Tình Bạn
Tôi không nhớ ba đứa chúng tôi – Nguyễn Bá Yên, Lý Văn Nghiên và tôi — chơi thân với nhau khi nào, Ở Viện Hán Học (thuộc Viện Đại Học Huế), khóa hai chúng tôi có hai lớp. Nghiên học lớp A; Yên và tôi học lớp B. Cho đến năm thứ tư, hai lớp A và B mới nhập chung làm một. Thường mỗi khoá chỉ tuyển vào 40 sinh viên cho một lớp. Đặc biệt khóa tôi lấy 80 người, chia làm 2 lớp. Nhưng qua mấy năm học, sinh viên cử “rơi rụng” lần lần. Đến năm thứ ba, lớp A nam nữ còn 30, lớp B thì 27 — chỉ nam thôi. Bởi vậy năm thứ tư, Viện mới nhập 2 lớp A,B làm một được 56 sinh viên.
Tôi là người Quảng Trị, nên thời gian học tại Huế - từ 1953 -, tôi trọ khi nhà nầy khi nhà khác; tôi ở khắp cả: Bến Ngự hai nhà, một nhà ở khu ngoài Cửa Ngăn, gần Phu Văn Lâu (nhà của nhà sử học Trần Viết Ngạc, bạn học của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường); An Cựu một nhà (nhà chị ruột nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, bà con với tôi); một nhà ở đường Nguyễn Công Trứ, gần Đập Đá, nhiều nhất là ở Thành Nội: Cầu Đất 3 nhà, trong đó có nhà của nhạc sĩ Lê Cao Phan, tác giả nhạc phẩm nổi tiếng là “Phật Giáo Việt Nam”; một nhà gần Chợ Xép; một nhà sau Trường Thiếu Sinh Quân, và sau cùng là 26 đường Nguyễn Thành, nhà của Nguyễn Bá Yên. Trước khi về nhà Yên, tôi trọ ở Đại học xá Nam Giao.
Nghiên cũng người Quảng Trị, có nhà ở Thành Nội, vì Thầy Lý Kiều — ba Nghiên – dạy Pháp Văn Trường Trung Học Bồ Đề Huế.
Yên người Huế, nhưng ngoại ở làng An Lộng – Quảng Trị, cách quê tôi – làng Quảng Lượng — độ 6 cây số.
Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao ba đứa chúng tôi lại thân nhau trong khi tính tình ba đứa chẳng giống nhau chút nào!
Nghiên là một con người khá tài hoa – đối với tôi. Ăn nói lưu loát, hát hay, ứng xử khéo, dạn dĩ trước đám đông, nên làm M.C. thì không thể chê được, lại có óc tổ chức và giỏi điều khiển: Nghiên đã từng làm đại diện cho sinh viên Viện Hán Học và sau 1975 là trửơng ban ca nhạc của thành phố Huế. Bởi vậy nhiều “bông hoa” mê Nghiên, và khi Nghiên đã “để mắt” đến ai thì lẽ tất nhiên phần thắng bao giờ cũng thuộc về chàng! Lúc bấy giờ. Nghiên “kết” với K.A. (đã mất), khóa sau chúng tôi. Cô này rất hiền lành và dễ thương. Nghiên và chúng tôi chơi thân với nhau, nhưng “chuyện riêng” của ai nấy biết, không tìm hiểu, nên chẳng hay bởi lý do gì hai người lại xa nhau. Một cô khác: T.V, không học Viện Hán Học, rất đẹp, em vợ của Thầy Võ Như Nguyện, chủ sự Viện Hán Học “bắt bồ” với Nghiên, Nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Cô T.V. này về sau, khi chúng tôi ra trường đi dạy mỗi người một nơi, lại “qua tay” Nguyễn Bá Yên, và cho đến bây giờ, Yên và T.V. vẫn còn liên lạc. Chồng T.V. là một bác sĩ, làm ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, và là thầy của con tôi – Trần Lê Minh Triết — lúc học Y khoa Sài Gòn (khóa 1987 – 1993). Triết biết đàn và sáng tác nhạc (Con tôi học mandoline, guitare classique và hòa âm với nhạc sĩ Hoàng Song Nhy, anh rể tôi: học guitare moderne với nhạc sĩ Khánh Băng và với con của nhạc sĩ Ưng Lang). Bởi vậy tuy học Y Khoa, nhưng Triết có nhiều bạn ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn. Bấy giờ là thời buổi khó khăn, nên khi thấy thầy của mình – là bác sĩ chồng T.V. – bị ung thư máu, con tôi đã nhờ bạn bè ở Trường Âm Nhạc tổ chức một đêm nhạc, lấy tiền giúp thầy. Việc này lúc đó báo Tuổi Trẻ có đăng tin với những lời ngợi khen Triết. Nhưng vị bác sĩ rồi cũng không qua được cơn bệnh hiểm nghèo đó! T.V. góa chồng lúc còn trẻ, đầy xuân sắc. Và cô ta vẫn ở vậy làm việc, nuôi con ăn học thành tài.
Nguyễn Bá Yên tính tình hiền lành, thông minh, chịu khó, nên luôn chìu lòng bạn bè, thích khoa học. Về sau này càng thấy rõ điều ấy. Trong khi Nghiên và tôi mù tịt máy vi tính do lười biếng thì Yên máy mò biết khá giỏi, còn học sáng tác nhạc và chép nhạc trên máy vi tính. Những “nhân” nào thì “quả” nấy: Cô H, ở bên Mỹ và Yên, ở Việt Nam, hai người cứ “i-meo” (email) qua, “i-meo” về, ngày nầy qua tháng nọ mà thành “tình thâm” và Yên “có mòi” yêu H rồi đó! Tôi thấy “cái yêu” của kẻ “thất thập” cũng không khác gì của cái tuổi thanh xuân! Hôm lớp chúng tôi họp mặt ở quán Đất Phương Nam Sài Gòn (đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3) ngày 12/11/2009 (49 năm kể từ ngày khóa 2 chúng tôi vào Viện Hán Học: 1960 – 1965), trước khi ra Huế dự 50 năm thành lập Viện Hán Học (1959 – 2009), vốn vẹn được 15 anh chị em, H, tình cờ ở Mỹ về và nằm trong số 3 cô có mặt, Yên đã tự biên tự diễn một nhạc phẩm tình, miệng hát mà mắt đăm đăm nhìn H. Chao ôi, tình ơi là tình! Yên mấy khi làm thơ, thế mà từ lúc “anh chị” “phôn” qua “phôn” về, “i-meo” qua “i-meo” về, tự nhiên nguồn thơ “dồn nén” bấy lâu của Yên đã tuôn ra ồ ạt – nhưng chỉ trong” lãnh vực yêu” thôi! Nào “Cõi đời yêu”, nào “Thuở ấy”, “Ảo mộng tuổi xuân”, “Xuân và hoài niệm” ... và Yên bỗng tiếc cho tuổi xuân “Đã sớm già” . Mà lạ thật, trong suốt 5 năm học chung với nhau, chơi thân với nhau, tôi không hề biết Yên đã yêu cô nào, cũng chẳng bao giờ thấy Yên đi “cua kéo” như Nghiên và tôi! Lúc học năm thứ hai Viện Hán Học, tôi ở trọ và ăn cơm tháng chung với cậu Tâm, quen thân với H và mới trúng tuyển vào Viện Hán Học. Tâm thường “cặp đôi” tôi với H. Bấy giờ H trọ sát bên nhà Yên. Một hôm – tôi quên mất duyên cớ - tôi cùng với H đi bộ từ nhà trọ của H lên chỗ Tâm với tôi ăn cơm tháng. H có vẻ thẹn thùng – Chắc Tâm đã nói gì – tay mân mê quai nón, đi mà không nhìn ra trước, cứ cúi mặt xuống đường. Ở bên nàng, chẳng biết tôi có xúc động không mà về phòng trọ lại sáng tác bài thơ “Ngẩng mặt lên em!”. Tôi làm mà không đưa cho nàng. Mãi tận năm 1986, lúc H còn ở Sài Gòn, bắt liên lạc được, tôi mới chép gởi H, và năm ngoái (2009), trong một lần H điện thoại cho tôi, tôi mới nói rõ lai lịch bài thơ đó. “Văn nghệ” chút chút mà! Bây giờ thấy bạn mình là Nguyễn Bá Yên “kết giao” thân mật với nàng, tôi cũng mừng. Chẳng biết trong tận thâm tâm tôi có buồn không, chứ mỗi lần gặp Yên, tôi rất vui, thao thao chuyện nầy qua chuyện khác trong khi nằm bên, Yên “ngáy khò” lúc nào không hay! Kết luận: trong tình trường, Yên “chậm mà chắc”.
Còn tôi thì quá thật thà, hay e thẹn, luôn luôn “sợ mất lòng” nên thường “chịu phần thiệt” về mình, rất “thật tình” bởi không quen “khách sáo”. Cũng vì bụng “có chi nói nấy”, không chút giấu giếm, mà ngày trước, một cô bạn gái đã “tặng” cho tôi – với ý chê – mấy tiếng là “con người ruột ngựa” – Ruột ngựa thì thẳng, chứ không quanh co! Có một tính mà tôi rất ghét tôi là “hay buồn”, buồn có cớ thì không nói chi, đằng này buồn mà chẳng biết vì sao mình buồn. Đúng như Xuân Diệu đã tỏ bày:
“Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn, không hiểu vì sao tôi buồn”
(Chiều – X.D.)
Do vậy mà nghiệm thấy:
(...) “Tôi thấy đời tôi chỉ tủi buồn.
Lệ sầu như sẵn để rơi tuôn
Ngày qua tháng lại lòng như cũ
Mắt ngước xa vời dạ vấn vương!” ...
(Phũ phàng – T.V.D.)
Nên đã than thở với ý trách móc trời đất:
(...) “Tôi phải vì đâu khổ thế này
Bao giờ mới hết nỗi niềm tây
Sầu miên chẳng thứ đêm trừ tịch
U ám tâm tư phủ tháng ngày?” ...
(Xuân với lòng tôi – T.V.D.)
Tính tình mỗi đứa như vậy đó mà thân nhau mới lạ chứ! Lúc đương học ở Viện Hán Học, ngoài giờ học hành ở lớp, hoặc có việc riêng, chúng tôi thường tụ họp bên nhau để đàn hát (- ở nhà Yên): Yên guitare; tôi mandoline và Nghiên hát, hoặc thỉnh thoảng có tiền – thường vào dịp lãnh được học bổng -, chúng tôi lại kéo nhau đi ăn chè, uống cà phê; từ Thành Nội mà có khi qua “quậy phá” đến bên Đập Đá! Ngày ngày ba đứa tôi gần như “quấn quít” bên nhau. Thời đó, Nghiên có nhận dạy thêm mấy giờ Pháp Văn ở một trường Trung học tại Truồi, cách xa thành phố Huế mấy chục cây số. Thế mà có lần tôi cũng đèo Yên bằng mobylette – đời 2 – theo Nghiên – chạy mobylette đời 1 của ba Nghiên – về Truồi, đợi cho Nghiên dạy xong, chúng tôi lại cùng lên Huế. Đời học sinh, sinh viên không gì đẹp bằng tình bạn! “Có tình bạn là niềm vui tăng lên gấp đôi và nỗi buồn vơi đi một nửa” (F. Bê-Cơn). Thật vậy, bản tính tôi đã hay buồn, mà nếu không có bạn thì chắc đời sẽ hiu quạnh lắm! Cho nên tôi luôn tâm niệm: ”Nghèo mà nhiều bạn thân hơn là giàu mà cô độc” (Teacoik). Và “lúc lâm nguy mới thấy bạn hiền” đúng như trường hợp của tôi: Một đêm cuối hè năm thứ tư bước qua năm thứ năm (1964), trong một “công tác tranh đấu” bên Tổng Hội Sinh Viên, tôi chở Nghiên với tốc độ nhanh trên con đường sau trường Jeanne d’Arc, bỗng một bà bán trứng lộn bước ngang qua đường, tôi thắng gấp và té mạnh xuống đất bất tỉnh, máu me đầy mặt. Và Nghiên đã gọi xích lô chở tôi vào Bệnh Viện Huế cấp cứu. Đêm đó Nghiên đã thức trắng canh giữ tôi trong một nỗi hoang mang lo sợ, cứ lay gọi tôi hoài mà tôi chẳng “ú ớ”, cho đến 5 giờ sáng, tôi mới tỉnh. Rồi ba mạ tôi từ Quảng Trị vào, xin toa bệnh viện ra ngoài mua thuốc hay, mạnh để tiêm và uống, nên hết ngày thứ hai, trong người tôi khỏe mạnh bình thường, chỉ vết thương chưa lành, mặt phải băng bó thôi. Bởi vậy tôi đã “thiết tha yêu cầu” Ba Mạ về Quảng Trị đế Ba đi làm và Mạ lo cho các em. Trong này đã có Nghiên, Yên chăm sóc tôi. Tôi muốn tự do, nhất là để cho các bạn bè thoải mái chuyện trò với tôi, vì bấy giờ sáng, chiều đều có những nam, nữ sinh viên đến thăm tôi, bạn cùng khóa cũng như bạn khác khóa. Ngay cả quí Thầy cũng tới thăm hỏi ... Thật hết sức cảm động! Thừơng ngày mỗi bữa, Yên, Nghiên “bới cơm” lại rồi cùng ăn với tôi. Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò hết sức vui vẻ. Tôi bị nạn mà lòng chan hòa hạnh phúc trong tình thương yêu của Thầy và bạn.
Nghiên, Yên và tôi chơi thân với nhau, nhưng không biết vì sao, trước sau tôi với Yên thường có dịp gần nhau hơn – về không gian: Lúc đương cùng nhau học thì tôi trọ tại nhà Yên, không kể qua năm năm, tôi với Yên chung lớp. Còn Nghiên thì đến năm thứ tư, lớp tôi và lớp Nghiên mới sát nhập làm một. Rồi ra trường (1965), mỗi đứa được bổ dụng một tỉnh khác nhau. Nghiên về quê nhà Quảng Trị, Yên vô Quảng Ngãi, tôi vào Qui Nhơn. Cuối năm 1966 tôi đi lính và chọn về Tiểu khu Phú Yên (1967). Nơi đây, nhờ sự quen biết thêm với tài ngoại giao khéo léo, nhạc mẫu tôi đã “lo” cho tôi làm văn phòng, phụ trách những việc hết sức nhàn nhã. Người ta gọi tôi là “lính kiếng”, nhưng thay vào đó, các ngày lễ trong năm như mồng năm tháng năm, Trung Thu, Tết Tây, Nguyên Đán, nhạc mẫu tôi đều có “quà cáp” cho Tiểu Khu Trưởng (Tỉnh trưởng), Tiểu Khu Phố, Tham Mưu Trưởng. Vào năm 1968, tôi tình cờ gặp Yên trong bộ đồ lính ở Tiểu Khu Phú Yên, chưa trình diện có nghĩa là chưa biết sẽ đi về đâu, nhưng chắc chắn là ra đơn vị tác chiến vì Yên đâu có quen biết ai ở Phú Yên để cậy nhờ. Thời bấy giờ, “đi tác chiến” điều trước tiên là nghĩ đến cái chết. Có kẻ vừa ở quân trường ra đơn vị chiến đấu, mới ngày hôm trước, hôm sau đã ra người thiên cổ. Thế là vì tình bạn, tôi đưa Yên về nhà ở, lại “năn nỉ” nhạc mẫu tôi giúp đỡ, và Yên đã ngồi được ở văn phòng, an toàn cho đến ngày “biệt phái” về Bộ Giáo Dục dạy lại. Yên được chuyển ra Huế, tiếp đến xin đổi vào Cần Thơ ... (Sau này tôi mới biết). Miền Nam sau 1975, cuộc thế thay đổi tất cả. Cuối năm 1980, gia đình tôi phải “chạy” vào Vĩnh Long sinh sống. Một ngày nọ, trên chuyến phà Bắc Mỹ Thuận. Một đứa em ruột tôi – cũng ở Vĩnh Long – tình cờ gặp Yên (- Lúc học ở Viện Hán Học, mùa hè thỉnh thoảng Yên, Nghiên ra nhà tôi ở Quảng Trị chơi, do đó các em tôi đều quen thân với Yên, Nghiên). Yên cho em tôi biết đương ở Cần Thơ, và em tôi đưa địa chỉ của tôi cho Yên. Thế là tôi và Yên lại gặp nhau, qua lại nhà nhau chơi, hoặc điện thoại chuyện trò với nhau. Còn Nghiên mãi đến năm 2000, nhân cuộc họp mặt anh chị em Hán Học Viện ở Sài Gòn, kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Hán Học, Nghiên cùng với 3 cựu sinh viên ở Huế vào dự, chúng tôi mới gặp nhau được. Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi rất mừng.
Sau buổi lễ, Nghiên, Yên và tôi đi chơi với nhau đến khuya mới chia tay. Từ đây chúng tôi kết nối lại tình bạn, có khi Nghiên về Vĩnh Long rồi qua Cần Thơ chơi, hoặc hẹn gặp nhau ở Sài Gòn. Chúng tôi đi ăn uống, chuyện trò. Tuy đứa nào cũng ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng tình bạn của chúng tôi chẳng thay đổi… “Tình bạn như rượu nho, càng cũ càng ngon” (Danh ngôn). Và tôi cám ơn Phật, Trời đã cho tôi kết thân với hai người bạn tuyệt vời như Lý Văn Nghiên và Nguyễn Bá Yên!
Trần Văn Dật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét