Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) - Chương 2: Hải phận Bình Định

               Đời Thủy Thủ II

                                 Vũ Thất

                 


         Chương 2:   Hải phận Bình Định


Thứ sáu 4/8/1967 19:30G

Tôi vịn khung cửa thông ra boong tàu nhìn mấy mươi lính thủy trong đồng phục trắng dàn hàng từ mũi đến lái. Ngay khi tiếng còi vang lên, tất cả thẳng người, trang nghiêm giơ tay chào phố thị Quy Nhơn. Con tàu từ từ tách bến hướng về cửa vịnh. Tôi dõi mắt tìm bóng dáng Hưng và Anh Đào. Con đường Gia Long dài hun hút. Các mái phố lầu nhuộm ánh vàng chạy lùi trên hàng mũ polo trắng. Hưng và Anh Đào đang vẫy tay ở đúng vị trí tôi xuống xích lô. Tôi nồng nhiệt gửi đi những nụ hôn gió.

Những ngày đầu tôi đến với gia đình Hưng, cả hai bên đều vất vả với ngôn ngữ bất đồng. Giọng Bình Định đấu với giọng miệt vườn miền Tây. Với tôi thì đó là sự việc bất ngờ. Ngày tôi quen Hưng, giọng Bình Định của anh đã bị giọng Sài Gòn đồng hóa sau 15 năm làm học trò và làm việc. Tuy nhiên, bất kể trở ngại ngôn ngữ, Anh Đào lại tỏ ra hết sức thân thiết với tôi và ba má Hưng thì xử sự như tôi đã là con dâu tương lai. Tháng trước, tôi đưa Hưng về Vĩnh Long ra mắt ba má tôi và Hưng được ông bà cho phép đưa tôi ra mắt ba má Hưng. Tôi những tưởng hạnh phúc đang trong tầm tay…

Từng mệnh lệnh ngắn gọn, dứt khoát “máy hữu tiến”, “máy tả lùi”, “lái thẳng…  vọng mồn một đâu đó, bên trên. Sau một lệnh là tiếng nhắc lại kèm theo tiếng leng keng. Tôi nghiêng đầu nhìn ngược lên phía tiếng nói nhưng chỉ thấy đáy của một chiếc ca-nô. Gió hâm hấp từng đợt ập vào người tôi, xóa dần độ mát của không khí điều hòa bên trong con tàu. Khi chiếc cầu đã xa sau lái, tiếng còi lại vang lên chấm dứt dàn chào.

Tôi đứng lùi vào, nhường khung cửa cho từng người bước qua. Tôi nhẩm đếm. Người cuối cùng thứ bốn mươi chín. Nếu kể luôn những người đang thi hành nhiệm vụ ở các vị trí khác, hẳn tổng số thủy thủ cũng tròn một trăm. Mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình. Nhiệm vụ của tôi là phải đặt quả bom đâu đó có thể gây thiệt hại tối đa cho người và chiến hạm. Đó là điều kiện cần và đủ để Thành Ủy cho phép tôi và Hưng thành vợ thành chồng.

Tôi bước ra boong, vịn sợi dây an toàn chăng dọc mạn tàu, cao ngang ngực. Từ cuối tầm nhìn, bãi cát trắng ôm vùng nước xanh còn đầy ghe đánh cá chưa rời bến. Vài căn ngói đỏ ẩn hiện giữa rừng cây tiếp liền rặng núi. Thành phố chia thành hai phần rõ rệt. Phần mái nhà còn là ngày, phần vách tường đã ngả hoàng hôn.

Tôi nghĩ đến ba má Hưng, thầm cám ơn đã tiếp đãi ân cần, đã yêu thương chiều chuộng. Xin bái biệt giang sơn của anh hùng áo vải Quang Trung, thần tượng đời đời. Xin cảm ơn những danh lam thắng cảnh. Xin từ giã các con đường vắng vẻ tôi và Hưng lang thang vạch định tương lai. Xin chia tay các hàng quán thôn làng cho thưởng thức hương vị các đặc sản tuyệt vời.

Suốt hai tuần, Quy Nhơn đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp nhưng không hiểu sao tôi không mảy may có ý muốn trở lại. Có thể vì Quy Nhơn quá khô cằn, nóng bức, quá chộn rộn, xô bồ với hàng quán ngày một nhiều đua nhau đáp ứng nhu cầu giải khuây lính Mỹ, lính Hàn. Cũng có thể vì Quy Nhơn ghi dấu chuyến công tác đầu đời mà chắc chắn là tôi muốn quên đi, chuyến công tác mà tôi và Hưng đã lời qua tiếng lại suốt ba ngày. Rốt cuộc, thấy Hưng có lý, tôi nhận lời…

Dù luôn luôn tự tin, nhưng đây là lần đầu, lại là công tác chết người, tôi không sao đè nén được nỗi lo âu. Tôi đề nghị Anh Đào cùng đi nhưng Hưng viện ba lý do để không đồng ý. Anh Đào vừa đi dò đường tháng rồi. Hai người đẹp cùng một chuyến dễ sinh nghi ngờ. “Trên” chọn tôi vì công tác này đòi hỏi một người lanh lợi, hoạt bát.

Tôi nhìn xuôi theo lái tàu. Tôi không còn nhận ra bóng dáng Hưng và Anh Đào. Cửa vịnh đã lờ mờ hoàng hôn, chỉ còn rõ nét mũi vách đá của bán đảo Phương Mai. Bên trái là Xóm chài đã lên đèn, Đầm Thị Nại phủ đầy những đốm sáng của ghe câu. Bên trái ngọn hải đăng Phước Mai là vùng nước thẫm xanh mênh mông chập chờn ánh lân tinh. Gió lồng lộng, hâm hấp, khô khan.

Phố Quy Nhơn chưa mấy xa mà tôi đã bắt đầu da diết nhớ Hưng. Hai năm trước, chúng tôi quen nhau. Hưng học năm cuối Kiến Trúc, tôi mới vào Sư Phạm. Vào một tối ca nhạc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở sân trường Văn khoa, chúng tôi đứng gần nhau và cùng chạy trốn khi mật vụ giải tán. Từ đêm đó chí hướng của tôi bắt đầu thành hình. Mỗi tháng một lần, Hưng đưa tôi ra ngoại ô dự buổi học tập đường lối chánh sách cách mạng. Tôi đã nhìn thấy Mỹ là quân xâm lược, là tên sen đầm quốc tế. Và ngày qua ngày tôi càng yêu quý Hưng hơn. Tháng rồi anh ngỏ ý muốn cưới tôi. Tôi vui sướng nhận lời…

Bãi đá cuội ven bờ trông quen quen, chừng như là bãi tắm Hoàng Hậu. Nếu đúng vậy thì trên khoảng cao là mộ Hàn Mặc Tử hoang lạnh. Hưng cũng đưa tôi đến trại cùi Quy Hòa, thắp nhang ngôi mộ ông an nghỉ thời gian đầu. Tôi rất mê thơ ông và thương xót đời ông. Hưng thì chỉ thích thơ hừng hực đấu tranh.

Cơn gió đột ngột mang theo mùi khói khét lẹt, phần phật vào người vào mày mặt làm tôi nhờn nhợn nôn mửa. Tôi nắm chặt một trụ cột, nín thở. Rồi từ từ thở ra, hít vào. Đó là kinh nghiệm của Anh Đào. Tôi thấy khá hơn nhưng khói tàu vẫn tiếp tục quấn lấy tôi. Tôi hốt hoảng đi dần về hướng lái hy vọng thở được không khí trong lành. Nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, phần lái nhấp nhô, lay lắc mạnh hơn và tiếng ồn rầm rập,  rì rào to hơn. Tôi lần đến ngồi lên một trong hai trụ sắt kề nhau có sợi dây to quấn chéo hình số 8, nhắm mắt lắng nghe phản ứng của cơ thể. Nó có vẻ hòa hợp với sóng gió. Tôi hít một hơi dài rồi thở mạnh, rồi lại hít, lại thở, theo hướng dẫn của Anh Đào. Cũng theo lời khuyến cáo, tôi cố gắng tỉnh bơ, phớt lờ hiện trạng.

Những dải mây nhiều sắc màu chỉ còn hai màu duy nhất đen và trắng chen lẫn những vì sao.

Đang mải mê, con tàu bỗng vặn vẹo, nhấp nhô, đong đưa, rung rinh. Tôi lại nghe nhờn nhợn khó chịu. Cả thân người như đang quay mòng. Tôi chụp hai tay vào dây an toàn, ngậm cứng miệng. Sợ không đủ sức giữ, tôi bụm cả hai tay. Nhưng thức ăn trào lên, hai bàn tay tự động mở, miệng há rộng. Mọi thứ trong bụng nhộn nhạo tuôn ra. Nước mắt nước mũi tuôn theo. Tôi hổn hển thở…

Như có linh cảm bị nhìn trộm, tôi nghiêng mặt. Bằng đứng bên tôi tự bao giờ, lên tiếng:

- “Chờ đó, tôi đi lấy khăn giấy.”

Anh chàng phóng vội vào lòng tàu. Hưng cũng sốt sắng như Bằng mỗi khi thấy tôi cần được giúp đỡ. Hưng hẳn không thể nào tưởng tượng được rằng người anh yêu đang say sóng ngất ngư. Anh còn đứng đó hay đã ra bến xe về Sài Gòn? Đừng quên đón em ở bến Bạch Đằng. Em đang tha thiết mong chờ giây phút cùng ngắm chiến hạm nổ tung.

Tội nghiệp Võ Bằng. Anh trở lại với xấp khăn cho tôi lau mặt mũi. Tôi sẽ trả ơn bằng quả bom nổ tung? Con tàu lại nhún nhảy, lắc lư mạnh. Cổ họng tôi lại nhờn nhợn, miệng đầy nước miếng. Tôi thò đầu ra ngoài mạn tàu, phun mạnh và khạc nhổ. Mồ hội rịn trên trán trên lưng. Tôi tự khuyên mình cố gắng lên, chỉ mới bắt đầu.

Con tàu lại giật mạnh đánh sầm, rung rinh, phát tiếng răng rắc. Võ Bằng cho biết chiến hạm đang đổi đường, năm ba phút nữa là xuôi sóng, sẽ dễ chịu hơn. Anh chàng đề nghị tôi đến đứng ở giữa tàu, ít nhấp nhô và ồn ào hơn. Bằng băng qua phía mạn trái, rồi tiến dọc hành lang. Không gian mông lung mở rộng. Nhiều ánh đèn xa khơi. Võ Bằng chỉ hai nhóm đèn sáng nhất cho biết đó là hai thương thuyền. Còn vô số đèn lập lờ là đèn các ghe câu. Một ngọn đèn rực sáng, rồi tắt rồi sáng. Tôi nhớ ánh đèn hải đăng Phước Mai. Tôi hỏi:

- “Hải đăng ở chếch mũi tàu, phải hôn Đại úy?”

- “Đúng! Đó là hải đăng Plogam Bir do Tây xây cất trên đỉnh của một cù lao cùng tên. Nhưng từ hàng trăm năm trước đó, ông bà ta đã đặt tên là Cù Lao Xanh. Xanh là vì hòn đảo bốn mùa cây xanh tươi tốt. Từ ngày Tây rút khỏi Đông Dương, chúng nó cũng rút theo cái tên Tây. Tháng trước, chiến hạm tham dự ba ngày hành quân, yểm trợ hải pháo cho Địa Phương Quân tảo thanh Việt cộng trên đảo. Ngày chót, thủy thủ đoàn được phép lên bờ. Chúng tôi cũng tảo thanh, nhưng nhằm vào rừng dừa.”

Tôi cười thành tiếng:

- “Lần tới, Đại úy nhớ mang cho tôi vài trái.”

- “Lần tới, cô đích thân tới đó với tôi.” Bằng nói, cười duyên.

Tôi biết là mình vừa tạo cơ hội cho Bằng tiến tới. Cũng nên lắm! Anh chàng càng mê mẩn, tôi càng dễ lợi dụng và càng dễ che giấu sơ suất!

- “Cảnh hoàng hôn trên biển đẹp quá phải không cô Phượng?”

Tôi lặng thinh, e bị lạc vào mê hồn trận. Võ Bằng tiếp:

- “Hãy nhìn qua rừng cây. Mặt trời đã khuất nhưng còn bắn các tia màu hồng, đỏ, cam, tím vào các dải mây trên đỉnh núi. Đẹp kỳ ảo.”

Tôi vẫn lặng thinh. Võ Bằng lại tiếp:

- “Người thủy thủ được trời ban cho hai buổi tuyệt vời trong ngày: đó là cảnh bình minh và cảnh hoàng hôn. Đặc biệt là không buổi nào giống buổi nào, không ngày nào giống ngày nào. Đúng là thiên thượng phù vân, thiên biến vạn hóa.”

- “Ngày nào cũng ngắm thì không thể không sinh ra nhàm chán!” Tôi mỉa.

Võ Bằng đăm đăm nhìn tôi:

- “Tôi chưa bao giờ thấy nhàm chán. Tựa như ngắm một giai nhân, cho dù giai nhân đó một ngày như mọi ngày!”

Tôi tìm lời đáp trả. Đầu óc rỗng không. Tôi thầm trách tôi: Mày được khen là lanh lợi hoạt bát, sao cứ câm như hến! Võ Bằng nhởn nhơ:

- “Thế nhưng một giai nhân mà đẹp quá thì cũng nguy hiểm. Sắc trời cũng vậy. Nếu thấy bầu trời có màu óng ánh như mỡ gà thì phải nhớ câu thành ngữ ‘Ráng mỡ gà có nhà thì giữ’. Nghĩa là dông bão sắp đến, cẩn thận bảo vệ nhà cửa. Hải quân chúng tôi sửa lại câu trên cho hợp cảnh hợp tình: Ráng mỡ gầu có tàu thì giữ!”

Tôi bật cười thành tiếng. Anh chàng đáo để thật. Cũng nên cho anh chàng biết ta cũng rành tục ngữ ca dao. Tôi hỏi:

- “Còn câu này: ‘Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy, cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi nghĩa là sao?”

- “Cô biết câu đó, tự nó cho thấy cô đã rành sáu câu! Tuy vậy tôi cũng nói ra xem có đúng ý cô không. Cơn là cơn mưa. Nếu thấy mưa ở hướng Đông thì mưa sắp tới, mau tìm chỗ trú; còn thấy ở hướng Nam thì cứ tự nhiên ăn chơi như người Sài Gòn!”

- “Câu rồi chỉ nêu hai hướng Đông Nam, Đại úy có biết câu nói về hai hướng Tây Bắc?”

- “Tôi không thấy câu nào đề cập hướng Tây Bắc. Có thể tại vì mưa ở hai hướng này, nông dân cứ ăn chơi hết mình!”

Tôi nhìn mông lung, cố nhớ thêm một thành ngữ:

- “Còn câu này: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm! Không biết ở biển có chuồn chuồn?”

- “Tôi không lần nào thấy chuồn chuồn bay ở biển nhưng tiếng ‘râm’ gợi tôi nhớ tiếng ‘thâm’ trong câu tục ngữ cũng về mưa hướng Đông: Thâm Đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm… ư ư…”

Bằng im bặt, tủm tỉm cười. Tôi tức mình, hối:

- “Thâm gì nữa?”

- “Tưởng cô biết rồi! Thôi, để dành cho cô về Sài Gòn tra cứu, nói ra không tiện.”

- “Không có gì bất tiện. Tôi rất thích ca dao tục ngữ. Đại úy cứ nói.”

- “Về Sài Gòn tra cứu đi mà, nói ra dị hợm!”

Tôi làm mặt giận, bước dần về phía mũi. Võ Bằng nói:

- “Được rồi, tôi nói đây. Nguyên văn đó nghen: Thâm Đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa.”

- “Vô duyên!”

- “Cô nói tôi hay tác giả?”

- “Cả hai!”

Chúng tôi cùng cười. Tôi nhớ đến những câu ca dao tục ngữ tương tự mà bái phục cổ nhân. Hàng trăm năm trước các cụ đã táo bạo không ngờ. Tôi không biết Võ Bằng đang nghĩ gì. Nhưng anh chàng lên tiếng trước:

- “Cô nói với ông Hạm Trưởng rằng cô xin quá giang là vì nghe đồn biển tuyệt đẹp. Cô thấy biển thế nào?”

Tôi nhìn mặt nước dao động, lao xao. Ánh lân tinh chập chờn trên các ngọn sóng. Tiếng xạc xào đều đều êm êm như khúc nhạc du dương. Nhưng thấy vậy mà không phải vậy. Tôi nuốt nước bọt, cay đắng:

- “Đẹp thì đẹp thật! Nhưng giống như giai nhân, có giai nhân tàn ác. Gặp phải là … ói mửa!”

- “Vừa say sóng, vừa say tình, cô quạu quọ cũng phải!” Võ Bằng cười ngất.

- “Đại úy nói vậy là ý gì?” Tôi dọ dẫm.

- “Khi tàu rời bến, tình cờ tôi bắt gặp một anh chàng đứng cạnh chiếc Honda liền tù tì gửi hôn gió cho… chiến hạm! Nếu là “anh” thì không thể gửi hôn kiểu đó!”

Tôi ớn lạnh. Võ Bằng tinh tế thật. Trời xui đất khiến chi cho tôi vớ phải anh chàng cà chớn này. Giờ có muốn thoát cũng không xong, có muốn nói cũng nghẹn lời! Bằng tiếp tục chế nhạo:

- “Than ôi! Bước chân xuống tàu nước mắt như mưa!”

- “Nguyên tác là ‘Bước chân xuống thuyền!’”

- “Thuyền hay tàu gì thì cũng khóc. Cô Phượng nhận là có khóc đi.”

Sau ngày gặp Bằng, Hưng đã dặn tôi cố tìm cơ hội gặp gỡ và lợi dụng cho công tác. Hạm Phó là người uy quyền thứ hai trên tàu, lợi dụng được thì công tác càng thuận lợi. Cơ hội thì đã có, còn lợi dụng thì coi bộ khó ăn. Chỉ một sơ suất nhỏ đã đủ cho anh chàng suy ra Hưng không phải là “anh” thì quả đáng ngại. Có lẽ nên rù quến cho anh chàng mù quáng. Thì đã sao! Khi mình lìa tàu thì anh chàng cũng… lìa đời! Tôi vờ kịch liệt phản đối:

“Anh ruột thì có mắc mớ gì mà phải khóc! Hôn gió thì hôn ai chẳng được. Đại úy có thấy em gái của tôi hôn không? Cũng như anh tôi thôi. Tại Đại úy hay… nghĩ bậy!”

Không gian còn đủ sáng cho tôi thấy ánh mắt Bằng đang cân nhắc thật hư. Tôi vờ phân trần:

- “Tôi nói thật đó. Ba má tôi khó lắm. Cấm tôi không được “dớ dẩn” yêu đương trước khi ra trường. Tới nay, tôi chưa dám để ý đến bất cứ ai.”

- “Cô học ở trường dạy chữ hay dạy nghề?”

- “Ba má tôi muốn tôi thành giáo sư.”

- “Còn cá nhân cô, cô muốn thành gì?”

- “Làm con thì phải nghe lời cha mẹ!”

- “À, vậy ra cô đang học Đại học Sư phạm!”

Tôi giật mình. Tôi vừa nói thật. Tôi đã cảnh giác mà vẫn vào tròng. Lẽ ra tôi phải nói Đại học Kiến Trúc. Đó là trường Hưng theo học. Anh nói đi nói lại mấy ngày liền cho tôi nhớ trường ở đường nào, tên ông Viện trưởng, giáo sư gồm những ai, năm thứ nhất thứ nhì gồm những môn học gì. Giờ lỡ mồm nói thật, nếu Võ Bằng không chết theo tàu, thì tôi cũng khó thoát! Võ Bằng lại hỏi:

- “Cô chọn ban gì?”

- “Sử Địa”

- “Tôi ghét sử địa. Sao không chọn Anh Văn cho tôi nhờ!”

- “Thôi đừng chọc quê Đại úy ơi! Đại úy Anh văn cùng mình, không chừng quên luôn tiếng mẹ đẻ.” Tôi bực mình đáp trả.

Hưng cũng đã cảnh báo nhiều lần, tôi có thể là là mục tiêu cho mọi câu hỏi, từ đó người ta có thể khám phá tôi là ai. Anh bảo tôi ráng nhập tâm căn cước mới. Căn cước mới là căn cước của đứa bạn thân, tôi rành rẽ đời tư. Nhưng từ thuở tôi biết nói suông câu, tôi lại nhập tâm lời dạy của cha mẹ là phải luôn thật thà, không nói dối. Tôi chỉ tập nói dối từ ngày quen Hưng. Bây giờ đã trót lỡ lời nhưng chưa đến nỗi! Với đầu óc đang chập chờn, có thể lại phạm lỗi lầm. Tôi nghĩ tốt nhất là… đi ngủ cho khỏe. Tôi nói:

- “Sao nhức đầu, mệt mõi và khó chịu quá… phải đi nằm mới được.”

- “Để tôi đưa cô xuống phòng.”

- “Cám ơn Đại úy”.

- “Chừng nào cô thấy dễ chịu, thì bắt đầu bước.”

Tôi vờ còn choáng váng, nhắm nghiền mắt, hít thở không thôi. Có đến năm phút tôi mới mở miệng:

- “Sẵn sàng rồi, Đại úy.”

- “Cô hãy đi như tôi, người sẽ vững vàng hơn.”

Hai chân Bằng dang rộng, từng bước về hướng mũi. Chúng tôi băng qua khung cửa vào lòng tàu. Cái mùi hỗn hợp khói tàu, thức ăn, mùi sơn càng nồng nặc. Tôi đưa tay bụm cả mặt lẫn mũi. May quá, bụng chỉ quặn đau, ợ chua mà không mửa Mửa lên sàn tàu, ai rửa ai lau? Chừng như như mùi hỗn tạp cũng bắt chiến hạm rùng mình.

Võ Bằng nắm cánh tay tôi, dìu tôi đi. Lần mò đến được chiếc thang nghiêng, tôi thấy dễ chịu hơn. Cái mùi đặc biệt gần như tan biến, chừng như thấm hết vào da thịt. Bằng nắm cả hai bàn tay tôi, giữ thăng bằng cho tôi xuống trước. Bước đến bậc thứ ba, Bằng nhả một tay cho tôi nắm thanh an toàn rồi nhả nắm tay còn lại. Tôi nghĩ phải chi Bằng là Hưng, tôi sẽ bắt anh cõng. Khi tôi đã đứng trên sàn, Bằng chạy vụt xuống dễ dàng như bị trượt chân. Con tàu không còn lay lắc. Tôi bước những bước bình thường dọc hành lang về phòng ăn. Lần này tôi có thì giờ nhìn quanh.

Căn phòng chiếm trọn chiều ngang con tàu. Rộng rãi, sáng sủa. Tám ống néon kép được thiết trí khéo léo trên trần. Tên Mỹ đang ngồi bói bài ở salon. Dưới chân ghế cạnh đó là hai chiếc xách của tôi. Tên Mỹ không phải là đứa tò mò; tôi an tâm với ý nghĩ đó. Hai sĩ quan đang chơi domino. Tấm khăn bàn màu trắng khi ăn đã được thay bằng tấm nỉ xanh mát mắt. Một sĩ quan đọc sách trên ghế bành đặt cạnh góc. Một sĩ quan đang pha cà phê. Bằng lên tiếng:

- “Cô Phượng uống chút gì nghe. Sẽ giúp cổ họng tan vị đắng!”

- “Cảm ơn Đại úy.”

- “Cám ơn yes hay cám ơn no?

Tên Mỹ ngẩng lên cười. Đôi mắt xanh của hắn chờ tôi trả lời.

- “No!” Tôi đáp.

- “Vậy thì mời cô về buồng nghỉ ngơi.”

Tôi vội bước đến hai túi xách. Bằng bảo:

- “Cứ để đó, tôi mang sau!”

Tôi vẫn khom người, hai tay vừa nắm hai quai xách thì tên Mỹ nói “Để tôi giúp” rồi giành lấy. Tôi không nói cám ơn. Tôi ghét hắn, tôi không nhờ hắn. Võ Bằng vén màn nhường tôi và tên Mỹ qua trước. Sau khung cửa là một hành lang khá dài, ánh sáng dịu mát. Hai bên hành lang là vách đứng sơn trắng, có nhiều màn treo cách khoảng, đối nhau. Bằng vén tấm màn đầu tiên, bên tay mặt:

- “Buồng của cô đây.”

Tôi bước vào. Gian buồng sơn màu ngà, chật hẹp nhưng gọn gàng. Chiếc giường nệm trải drap trắng tinh trông thật hấp dẫn. Tên Mỹ đặt hai túi xách lên mặt bàn bọc formica xanh rồi biến sau bức màn đối diện. Tôi nghe ơn ớn. Chẳng lẽ nó ngủ gần mình. Trời ơi nửa đêm nó mò qua thì sao. Hoàng đai đệ nhị cấp của Vovinam có đủ đối phó? Hai khung ảnh trên mặt bàn bọc formica xanh được ánh đèn tập trung tỏa sáng tạo cho hai túi xách hơ hớ tênh hênh. Phía trong là hai khung ảnh. Một là ảnh cô thiếu nữ bồng đứa bé thật dễ thương và khung kia là ảnh có vẻ là một gia đình 5 người. Tôi cúi nhìn kỹ hơn. Không thể lầm lẫn. Đó là Võ Bằng với cha mẹ chị em. Tôi kêu lên:

- “Đây là buồng của Đại úy mà! Đại úy làm ơn cho tôi ngủ ở khu quá giang.”

Bằng cười:

- “Đã nói rồi, tàu này là tàu chiến, làm gì có khu quá giang. Thì cô cứ coi đây là khu quá giang!

Thấy tôi ngần ngừ, Bằng tiếp:

- “Tôi đã từ chối không cho cô quá giang nhưng cô cứ nằng nặc, buộc tôi trình xin Hạm Trưởng. Rồi bây giờ cô tiếp tục làm khó tôi!”

Tôi chợt vỡ lẽ cái từ “nói giúp”. Tôi dịu giọng:

- “Cám ơn Đại úy đã “nói giúp”. Nhưng nhường cho cả phòng riêng thì tôi áy náy lắm! Đại úy đã giúp thì giúp cho trót. Làm ơn cho tôi ngủ chỗ nào khác, chỗ nào nằm được là được rồi!”

- “Chỗ nào nằm được thì quá dễ. Chỉ cần một tấm nệm và một chiếc gối đem đặt trên boong. Tuy nhiên cô sẽ gặp hai trở ngại lớn. Khi mưa thì ướt như chuột lột. Khi cần thì không có chỗ vệ sinh! Cô nhắm chịu được suốt hai ngày?”

Tôi cứng họng. Anh Hưng, anh có biết đã đẩy em vào tình cảnh ngặt nghèo. Anh nói có khu quá giang, lúc nào cũng đông người. Bây giờ em chỉ một mình và từ đêm nay em bị vây quanh bởi những tay gây tội ác trời không dung đất không tha! Em có võ nhưng mãnh hổ sao địch quần hồ. Em thấy sợ… Giọng Võ Bằng dứt khoát:

- “Tôi nhường buồng không vì cô mà vì thằng bạn cùng khóa! Tùy ý cô, hãy chọn một: ngủ ở đây hay là ngủ ở nhà?”

Thấy tôi tỏ ra không hiểu, Võ Bằng lạnh lùng tiếp:

- “Muốn ngủ ở nhà thì tàu sẽ ủi bãi cho cô lên bờ!”

Anh chàng dám làm thật lắm! Lên bờ giữa đường thì biết về đâu, biết ngủ đâu. Thôi đành ba bảy cũng liều. Nếu Bằng nằm chung giường thì chịu khó thủ thân! Còn nếu bị tập thể thì… tử thủ! Tôi hỏi dò:

- “Rồi Đại úy ngủ ở đâu?”

- “Có một sĩ quan đang đi phép, tôi ngủ ở buồng của anh ta.”

- “Đại úy cho tôi ngủ ở đó.”

- “Nó nằm ở mũi tàu, ở đó sóng nhồi dữ lắm, cô không chịu nổi đâu!”

- “Tôi chịu nổi!”

- “Cô còn bướng bỉnh thì tôi nhất định trả cô lên bờ.” Bằng gắt.

Đến nước này thì không thể nằn nì nữa. Đành nhập gia tùy tục. Tôi đã quá mỏi mệt. Cứ ngủ một giấc rồi tùy cơ ứng biến. Tôi đuổi khéo:

- “Cám ơn Đại úy nhường buồng!”

Giọng Bằng ấm áp:

- “Tôi biết cô Phượng đang rất thèm nghỉ ngơi nhưng cho tôi thêm vài phút. Có một vài tiện ích cô cần biết cách sử dụng.”

Tôi theo anh chàng bước sâu vào trong. Phòng vệ sinh bên trái được ngăn đôi. Một bên là bồn rửa mặt và cầu tiêu. Một bên sát mạn tàu là phòng tắm. Bồn rửa mặt và phòng tắm có hai cần ngắn. Một, màu xanh để mở nước mát và một màu đỏ cho nước nóng. Bằng vói tay nhấn chiếc cần bên hông một chậu sành sau bàn cầu:

- “Đây là cần xả nước đi cầu.”

Tiếng nước rút đi tạo âm thanh lạ tai. Bằng tiếp:

- “Cầu tiêu trên chiến hạm tân tiến hơn cầu tiêu chúng ta thường dùng. Ngồi bẹp chớ không chồm hổm. Và chỉ nhấn nút chớ không múc xối!”

Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu biết. Bằng bước ra phía cửa, dừng lại ở chiếc bàn. Anh chàng nhấc cả hai túi xách dời qua cái kệ đối diện, bên dưới chứa giày dép. Tôi lại nhìn hai khung ảnh. Người đẹp bồng con là ai? Nếu là vợ Võ Bằng thì sao anh chàng không chụp chung?

Võ Bằng đưa tay nhấn vào đầu ngọn huỳnh quang nằm ngang có cánh tay gắn vào vách. Ánh sáng vụt tắt. Bằng đẩy ngọn đèn sang phía đầu giường. Đèn vụt sáng, tỏa lên cặp gối kề sát đầu bàn. Anh chàng nói:

- “Chừng nào thấy khát nước, thì qua phòng ăn. Nước uống từ cái máy đứng ở góc. Nước ngọt hay bia thì trong tủ lạnh. Còn đói bụng thì có… gạo sấy, thịt chà bông.”

Bằng nhìn tôi. Tôi gật đầu tỏ ra đã ghi nhớ. Anh chàng lại tiếp:

- “Suốt thời gian ở trên tàu này, mỗi ngày cô được mời dự ba bữa ăn. Xin vui lòng ghi nhớ. Sáng từ 7 đến 9. Tự do, ăn lúc nào cũng được. Nhưng trưa và chiều phải có mặt đúng giờ. Trưa: đúng ngọ. Chiều đúng 6 giờ. Cô cần có mặt sớm 10 phút, vì Hạm Trưởng rất đúng giờ. Chúc cô Phượng ngủ ngon.”

Nghĩ tới cả tiếng phải ngồi chung bàn, mặt đối mặt với tên Mỹ, tôi năn nỉ:

- “Đại úy cho tôi tự túc ăn uống. Tôi có mang theo Ration C đủ cho hai ngày.”

- “Ration C chỉ dành cho lính Mỹ, cô Phượng người Việt, ăn cơm Việt.”

Bằng bỡn cợt nhưng tôi chừng như bị búa giáng. Khi mua tôi chỉ tính tiện lợi cho việc quá giang chớ bình thường tôi vốn ghét thức ăn Mỹ. Tôi định phân trần thì Bằng đã tiếp:

- “Nói là mời nhưng đúng ra là… lệnh.”

- “Làm ơn mà!” Tôi nài nỉ.

- “Hãy nhớ vị thế của cô hiện tại. Cô đã biết tàu này không nhận khách quá giang rồi mà. Cô được chấp thuận cho đi là vì tôi nhận cô là thân nhân.” Võ Bằng nhìn vẻ ngỡ ngàng trên khuôn mặt tôi, cay đắng tiếp. “Đã là thân nhân của Hạm Phó thì làm ơn hành xử như… thân nhân của Hạm Phó!”

Tôi ngớ người, cúi mặt. Sự việc đang vượt xa mọi dự liệu. Giọng Bằng trở lại bỡn cợt:

- “Chịu khó hai ngày ăn cơm Việt. Bảo đảm thức ăn Mỹ cô ưa thích không bị tịch thu. Về Sài Gòn cô thưởng thức sau!”

Lời Võ Bằng như nước lạnh tạt vào mặt. Xót xa và xấu hổ. Tôi từng tự hào chống Mỹ cứu nước mà lại nuôi thân bằng thức ăn Mỹ! Tôi mắng thầm đồ vô ý thức!” Bằng mỉm cười, tiếp:

- “Điểm lưu ý chót, khi cô ngủ mà nghe tiếng còi thì cứ ngủ tiếp. Đó là tiếng còi gọi nhân viên đổi phiên hải hành. Cứ mỗi 4 tiếng còi ré một lần. Ngủ thật ngon nghe, cô Phan Kim Phượng.”

Anh chàng vén màn bước ra và biến mất. Tôi thở phào bước vội đến bồn cầu. Khu vệ sinh không có cửa đóng then cài, chỉ có tấm màn plastic mờ ảo kéo ngang.

Tôi mở nắp đậy bằng gỗ sơn trắng láng bóng và hài lòng với bồn cầu bằng men sứ sạch bong. Nhớ lời Bằng dặn phải ngồi bẹp, tôi thở dài. Từ nhỏ chỉ biết ngồi chồm hổm, nay ngồi bẹp thì sao ngồi được. Giấy cuộn tinh khôi, mềm mại. Đúng là Mỹ! Tôi nhận xét mà không biết mình khen hay chê!

Tôi bước qua bồn rửa mặt. Tấm gương chữ nhật phản chiếu màu bạc sáng láng của chậu kim loại rửa mặt. Tấm gương cũng cho thấy một khuôn mặt xanh xao, xơ xác. Tôi vặn vòi đỏ vòi xanh, thử độ ấm, xoa xà phòng chà xát hai tay. Khỏe ơi là khỏe! Ở nhà phải múc nước rửa từng bàn tay. Tôi bụm nước cúi đầu xoa mặt. Xoa tới lui mãi đến chán chê, cũng là lúc tôi chợt nhận ra tôi quên mở xách tay lấy khăn lau.

Vừa xoay lui tôi bắt gặp ngay hai chiếc khăn lông trắng tinh máng sẵn ở vách ngăn. Trên một bệ nhỏ tiếp nối tấm gương, cây kem đánh răng và chiếc bàn chảy còn chưa khui hộp. Tôi khen thầm Bằng quá chu đáo!

Tôi quyết định không thay đồ ngủ, thả ngửa lên giường. Bộ nệm quá êm ái. Tôi nhớ chiếc phản gỗ của nhà trọ và ở nhà ba mẹ Hưng. Tôi ao ước sau này đi làm có tiền sẽ ưu tiên cho… êm ái! Nhưng hiện tại, hiện tại thật gai góc. Tôi không biết phải ứng xử thế nào cho qua hai ngày lê thê xem chừng lành ít dữ nhiều. Hai ngày đó hẳn phải thường “vật lộn” với những người rõ ràng có học vấn cao hơn, nhiều kinh nghiệm trường đời hơn. Chỉ sơ sẩy một lời nói, một cử chỉ là tương lai tan tành. Hưng đã tưởng nhờ cậy sĩ quan bảo lãnh thì tôi dễ dàng vượt ải khám xét, dễ dàng hành động. Anh nào biết tôi đã phải trải qua những giây phút căng thẳng đứng tim. Anh lại càng không biết cái tên bạn học của anh đã đẩy tôi vào hang ổ của Võ Bằng! Riêng mỗi Võ Bằng cũng đã nhiều móng vuốt…

Từng thớ thịt như đang giãn nở và mắt cứ muốn híp lại. Ngọn đèn trên trần vẫn sáng chói dù mắt tôi đã híp. Nhưng tắt đi thì chắc chắn tôi càng không ngủ được dù tôi vốn quen ngủ không đèn. Tôi không sợ ma nhưng ở đây thì sợ người. Tôi trở mình nằm nghiêng, mặt hướng ra ngoài. Ở vị trí này tôi có thể thỉnh thoảng nhướng mắt canh chừng…

Gian buồng chật hẹp phát đều tiếng động rầm rì, lạch cạch, lách cách chen với âm xạc xào, bùm bụp, đì đùng. Tôi nghe mãi nghe hoài và thiếp đi…

 Vũ Thất

(Còn tiếp)




Không có nhận xét nào: