Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Những Chiến Hữu - An Hoàng

                       

           Những Chiến Hữu

Trong một bản nhạc, nhạc sĩ Nam Lộc có viết :
                Cho tôi xin một mộ phần  
                Bên ngàn chiến hữu của tôi...                              
                                               
     Người nhạc sĩ muốn khi mình nằm xuống, được nằm gần những người lính.  Ôi! Thật xúc động biết chừng nào! Hai chữ CHIẾN HỮU mang một ý nghĩa cao cả, là được sống chết bên nhau trong tình huynh đệ chi binh.
     Còn hai chữ ĐỒNG CHÍ mà "lũ ngợm" gọi nhau, chỉ là đầu môi, chót lưỡi.  Ở đất Bắc, có người đã định nghĩa "Đồng chí" là những người chẳng hề quen nhau nhưng ngồi lại với nhau." Chúng nó giết nhau, thủ tiêu nhau, nhưng ngày đưa ma, thì lại khóc, làm như cha chết, mẹ chết! Cả một bầy cá sấu nhỏ lệ hai hàng, "kịch" ơi là kịch! Nhưng rồi những chuyện đó cũng được lôi ra ra ánh sáng, có bàn tay nào che hết được mặt trời bao giờ!
     Tên hung thần số một của CSVN là Lê Đức Thọ (bí danh Sáu Búa) đã bức tử nhiều tướng tá, Ủy Viên Bộ Chính Tri, Ủy Viên Trung Ương mà chẳng ai làm gì được hắn, nhất là trong vụ "Xét lại, chống Đảng", hẳn các bạn đều biết.  Hai chữ CHIẾN HỮU  mà tôi nói đến hôm nay, An tôi chỉ muốn nói đến mấy người bạn cùng đơn vị cuối cùng: Trung Tâm Quản Trị Trung Ương, nằm trên đường Tô Hiến Thành, Hòa Hưng, đối diện Trại Đào Bá Phước (Bộ Chỉ Huy BĐQ/QLVNCH).  Họ là những Đại Úy, dưới tôi một cấp, với những chức vụ Trưởng Ban, nằm trong 4 Khối Tài Chánh, Thương Bệnh Binh, Hành Chánh và Điều Hành (tức khối Quân Phạm). Tôi được CHT giao cho nắm Khối Điều Hành, bất đắc dĩ trở thành một tên CAI TÙ  hay CHÚA NGỤC thì cũng thế!
    Ngày đêm, coi ba bốn trăm ông "con Trời, con Đất", mang đủ tội đâm chén, xì ke ma túy, hủy họai thân thể, trộm cướp, hiếp dâm... nhưng nhiều nhất là tôi đào ngũ. Trung tâm trách nhiệm đủ lọai "thặng số", trả lương cho họ, thay cho quân đội, bao quát cả thủ đô Sài Gòn và vùng 3 Chiến Thuật, nơi khác đổ về, lên gần 80 ngàn người, với 82 loại THẶNG SỐ (những quân nhân biệt phái, bất khiển dụng, thương bệnh binh...v.v.)
     Vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến (từ cuối năm 73, đầu 74 đến tháng 4/75) đào binh nhiều quá, Quân Lao chở người qua, "trại gà" của tôi  hết GMC này, tới GMC khác. Cũng may tôi có một Trại Trưởng rất giỏi trong cách coi tù, nên đêm về, tôi vẫn được ngủ yên.  Đôi khi mới phải vào trại ngoài giờ hành chánh, hoặc nửa đêm, Tr/úy Hồng B.TR, giờ này chẳng biết anh ở đâu?
     Tuần rồi, 30 tháng 4, đám CHIẾN HỮU  ấy lại réo gọi từ Santa Ana: "Ông anh còn nhớ buổi sáng hôm ấy không?"  Dĩ nhiên đó không phải là một buổi sáng của Thanh Tịnh: "Một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi, dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp..." mà một buổi sáng tháng Tư của một Sài Gòn mưa nắng hai mùa, quan và quân nhốn nháu, giặc thì đã vào thành phố, kiếm NGƯỜI PHÁT LƯƠNG thì chẳng thấy anh ta đâu, tôi bỏ cả tháng lương 42 ngàn (Th/tá 1 vợ 3 con), mà tôi cũng chả thiết tha gì, khi nghĩ đến mình rồi sẽ ra sao?  Lận cây colt 45 trong bụng với  một băng đạn, vừa để phòng thân, vừa để tự kết liễu đời mình!
      Bác Tài Lê vừa post lên hai câu:
            Quốc phá gia phong, thiên kỷ hận
            Sinh ly tử biệt, bách niên sầu.                        
      An tôi có thể diễn dịch "thoáng" một chút:
            Sống chết, trăm năm, ta còn nhớ
            Nước mất nhà tan, hận mãi ngàn đời...
                           
      Thơ văn xưa nay vẫn được "nhân" lên như thế để thêm cường độ và cường điệu, chứ không phải "hư cấu", như hai câu thơ của Nguyễn Bính trong bài TỈNH GIẤC CHIÊM BAO, nhà thơ đã ví cuộc tình mà ông xây đắp bao năm to như một tràng đình:
             Yêu nhau đã dựng tràng đình
             Mẹ em đã xé tan tành gối thêu...
                                           
    Cứ tưởng tượng 400 quân phạm xổng chuồng, nó đốt tôi cũng thành than mà nó băm thì cũng ra hàng trăm mảnh! Như hồi bố tôi ở Nha Trang, quân phạm Đơn Vị 2 Quản Trị ra phá tanh banh, bố tôi và bà kế mẫu không chạy ra Cam Ranh thì cũng mất mạng rồi.
Thỉnh thoảng nghĩ lại cái NGÀY ẤY, 30 THÁNG 4 NĂM 1975, tôi vẫn nhớ về mấy vần thơ của Xuân Diệu:
            Thôi hết rồi, còn chi nữa đâu em
            Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm
            Thôi đã hết, hờn ghen và giận dỗi
            Được gần nhau, sung sướng biết bao nhiêu
            Anh một mình nghe tất cả buổi chiều
            Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh...               
                            
Tôi nhớ lõm bõm và quên cả tên bài thơ, có sai, cácbạn bỏ qua cho.
Để nhớ về NGÀY ẤY, ngày mà người ta gọi bằng nhiều cái tên: THÁNG TƯ ĐEN, THÁNG TƯ GẪY SÚNG, THÁNG TƯ TỦI NHỤC, THÁNG TƯ BUỒN.... tôi bỗng nghĩ về truyện Tái Ông Thất Mã:
            Rằng may, chưa hẳn là may
            Rằng xui thì cũng có ngày trời quang
            Tái ông mất ngựa thì buồn
            Còn ông khỏi lính, biến buồn thành vui...
                     
                       AN HOÀNG 
               (Viết cho NGÀY MẤT NƯỚC)

                                             

Không có nhận xét nào: