Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn IX- Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Nghĩa Làng Văn IX 
                               Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Chữ Nghĩa Làng Văn 


Nhạc sĩ Phạm Duy, bạn thân của Hoàng Cầm, đã phổ bài thơ Lá diêu bông thành ca khúc, ông từng viết Hoàng Cầm trong tôi tại California, Hoa Kỳ, vào năm 1984 nêu cách giải thích: 
"Trước hết chúng ta cần biết lá diêu bông là lá gì? Lá diêu bông (lá bông diêu thì đúng hơn) là thứ lá đặc biệt ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh, phụ nữ thời xưa thường vắt ra nước rồi bôi lên mặt cho da dẻ được hồng hào tươi đẹp.
Ít lâu sau Hoàng Cầm phủ nhận những “hư cấu” của Phạm Duy.
(Phanxipăng – Diêu bông rụng xuống lòng sông Đuống)


Chữ Việt Cổ
Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.


Cử mục: người làm lớn 
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


Chữ và Nghĩa 
Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè vì khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp gây lúng túng cho các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ. 

Bằng chứng là nếu diễn giải câu Chó treo; mèo đậy ta buộc lòng phải cho rằng “Chó đem treo thức ăn cần cất giữ lên cao; còn mèo thì cố đậy kín thức ăn cần cất giữ lại, tuy nhiên cái nghĩa đích thực của câu ấy lại là: Ðể chó khỏi ăn vụng thì thức ăn cần cất giữ nên được treo cao lên; để mèo khỏi ăn vụng thì thức ăn cần cất giữ nên đậy kín lại”, vì mối quan hệ về nghĩa giữa chó cũng như mèo, với treo cũng như đậy là mối quan hệ giữa hai sự thể: sự thể thứ nhất nêu “cái đích cần được nhằm tới“ và sự thể sau nêu cái “hành động mà chúng ta nên làm để đạt tới đích”. 
(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)


 Câu Đối Lơ Mơ Lỗ Mỗ 

Ông ăn nên làm ra, xây lầu tầng ba, gần trời xa đất
Tôi có sao đành vậy, ở nhà cấp bốn, gần đất xa trời
Chữ và Nghĩa 
Từ thời xa xưa, ngôn ngữ Việt rất đa dạng, phong phú. Nhất là những từ ngữ cổ bởi chúng có thể diễn tả nội tâm của con người, diễn tả chi tiết về sự vật, hiện tượng. Cho đến ngày nay, chúng vẫn tồn tại nhưng lại thường bị mất nghĩa hoặc bị hiểu sai. Dưới đây là một số từ cổ tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.

Yêu dấu 
Chúng ta vẫn thường nói, em yêu dấu, ‘yêu’ thì hiểu rồi, nhưng ‘dấu’ nghĩa là gì?
‘Dấu’ là một từ cổ, sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: ‘dấu’ nghĩa là ‘yêu mến’. Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1651) cũng giải thích ‘dấu’ là một từ cổ để chỉ sự thương yêu với ví dụ: Thuốc dấu là ‘bùa để làm cho yêu’.
Tục ngữ Việt Nam nói ‘Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu’, còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái quạt giấy (bài hai) thì viết ‘Chúa dấu vua yêu một cái này’

Có thể thấy, ‘dấu’ và ‘yêu’ là hai từ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ ‘yêu’ vẫn còn được viết hay nói một mình, còn từ ‘dấu’ thì không ai dùng một mình nữa. Giờ đây, thay vì ‘anh yêu em’ mà nói ‘anh dấu em’ thì không khéo lại bị hỏi ‘anh giấu cái gì?’ 
(Vũ Tuấn sưu tầm)


Tục Ngữ Tàu 


Vô tửu bất thành lễ
Một tửu một tương bát thành đạo trường
(Không rượu không tương, không thành đạo trường)
(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)


Ông Năm Chuột
Như hôm nay đây, tôi tìm gặp lại nhà văn Phan Khôi trong truyện Ông Năm Chuột. Tôi đọc Ông Năm Chuột cách đây gần 40 năm, lúc tôi làm phóng viên cho báo Văn Nghệ Hà Nội do Nguyên Hồng làm chủ nhiệm.


Bài giới thiệu tiểu sử Phan Khôi nói là do in truyện này mà báo bị đóng cửa. Báo Văn Nghệ và báo Học Tập (cơ quan lý luận của Hà Nội) đang choảng nhau nảy lửa. Hai ông kẹ viết bài chống Thế Toàn đăng trên báo Học Tập (nhằm chống đối báo Văn Nghệ) là Nguyên Hồng và Nguyễn Tuân. Nhưng sau vài trận đấu phép thì tôi thấy Nguyên Hồng nghỉ chức Chủ Nhiệm lui về Bắc Giang và Nguyễn Tuân có bài tự phê bình trên báo Văn nghệ. Rồi đại úy Vũ Tú Nam kiêm nhà văn về thay Nguyên Hồng.
Bây giờ đọc lại truyện Ông Năm Chuột, tôi thấy Cộng Sản đóng cửa báo Văn Nghệ là phù hợp với tư tưởng lãnh đạo, bởi Ông Năm Chuột là cái truyện ác thiệt. Đó là một quả búa tạ ngàn cân nện vào thái dương ông Hồ.


Riêng truyện Ông Năm Chuột thì làm Tố Hữu nhăn nhó đay nghiến văn nghệ sĩ mấy buổi họp liền. Tác giả Ông Năm Chuột đã chê bọn lãnh đạo là dốt nát mà tưởng mình giỏi, ngu mà tưởng anh minh. Nguyên cái câu: "Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói, tôi không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề làm thợ bạc cho tôi!"- cũng đủ cho bọn "Trung Ương" đau như hoạn. 


Ông Năm Chuột phải là vạn đại quân sư của chúng. Nhưng như bạn đọc thấy đó, bọn chúng vẫn luôn không chịu học mà cứ hay huấn từ văn nghệ sĩ. Hết Tố Hữu rồi đến Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, rồi Nguyễn Văn Linh. Cả cái anh Đỗ Mười cũng đến Đại Hội Nhà Văn đọc diễn văn! Sợ văn nghệ sĩ làm bậy, nhưng chính chúng lại làm bậy nhất lịch sử.
(Xuân Vũ)


115 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nghi vấn văn học: với truyện "Cánh Đồng Bất Tận", dư luận cho rằng Nguyễn Ngọc Tư đã “đạo văn” của Phạm Thanh Khương (người Bắc) viết trước đó có tựa đề: "Dòng Sông Tật Nguyền”.


- Chị có thể nhắc lại mốc thời gian chị hoàn thành tác phẩm "Cánh Đồng Bất Tận"?
- Tôi nói về điều này rất nhiều trên các báo trước đây nên xin được phép không nhắc lại nữa.


- Trong quá trình sáng tác "Cánh Đồng Bất Tận", chị có đọc văn bản nào na ná như những gì mình có ý định viết?
- Hoàn toàn không. Tôi viết "Cánh Đồng" trong tâm trạng trăn trở và lấy tư liệu từ cuộc sống là chính. Thời gian đó tôi cũng chẳng đi đâu xa khỏi quê hương mình.


- Khi tác phẩm hoàn thành, ai là người chị cho xem đầu tiên?
- Nhà báo Huỳnh Kim, một người bạn của tôi hiện ở thành phố Cần Thơ.


- Trước nhiều sự việc xảy ra quanh tác phẩm của mình, chị cảm thấy thế nào?
- Tôi hoàn toàn tin tưởng vào bản thân tôi và tôi vẫn đang viết.


- Hiện giờ tâm trạng chị ra sao?
- Hiện tại, tôi rất mệt mỏi. Mới đây trên một tờ báo có phỏng vấn tôi về việc này nhưng lại diễn đạt không đúng như ý tôi muốn nói. Tôi không muốn có gì ầm ĩ. Đây là chuyện giữa tôi và tác giả Phạm Thanh Khương. Đến lúc nào đó, tôi và tác giả sẽ phải đối thoại với nhau.
(Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi luôn tin tưởng vào bản thân mình")


Nhân Văn Giai Phẩm 

Người tố giác cả “hệ thống những sai lầm xấu xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác.
Người lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn một” là nhà thơ Xuân Diệu, cũng chính là người phát hiện Văn Cao “gài mìn chống phá Đảng và nhân dân”

Người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống đảng, chống cách mạng, phản nhân dân, phản tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân dân” là nhà văn Nguyễn Công Hoan.

(Phạm Thị Hoài - Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn)



Bên Hè Phố Sách
Từ đền sách cấm Parthenon ở Đức, Buenos Airs
tới chiến dịch cộng sản đốt sách miền Nam 1975

Các thông tri đưa ra trong chiến dịch quét sạch văn hoá Miền Nam đều có kèm theo những bảng danh mục cấm sách: 
1) Danh mục cơ sở xuất bản bị cấm toàn bộ các sách đã xuất bản
2) Danh mục các nhà xuất bản sách thiếu nhi bị cấm toàn bộ những sách đã xuất bản
3) Danh mục tác giả, dịch giả có sách kiếm hiệp bị cấm toàn bộ.
4) Danh mục các tác giả có sách bị cấm toàn bộ
5) Danh mục các sách bị cấm lưu hành.

Tóm lại, toàn bộ văn học miền Nam, cỡ cả triệu cuốn đã bị khai tử, hàng trăm ngàn cuốn sách đã tịch thu, hoả thiêu. Nhưng không chỉ văn học miền Nam bị thiêu hủy mà bộ văn học thời tiền chiến mà Miền Nam đã tái gầy dựng và nuôi dưỡng cũng trở thành “người chết hai lần, thịt da nát tan” dưới chế độ cộng sản. 

Theo “Hồi ký của một người Hà Nội” đăng trên nhật báo Người Việt nơi trang “Diễn đàn hội luận phỏng vấn hiện tình Việt Nam,” văn học thời tiền chiến đã bị thiêu hủy năm 1954 ở miền Bắc, và sau đó lại bị khai tử lần hai tại Miền Nam sau năm 1975. (1)

(1) “Hồi ký của một người Hà Nội,” http://www.nguoi-viet.com/dien-dan/Hoi-ky-cua-mot-nguoi-Ha-Noi-0753/; và “Diễn đàn hội luận phỏng vấn hiện tình Việt

Nhìn lại, quả thực không thể tưởng tượng được chuyện đốt sách đã xẩy ra ở Miền Nam, mới đây thôi, chứ không phải xa xôi gì như thời Tần Thủy Hoàng hay Đức Quốc Xã.
Song, cũng có vô số văn nghệ phẩm đã được tẩu tán nhờ người Miền Nam và cả người từ Miền Bắc vào. Những người sau này đã hẳn là phải ngỡ ngàng trước một Miền Nam thực ra mới chính là bên đã giải phóng họ khỏi bao nhiêu năm bị bịt mắt, lừa lọc, hy sinh một cách vô ích.

Mong một ngày không xa chúng ta có dịp nói như Marta Munijín trước El Partenón de Libros của bà ở Buenos Aires vào năm 1983: “Trả lại tác phẩm cho quần chúng.”
(Trùng Dương)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 
Mộng
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.


Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 


Tô Hòai
Một buổi chiều, trong lúc tôi nằm queo rầu rĩ trong cái ga-ra vừa mướn được với giá năm đồng một tháng, thì bỗng có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa thì đó là anh Tô Hoài. Anh dựng xe đạp ngoài gốc cây bên hè, tay cầm quyển sách đi vào đưa cho tôi.
Tôi đỡ lấy quyển sách. Nhìn trên bìa, thấy hai chữ Mười Năm, tôi biết ngay là tiểu thuyết của anh vừa in, do Văn Cao trình bầy bìa. Giở vào bên trong tôi thấy dòng chữ “Tặng Xuân Vũ”.
– Cậu ăn cơm chưa? Anh hỏi.
– Dạ chưa!… ủa rồi?
– Rảnh không? Đi lại đằng này chơi với tôi một chuyến đi.


Tôi vào thay quần áo và dắt chiếc xe đạp màu vàng hiệu Alpha nặng như sắt khối (của cơ quan), nhảy lên đạp theo anh.
Chạy phía sau, tôi mới thấy rõ tướng của anh: người nhỏ nhắn, xe guidon carré, nên lưng anh thẳng, đầu hơi nghiêng bên trái, mớ tóc lưa thưa, bay bay trong nắng chiều, và bộ đồ nâu của anh hơi bạc màu, làm cho tôi nhớ đến những ngày khói lửa vừa qua.
Anh đưa tôi đến một tiệm ăn ở Hàng Da, kéo ghế bảo tôi ngồi:
– Cậu ăn bíp-tếch nhé !
– Tôi ăn cơm rồi anh ạ ? – Mặc dầu chưa nhưng vẫn trả lời thế.
– Vậy cậu uống một cốc vang với tôi. Nam Kỳ là uống rượu được mà! Đừng từ chối nữa.
Thế là tôi uống với anh hết một chai vang đỏ suốt buổi tiệc. Anh rất vui tính, nói chuyện huyên thiên, không khách sáo. Anh hỏi tôi đang viết gì, định viết gì v.v... Tôi nói thật với anh là tôi không viết được, không có ý định gì hết. Chỉ muốn trở về Nam thôi.
(Xuân Vũ)


Từ Điển và Từ Ngữ Việt Nam
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


Chồm hỗm. Nói ngồi xổm một mình ở trên phản trên giường

Không phải «một mình» cũng chẳng phải chỉ «ở trên phản trên giường». Thí dụ: Tốp thợ xây đang ngồi chồm hỗm dưới đất để nghe cai thầu phân công. Ngồi chồm hỗm, thực ra, chỉ đơn giản có nghĩa là ngồi xổm.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


Đêm năm canh ngày sáu khắc
Thời gian, thì giờ là một đề tài xưa như trái đất và to như cái đình. 
Bàn về thời gian thì có thể bàn... hết năm này sang năm khác, bàn cho đến khi "Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc"... cũng chưa chắc đã đi tới đâu, nhưng vẫn thích bàn. Triết gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ngày ngày thi nhau bàn. 
Thời gian là cái gì mà làm cho người ta say mê bàn như vậy? 
Chả là cái gì cả! Chưa ai thấy mặt mũi thời gian ngang dọc ra sao, nhưng phải nhắm mắt thừa nhận rằng thời gian rất hấp dẫn, rất quan trọng. Chả thế mà khắp đông tây nam bắc, từ thời thượng cổ đến tận bây giờ, người ta thi nhau sáng chế máy này máy nọ để đo thời gian. Người ta rủ nhau đi đo cái vô hình vô ảnh. Đo cái mà mắt trần không thấy được. Các thứ máy đo thời gian, thô sơ hay tinh xảo, to hay nhỏ, ta đều gọi chung là đồng hồ.


Theo truyền thuyết thì người Tàu đã biết dùng đồng hồ nước từ đời Hoàng Đế (khoảng 2500 năm trước tây lịch). Một nghìn năm sau (1500 năm trước tây lịch), người Ai Cập mới sáng chế đồng hồ cát (clepsydre). Phải chờ thêm hơn 2000 năm nữa, vào khoảng năm 1300 tây lịch, người Âu mới có đồng hồ có bánh xe. Năm 1904 xuất hiện đồng hồ đeo tay, và mới từ vài chục năm nay lại có thêm đồng hồ quartz, đồng hồ điện tử, v..v..


Vậy xin hỏi nước ta biết dùng đồng hồ từ bao giờ? 
Dạ, không biết! Rốt cuộc, bàn về thời gian chỉ...mất thì giờ! 
(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)


1. Tục Ngữ và Thành Ngữ
- Tục ngữ: Là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, có khi là một sự phê phán.
- Thành ngữ: Là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu, mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn.
Thí dụ như: "Cá bể, chim ngàn" hay "Người chửa, cửa mả"...

Có người nói tục ngữ là ngạn ngữ, là lời nói đã lưu hành từ xưa. 
Chữ ngạn có nghĩa là lời nói của người xưa.



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 
Mộng
Ngày mai mơ mộng làm chi
Sẽ tàn sẽ mất còn gì nữa đâu


Ca dao, dân ca


2. Ca dao và dân ca:
 Ca dao là một thuật ngữ Hán Việt. Đứng về mặt văn học mà nhận định, khi chúng ta tước bỏ những tiếng đệm, những tiếng láy, những câu láy ở một bài dân ca, thì chúng ta thấy bài dân ca ấy chẳng khác nào một bài ca dao. Có thể nói, ranh giới giữ ca dao và dân ca không rõ.

Ca dao của ta có thể ngâm được nguyên câu. Còn dùng một bài ca dao để hát, thì bài ca dao sẽ biến thành dân ca. Vì hát yêu cầu phải có khúc điệu, và như vậy phải có thêm tiếng đệm. Vậy có thể nói, ca dao là một loại thơ dân gian có thể ngâm được, như các loại thơ khác và có thể xây dựng thành các điệu ca dao.
Còn dân ca là câu hát đã thành khúc điệu. Dân ca là những bài hát có nhạc điệu nhất định, nó ngả về nhạc nhiều ở mặt hình thức, nó là nhạc do tiếng của con người đưa ra từ cổ họng.
Đồng đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh


Hay:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ
(Vũ Ngọc Phan)


Quái


Quái : quay trở lại
(nắng quái chiều hôm)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chùa Quán Sứ

Nguyên xưa ở phường này chưa có chùa, chỉ có mấy gian nhà tranh ở phía nam, dân làng dùng làm chỗ tế thần cầu yên gọi là xóm An Tập. Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống nước ta. Vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. 

Thời gian đã xóa đi dấu khu nhà Quán Sứ nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại. Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ XV nằm trên địa phận thôn An Tập, phường Cổ Vũ, huyện Thọ Xương, ngày nay là phố Quán Sứ.

Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo
Bắc ngồi bia bọt, Nam nhậu lade
Bắc bùi bùi lạc rang, Nam thơm thơm đậu phụng



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

miên man 綿蔓 
Miên man nghĩa là kéo dài, hầu như không bao giờ hết. Ðịnh nghĩa như vậy không có gì đáng phàn nàn. Nhưng, khi giải nghĩa các từ tố, soạn giả cho rằng, miên = kéo dài; man = nước tràn, dài thì chúng tôi thấy chỉ đúng ở chữ miên, còn nghĩa của chữ man thì quả là rất đáng nghi ngờ. 
Tra cứu ở vài quyển từ điển Hán Việt (trong đó có Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh), chúng tôi thấy có từ “miên man” 綿蠻 (trong đó, man蠻 là chữ mà người Trung Hoa ngày xưa dùng để chỉ các dân tộc chưa khai hóa ở phương nam, như trong các từ nam man) và tìm thấy lời giải thích rằng, miên man nghĩa là tiếng chim kêu líu lo; có quyển còn nói rõ hơn: miên man = tiếng chim hót líu lo, tiếng nọ dính với tiếng kia; tiếp nối không dứt, hết cái này tới cái kia, hết chuyện này tới chuyện kia. 

Ðến đây, mối nghi ngờ vẫn chưa chấm dứt, bởi vì chữ man 蠻 không có nghĩa là tiếng chim hót, hơn nữa, từ miên man chỉ gợi hình ảnh chứ không gơị âm thanh. Cuối cùng, tra cứu ở từ điển Từ Nguyên, chúng tôi tìm ra từ miên man 綿蔓, trong đó, man蠻 nghĩa là bò lan dài ra (nói về thực vật bò hoặc leo). 
Từ tố này thật xác đáng, thật sát nghĩa, không có gì phải phân vân nữa. 
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Theo “Tự Điển Tiếng Viêt Dành Cho Học Sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):
Ngồi: đặt đít xuống chỗ nào

Nguyễn Nhược Pháp
Ông là con nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh, sinh ngày 12-12-1914 ở Hà Nội, mất ngày 19-11-1938, học ở Hà Nội, có bằng Tú Tài Tây.

Làm thơ từ năm 1932, tác phẩm Ngày Xưa (1935). Ngoài thơ có viết nhiều truyện ngắn và kịch. Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp.

Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những "thắt lưng dài đỏ hoe", những đôi "dép cong" nho nhỏ.

Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn khó chịu của các ông tú, từ Tú Xuất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật đáng quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến. Người mến cô bé đi chùa Hương và cùng cô bé san sẻ mọi nỗi ước mơ, sung sướng, buồn rầu. Người mến nàng Mỵ Nương. Lúc Mỵ Nương từ biệt cha đi theo chồng, người thấy:
Lầu son nàng ngoái trông lần nữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương. 


Rồi:
Nhìn quanh khói toả buồn man mác,
Nàng kêu: "Phụ vương ôi! Phong Châu" 


Một điều lạ là những câu tình tứ như thế ghép vào bên cạnh những câu buồn cười mà không chút bỡ ngỡ. Cái duyên của Nguyễn Nhược Pháp là ở đó. Chắc Nguyễn Nhược Pháp không chịu ảnh hưởng của ẠFrance, nhưng xem Ngày Xưa tôi cứ nhớ đến cái duyên của tác giả Le livre de Mon Ami. Phải chăng Nguyễn Nhược Pháp cũng hay giễu đời và thương người như ẠFrance? Không? nói giễu đời e không đúng. Nguyễn Nhược Pháp chỉ muốn tìm những cảnh, những tình có thể mua vui. 

Dầu sao tôi thấy Nguyễn Nhược Pháp già lắm, khác hẳn người bạn chí thân của người là Huy Thông. Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ ngĩnh và cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm. Người mất năm hai mươi bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ.
Tháng 10-1941
(Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh/Hoài Chân)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Mộng
Rồi đây ta cũng bỏ ta
Có không không có cũng là phù du.


Nam Kỳ lục tỉnh: Đất nước và con người
Đất Nam Kỳ 
Nhưng nội bộ các vương tộc Chân Lạp, từ lúc thành lập, luôn luôn tranh chấp nhau. Nội chiến đã làm Chân Lạp suy yếu, Chân Lạp thường bị Xiêm (đến 1939 mới đổi là Thái Lan) nhiều lần đánh chiếm đất đai. Cuộc Nam Tiến của dân ta đã bắt đầu trong bối cảnh nội chiến nầy của xứ Chân Lạp và cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn của nước ta. 

Năm 1620, vua Chey Chetta 2 đến Thuận Hóa xin cầu hôn với công chúa Ngọc Vạn (khi trở thành hoàng hậu có tên là Ang Cuv hay Sam Đát), con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Cuộc hôn nhân nầy là một dịp đi tìm đồng minh của vua Chân Lạp, cầu viện chúa Nguyễn để đánh lại Xiêm. 
Chúa Nguyễn cũng lợi dụng việc gả con gái để đưa người Việt vào lập nghiệp ở vùng đất Phù Nam cũ ở hạ lưu sông Cửu Long. Tuy trên danh nghĩa là đất Chân Lạp, (hay Phù Nam cũ) nhưng trong thực tế là đất vô chủ bởi lẽ từ nhiều thế kỷ, vì sự suy yếu vì chiến tranh liên tiếp với Xiêm, vùng đất nầy hoàn toàn hoang vu. 

Trước khi người Việt đến, vùng nầy chỉ có vài mươi nóc nhà người Miên-Môn, ở trên các gò cao ở sâu trong rừng vùng Preikor (Saigon), sống biệt lập với người Miên và vương triều Miên. 
Năm 1623, niên kỷ đầu tiên đánh dấu cuộc Nam Tiến, chúa Sãi cho đặt hai trạm thu thuế ở Prei Nokor (Saigon, nay ở khoảng quận 5) và Kas Krobei (Bến Nghé, nay ở khoảng quận 1) 

Như vậy, Mô Xoài (tức Bà Rịa bây giờ) là địa điểm đầu tiên có người Việt đến quần cư (vì trên gò cao, gần sông, biển) 

Từ đó, chúa Nguyễn khuyến khích dân Thuận Quảng và đưa tù binh bắt được trong cuộc chiến tranh với chúa Trịnh vào Nam khẩn hoang lập ấp ở vùng đất mới. Sử cũ ghi là năm 1665 có độ 1000 người Việt vào lập nghiệp ở vùng đất mới nầy. 
(Lâm Văn Bé)

Chữ Nghĩa Làng Văn
- * Theo ông, nơi nào đáng được xem là phố cổ của Sài Gòn?
- Đó là Gò Vấp. Xét ở nhiều khía cạnh như kiến trúc, tôn giáo, ẩm thực…, Gò Vấp xứng đáng là phố cổ Sài Gòn, cần được đầu tư để là phố cổ Sài Gòn. Gò Vấp có nhiều kiến trúc cổ như các đình, chùa, miếu… Gò Vấp tập trung nhiều tu sĩ và đạo tỳ, có đủ các món ăn ngon của đất phương Nam. Dân Gò Vấp làm từ thiện nhiều, nổi tiếng là bà Lệ Phát ở chùa Châu An. Thích làm từ thiện là một đặc điểm của dân khẩn hoang. Gò Vấp cũng có chùa Nghệ Sĩ, một hiện tượng độc đáo chỉ có ở Việt Nam…
(Cả đời viết về cuộc khẩn hoang Nam bộ - Miêng)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Chẳng giàu thì phải đẹp giai
Chẳng thông kinh sự phải dài… cái kia

Giai Thoại Nhà Chùa 
Chuyện rằng, có một ông làm nghề hàng giát, nhà ở ngay bên cạnh chùa. Sáng nào cũng vậy, khoảng đầu giờ dần cứ thấy thầy chùa dậy gõ mõ tung kinh thì ông cũng dậy giết lợn là vừa. 

Tối hôm ấy, thầy chùa sang nhà ông hàng giát chơi uống nước, cái thứ chè móc câu làm thầy chùa mất ngủ. Vừa chợp mắt được một lúc thì thầy chùa mộng thấy một phụ nữ cứ năn nỉ “Thầy ơi Thầy cứu mẹ con con với”. Rồi thầy chùa cũng ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy thì trời đã sáng rõ.
Ông hàng giát nhà bên cạnh ngủ không nghe thấy tiếng chuông mõ của nhà chùa cũng ngủ luôn. Khi dậy vội vàng xuống chuồng lợn thì con lợn mới bắt về chiều qua để giết đã đẻ 5 con. Giá như Thầy chùa không có giấc mộng, không ngủ quên thì chắc chắn mẹ con nhà lợn đã chết. Ngày hôm ấy ông hàng giát ra vào không yên. Hóa ra ông mang con dao còn vấy máu lợn sang chùa đứng trước cửa Tam Bảo mà thề rằng: Từ nay ông bỏ nghề giết lợn, rồi ông cắm con dao xuống đó…
Tại nơi mà ông hàng giát cắm con dao vấy máu lợn mọc lên một cây có lá hình con dao màu đỏ tím như tiết lợn.
Người ta gọi là cây Huyết Dụ.
(Đông Ngọc Hoa – Vài sự tích xưa)














































































Không có nhận xét nào: