Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Tưởng Nhớ GS Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương - Nguyễn Lý Tưởng

Tưởng Nhớ GS Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương
Bài của Nguyễn Lý-Tưởng
(Cựu sinh viên Khóa I Viện Hán Học, cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm và Văn Khoa Huế)

1.Làng Ngọc Anh
Bạn tôi là anh Lê Ngọc Bích cho biết quê anh ở gần nhà “Thầy Dương” và hứa sẽ dẫn tôi về thăm. “Thầy Dương” là thầy dạy của anh chị em chúng tôi tại Viện Hán Học Huế từ 1960.
Năm 1959, tôi từ Sài Gòn ra Huế thi vào năm thứ I khóa I Viện Hán Học. Tôi nghe người ta nói đến một giáo sư trẻ, mới khoảng 26, 27 tuổi từ Sài Gòn ra, sẽ là giáo sư dạy chúng tôi về Hán văn, bạch thoại (tiếng Hoa), triết học Trung Hoa, văn chương Việt Nam,v.v... Thời gian đó, Thầy được tham gia phái đoàn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đi thăm Đài Loan (Trung Hoa Quốc Gia) với tư cách là thông dịch (Hoa- Việt và Việt-Hoa)... Phái đoàn tháp tùng Tổng Thống toàn là những nhà Nho được xem là loại cổ thụ, những bậc khoa bảng ngày xưa còn sót lại như cụ Nguyễn Huy Nhu (Tiến sĩ Hán học, Hội trưởng Hội Khổng học VN), cụ  Lương Trọng Hối (cử nhân Hán học, Dân Biểu Quốc Hội VNCH), Linh mục Nguyễn Hy Thích (giáo sư Đại học, đã từng lều chõng đi thi ...) và Giáo sư Nguyễn Văn Dương, cử nhân văn chương Việt Hán tại Đại Học Sài Gòn, tuy là một người trẻ thuộc thế hệ sau này, nhưng là một người am hiểu cổ văn, bạch thoại, lại còn thông thạo Anh văn, Pháp văn nữa. Thế hệ trẻ sau này mà có được một người như Thầy Dương thật là đặc biệt, hiếm hoi, không phải bất cứ ai cũng có thực học như thầy. 
Thầy sinh trưởng trong một gia đình nghèo, ở nhà tranh, cha mẹ thuộc thành phần nhân sĩ trong làng nhưng cũng chỉ là dân quê như mọi người và không có địa vị gì trong xã hội. Làng Ngọc Anh, cách Vỹ Dạ chừng một cây số rưỡi,  thời đó, có lẽ “Thầy Dương” là người có học vị cao nhất. 
Từ khi mới vào lớp mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp Đại học, thầy Dương đã được đào tạo chính quy, trải qua những trường giỏi từ Huế đến Sài Gòn. Nhờ nắm vững những phương pháp căn bản từ mẫu giáo đến Đại học, thầy đã lấy được các bằng cấp dễ dàng. Nhưng điều quan trọng, thầy là một người ham học, chăm học và có kiến thức rộng, trình độ học vấn cao là nhờ tự học. Thầy ham mê đọc sách, nghiên cứu, có tiền thì mua sách và trong nhà thầy có đủ các sách quý gần như một thư viện riêng của gia đình.
Tôi xin giới thiệu về ông thầy của chúng tôi, giáo sư Nguyễn Văn Dương , chỉ vài lời đơn giản thế thôi.
Ba năm theo học tại Viện Hán Học Huế, chúng tôi được Thầy Dương mở rộng tầm mắt, biết được nhiều điều mới lạ: 
-Về văn chương Việt Nam (quốc văn), thầy cho chúng tôi học “chinh phụ ngâm” bản Hán văn của Đặng Trần Côn và bản dịch (của  Phan Huy Ích chứ không phải Đoàn Thị Điểm). Tài liệu căn bản là sách “Thử Giải Quyết Vấn Đề Diễn Giả Chinh Phụ Ngâm” của GS Hoàng Xuân Hãn (Pháp)...
-Về văn chương Trung hoa, chúng tôi được học về Kinh Thi (tham khảo tài liệu nghiên cứu của Thầy Dương,đó là công trình nghiên cứu để làm luận án của Thầy)
- Về Triết học Trung hoa... thầy tham khảo sách “Trung Quốc Triết Học Sử” của Phùng Hữu Lan (bản dịch tiếng Pháp là Précis d’histoire de la Philosophie chinoise)... Năm 1962,  đậu Tú Tài II,  tôi thi vào Đại Học Sư Phạm (ban Sử Địa) nên không có cơ hội học tiếng Hoa (bạch thoại) với Thầy Dương và các Thầy khác như các bạn năm thứ IV và năm thứ V sau này.
                Lễ Khai Giảng niên khóa 1961-1962 Viện Hán Học tại Phủ Nội Vụ Huế

