Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

Chuyến Bay Giăng Tơ - Vhp.Hạ Vũ


    Chuyến Bay Giăng Tơ

Tháng Chín mùa Thu Cali, cây lá bắt đầu đổi màu, khí trời cũng trở nên lành lạnh, tạo cho không gian thêm nhiều màu sắc nên thơ. Tháng Chín cũng là tháng tựu trường của học sinh ở nước Mỹ cũng như ở Việt Nam. Mỗi lần Tháng Chín Tựu Trường là Hải nhớ những "đàn chim áo trắng" tấp nập, rộn ràng, ríu rít khắp sân trường vào những ngày khai giảng niên khóa ở quê nhà. Tháng Chín Mùa Tựu Trường cũng là tháng kỷ niệm khó quên của Hải. Năm xưa ấy, tháng Chín, một cuộc gặp gỡ, một mối tình nẩy nở nhưng có duyên không nợ nên phải... chia ly. Một dĩ vãng ngọt ngào lẫn đắng cay thỉnh thoảng lại trỗi dậy làm nàng ray rứt.  Nàng mở tủ đọc lại bức thư chưa kịp gởi và... không còn dịp gởi!!!

An Giang, Ngày... tháng 01, năm 1969
Anh yêu nơi tuyến đầu khói lửa, 
Mấy năm nay cứ đến tháng Chín là em lại nhớ những kỷ niệm ngày chúng mình tình cờ gặp gỡ trong một chuyến bay, rồi quen biết, và vương mang tơ lòng không thể nào cắt đứt được. Năm nay, anh cho em nhắc lại ngày đó, ngày đã đưa em vào bước ngoặc lớn khó quên trong đời, ngày đem đến cho em nhiều niềm vui, cũng không thiếu những nỗi buồn. 
Vào ngày sắp khai giảng niên học cuối, chị Cẩm Vân, người lớn tuổi nhất trong bọn em, nhờ quen biết, xin được ba vé máy bay quân sự đi từ Saigon đến Huế cho chị, Ngọc Minh, và em. Khi chúng em lấy vé đi Huế vào đầu tháng Chín thì không có chuyến bay quân sự nào đến Phú Bài (Huế) cả, chỉ tới Đà Nẵng thôi. Vì sợ trễ ngày khai trường vào hôm sau và đường bộ từ Đà Nẵng đến Huế lúc đó còn khá an toàn, chưa bị Việt Cộng lộng hành đấp mô hay giật mìn, nên cả ba chấp nhận đi Đà Nẵng, rồi sau đó sẽ lấy vé xe đò ra Huế. Đây là chuyến bay đầu tiên trong đời chúng em, mà cũng là chuyến bay định mệnh đưa em vào một cuộc tình đẹp và buồn. 
Chúng em là người sống và lớn lên ở thủ đô Saì Gòn hoa lệ nên không phải là "Mán vào thành", nhưng khi ngồi trên máy bay thì đúng là "ngu thứ thiệt". Em cầm dây an toàn lên ngắm qua nghía lại, xỏ tới xỏ lui, rốt cuộc không biết thắt cách nào cả. Có từng đi máy bay đâu mà biết! Thì cũng coi như mình đi sau thời đại... một chút xíu, chứ không phải lạc hậu đâu anh nhé (đừng cười em ngụy biện). Em liếc qua chị Cẩm Vân và Ngọc Minh thì thấy cũng giống em. Cả ba cười tủm tỉm cho cái "nhà quê lên tỉnh" của mình. Chị Cẩm Vân thầm thì: '"Đừng cho người ta biết mình "nhà quê", cứ làm bộ mình không cần thắt dây này". Cả ba bèn bỏ, không thèm thắt. Đi phi cơ quân sự, đâu có tiếp viên hàng không để giúp mình thắt dây an toàn hay nhắc nhở thắt dây. Liếc nhìn chung quanh, mấy người thuộc gia đình quân nhân tử sĩ có người thắt, có người không. Thế là cũng có "đồng minh" , mình không "cô độc"!  Bọn chúng em cũng là "thân nhân" (dởm) của tử sĩ đây. Ngọc Minh ngó quanh một vòng rồi quây qua em rù rì: "Thật nản! Chuyến bay "âm thịnh dương suy"!!! 
Em đang ngồi ngắm mây trời mà nhớ những đoạn văn đầy chất lãng mạn ngọt ngào trong quyển "Đời Phi Công" của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh thì... máy bay nhồi xốc. Chóng mặt và buồn nôn ập tới. Hết thơ mộng rồi ông Toàn Phong ơi!... Máy bay đáp xuống phi trường Liên Khương (Đà Lạt), không đi thẳng ra Đà Nẵng. Ôi thật là khổ! Vì thời tiết xấu và vì không đi máy bay quen cho nên lúc cất cánh hay hạ cánh đều làm chúng em khó chịu trong người. Vào lúc em đang còn chóng mặt và lầm bầm trong miệng: "Biết như thế này thì đi máy bay Air Việt Nam cho rồi, tốn chút đỉnh tiền vé mà bay thẳng một lèo tới Phú Bài (Huế), có khoẻ tấm thân hơn không", thì...  xuất hiện sáu anh chàng phi công vận đồ bay, trong đó có... anh bước vào cửa. Không có chiếc nhẫn vàng nào sáng chói trên bàn tay các anh cả! Đột nhiên cơn chóng mặt của em biến mất. Em lấy tư thế ngồi tự cho rằng đẹp nhất, tống bộ mặt nhăn nhó vì khó chịu trong người đi chỗ khác chơi. Hai người bạn cũng đang sửa dáng ngồi. Thì ra "đồng bệnh" cả. Ngọc Minh bỏ nhỏ vào tai em: "Bây giờ thì chuyến bay trở thành "dương thịnh âm suy"!!! 
Mấy anh "chàng hào hoa" bước vào thấy có ba nàng "không giống ai" trong đoàn hành khách thuộc gia đình quân nhân tử sĩ thì cũng liếc mắt nhìn và to nhỏ với nhau. Ba nàng cảm thấy mình bị chóng mặt một chút lúc máy bay lên xuống cũng không phí chút nào. Những chàng trai thời đại "xếp bút nghiên theo việc đao cung" làm "rung rinh rụng rời" biết bao trái tim của các nàng thời đó! Vào thời điểm ấy, những chàng trai ở các quân binh chủng anh hùng khác cũng là những người trong tầm ngắm của các "em gái hậu phương", nhưng Không Quân là số một.  Các cô sắp quân chủng này đứng đầu danh sách vì các anh phi công không phải đi hành quân xa nhà lâu ngày và đơn vị đóng ở những thành phố lớn. Do vậy các anh có nhiều dịp phát huy đặc tính của đấng mày râu là lả lướt và hào hoa (điều này các cô cho điểm mười), do đó kiêm luôn đào hoa (điều này bị điểm trừ là cái chắc, trừ mười một điểm). 
Mấy anh chàng phi công lên máy bay, việc đầu tiên là thắt giây an toàn. Các cô lại có dịp cười thầm: "Dân Không Quân mà sợ té trong máy bay! Ta đâu cần thắt mà có té đâu"? Nghĩ lại thật khôi hài! Dốt mà không biết còn đi cười người khác. Các anh ngồi buồn đánh bài giải trí, nhưng lâu lâu vẫn liếc xem mấy "Em" làm trò gì. Sao không liếc mấy người khác ở phi cơ? Các cô cũng quan tâm đặc biệt đến các anh nên hành động của những "người hùng" này không lọt khỏi cặp mắt "giả nai" của các nàng.  Anh không đánh bài mà đeo kính mát ngồi "ngủ", giả ngủ để dễ quan sát "đối tượng" phải không anh? Cặp kính mát của anh làm em bối rối, lúng túng suốt chuyến bay. Em tự giận mình không biết cất giấu hai bàn tay của em ở đâu cho chúng đừng ngọ nguậy.  
Lúc xuống phi cơ, không thấy chàng nào "ga - lăng" giúp các nàng xuống cả. Ôi chao! Chuyện lạ!  Xuống đất rồi mới thấy khổ ơi là khổ!  Đây không phải là phi trường dân sự để có lối đi riêng biệt dễ biết cho hành khách ra vào, nên các cô đứng ngơ ngác nhìn quanh.  Chung quanh hàng hàng lớp lớp máy bay quân sự đủ loại đang đậu hoặc cất cánh, hạ cánh. Âm thanh rền vang. Không khí chiến tranh bao trùm làm chúng em khớp, lúng túng, cảm tưởng mình như bị vây khổn trong "Bát Quái Trận Đồ" của Khổng Minh.  Những người đồng hành trong chuyến bay có lẽ họ ra vào nơi này nhiều lần nên ùn ùn đi ra cổng phi trường. Chúng em lúc đó vì (hay nhờ?) phản ứng chậm, không theo chân đoàn người ra cổng nên giờ đây trên đường đời em nếm đủ mặn ngọt đắng cay. Nhưng có lẽ trong tận thâm tâm chúng em lúc đó đang chờ một "hiệp sĩ cứu mỹ nhân."  Các anh lúc đó không ai làm “hiệp sĩ” ngay cả, có lẽ đang chờ xem mưa rơi trên mắt nai để chạy lại lau giùm?
Chúng em là gái Sài Gòn đi học xa gia đình, đâu dễ yếu đuối mấy chuyện nho nhỏ đó.  Chị Cẩm Vân thật đáng mặt đàn chị, bảo hai đứa em đứng chờ rồi hít nhè nhẹ một hơi dài, bước tới chỗ các anh đứng để “cầu viện.” Người bị (hay được?) nhờ giúp đỡ tình cờ lại là anh. 
Lúc sau, một chiếc jeep đến để rước các anh về cư xá. Chính anh cầm lái đưa ba "em gái hậu phương" ra khỏi phi trường. Tài xế bị bỏ lại cùng với các đồng đội của anh đi bộ về cư xá. Anh sắp xếp em ngồi phía trước.  Lúc đó trực giác em “nói nhỏ” cho biết anh cố ý, cho nên em vô cùng ngượng ngùng! Trong suốt chặng đường, em không nói một lời vì e thẹn, muốn nói lắm mà không biết mở lời cách nào. Tự dưng tính hoạt bát và nghịch ngợm của tuổi học trò trong em đội nón đi chơi đâu mất. Ngọc Minh lém lỉnh là thế mà cũng khớp. Chị Cẩm Vân là người nói chuyện với anh.  Hai người đối đáp thế nào, em không còn nhớ, chỉ biết rằng anh không chỉ đưa chúng em ra cổng phi trường mà còn đưa đến tận bến xe Đà nẵng - Huế . Anh đưa chúng em đi, không e ngại lỡ xui gặp Quân Cảnh gây khó khăn. Điều này làm em cảm kích vô cùng. Đúng là mấy anh chàng sĩ quan Không Quân hào hoa và "ga -lăng" hết xẩy! Vậy mà còn làm cao chờ "mấy em" năn nỉ! 
Vì anh cho số phone và chị Cẩm Vân cho địa chỉ nhà trọ nên mới có chuyện tơ vướng bước chân ai, chứ như bèo nước gặp gỡ, sau đó đường ai nấy đi thì hôm nay không có bức thư này. Và, nếu không có lời hứa của anh giúp chúng em đi ngoạn cảnh Đà Nẵng vào cuối tuần, trở về Huế vào sáng sớm Thứ Hai bằng trực thăng để kịp buổi học thì hình ảnh và kỷ niệm về bãi đáp Tây Lộc - phi trường Đà Nẵng đâu còn đầy ắp trong lòng em như hôm nay. 
Chuyến bay giăng tơ, và em là kẻ vướng tơ. Tơ này không phải tơ của Nguyệt Lão, nên mong manh quá không cột được chân chúng ta. Tuy không cột chặt được nhưng mà lại gỡ không ra. Đó mới là nỗi đau không nguôi! 
"Ba cô lạc lối phi trường, một cô áo trắng vướng liền bùa yêu" là em đấy. Bùa này chỉ anh là người có "thuốc giải" cho em mà thôi.  "Độc tố" của bùa đã ăn sâu vào xương tủy của em rồi. Em có được thuốc giải không anh?
Chút tâm tư này gởi anh. 
Hải 
Lá thư này Hải chưa kịp gởi thì... "người dưng khác họ" của nàng đã bay theo, rồi hòa lẫn, rồi mất hút trong âm thanh rền vang khốc liệt thời chiến, mang theo "thuốc giải bùa" mà không để lại cho nàng. Thư, nàng đã thuộc lòng, nhưng vẫn đọc lại và khi đọc xong vẫn tần ngần ngắm mãi lá thư cho đến khi đồng hồ gỏ 12 tiếng mới lên giường dỗ giấc ngủ. Tuy nhiên nàng không thể nào chợp mắt được, chập chờn... chập chờn... giữa một rừng kỷ niệm của chuyến bay lịch sử đời mình, và những lần theo trực thăng đi Đà Nẵng do chính chàng lái. Âm thanh của trực thăng, hình ảnh cuộc chiến, và bóng dáng chàng trong quân phục phi hành ẩn hiện, hòa trộn, tạo thành trong đầu Hải một bức tranh qúa khứ thật đẹp, thật hào hùng! Trong bức tranh đó thấp thoáng tha thướt tà áo dài của Hải. Ôi! Thật là lãng mạn!!! Cứ thế mà Hải mơ màng, đến gần sáng mới đi vào giấc ngủ. 
Khi thức giấc, ánh nắng đã xuyên mành, nhảy nhót trên tóc tai mặt mũi Hải. Nàng bước ra sân hít thở sâu để tìm cảm giác sảng khoái. Nhưng càng ngắm nhìn bầu trời trong xanh, vang vang tiếng hót ríu rít của đàn chim ở quê hương thứ hai, nàng càng tha thiết nhớ thương về bầu trời Đà Nẵng đầy ắp kỷ niệm ngày xưa. Bầu trời quê hương khổ nạn của Hải ngày ấy cũng trong xanh nhưng không có tiếng chim hót, mà ầm ì tiếng súng lớn nhỏ và rền vang âm thanh của đủ loại máy bay quân sự. Nơi đó... có cánh chim gãy cánh của nàng. Tuy nhiên... trong bầu không khí chết chóc hãi hùng của chiến tranh khốc liệt ngày ấy, tình yêu vẫn nảy nở, vẫn mãnh liệt sống, và trường cữu với thời gian.

Vhp.Hạ Vũ
(Cali, Dec. 10-2011 Sửa chữa Feb.14-2020)


Không có nhận xét nào: