Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Ba Đồng Tiền (Vhp.Hải Vân) & Phân tích và phê bình của Trường Giang



        Ba Đồng Tiền
(Cảm tác nhân đọc Trăng Lạ của nvs.Vũ Thụy và
 Trăng Quen Vẫn Còn của Nguyệt Dakbla)
                   ***
"Chú Cuội ngồi gốc cây đa,
Thò chân xuống nước được ba đồng tiền.
Một đồng mua trống mua kèn,
Hai đồng mua mỡ đốt đèn làm vua..."*
Trò chơi thuở bé năm xưa
Em làm Hoàng Hậu, anh Vua dẫn đường.
Thì thầm gió rót tơ vương:
- Nay Cuội phù rể, chị Hằng phù dâu.
Mai sau lọng võng cau trầu,
Linh đình "Trẩm" rước "Hậu" vào nhà anh...

Quê hương chìm ngập chiến tranh,
Anh rời nghiên bút mình đành tạm xa.
Em, Trăng mười sáu mượt mà
Dõi theo chiến trận xót xa cõi lòng...
Tàn cuộc chiến tàn ước mong,
Anh trong song sắt lao lung đọa đày.
Trăng héo hắt Trăng hao gầy,
Đêm đêm len lỏi song dầy nối song,
Ngày ngày những nhớ cùng trông,
Long đong trăng rụng xuống dòng Dakbla.
Nổi chìm ngụp lặn phong ba
Bởi Trăng mong vớt được ba đồng tiền... 
Nhưng rồi vỡ mộng tơ duyên!
Anh buông mơ ước bỏ miền gian nan.
Em ngơ ngác em bàng hoàng,
Tình tan theo ánh trăng tàn tàn mơ!
Vẳng nghe tiếng hát ngày thơ...
Nghẹn... ngào...!!!

         Vhp.Hải Vân
(Trích tập thơ Giọt Sầu)

                                *****
 Phân tích và phê bình của Trường Giang

  Giới thiệu đôi dòng về tác giả Hải Vân:
Hải Vân, cựu sinh viên Viện Hán Học Huế và Đại Học Văn Khoa Huế. Dạy tại trường Trung học Miền Tây, Việt Nam trước 1975. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, học thêm Anh Văn, làm cô giáo dạy trẻ.
Có viết truyện, làm thơ, đăng trên Việt báo, trên các web thân hữu và xuất bản tập thơ.


Xuất xứ bài thơ:
 Như chính tác giả đã giới thiệu ở đầu bài, bài nầy được sáng tác nhân đọc Trăng Lạ của nvs. Vũ Thụy và Trăng Quen Vẫn Còn của Nguyệt Dakbla (một bút hiệu khác của nvs.Vũ Thụy).
Phân tích và những lời bình:
Tôi đọc nhiều thơ của Hải Vân nhưng ưng ý nhất là bài thơ nầy vì nó là một trong những bài thơ hay nhất của tác giả. HV đã gói gắm tâm sự của mình qua bài thơ, còn tôi thì có cảm hứng khi đọc nên cũng muốn phân tích, tìm hiểu tâm sự và nghệ thuật sáng tác của tác giả để chúng ta cùng thưởng lãm.
Bài thơ làm theo thể lục bát, bốn câu đầu là lời ca đồng dao của trẻ em  miền cao nguyên Trung Phần, tỉnh Kontum, thường ca hát dưới ánh trăng vàng, trong đó có em bé trong bài thơ nầy.
(Căn cứ vào câu 20 "Long đong trăng rụng xuống dòng Dakbla" để suy ra điều trên).
 (từ câu 1 đến câu 4):
"Chú Cuội ngồi gốc cây đa,
Thò chân xuống nước được ba đồng tiền.
Một đồng mua trống mua kèn,
Hai đồng mua mỡ đốt đèn làm vua..."
   Những đêm trăng sáng, thời thanh bình, trẻ em thường hay ra trước sân ngắm trăng chơi đùa. Ánh trăng vằng vặc, nhìn lên trời thấy mặt trăng tròn, có chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa, thò chân xuống nước nhặt ba đồng tiền. Chú Cuội bày trò chơi, dùng ba đồng tiền để mua trống, kèn làm đám cưới ...
Tác giả lấy cảm hứng từ nội dung bài hát đồng dao trên rồi nhớ lại ngày xưa lúc còn bé cũng bày trò chơi trong đêm trăng rằm (từ câu 5 đến câu 10):
 Trò chơi thuở bé năm xưa
Em làm Hoàng Hậu, anh Vua dẫn đường.
Thì thầm gió rót tơ vương:
- Nay Cuội phù rể, chị Hằng phù dâu.
Mai sau lọng võng cau trầu,
Linh đình "Trẫm" rước "Hậu" vào nhà anh...
    Trò chơi làm đám cưới với một cậu con trai trong làng gần nhà. Tuổi thơ sao giàu tưởng tượng: em làm Hậu anh làm Vua. Đám cưới tuy giả mà sao giống như thật, có chú Cuội tham dự đóng vai phù rể và chị Hằng làm phù dâu. Điệu thơ chậm, êm dịu, lạc quan yêu đời.
Lễ cười diễn ra một cách đơn sơ tự nhiên, có võng lọng bằng lá dừa kết lại, cau trầu bằng trái và lá mồng tơi, đưa nàng về dinh. Tuổi thơ đâu nghĩ gì chuyện mai sau, nhưng hình như nó để lại trong lòng cô bé kia một ấn tượng khó quên vừa nên thơ vừa đẹp, lãng mạn. Bóng hình chàng trai kia như in trong lòng nàng, không quên được. Mãi sau nầy nàng mới cảm nhận, thì ra đó là tình yêu! Khởi điểm nầy, như báo trước những hệ lụy về sau dẫn tới những biến đổi đầy nghiệt ngã xảy ra cho đời nàng và cho người yêu. Tình trong giây phút mà thành thiên thu! Định mệnh hay trò chơi của con tạo trớ trêu? Nguyễn Gia Thiều (阮嘉韶, 1741-1798), tức Ôn Như Hầu đã nhận ra điều nầy từ khi ông sáng tác bản trường ca Cung Oán Ngâm Khúc:
Trẻ tạo-hóa đành-hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi!
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân-cẩu vẽ người tang-thương.
(Cung Oán Ngâm Khúc, câu 73-77/ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều)

   Rồi thời gian trôi nhanh... cuộc đời đâu còn phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Hai trẻ ngày xưa giờ đã lớn, tình yêu cũng lớn dần theo năm tháng. Chưa có lễ hỏi nhưng tình yêu đã kết chặt vào nhau, hẹn ngày mai mặc áo cưới kết hoa đăng sống đời hạnh phúc. Nàng lên tuổi mười sáu còn chàng thì đôi mươi. Bất ngờ đất nước tràn ngập lữa chiến tranh:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy?
(Chinh Phụ ngâm/ Đặng trần Côn)

    Thế là chàng trai đành xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của non sông. Chàng ra đi biết bao giờ trở lại? Vậy là hai người chia tay trong nức nở nghẹn ngào. Buồn quá biết ai tâm sự cho vơi nỗi niềm?  Nói là tạm rời sách vở để an ủi ngưòi ở lại vì xưa nay "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" (Lương Châu Từ/ Vương Hàn).


Mời các bạn dọc tiếp (từ câu 11 tới 16):
Quê hương chìm ngập chiến tranh,           (nhịp 2/2/2)
Anh rời nghiên bút mình đành tạm xa.        ( 4/4)
Em, Trăng mười sáu mượt mà                  ( 1/3/2)
Dõi theo chiến trận xót xa cõi lòng...      ( 4/4)
Tàn cuộc chiến tàn ước mong,                ( 3/3)
Anh trong song sắt lao lung đọa đày.        ( 4/4)

  Động từ ghép "chìm ngập" nói lên sự ác liệt của chiến tranh trên mọi miền đất nước.  Nàng ở tuổi mộng mơ mới biết yêu lần đầu, tuổi đẹp nhất của người con gái như đóa hoa hàm tiếu. Từ ngữ "mượt mà" là tĩnh từ bổ nghĩa cho danh từ "em" (hay Trăng) chỉ vẻ  đẹp trẻ trung mặn mà của người con gái. Nàng tiễn người yêu lên đường làm tròn bổn phận công dân.
Đêm về nghe tiếng đại bác từ xa vọng lại, nàng lo lắng cho người yêu không biết có gặp nguy hiểm gì không?  Báo chí loan tin nhiều tiền đồn bị thất thủ càng làm cho nàng sợ hãi, sợ chàng có mệnh hệ nào... nàng không dám nghĩ tiếp. Rồi cuộc chiến chấm dứt một cánh bất ngờ, nàng mừng rỡ, nhưng định mệnh lại khắc khe đẩy người yêu vào chốn lao tù không biết ngày nào ra. "Tàn cuộc chiến tàn ước mong" nghe sao não lòng, oan nghiệt, cay đắng! Thôi hết rồi, hết cả tương lai! Bao nhiêu năm tháng ấp ủ đợi chờ giờ bỗng chốc tan thành mây khói. 
Về mặt nghệ thuật, trong hai câu:
Tàn cuộc chiến , tàn ước mong
Anh trong song sắt, lao lung đọa đày.
phép đối đựoc sử dụng. Câu lục ở trên có tiểu đối, ngăn cách hai vế bởi dấu phẩy. Sự đối lập mang tính  mâu thuẫn: đã hết chiến tranh tưởng sẽ vui mừng gặp lại người yêu tính chuyện tương lai, ai ngờ nó chấm dứt luôn niềm hy vọng, thật vô lý! Sự mâu thuẫn càng gay gắt thì sự phi lý càng dâng cao khiến người đọc cũng ngậm ngùi thương cảm cho nàng, tác giả sử dụng phép đối thật khéo léo. Đến câu bát cũng vậy: hòa bình rồi sao anh lại chui vào song sắt để chịu cảnh đọa đày? Từ ngữ "song sắt", "đọa đày" nói lên sự đau khổ của con người mất tự do, được sử dụng rất thích đáng, chọn lọc.
Thơ lục bát thường ngắt nhịp 2/2/2 cho câu lục và 4/4 cho câu bát, giữ nhịp đều đều. Ở đây tác giả thay đổi nhịp thơ cho phù hợp với tâm trạng của nhân vật và tránh được sự nhàm chán nơi người đọc, bài thơ có tiết tấu nhịp nhàng gây thêm chú ý. Nhịp biến đổi liên tục, ngắt câu bất chợt ở câu lục (biến tấu) từ 2/2/2 sang 1/3/2, rồi 1/2/3... trong khi đó nhịp câu bát thay đổi rất ít, hầu hết vẫn giữ  nguyên nhịp 4/4. Nhịp thơ ngắn tương ứng với những ý thơ bị đứt đoạn, nghẹn ngào, tức tưởi... khiến người đọc phải dừng lại để suy nghĩ những ý thơ còn bỏ ngỏ. Những câu thơ phân nhịp dài ngắn xen lẫn, tạo thành điểm nhấn khiến ta đôi lúc như bị khựng lại, nghẹn ngào thổn thức cùng nhân vật trong thơ (Em /Trăng mười sáu/ mượt mà) nhấn mạnh nàng còn nhỏ lắm, bụi phong trần chưa vướng vậy mà nay gặp cảnh nghiệt ngã nầy, biết làm sao đây? Điệu thơ trong đoạn nầy lúc đầu thì nhanh, dồn dập (chiến tranh nổ ra trên khắp mọi miền đất nước, thanh niên xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ), sau đó do thay đổi nhịp điệu mà trở nên trầm buồn, nghẹn ngào, thống thiết.   
  Ngoài ra tác giả còn sử dụng biện pháp tu từ khiến bài thơ trở nên linh động, sắc nét; nó được sáng tạo riêng để tránh lập lại khuôn sáo. Xem lại câu thơ "Em, Trăng mười sáu mượt mà" từ "Trăng" là một ẩn dụ, thay thế cho nhân vật "em" (tác giả), Trăng cũng biết mơ mộng yêu đương như người thật! So sánh Trăng như người con gái đẹp là vậy. Từ ngữ "song sắt" là một hoán dụ, mình phải hiểu nó thay thế "nhà lao" chốn "ngục tù". Khi nói song sắt là ta hiểu ngay đó là nhà giam, chớ không phải là song sắt cửa sổ trong nhà. Điệp ngữ cũng được sử dụng thường xuyên, ví dụ trong các câu "Tàn cuộc chiến, tàn ước mong" (từ ngữ "tàn" được lập lại ở vế thứ hai là môt điệp ngữ).
Từ đây đời nàng bước sang một khúc quanh mới, nàng phải sống dẫu cực khổ thế nào. Nàng sống lây lất như bóng ma, lặn lội thân cò kiếm cái ăn cái mặc lại phải dành dụm tiền, tiếp tế thức ăn cho người yêu. Cảnh ngộ thật đau thương. Ngày xưa cũng "gánh gạo nuôi chồng" nhưng không bi đát bằng sau cuộc đổi đời. Những hình ảnh của người phụ nữ chịu khổ cực cay đắng cũng được Nguyễn Công Trứ cực tả bằng những vần thơ thật tài tình:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nĩ non
Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất
Thương cái cò lặn lội bờ sông
Tiếng nỉ non gánh gạo nuôi chồng
Ngoài nghìn dặm một trời một nước
Trông bóng nhạn bâng khuâng từng bước
Nghe tiếng quyên khắc khoải năm canh...
(Gánh gạo đưa chồng/Nguyễn Công Trứ)

    Gần đây nhất Nguyệt Ánh sáng tác bài "Cái Cò" thật đặc sắc nói lên tính chịu đựng nhọc nhằn của người vợ vừa thủy chung vừa đảm đang lo kiếm sống cho con vừa nuôi chồng nơi rừng sâu nước độc:
Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Thương em dạ sắt lòng son, một thân đơn chiếc nuôi con thăm chồng
Bàn tay ai tốt vàng ròng, bàn tay em nứt máu hồng tuôn rơi
Nhìn nhau muốn nói vạn lời, mà tim se thắt rối bời tâm can
Cái cò ngày nay không còn gánh gạo
Gạo đã thành một quá khứ xa xôi

Cái cò ngày nay xuống biển tìm mồi
Ngô sắn khoai sùng ăn cầm chừng nước mắt tuôn rơi...
    (Nguyệt Ánh / Cái Cò)

Cái Cò ngày xưa của Nguyễn Công Trứ đâu khác gì Cái Cò ngày nay của Nguyệt Ánh. Cái Cò nào cũng cũng vất vả, lê gót đi kiếm ăn nơi góc bể, bờ sông, nhưng thời Nguyễn Công Trứ , Cái Cò tuy vất vả mà hằng ngày vợ chồng còn gặp nhau, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, còn thời Nguyệt Ánh tình cảnh Cái Cò  bi thương hơn nhiều, Cái Cò phải lên vùng Kinh Tế Mới, xuống biển tìm mồi, lặn lội Chợ Trời mua chui bán nhũi những vật dụng linh tinh, sống lây lất qua ngày còn phải nuôi chồng trong vòng lao lý!

Cái Cò trong thơ vhp.Hải Vân có lẽ còn đau khổ hơn nhiều so với hai Cái Cò nói trên. Ngoài vấn đề vất vả trong cuộc sống, nàng còn âu lo, nhiều đêm không ngủ bởi người yêu đang ở trong song sắt. Có những đêm trăng sao đầy trời, nàng nhớ mùa trăng xưa mà nghẹn ngào, rồi tự hóa thân thành ánh trăng len lỏi vào nhà giam tìm anh (nhân cách hóa), nhưng ánh trăng không thể vào được vì nhà giam dày đặc song sắt. Năm tháng chờ đợi mỏi mòn trong nỗi đau tuyệt vọng, vầng trăng  kia lảo đảo, bất ngờ rớt xuống dòng sông định mệnh Dakbla, dòng sông tuổi nhỏ ngày xưa nàng cùng anh chơi đùa... Mảnh trăng rớt xuống dòng sông Dakbla là hình ảnh có thật nhưng cũng ẩn chứa bên trong sự bất lực và nỗi tuyệt vọng cho cuộc đời nàng, từ đây coi như mất anh rồi, còn gì hy vọng nữa đâu. So sánh mảnh trăng thu héo hắt rụng xuống sông như cuộc đời đầy bi thương nghiệt ngả của nàng, phép ẩn dụ được sử dụng thật khéo léo.
(câu 17 tới 20):
Trăng héo hắt Trăng hao gầy,
Đêm đêm len lỏi song dầy nối song,
Ngày ngày những nhớ cùng trông,
Long đong trăng rụng xuống dòng Dakbla.
Về mặt nghệ thuật, câu "Trăng héo hắt Trăng hao gầy" ("Trăng", một điệp ngữ vừa là một ẩn dụ thay thế cho "nàng") v.v. Điệp ngữ nhấn mạnh nỗi xót xa, đau đớn, bế tắc, của nàng, ngoài ra nó còn tạo ra âm hưởng, nhịp điệu nhanh chậm, lời nói đứt đoạn nghẹn ngào... Từ láy cũng được sử dụng như "Đêm đêm len lỏi song dầy nối song" (từ láy "đêm đêm" được lập lại nguyên chữ). Trong câu nầy còn có từ "dầy" rất gợi tả, chỉ số nhiều, dầy đặc song sắt, nhiều lớp kẽm gai, ý nói sự canh giữ rất nghiêm nhặt. "Ngày ngày những nhớ cùng trông" (từ láy "ngày ngày" lập lại nguyên chữ). "Long đong Trăng rụng xuống dòng Dakbla" (từ láy "long đong" lập lại vần cuối "ong") v.v. Từ láy có một ý nghĩa đặc biệt bởi giá trị tượng thanh, tượng hình, và tính biểu cảm rõ rệt của nó.

Cơn bão đời đã quật ngả nàng, đưa nàng đến chỗ tuyệt vọng, nhưng may mắn nàng không chết, nàng phải sống. Con đường nào đưa nàng đến chốn bình yên? Phải rồi, con đường kỷ niệm ngày xưa bên dòng sông Dakbla ấy đã ghi dấu bao kỷ niệm một thời tuổi nhỏ. Nơi đây là chỗ an lành, là niềm vui hạnh phúc, nàng muốn tìm lại hương vị nồng ấm tuổi thơ, tìm lại ba đồng tiền đã gắn chặt tình yêu hai đứa. Tưởng rằng chốn ấy sẽ là nơi để cho nàng ẩn nhẫn đợi chờ ngày anh ra khỏi song sắt, nhưng không! Một lần nữa định mệnh lại đẩy nàng đến chỗ đau thương tột đỉnh khi được tin người yêu đã chết. Nàng kêu lên thảng thốt, tuyệt vọng, còn đâu nữa ước mong xum hợp, làm đám cưới, xây dựng tương lai? Chàng ra đi, bỏ lại ước mơ, vùng trời kỷ niệm, chốn quê nghèo ngày xưa, bỏ cả người yêu. Một dấu chấm hết tức tưởi lạnh lùng!
Đoạn thơ nầy tôi cho là hay nhất của bài thơ, tình cảm bộc lộ rất thật, nàng muốn về miền đất xưa để tìm kỷ niệm, an ủi những đau thương đã trải qua, và để thêm nghị lực đợi chờ. Nhưng tất cả trở nên vô nghĩa...
(từ câu 21 tới 24):
Nổi chìm ngụp lặn phong ba
Bởi Trăng mong vớt được ba đồng tiền...
Nhưng rồi vỡ mộng tơ duyên!
Anh buông mơ ước bỏ miền gian nan

     Từ "buông"là một từ đa nghĩa, thứ nhất có nghĩa thả ra, không nắm giữ//nghĩa bóng là không ăn ở với nhau nữa (theo tự điển Tiềng Việt của Nhóm Nghiên Cứu New Era). Vậy "Buông mơ ước" là buông thả ước mơ, không còn nắm giữ, theo đuổi. Nhưng tại sao chàng buông mơ ước trong khi nàng đang hy vọng đợi chờ? Tác giả không nói, nhưng ta hiểu là chàng đã chết, vì chết thì mới buông mơ ước, bỏ tất cả. Tôi không dừng lại ở đây mà muốn đi xa hơn để tìm hiểu, giải thích  cách khác. Thơ văn là một nghệ thuật, hiểu hết ý tác giả là một điều rất khó, mà bỏ qua ý tưởng ẩn ngữ lại là một điều thiếu sót của người phê bình. Tìm hiểu tới nơi tới chốn sẽ đem lại nguồn cảm hứng cho người đọc và cho tác giả. Theo tôi, ngoài lý do kể trên, "có thể" chàng từ bỏ ước mơ với nàng để đi tìm một hình bóng khác, tức chàng đã phản bội lại người yêu khiến cho nàng phải bàng hoàng ngơ ngác ngoài sức tưởng tượng.

Về phương diện nghệ thuật hai chữ "buông bỏ" là một thành ngữ rút gọn, nhưng tác giả đã cắt đôi, đan xen giữa hai tiếng "buông bỏ" bằng từ ngữ "mơ ước" và thêm cụm từ "miền gian nan" ở phía sau, vừa tạo nên âm điệu nhịp nhàng vừa nhấn mạnh ý nghĩa của từ ngữ "buông bỏ" (Anh buông mơ ước bỏ miền gian nan).
     Thế là chàng bỏ lại khung trời kỷ niệm, chốn quê nghèo ở Kontum, Pleiku.  Miền gian nan là miền nào? là miền đất nghèo khổ, khô cằn hoang vu của Kontum -Pleiku, quê nhà anh đó. Xin dừng vài phút để trở về thăm lại vườn xưa Phố Núi, nơi một thời bé thơ Hoàng Hậu chơi đùa dưới trăng, bày trò  Đám cưới... Hãy nghe Vũ Hữu Định nói về tỉnh nhỏ Kontum- Pleiku thời bấy giờ, lúc khói lửa chiến tranh phủ trùm lên mọi miền đất nước. Thoạt nghe, tưởng như thành phố Kontum, Pleiku là miền sơn cước hoang vu, nhưng không! Nơi đây cũng có nhiều cô gái tuổi trăng tròn, đẹp không kém gì các cô nữ sinh Gia Long, Trưng vương:
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương.

     Và người đẹp sơn cước:

Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Nên em hiền như mây chiều đông.

 Đoạn kết "Ba đồng tiền" gồm 4 câu thật cảm động. Tình cảm đau thương được đúc kết một cách khéo léo đầy thuyết phục. Cuộc tình chấm dứt trong nước mắt nghẹn ngào sau giây phút bàng hoàng ngơ ngác, tưởng như sét đánh ngang tai! Nàng kêu trời, trời mãi trên cao, nàng trách đất, đất lặng im không nói.
Từ ngữ "ngơ ngác", "bàng hoàng" là những từ ngữ tượng hình, sử dụng thật chỉnh. Ngơ ngác chỉ tâm lý ngạc nhiên trước sự kiện bất ngờ đến mức ngẩn người. Còn bàng hoàng diễn tả trạng thái tinh thần bất định, ngạc nhiên cực độ, sửng sốt, choáng váng đến độ không còn ý thức rõ rệt. Hai cặp từ ngữ đi liền nhau trong một câu lại bị cắt đôi, xen ở giữa và đầu câu bằng chủ từ "em", diễn tả đầy đủ tâm trạng dao động tột đỉnh của sự đau thương, vì mất người yêu, của nhân vật chính "em" khiến nàng như người mất trí không còn kiểm soát tư duy, bản ngã của mình nữa.         
Ngoài kia trăng đã tàn, mối tình nầy cũng tàn theo ánh trăng, còn lại là bóng đêm mênh mông. Không gian im vắng, nàng nghe như có tiếng hát ngày xưa vọng về, tiếng hát đồng dao thuở nào... Nàng chợt tỉnh cơn mê, nước mắt tuôn trào, khóc nghẹn ngào. Nàng khóc cho mồi tình đầu tan vỡ. Bài thơ kết thúc, với nghệ thuật sáng tác đựơc sử dụng cùng một lúc, thật sắc nét: điệp ngữ, ẩn dụ, chấm than, chấm lững... nhịp thơ dồn dập, bỗng đứt đoạn (do biến đổi nhịp liên tiếp, ngắt thành đoạn dài, đoạn ngắn) tạo thành một xung lực cắt ngang nỗi đau, làm  bật lên tiếng nấc uất hận. Sau cùng chấm dứt bài thơ bằng câu cảm thán, chỉ hai chữ "nghẹn... ngào...!!!" Cấu trúc đặc biệt nầy gọi là yết hậu, nét độc đáo của nền thi ca Việt Nam. Ba dấu chấm lững, ba dấu chấm than cắt đôi, đan chéo giữa hai chữ "nghẹn ngào" ngắn ngủn, làm tăng thêm nỗi xót xa, đau đớn tột cùng! Đoạn thơ nầy có ba khoảng trống thay bằng dấu chấm, đó là phạm trù của thi pháp, nó biểu hiện những lời thơ không nói hết. Trong thơ văn thường có những bước nhảy về thời gian, không gian: dấu lặng để lan tỏa những ý nghĩ, những suy tư bát ngát, diễn tả những xót xa, đau khổ kéo dài, không nói ra hết để cho người đọc tưởng tượng, "nhìn thấy" sự kiện như hiển hiện trước mắt mà thương cảm cho thân phận bèo giạt hoa trôi của người thiếu nữ. Âm vang cuối cùng bỏ trống... cũng là một nét đặc sắc của chất thơ bài nầy.
(từ câu 25 đến hết):
Em ngơ ngác em bàng hoàng,
Tình tan theo ánh trăng tàn tàn mơ!
Vẳng nghe tiếng hát ngày thơ...
Nghẹn... ngào...!!!
   Lời thơ thật truyền cảm, giản dị mà nồng nàn cảm xúc, lắng đọng trong tim tình cảm sâu xa có thật, ghi lại một mối tình bi thương, đầy nước mắt, nước mắt của tác giả cũng là nước mắt của những ai giàu tình cảm. Khóc cho người hay khóc cho mình? Hỏi ai từng trải qua cuộc tình ngang trái (trong bài là của chính tác giả hay của một người nào khác kể lại, hoặc hư cấu) hãy thông cảm cho tác giả và chia xẻ cùng người. Tác giả sử dụng ngôn ngữ thi ca thật sinh động, hoa mỹ, trong sáng. Phép ẩn dụ được thực hiện, lại thêm biến tấu, cách điệu dồn dập tạo sức truyền cảm mạnh mẽ trong lòng người đọc. Bài thơ khép lại bằng tiếng than xé lòng!
                                     Trường Giang
                 *****
Phụ bản hai bài thơ bổ sung:
          Trăng Lạ
Mấy mùa trăng cũng về đây
Vẫn là trăng cũ sao nay lạ lùng
Thượng tuần trăng vẽ vòng cung
Hạ tuần trăng trở cánh cung ngược chiều
Trăng rằm vào tuổi biết yêu
Trăng thanh mười sáu dệt nhiều mộng mơ
Thuở trăng tròn tuổi ngây thơ
Một đêm trăng hỏi bao giờ cưới trăng
Thì thầm trăng nói với anh
"Chú Cuội phụ rể, Chị Hằng phù dâu"
Bây giờ trăng đó ở đâu
Để cho trăng lạ đổi màu thời gian

                 
nvs.Vũ Thụy
(Trích tập thơ Nửa Gánh Thu Sầu –nvs.Vũ Thụy)
                  *****

       Trăng Quen Vẫn Còn

          (Gửi vầng "Trăng Lạ")

Trăng quen vẫn sáng long lanh
Hồn trăng còn đó dù trăng sắp tàn
Dưới trăng đàn trẻ ca vang
Ru trăng vào giấc mộng vàng thật xa...
"Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Thò chân xuống giếng được ba đồng tiền
Một đồng mua trống mua kèn
Hai đồng mua mỡ thắp đèn làm vua..."
Trò chơi ngày ấy quên chưa
Trăng làm hoàng hậu anh vua một trời
Quân vương giờ đã thay ngôi
Ái hậu bị phế một đời mất anh
Mây đen khép kín lầu trăng
Lá xanh tàn úa trăng thanh lụy phiền
Trăng vương mắc núi trăng nghiêng
Lòng trăng trĩu nặng triền miên giọt buồn
Giam trăng trong nỗi nhớ thương
Nhốt trăng ngoài cửa đoạn trường chắn song
Biết anh còn nhớ dòng sông
Dakbla trăng nước mênh mông qua cầu...

 
               nvs.Vũ Thụy
(Trích tập thơ Nửa Gánh Thu Sầu- nvs.Vũ Thụy)







Nắng Tháng Giêng - Trầm Vân


     Nắng Tháng Giêng
Vòng tay ôm nắng tháng Giêng
Ngỡ là em đó bên miền xa xôi
Nắng hồng lên những nụ cười
Gíó hôn làn tóc bờ môi nồng nàn

Nhớ xưa tóc xõa vai ngoan
Em về cây thắp đôi hàng nến soi
Cành xanh lá biếc đâm chồi
Tình ta giọt nắng tinh khôi cháy bừng

Ngày mưa tháng nắng bềnh bồng
Nép bên nhau chiếc dù chung che tình
Thế rồi đôi ngả lênh đênh
Xa nhau từ độ gập ghềnh nắng mưa

Tháng Giêng hoa nở đôi mùa
Nửa hương phương ấy nửa mơ phương này
Cầm chùm hoa nở trên tay
Ngát vùng ký ức chan đầy nhớ thương

Phố chờ cây ngả nghiêng buồn
Thơ chờ câu chữ dỗi hờn gọi tên
Con đường ngan ngát hương quen
Tháng Giêng giọt nắng nghiêng mềm nhớ xa

             Trầm Vân




Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Thơ thân hữu Về Thăm Chốn Cũ của thi hữu Cao Linh Tử, Mailoc, Mai XThanh

Về Thăm Chốn Cũ

Nhẹ mái dầm xuôi Trở lại đây
Lao xao gió chướng nước sông đầy
Lục bình lững thững rà be mạn
Thầy bói lưng chừng vỗ bóng mây
Thuở ấy mồ hôi đầy ruộng lúa
Đời như cỏ cú dưới ngàn cây
Theo dòng lão khách nghe man mác
Chuyện cũ mơ hồ khắp đó đây.
        Cao Linh Tử
        23/2/2017

Chữ Nho... Dễ Học - Bài 30- (Đỗ Chiêu Đức) mà học... không dễ

                      CHỮ NHO... DỄ HỌC  (Bài 30)
                                   Các Bộ 10 nét
                                       

       Trước khi bắt đầu bài viết nầy, như thường lệ, mời tất cả cùng đoán chữ đố của bài viết trước:
               Loan phụng hòa minh,   鸞鳳和鳴,
               Bách niên giai lão.         百年偕老.
Có nghĩa :
       Chim Loan chim phượng cùng hòa chung tiếng gáy,
       Cùng chung sống với nhau đến già, đến trăm năm.
Giải Đáp :
       Hai câu trên là hai câu chúc cho đôi TRAI GÁI nên duyên cầm sắc, chung sống với nhau cho đến bạc đầu. Đó là sự Hoà Hợp giữa TRAI là TỬ 子 và GÁI là NỮ 女; Trai Gái hòa hợp nhau là việc Tốt, nên khi ghép chữ NỮ 女 và chữ TỬ 子 lại với nhau, ta có chữ HẢO 好 là Tốt, là Lành, là Đẹp, là Xinh, là Ngon, là Hay !
       Nhớ lại 3 năm trước, khi còn làm trong trường học, các thầy cô giáo người Mỹ có nhờ tôi nói về sự hình thành của chữ Hoa, lúc nói đến chữ Hội Ý (ideatives), tôi đã dùng chữ HẢO nầy để làm ví dụ. Khi tôi nói  ghép chữ "TỬ 子 là BOY" và chữ "NỮ 女 là GIRL" lại với nhau thì ta có chữ... Tôi chưa kịp nói hết câu, thì các thầy cô Mỹ đều buột miệng nói là "SEX." Tôi ngạc nhiên hết sức! Thì ra, họ rất thực tế và rất tự nhiên theo cuộc sống thực dụng của người Mỹ.  Sau khi nghe tôi nói đó là chữ "HẢO  là GOOD" thì họ mới cười xòa!  Hai nếp sống Đông Tây qủa khác nhau một trời một vực, trong khi tây phương rất tự nhiên và thoải mái về vấn đề nam nữ, thì Đông phương lại bị gò bó bởi nề nếp lễ giáo Nho phong, như thiên "Chu Nam. Quan Thư 周南. 關雎 " trong Kinh Thi: 
              
  參差荇菜,左右流之。Sâm si hạnh thái, Tả hữu lưu chi.
  窈窕淑女,寤寐求之。Yểu điệu thục nữ, Ngụ mị cầu chi.
  求之不得,寤寐思服。Cầu chi bất đắc, ngụ mị tư phục.
  悠哉悠哉,輾轉反側。Du tai du tai, Triển chuyển phản trắc.

          Image result for 參差荇菜,左右流之  Image result for 參差荇菜,左右流之   

                       Image result for 參差荇菜,左右流之
                   Yểu điệu thục nữ, ngụ mị cầu chi.
Có nghĩa :
      So le rau Hạnh, phải trái xuôi dòng.
      Yểu điệu thục nữ, đêm nhớ ngày mong.
      Cầu mà chẳng được, thức ngủ nhớ mong.
      Dài thay dài thay, trăn trở mấy vòng!      
Lục bát :
                    Kìa xem rau hạnh so le,
             Theo nước trong xè phải trái chảy đi.
                    Cô em yểu điệu nhu mì,
             Ngày mong đêm nhớ kể gì thời gian.
                    Cầu mà chưa được chẳng an,
             Thức ngủ mơ màng đêm nhớ ngày mong.
                    Dài ghê đêm tối mông lung,
             Nằm mãi trong mùng trăn trở trở trăn!
 
      HẢO 好 khi đọc là HIẾU hoặc HÁO thì có nghĩa là: Ưa, Thích, Ham, Tham. Như:
      HIẾU HỌC 好學 : là Ham học, thích học.
      HIẾU KHÁCH 好客 : là Thích Tiếp khách, Tốt với khách.
      HIẾU CHIẾN 好戰 : là Hăng máu thích đánh nhau.
      HIẾU SỰ 好事 : là Nhiều chuyện, thích gây sự rắc rối.
      HÁO TÀI 好財 : là Tham tiền, ham tiền.
      HÁO SẮC 好色 : Thích gái đẹp, chết mê chết mệt vì gái.
      HÁO THỰC 好食 : là Ham ăn hốt uống.
      HÁO DANH 好名 : là Thích nổi tiếng, là Ham mê danh vọng.
 
1. BỘ TIÊU  : Còn đọc là BƯU, SAM.
    TIÊU   : là Lông Tóc dài rủ xuống. TIÊU 髟 là bộ mượn Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết như sau :
                          Kim Văn     Đại Triện    Tiểu Triện    Lệ Thư 
 Cách viết
金文金文大篆小篆繁体隶书
 Ta thấy :
     Chung Đĩnh Văn (Kim Văn) là hình tượng của một người đứng xoay mặt và tay đưa về bên trái, bên phải là ba sợi tóc dài bay về phía sau. Qua Đại Tiểu Triện diễn tiến thành bộ TIÊU 髟. Tiêu thuần túy là một BỘ, không phải là một CHỮ.
     Có tất cả 70 chữ được ghép bởi bộ TIÊU 髟 đều có liên quan đến râu tóc, tiêu biểu có chữ :
     PHÁT 髮 : là Lông mọc ở trên đầu, gọi là TÓC. HẮC PHÁT 黑髮 là Tóc Đen, ta gọi là Tóc Xanh, chỉ tuổi trẻ. BẠCH PHÁT 白髮 là Tóc Trắng chỉ tuổi già. Khuyến Học Thi của Nhan Chơn Khanh đời Đường có câu :
       Hắc phát bất tri cần học tảo,        黑髮不知勤學早,
       Bạch đầu phương hối độc thư trì.  白頭方悔讀書遲。
Có nghĩa :
     Tóc còn xanh còn trẻ mà không sớm siêng năng học tập, thì...
     Đến khi đầu bạc rồi mới hối tiếc, muốn học thì đã muộn màng rồi!
             Inline image   Inline image  Inline image
                         Hắc phát bất tri cần học tảo         

    KẾT PHÁT PHU THÊ 結髮夫妻 : là Vợ Chồng Kết Tóc, chỉ Vợ Chồng lấy nhau từ thuở còn trẻ. Ngày xưa, trai 20 tuổi thì búi tóc để đội mão; Gái thì 15 tuổi búi tóc để cài trâm. Kết Tóc là Búi tóc để chỉ đã khôn lớn trưởng thành rồi, kết hôn được rồi. Cho nên, vợ chồng lấy nhau lúc còn trẻ thì gọi là KẾT PHÁT PHU THÊ 結髮夫妻, cũng có nghĩa là người hôn phối chính, có cưới hỏi đàng hoàng. Đêm động phòng hoa chúc, trước khi uống rượu hợp cẩn giao bôi, thì theo lệ Nam tả Nữ hữu cùng cắt một lọn tóc xuống để kết lại với nhau, với ý là vợ chồng sẽ đồng cam cộng khổ và sẽ gắn bó với nhau suốt  đời. Lúc Kim Kiều tái hợp, Kim Trọng đòi làm lễ cưới với Kiều, cô Kiều đã từ tạ rằng:
                      Chàng dù nghĩ đến tình xa,
                  Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.
                       Nói chi KẾT TÓC xe tơ,
                  Đã buồn cả ruột mà nhơ cả đời !

  
     Ta còn có thành ngữ TÀO KHANG PHU THÊ 糟糠夫妻 : Ta nói là Vợ Chồng Tấm mẳn, chỉ vợ chồng cưới nhau từ lúc còn hàn vi nghèo khổ (chỉ có ăn cám ăn tấm với nhau mà thôi). Cho nên :
     KẾT PHÁT CHI THÊ 結髮之妻 : là Nguyên phối, vợ chánh, vợ lớn.
     TÀO KHANG CHI THÊ 糟糠之妻 : là Bà vợ lúc còn nghèo khổ, phải biết trân trọng không được bạc đãi. Có câu TÀO KHANG CHI THÊ BẤT KHẢ HẠ ĐƯỜNG 糟糠之妻不可下堂: là Người vợ lúc còn hàn vi (bây giờ đã vinh hiển) thì không được cho xuống nhà dưới; dù có cưới thêm bao nhiêu vợ nữa thì cũng là Thứ Thiếp mà thôi. Bà Vợ Lớn luôn luôn là Chánh Thê phải ở nhà trên hẵn hoi! Cô Kiều cũng đã biết thân mình lẻ mọn, cho nên khi về với Thúc Sinh nàng cũng thừa lúc "Trướng hồ vắng vẻ đêm thanh, E tình nàng mới bày tình riêng chung" mà khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư, trong khi:
                        Tin nhà ngày một vắng tin,
                 Mặn tình cát lũy, nhạt tình TÀO KHANG.

    Câu TÀO KHANG CHI THÊ có xuất xứ như sau:
    Vào thời Đông Hán, có quan Đại Tư Không Tống Hoằng, làm quan thanh liêm chính trực, rất được Quang Võ Đế là Lưu Tú xem trọng, ông làm quan đến chức Tuyên Bình Hầu.
    Chị của Quang Võ Đế là Hồ Dương Công Chúa vừa mới góa bụa. Võ Đế có ý gả chị mình cho Tống Hoằng, nhưng không biết ý của chị mình ra sao. Một hôm hai chị em đang bàn luận về các triều thần, khi nhắc đến Tống Hoằng, Hồ Dương Công Chúa khen ông ta là người chính trực lại có oai phong đức độ, quần thần không ai bằng được. Nhà vua nghe nói cả mừng, bảo công chúa đứng sau bình phong, rồi triệu kiến Tống Hoằng mà hỏi rằng: "Ta nghe ngạn ngữ có câu: "Quý dịch giao, Phú dịch thê 贵易交,富易妻 " (Giàu đổi vợ, sang đổi bạn) đó là tình đời hay sao?" Tống Hoằng nghe nói biết là chắc có ý gì đây, bèn thẳng thắng mà đáp rằng: "Thần nghe nói là BẦN TIỆN CHI GIAO MẠC KHẢ VONG, TÀO KHANG CHI THÊ BẤT HẠ ĐƯỜNG 貧賤之交莫可忘,糟糠之妻不下堂 (Bạn bè thân giao lúc nghèo khó thì không thể quên được; còn người vợ lúc cơ hàn thì không thể bỏ đi được!)
      Vua Quang Võ nghe thế thì quay vào phía bình phong mà nói rằng: "Chuyện nầy không xong rồi chị ơi!"  Từ đó về sau, càng xem trọng Tống Hoằng hơn trước nữa.
  
     HỒ, TU, NHIỄM, 鬍,鬚,髯 : HỒ là Râu dưới cằm, TU là Ria trên 2 mép môi, NHIỄM là Râu mọc từ 2 bên tóc mai trở xuống. Có tất cả 5 chòm râu mọc ở trên mặt. Ta có từ:
     HỒ TU 鬍鬚 : là từ kép chỉ Râu Ria. TU MI 鬚眉 : Râu và Chơn Mày của đàn ông, vì đàn bà ngày xưa khi làm đẹp thường cạo sạch cả chơn mày để vẽ lại cái mới cho đẹp và đúng theo ý mình muốn, cho nên MÀY RÂU hay RÂU MÀY là biểu tượng của người Đàn Ông. Nếu cạo sạch cả mày lẫn râu thì chỉ có những kẻ ăn chơi đàng điếm như Mã Giám Sinh trong Truyện Kiều:

                         Qúa niên trạc ngoại tứ tuần,
                    Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao!

     Khác với Từ Hải khí vũ hiên ngang với:

                         RÂU HÙM hàm én mày ngài,
                   Vai năm tấc rộng thân mười thước cao!

     RÂU HÙM là HỔ TU 虎鬚 từ dùng để chỉ hàm râu oai hùng của các Hổ Tướng!
     MỸ NHIỄM CÔNG 美髯公 : là Ông già có bộ râu đẹp. Đây cũng là ngoại hiệu của Quan Vân Trường Quan Công đời Tam Quốc, và cũng là ngoại hiệu của Thiên Mãn Tinh Chu Đồng, vị anh hùng thứ 12 trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
            Inline image  Inline image  Inline image
              鬍 Râu                     Ria                 Râu Năm Chòm
 
2. BỘ SƯỞNG  :
    SƯỞNG  : là Rượu Nếp Than dùng để cúng tế. SƯỞNG là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:

  Nét chữ金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Kim Văn và Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của đồ đựng và ủ rượu, những chấm đen tượng trưng cho bã rượu do ướp bằng nếp than và cỏ uất kim hương. Đây là thứ rượu dùng để cúng tế thần thánh vào ban đêm của ngày xưa, theo sách Hán Thư 汉书·宣帝纪 Tuyên Đế kỷ thì "Tiến Sưởng chi tịch, thần quang giao thố, hoặc đăng vu thiên, hoặc giáng ư địa 薦鬯之夕。神光交錯。或登于天。或降於地."  Có nghĩa: Vào đêm cúng dâng rượu thánh có những vệt chớp sáng giao nhau, hoặc chiếu lên trời hoặc xẹt xuống đất.
      Tiêu biểu cho bộ SƯỞNG chỉ có một chữ:
   鬱 UẤT : là Buồn bã trong lòng, như UẤT ỨC 鬱抑 ; Buồn bã chất chứa bị đè nén ở trong lòng.
   憂鬱 ƯU UẤT : là Buồn rầu lo lắng day dứt mãi trong lòng.
   鬱鬱 UẤT UẤT : là Buồn rầu sầu khổ âm thầm chịu đựng. UẤT UẤT còn chỉ Cây cỏ xanh tươi rậm rạp. Ta có thành ngữ:
   鬱鬱蒼蒼 UẤT UẤT THƯƠNG THƯƠNG: là Rậm rạp xanh om một dãy, như trong bài Thủy Kinh Chú của Lệ Đạo Nguyên đời Bắc Ngụy: 仰視岩石松樹,鬱鬱蒼蒼,如在雲中 Ngưỡng thị nham thạch tùng thọ, uất uất thương thương, như tại vân trung. Có nghĩa : Ngẩng trông đá núi rừng thông, xanh om rậm rạp, như lẫn khuất tận trong mây xanh.
    UẤT 鬱 còn có nghĩa là mùi thơm nồng nặc. Như PHỨC UẤT 馥 鬱 là Mùi thơm đậm đà nồng nặc. Giới bình dân nói là Thơm Phức. Ta có tên của một loại thảo mộc rất nổi tiếng là:
    鬱金香 UẤT KIM HƯƠNG : Tên khoa học là Tulipa gesneriana, ta quen gọi là Hoa Tu-lip, là Quốc Hoa của nước Hà Lan, người Hà Lan gọi là Tulpenmanie; tiếng Anh là Flower of Common Tulip,Flower of Late Tulip. Trong Thái Bình Ngự Lãm và Bổn Thảo Thập Di có tên là Uất Kim Hương, nở rộ khoảng tháng Tư tháng Năm Dương lịch.
     Nguồn gốc của Uất Kim Hương phát xuất từ đâu, đến nay vẫn chưa xác định; chỉ biết khoảng 500 năm trước, những người sống ở các nước Trung Á có khăn đội đầu quấn tròn giống như là hình tượng của một đóa Uất Kim Hương. Chữ "Tulipa" có nghĩa là "Khăn quấn đầu" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên có chuyên gia nghiên cứu cho rằng hoa Tulip vốn có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Địa Trung Hải, đến năm 1863 mới truyền vào Hà Lan rồi dần dà trở thành Quốc Hoa và là biểu tượng của nước nầy cho mãi đến hiện nay.

      Image result for 鬱金香 Image result for 鬱金香 
   
                           Image result for 鬱金香
                             鬱金香  Uất Kim Hương

     芬芳馥鬱 PHÂN PHƯƠNG PHỨC UẤT: Mùi hương thơm ngát nồng nặc lan tỏa khắp nơi.

3. BỘ ĐẤU  :
    ĐẤU  : là Đánh Nhau. ĐẤU 鬥 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:

 Nét viết
甲骨文
金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn là hình tượng của 2 người đang sửng tóc lên, hai tay đang câu vào nhau như sắp sửa đánh nhau, nên ĐẤU 鬥 là Đánh nhau xem ai hơn ai thua, là So tài cao thấp, như ĐẤU VĂN 鬥文, ĐẤU VÕ 鬥武, ĐẤU TRÍ 鬥智 ...
     ĐẤU 鬥 là cho các con vật hơn thua với nhau. Như : ĐẤU KÊ 鬥雞 là Đá Gà, ĐẤU TẤT SUẤT 鬥蟋蟀 là Đá Dế, ĐẤU NGƯU 鬥牛 là Chọi Trâu, Tây phương gọi là Đấu Bò ...
     ĐẤU CHIẾN THẮNG PHẬT 鬥戰勝佛 : là Phật Hiệu của con khỉ đá xưng là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không sau khi phò Đường Tam Tạng thỉnh kinh xong được Phật Tổ Như Lai phong cho Phật hiệu nầy. Thật ra, trong 《决定毗尼经》Quyết Định Tì Ni Kinh có nhắc đến Tam thập ngũ (35) Phật trong Thập Phương nhất thiết thế giới,  đứng hàng thứ 31 đã có Đấu Chiến Thắng Phật rồi, Ngô Thừa Ân chỉ dựa vào Phật hiệu có sẵn để gán cho Tôn Ngộ Không mà thôi, chứ đã là PHẬT thì đều là NGƯỜI TU HÀNH CÓ ĐƯỢC SỰ GIÁC NGỘ CAO NHẤT, nên không có Chức Vị, Cao Thấp Thắng Thua gì cả! Cao Thấp là do người đời gán cho mà thôi, như người đời vẫn thường quan niệm là :
                     Phật thì cao hơn Bồ Tát,
                     Bồ Tát thì cao hơn La Hán,
                     La Hán thì cao hơn Tăng Lữ ....

        Inline image    Inline image   
                          Inline image                
     Đấu Chiến Thắng Phật.  Tôn Ngộ Không khi thành Phật
 
   ĐẤU 鬥 còn có nghĩa là Tranh Thủ cố gắng để có được, để giành lấy, như  ĐẤU TRANH 鬥爭, TRANH ĐẤU 爭鬥, PHẤN ĐẤU 奮鬥 ...
   ĐẤU 鬥 là Đánh nhau, nhưng ĐẤU KHẨU 鬥口 là Cải lộn nhau, chưởi lộn nhau như Cao Bá Quát đã diễn tả lại cho vua nghe cuộc cải cọ rồi ẩu đả nhau giữa hai vị quan trong triều là Phan Văn Nhã và Võ Văn Khải đánh nhau vì chuyện văn chương.  Ông Khải xem bài ông Nhã, chê kém, và nói Văn như thế, chó nó cũng làm được. Thế là sinh sự đánh nhau đến sức đầu mẻ trán. Khi vua hỏi, Cao Bá Quát đã tường thuật lại như thế nầy:
           Bất tri hà sự,                            不知何事,
           Lưỡng tương đấu khẩu.           兩相鬥口。 
           Bỉ viết cẩu,                                 彼曰狗,
           Thử diệc viết cẩu.                      此亦曰狗。
           Bỉ thử giai cẩu.                           彼此皆狗。
           Dĩ trí đấu ẩu,                              以致鬥毆,
           Thần kiến thế nguy thần tẩu!   臣見勢危臣走! 
Có nghĩa :
                Chẳng biết việc chi,
                Hai người cùng ĐẤU KHẨU với nhau.
                Người nầy nói chó,
                Người kia cũng nói chó.
                Cả hai đều chó.
                Đến nỗi ẩu đả nhau,
                Thần thấy thế nguy nên thần chạy!

     ĐẤU DIỄM 鬥艷 : là So sánh xem ai đẹp hơn ai. Ta có thành ngữ ĐẤU DIỄM TRANH PHƯƠNG 鬥艷爭芳 dùng cho cả Hoa lẫn Người đẹp : là tranh nhau xem ai đẹp hơn ai, ai thơm hơn ai?!
    ĐẤU DŨNG 鬥勇 : là Tranh nhau xem ai dũng cảm gan dạ hơn ai.
    ĐẤU TRÍ 鬥智 : là Xem coi ai cơ trí khôn ngoan hơn ai.
    ĐẤU LỰC 鬥力 : là xem coi ai mạnh mẽ hơn ai.
    ĐẤU KHÍ 鬥氣 : là Tranh hơi, là Làm Nư với ai đó.
    ĐẤU PHÁP 鬥法 : là Đấu xem pháp thuật của ai cao cường. Dân Lục tỉnh gọi là Đấu Phép.
    ĐẤU gì thì ĐẤU, không có ĐẤU nào bằng... ĐẤU TỐ 鬥訴 của Cộng Sản cả! Như :
    ĐẤU TỐ ĐỊA CHỦ 鬥訴地主
    ĐẤU TỐ TƯ SẢN 鬥訴資產
    ĐẤU TỐ TRÍ THỨC TIỂU TƯ SẢN 鬥訴智識小資產...

   Inline image Image result for Đấu tố trí thức tiểu tư sản 

                          Inline image  
                      Các hình thức đấu tố của Cộng Sản
 
     Có tất cả 10 chữ được ghép bởi bộ ĐẤU nầy, tiêu biểi có chữ:
   NÁO 鬧 : là chữ Hội Ý, gồm có chữ ĐẤU 鬥 là đánh nhau và chữ THỊ 市 là Chợ.  Đánh nhau ở giữa chợ sẽ làm cho Náo Động ồn ào. NÁO là ồn ào náo nhiệt. Chữ NÁO nầy cũng đồng nghĩa với chữ "Thị tại môn tiền NÁO 閙" của 2 câu thơ mở đầu bài Hát nói Chữ Nhàn của cụ Nguyễn Công Trứ.
    NÁO là không yên tịnh, như :
    NÁO THỊ 鬧市: là Chợ búa ồn ào. Tăng Quảng Hiền Văn có câu :
         Bần cư NÁO THỊ vô nhân vấn,       貧居鬧市無人問,
         Phú tại thâm sơn hữu viễn thân.    富在深山有遠親。
Có nghĩa :
     Nghèo mà ở nơi chợ búa ồn ào cũng không có ai thèm hỏi tới,
     Còn giàu mà ở nơi núi thẳm rừng sâu thì cũng có bà con ở xa tìm đến thăm hỏi. 
     Câu nầy còn có một dị bản là :
         Bần cư tại thị vô nhân thức,          貧居在市無人識,
         Phú tại thâm sơn hữu khách tầm.  富在深山有客尋。
Có nghĩa :
     Nghèo mà ở tại chợ cũng không có người biết đến, còn...
     Giàu mà ở trong núi sâu cũng có khách tìm đến thăm!
     Nhưng, lại có câu ...
                NÁO lý hữu tiền,    鬧裡有錢,
                Tịnh xứ an thân.    靜處安身。
Có nghĩa :
     Ở nơi ồn áo náo nhiệt thì dễ kiếm tiền, còn...
     Ở nơi yên tịnh thì sẽ được yên thân. Được cái nầy thì mất cái kia, chuyện đời vốn dĩ là thế!

     NÁO 鬧 còn có nghĩa là Làm cái gì đó để vui chơi, như ...
           NÁO HÍ 鬧戲 là Chọc phá chơi cho vui.
           NÁO ĐỘNG PHÒNG 鬧洞房 : là bạn bè choc phá cô dâu chú rễ trước giờ động phòng hoa chúc cho vui. Nhưng...
           NÁO TIẾU THOẠI 鬧笑話 không phải là Nói chuyện cho vui cười chơi, mà là: Làm trò cười cho người khác !  
     NÁO 鬧 còn có nghĩa là Xảy ra, là Vướng phải, như: 
          NÁO BỆNH 鬧病: là Bị bịnh, nhuốm bịnh.
          NÁO THỦY TAI 鬧水災 : là Xảy ra nạn nước lụt.
     NÁO 鬧 còn chỉ sức sống đang vươn lên một cách mạnh mẽ, như trong bài từ Ngọc Lâu Xuân của Tống Kỳ đời Bắc Tống nổi tiếng với  hai câu:
             綠楊煙外曉寒輕, Lục dương yên ngoại hiểu hàn khinh,
             紅杏枝頭春意鬧。 Hồng hạnh chi đầu xuân ý NÁO.
Có nghĩa :
     Sương sớm phủ mờ hàng dương liễu trong hơi lạnh nhè nhẹ của buổi ban mai, một cành hồng hạnh đỏ rực trên đầu cành như vươn tỏa sức sống bồng bột của mùa xuân đang độ.
Tạm dịch :
                     Xanh om liễu rũ mờ sương sớm,
                     Đỏ rực đầu cành hạnh đón xuân ! 

           Image result for 紅杏枝頭春意鬧  

           Inline image
           Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo
 
      Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng nhau đoán một chữ cho vui:
                      左边不出头,  Tả biên bất xuất đầu,
                      右边不出头,  Hữu biên bất xuất đầu,
                      不是不出头,  Bất thị bất xuất đầu,
                      就是不出头!    Tựu thị bất xuất đầu !
Có nghĩa :
                     Bên trái không lú đầu,
                     Bên phải không lú đầu,
                     Không phải không lú đầu,
                     Chính là không lú đầu !

                 Đoán một chữ với 4 câu trên !

     Hẹn gặp lại bài viết sau: Các bộ 10 nét ( tt và hết )

                             Đỗ Chiêu Đức