2. Học trò ngang với tuổi Thầy:
Lớp chúng tôi có các anh Ngô Văn Lại, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Phong, Phạm Liễu ngang tuổi Thầy (sinh 1932, 1933 tuổi Thân hay Dậu), tôi kém thua Thầy 6 tuổi. Mặc dù Thầy còn trẻ, chưa có vợ, nhưng khi vào lớp, Thầy ngồi trên bàn, chúng tôi ở dưới, phân biệt thứ bậc cao, thấp rõ ràng. Anh chị em chúng tôi không ai dám xem thường và luôn giữ lễ phép. Chúng tôi ai cũng biết kiến thức của Thầy, nhất là các bài giảng của Thầy luôn được tham khảo đầy đủ, cẩn thận, truyền thụ cho chúng tôi những kiến thức mới, hướng dẫn chúng tôi phương pháp nghiên cứu và khuyến khích chúng tôi mua sách hoặc tìm đọc những sách liên quan đến chương trình học.
Tôi biết Thầy là người có thực học nhưng ra đời ít bạn bè, không có thế lực nên con đường tiến thân rất chậm. Thầy cũng không phải là người biết lợi dụng cơ hội. Thầy đã được Tổng Thống Ngô Đình Diệm biết đến, nhưng  Thầy chỉ lo nghiên cứu sách vở, dạy học mà không hề nghĩ đến “fructifier” (động từ tiếng Pháp mà Thầy hay nói)... Đáng lẽ ra, với tuổi trẻ và thực học như Thầy, nếu có người “đỡ đầu” thì Thầy đã được xuất ngoại để lấy bằng cấp “tiến sĩ”, như thế mới có tương lai. Sau mấy năm dạy ở Huế, Thầy vô Sài Gòn nạp đơn thi “cao học”... và tiếp tục làm luận án tiến sĩ.

3. Thầy Dương “khao” chúng tôi “thi đậu”
Gần ba năm học, chúng tôi thấy Thầy Dương , chẳng những không tạo được thế lực mới mà càng ngày càng cô đơn. Con đường tương lai của chúng tôi cũng không thể chỉ giới hạn trong phạm vi Viện Hán Học. Tết năm 1962, Viện Hán Học có tổ chức Tất Niên rất lớn, chúng tôi là thành phần chủ lực. Tôi được anh chị em bầu lên làm “trưởng ban lạc diên” (danh từ do anh Dương Trọng Khương đề nghị). Chúng tôi quyết làm một trận cho nổi đình, nổi đám trước khi từ giã Viện Hán Học. Với cái vốn chữ Hán và văn bằng Tú Tài II, chúng tôi liền nộp đơn thi vào Đại Học Sư Phạm. Bốn người : Trần Vinh Anh, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Lý-Tưởng thi vào ban Sử Địa, riêng anh Ngô Văn Lại thi vào ban Việt Hán.
Có anh Lê Ngọc Bích dẫn đường, chúng tôi bốn người đi thăm Thầy Dương. Nhà Thầy Dương ở cách thành phố Huế chừng 2 – 3 cây số, Thầy có xe hơi, dù trời mưa hay nắng, Thầy vẫn đi dạy đều đều, dạy nhiều trường, dạy nhiều giờ, tất nhiên là có nhiều tiền nhưng Thầy vẫn độc thân, chưa có vợ. Thầy ở với cha mẹ tại làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Nhà  gỗ, lợp tranh,  nền xi măng rất sạch mặc dầu đang mùa hè, khí hậu oi bức, nhưng khi vô nhà, chúng tôi cảm thấy mát rượi. Vùng này thường hay ngập lụt nên nhà làm trên thế đất cao, từ trên nhìn xuống vườn trông như một chỗ trũng sâu. Thầy có làm thêm một căn nhà nhỏ ở góc vườn, chung quanh tường làm kệ sách, như một thư viện nhỏ, đó là chỗ thầy làm việc...
Chúng tôi báo tin cho Thầy biết “vừa thi đậu”... Thầy rất vui. Thầy dẫn chúng tôi đi xem nhà, xem vườn, xem thư viện nhỏ của Thầy:
-Anh em bỏ xe đạp lại đây, lên xe hơi đi ra cửa Thuận An chơi.
Nghe Thầy nói như như vậy, anh em chúng tôi đều reo lên một cách sung sướng. Thầy chở chúng tôi đến Thuận An, dừng lại trước quán ăn phía bên này. Bên kia sông là bãi cát đi ra biển. Thầy mua luôn một rổ cua mới luộc mời chúng tôi ăn “cua chấm với tiêu muối”. Chưa bao giờ trong đời, chúng tôi được ăn một lần "cả rổ cua” nhiều như vậy. Về sau tôi đã kể lại chuyện này cho mấy anh chị em khác, ai cũng nói: chưa bao giờ được Thầy Dương “chiêu đãi” như vậy. Thật đúng là “nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định”. Mỗi lần nhắc đến Thầy Dương, tôi không bao giờ quên kỷ niệm này.
Trước đây Thầy có nói “sẽ có một ngày nào đó có trăng, thầy trò chúng mình thuê một chiếc đò đi trên sông Hương...” Chưa biết khi nào sẽ thực hiện được giấc mơ đó, nhưng lần này được Thầy lái xe chở đi chơi cũng là chuyện hy hữu lắm rồi!

4. Thầy Dương viết thư cho tôi.
Năm 1962, tôi vào được năm thứ I Đại Học Sư Phạm, ghi danh hoc thêm lớp Dự Bị Văn Khoa, nếu không có biến cố 01 tháng 11, 1963 thì cuộc đời tôi vẫn bình yên vô sự, từ từ tiến lên trên đường học vấn. Nhưng biến cố 11/1963 làm thay đổi cuộc đời của tôi, hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh riêng tôi đã tạo cơ hội cho tôi “dấn thân vào con đường tranh đấu, hoạt động chính trị.” Tôi đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trên bước đường học vấn, từ 1963 trở đi tôi không còn gặp Thầy Dương tại Đại Học Văn Khoa nữa. Tôi học Sư Phạm, cố gắng tốt nghiệp để có việc làm, nuôi sống bản thân và gia đình.  Thì giờ của tôi, ngày đêm, kể cả khi học hành... tôi đều dành phần lớn cho hoạt động chính trị. Năm 1966, vừa nhận sự vụ lệnh về làm giáo sư Trung học đệ II cấp (ban Tú Tài) tại trường Duy Tân, Phan Rang thì tôi được một vị ân nhân giới thiệu dến Văn Phòng Tổng Trưởng Giáo Dục gặp Bác Sĩ Nguyễn Văn Thơ, Tổng Trưởng Giáo Dục trong Chính Phủ Nguyễn Cao Kỳ... Tôi được biệt phái về Bộ làm việc trong Văn Phòng Công Cán Ủy Viên đặc trách Thanh Niên với cụ Mai Ngọc Liệu là một nhân vật của Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam, bạn thân của BS Tổng Trưởng. (Cụ Mai Ngọc Liệu nay đã ngoài 100 tuổi, vẫn còn sống tại San Jose)... Qua công việc tại Bộ tôi được quen biết với nhiều cấp lãnh đạo trong ngành giáo dục đặc biệt có hai vị Giáo sư của Đại Học Huế trước đây là GS Nguyễn Đình Hoan (Ph.D) và GS Lê Thanh Minh Châu (Ph.D), cả hai vị đều là Phụ Tá Chuyên Môn tại Bộ. Chưa được một năm, qua mùa Hè 1967, tôi xin nghỉ giả hạn không lương để về Huế ứng cử Dân Biểu và đã đắc cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện (đơn vị tỉnh Thừa Thiên) nhiệm kỳ 1967-1971.
Từ Huế, tôi trở lại Sài Gòn, sinh hoạt tại Quốc Hội, thỉnh thoảng về thăm đơn vị, tiếp xúc với cử tri, liên lạc với chính quyền từ Tỉnh Trưởng trở xuống đến cấp quận, cấp xã... Năm 1966, tôi tình cờ gặp Thầy Võ Như Nguyện, nguyên Chủ Sự Hành Chánh rồi Phó Giám Đốc, Giám Đốc Viện Hán học trước 11/1963...  có hứa sẽ về thăm cụ, ở lại một đêm để thầy trò tâm sự... nhưng cũng không thực hiện được. Riêng với Thầy Dương, tôi luôn nhớ đến Thầy mà cũng chưa có dịp về thăm Thầy. 
 Năm 1962, khi tôi rời khỏi Viện Hán Học, Thầy Dương còn độc thân... nhưng sau Tết Mậu Thân, có lần tôi nhận được thư của Thầy nhờ giúp xin cho Cô (vợ của Thầy) được thuyên chuyển từ trường Quận về Huế cho được gần nhà vì đã có con dại. Từ đó, tôi mới biết Thầy đã có vợ, có con... và Cô cũng là một giáo sư Trung học... Năm 1970, tôi mới có con đầu lòng, là một bé gái... tình cờ một hôm Thầy Dương từ Huế vào thăm, đến thẳng đường Trương Minh Giảng Quận Ba là nơi gia đình tôi đang ở đó. Hôm đó tôi không có mặt ở nhà nên Thầy chỉ gặp vợ tôi... Không biết làm sao mà Thầy biết vợ chồng tôi đã có con đầu lòng, là con gái... và Thầy đã tặng cho con tôi một cái áo đầm. Thầy có viết mấy chữ cám ơn tôi đã xin với Bộ Giáo Dục cho Cô được về dạy ở Huế. Cái áo đầm này quá lớn so với con tôi còn nằm trong nôi nên phải đợi mấy năm nữa cháu mới có thể mặc được. Vợ tôi khen Thầy mua đâu được cái áo rất đẹp, chắc cũng nhiều tiền. Tôi có viết thư cám ơn Thầy và cũng mong có dịp về Huế, sẽ tìm đến thăm Thầy. Nhưng chiến tranh mỗi ngày một sa lầy, không làm sao giải quyết được. Mãi cho đến sau ngày 30/4/1975, tôi vẫn chưa lần nào được gặp lại Thầy Dương.

5. Không ngờ gặp Thầy Dương trên đất Mỹ
Sau ngày 30/4/1975, tôi phải “tự động đi trình diện học tập cải tạo” danh từ hoa mỹ của chế độ Cộng Sản để nói về những người đã phục vụ chính thể Việt Nam Cộng Hòa, phải vào tù vì họ thuộc về bên thua cuộc. Năm 1988, sau 13 năm bị tù ở Miền Bắc, tôi được về với gia đình tại Sài Gòn nhưng không biết Thầy Dương còn sống hay chết, đang ở đâu? Sau này mới biết, Thầy đã được về dạy tại Đại học Sư phạm Saigon và đã có học vị Tiến Sĩ Văn Chương. Năm 1992, sau bốn năm sống với gia đình tại Sài Gòn, tôi bị bắt lại và bị buộc tội “hoat động lật đổ chính quyền”. Ngày tôi bị bắt cũng chính là lúc tôi và gia đình được phái đoàn Mỹ gọi lên phỏng vấn để được xuất cảnh theo diện H.O (cựu tù nhân chính trị). Tôi phải trải qua các nhà tù biệt giam 4 Phan Đăng Lưu (Gia Định), 3-C Bến Bạch Đằng, Lao Xá Chí Hòa... từ đầu tháng 6/1992 đến đầu tháng 7/1993, tổng cộng 13 tháng. Cuối tháng 7/1994, tôi và gia đình được định cư tại California.  Mấy năm sau, tôi gặp lại nhiều anh chị em cựu sinh viên Viện Hán Học Huế, mấy lần gặp cụ Võ Như Nguyện. Tôi cũng viết lại những kỷ niệm về Viện Hán Học.
                      Thầy Dương và vài cựu sv VHH Huế tại Mỹ

Hơn mười mấy năm trước đây, tôi được tin Thầy Dương sẽ qua Mỹ thăm con gái. Tôi nhờ GS Nguyễn Văn Mỹ, là người bà con với Thầy Dương cho biết tin tức và số tel để liên lạc. Anh chị em cựu sinh viên, học trò cũ của Thầy đã tổ chức một bữa ăn để đón tiếp Thầy, gia đình tôi được hân hạnh là nơi Thầy đến thăm để gặp gỡ anh chị em... Thầy cũng có báo tin cho bạn bè của Thầy như ông bà GS Lê Văn, Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Huế, GS Bùi Nam, Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học, Bác Sĩ Đồng Sĩ Nam, đồng hương với Thầy,v.v... Tổng số người đến thăm Thầy hôm đó cũng khoảng dưới ba chục người. Thầy nói chuyện với bạn bè và học trò từ sáng đến chiều tối... Hoàn cảnh chúng tôi lúc đó còn eo hẹp, nhưng anh chị em cũng góp sức nhau để tổ chức bữa tiệc liên hoan mừng gặp lại Thầy. Chỉ có một mình Thầy đến với anh chị em chúng tôi, Cô Quế bận đi thăm con cháu không đến được. Chúng tôi mời Thầy ra trước sân nhà, chụp hình lưu niệm. Thầy đi xe đò từ San Jose đến, mất gần một ngày trời. GS Nguyễn Văn Mỹ đưa Thầy về nhà trước khi Thầy, Cô trở về Việt Nam. Anh chị em cựu sinh viên Hán Học, người nhiều kẻ ít góp nhau lại trong một bì thư. Tôi nói với Thầy: chúng em rất vui được gặp lại Thầy. Xin gởi Thầy chút tiền xe... Thầy có mang qua Mỹ một số sách, anh chị em chúng tôi chia nhau, toàn là sách quý do Thầy dịch hay biên soạn, phát hành bên Việt Nam. Tôi cũng có nhờ người bà con bên Việt Nam đến nhà Thầy lấy thêm một số sách. Thầy không chịu lấy tiền, nói “biếu anh Tưởng”.  Nhưng tôi dặn người nhà “xin Thầy nhận chút ít ấn phí để chúng tôi yên lòng” “xin Thầy đừng ngại.”

6. Vĩnh biệt GS Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương
Mấy năm gần đây, chúng tôi được tin sức khỏe của Thầy suy yếu và mới đây, anh Phan Thuận An ở Huế báo tin bệnh của Thầy khó qua khỏi. Anh chị em cựu học trò của Thầy mỗi người một nơi, liên lạc khó khăn, nhưng chúng tôi cũng liên lạc được một số, góp nhau người ít kẻ nhiều, gởi về cho Thầy. Chúng tôi nghĩ rằng quà đến tay Thầy khi Thầy còn sống thì có ý nghĩa hơn khi Thầy đã qua đời. Có một người học trò của Thầy (xin giấu tên) từ ngoại quốc về, đã đến thăm Thầy vào dịp Tết. Nhưng lúc đó Thầy đã hôn mê, chỉ được nói chuyện với Cô mà thôi.
Thầy đã ra di lúc 2:30 sáng ngày 15 tháng 2 năm 2017 (24 tháng Giêng năm Đinh Dậu) năm tuổi của Thầy, hưởng thọ 85 tuổi tính theo Việt Nam. Lễ an tang đã được tổ chức tại Sài Gòn ngày 19/2/2017 (28 tháng Giêng Đinh Dậu). Cuộc đời của Thầy hoàn toàn hiến dâng phục vụ giáo dục và văn hóa. Thầy đã để lại cho đời một số tác phẩm nghiên cứu văn học, sách dịch,v.v. dù thân xác của Thầy sẽ ra tro bụi, nhưng tinh thần và đời sống gương mẫu đạo đức của Thầy vẫn còn sống mãi với con cháu, dòng họ và cựu môn sinh của Thầy.
“Thành Kính Phân Ưu”
Nguyễn Lý-Tưởng (Học trò cũ của Thầy)

California, 21/2/2017


Không có nhận xét nào: