Ba tôi đã chọn cho các chị tôi mỗi người một đức lang quân rất đáng giá kể theo thứ tự bắt đầu bằng chị lớn: giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư. Còn tôi, khi vừa đủ khả năng làm vợ, nhân một buổi họp mặt gia đình, ba tôi long trọng tuyên bố: “Thằng rể cuối cùng của gia đình này nhất định phải là một luật sư. Và phải là thằng luật sư… ngon lành!”. Tôi đã vui sướng nghĩ thầm: thì ra ông đặc biệt dành thằng rể mang cùng nghề Luật sư cho con gái út ông cưng nhất. Buổi họp mặt không có mẹ tôi. Tôi chắc bà cũng đồng ý với chồng như đã từng đồng ý với chồng. Bà mất năm ngoái…
Từ hôm đó, bất cứ chàng luật sư nào ông quen biết hoặc do bất cứ ai giới thiệu, ông để tôi mặc sức tìm hiểu. Còn với những anh chàng không mang lấy nghề luật sư tự ý đến làm quen, ông vờ sai tôi đi mua gì đó mà khi trở về, anh chàng đó đã rời nhà!
Suốt hai năm liền, không một “thằng” luật sư nào được chúng tôi chấm là ngon lành. Có người bị chê là quá lứa, có người quá non. Có người bị chê là quá nghèo, hoặc quá ăn chơi. Có người bị chê là quá đần hoặc nói quá nhiều. Nhưng rồi chúng tôi cũng “chấm” được một chàng. Xét về nhiều mặt, xem ra còn hơn cả… ngon lành.
Từ ngày được chấm, dù công việc tòa án khá bộn bề, Tân vẫn dành một buổi tối mỗi tuần qua nhà dùng cơm. Trò chuyện trong bữa ăn đa phần là trao đổi việc tòa án. Từ sau đó đến khuya là Tân mới hoàn toàn thuộc về tôi. Riêng trọn ngày thứ bảy anh đưa tôi dạo phố, xem phim, khiêu vũ… Tân dạy tôi khiêu vũ để sẵn sàng cho bữa tiệc tân hôn sau khi tôi tốt nghiệp đại học năm tới…
Rồi bỗng nhiên con đường êm ái tiến vào cuộc đời làm vợ của tôi đụng phải… ngã rẽ tâm tình. Người đưa tôi vào ngã rẽ đó là cô bạn thân. Cô nàng muốn dự một dạ hội mà phải có tôi đi cùng thì mới được cha mẹ cho phép. Không như những lần trước là sau khi bạn tôi đã gặp người yêu, tôi quay về nhà, lần này tôi quyết định tham gia. Tôi đã có dịp trải nghiệm dạ hội Thủ Đức, dạ hội Không Quân nên đâm ra tò mò về dạ hội Hải Quân!
***
Người yêu của bạn tôi đón tiếp chúng tôi trên cầu tàu dẫn lên sân thượng một chiến hạm. Dọc cầu tàu chăng các dây đèn nhiều màu xen kẽ tạo một cảm giác dễ chịu. Dọc theo chiến hạm, ánh sáng lộng lẫy làm nổi bật hình dáng đầy uy lực. Đẹp mắt nhất là ngọn đèn pha chiếu chùm tia vút lên khung trời. Người tham dự hiện diện khá đông. Buổi dạ vũ đang mở đầu với điệu nhạc Pasodoble sôi động. Từng cặp đang quay vòng nhộn nhịp vui tươi.
Tôi ngồi vào chiếc bàn trống gần ban nhạc. Cô bạn được người yêu đưa thẳng ra sàn nhảy. Tôi buồn tình bốc vài hạt mứt sen nhai nhâm nhi. Một thủy thủ đến hỏi tôi thích uống gì. Ấn tượng ưa thích đầu tiên là hình ảnh nổi bật: khách với chủ phân biệt rõ ràng: bất cứ ai không mặc quân phục trắng thì là khách. Cả dàn nhạc cũng toàn màu trắng. Họ đang chơi tận tình, thi đua khuyến khích những bước nhảy đẹp lạ, lượn vòng dọc các lá cờ đủ loại, nhiều sắc màu treo quanh lan can. Có lá hình chữ nhật, có lá cờ hình vuông, hình tam giác. Tám sợi dây đèn màu vàng đỏ tỏa xuống từ đỉnh cột cờ đến mũi và lái. Lối trang hoàng và bầu không khí thoáng mát tạo một vẻ đẹp lạ lùng…
Cô bạn đã nhảy tiếp bản thứ nhì mà tôi vẫn cô đơn. Tôi ao ước phải chi có Tân và chắc chắn đây là cơ hội để anh trổ tài. Tôi đã rủ anh nhưng nhằm đêm anh bận. Thôi thì thiên hạ đều có đôi, và dạ hội Hải Quân là thế đấy, tôi còn ở lại làm gì! Tôi nâng ly cô-ca lên môi, nhâm nhi cho đến cạn gần một nửa, chờ bản nhạc chấm dứt. Tôi đưa mắt tìm cô bạn và may quá, người yêu của nó đang đưa nó về bàn.
Vào đúng lúc tôi định ngỏ lời từ giã thì một Hải quân đến mời tôi bản nhạc vừa bắt đầu. Điệu bolero ưa thích chưa đủ thúc đẩy tôi nhận lời. Chính tia mắt thiết tha, khuôn mặt rắn rỏi dứt khoát đẩy tôi đứng lên. Anh rất lịch sự, khéo léo, nhịp nhàng dìu tôi len lỏi quanh sàn nhảy. Bảng tên trên túi áo ghi Trần Dinh. Bên trên bảng tên là huy hiệu tròn lồng chiếc neo vàng…
Khi bản nhạc chấm dứt, tôi còn lâng lâng muốn nhảy tiếp thì Dinh thản nhiên đưa tôi về bàn và lịch sự nghiêng mình cám ơn. Cô bạn tiếp tục vào sàn nhảy bản thứ tư. Tôi nhìn quanh. Một số thủy thủ đang ngồi ngắm thiên hạ vui đùa. Tôi cợt đùa với chính mình: “Hãy đến mời tôi nhảy đi, còn mắc cỡ gì nữa!” Và ước mong được toại nguyện. Anh chàng nhảy nhuần nhuyễn nhưng chừng mực, không bộp chộp nhiều phô diễn như Tân. Tôi bắt đầu ưa thích bầu không khí đầy tình thân ở đây. Nhộn nhịp mà không xô bồ. Tiếng nhạc cũng vừa đủ kích động mà không gây trở ngại cho cuộc chuyện trò. Vừa nhảy tôi vừa dõi mắt tìm Dinh. Anh đang đứng cùng vài Hải quân, cạnh một số hộp bọc giấy màu, nhìn tổng quát hoạt cảnh. Rồi họ nói với nhau gì đó như để chấn chỉnh các thiếu sót…
Khi tôi trở về bàn, chỉ còn một ghế trống duy nhất. Anh chàng áo trắng ngồi bên mời tôi bánh ngọt. Tôi cám ơn và ăn ngay. Vị ngọt của bánh như đến từ tiếng nói người mời:
– Nếu cô cho phép, tôi xin có ý kiến.
Tôi cười thầm: “Nếu định mời khiêu vũ thì nói ngay ra, ý kiến ý cò gì!” Tuy vậy tôi nhã nhặn đáp:
– Ý kiến sao ạ?
Anh chàng nghiêm giọng:
– Cô đẹp nhất dạ hội!
Đây không phải là lần đầu tôi được khen nhưng vẫn thấy vui:
– Tôi e anh lầm chăng?
– Trăm ngàn lần không. Đó là lý do tôi không dám ngỏ lời mời cô khiêu vũ.
Tôi nhìn bộ mặt dễ thương chừng hơn tôi vài tuổi, nở nụ cười tươi:
– Tôi coi đó là lời mời và tôi xin nhận lời.
Anh chàng áo trắng hân hoan dìu tôi vào nhịp điệu Boston. Suốt bản nhạc anh không nói với tôi lời nào, chỉ say sưa với điệu vũ bay bướm. Dứt bản nhạc, trong khi tôi đinh ninh anh sẽ mời tôi bản kế tiếp thì anh lại thản nhiên đưa tôi về bàn và ngỏ lời cáo từ. Tôi tức mình nghĩ đến lời cô bạn thân: “Thật khó hiểu với mấy ông Hải quân. Nghề nghiệp ảnh hưởng đến tánh tình. Đến đó rồi đi đó, không tỏ ra chút gì luyến tiếc!”
Tôi lại trở về với chính mình và thấy buồn buồn khi bắt gặp Dinh đang cùng một người đẹp nhịp nhàng theo điệu rumba. Xét về tài nghệ thì tôi thua “nàng” các bước vẽ vời. Thế nào tôi cũng phải nhờ Tân dợt thêm. Khi điệu slow khởi lên, một chàng áo trắng khác đến mời tôi. Tôi thích kiểu áo của anh, cổ vành khăn viền hai lằn đen bẻ lật sau lưng và chiếc cà vạt cùng màu được thắt buông lơi hai đoạn trước ngực. Tôi xăng xái đứng lên. Từ đó tôi luôn bận rộn bản này sang bản khác, với người này đến người khác. Từ đó tôi thấy anh thủy thủ nào cũng thân quen. Và từ đó tôi quên mất chuyện bỏ ra về…
***
Trong giờ giải lao, các chàng áo trắng đến từng bàn trao cho mỗi khách một vé số trúng quà kỷ niệm. Tôi vừa nhận một vé thì Dinh đến. Anh Hải quân ngồi bên tôi đứng lên nhường ghế. Tôi thấy rộn vui. Dinh cất giọng trầm ấm:
– Mong rằng cô không chán ngán cho đến lúc này.
Tôi vội lắc đầu:
– Lúc nào cũng hài lòng.
– Chắc cô đã biết tên tôi.
Cho chắc ăn, tôi liếc qua bảng tên, gật đầu.
– Còn tên cô?
– Tôi tên Thủy.
– Tên đầy đủ.
Tôi cười:
– Có cần thiết không?
Giọng anh thiết tha:
– Rất cần và rất hân hạnh được biết.
Tôi nghe xúc động:
– Phan Thanh Thủy
Dinh nhìn sâu vào mắt tôi, tia nhìn như có mang theo dòng điện:
– Để cám ơn cho biết tên, xin tặng cô một vé số.
Tôi lắc đầu:
– Cám ơn anh, tôi đã có rồi!
– Cô nhận thêm vậy!
– Mỗi người một vé. Nhận thêm hóa ra tôi tham lam!
Dinh nài nỉ:
– Thôi thì đổi vé vậy. Cô nhận tấm này, tôi nhận lại tấm cũ.
Tôi thất vọng phần nào: “Trông vậy mà không phải vậy! Cứ nói dai nói dở thế này thì mất hết cảm tình!” Tôi xẵng giọng:
– Thôi, anh nên tặng cho người khác!
Giọng Dinh trầm buồn:
– Không ngờ tôi… vô duyên đến thế! Thật khổ thân tôi!
Nhìn vẻ mặt bí xị của Dinh, tôi nghĩ mình cũng vô duyên nên dịu giọng:
– Thôi được, tôi nhận lời đổi vé.
Tôi mở ví, nhét tấm vé mới và đưa Dinh tấm vé cũ, trêu chọc:
– Anh hết buồn rồi chứ?
Dinh nhận tấm vé và đưa lên môi hôn:
– Tôi sẽ giữ tấm vé này để nhớ… suốt đời! Cám ơn cô Phan Thanh Thủy.
Loa phóng thanh loan báo bắt đầu cuộc xổ số tặng quà kỷ niệm Đệ nhất Chu niên ngày chiến hạm hoạt động bảo vệ Tổ Quốc. Sẽ có bốn vé trúng. Giải độc đắc là món quà đặc biệt…
Tôi hồi hộp, mong được trúng giải. Hai lần dạ hội nhà binh trước, tôi về tay không. Cô bạn cũng không kém gì tôi, miệng lầm rầm khấn cầu thần thánh. Tôi tâm sự với Dinh:
– Mấy lần chúng tôi dự tiệc nhà binh mà lần nào cũng về tay không! Chỉ mong trúng một món quà để lưu niệm một đêm vui…
Dinh cười:
– Với cô thì rất đáng trúng… quà độc đắc!
Bạn tôi đốp chát:
– Còn tôi?
– Quà độc đắc chỉ có một. Rất tiếc! Xin hứa cô sẽ trúng độc đắc… năm tới!
Chúng tôi cùng cười. Tôi tránh tia mắt của Dinh, tia mắt ranh mãnh làm tim tôi sai nhịp.
Loa phóng thanh loan báo lô trúng đầu tiên. Dinh và tôi cùng nhìn vào tấm vé của mình và đều thất vọng. Một tiếng reo vang từ bàn bên cạnh. Một mệnh phụ lật bật hân hoan lên nhận quà. Món quà là bức ảnh của chiến hạm lộng trong khung viền xanh. Mọi người vỗ tay chia mừng. Tiếp theo là một ông nhận huy hiệu chiến hạm gắn trên tấm gỗ thông hình thuẫn. Rồi một giai nhân lên nhận sợi dây chuyền vàng với chiếc mỏ neo. Cô hân hoan đeo ngay vào cổ.
Trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, tôi nói với Dinh:
– Hết hy vọng rồi!
Anh cười:
– Cô chuẩn bị tinh thần đi, họ sắp gọi số của cô đấy!
Tôi mỉa:
– Anh có duyên ghê. Cứ làm như là nhà ảo thuật đại tài, hô trúng là trúng!
– Tôi không “làm như” mà đích thực là ảo thuật gia!
Tôi lại cảm thấy thất vọng. Anh chàng đúng là vô duyên. Cứ thích đùa dai! Tôi xụ mặt, làm thinh…
Ban tổ chức loan báo xổ lô độc đắc và mời một vị khách lên bóc số. Tiếng loa lại vang lên:
– Chúng tôi trân trọng loan báo cùng quý vị kết quả cuối cùng của phần xổ số tặng quà kỷ niệm. Vị nào có vé mang số 21 30 42 56 xin mời lên lãnh giải độc đắc. Xin lặp lại số trúng 21 30 42 56.”
Dù thấy trúng ngay từ lần đầu đọc dò, phải đợi đến lần hai, tôi mới tin là mình trúng thật. Tôi ôm lấy cô bạn sung sướng thét lên. Thấy mọi người dồn mắt về tôi, tôi lúng túng đứng lên, giơ cao với tấm vé. Tiếng vỗ tay rần rộ khiến tim tôi đập loạn xạ. Tôi đè nén xúc động bước đến bàn xổ số. Tôi nghe vang vang tiếng nói:
– Kính thưa quý vị và các bạn. Người trúng giải độc đắc đêm dạ hội là cô Phan Thanh Thủy. Món quà đặc biệt sẽ do đích thân Hạm trưởng trao tặng. Xin kính mời Hạm Trưởng.
Tôi nhìn vào đám đông xem ai là Hạm trưởng. Tôi gần đứng tim khi thấy Dinh đứng lên, thong dong hướng về tôi trong tiếng reo hò nồng nhiệt. Một nỗi ngượng ngùng ập đến, tôi nghe mặt nóng bừng. Rồi tiếng của Dinh như từ nơi xa xôi nào vọng đến:
– Thay mặt toàn thể thủy thủ đoàn, xin tặng cô món quà đặc biệt lưu niệm đệ nhất chu niên của chiến hạm.
Dinh trao tôi một chiếc hộp khá to bọc giấy màu xanh, bên trên có đóa hoa hồng tươi tắn. Tôi ngẩn ngơ đưa hai tay nhận món quà. Giữa tràng pháo tay vang dội, giữa ngỡ ngàng vì chức vụ của Dinh, tôi nghe xúc động nghẹn ngào. Có tiếng nói lớn yêu cầu mở quà! Tôi cầm đóa hồng. Dinh giúp tôi xé bọc giấy. Đó là mô hình chiến hạm mang sắc màu và linh động như thật. Tôi trân trọng nâng cao, chầm chậm xoay quanh trình làng. Tôi xúc động bày tỏ:
– Xin cám ơn Hạm Trưởng và thủy thủ đoàn. Món quà hơn cả ước mong! Chắc chắn tôi sẽ nhớ mãi chiến hạm, nhớ mãi đêm thật vui.
Tôi dợm bước về bàn thì Dinh ra dấu tôi đứng yên. Tôi đâm lo không biết còn trò trống gì nữa. Tôi đã gần như kiệt sức nên gửi Dinh tia nhìn xin buông tha. Anh bước đến sát bên tôi, nói vào vi âm:
– Thưa quý quan khách. Theo chung quyết của thủy thủ đoàn, tôi hân hoan thông báo: Người trúng giải độc đắc, cô Phan Thanh Thủy cũng là người được bầu là hoa hậu “đệ nhất chu niên” của chiến hạm.
Một tràng pháo tay lại vang lên, tiếng huýt gió như phá vỡ con tàu. Hoa giấy bay ngập lên đầu lên cổ tôi.
Tôi nghiêng người đáp lễ, nước mắt rung rưng. Dinh đề nghị tôi nói vài lời. Tôi hít thở, cố trấn tĩnh, tập trung tìm lời phát biểu:
– Kính thưa quý vị. Vinh dự đến quá bất ngờ. Xin cám ơn Hạm trưởng và Thủy thủ đoàn đã dành cho nhiều ưu ái. Xin mạn phép thay mặt tất cả quan khách và nhân danh “hoa hậu”, chúng tôi cầu chúc chiến hạm lập nhiều chiến công hiển hách…
Tôi quay nhìn thẳng vào mắt Dinh tiếp lời:
– Và xin hứa chắc với Hạm trưởng: bất cứ lúc nào chiến hạm cần sự hiện diện của tôi, là… có tôi!
Mọi người cười rần. Dinh đích thân đưa tôi về bàn. Hoa giấy tiếp tục đuổi theo. Tôi nghe tiếng la: “Hạm trưởng cũng trúng số độc đắc!” Những tiếng cười lại rộ lên. Tự dưng tôi thấy lòng rộn rã lạ thường. Dinh đã không còn là người lạ như khi mời tôi khiêu vũ. Giờ đây anh đang thật gần mà cũng thật xa. Tôi chợt nhớ đến Tân và nghĩ đến việc mình nên ra về. Gói quà và đóa hồng trên bàn nhắc tôi về lúc này là không nên không phải…
Dinh chìa tay. Không còn đường lui, tôi nắm bàn tay anh. Bàn tay êm ái nâng nhẹ tôi đứng lên. Khúc nhạc dạo đầu càng làm tôi càng rủn chí. Tôi nói nhỏ với Dinh: “Thủy không rành valse, xin anh…” Anh cười nhẹ: “Tôi cũng vậy. Đừng lo…”
Những ngón tay Dinh trên vai tôi gợi các động tác theo xoay chuyển nhịp nhàng. Chẳng bao lâu, tôi thấy mình xoắn xuýt hòa quyện cùng anh. Dinh luôn luôn giữ khoảng cách lịch sự nhưng đôi mắt thì lúc nào cũng như thôi miên. Tim tôi chưa lần nào đập mạnh khi khiêu vũ với Tân như lần này. Tôi nói để xua nỗi bồn chồn:
– Anh xổ số gian lận phải không?
– Chỉ gian lận số độc đắc!
Tôi bóp vai Dinh như lời phiền trách. Dinh chỉ cười và ngắm say sưa. Điệu valse dồn dập hơn. Chúng tôi không quay tít, chỉ lúc gần lúc xa, lúc qua phải khi qua trái. Tôi bước theo tín hiệu từ những ngón tay mềm mại trên lưng. Tôi muốn được thế này, mãi mãi như thế này. Tôi muốn mãi trong vòng tay Dinh, vòng tay dịu dàng nhưng vững chắc. Tôi nghe choáng váng và hồn lâng lâng…
Tôi bỗng nhận ra một điều bất thường: Sàn nhảy chỉ còn có tôi và Dinh. Tôi hốt hoảng bước sai nhịp. Dinh khéo léo ghì tôi nhập thành một rồi thả tôi ra. Tôi có cảm giác như đang trong mây trong gió…
Bỗng Dinh giữ tôi đứng sững lại. Tôi mở bừng mắt. Hình ảnh chung quanh quay tròn theo tiếng vỗ tay. Dinh đưa tôi đi mà không biết đi về hướng nào. Khi đã ngồi lên ghế, tôi vừa xấu hổ vừa vui thích. Tiếng Dinh dịu dàng:
– Thủy không giận tôi chứ?
Tôi cúi mặt đáp nhỏ:
– Không! Trái lại Thủy cám ơn anh đã cho Thủy cái vinh dự…
Dinh nhìn tôi lặng thinh. Tôi cũng không nghĩ thêm được lời nào. Nhạc đổi sang điệu slow. Dinh lại mời tôi. Tôi ngơ ngẩn đứng lên. Tôi chợt thấy là tôi đã nói sự thật: chẳng bao giờ tôi quên được đêm nay!
***
Từ sau đêm dạ hội, tôi lẩn tránh Tân, viện lý do bận học thi. Tuy vậy, để ba tôi không nghi ngờ, và để giết thì giờ khi Dinh đi biển, tôi thỉnh thoảng miễn cưỡng tiếp tục đi chơi, đi khiêu vũ với Tân.
Khi Dinh trở về, anh đón tôi ở trường rồi hẹn hò gặp gỡ. Bạn tôi đáp lễ bằng cách đến nhà rủ tôi đi chơi rồi giao tôi cho Dinh. Tôi ngồi ôm anh sau chiếc Lambretta mặc cho Dinh hướng về đâu cũng đều hạnh phúc. Có hôm đến vườn cây trái Lái Thiêu, có hôm về tận Trung Lương. Rất may là Dinh không thích vũ trường, tôi đỡ mối lo gặp người quen…
Sau ba tháng, tôi đã biết đầy đủ về gia cảnh, về cuộc sống hải hồ của Dinh. Tuần rồi, anh bàn về tương lai của chúng tôi. Tôi vui sướng nghe anh mà đầu óc cứ lởn vởn về phương cách chấm dứt tình cảm với Tân.
Một tối, nhớ Dinh da diết, tôi dọ ý ba tôi:
– Con nói thật, ba đừng buồn. Con chê luật sư!
Ba tôi ngạc nhiên:
– Ba tưởng…
– Con đã tìm hiểu hai năm rồi mà không thấy hợp…
Ba tôi nghiêm mặt:
– Con đã hứa đám cưới sau khi ra trường! Hứa thì phải giữ lời, đừng lộn xộn!
– Mới chỉ là một dự tính, đã có đám nói đám hỏi gì đâu!
– Chuyện gì xảy ra giữa hai đứa?
– Không gì hết. Con chỉ thấy là… không thương, thế thôi!
Ba tôi nói như quát:
– Luật sư mà mày chê thì mày thích hạng người nào?
Tôi thấy cần dứt khoát:
– Thời chiến, con thích… nhà binh!
Ba tôi trợn mắt:
– Thích cái ngữ đó là khổ một đời đấy con ạ! Ba không muốn con gái cưng của ba phải làm góa phụ trẻ!
– Đâu phải ai đi lính cũng chết trẻ. Số trời mà! Như mẹ có đi lính đâu mà ba phải góa vợ ở tuổi 54!
Ông trân trân nhìn tôi như ngạc nhiên lần đầu tôi dám “lý luận” với ông. Ông cao giọng:
– Thằng nào đó?
Tôi giật mình, lúng túng, lặng thinh. Ông quắc mắt:
– Đừng mong tao gả mày cho nhà binh. Tao bảo luật sư là luật sư!
Tôi thấy buồn phiền và thất vọng nhưng lòng đã quyết bước vào ngã rẽ đầy… hoa biển. Đó là bản cuối tôi nhảy với Dinh đêm dạ hội và là bản mở đầu tình yêu tôi dành cho Dinh… Những người ba tôi chọn cho các chị quả mang hạnh phúc cho các chị nhưng biết đâu đến lượt tôi lại chẳng còn ứng nghiệm. Biết đâu cũng chính số trời run rủi tôi gặp Dinh. Tại sao tôi không dám làm một cuộc “nổi loạn” cho chính cuộc đời mình. Dinh khích lệ tôi bằng cách sẽ sớm diện kiến ba tôi và tin rằng anh sẽ thuyết phục được ông.
***
Dinh gõ cửa nhà ba tôi vào buổi tối, sau chuyến công tác dài hai tháng. Người mở cửa là ba tôi. Đang ngồi ở bàn học, tôi hốt hoảng nhìn Dinh đang lễ độ trình bày lý do hiện diện. Tôi trấn tĩnh bước ra nở nụ cười chào. Như thường lệ, ông mời khách muốn quen tôi vào nhà. Nhưng khác với thường lệ, ông không yêu cầu tôi về buồng riêng, mà lại cho phép tôi cùng ngồi với ông. Đó là thái độ hòa ái chưa từng có trước đó. Một dấu hiệu góp phần hy vọng. Bộ mặt tươi tắn đầy tự tin của Dinh càng làm tăng nỗi vui mừng.
Thế nhưng, ngay từ lời nói đầu tiên, ông đã mở cuộc tấn công:
– Anh được mấy cháu rồi?
Dinh mỉm cười:
– Thưa bác, cháu còn độc thân.
Ba tôi đốp chát:
– Độc thân không có nghĩa là không có con!
Dinh đăm đăm nhìn ông rồi lại mỉm cười:
– Bác là Thẩm phán, cháu đâu dám nói dối!
Ông gật gù tỏ ra hài lòng nhưng tiếp tục tấn công:
– Lính gì?
– Thưa bác, Hải Quân.
– Cấp bậc?
– Đại Úy.
Tôi chen vào:
– Anh Dinh là Hạm trưởng một chiến hạm!
Ông lại gật gù:
– Hân hạnh được đón tiếp ông hạm trưởng. Nhưng nhà này không cần hạm trưởng!
Ba tôi vụt đứng lên, giọng khô khan:
– Anh ra về được rồi! Và đừng trở lại!
Tôi điếng người hết nhìn ba tôi đến nhìn Dinh. Anh từ từ đứng lên, vẻ mặt thản nhiên, lời vẫn lễ độ:
– Thưa bác, cháu thật lòng muốn cưới Thủy. Mong bác xét lại…
Tôi biết tính ba tôi. Khi ông quyết định thì không mong gì có chuyện xét lại. Nhưng Dinh thì vẫn tràn đầy hy vọng. Anh tin là anh có đủ khả năng thuyết phục ông. Từ đây tới khi tôi ra trường còn hơn một năm, dư thời giờ xoay trở…
***
Buổi tối, đang học bài, tôi tự dưng thấy hồi hộp lo âu. Qua kinh nghiệm, mỗi lần như vậy là điềm báo có việc không vui. Tôi ngồi bật dậy, nhìn chiếc chiến hạm quà tặng trên bàn. Đó là phương thuốc thần diệu giúp tôi bình tâm. Liệu Dinh có mệnh hệ gì không? Dạo này tin tức cuộc chiến sôi động quá. Anh đã đi ba tháng rồi. Hay anh đã về mà không tới. Cả tháng rồi, khi tan giờ học, tôi vẫn đứng ngóng trông anh mươi mười lăm phút ở cổng trường. Cuối tuần tôi xuống bến Bạch Đằng không thấy tàu anh…
Tiếng cười của ba tôi vang từ phòng khách. Tôi nghe tiếng nói của vị luật sư và vội lấy gối đè lên tai. Tôi nghĩ đến Dinh, miên man nhớ anh, nhớ lời trong thư anh: “Mỗi khi nhớ em, em biết anh làm gì không? Anh mở nhạc, bài Hoa Biển, và tưởng tượng đang ôm em khiêu vũ. Rồi anh lấy ảnh “hoa hậu” ra xem. Hoa hậu của chiến hạm nhưng giây phút này là hoa hậu của lòng anh.”
Bỗng có tiếng gõ cửa và tiếng của ba tôi:
– Thủy ơi, ra ba bảo!
Tôi vờ không nghe. Tiếng gõ tiếp tục và giọng to hơn. Không còn phớt tỉnh được, tôi bước đến mở cửa. Ông cho biết Luật sư Tân đang chờ tôi… Mấy lúc sau này Tân đến thường hơn, có thể do ba tôi khuyến khích.
Tôi vừa ngồi đối diện với Tân thì ba tôi lên tiếng:
– Tân mời cha con mình đi nghỉ hè ở Vũng Tàu, con nghĩ sao?
Tôi biết ông hỏi “con nghĩ sao” cho có lệ thôi chớ tôi thừa hiểu ông đã nhận lời và tôi không được phép ở nhà một mình. Tuy vậy, tôi vẫn muốn cho ông thấy là tôi không thích đi:
– Con cảm thấy không khỏe. Xin để dịp khác.
Ba tôi ra lệnh:
– Không khỏe thì càng nên đi Vũng Tàu… cho khỏe!
Ba tôi chiều chuộng tôi bất cứ việc gì trừ việc ông đã quyết định. Mười năm làm thẩm phán, ông có thừa lý lẽ để bẻ gãy mọi thuyết phục tôi. Tôi tự an ủi, thì cứ đi, vừa khỏe người vừa biết đâu có dịp khoe Dinh là đã trông thấy con tàu của anh trên đường về bến. Tôi hỏi:
– Đi bao lâu, ba?
– Một tuần!
Như sợ tôi từ chối Tân vội lên tiếng:
– Dự trù là một tuần. Nhưng nếu Thủy chán thì mình về sớm.
Tôi lặng thinh. Có về sớm mà Dinh chưa về thì… càng chán thêm.
***
Căn nhà Tân thuê thật đúng ý tôi. Đẹp, khoảng khoát, và nhất là trông ra biển. Mỗi ngày tôi dành vài giờ ngắm những con tàu qua lại. Thương thuyền nhiều hơn là chiến hạm… Trong vài giờ đó, bao giờ cũng có Tân cạnh kề. Có khi anh hỏi tôi nhiều câu vẩn vơ nhưng phần lớn anh tôn trọng sự lặng thinh của tôi. Ba tôi thì thường đi đâu đó suốt ngày. Tôi nghi là ông sắp xếp để Tân có nhiều thì giờ tán tỉnh tôi, để tôi quên Dinh đi…
Tôi không quên Dinh nhưng tôi cũng không ghét Tân. Anh lúc nào cùng lịch sự, tế nhị và kiên trì… Tôi có lúc ước gì tôi không gặp Dinh. Nếu không gặp Dinh, tôi đã không làm khổ Tân và cũng không cho chính tôi!
Buổi sáng ngày thứ năm ở Vũng Tàu, như thường lệ, tôi dậy sớm chạy bộ dọc bờ biển. Trên đường trở về, tôi bất ngờ thấy Tân nằm trên ghế tựa đặt cạnh chiếc ghế vẫn dành cho tôi. Anh đang nhắm mắt như thả hồn đi đâu đâu. Khuôn mặt anh u buồn với hai đuôi mắt hằn nét suy tư. Tôi thả người lên ghế, thở hổn hển cho bớt mệt.
Có đến mười phút Tân mới ngồi bật dậy, cười gượng:
– Anh chiêm bao, thấy mình đổi nghề!
Tôi cười:
– Luật sư là ngon quá rồi! Chiêm bao vớ vẩn!
Tân gượng gạo:
– Anh thấy chiêm bao cũng có lý! Ở thời buổi nhiễu nhương này, cái nghề luật sư xem ra quá lạc hậu. Chắc anh sẽ… nhập ngũ!
Tôi thót người. Tân ám chỉ gì? Ba tôi đã nói gì? Anh đã biết tôi đang yêu Dinh? Tôi còn đang tìm lời dọ hỏi thì anh đã tiếp:
– Vả chăng, thời chiến, các cô đều hướng về… nhà binh!
Tôi không kềm được nụ cười gượng gạo:
– Anh có phải là “các cô” đâu mà đề quyết như thế!
Anh nhỏm người quay nhìn thẳng vào mắt tôi:
– Cho dù là “một cô” thì cô đó lại là… cô Thủy!
Tôi nín thở. Rõ ràng là Tân đã biết chuyện. Vậy thì tại sao không chợp lấy cơ hội này mà dứt khoát một lần cho xong. Tôi nghĩ suy tìm lời lẽ. Thẳng thừng với Tân thì dễ rồi, nhưng còn ba tôi…
Giọng Tân tha thiết:
– Chúng ta đã dự tính năm tới làm đám cưới, Thủy vẫn nhớ chứ?
Tôi ngồi bật dậy, nghẹn lời! Tôi đâu thể nói là tôi không nhớ. Mà nói nhớ thì giải thích sao cho xuôi tai, cho Tân vui vẻ chấm dứt? Tân lại tiếp:
– Anh nghe phong thanh là Thủy đang yêu một ông Hải Quân, có đúng không?
Tôi lặng thinh. Tân trầm ngâm một lúc rồi thở dài:
– Cái vô lý, cái ngu ngốc của anh là tuy biết mà vẫn thiết tha yêu Thủy. Anh xin hỏi Thủy một câu, một câu duy nhất và mong được Thủy trả lời…
Tân không hỏi ngay mà dừng lại, nhìn tôi dò xét. Mặt trời ửng đỏ nằm trên áng mây ửng vàng vắt ngang chân trời. Một đường sáng lấp lánh lung linh từ đó chạy thẳng đến tôi như mang theo cả sức nặng. Tân chưa hỏi mà tôi đã thấy nghẹt thở!
– Thủy sẵn sàng trả lời câu hỏi chứ?
Tôi cúi mặt nhìn mảng cát vàng. Giọng Tân trầm buồn:
– Nếu năm tới chúng ta cưới nhau như dự định, Thủy có hứa là sẽ quên… người ta không?
Tôi bật người, đứng lên, bước dần xuống biển và lang thang theo mép nước. Độ mát và từng đợt hoa biển vỗ về giúp tôi thanh thản phần nào. Quên Dinh ư? Chắc là không bao giờ. Tân đến với tôi như một cảm tình. Dinh thì bằng cả trái tim. “Anh Dinh. Chừng nào anh mới về với em. Em đang khổ tâm quá!” Chưa bao giờ tôi mong gặp Dinh như bây giờ. Một lời của anh đủ xóa đi mọi muộn phiền…
***
Bữa ăn trưa tại nhà hàng nổi tiếng nhất ở Vũng Tàu kéo dài buồn chán. Tân và ba tôi ngồi đối diện nhau, đang say sưa trao đổi về đề tài pháp luật. Tháng tới Tân phải bào chữa cho một sinh viên nổi tiếng chống đối chính quyền. Ba tôi cho Tân các gợi ý gì đó …
Tôi lơ đãng nhìn lối trang trí sang trọng của nhà hàng. Ngắm hết phía trong, tôi xoay người nhìn phía ngoài. Thực khách khá đông, chỉ còn vài bàn trống. Tôi chợt thoáng thấy một dáng quen quen ngồi một mình một bàn gần cửa. Đôi mắt tôi dừng lại và tim đập loạn xạ. Dinh. Dinh ngồi đó tự bao giờ, đang mỉm cười chào tôi. Tôi cười đáp và mừng rỡ đứng lên.
– Ngồi xuống!
Tiếng ba tôi nhỏ, sắc lạnh. Tôi đứng chết trân, nhìn ông van xin. Giọng ông êm nhẹ, lạnh lùng:
– Ngồi xuống đi con!
Tôi ngoái lui. Dinh lặng lẽ nhìn tôi, nụ cười đã tắt. Anh đứng lên và tôi lắc đầu. Tôi quay lại ba tôi, mong ông đổi ý. Khuôn mặt bình thản của ông khiến tôi ngại ngùng. Đó là khuôn mặt ông đã dành cho các chị tôi sau khi ông nêu ý kiến sau cùng để giải quyết một vấn đề. Hoặc là nghe theo ông, hoặc là đừng gặp ông nữa. Ông đã bảo tôi ngồi xuống. Nếu tôi vẫn đến với Dinh, coi như tình cha con chấm dứt. Ông là người yêu thương tôi nhất và tôi rất cần tình yêu thương đó. Liệu hạnh phúc Dinh mang đến cho tôi có đủ bù đắp không? Ông đã quyết thì có đến chào ông, anh cũng chỉ nhận lấy sự hắt hủi. Tôi thả người xuống, ôm lấy mặt. Tân nắm cánh tay tôi, hỏi dồn:
– Thủy! Em sao vậy? Có sao không?
Tôi lắc đầu nhưng nước mắt ứa ra. Sẵn khăn ăn, tôi đưa lên vờ lau miệng nhưng thấm thật nhanh. Giọng Tân đầy lo lắng:
– Trông Thủy xanh lắm để anh đưa Thủy đi bác sĩ.
Anh nhìn ba tôi dọ ý và ông nhìn tôi. Tôi phản đối:
– Thủy khỏe, không đi đâu hết!
Nhân lúc ba tôi bận ngó quanh tìm người bồi tính tiền, tôi lại ngoái nhìn. Dinh không còn ở đó nữa. Anh muốn tránh cho tôi hoàn cảnh khó xử hay giận hờn tôi? Tôi tự trách mình quá yếu đuối. Dinh chỉ cách tôi hai dãy bàn, chỉ cần tôi mạnh dạn bước vài bước là tôi sẽ bên anh suốt đời. Ba tôi dù có giận nhưng lẽ nào chẳng có lúc tha thứ cho đứa con gái cưng của ông! Tôi nhủ thầm đau đớn: “Thế là hết!”
Tôi gục mặt ngăn dòng nước mắt. Trên tấm khăn trải bàn trắng tinh bề bộn các đĩa thức ăn, một con kiến đang bò quẩn quanh. Vài mảnh vụn ngon lành rơi vãi nhưng nó chẳng buồn ngó ngàng. Nó cứ lui tới, dọc ngang như tâm hồn tôi đang hoang mang vô định …
Tôi để ngón tay lên bên trên con kiến, lần theo hướng nó bò một lúc rồi ấn tay mạnh xuống. Khi nhấc lên, con kiến còn giãy giụa trước khi co quắp nằm im. Tôi nói thật nhỏ, đủ cho nó nghe: “Ai bảo mày ngu!”
Vũ Thất
(Sài Gòn, Hè 1967)
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 100, tháng 9/2022