Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Bạn và Tôi - Bá Yên


Bạn và Tôi

Đã năm mươi năm rồi kể từ khi chúng tôi, ba sinh viên Viện Hán Học Huế, sau này kết thành bạn thân, vào học dưới cùng một mái trường.
Viện Hán Học Huế, một ngành đào tạo mới được thành lập từ năm cuối thập niên năm mươi (1959), rồi tổ chức thi tuyển thêm qua từng năm một, kéo dài cho đến giữa thập niên sáu mươi của thiên niên kỷ thứ hai.
Xuất phát từ một mối đồng cảm với nhau trong nhiều lãnh vực của xã hội, tình yêu và cuộc sống, ba bạn đồng môn đồng khóa chúng tôi đã kết thành nhóm bạn thân cho đến ngày nay.
Môi trường học tập và tình đồng môn:     
Những năm đầu, cơ sở Viện Hán Học được bố trí tại Di Luân Đường, số 3 Phan Văn Trị, TP. Huế ngày nay. Đến niên khóa 1962-1963, cơ sở được di dời vào bên trong khuôn viên Đại nội (gần cửa Hiển Nhơn), rồi cuối cùng chuyển đến số 14, Phan Đình Phùng (hữu ngạn sông Bến Ngự. Huế) cho đến lúc giải thể vào năm 1965. Chương trình học của Viện lúc mới thành lập còn thật mới mẻ và lạ lẫm: các môn học chính là Hán văn, học viết và học nói ngữ âm quan thoại, tìm hiểu chuyên sâu về văn chương, lịch sử Trung Quốc,… Ngoài ra, chúng tôi còn được học khá kỹ về các môn triết học đông phương và ngoại ngữ, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, tùy theo sở thích của mỗi sinh viên…  chủ đích là để đào tạo những chuyên viên có kiến thức khá nhuần nhuyễn về văn hóa các nước Đông Nam Á, nhằm sau khi tốt nghiệp ra trường có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về lãnh vực văn hóa các nước này, và tùy điều kiện chính trị cụ thể của xã hội đương thời, có thể được bố trí làm việc tại các tòa đại sứ trong khu vực…
Định hướng tương lai tốt đẹp đó tạo cho chúng tôi niềm tin để dấn thân vào học tập, thăng tiến bản thân và hy vọng được thành đạt để phục vụ cho xã hội… Trong 80 sinh viên lớp A và B, khóa II, được tuyển dụng năm 1960, đặc biệt có ba sinh viên chúng tôi đã trở thành nhóm bạn thân, có thể nói là rất thân, thường giúp nhau trong học tập, và cùng nhau tham gia vui chơi, giải trí... Chúng tôi đến với nhau, hiểu nhau và đồng cảm với nhau về nhiều lãnh vực của cuộc sống…
Một chàng họ Lý – Lý Văn Nghiên – rất vui tính và dễ mến, dễ gần, đặc biệt là hay hát, với giọng ca truyền cảm, trong những lúc ở một mình hay cùng vui chơi với bè bạn, đều cất tiếng hát rất thích thú, sự hiện diện của LVN từng ngày từng đêm bên chúng tôi đã làm cho cuộc sống sinh viên chúng tôi thêm vui nhộn, tràn đầy sức sống, trong phong trào hoạt động của sinh viên cũng như trong giao lưu tại gia đình; đối với nhiều bạn khác phái, LVN luôn có những câu nói bông đùa rất duyên, vô tình khuyến cho nhiều cô cảm mến, rồi lụy!... Nói chung, đó là một mẫu người luôn đem lại cái vui cho mọi người, rất dễ gần.
Một chàng họ Trần – Trần Văn Dật, sinh ra vốn là người đa tình đa cảm, luôn yêu cuộc sống và con người, thiết tha yêu các đối tượng đẹp (kể cả tinh thần và thể chất), điều này thể hiện rõ nét ở trong thơ của mình: “…Yêu người ta vẫn yêu say, Yêu em ta cứ yêu ngày yêu đêm!...”. Với bản tính hiền hòa, nhưng TVD không hiền trong lãnh vực tình yêu: luôn trân trọng và thích ban phát tình yêu cho nhiều đối tượng có thể nói là “đẹp” về một mặt nào đó… chỉ để trò chuyện, góp nhặt và làm phong phú kho chuyện vui tinh thần cho cuộc sống. Có thể nói tình yêu là món ăn nuôi dưỡng tinh thần của bạn ấy. Chúng tôi luôn đồng cảm với bạn ấy về những mối tình trong sáng này. Có lẽ cũng nhờ những mảnh tình đó mà bạn TVD đã sáng tác thành những bài thơ để đời… TVD rất yêu thơ và có năng khiếu sáng tác thơ, chủ yếu là về tình yêu và cuộc sống. Những “vui buồn, thương yêu, giận hờn, chối bỏ…” đểu đã được thể hiện trong thơ TVD. Những dòng thơ này, tuy đơn sơ mộc mạc, nhưng rất chân tình và gần gũi với đời, đã được tích góp đầy đủ và lưu giữ rất lâu trên những trang giấy học trò. Cho đến những năm sau này, vào khoảng đầu thập niên 90, khi hoàn cảnh gia đình tương đối ổn định, tập bản thảo thơ “Những mảnh đời” mới được in và đóng thành tập – đó là những dấu ấn kỷ niệm của riêng mình, để sẻ chia cùng gia đình, người thân, bạn bè và cũng để gửi lại cho mai sau.
Chàng thứ ba là tôi, họ Nguyễn – Nguyễn Bá Yên, được nhiều bạn bè yêu mến, có cuộc sống nội tâm, kín đáo, học tập chỉ làng nhàng, rất thích văn hóa nghệ thuật, mê vẻ đẹp của hoa lá cây kiểng, ưa đàn ca xướng hát, nhưng hát lại không hay…; tình cảm riêng tư thì hầu như không có gì đặc biệt trong suốt thời kỳ còn là sinh viên, rất thích hòa đồng với cộng đồng, yêu cái cung cách cư xử tế nhị của con người, và mến cái dịu dàng thùy mị và vẻ đẹp tự nhiên của nữ giới,…
Tình bạn đồng môn đã gắn kết ba chúng tôi thành bộ ba không tách rời, lúc học cũng như khi chơi đều có nhau, để sẻ chia và để cảm thông cho nhau về những vấn đề cá nhân, lúc bình an cũng như khi gặp sự cố… Chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc trong mối liên kết đó, theo như ý tưởng của nhà văn người Ý, Mazoni: " Một trong những hạnh phúc lớn của đời sống là tình bạn và một trong những hạnh phúc lớn của tình bạn là có người để chia sẻ, để gửi gắm một bí mật, một tâm tư".
Con đường tương lai
Trước tình hình chính trị đương thời ngày càng rối rắm, làm ảnh hưởng không ít đến mọi lãnh vực đời sống văn hóa – xã hội,… Tương lai của những sinh viên theo học VHH như chúng tôi trở nên mờ mịt, đã khiến cho chúng tôi mất dần niềm tin vào bước đi của chính mình. Do vậy, chúng tôi lại phải ôm đồm học thêm văn khoa, ngoại ngữ, vừa bổ sung kiến thức, vừa tìm một lối ra cho tương lai sau này…
Rồi từng năm, từng năm qua, những câu, những chữ thuộc văn hóa Trung Hoa và Á Đông dồn dập thâm nhập vào đầu óc chúng tôi… kiến thức chúng tôi mở rộng dần. Tham gia thi cuối khóa vào năm cuối, 1965: Tốt nghiệp ra trường. Không còn người đỡ đầu dẫn đưa bè lũ chúng tôi vào đời: sự nghiệp nổi trôi… Lại phải tham gia đấu tranh, cử Ban Đại Diện tiếp cận với giới thẩm quyền tại Sài Gòn để đòi thực thi các điều khoản đã được cấp thẩm quyền cam kết trong quyết định thành lập VHH. năm 1959.


Cuối cùng, vẫn còn chút may mắn: đa số chúng tôi đều được Bộ Giáo Dục đương thời bố trí công việc trong ngành giáo dục. Mỗi người được bổ nhiệm đến dạy tại một trường tỉnh hay trường huyện thuộc miền Trung hoặc miền Nam, người may mắn thì được ở gần, người không may thì phải đi xa hơn. Chúng tôi được phân công đảm trách một số môn chính và vài môn phụ tùy theo yêu cầu của nhà trường. Ao ước của chúng tôi là chỉ mong có việc làm để nuôi bản thân là may mắn rồi!... Chúng tôi trở thành giáo sư (chức danh nhà giáo các Trường Trung học thời kỳ trước giải phóng) như vậy đó. Tuy không được học nghiệp vụ sư phạm, nhưng với mớ kiến thức chúng tôi học hỏi được trong suốt năm năm học vẫn giúp chúng tôi rất nhiều trong lĩnh vực này, với chức danh “Giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp”.
Xa cách rồi hội ngộ:
Những năm cuối thập niên 60, nghề nghiệp cùng với tình hình chính trị quân sự rối rắm không cho phép ba anh em chúng tôi có dịp tiếp cận, gặp gỡ nhau nhiều. Bẵng đi một thời gian rất lâu sau ngày giải phóng, tình hình xã hội tạm thời ổn định theo mô hình cơ chế chính trị mới của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng tôi mới có dịp được gặp lại nhau tại cuộc họp mặt cựu SV. Viện Hán Học, được tổ chức ở Nhà Thờ Kỳ Đồng, TP. Hồ Chí Minh vào năm 2000. Rất vui, ba chúng tôi được hội ngộ, phong thái mỗi người đã trở nên già dặn hơn, từng trải và chín chắn hơn nhiều sau bao nhiêu năm tháng vật lộn với nghề nghiệp và cuộc sống. Cuộc hội ngộ thật xúc động, tay bắt mặt mừng, dù chỉ được chuyện trò vui vẻ với nhau trong vài tiếng đồng hồ thôi, cũng rất vui…
Thời gian này, tuy ở cách xa nhau, nhưng chúng tôi vẫn có những liên lạc thường xuyên với nhau bằng thư từ; gởi cho nhau những thiệp chúc tết hằng năm, thỉnh thoảng lại trò chuyện qua điện thoại,… Rất mừng vì tình cảm ba chúng tôi vẫn gắn kết sâu đậm.
Rồi lần lượt, những người thân của chúng tôi qua đời. Dầu cho bản thân và gia đình riêng chúng tôi vẫn có thể trụ vững trước những cam go của cuộc sống, nhưng cảm giác thiếu mất một vài người thân đã làm cho chúng tôi cảm thấy xót xa: thương cho mẹ cha mất sớm khi những đứa con như chúng tôi phải sống xa nhà, mãi mãi vật vã với cơm áo gạo tiền, mà không có cơ hội để chăm sóc cha yếu mẹ già lúc cuối đời… Bên cạnh đó, một niềm an ủi thật to lớn là ba chúng tôi vẫn tồn tại đâu đó trên mảnh đất này, khi có dịp vẫn có thể đến với nhau để hàn huyên tâm sự…, “Ao ước ngày nào đó mình sẽ về Vĩnh Long thăm TVD., rồi qua Cần Thơ thăm Bá Yên và gia đình, ba đứa mình sẽ trò chuyện với nhau trong vài ba ngày cho thỏa thích…, tuổi già rồi biết bao giờ mới được gặp lại nhau!...”. Câu nói của bạn LVN thường tâm sự như thế mỗi khi gặp lại nhau đã làm cho mỗi chúng tôi cảm thấy xúc động. Ao ước của mỗi chúng tôi là thế: gặp nhau chỉ để chuyện trò, hoài niệm về những vui buồn lúc có nhau, kháo với nhau về những chuyện đã qua từ một thời rất xa trong quá khứ, dầu cho chỉ để cười vui, nhưng vẫn rất thú vị…

                 (Buổi họp mặt 12/11/2009)

Cuộc gặp lại nhau tiếp theo, ngày 12 tháng 11 năm 2009 tại Sài gòn, tình cờ đã được một số bạn bè khóa II, cư ngụ ở Huế và các tỉnh, Thành phố trong Nam cùng nhau tổ chức, nhân chuyến từ Mỹ đột xuất về thăm gia đình của bạn Hồng Phi. Tròm trèm gần hai mươi người cả nam lẫn nữ đã có mặt trong một căn phòng nhỏ tại nhà hàng Đất Phương Nam, Quận 3, mừng và vui… Lại một lần nữa, các bạn đồng môn đồng khóa chúng tôi có dịp chào hỏi, cười nói, thân mật bắt tay nhau, trao đổi với nhau về chuyện mình, chuyện người và chuyện đời thật thú vị!  Bề ngoài, trông ai cũng già đi “da mồi tóc trắng”, nhưng tinh thần thì vẫn còn tươi trẻ. Trong khung cảnh vui vẻ ấm cúng đó, dầu cho phải ngậm ngùi nuối tiếc cho mấy người bạn “vắn số”, đã vội vã ra đi trước mình, chúng tôi cũng đã được có thêm “một ngày mới để yêu thương”!     
Cuộc họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Hán Học Huế đã được một vài anh em tại Huế nhiệt tình đứng ra tổ chức rất trang trọng vào hai ngày 28-29/11/2009. Phần lễ nghi trong cuộc họp mặt được anh Phan Thuận An, anh Lý Văn Nghiên, cùng nhiều anh chi em đồng môn khác ở Huế tiến hành tổ chức rất chu đáo: từ phần giới thiệu và tuyên bố lý do, đọc điếu văn tưởng niệm các vị Giáo Sư và sinh viên quá cố tại hội trường nhà hàng Ông Táo, đường Phạm Ngũ Lão, cho đến chuyến thăm mộ quý vị cố Giáo sư tại nghĩa địa Ba Đồn, TP. Huế, kết hợp với chuyến tham quan du lịch khu Đại Nội và vài nơi khác nữa...cùng với bữa tiệc trưa thân mật (ngày 28/12/2009) với những món ăn đặc sản Huế do anh Nguyễn Xuân Minh (khóa I) chiêu đãi, và buổi liên hoan chia tay tại nhà Anh Phan Thuận An (khóa I) tổ chức trong khuôn viên Đền thờ Công chúa Ngọc Sơn chiều ngày 29/12/2009, có cả những giọng ca tự nguyện của nhiều anh chị em tham dự, cùng với món quà tặng về hình ành lưu niệm và tập kỷ yếu “Ký Ức và Hoài Niệm” - Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Hán Học Huế (1959-1965), tất cả đều rất chu tất và gọn gàng, đã đem lại cho chúng tôi niềm vui đầy ý nghĩa của cuộc hội ngộ. Trong dịp này, có rất đông các bạn bè cùng lớp và cùng khóa đã về dự, rất nhiều bạn lúc mới gặp lại nhau thấy thật ngỡ ngàng, không còn nhận ra mặt nhau, nhiều người đã tròm trèm 40 năm không gặp nhau rồi còn gì! Tuy vậy, không khí trong hai ngày họp mặt vui chơi đã gắn kết anh chị em lại với nhau, khiến cho mọi người phấn khởi, rộn rã những giọng nói tiếng cười thân quen, hòa lẫn với những mảng tâm sự buồn vui thời quá khứ…Bên cạnh đó là những mẫu chuyện khá thú vị của bản thân các anh chị em thời đã qua, bất hạnh có, cam khổ có; một số ít người có cuộc sống tương đối thuận buồm xuôi gió, có người mạnh dạn chui ra nước ngoài sinh sống rồi ổn định với gia đình, con cháu bên kia bờ đại dương cho đến bây giờ,… đã được nhiều bạn nam nữ kể lại trong buổi họp mặt, thật là những kỷ niệm khó quên! Đa số các bạn ở nước ngoài, dầu rất nhiệt tình đóng góp, hỗ trợ một phần chi phí cho cuộc họp mặt, nhưng xa xôi quá nên khó bề sắp xềp ổn định việc gia đình để về tham dự cuộc vui cùng chúng bạn, thật tiếc!....
Ngoài ra còn có sự tham dự nhiệt tỉnh của 2 vị cựu Giáo Sư VHH: Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan và Thầy Nguyễn Hữu Trọng. Tại cuộc họp mặt, các vị đã trở nên thật thân quen và gần gũi , rất xúc động khi gặp được đám học trò trai gái của mình thuở trước, các vị đã cùng hát cùng ca với tập thể, vui cái vui chung của cuộc họp mặt.
Nhưng cũng thật rất đáng tiếc, trong dịp này, bạn TVD. ở Vĩnh Long, Ngô Văn Tiên ở Mỹ Tho, Huỳnh Quang Vinh ở Sài Gòn, cùng một số bạn bè ở các địa phương khác, hoặc do sức khỏe kém hoặc vì lý do cá nhân, đã không tham dự cuộc họp mặt được. Riêng đối với ba anh em chúng tôi, đã không có được niềm vui trọn vẹn, vì bộ ba đã khuyết mất một người! Thật buồn, nhưng mỗi người một cảnh, chẳng biết phải làm sao hơn!...
Hiện nay, cũng như hầu hết nhiều bạn khác, ba đứa chúng tôi vẫn còn đó, dầu đang định cư ở ba nơi khác nhau, thụ hưởng những ngày nhàn nhã cuối đời “Tuổi xế chiều vui vẻ với cháu con”, nhưng hy vọng vẫn còn nhiều cơ hội gặp lại nhau, để vui, để nuôi dưỡng tình bạn bền vững cho đến trọn đời.

Cần Thơ, ngày cuối năm Kỷ Sửu (2009)
            Bá Yên                                                                                                                                   



                                            



Không có nhận xét nào: