã làm hết sức rồi, Triều cũng nghĩ vậy.
Sáng Thứ Bảy, trời có nắng cuối Thu nhưng mờ mờ đâu đó chút sương đêm mù mờ vẫn còn nấn ná chưa tan, từ nhà lên nhà chị Thảo khá xa, đi về chắc cũng mất hơn một tiếng rưỡi, lại chở theo thằng bé Phúc, bảo đưa nó về dưới này chơi lòng vòng, rồi chiều chở về. Chuyện chở thằng bé đi chơi là chuyện hà rầm. Anh chị chưa hỏi đi đâu, khi nào về bao giờ, vã lại thằng nhỏ cũng khoái theo chú Triều, nên đến bệnh viện hơi trễ. Ra thang máy, hai chú cháu đi nhanh tới chỗ anh Đức, trong phòng hai chị y tá vừa bước ra, nét mặt buồn buồn chào, rồi đứng bên ngoài hành lang, trước cửa phòng chờ gì đó, có thêm cái xe đẩy bệnh nhân để sát bên giường bệnh. Anh Đức nằm im, chào không ngẫng đầu lên như mấy lần trước, cùng lúc người bác sĩ điều trị anh cũng vừa bước vào, ông nhìn qua một lượt, gật đầu với Triều rồi bỏ đi. Còn lại trong phòng, Triều bồng thằng nhỏ lên, đặt nó ngồi trên giường, mắt anh Đức lừ đừ, hơi thở yếu ra, cố nhìn nó, Triều cúi người xuống nói bên tai anh “anh Đức ơi, xin lỗi là đã giữ kín không nói ra từ lâu, thằng bé là con của anh đó, thằng Phúc, cái tên mà anh đã dặn chị Thảo đặt, trong lá thư gởi từ chiến trường Triệu Phong về năm 1972, thằng con mà anh chưa có lần nhìn được mặt”. Nghe tới chừng đó, mắt anh sáng lên, cố sức như muốn ngồi dậy. Triều phụ đỡ anh lên, anh đưa hai cánh tay gầy guộc, nâu xạm như hai que cũi, ôm đầu thằng nhỏ sát vào đầu mình. Triều lấy cái máy chụp hình mang theo, chụp thật nhanh. Thằng nhỏ ngây thơ chẳng biết ất giáp gì, nhìn Triều cười ngờ ngợ. Anh Đức vẫn ôm đầu nó, thều thào “con của ba, Phúc con của ba”, chưa dứt câu, hai cánh tay rời ra, buông dần xuống giường bệnh, đầu anh gục qua một bên, mắt nhắm từ lâu. Triều bồng thằng nhỏ trên tay, gọi ra ngoài, hai cô y tá bước vào trước, không nói gì, lẳng lặng lo sắp xếp máy móc, người bác sĩ theo sau, ông nhìn Triều lắc đầu “anh ta đã đi rồi”. Nước mắt tuôn dài trên mặt, Triều ôm chặt thằng Phúc trong tay, khóc thành tiếng, ngoài khung cửa, hai ba chiếc lá lẻ loi, khô gầy tả tơi vàng úa của những ngày cuối thu, tiếc nuối bám víu mấy nhánh cây già khẳng khiu còn sót lại từ những ngày qua, buông mình đong đưa tan tác rụng, lìa đời đi xa dù trời không gió.
*
Hội đồng thành phố Moonee Valley đứng ra làm đám tang vì anh Đức không có thân nhân nào, dù sao anh cũng là nhân viên của họ. Ngày đưa anh đi hỏa thiêu ở nghĩa trang Fawkner, ngoại trừ mấy người của công ty chôn cất và hai ba nhân viên của hội đồng thành phố, còn lại trơ vơ lẻ loi chiếc quan tài cây khiêm nhượng, một vòng hoa tươi trắng và Triều. Anh đem tấm hình chụp hai cha con trong phòng bệnh hôm anh Đức mất, đặt chung với vòng hoa trên nắp quan tài, đứng nhìn nó chầm chậm được đưa vào lò thiêu. Triều thì thầm “em gởi theo tấm hình, để ở chốn đó, anh không còn cô đơn nữa”. Cánh cửa lò thiêu sụp xuống, đóng lại, người phu trách công việc lặng lẽ tắt hàng nến điện quanh cái bệ đá hoa cương để quan tài rồi bỏ đi ra ngoài cửa, Triều òa lên khóc.
Thuyên Huy
North Essendon cuối hạ 2016
*Mượn một số chi tiết trong bài viết “Cuộc đổ bộ trong lòng địch” của Nguyễn Đăng Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét