Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

            Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***


Xẩm

Xẩm : tối, mù

(trời xẩmxẩm xoan: người mù)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75

- Em chết (5) cái quần bò của ông anh rồi đấy. 

giết (6) thằng em bao nhiêu?


5. Chịu, thích

6. Bán                 

(Thế Giang)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“trản: đĩa trản lòng → không viết: trảng” (Nguyễn Văn Khang)


Viết “trảng” mới đúng, vì “trảng lòng” có nghĩa là “cạn lòng”. 

“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “trảng lòng, trẹt, cạn lòng, có cái đáy cạn: dĩa (đĩa) trảng lòng.


(Hòang Tuấn Công)



Hình dung từ

Hình dung từ dốt trong tiếng Việt vừa khôi hài vừa gợi hình. 

Dốt là trạng thái không sống cũng không chín. Me dốt không phải là me chín cũng không phải là me sống. Bánh tráng dốt không hoàn toàn ướt nhưng chưa khô. Người dốt không phải là người mù chữ nhưng sự hiểu biết còn nhiều thiếu sót. 

(Tiếng Việt – Phạm Đình Lân)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“tràng: tràng dịch → không viết tràn” (Gs Nguyễn Văn Khang)

Không hiểu “tràng dịch” đây có nghĩa là gì. Nếu “tràng dịch” với nghĩa một chứng bệnh, thì phải viết “tràn dịch” mới đúng.


(Hòang Tuấn Công)



Chữ nghĩa làng văn… hàng xóm

Chúng ta hãy nghe những câu nói của Khổng Tử sau đây. Khi một môn đồ xuôi Nam đến đất Việt, xin Khổng Tử chỉ dạy.

Khổng Tử nói ”... người Bách Việt miền nam (phía nam Dương Tử Giang) có lối sống, tiếng nói, luật lệ, phong tục, tập quán, thức ăn uống riêng...”,... “...dân Bách-Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn chứ không như chúng ta trồng kê và lúa mì

Họ uống nước lá cây hái trong rừng gọi là trà.”



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“trân: trân tráo. → không viết: trâng”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

Viết “trâng” mới đúng. “trâng tráo là ngang ngược, láo xược, trơ trơ trước sự chê cười, khinh bỉ của người khác. Thái độ trâng tráo. Trâng trâng tráo tráo, chẳng còn biết xấu hổ là gì”.

(Hòang Tuấn Công)



Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Dự các phiên họp, tiếp bạn

Tháng 8.75, Đại Hội Trí Thức Yêu Nước ở nhà hát thành phố (Quốc hội cũ), tôi được mời dự với tư cách nhân sĩ thành phố. Hai người dìu cụ Trần Tuấn Khải bước lên bàn chủ toạ trên sân khấu. Cụ ngồi yên, trước sau chỉ nói một câu đại ý: 

“Tôi đã tám mươi tuổi rồi, nhưng thực ra tôi chỉ mới một tuổi, mới sanh ngày giải phóng”. Cử toạ im lặng, cảm động hay buồn cho cụ. Ít tháng sau cụ làm bài “Mừng anh khoá về”  đăng trên tờ Văn nghệ 13.9.75. Không ai để ý tới bài đó cả. Cụ lẩy bẩy đứng vậy ngó hình Hồ Chí Minh khi trổi bản quốc ca. Nghe nói mãi năm ngoái chính quyền mới trợ cấp cụ mỗi tháng 150đ. 
Khi nghỉ để giải khát, tôi về trước.
 
Hai tháng sau, có Đại hội Văn Nghệ thành phố cũng hợp tại Nhà hát thành phố, để giới thiệu các hội viên trong đợt đầu, toàn là những văn nghệ sĩ nằm vùng tôi không hề biết tên. Nhà văn Lý Văn Sâm mời tôi phát biểu ý kiến, tôi từ chối, ông ta có vẻ thất vọng. Trong đại hội đó tôi ngồi cạnh nhà văn Thiếu Sơn Lê Văn Sĩ, tác giả cuốn Phê bình và Cảo luận mà tôi đọc từ đầu thế kỷ. Hồi làm việc ở Sở Thuỷ lợi Sài Gòn, tôi biết ông có họ xa với bên ngoại của tôi (ông quê ở Đoan Loan), làm việc ở Sở Bưu điện Gia Định, nhưng không có dịp gặp nhau. Mập, lùn, lớn hơn tôi vài tuổi, có bệnh huyết áp cao. Ông khen tác phẩm và bài báo của tôi, bảo: “Ở trong khu bị chiếm và viết được như vậy – ông muốn nói: tôi can đảm, thẳng thắn chỉ trích chính phủ - là được lắm”. 
 
Hồi trẻ ông theo đảng SFIO của Pháp, thời kháng chiến ra bưng ít lâu; thời kháng Mỹ theo Mặt Trận Giải Phóng rồi ra Bắc được chính phủ ngoài Bắc cho qua Pháp “tham quan” một thời gian; giải phóng rồi trở về Sài Gòn, làm một nhân sĩ. Tôi hỏi ông sẽ viết lách gì những không, ông mỉm cười, đáp:
- Thời trước mình viết, nguỵ nó bỏ tù mình cũng không sao; bây giờ viết để cho cách mạng bắt giam mình thì kỳ quá, mà lại kẹt cho họ nữa.
Tôi cười, quí ông là người thành thực, có tư cách.
 
Hai năm sau ông mất vì đứt mạch máu. Trong hai năm đó, tôi chỉ thấy ông viết vài bài ngắn, một đăng trên tờ Sài Gòn Giải phóng vào cuối 1975, đại ý là: muốn đoàn kết thì đồng bào miền Bắc nên bớt mặc cảm tự cao đi, còn đồng bào miền Nam nên bớt mặc cảm tự ti đi.



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở.


Thơ mới đầu tiên

Trên tờ L’Annam Nouveau Nguyễn Văn Vĩnh đã viết một tập nhật ký bằng tiếng Pháp trong chuyến đi đầu tiên tới Paris, bắt đầu từ khi tàu rời bến Sài Gòn, Đà Nẵng đến khi cập cảng Marseille, những gì đã và đang xảy ra ở thành phố một cách chi tiết và tỉ mỉ. 

Một trong những công bố mới đây nhất của gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh là bài thơ du ký “Đi Tây” trong tập nhật ký “Đi Tây” của ông viết năm 1906, trong chuyến đi Pháp lần đầu tiên. 

 

So với những  bài thơ mới đầu tiên được công nhận như “Tình già” (1932) của Phan Khôi thì phải nói Nguyến Văn Vĩnh là người đầu tiên (1906) làm thơ bằng chữ quốc ngữ


Nguyễn Văn Vĩnh có phải là người làm thơ mới đầu tiên hay không, cần thời gian và thẩm định của các nhà nghiên cứu.


(Đỗ Huệ)



Thuở mơ làm văn sĩ

Tôi lo mơ những kỷ niệm cạnh một ngôi nhà rộng thênh thang chẳng của ai cả và buồn ngủ. Có tiếng động cơ xe hơi dừng ở ngoài đường, một cái xe jeep của hiến binh. Tiếng léo nhéo ngoài đó nói miền Quảng Nam.
- Vậy thì cho tôi xuống đây.
Tôi đứng lên, khi gã thanh niên bị lẳng xuống đường. Một người nằm trong hành lang khe khẽ:
- Thằng ngu, nằm xuống đi, lính bắt bây giờ, cái thân ngủ đường ngủ chợ mà không biết gì hết, mày cũng điên rồi.
Thằng ngoài đường la lên với tụi lính khi hắn nhìn thấy tôi:
- Bọn lính tráng tụi mi, thấy người hầu ra đón cậu không ? Ê, ném trả tau cái túi trên xe. 


Một cái cặp liệng xuống đường. Chiếc xe rồ ga phóng vút đi. Gã thanh niên khùng điên lượm cái cặp, cắp nách đi vội lên dốc hành lang. Tôi vẫn đứng đó nhìn gã, dưới ánh đèn đường tôi thấy gã còm nhom. Cái đầu nham nhở không hẳn là đầu trọc mà cũng không phải để tóc. Hắn ngẩng lên nhìn tôi, cái mặt coi quen quá. Hắn la lên:
- Có phải mày là thằng Long không., tao Sơn đây. Nguyễn Đức Sơn, Sao Trên Rừng đây.

Đúng hắn rồi, tôi có quen biết hắn, thằng người Quảng điên điên khùng khùng thường hay đăng thơ trên báo Sáng Tạo, Văn Nghệ, Quan Điểm. Hắn cũng hay nói chuyện triết học. Đã lâu lắm rồi tôi không gặp hắn. Hình như hắn không để ý đến cái hành lang.
Hắn nằm ngay xuống thềm, gối cái cặp và ngủ thiếp đi. Chỉ một lát tôi hắn ngáy như cưa gỗ. Có lẽ giấc ngủ của hắn bình thản và không quan tâm đến một chuyện gì. Trời cuối năm lành lạnh, lại sắp hết một năm nữa. Gần sáng tôi mới chợp mắt được một lúc.
Tôi tỉnh dậy thấy hành lang vắng hoe và NĐSơn ngồi xổm nhìn vào mặt tôi. Sơn hỏi tôi:
- Bây giờ mày đi với tau. Đi ăn.

(Nguyễn Thụy Long)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Đẹp nhờ dao kéo

(nhan sắc công nghiệp) 



Phan Huy Đường

Phan Huy Đường sinh năm 1945 tại Hà Nội, nhưng theo gia đình vào định cư ở Sài Gòn. Thuở nhỏ, anh theo học trường Pháp Jean-Jacques Rousseau. Năm 1963, anh được học bổng đi Pháp du học. Phan Huy Đường bắt đầu tham gia vào chuyện viết lách khá muộn. Mãi đến sau năm 1985, khi ở trong nước đang chuyển qua giai đoạn đổi mới với sự xuất hiện của những cây bút phản kháng Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương…, anh mới bắt đầu cầm bút, khời đầu bằng dịch thuật. Tác phẩm của anh để lại khá nhiều và khá đa dạng: dịch thuật, biên khảo triết học, truyện ngắn và tiểu luận văn chương, tiểu luận triết học, tiểu luận văn học và thơ.


- Dịch thuật: Theo tài liệu lưu trữ trong kho dự liệu của Thư Viện Quốc Gia Pháp, thì anh đã có tất cả hơn 30 tác phẩm dịch sang tiếng Pháp. Nhiều nhất là Dương Thu Hương, một nhà văn bất đồng chính kiến, với 5 tác phẩm: Những thiên đường mù, Tiểu thuyết vô đề, Bên kia bờ ảo vọng, Lưu Ly, Chốn vắng. Kế đó là Phạm Thị Hoài với Thiên Sứ.

- Triết học: Penser librement (Tư duy tự do), bằng tiếng Pháp

- Tập truyện ngắn: Un amour métèque (Một mối tình ngụ cư), sáng tác bằng tiếng Pháp.

- Các tiểu luận văn chương, triết học bằng tiếng Việt, mà anh gọi là “Lang thang chữ nghĩa”.

Một trong những hoạt động văn học quan trọng nhất của anh là sáng lập ra trang mạng “Ăn mày văn chương”, từ năm 2000, mà anh gọi là “Trạm đọc”. Anh chỉ phụ trách điều hành tổng quát, còn bài vở của trạm đọc do sáu tác giả, mỗi người làm việc theo quan điểm riêng của mình, đó là: Mai Ninh, Miêng, Phạm Trọng Luật, Nam Dao ở Canada và và Chân Phương ở Hoa Kỳ. 

(Tưởng nhớ những khuôn mặt văn chương – Trần Dõan Nho)



Đừng tưởng 

Đừng tưởng cứ quyết là nên

Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua

(Bùi Giáng)



Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

Thầy Đào Mộng Nam và Thiều Chửu


Năm ấy Thầy Đào của tôi đi xe bốn bánh. Cứ khỏang mười ngày Thầy ghé nhà tôi một lần, hỏi có chữ khó nào tôi không tìm được âm-nghĩa không. Nếu có ông bảo tôi viết chữ đó, đếm nét chữ, rồi tra tự điển. Hiếm có những ông thầy đã dậy không lấy tiền còn đến nhà học trò chỉ dậy thêm, như Thầy Đào Mộng Nam.


Ông chỉ cho tôi đến chỗ mua quyển Tự Điển Thiều Chửu. Tự điển này không bán ở nhà sách Khai Trí mà bán trong một nhà tư nhân gần rạp xi-nê Nam Việt. Đường gì tôi quên mất tên; chỉ nhớ tên Pháp là đường Chaigneau. Tôi nhớ quyển Tự Điển Thiều Chửu tôi mua năm xưa ấy là 30 đồng.

Nhờ Thầy Đào Mộng Nam, tôi có chữ Nho. Tôi nhớ ơn Thầy.


(Hoàng Hải Thủy)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Người đẹp dao kéo.

(sửa sắc đẹp)



Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn

Mưa Hồng

Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào


Hai câu hát nổi tiếng này trong bài Mưa Hồng thực ra không có chứa đựng câu chữ nào là khó hiểu. Nhưng nếu giải thích rõ ràng câu hát này ra thì sẽ có nhiều điều thú vị đằng sau đó.

Bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng cô Dao Ánh, với bối cảnh ở Huế. Mưa ở Huế thì buồn lắm, có nhiều bài hát đã nói lên nỗi buồn của cơn mưa xứ Huế rồi. Những ai sống ở đất cố đô đều biết con “đường phượng bay nổi tiếng trong Thành Nội với hai bên trồng toàn cây phượng vĩ. 

 

Còn câu hát: “Em đi về cầu mưa ướt áo, nếu ghi rõ nghĩa hơn thì sẽ là: em đi về, cầu cho mưa ướt áo em. Một người con gái đi ngoài mưa mù mịt, mưa rơi ướt sủng áo mỏng, lớp áo dán sát vào cơ thể. Không cần nói thì ai cũng biết hình ảnh đó gợi cảm biết nhường nào. 

 

Nhưng ai là người cầu mưa?

Trong một buổi tiệc có mặt bà Đặng Tuyết Mai và Trịnh Công Sơn, bà Mai đã đưa ra ý kiến của bà như sau:

“Riêng tôi (bà Tuyết Mai) thì cho rằng chính cô gái mới là người cầu mong cho mình bị mưa ướt, bởi lẽ người xứ Huế rất coi trọng gia phong lễ nghĩa, nhất là trong cách ăn mặc – lúc nào cũng phải thật kín đáo, không bao giờ dám để lộ thân thể dù chỉ là một chút xíu. Cô gái trong bài hát tự biết mình có hình dáng đẹp, muốn khoe nhưng không biết làm cách nào nên chỉ dám cầu mưa cho mình bị ướt áo để khoe vẻ đẹp cơ thể một cách tự nhiên mà vẫn giữ được sự ngượng ngùng, e ấp…


Khi nghe tôi giải thích như thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đứng dậy, với tay qua bàn tiệc bắt tay tôi (bà Tuyết Mai) kèm theo một nụ cười mãn nguyện”.

 

(Đông Kha tổng hợp từ các bài viết)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Học mà không chơi đánh rơi tuổi trẻ,

Chơi mà không học bán rẻ tương lai.



178 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Trần Dần

Trước khi đưa thơ cho tôi, ông có đọc vài câu thơ xen trong câu chuyện, có hai câu làm tôi giật mình: Tôi tiếc những chân trời không có người bay- Lại tiếc những người bay không có chân trời!

Trời ơi! Mấy chục năm ở trong bóng tối mà ông viết toàn những câu như vậy thì thật “ghê gớm”! Nhưng khi đọc cả loạt bài thì không phải vậy. Nhiều bài diễn đạt hơi rối, khúc mắc. 

Đó là theo cách nhìn hồi ấy của tôi, còn với ông: “Làm thơ là làm con chữ. Con chữ nó đẻ ra nghĩa, sẽ được nhiều nghĩa. Cái biết rồi là nghĩa, cái chưa biết là chữ. Nếu làm thơ mà làm nghĩa, rồi mới mượn chữ để diễn đạt nghĩa thì nghĩa sẽ hẹp. Cái chưa biết mới là cái thăm thẳm, cái chưa biết mới là cái mới”.

Tâm đắc với câu thơ như thế, tôi nóng muốn tạo điều kiện cho ra mắt bạn đọc được sớm. Nhưng đọc đến chương 12, tôi bỗng giật mình: Đó là toàn bộ bài thơ: Nhất định thắng.


Nếu tôi cứ tắc trách đưa duyệt, tập trường ca này không ra mắt được thì… Nghĩ vậy, tôi bèn gặp nhà thơ, phân tích rõ, và đề xuất anh nên để lại chương đó, sẽ in vào một thời điểm thuận lợi hơn và đánh số lại các chương như không có gì xẩy ra. Khuôn mặt râu ria của Trần Dần càng thêm tối lại, ông hẹn ngày mai sẽ trả lời. Hôm sau, nhà thơ chống ba toong lên gác nhà xuất bản, ông nói: ”Thôi được! Anh cứ bỏ chương đó ra!”. Tôi biết ông không vui, nhưng không biết ông có hiểu sự chân thành của tôi? Khi tác phẩm in xong, tôi nhận được cuốn đầu tiên gửi tặng với dòng chữ: 


Gửi Vân Long

Người biên tập lại “Đi! Đây Việt Bắc!” thông minh và công phu! song tôi vẫn phản đối mọi kiểm duyệt. Tôi đòi sự công bằng trong sáng của texte intégral

Trần Dần

(texte intégral: nguyên bản toàn vẹn. Ở đây tác giả vẫn gọi trường ca theo tên cũ: Đi! Đây Việt Bắc!).


Đọc dòng đề tặng, tôi đâm suy nghĩ: Vậy là cụ vẫn còn hận mình? Mình là quân tốt đen xưa nay, vô hình chung bị mang tiếng là người kiểm duyệt? Dù được khen là thông minh và công phu nhưng sao dấu chấm than lại đậm như dấu hỏi bị chữa lại? Cụ khen mỉa chăng? Tôi ghé sang nhà tác giả hỏi lại ông. Nhà thơ chậm rãi: "Lúc đầu, tôi có bực mình. Nhưng sau thì thấy anh đúng, chân tình với tôi! Mấy câu đề tặng là tôi khen thật! Còn người viết bao giờ chả muốn texte intégral!”.

(Trần Dần, đôi nét...- Vân Long)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tham ăn hôm trước

Tù rước hôm sau



Chữ nghĩa làng văn


Ngõ là nơi ẩn chứa những bất ngờ chưa có ai kể cho nghe trong con ngõ uốn lượn, quanh co, ngoằn ngoèo như con đường làng sẽ bắt gặp cái… cổng tam quan. Nếu hát cô đầu thường thì tới phố Bông Đỏ, Hà Đông, phố có tên này vì những nhà hát cô đầu phải treo đèn lồng đỏ trước cửa. Nhưng để hoài niệm, để lắng nghe tiếng gọi của làng từ ngàn xưa, không có gì thú bằng đi hát cô đầu trong ngõ cống Đơ hay ngõ Noi. 

 

Ngã Tư Sở, có phố Khâm Thiên từ năm 1915, một thời là nơi chốn Tản Đà, Trần Tế Xương thường lui tới để hát ả đào, hát cô đầu lững thững đi vào văn học sử. Nhưng ít ai hay biết trước đó ở phố Hàng Giấy đã có xóm đào nương, còn gọi là xóm Bình Khang có trước phố Khâm Thiên. 

 

Theo Nguyễn Tuân, hồi còn nhỏ ông được cụ thân sinh dẫn tới nhà hát cô đầu phố Hàng Giấy để chầu rìa, sau này ông mới… “tom chát”,… “chát  tom”.


(Tô Hòai)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày sau nếu không là tôi nữa
Sỏi đá vô tri chắc cũng buồn
(Đăng Học)



Chơi Chữ

"Nghề chơi cũng lắm công phu", huống hồ chơi... chữ!
Trong văn chương ta, có nhiều lối chơi: thơ, phú, câu đối, tập Kiều, nói lái sử dụng lối nào là tùy theo tình, theo cảnh, theo cách cấu tứ mà phô diễn ra cho phù hợp với nguồn cảm hứng trong giờ phút đó của nhà văn.
Cái thú chơi chữ của nhà nho khi xưa, chúng tôi đã chép lại ít nhiều trong tập "Giai Thoại Làng Nho" khởi từ thế kỷ XIV (đời nhà Trần) đến đầu thế kỷ nàỵ

(xem tiếp kỳ tới)


(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)



Chiêu Hổ không phải là Phạm Đình Hổ

Trong Thơ Nôm truyền tụng nhiều chục năm nay được coi là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 -1822) có một số bài thơ liên quan đến Chiêu Hổ (bài xướng, bài họa):

Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay…


Chiêu Hổ họa lại:

Này ông tỉnh, này ông say 
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó 
Sao có hùm con bế chốc tay…


Từ nhiều chục năm nay, nhiều người cho rằng Chiêu Hổ trong Thơ Nôm truyền tụng là Phạm Đình Hổ. Cũng có ý kiến chỉ dụt dè khẳng định thật khó mà tin Chiêu Hổ lại là Phạm Đình Hổ. Theo tôi, điều này hoàn toàn ngã ngũ được. Chiêu Hổ không phải là Phạm Đình Hổ (1768-1839).


Phạm Đình Hổ, có tên chữ là Tùng Niên và Bình Trực, tên hiệu là Đông Dã Tiều, người làng Đan Loan huyện Đường An, nay là huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Ông sinh trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhưng bản thân ông chỉ đỗ tú tài. Biết ông là người tài xứ Bắc, trong dịp ra Hà Nội, Minh Mạng cho mời ông lên gặp và chỉ sau ít phút tiếp kiến, đã đặc cách phong ông làm Tế Tửu Quốc Tử giám Thăng Long-Hà Nội. 


(Trần Nhuận Minh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chê số đời, chơi số đề



Giai thoại làng văn xóm chữ

Chữ đại hay chữ thái?

Tương truyền thuở nhỏ, một hôm cậu bé Lê Quý Đôn cởi truồng đi tắm với các bạn. Có một vị quan thượng thư đồng liêu với cha (là Lê Trọng Thứ) tới thăm, hỏi đường đến nhà. Cậu liền đứng dạng chân và dang tay ra bảo quan thượng:

- Nếu ông biết cháu đang ra dấu chữ gì, cháu sẽ chỉ nhà cho.

Quan thượng bực mình nói:

- Mày mới học lỏm được chữ “đại” mà đã dám đi trêu người rồi.

Cậu cười to:

- Ông không biết chữ thật! Có cái chấm ở dưới nữa thì là chữ “thái” chứ sao lại chữ “đại”!


(Phụ chú: Chữ thái, chữ đại giống chữ nhân, hình tượng chữ nhân là người có 2 nét xổ dang ra như 2 cái chân.

Chữ thái cùng nghĩa với chữ đại là lớn, nét giống chữ đại nhưng có một dấu chấm ở chỗ dang ngang như 2 cái chân người)



Thân gái mười hai bến nước 

Linh đinh một chiếc thuyền tình,

Mười hai bến nước biết mình về đâu. 


Mười hai bến nước là những bến nào. Trên báo Làng Văn, ông Bút Chì đã giải thích là mười hai hạng người trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục, công, hầu, bá, tử

Lời giải thích này căn cứ theo Thuyết Văn. Vào thời đó, chỉ có bốn tước quan là công, hầu, bá, tử (hay công, hầu, khanh, tướng) mà thôi. Tại nước ta, có năm tước (tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt, Nguyễn Công Trứ) là: thượng đại phu, hạ đại phu, thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ.  Dân có bốn nghề: sĩ, nông, công, thương.


Bàn về nguyên ủy thành ngữ "mười hai bến nước", chẳng qua đây là nói tới số phận người con gái, lấy chồng như thuyền cập bến, bến trong thì nhờ. Bến đục thì chịu, không định trước được, mà cũng không lựa chọn được bến nào. 



“Ba Tàu” huyễn sử 

Tiếp trích dẫn một bài viết xưa từ số báo ngày 16/2/1870 trên tờ Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên viết:

“…Từ Ba Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn, và Hà Tiên,. Từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị. 

 

Còn có cách giải thích khác: Người Việt thường xưng hô theo thứ tự như anh Hai (con cả) anh Ba (con thứ)... Vì lý do đó mà người Tàu thường gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu Hai) và xem mình là em (anh Ba). Từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) là vậy.”

              

(Thiếu Khanh)



Tản mạn chuyện chữ Hán-Việt

Tôi có hai người bạn, một không thích dùng chữ Hán-Việt, một lại rất thích thú và giỏi chữ Hán-Việt. Tôi gọi người không thích là “Anti-HV”, còn người kia là “Pro-HV”. 

Mà cái sự ở đời nó lạ lắm, khi mình ghét cái gì thì mình sẽ lại chú ý tới cái đó hơn, hơn cả những cái mình ưa thích nữa, nên Anti-HV từ khi treo bảng “Nói không với chữ Hán-Việt” thì đâm ra phải tìm hiểu chữ Hán-Việt tỉ mỉ hơn để hòng cãi lại người thường dùng chữ Hán-Việt là tôi.
Một lần, tôi viết chữ “bao tử”, Anti-HV không chịu, bảo phải gọi là “dạ dày” vì chữ “bao tử” có chữ “bao” nghĩa là “bọc” và chử “tử” nghĩa là “con”, vậy “bao tử” nghĩa là “bọc lấy con”. Anti-HV còn bảo rằng chữ “bao tử” vẫn được dùng để chỉ động vật còn là thai trong bụng mẹ như “heo bao tử” hoặc trái cây còn rất non như “mướp bao tử”. Kết luận, “bao tử” đúng ra phải là “dạ con”. 


Tôi bèn vào tự điển tìm, chỉ thấy chữ “vị” là chữ Hán-Việt chỉ dạ dày, như trong câu “ăn cháo nấm hương để bổ tỳ vị” (lá lách, dạ dày) mà thôi, không thấy chữ “bao tử”.
Tôi đuối lý nhưng cố vớt vát, cãi rằng người mình quen dùng chữ “bao tử” rồi, dù có sai cũng rất khó sửa lại, như chữ “cải lương” trước kia vẫn được dùng với nghĩa tốt là “thay đổi [cải] cho tốt hơn [lương]”, thế nên mới có bộ môn nghệ thuật hát Cải Lương, nhưng bây giờ thì ai cũng dùng chữ “cải lương” với ý chê bai là “(ăn mặc) lòe loẹt sặc sỡ (như đào kép hát Cải Lương)”. Bây giờ có ai dám dùng chữ “cải lương” theo nghĩa ban đầu nữa hay không? Cũng thế, “dạ dày” là “bao tử”, còn “dạ con” là “tử cung”, xài lẫn lộn thiên hạ lại bảo rằng mình… hâm.


(Ngũ Phương)



Chữ Tàu tiếng Việt 

Học trò hỏi:

- Thưa thầy, học trò học thầy là “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Còn học trò học bạn gọi là gì thầy

Thầy đáp:

- Gọi là “nhất tự vi đồ đệ, bán tự vi đồ đệ


(trích trong Quan phu – Khuyết danh)



Qua với bậu

Nếu nói 2 tiếng qua và bậu là 2 tiếng địa phương của Nam kỳ Lục tỉnh có thể đúng trong sự chấp nhận 2 tiếng đó từ miền Trung đi theo người miền Trung vào đất Nam kỳ. Trong trường hợp này thì 2 tiếng qua và bậu hoàn toàn không có liên hệ họ hàng xa gần gì với chú ba Triều Châu hết cả .

Còn do ảnh hưởng tiếng Nùng, Thái, Miên? Người ta có thể hiểu được cũng từ miền Cao nguyên theo bước di dân mà vào Nam và ở lại trở thành tiếng địa phương chăng?

 

Nhưng theo cách diển giải, suy diển thế nào đi nữa thì 2 tiếng qua và bậu, tuy xưa, nhưng khi thốt lên, vẫn dễ làm rung động lòng người vì sức nặng ý nghĩa thân thương, đạc tính Nam kỳ của nó: “Hôm qua qua hứa qua qua mà qua không qua. Nay qua không nói qua qua mà qua qua”

 

(Nguyễn thị Cỏ May)


Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa

Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ

 

(rạp Văn Hoa)

 

Cạnh bên rạp hát Văn Hoa là một quán cà phê cũng đã đi vào lịch sử của cà phê Sài Gòn. Đó là cà phê Văn Hoa. Quán được trang bị dàn âm thanh tối tân, nhạc ngoại quốc hấp dẫn luôn luôn mới nhất, chỗ ngồi thanh lịch, vị trí thuận lợi và do hai chị em ruột là bà con với ông bà chủ rạp Văn Hoa đứng bán. Cô chị có tên TBD và cô em có tên TBH. Hai chị em đều là nữ sinh trường trung học Huỳnh Thị Ngà. 

 

Đoạn đường còn lại, phải nhắc đến một quán cơm xã hội cho giới bà con lao động, xe ba gác, xe xích lô, công tư chức và học sinh, sinh viên nghèo. Giá rất bình dân, chỉ năm đồng. Thức ăn gồm ba món, thay đổi mỗi ngày. Cơm ăn thoải mái, ăn cho đến khi nào no thì thôi. 

 

(Trần Đình Phước)



Thành ngữ tục ngữ sai 

Mặt lầm lầm như tát nước đầm 

Khuôn mặt bực tức, lầm lì như nước đầm đục lúc tát nước bắt cá.


Xin lưu ý thành ngữ nói “như tát nước đầm” chứ không phải như nước đầm. Muốn hiểu đúng câu thành ngữ phải xem “đầm” là cái gì đã. Đầm thường được hiểu là một vùng trũng, rộng lớn, nước sâu để giữ nước, nuôi cá hoặc bỏ hoang (đầm Dạ Trạch- Hưng Yên). Đầm nước lợ có khi cực rộng, được cấp nước bởi các nhánh sông nhỏ, thông ra biển (như đầm Ô Loan- Phú Yên). 


Nói chung, đầm thường lớn và không có bờ kín như ao hồ. Bởi vậy, việc tát nước đầm là công việc rất khó nhọc, tưởng như vô vọng. Tát nước trong tình trạng không biết bao giờ cho nó cạn; vơi tí nào, nguồn nước từ mương máng, kênh rạch lại chảy vào thì vui vẻ thế nào được? 


(Hoàng Tuấn Công)



Tam cúc, tứ sắc, bài chòi

Tam cúc vào đến miền Trung nhưng ắt riêng biệt và phổ biến, mang địa phương tính hơn phải kể những loại bài như tứ sắc, bài chòi…  Nghe bảo các bà phi trong nội cung cũng thích “đậu chến” đánh tứ sắc, một biến hình của tam cúc với bộ bài bốn màu. Bài chòi của người Quảng thì có phần độc đáo hơn khi cũng dùng bộ tam cúc cải đổi để thành hội ca-hò hát bài chòi..

 

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fbaotreonline.com%2Ftre_assets%2Fuploads%2F2020%2F01%2Fnhung-quan-bai-ngay-tet1.jpg&t=1579542167&ymreqid=cba3ad9a-ffdf-37c5-1ce8-280001015800&sig=gr_trGuq27cqUNwRO.GybQ--~C   https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fbaotreonline.com%2Ftre_assets%2Fuploads%2F2020%2F01%2Fnhung-quan-bai-ngay-tet5.jpg&t=1579542167&ymreqid=cba3ad9a-ffdf-37c5-1ce8-280001015800&sig=KX0UDRo1WiBD0tNtxzpH.A--~C

Tứ sắc                Bài chòi

 

Rồi theo chân những người “Nam Tiến”, các loại cờ, bài dân gian này vào đến miền Nam và Sài Gòn, vùng đất cộng thêm vô số trò chơi du nhập từ nước ngoài. Từ bầu cua, xóc đĩa, tài xỉu đến domino, các loại bài Tây như xì dách, cát-tê (catte), đánh phé…, không kể loại bài như mạt chược của người Hoa.

Mang thú tiêu khiển ngày xuân ít hơn các loại bài dân gian của miền Bắc và Trung, các hình thức bài tây rất dễ biến dạng thành loại “cờ bạc” đỏ đen, sát phạt ăn tiền. Như bài cào ba lá, chẳng cứ thấp cao, cứ đếm số mà ăn tiền. Nên trên thực tế chúng đã trở thành loại cờ bạc hơn thua cho đến ngày nay.

 

(Những quân bài ngày Tết - Đinh Yên Thảo) 



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, có thêm cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách Khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, như:

 “nhà vua”“vua”



Văn hoá nhậu
Gặm xương

Gặm xương tập cho ta đức kiên nhẫn. Ai không kiên nhẫn sẽ gặm ngay vào chính cục xương, không gãy răng cũng dập môi. 

Từ từ mà gặm, nhìn lui nhìn tới tính toán cho kỹ rồi ghé răng vào cắn một cái. Không chắc là cắn ra được ngay đâu. Có thể lại phải cắn lui cắn tới, nhùng nhà nhùng nhằng

 

Khi gặm xương, ta không biết điều gì đang chờ ta. Thịt chăng? Mỡ chăng? Gân chăng? Sụn chăng? Ta chẳng khác gì người đang mò mẫm trong một hang động hoang vắng có cái khoái cảm của người mạo hiểmngậm ngải tìm trầm.”


Một cái lợi nữa của việc gặm xương là tập luyện miệng răng lưỡi. Ba cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao nhất. Khi đã luyện được mười thành công lực, ta có thể đem công phu này áp dụng nhiều nơi. Nhưng quan trọng nhất là ta có thể tuyên bố quách ta vẫn… ngon.


(Ngã thuật nhi bất tác - KT)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân:

diêm sinh 

Trong các từ điển như Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn, 1895) và Dictionnaire Annamite-Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) đã có từ diêm sinh, chữ diêm trong tiếng Hán (nghĩa là ngọn lửa) được dùng để thể hiện chữ diêm trong tiếng Việt, còn chữ sinh thì được ghép từ chữ thạch (石) và chữ sinh (生)  để nhắc rằng, đây là một chất khoáng. 


Theo Huỳnh Tịnh Của thì diêm = vật dẫn hoả, giống như muối; và sinh = vật vàng vàng có mùi hôi khét, hay cháy, vật để làm thuốc súng; vị thuốc trị sang độc; lưu huỳnh. Génibrrel thì viết: diêm = sel de nitre, salpêtre (một chất muối khoáng có công thức hoá học là KNO3, thành phần chính của thuốc nổ thông thường); sinh = souffre (lưu huỳnh), và diêm sinh = nitre et souffre. Như vậy, cả hai học giả này đã giải thích giống nhau, và từ đó, chúng ta đủ căn cứ để khẳng định rằng, soạn giả hoàn toàn phạm sai lầm khi giảng nghĩa các từ tố diêm và sinh, như đã nêu trên đây. Theo soạn giả của chúng ta thì diêm sinh = lưu huỳnh. Quả thật, trong dân gian, người ta vẫn dùng từ diêm sinh để chỉ lưu huỳnh, đó cũng là một cách dùng theo thói quen, chúng ta không bác bỏ nó nhưng cũng phải lưu ý đến lời giải thích trong hai bộ từ điển của thế kỷ 19 kể trên. 

Một điều thú vị là từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã có từ hộp diêm. 


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Năm 1988, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ. Mặc dầu mới chỉ có một “hớp không khí dân chủ cũng đủ làm văn nghệ sĩ ho sặc sụa” (nói theo một nhà văn Liên Xô) gây nên hội chứng “phản tỉnh” không chỉ các nhà văn trẻ, một số cây đa cây đề cũng bị nhiễm “con virus” này, viết bài “tự chỉ trích” hoặc “phân bua” với thiên hạ. Chế Lan Viên có “Bánh vẽ”, Nguyễn Minh Châu có “Đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh hoạ”, sau này Nguyễn Khải có “Đi tìm cái tôi đã mất”, Nguyễn Đình Thi có bài thơ gửi lại trước khi đi vào cõi vĩnh hằng. 


Trong không khí “tái nhận thức” đó, Tô Hoài cũng viết một cuốn hồi ký dầy cộp “Cát bụi chân ai”, tuy không nặng mùi “phản tỉnh”, cũng nói rõ vài chuyện xoay quanh Nhân văn Giai phẩm, “dựng lại chân dung” một số nhà văn “cây đa cây đề” nhưng khác Xuân Sách ở chỗ không đi vào văn chương, tư tưởng mà chỉ xoay quanh chuyện “đời tư”, sinh hoạt, ăn uống, bạn bè. 


Nhân vật được Tô Hoài nhắc nhiều nhất là Nguyễn Tuân từ trước 45 cho tới khi mất. Qua đó người ta thấy một số nhà văn “con cưng” được đảng o bế, cho đi nước này nước nọ, dẫu không đặc quyền đặc lợi như quan chức cao cấp nhưng hơn hẳn ai khác. 
Nguyễn Tuân rất kỹ tính khi uống rượu:
“Tạng Nguyễn Tuân với cách thức hương hoa ấy hợp với các thứ uống hảo hạng Chianti của Ý, Rôm Giamaich hay Uýtky và Mao Đài. Mùa hè, làm cốc-tay thêm lát chanh với miếng đá, nhấm nháp cả ngày. Không đụng đến rượu ngọt, dù nặng. Cái xa kê ngòn ngọt của Nhật thì vứt đi. Có lần, đạo diễn Đình Quang ở Nhật về biếu ông bình rượu xa kê to tổ bố. Ông cho chúng tôi uống cả. Những năm ấy, chuốc đâu ra những của quý như thế mà vẫn kiểu cách của ông.”


(Nhật Tuấn)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Hồ Dzếnh – 3 


Trong thời gian tôi gặp Hồ Dzếnh và Kim Lân, tổng số người Hoa rời khỏi Việt Nam từ Bắc chí Nam trong thời kỳ này lên tới gần một triệu trong số gần hai triệu người Hoa sinh sống ở Việt Nam, theo một con số thống kê.


Kim Lân, theo tôi quan sát, là bạn thân nhất của Hồ Dzếnh. Nhưng hình như có những tâm sự chua xót Hồ Dzếnh chưa hề nói với bạn. Không phải anh có điều gì phải giấu giếm. Chỉ là anh không muốn nói, không muốn kể, những chuyện đau lòng.

Tôi may mắn hơn. Tôi được nghe anh kể những gì đã xảy ra với anh trong năm 1978.

– Còn anh thì sao? – tôi hỏi.

Hồ Dzếnh thở dài:

– Tôi không thể đi. Nơi này là quê hương tôi, là đất nước tôi. Tôi không thể bỏ. Rồi họ cũng tóm được tôi – anh tiếp – Bảo tôi đi theo. Đi thì đi. Ngồi lên command-car, hai người của chính quyền ngồi hai bên. Như sợ tôi chạy. Công an, tôi nghĩ. Họ đưa mình đi đâu đây? Xe rẽ vào Hỏa Lò, anh ạ. Cái Maison Centrale này người Hà Nội có ai không biết. Tôi tự hỏi: “Mình làm gì mà họ bắt cơ chứ”? Xe đỗ lại trong một cái sân rộng.


(Vũ Thư Hiên)


Chữ nghĩa làng văn

Hồ Dzếnh – 4

Hồ Dzếnh trầm ngâm. Rồi cười buồn:

“Lúc ấy tôi cũng nghĩ thế – mình sẽ bị giam ở đây. Nhưng không, họ không giam tôi. Một anh có vẻ là cấp trên trong hai người mở nắp cái ô nhỏ bên trên cánh cửa, kiễng chân nhòm vào, rồi ra hiệu cho tôi nhòm theo. Cái lỗ quan sát ấy tôi biết qua sách. Người Pháp gọi nó là le judas. Tôi không  phải kiễng chân, tôi cao hơn anh ta. Nhòm vào, tôi giật bắn mình – bên trong là một cái xác trần truồng, gày đét. Nghe động, cái xác hé mắt. Hoá ra là một người sống. Tất nhiên, anh ta không nhìn thấy tôi, cái lỗ ấy chỉ cho anh ta thấy hai con mắt. May, không phải một người quen.


Tiếp, họ mở thêm vài cái ô như thế nữa, vẫy tôi lại, nhưng tôi lắc.

– Rồi sao?

“Họ đưa tôi về nhà, cũng trên chiếc command-car ấy, chúng tôi không ai nói với ai câu nào. Chỉ khi mở cửa xe cho tôi xuống, người công an cấp trên mới đặt tay lên vai tôi: “Anh thấy rồi đấy – anh muốn về Tàu hay muốn ở lại trong cái chỗ anh vừa thấy?”


(Vũ Thư Hiên)


(xem tiếp kỳ tới)









Không có nhận xét nào: