QUỐC TỬ GIÁM - DI LUÂN ĐƯỜNG
Phan Thuận An
Di Luân Đường
Trong những năm tháng đầu tiên của mình, Viện Hán Học Huế đặt trụ sở tại Di Luân Đường trong khuôn viên Trường Quốc Tử Giám cũ ở Cố Đô. Các bạn sinh viên những khóa đầu Viện Hán Học chắc hẳn còn lưu lại nơi đây nhiều kỷ niệm. Nhân dịp họp mặt năm nay, chúng ta thử tìm hiểu về cơ ngơi giáo dục - đào tạo này của tiền nhân.
Mặc dù Quốc Tử Giám triều Nguyễn không còn nằm ở địa điểm nguyên thủy bên bờ sông Hương và không còn giữ được diện mạo kiến trúc ban đầu cách đây trên dưới hai thế kỷ, nhưng đây là Quốc Tử Giám duy nhất còn được bảo tồn tương đối tốt tại Việt Nam. Còn Quốc Tử Giám từ nhà Lý đến nhà Lê (còn gọi là nhà Thái Học) tại Thăng Long - Hà Nội thì đã bị hư hỏng hoàn toàn từ lâu, thậm chí người ta không tìm ra được dấu vết của nền móng, cho nên đã xây dựng mới toàn bộ trong thời gian vừa qua với kích cỡ to cao (nhà hai tầng) để đáp ứng cho chức năng mới theo yêu cầu của sinh hoạt văn hóa thời nay.
Để thấy rõ phần nào giá trị lịch sử và văn hóa của Quốc Tử Giám Huế nói chung, Di Luân Đường nói riêng, chúng ta thử tìm hiểu đôi nét qua các nội dung chính sau đây:
- Ý nghĩa và lai lịch của Quốc Tử Giám.
- Quá trình xây dựng và di chuyển Quốc Tử Giám Huế.
- Quốc Tử Giám ở địa điểm mới bên trong Kinh thành.
- Tổ chức điều hành, thành phần sinh viên, qui chế sinh hoạt và chương trình giáo dục.
I. Ý NGHĨA VÀ LAI LỊCH CỦA QUỐC TỬ GIÁM:
Việc giáo dục và đào tạo nhân tài để phục vụ cho quốc gia đã được quan tâm sâu sắc ở nhiều nước trên thế giới từ ngàn xưa. Ở phương Đông, công việc ấy còn được hình tượng hóa như là "trồng người" (thụ nhân 樹 人), cũng giống như việc "trồng cây" (thụ mộc 樹 木). Cách đây khoảng 27 thế kỷ, tại Trung Hoa, một nhà tư tưởng chính trị lỗi lạc ở nước Tề là Quản Trọng (730-645 trước Công nguyên) đã từng nói rằng: "Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế, mạc như thụ nhân (十 年 之 計 莫 如 樹木 終 身 之 計 莫 如 樹 人. Tạm dịch: Vì lợi ích mười năm, không có gì bằng trồng cây. Vì lợi ích trăm năm, không chi bằng trồng người).
Các triều đại quân chủ tại Việt Nam cũng đều xem giáo dục đào tạo là quốc sách, là sách lược phát triển quốc gia. Ngay từ thời Lý, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được thiết lập tại Kinh đô Thăng Long vào năm 1070, lúc đầu chỉ để dạy cho Hoàng Thái tử, nhưng càng về sau thì càng mở rộng cho con cháu các đại thần và những thành phần ưu tú khác trong xã hội vào học để "gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho đất nước". Đến thời Lê, công việc "trồng người", tức là "bồi dưỡng nhân tài", càng được coi trọng. Để thấy rõ điều này, chúng ta cùng đọc lại một đoạn dịch của bài lý trên tấm bia đầu tiên trong số 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Hà Nội được khắc dựng vào năm 1484 dưới thời Lê Thánh Tông:
"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên".
Dưới triều Nguyễn, việc giáo dục - đào tạo cũng được đặt lên hàng ưu tiên. Chẳng hạn như vua Minh Mạng đã nói vào năm 1827 rằng: "Trẫm từ khi ra chấp chính đến nay, chưa từng không lấy việc đào tạo nhân tài làm việc trước tiên. Phàm việc bổ dụng đều là người anh minh tài tuấn cả ... Các đế vương đời cổ có ai mượn người tài đời khác mà dùng đâu". Sau đó hai năm, nhà vua lại nhấn mạnh: "Đạo trị nước tất phải lấy việc gây dựng nhân tài làm trước, mà phương pháp gây dựng thì trước hết phải nuôi sẵn".
Bấy giờ, thiết chế giáo dục và đào tạo đã được tổ chức một cách có hệ thống. Việc dạy và học cũng đã được phổ cập đến cấp làng xã. Nhưng, các tư liệu chính thống của triều đại chỉ cho biết rõ về thiết chế giáo dục từ cấp huyện trở lên. Mỗi đơn vị giáo dục ở từng cấp đều có một quan chức chuyên trách: trường cấp huyện có Huấn đạo, cấp phủ có Giáo thụ, cấp tỉnh có Đốc học. Qui thức xây dựng trường ốc ở từng cấp cũng đã được triều đình ấn định một cách cụ thể.
Riêng ở cấp trung ương, tức là Kinh đô Huế, thì có trường cấp quốc gia, tức là Quốc Tử Giám, cùng những trường dành cho Hoàng gia, Hoàng tộc, và các trường cấp huyện, chứ không có trường cấp phủ và cấp tỉnh như ở các địa phương khác.
Về các trường học đặc biệt mà triều Nguyễn đã thiết lập dành cho con em trong hoàng gia và hoàng tộc thì có Tập Thiên Đường được lập ra vào năm 1817 để dạy các hoàng tử; Tôn Học Đường bắt đầu có từ năm 1850 để dạy con cháu các hoàng thân; ngoài Tập Thiện Đường và Tôn Học Đường còn có Dưỡng Chính Đường (1825); Quảng Thiện Đường, Quảng Phúc Đường, Quảng Nhân Đường, Quảng Học Đường (1833); Đoan Bản Đường (1837), v.v ....
Riêng Quốc Tử Giám là cơ sở giáo dục và đào tạo mang tầm cỡ to lớn nhất ở Kinh đô, hiểu theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.
Thiết tưởng cần tìm hiểu ý nghĩa của tên gọi "Quốc Tử Giám" 國子監 để biết rõ hơn về vai trò đặc thù của nó trong thiết chế giáo dục và đào tạo ngày xưa.
Ai cũng biết "quốc" là nước và "tử" là con. Từ thời xa xưa, ở Trung Hoa, "quốc tử" đã có khi được dùng để chỉ "con em của các công khanh đại phu" (công khanh đại phu chi tử đệ 公 卿 大 夫 之 子 弟 ), nhưng, sau đó, được hiểu theo nghĩa đơn giản là những thành phần con em ưu tú của đất nước. Còn "giám" có nghĩa là gì? Từ điển Khang Hy định nghĩa "giám" là "quan tự chi biệt viết tự viết giám 官 寺 之 別 曰 寺 曰 監” (Tạm dịch: Dinh quan đặc biệt được gọi là tự, là giám). Từ điển Từ nguyên thì giải thích: "Nha thự viết giám, như Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám 衙 署 曰 監 如 國 子 監 欽 天 監 (Sơ quan làm việc là giám, như Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám). Từ điển Từ hải cho biết rõ hơn: "Giám, quan thự dã 監 官 署 也 " (Giám là nơi quan làm việc); và "Quốc Tử Giám, quốc học dã. Tấn thủy lập Quốc Tử Học. Bắc Tề cải danh Quốc Tử Tự. Tùy hựu cải Tự vi Học. Dương Đế cải vi Quốc Tử Giám. Đường đại, Quốc Tử Giám thiết Quốc Tử Học, Thái Học, Tứ Môn Học, Luật Học, Toán Học, Thư Học. Các Học tịnh lập Bác sĩ. Chí Thanh đồ tồn kỳ danh, bất thi giáo dục, duy tư khảo chí. Quang Tự tam thập nhất niên, hợp tính ư Học Bộ 國 子 監 國 學 也 。晉 始 立 國 子 學 。北 齊 改 名 國 子 寺 。隋 又 改 寺 為 學 。煬 帝 改 為 國 子 監 。唐 代 國 子 監 設 國 子 學 太 學 四 門 學 律 學 算 學 書 學 。各 學 並 立 博 士 。 至 清 徒 存 其 名 。不 施 教 育 。惟 司 考 試 。光 緒 三 十 一 年 合 併 於 學 部 Tạm dịch: Quốc Tử Giám là trường học quốc gia. Thời nhà Tấn (265-420) bắt đầu thành lập trường Quốc Tử Học. Thời Bắc Tề (479-501) đổi tên là Quốc Tử Tự. Thời nhà Tùy (561-618) lại đổi Tự thành Học. Nhưng, Tùy Văn đế Dương Kiên (581-604) đổi là Quốc Tử Giám. Qua thời nhà Đường (618-907), trong Quốc Tử Giám lập ra các trường Quốc Tử Học, Thái Học, Tứ Môn Học, Luật Học, Toán Học, Thư Học. Các trường này đều có chức danh Bác sĩ. Đến thời nhà Thanh (1616-1911), các danh xưng ấy đều còn dùng, nhưng không phụ trách về lĩnh vực giáo dục mà chỉ chuyên về công tác tổ chức thi cử. Vào năm Quang Tự thứ 31 (1905), các cơ quan ấy đều trực thuộc Bộ Học.
Như vậy, danh xưng Quốc Tử Giám bắt đầu có ở Trung Hoa từ thế kỷ VI. Ở nước ta, danh xưng ấy bắt đầu xuất hiện vào năm 1076 khi vua Lý Nhân Tông cho "chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám".
Qua thời nhà Trần, cơ quan giáo dục này còn được gọi là Quốc Học Viện hoặc Quốc Tử Viện. Vào thời nhà Lê, người ta còn dùng thêm hai tên gọi khác nữa là nhà Thái Học và trường Quốc Học. Đến đầu thế kỷ XIX, khi triều Nguyễn đóng kinh đô ở Huế và xây dựng mới cơ quan giáo dục mang tính quốc gia ấy tại đây, nó được gọi là Quốc Hoc Đường, rồi Quốc Tử Giám như thời xa xưa. Nhưng có một số tư liệu văn học và sử học của triều đại này còn gọi đó là Bích Ung, Thái Học, Đại Học, và người ta cũng thường nói tắt là Trường Giám, hoặc Giám mà thôi.
II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ DI CHUYỂN QUỐC TỬ GIÁM HUẾ:
Thật ra, bộ đôi Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã bắt đầu được thiết lập tại Thủ phủ Phú Xuân từ thời các chúa Nguyễn, mặc dù cơ sở giáo dục ấy ở Đàng Trong bấy giờ còn được gọi là Học Cung. Năm 1776, sau khi quân Trịnh vào đánh chiếm Thuận Hóa - Phú Xuân, Lê Quý Đôn đã giữ chức Hiệp trấn Tham tán Quân cơ tại đây. Trong sách "Phủ biên tạp lục" mà ông biên soạn tại chỗ, tác giả có viết một đoạn liên quan đến cơ sở giáo dục ấy. Đoạn văn tuy ngắn nhưng chứa đựng một số thông tin rất quí đối với chúng ta khi tìm hiểu vấn đề. Chúng tôi xin chép lại nguyên văn:
丁 祭 親 詣 學 宮 詀 禮。諸 生 就 學 數 百 人。時 與 講 學 論 文 獎 惜 訓 諭。
Phiên âm:
Đinh tế thân nghệ Học Cung chiêm lễ. Chư sinh tựu học sổ bách nhân. Thời dữ giảng học, luận văn, tưởng tích huấn dụ.
Tạm dịch:
Vào ngày tế Đinh (lễ tế Khổng Tử hàng năm), tôi thân hành đến Học Cung dự lễ. Học trò đến học có vài trăm người. Tôi thường cùng họ giảng sách, bình văn và khuyến khích dạy bảo một cách ân cần.
Nếu học trò có đến vài trăm người thì chắc hẳn qui mô xây dựng của nhà trường (Học Cung) bấy giờ không phải nhỏ. Nhưng dù sao, dưới thời các chúa Nguyễn, bộ đôi Văn Miếu - Học Cung cũng chỉ mang tầm cỡ của một nửa nước, tức là xứ Đàng Trong.
Phải đến triều Tây Sơn (1788-1801), khái niệm cơ quan giáo dục toàn quốc mới bắt đầu manh nha trở lại sau mấy trăm năm Nam Bắc phân tranh và nội chiến. Trong bài chiếu Lập học do Ngô Thì Nhậm soạn thảo dưới thời Quang Trung (1788-1792), chúng ta thấy có từ "Quốc Học" (trường học cấp quốc gia) bên cạnh các từ "Phủ Học" (trường học cấp Phủ) và "Xã Học" (trường học cấp làng xã).
Trong bài thơ "Đăng Văn Miếu ký kiến" của Phan Huy Ích, chúng tôi thấy trong câu cuối cùng của bài thơ, ông còn dùng từ "Học Viện" để chỉ trường học cấp quốc gia bấy giờ. Trong lời nguyên chú ở bài thơ này, ông cũng cho biết tại đây có các quan chức Tế tửu và Tư nghiệp. Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu cho rằng: "Các vị ấy vừa quản lý Học Viện, vừa cung phụng Văn Miếu, chứng tỏ hai cơ sở cùng chung một khuôn viên. Như vậy, kể từ thời Tây Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Huế đã đóng vai trò trung tâm giáo dục của cả nước, thay thế hẳn Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long".
Tuy nhiên, phải đợi cho đến những năm đầu thế kỷ XIX, sau khi vua Gia Long thống nhất sơn hà cũng như thống nhất được đại đa số lòng dân từ Bắc đến Nam và tổ chức lại nền hành chính từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, thì sự thay thế ấy mới có đủ điều kiện để trở thành hiện thực.
Thật vậy, vào năm 1803, một năm sau khi lên ngôi, vị vua khai sáng triều Nguyễn đã cho tách "Học Cung" hay "Học Viện" ra khỏi khu Văn Miếu cũ ở làng Long Hồ, và chọn một khu đất khác cách đó khoảng 300m về phía đông để xây dựng một cơ ngơi giáo dục mới. Khu đất này thuộc địa phận làng An Ninh và cũng nằm bên bờ sông Hương (nơi mà 5 năm sau đó sẽ xây dựng Văn Miếu mới ở bên cạnh như đã nói ở trên). Bấy giờ, ngôi trường mang tên là Quốc Học Đường. Quay mặt về phía dòng sông trong xanh thơ mộng, cơ ngơi của trường tương đối đơn giản, vì người học còn ít, chỉ có một tòa nhà chính nằm ở giữa và hai tòa nhà phụ ở hai bên.
Dưới thời Minh Mạng (1820-1840), do nhu cầu giáo dục và đào tạo ngày càng cao, cho nên, cơ sở vật chất của trường được xây dựng thêm ngày càng nhiều. Ngay sau khi đăng quang, nhà vua liền cho đổi tên trường thành Quốc Tử Giám. Vào tháng 2 năm Minh Mạng nguyên niên, tức là tháng 3-1820, trong khi bàn định về qui trình giáo dục và đào tạo ở Quốc Tử Giám, nhà vua nói với hai đại thần Nguyễn Hữu Thận và Phạm Đăng Hưng rằng: "Học hiệu là quan hệ đến hiền sĩ, nhà nước dùng người phần nhiều lấy ở đấy ... Ta theo chí Tiên đế, muốn sai làm nhà học, lấy thêm sinh viên, hậu cấp lương cho, định rõ chương trình khiến cho học giả đều được thành tài để đợi xét dùng. Bọn khanh phải cùng học thần bàn từng điều mà tâu lên".
Đúng một năm sau, vào tháng 3-1821, công việc mở rộng và nâng cấp Quốc Tử Giám bắt đầu được thực hiện. Ở giữa khuôn viên là Giảng Đường 7 gian 2 chái. Đằng trước là Di Luân Đường 5 gian 2 chái. Hai bên tả hữu xây nhà ở cho Tôn sinh và Giám sinh, mỗi nhà 3 gian. Chung quanh khuôn viên xây tường bằng gạch, phía trước và phía sau đều trổ một cửa. Việc thi công đợt này kéo dài hơn 6 tháng, đến tháng 8 âm lịch năm ấy (tức là tháng 9-1821) mới hoàn tất. Nhân dịp khánh thành lần này, Bộ Lễ tâu lên vua Minh Mạng rằng: "Nhà học hiệu đặt ra là để thi hành lễ nhạc, tuyên bố đức hóa, sáng tỏ văn minh, lưu hành ơn dạy, đó là điều rất lớn. Thế tổ lúc mới đại định, yết miếu Khổng Tử, dựng lại Văn Miếu, dựng học cung ở phía tây, nền móng đã thành mà công việc chưa xong. Hoàng thượng ta vâng theo chí lớn, nhân nền cũ dựng nhà Quốc học, qui mô văn trị rỡ ràng. Nay đã làm xong, xin đặt vị vọng bái Tiên thánh ở nhà Di luân. Giám thần họp sinh viên đến bái yết, rồi hàng ngày ngồi giảng đường giảng dạy, để mở con đường sùng nho thịnh vượng cho muôn đời". Vua y lời tâu".
Vào năm 1826, vua Minh Mạng cho xây thêm 2 dãy nhà ở 2 bên trong khuôn viên, mỗi dãy 19 gian, dành cho sinh viên ăn ở.
Vua Thiệu Trị (1841-1847) đánh giá cao cảnh vật và sinh hoạt của Quốc Tử Giám, xếp nó vào trong 20 thắng cảnh của kinh đô Huế (Thần kinh Nhị thập cảnh) và từng làm thơ để ca ngợi. Bài thơ ngự chế nhan đề là "Huỳnh tự thư thanh" (Tiếng đọc sách ở trường) đã được khắc lên bia đá và dựng tại sân trường vào tháng 7 nhuận năm Thiệu Trị thứ 3, tức là tháng 9-1843.
Đến năm Tự Đức nguyên niên (1848), nhà vua chuẩn y lời tâu, cho mở một cửa vòm ở mặt tường bao phía bên phải Quốc Tử Giám, xây thêm hai dãy cư xá cho sinh viên, mỗi dãy 9 gian; 3 ngôi nhà, mỗi nhà một gian, dành làm nơi ăn ở cho quan Tế tửu (tạm hiểu là Hiệu trưởng) và hai quan Tư nghiệp (2 Hiệu phó); 3 nhà học chính, mỗi nhà 3 gian; và một nhà bếp một gian. Bấy giờ, ở mặt tường bao phía trước khuôn viên, người ta còn mở thêm 2 cửa phụ ở bên trái và bên phải cửa chính để tiện ra vào.
Vào tháng 3-1854, nhân dịp lên dự lễ xuân tế ở Văn Miếu, vua Tự Đức qua thăm Quốc Tử Giám ở sát bên cạnh. Tại Di Luân Đường, nhà vua đã giảng giải một bài học về đạo lý của thánh hiền cho thầy trò của trường nghe. "Vua hỏi nhiều, bàn rộng, thường phát ra ý kiến của mình để mở tỏ những lời tinh vi". Khi trở về hoàng cung, vua "ngự chế" 14 bài thơ nói về chính đạo của cổ nhân để khuyên nhủ thầy trò trong trường, và một bài tựa nằm ở đầu những bài thơ ấy. Sau đó, vào năm 1861, nhà vua bảo Bộ Công khắc bài tựa và 14 bài thơ vào bia đá, dựng ở phía tả cổng trường "để cho thầy trò sớm tối ra vào, xem, đọc, sửa mình".
Có thể nói diện mạo kiến trúc của Quốc Tử Giám đã trở nên khang trang và hoàn chỉnh nhất từ giữa thời Tự Đức trở đi. Nó tiếp tục hoạt động đều đặn tại chỗ qua các thời vua kế nghiệp là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái. Các công trình kiến trúc cũng như nhà cửa và phòng ốc ở đây đã bị hư hỏng nặng trong trận bão dữ dội nhất xưa nay tại vùng Huế xảy ra vào năm Giáp thìn (1904, thường gọi tắt là trận bão năm Thìn), cho nên, trường Giám đã được trùng tu vào năm 1905.
Tuy nhiên, sau đó 3 năm thì ngôi trường này được di chuyển về bên trong Kinh thành. Một tư liệu lịch sử cho biết rằng sự di chuyển này đã do ý kiến của Khâm sứ Trung Kỳ bấy giờ là Lévecque. Theo một văn bản do Bộ Công đệ trình lên vua đề ngày 12 tháng 10 năm Duy Tân thứ 2, tức là ngày 5-11-1908, thì vào tháng chạp năm Duy Tân nguyên niên, tức là tháng 1-1908, ông Khâm sứ đã chỉ thị (giao trách nhiệm) cho Bộ Công "tìm kiếm một chỗ trong Kinh thành để xây dựng trường Quốc Tử Giám mới và một thư viện hoàng gia với các bộ phận của điện Long An có sẵn và còn sử dụng được hiện nay".
III. QUỐC TỬ GIÁM Ở ĐỊA ĐIỂM MỚI BÊN TRONG KINH THÀNH:
Sau khi nhận được lệnh di chuyển trường vào đầu năm 1908, Bộ Công chọn được địa điểm mới bên trong Kinh thành, gần phía sau cửa Thượng Tứ (Đông Nam Môn). Mặt bằng của khu đất khá lớn. Phía đông tiếp giáp với Cơ Mật Viện, chỉ cách nhau một con đường (nay là đường Đinh Tiên Hoàng). Phía tây kế cận với Hoàng thành, được giới hạn bằng đường Đoàn Thị Điểm hiện nay. Từ đông sang tây đo được 176,50m. Phía bắc tiếp giáp với Tôn Nhơn Phủ và Ba Viên nằm bên kia đường Đinh Công Tráng hiện nay. Phía nam chạy dọc theo mặt trong của Kinh thành. Như vậy, từ bắc đến nam của khu đất dài khoảng 300m và diện tích của nó ước chừng 53.000 m2.
Về qui hoạch kiến trúc, chúng ta có thể chia tổng thể địa phận Quốc Tử Giám bấy giờ ra làm 3 khu vực khác nhau tùy theo chức năng của các công trình được xây dựng tại chỗ. Khu vực chính nằm ở giữa và hai khu vực phối thuộc nằm ở phía sau và phía trước. Khu vực chính nằm giữa 4 con đường 23 tháng 8, Lê Trực, Đinh Tiên Hoàng và Đoàn Thị Điểm hiện nay.
- Khu vực chính: Với chiều đông - tây 176,50m và chiều bắc - nam 138m (diện tích 24.337m2), khu vực này có không gian rộng lớn hơn hết so với hai khu vực kia. Các công trình kiến trúc chính của trường đều được xây dựng tại đây. Quan trọng nhất trong số đó là Di Luân Đường, nằm ở vị trí trung tâm.
Nói là di chuyển trường, nhưng thực ra, số lượng công trình kiến trúc ở địa điểm cũ được đưa về dựng lại tại địa điểm mới là không nhiều, nếu không nói là rất ít. Các công trình được di chuyển dường như chỉ có Di Luân Đường và 2 tấm bia đá đã từng nói đến ở trên. Còn hầu hết các hạng mục công trình khác như phòng học, ký túc xá ... đều được xây dựng mới (Ngoại trừ Thư viện của trường là điện Long An được di chuyển từ cung Bảo Định). Bài viết "Le Quốc Tử Giám" của Nguyễn Văn Trình và Ưng Trình (Tế tửu và Tư nghiệp của trường) đăng ở Bulletin des Amis du Vieux Hué vào đầu năm 1917 cho chúng ta thấy rõ điều đó. Hai tác giả ấy đều là những chứng nhân lịch sử và là người trong cuộc, cho nên mức độ khả tín của những gì họ tường thuật và mô tả về Quốc Tử Giám ở địa điểm mới là rất cao.
Theo hai tác giả của bài viết thì bấy giờ, chung quanh khu vực này có đến 2 vòng tường rào bao bọc. Trong khuôn viên này là một số tòa nhà liên quan đến sinh hoạt dạy và học hàng ngày của trường. Ở đó, Di Luân Đường tọa lạc tại vị trí trung tâm. Ngay công trình kiến trúc này cũng đã được cải tạo và nâng cấp khi di chuyển về đây vào năm 1908. Vào thời điểm mới xây dựng tại địa điểm cũ, Di Luân Đường chỉ là một tòa nhà 5 gian 2 chái. Khi đưa về địa điểm mới, nó được "cải chế" thành ra có thêm cái gác ở bên trên, gọi là Minh Trưng Các. Ở tấm hoành phi đề 3 chữ "Di Luân Đường" treo tại tòa nhà này lúc bấy giờ, có một lạc khoản ghi rằng: "Duy Tân nhị niên thập nguyệt cát nhật cải chế" 維 新 二 年 十 月 吉 日 改 製 nghĩa là được cải tạo vào ngày tốt tháng 10 năm Duy Tân thứ 2, tức là tháng 11-1908.
Chức năng chính của Di Luân Đường vẫn là hội trường, thường làm nơi họp của các giáo quan (thầy giáo) và thỉnh thoảng được dùng làm nơi bình văn hoặc diễn thuyết những đề tài khác nhau, với sự tham dự của tất cả các thầy trò trong trường. Ngoài việc lắp ráp thêm "Minh Trưng Các" để làm tầng trên, người ta còn cải chế tầng dưới bằng cách tháo bỏ hệ thống vách gỗ cũ chung quanh tòa nhà và thay thế vào đó là một hệ thống cửa gương để thu nhận ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài chiếu vào nội thất. Hội trường trở nên thoáng mát và sáng sủa. Bấy giờ, ở phía sau của hội trường, có thiết trí một cái chuông lớn treo trên giá chuông và một cái trống lớn đặt trên giá trống. Chuông ở bên trái và trống ở bên phải theo nguyên tắc "tả chung hữu cổ". Từ khi trường được dời vào Thành Nội, triều đình cấm đánh trống vì quá gần hoàng cung, cho nên nhà trường chỉ dùng chuông để điểm giờ học.
Tầng trên của Di Luân Đường là một cái gác mà ở giữa mặt trước có treo tấm hoành phi sơn son thếp vàng đề 3 chữ đại tự "Minh Trưng Các" 明 徵 閣 . Ba chữ Hán này do chính vua Thiệu Trị viết (ngự bút). Phía dưới hai chữ "Ngự bút" là một dấu ấn hình vuông, bên trong có 4 chữ triện "Thiệu Trị thần hàn" (Văn từ trong cung vua Thiệu Trị). Lạc khoản bên trái là dòng chữ "Thiệu Trị ngũ niên lục nguyệt cát nhật kiến"紹 治 五 年 六 月 吉 日 建 nghĩa là được xây dựng vào ngày tốt tháng 6 năm Thiệu trị thứ 5, tức là tháng 7-1845. Ở bên phải, phía dưới khuôn dấu vuông vừa nói là một lạc khoản ghi "Duy Tân nhị niên thập nguyệt cát nhật cải chế", như câu đã được giải thích ở trên. Như vậy, các lạc khoản ở bức hoành phi cho biết niên đại xây dựng và di chuyển của Minh Trưng Các. Nhiều sử sách của triều Nguyễn ghi rõ rằng vua Thiệu Trị đã cho xây dựng cung Bảo Định ở bờ bắc sông Ngự hà vào năm 1845 để làm chỗ "diễn canh", nghĩa là tập cày trước khi làm lễ tịch điền ở khu ruộng dành cho vua ra cày tượng trưng hàng năm tọa lạc gần đó. Thực ra, đây là một "biệt cung" với qui mô rất lớn, gồm hơn 10 công trình kiến trúc chính và phụ, trong đó có Minh Trưng Các và Long An Điện. Sau khi vua Thiệu trị thăng hà vào năm 1847, quan tài (tử cung) của nhà vua đã được quàn ở đây trong gần 8 tháng rồi mới đưa lên an táng ở lăng. Từ đó (1848), biệt cung này trở thành "biệt miếu" dùng để thờ phụng nhà vua. Nhưng, sau ngày thất thủ Kinh đô (1885), quân đội Pháp đã đến đồn trú ở đó trong một thời gian, làm cho chốn tôn nghiêm này bị "ô uế". Do đó, dưới hai thời Thành Thái và Duy Tân, sau khi rước long vị của vua Thiệu Trị vào thờ ở điện Phụng Tiên trong Hoàng thành, triều đình đã lần lượt cho tháo dỡ và di chuyển các tòa nhà ở cung Bảo Định đi làm việc khác. Riêng Minh Trưng Các đã được di chuyển đến lắp ráp với Di Luân Đường vào năm 1908 như bức hoành phi ghi rõ. Còn Long An Điện thì được di chuyển sau đó một năm, đến vị trí phía sau Di Luân Đường để làm thư viện của nhà trường.
Chức năng mới của Minh Trưng Các là nơi thờ vọng Đức Khổng Tử và các môn đệ kiệt xuất nhất của ngài. Mãi đến ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy nhiều bài vị sơn son thếp vàng đề tên các vị thánh hiền ấy đang được thiết trí tại đây.
Ở các liên ba và đố bản tại Minh Trưng Các, người xưa đã trang trí nhiều văn tự và hình ảnh trong từng ô hộc, được sắp xếp theo lối "nhất thi nhất họa". Trong đó, có một bài thơ Đường thất ngôn bát cú liên quan đến thời Thiệu Trị cũng như tên gọi của cái gác này. Bài thơ được trang trí ở mặt trong của 4 liên ba nằm ở 4 phía. Thấy đây là một bài thơ hay, chúng tôi xin chép lại nguyên văn:
百 歲 耆 人 建 棟 樑
宮 成 吉 兆 日 彌 彰
天 家 五 代 同 堂 瑞
帝 胄 千 年 萬 世 祥
蕩 定 西 羌 開 僻 壤
柔 懷 南 殿 共 來 王
嘉 名 信 是 明 徵 閣
昊 眷 增 隆 國 祚 長
Phiên âm:
Bách tuế kỳ nhân kiến đống lương,
Cung thành cát triệu nhật di chương.
Thiên gia ngũ đại đồng đường thụy,
Đế trụ thiên niên vạn thế tường.
Đãng định Tây khương khai tịch nhưỡng,
Nhu hoài Nam điện cọng lai vương.
Gia danh tín thị Minh Trưng Các,
Hạo quyến tăng long quốc tộ trường.
Dịch nghĩa:
Người già trăm tuổi xây dựng rường cột,
Cung (Bảo Định) làm xong là điềm lành như mặt trời rực rỡ.
Gia dình nhà vua có 5 đời cùng sống trong một nhà,
Con cháu nhà vua ngàn năm vạn đời hưởng được phúc lành.
Dẹp yên được giặc giã ở phía Tây, mở mang bờ cõi,
Các tiểu quốc đều tâm phục nước Đại Nam, nên cùng về chầu.
Sau các sự kiện tốt đẹp ấy, tòa nhà này được đặt tên là Minh Trưng Các (Cái gác tượng trưng cho sự hiển hách).
Được trời thương, đất nước sẽ tốt đẹp mãi mãi.
Ở Minh Trưng Các (tầng trên) và Di Luân Đường (tầng dưới), chúng tôi đã thống kê sơ bộ tại chỗ có đến hơn 300 đơn vị văn tự chữ Hán được trang trí trong các ô hộc như thế.
"Về các lớp học bấy giờ thì người ta đã xây 4 dãy phòng nằm đối xứng nhan ở bên trái và bên phải Di Luân Đường. Hai dãy phía trước, mỗi dãy dài 22,10m và rộng 14,75m. Hai dãy phía sau, mỗi dãy dài 22,10m và rộng 13,55m. Đó là những ngôi nhà làm theo kiểu Việt Nam nhưng đã biến đổi thành ra như loại nhà ở của người châu Âu. Mỗi phòng học đều có đủ không khí và ánh sáng. Ngoài cái hành lang rộng hơn 1m, các ngôi nhà này đều dài 13m, rộng 9,30m và cao 3,80m; nhưng vì các phòng học trở mặt về phía đông và phía tây, cho nên học sinh sáng chiều đều bị ánh nắng mặt trời dọi vào rất khó chịu".
Bấy giờ, trên lối đi vào trường, ở giữa mặt trước vòng tường rào phía trong, người ta xây dựng một cái cửa tam quan khá đơn giản theo dạng "phường môn" thường thấy ở các di tích Huế. Bốn trụ cửa và đế trụ đều được làm bằng đá cẩm thạch. Các đầu trụ chắp hình hoa sen. Ở gần bốn đầu trụ là 3 thanh ngang (có lẽ bằng bê-tông) được lồng vào thân trụ. Tại chính giữa thanh ngang ở giữa, có 3 chữ đại tự "Quốc Tử Giám"? ? ?.
- Khu vực phụ ở phía sau: Cũng có vòng tường rào bao bọc, khu vực này nằm cách khu vực chính chỉ bằng một con đường nhỏ.
Chức năng chính của khu vực này là thư viện của trường Quốc Tử Giám. Đồng thời, nó còn có chức năng phụ là ở hai khuôn viên nhỏ nằm sát hai bên trái phải, người ta đã xây dựng một số nhà cửa dùng làm nơi ăn ở cho các vị Tế tửu (Hiệu trưởng), Tư nghiệp (Hiệu phó) và các học quan (thầy dạy) cũng như nhân viên của nhà trường.
Công trình kiến trúc quan trọng nhất là tòa nhà thư viện tọa lạc tại vị trí trung tâm của khu vực này. Như đã nói ở trên, vào năm 1909, điện Long An từ cung Bảo Định đã được di chuyển đến đây để làm thư viện. Triều đình đặt tên mới cho nó là Tân Thư Viện; nói theo cách của người Huế là Tân Thơ Viện. Bấy giờ, triều đình cho di chuyển một số "thư tịch của Nội Các về Tân Thư Viện". Đồng thời, một số sách và văn bản chép tay (manuscrits) quí báu của Tòa Khâm sứ Pháp ở bên kia sông Hương cũng được chuyển qua đây. Tất cả đều được sắp xếp ngay ngắn trong những cái tủ lớn sơn son đặt khắp nội thất của tòa nhà.
Là một công trình kiến trúc cổ kính và thanh tú, tòa nhà được dựng trên một nền cao 1,10m với mặt bằng hình chữ nhật 35,70mx28,0m, có đến 128 cột bằng gỗ lim. Thành bậc thềm là những con rồng bằng đá Thanh được chạm trổ rất khéo léo.
Điện Long An thuộc loại nhà kép (trùng lương trùng thiềm) thường thấy ở cung điện Huế. Nhà trước (tiền doanh) có 7 gian và 2 chái đơn với 8 vì kèo chồng rường giả thủ. Các vì kèo được chạm trổ thành hình lưỡng long tranh châu hoặc hình rồng ngang. Đây là một trong những bộ vì kèo đẹp nhất ở Huế. Nhà sau (chính doanh) có 5 gian và 2 chái kép. Bên trên đóng trần (rầm thượng), dưới nền đặt bục gỗ (rầm hạ). Có giá trị đặc biệt nhất ở đây là 4 cạnh của rầm hạ đã được ốp bằng 4 tấm ván gỗ lim, mỗi tấm dài hơn 20m.
Tuy nội thất tòa nhà rộng mênh mông, nhưng chung quanh không xây tường chịu lực mà chỉ dựng cửa gương để tiếp nhận ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài. Ở trên bờ nóc tiền doanh cũng đắp nổi đề tài lưỡng long tranh châu. Còn trên các bờ quyết thì thể hiện hình ảnh tứ linh: long, lân, qui, phụng.
Giá trị thẩm mỹ cao nhất là ở phần trang trí nội thất. Ở các liên ba đố bản được phân khoảng thành những ô hộc, các nghệ nhân tài hoa thời Thiệu Trị đã thể hiện những hình ảnh khác nhau chen kẽ với hàng trăm đơn vị văn tự và thơ ngự chế. Dạng chữ được trình bằng theo 4 loại: chân, thảo, triện, lệ. Có chữ sơn son, có chữ thếp vàng, nhưng phần lớn các hình ảnh và văn tự đều được khảm nổi bằng những vật liệu đắt giá như ngà, xương, xà cừ.
Đặc biệt nhất là ở mặt trước của hệ thống đố bản tại chính doanh, hai bên có hai pa-nô, ở mỗi pa-no chỉ có 56 chữ, được sắp theo hình bát quái và dùng thể thơ hồi văn kiêm liên hoàn, cho nên có thể đọc thành 64 bài thơ thất ngôn và ngũ ngôn khác nhau. Đây là lối làm thơ bằng cách chơi chữ rất uyên bác của vua Thiệu Trị.
Từ trước đến nay, khi viết về điện Long An, các tác giả đều có một nhận định chung rằng đây là một trong những công trình kiến trúc cung điện mang giá trị mỹ thuật tao nhã nhất tại cố đô Huế, "một tòa nhà nguy nga, tráng lệ vào hạng các cung điện đẹp nhất của Việt Nam".
Vì nó có giá trị mỹ thuật cao như thế, cho nên, vào năm 1923, Hội Đô thành Hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué), Khâm sứ Trung Kỳ Pierre Pasquier và vua Khải Định đã nhất trí sử dụng Tân Thư Viện làm Bảo Tàng Viện của học hội này và đặt tên mới cho nó là Musée Khải Định. Bấy giờ, tất cả sách vở của Tân Thư Viện đều được mang qua đặt tại một tòa nhà nằm ở phía đông bắc của Di Luân Đường, rồi sau đó nó mang tên mới là Bảo Đại Thư Viện. Còn Musée Khải Định thì từ đó đến nay, mặc dù nhiều lần được thay đổi tên gọi, là Tàng Cổ Viện Huế (từ năm 1947), Viện Bảo Tàng Huế (từ 1958), Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (từ 1995) và hiện nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nhưng vẫn liên tục giữ chức năng là một bảo tàng tại cố đô triều Nguyễn.
- Khu vực phụ ở phía trước: Theo ghi nhận của hai vị Tế tửu và Tư nghiệp của trường Quốc Tử Giám vào năm 1917, thì bấy giờ, khu vực phía trước (bên kia đường 23 tháng 8 hiện nay) bao gồm một bãi đất rộng trồng cỏ và những dãy phòng dùng làm cư xá cho sinh viên. Khi trường dời về đây vào năm 1908, những dãy cư xá ấy đã được xây dựng gần sát mép trong của Kinh thành và nằm song song với nó. Các cư xá tọa lạc trên một khu đất có diện tích khoảng 6.700m2 (Có lẽ khu đất này nằm trong địa phận eo bầu của pháo đài Nam Xương, tức là ở khoảng Tỳ Bà Trang và Nhạc Hoa Viên ngày nay). Cư xá gồm 2 ngôi nhà rất dài. Mỗi nhà dài đến 49m, rộng 8m, chia ra làm 9 gian. Từng gian có vách ngăn và trổ cửa đi. Phần lớn các gian được dùng làm phòng ngủ, 4 người ở một gian, có gian dùng làm phòng ăn chung.
Giữa hai nhà ấy là một ngôi nhà hình chữ nhật, dài 17,50m, rộng 11,40m, dùng làm nơi ở của các thầy Giám thị. Tất cả các nhà này đều có cây cối bao bọc chung quanh. Đó là những cây mới trồng để tạo bóng mát cho các dãy hàng rào và những đường đi lối lại nối liền các nhà với nhau. Các sinh viên nội trú tại đây đều là những người có quê quán ở xa trường. Họ phải cư trú như vậy để được thuận tiện trong việc học. Còn việc ăn uống thì ai tự lo nấy.
Đó là tình trạng ký túc xá của Quốc Tử Giám vào thời gian đầu, khi trường mới dời về. Nhưng, sau đó khoảng 5 năm, sự ăn ở ngăn nắp và giữ gìn vệ sinh của những người tạm trú ấy đã trở nên nhếch nhác và luộm thuộm. Để thấy rõ tình trạng này, chúng ta thử đọc một vài đoạn trong bản báo cáo sau đây của Bác sĩ Sallet đề ngày 22-6-1914 gửi cho nhà trường:
"Các gian nhà đều tốt; nếu nền nhà được đầm đất cho thật chặt hoặc tráng xi-măng thì sẽ tốt hơn.
"Phần lớn đều bẩn thỉu, xả rác đủ loại; trong các góc phòng, vứt bừa bãi những dụng cụ bếp núc.
"Các sinh viên đã dựng lên ở đó đây những túp lều che chắn bằng phên tre, không khí ngột ngạt, đầy bụi bặm và ký sinh trùng.
"Đồ treo áo quần của sinh viên thì được căng bằng dây, trên đó vắt lung tung những đồ lót và khăn tắm, trông thật ghê tởm.
"Ở phía mép thành, mỗi phòng có một cái bếp riêng và một cái chậu dơ bẩn không hề được chùi rửa. Mỗi nhà sử dụng 5 hố xí có thùng chứa phân.
"Khắp các dải đất tiếp giáp chung quanh, ở đằng trước cũng như ở phía sau, đều mọc đầy cỏ dại, và giữa đó còn trồng một loại cỏ cao (giống như cây mè) hoặc trồng chuối ...
"Vậy thì cần phải mang lại những sửa đổi về vệ sinh cho chỗ ở và lối sống của các thanh niên tại đây ...".
Đáp ứng lời đề nghị chính đáng này, nhà trường sau đó có cho sửa đổi về điều kiện ăn ở và sinh hoạt (kể cả việc tập thể dục hàng ngày) của các sinh viên tại ký túc xá. Rồi sau đó nữa, có lẽ vào năm 1923, các sinh viên nội trú được chuyển vào ăn ở ngay trong khu vực chính của trường, cho nên, những nhà cửa xây dựng tại khu vực này không còn lý do để tồn tại, và đến nay thì chẳng còn dấu vết gì trên thực địa.
Nhìn chung, Quốc Tử Giám trong 100 năm nay (1908-2009) kể từ khi được di chuyển về trong Kinh thành, mặc dù đã trải qua những biến động dữ dội của thời cuộc và sự hủy hoại âm thầm của thời gian, nhưng không gian qui hoạch ban đầu và những công trình kiến trúc quan trọng của nó vẫn còn đó. Căn cứ vào tình trạng của nó ngày nay, chúng ta dễ dàng tái hiện diện mạo đầy đủ của cơ ngơi giáo dục và đào tạo này trong lịch sử.
IV. TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH, THÀNH PHẦN SINH VIÊN, QUI CHẾ SINH HOẠT VÀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC:
Lúc mới thành lập vào những năm đầu thời Gia Long, trường còn đơn sơ, thầy trò còn ít, bộ máy tổ chức sinh hoạt tại đây còn gọn nhẹ. Từ đầu thời Minh Mạng trở đi, Quốc Tử Giám phát triển ngày càng lớn mạnh về cả cơ sở vật chất lẫn qui mô giáo dục và đào tạo. Mọi hoạt động truyền thống của trường trở nên rôm rả và sôi nổi nhất là vào mấy chục năm đầu dưới thời Tự Đức (1848-1883). Nhưng, sau đó, vì hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước khi bị xâm lược, trường hoạt động cầm chừng một thời gian, rồi bị suy thoái dần. Kể từ khi thành lập trường Quốc học Huế vào năm 1896 với chương trình giáo dục theo kiểu phương Tây và chuyển ngữ bằng tiếng Pháp, nền Hán học nói chung, nội dung dạy và học ở trường Quốc Tử Giám nói riêng không khỏi bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Sau khi trường dời về Thành Nội một thời gian, người của chính quyền Bảo hộ còn tham gia vào "Hội đồng Quốc Tử Giám" để chi phối sự điều hành trung tâm giáo dục và đào tạo mang tính quốc gia này. Mặc dù Hội đồng hỗn hợp Pháp Việt ấy có thực hiện một số cải cách về phương thức sinh hoạt và chương trình giảng dạy, nhưng, nhìn chung, "đầu ra" của trường vẫn chẳng còn thích hợp nữa đối với thực tế của xã hội lúc bấy giờ.
A. Tổ chức điều hành:
Những quan chức trong ban điều hành và giảng huấn ở Quốc Tử Giám thường được sử sách triều Nguyễn gọi chung là Giám thần, Học thần, Học chánh, Giáo quan hoặc Giảng quan. Khi mới thành lập vào năm 1803 với cái tên Quốc Học Đường, triều đình Gia Long chỉ cử đến trường hai quan chức vừa lo việc điều hành, vừa phụ trách việc giảng dạy. Đó là Chánh đốc học (hàm chánh tứ phẩm) và Phó Đốc học (tòng tứ phẩm). Một năm sau khi lên ngôi (1821), vua Minh Mạng "xuống chỉ đặt ở Quốc Tử Giám 1 viên Tế tửu [chánh tứ phẩm], 2 viên Tư nghiệp [tòng tứ phẩm], bỏ chức Chánh Phó Đốc học". Năm sau (1822), cử thêm 2 viên Học chánh (tòng lục phẩm) để dạy các Tôn sinh. Năm 1827, triều đình bổ sung cho ban điều hành của trường 2 viên Giám thừa (chánh thất phẩm), 2 viên Điển bạ (tòng bát phẩm), 2 viên Điển tịch (tòng cửu phẩm) và 10 Thư lại (vị nhập lưu). Năm 1838, nhà vua còn phái thêm 2 văn ban đại thần thuộc hàng cao cấp nhất trong triều đình "kiêm lĩnh công việc Quốc Tử Giám". Đó là Thái bảo Văn minh điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế và Hiệp biện Đại học sĩ Lê Văn Đức (Đến năm 1841 thì vua Thiệu Trị cử Đông các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn thay thế đại thần Lê Văn Đức). Họ chỉ kiêm nhiệm và thỉnh thoảng đến trường để thanh tra cả thầy lẫn trò, chứ không phải chuyên trách như các quan Tế tửu và Tư nghiệp. Hai vị đại thần ấy được phân công tháng chẵn và tháng lẻ "đột xuất đến đôn đốc, ai chăm học thì khen, ai lười không học thì phạt. Nếu quan trong nhà Giám sư phạm không đứng đắn, học trò học tập không tiến, đều do đại thần ấy sát hạch, chỉ tên tham hặc để trừng trị".
Dù sao, trong nửa đầu thế kỷ XIX, Quốc Tử Giám cũng đã hoạt động tương đối độc lập, vì về mặt chuyên môn, trường không trực thuộc Bộ hoặc Viện nào của chính quyền Trung ương. Nhưng, đến thời Tự Đức, trường bắt đầu trực thuộc Bộ Lễ, rồi qua thời Thành Thái, khi Bộ Học được thành lập vào năm 1907, thì mọi việc ở Quốc Tử Giám đều được đặt dưới quyền một vị đại thần của Bộ này.
Vào thời Duy Tân, nền đô hộ của Pháp ở Việt Nam đã vững chắc. Ngoài việc người Pháp chen chân vào bộ máy hành chánh của Nam triều, trường Quốc Tử Giám cũng bị nền giáo dục của mẫu quốc chi phối. Bấy giờ, nhà trường không chỉ dạy thuần túy những sử sách bằng chữ Hán như trước kia, mà còn dạy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp nữa. Do đó, trong ban giảng huấn của trường, còn có những chức danh mới như Đốc giáo và Trợ giáo để phụ trách hai môn này. Ngoài ra, trường còn đặt thêm chức danh Giám thị (Surveillant) để hàng ngày coi ngó sinh viên về mặt kỷ luật.
Dưới thời Khải Định (1916-1925), nền văn hóa phương Tây ảnh hưởng càng mạnh hơn vào Việt Nam trên nhiều phương diện, trong đó có cả những hoạt động ở Quốc Tử Giám. Tổ chức quản lý và điều hành tại đây có sự thay đổi: ngoài các văn thần do triều đình bổ dụng, còn có sự hiện diện của những nhân vật thuộc chính quyền Bảo hộ nữa. Vào năm 1918, một hội đồng hỗn hợp được thành lập với cái tên là Hội đồng Quốc Tử Giám, trong đó có các thành phần sau đây:
- Viên Công sứ do Tòa Khâm sứ ở Huế ủy nhiệm.
- Thượng thư Bộ Học của Nam triều.
- Giám đốc Nha Học chánh Trung Kỳ (người Pháp).
- Viên Học chánh Hội lý (người Pháp), vân vân.
Sau khi thành lập, Hội đồng chọn quan Thượng thư Bộ Học đại diện cho Nam triều và viên Học chánh Hội lý đại diện cho Nha Học chánh. Hai nhân vật này "giữ chức kiểm soát vĩnh viễn mọi sự điều khiển thương thuyết. Lâm thời, ban kiểm soát bàn định các điều khoản cho nhân viên của Hội đồng thi hành. Về nguyên tắc thì Hội đồng này chỉ làm việc với tư cách cố vấn mà thôi, vì nhà trường vẫn do quan Thượng thư Bộ Học làm tổng lý kiêm quản. Xuống dưới thì có quan Tế tửu và Tư nghiệp đốc thúc công việc. Ngoài ra, còn có những lại thuộc khác như các viên Kiểm lý, Kiểm khán trông nom về các khoản chi tiêu, các viên Từ hàn lo việc tả dịch công văn hay cấp phát lương hướng ... Hình thức tổ chức này giữ mãi cho đến khi trường Quốc Tử Giám bãi bỏ".
B. Thành phần sinh viên và qui chế sinh hoạt:
Dưới triều Nguyễn, tất cả những người đi học ở Quốc Tử Giám đều được gọi chung là "sinh viên". Đi học tại đó gọi là "tọa Giám". Sinh viên tọa Giám gồm có 4 thành phần chính: Tôn sinh, Ấm sinh, Cống sinh và Cử nhân.
- Tôn sinh: Tôn sinh là những công tử, công tôn và con cháu các hệ Tôn Thất ở lứa tuổi từ 18 đến 20 muốn vào học tại trường này. Các tôn sinh đều do Tôn Nhơn Phủ chọn lựa và đưa thẳng vào học tại Quốc Tử Giám chứ không qua một cuộc thi tuyển nào (Tôn Nhơn Phủ là cơ quan quản lý tất cả bà con trong Hoàng tộc). Tuy nhiên, trong thời gian tọa Giám, họ phải trải qua 4 kỳ khảo hạch mỗi năm để định mức thưởng phạt. Nếu đạt hạng ưu thì được tăng thêm nửa lương, hạng bình thì giữ như cũ, hạng thứ bị giảm 1/3 lương, hạng liệt 1 lần, bị phạt lương 3 tháng, hạng liệt 2 lần, bị phạt lương 6 tháng, hạng liệt 3 lần thì bị đuổi học, trả về cho Tôn Nhơn Phủ.
- Ấm sinh: Ấm sinh là con cháu của các vị công hầu khanh tướng và các quan từ ngũ phẩm trở lên. Họ có ân huệ được thừa hưởng công tích của ông cha, mặc dù họ không có mối liên hệ huyết thống với Hoàng phái, nhưng nhờ lòng trung thành của tổ phụ họ đối với triều đại, cho nên các Ấm sinh cũng được ưu đãi phần nào. Tuy nhiên, hàng năm, họ cũng phải trải qua 4 kỳ khảo hạch trong từng mùa để căn cứ vào hạng cao hay thấp mà cấp tiền, gạo và dầu hàng tháng. Trong thời gian học, nếu gặp khoa thi Hương, họ được đi thi. Tại trường, sau 4 năm học, nếu Ấm sinh nào không làm được thể văn 4 trường thì bị đuổi.
- Cống sinh: Còn được gọi là "Học sinh phủ cống", tức là những học sinh thông minh tuấn tú thuộc hạng bình dân do các phủ (cao hơn cấp huyện) trong nước chọn lọc và cử vào học Quốc Tử Giám. Theo qui định, cứ 3 năm 1 lần, quan mỗi phủ đề cử lên tỉnh sở tại một người. Tại đây, những học sinh xuất sắc ấy còn phải trải qua một kỳ thi nữa, gọi là "Nhập ngạch Học sinh" do quan Đốc học tổ chức. Riêng những học sinh ở các tỉnh biên giới phía bắc như Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn thì do các quan ở Quốc Tử Giám sát hạch và căn cứ vào thứ hạng để cấp lương. Sau 3 năm, nếu họ học hành tiến bộ thì nhà trường mới cho hưởng đèn mà học). Nhưng, những thứ đó cũng có sự thay đổi về số lượng và phương tiện tùy theo các giai đoạn lịch sử.
Dưới thời các vua đầu triều Nguyễn, triều đình quy định về học bổng của các thành phần sinh viên đại khái như sau: Tôn sinh và Ấm sinh hạng nhất mỗi người một tháng nhận được 2 quan tiền, 2 phương gạo và 3 cân dầu. Cống sinh hạng ưu và Cử nhân Giám sinh thì nhận được 4 quan tiền, 3 phương gạo và 5 cân dầu. Tuy nhiên, tùy theo kết quả học lực qua các kỳ sát hạch hàng quí (3 tháng 1 lần) mà số lượng những thứ ấy được tăng hay bị giảm.
Từ năm 1853 dưới thời Tự Đức, 4 kỳ sát hạch hàng quí giảm xuống còn 1 kỳ vào tháng trọng xuân để xét cấp học bổng cho cả năm. Nhưng, sau đó 5 năm (1858), các quan ở Quốc Tử Giám tâu xin nhà vua nên tổ chức mỗi năm 2 kỳ sát hạch, với lý do: "Sinh viên nhập Giám phần lớn ở chốn xa xôi, trọn năm đều cậy vào lương tiền, nay chỉ một lần khảo hạch vào tháng trọng xuân để phân lương tiền, thì người xếp hạng ưu cả năm được hậu cấp, người hạng thứ tuy có tiến bộ cũng phải chờ đến cả năm, e có lúc bê trễ. Nghĩ nên một năm hai lần khảo hạch vào tháng trọng xuân và trọng thu, lập danh sách tâu lên cho mọi người gắng sức". Lời đề nghị này được nhà vua chuẩn y.
Đến năm 1871, lại "có Sớ trình xin cho những sinh viên tọa Giám khảo hạch vào tháng trọng xuân [mà bị] xếp vào hạng liệt ... [thì] ngưng cấp lương, chờ đến kỳ khảo hạch tháng trọng thu, nếu tiến bộ mới chiếu theo hạng để chi cấp. Nếu học lực không tiến bộ, qua 2 kỳ hạch liên tiếp xếp vào hạng liệt thì bị đuổi về để răn trừng những người biếng nhác". Tờ Sớ của trường được vua Tự Đức chuẩn thuận.
Qua thời Đồng Khánh, từ năm 1886, vì triều đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính, cho nên qui định rằng nếu Ấm sinh nào có cha còn tại chức thì mỗi tháng chỉ được cấp phát dầu thắp và 2 quan tiền để mua bút mực, còn gạo thì miễn.
Đến thời Khải Định, tất cả các sinh viên đều lãnh học bổng được qui ra tiền (như cách tính lương ngày nay), chứ nhà trường không phát gạo và dầu như trước kia nữa. Từ năm 1924, hàng tháng, mỗi sinh viên nội trú được lãnh 8 đồng (tiền đương thời), còn sinh viên ngoại trú thì chỉ nhận 6 đồng mà thôi.
Tùy theo trình độ học vấn của từng người, các sinh viên có thể tọa Giám trong chỉ 2 năm, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải học đến 4 năm hoặc lâu hơn nữa. Trong thời gian dùi mài kinh sử tại đây, họ có thể được xét tuyển ra làm việc giữa chừng nếu triều đình cần người và họ có nguyện vọng. Từ thời Minh Mạng, bộ máy hành chính trong nước ngày càng phát triển, cho nên đòi hỏi ngày càng nhiều về quan lại để phục vụ. Chẳng hạn như vào năm 1825, nhà vua xuống Dụ nói rằng: "Quốc Tử Giám là nơi đào tạo nhân tài, gần đây xếp đặt sinh viên, hậu đãi cấp lương, cách thức bồi dưỡng gây dựng chắc đã chu đáo ..., vậy chuẩn cho các viên Tế tửu, Tư nghiệp ấy theo phép công chọn cử người học sâu rộng, văn chương giỏi, có thể ra làm việc được, lấy đủ số 30 viên ...". Nhưng, để được ra làm việc nước ngay, sinh viên phải trải qua sự khảo hạch và xét tuyển do các Giám thần, Bộ Lễ và Bộ Lại phối hợp thực hiện. Đến năm 1835, triều đình qui định cứ 3 năm thì hạch tuyển một lần như thế. Nhưng, vào thời Tự Đức, từ năm 1851, vì nhu cầu cấp thiết nói trên đã được bão hòa, cho nên, 6 năm mới tổ chức một lần tuyển bổ sinh viên trường Giám. Sau đó, vào năm 1869, xét tình hình thực tế, Bộ Lễ dâng lên vua một tờ Nghị và được nhà vua chuẩn thuận, trong đó có một khoản nói rằng: "Lệ trước đây những sinh viên tọa Giám được Bộ cho bổ dụng, nhưng nếu chưa có chỗ khuyết để bổ thì được lưu lại Quốc Tử Giám chi lương để học tập. Chúng thần trộm nghĩ những người đã được cho bổ dụng có lẽ nặng lòng thích tham chính mà ít gắng sức học tập, e chỉ đáp ứng cho xong chuyện. Nên xin định trừ ra những người có tâm rán sức tình nguyện ở lại trường, còn lại cho phép về quê ở, chờ bổ dụng, để khỏi nuôi dưỡng, bớt đi hao tốn".
Ngoài việc nhận lãnh tiền, gạo và dầu hàng tháng, mỗi sinh viên còn được cấp phát một bộ lễ phục, gồm mũ tú tài, khăn đóng đen, giày hạ, áo rộng xanh, v.v... Cứ 5 năm thì đổi cấp bộ mới, còn bộ cũ thì phải nộp lại cho Nội Vụ Phủ. Trong trường hợp sinh viên được bổ dụng hoặc vì một lý do nào đó mà phải rời khỏi trường. "thì những mũ đai cũ đều để lại ở nhà Giám để cấp cho người khác". Hàng năm, vào hai dịp tế Khổng Tử xuân thi nhị kỳ và ngày Tết Nguyên đán, các quan viên lớn nhỏ ở Quốc Tử Giám và các sinh viên của trường (chỉ trừ những người về quê ăn Tết) đều mặc lễ phục chia nhau đến cúng bái tại Văn Miếu và Khải Thánh Từ.
Trong thời gian học ở Quốc Tử Giám, sinh viên nào nếu có việc cấp thiết ở gia đình, thì có thể xin nghỉ phép để về nhà một thời gian. Nhưng, họ phải được các quan chức của trường xác nhận, cấp giấy thông hành về nghỉ giả hạn và trình cho Bộ Lễ biết để ngưng việc cấp lương. Sau khi hết hạn nghỉ phép trở lại trường, họ phải chờ đến kỳ sát hạch tiếp theo đó xong rồi thì mới được cấp lương lại. Nếu người nào cố tình để trễ phép hơn một tháng thì nhà trường sẽ có biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, đến những năm cuối thời Tự Đức, tình trạng nghỉ phép quá hạn trở nên phổ biến. Bấy giờ, có lẽ vì hoàn cảnh bất ổn của đất nước và sự giảm sút kỷ cương chung trong xã hội, cho nên đã xảy ra những trường hợp sinh viên bỏ học mà không hề báo cho trường biết. Thật vậy, vào năm 1881, Bộ Lễ đã tâu lên vua rằng: "Nay theo Sớ trình của quan ở Quốc Tử Giám, có 22 tên Cử nhân, Tôn sinh, Giám sinh và Ấm sinh tự cáo bệnh đến nay ở lại mãi tại quê nhà, có người đến sáu bảy tháng, thậm chí đến năm sáu năm mà không thấy đến học lại, bọn này thật là biếng nhác, quan ở Quốc Tử Giám nghĩ định xin gạch tên trong sổ tọa Giám ...". Vua Tự Đức đã chuẩn y lời đề nghị ấy của nhà trường và của Bộ Lễ.
Về các sinh hoạt của sinh viên tại trường thì đáng quan tâm nhất là những sinh viên nội trú. Hàng ngày, ngoài giờ học, họ chỉ được ăn ở và sinh hoạt tại những nơi đã được qui định trong trường. Ai vi phạm kỷ luật sẽ bị khiển trách hoặc trừng phạt ở những mức độ khác nhau tuỳ từng trường hợp. Vào năm 1853, triều đình ấn định lại rằng xây cất học xá là "chỉ đ? đón kẻ sĩ bốn phương đến". Nếu từ xa đến mà không có chỗ ở thì cư trú ở đó. Nếu nhà ở gần trường thì cứ việc ăn ở tại nhà. Chỉ có điều là "ngày thường giảng dạy không được vắng mặt. Như vậy bớt phí tổn cho trường mà học sinh cũng tuỳ tiện chọn nơi an cư chuyên tâm học tập, thành ra công tư đều tiện. Vẫn giao cho quan ở Quốc Tử Giám ngày thường kiểm soát chư sinh, không để tụ tập uống rượu đánh bạc, gây huyên náo, không được tuỳ tiện đưa vợ và gái vào ở. Lại không được phá hỏng phòng ốc. Nếu có những tệ hại đó, quan ở Quốc Tử Giám tức khắc đuổi đi để nghiêm giữ nội quy".
C. Chương trình giáo dục:
Về qui trình và chương trình giảng dạy vào những thập niên đầu thế kỷ XIX tại Quốc Tử Giám, Nội Các triều Nguyễn cho biết khái quát như sau: "Hàng năm cứ đầu xuân sau ngày khai ấn một ngày thì Quốc Tử Giám khai giảng. Cuối năm sau ngày xếp ấn một ngày thì nghỉ giảng. Đến ngày khai giảng thì đặt [bài] vị Tiên sư [Khổng Tử] ở Di Luân Đường, quan Quốc Tử Giám đem học trò làm lễ yết cáo... Quan Quốc Tử Giám làm lễ yết cáo xong, vẫn mặc áo mũ ngồi bày hàng ở giảng đường, các sinh viên đều mặc áo đội khăn cùng lạy. Làm lễ xong thì lên trường nghe giảng.
"Chương trình dạy học thì chia theo ngày lẽ ngày chẵn, trước giảng kinh truyện, sau giảng sách, tử, sử, tính lý. Tháng nào cũng cứ các ngày mồng 3, mồng 9, 17, 25 chiểu theo phép thi ra đầu bài cho học trò tập làm văn. Kỳ nào cũng đem quyển sách văn ra bình duyệt...".
Quốc Tử Giám cũng đã ghi chép tương tự như vậy về "phép giảng dạy" và "phép khảo thí" của thầy trò Quốc Tử Giám. Nhưng, các tác giả của "Đại Nam Thực lục" có cho biết thêm một chi tiết là việc học hàng ngày và làm bài tập hàng tháng như thế đã được áp dụng từ năm 1826 dưới thời Minh Mạng.
Tất nhiên, các giáo quan bấy giờ không bị bắt buộc phải biên soạn một giáo trình riêng rẽ cho từng cấp học hoặc phải theo một thời khóa biểu cụ thể và chặt chẽ nào cả. Như bao thế hệ đi trước trong lịch sử giáo dục nước nhà, các thầy vẫn tiếp tục truyền thụ cho sinh viên trong trường những nội dung mang tính nhân văn và đạo lý phương Đông thông qua các sử sách giáo khoa truyền thống có từ hàng ngàn năm trước. Chủ yếu là những sử sách sau đây:
- Tứ thư: Đại học, Luận ngữ, Mạnh Tử, Trung dung.
- Ngũ kinh: Kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Dịch, kinh Xuân Thu.
- Lịch sử: gồm Bắc sử qua bộ "Sử ký" của Tư Mã Thiên và Nam sử qua bộ "Đại Việt Sử ký Toàn thư" của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên ...
- Luật học: bộ "Hoàng Việt luật lệ", còn gọi là bộ luật Gia Long.
Ngoài ra, sinh viên còn phải nghiền ngẫm các học thuyết của "Bách gia chư tử", phải học Đường thi, Tống thi ...
Các thầy cũng phải dạy cho họ qui cách hành văn theo các thể thơ, phú, đối, chiếu, chế, biểu, văn sách ... để đáp ứng cho nhu cầu cao nhất là đi thi Hương, thi Hội. Các thể văn mang tính trường thi ấy được đặt nặng trong chương trình giáo dục ngày xưa.
Riêng hai thành phần Tôn sinh và Ấm sinh đã được nhà trường quan tâm chu đáo hơn trong việc dạy dỗ. Vào năm 1852, các quan ở Quốc Tử Giám có dâng lên cho vua Tự Đức một số đề nghị liên quan đến việc học tập của các sinh viên thuộc hai thành phần này:
- Về Tôn sinh: Trong thời gian đầu, hàng ngày họ nghe giảng kinh, truyện, rồi học lịch sử. Sau đó một thời gian, tuỳ theo khả năng chuyên môn và trình độ học vấn, họ được chia làm 3 hạng. Hạng thứ nhất là những người chuyên trị một sách kinh, hoặc một sách truyện, hoặc một sách sử. Hạng thứ hai là những sinh viên kiêm trị một sách kinh và một sách sử, hoặc một sách truyện và một sách sử. Hạng thứ ba là những Tôn sinh mới vào học, mỗi buổi sáng lên lớp hỏi han ý nghĩa từng chữ từng câu, rồi sau đó mới nghe giảng sách. Dù thuộc hạng nào, họ cũng đều phải hiểu rõ ý nghĩa của các sách, rồi sau đó "mới tiện họp nhau cùng học". Hàng tháng, họ phải trải qua hai lần kiểm tra vào ngày mồng 3 và ngày 18. Các quan Tế tửu và Tư nghiệp cùng họp mặt để xét hỏi họ về những nội dung đã học trong tháng. Ai trả lời "mạch lạc thông suốt, nghĩa lý rõ ràng, thì ghi tên làm hạng chăm học. Nếu tên nào không thuộc đọc được chữ và câu, không thông hiểu nghĩa lý, thì đánh roi để làm răn ...".
- Về Ấm sinh: Hàng ngày, các Ấm sinh nghe giảng về kinh truyện và sử theo qui định ngày chẵn và ngày lẻ. Người nào tự tiện vắng mặt 5 ngày thì bị đánh bằng roi "để quở trách"; nếu bỏ học 10 ngày thì ngưng cấp học bổng một tháng. "Mỗi tháng 6 kỳ làm văn, không bỏ thiếu kỳ nào, văn lý hơi thông hoạt là hạng chăm học; nếu chỉ làm văn 1, 2 kỳ, thì đánh roi quở trách. Rồi đến cuối năm hội tất cả các Ấm sinh chưa qua hội đồng xét, đem hạch 1 lần để xem sự tiến ích thế nào".
Sau khi đọc những lời đề nghị vừa nêu, vua Tự Đức nói rằng nên phân biệt độ tuổi và thời gian học tập tại trường Giám của Tôn sinh và Ấm sinh để định mức kiểm tra bài vở. Nhà vua "chuẩn cho người nào tuổi từ 20 trở lên, đã học ở nhà Giám đầy 3 năm, có thể làm đủ thể văn 4 kỳ mà dự được ưu bình luôn, đều tâu lên để thưởng. Nếu chưa làm được..., đều đuổi về; còn ngoài ra theo như lời bàn mà thi hành".
Về tuổi tác và thời lượng học tập của sinh viên trường Giám, họ không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn như vào năm 1829, khi một số Ấm sinh (bấy giờ còn gọi là Học sinh) bắt đầu vào học thì "tuổi tác có cao thấp, sức học có nông sâu", các Giám thần phải "xét thật, ai kiêm thông văn thể tứ trường hoặc tam trường là bực nhất, nhị trường hoặc nhất trường là bực nhì, chưa thông văn thể là bực ba... Học sinh bực nhất, hạn học 2 năm, bực nhì 3 năm, bực ba 4 năm... Nếu đã mãn hạn 2, 3, 4 năm mà học tập chưa đủ văn thể bốn trường cùng là chưa thi chưa trúng [thi Hương, thi Hội], mà kỳ khảo trong 3 năm sau hạn đều không được một ưu, một bình, thì đều cách cho ra".
Như vậy, đã có khi thời lượng tối đa mà sinh viên học tập tại Quốc Tử Giám là 4 năm. Nhưng, về sau, thời lượng ấy được rút bớt xuống còn 3 năm, rồi cuối cùng, tối đa chỉ còn 2 năm.
Trong thời gian theo đòi bút nghiên tại trường Giám, nếu sinh viên nào có đủ trình độ về học vấn thì có thể dự khoa thi Hương, và nếu đậu Cử nhân thì dự tiếp khoa thi Hội để lấy học vị Tiến sĩ, nhưng, nếu chỉ đậu Tú tài hoặc thi hỏng thì vẫn được tiếp tục học thêm tại cơ sở giáo dục này.
Vì đây là nơi mà việc dạy dỗ và học hành có qui củ và bài bản nhất trong nước, cho nên, trong các khoa thi Hương thi Hội, số thí sinh của trường thường chiếm tỷ lệ đỗ đạt khả quan. Vừa qua, chúng tôi được nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cung cấp một tư liệu mà anh đã sưu tầm được, liên quan đến kết quả một khoa thi Hương, trong đó có các sinh viên trường Giám dự thí. Đây là một văn bản viết tay trên tờ giấy hồng điều cỡ 23,3cm x 31,5cm, xuất xứ từ Quốc Tử Giám, nội dung cho biết trong khoa thi Hương năm Ất mão, Duy Tân thứ 9, tức là năm 1915, nhà trường có được 14 sinh viên đậu Cử nhân và 10 sinh viên đậu Tú tài. Họ được nhà trường khen ngợi để khuyến khích những sinh viên đi thi các khoa sau. Cụ thể là các Cử nhân và Tú tài sau đây:
- 14 người đậu Cử nhân:
1. Lê Nguyên Lượng (người Quảng Trị; sau đậu Phó bảng năm 1919).
2. Tô Tế Mỹ (người Thanh Hóa).
3. Nguyễn Đôn Tín (người Nghệ An).
4. Vũ Đức Dương (người Thanh Hóa)
5. Nguyễn Khảng (người Nghệ An).
6. Tôn Thất Huy (thuộc hệ 9 hoàng phái).
7. Đinh Nho Khôn (người Hà Tĩnh).
8. Ưng Mạnh (người thuộc Nguyễn Phước tộc).
9. Cao Hữu Đàn (người Thừa Thiên).
10. Đoàn Đình Chi (người Hải Dương).
11. Nguyễn Khoa Nghi (người Thừa Thiên).
12. Phạm Nghĩ (người Hà Tĩnh).
13. Nguyễn Thụ (người Quảng Trị).
14. Từ Bộ Tư (người Hà Đông).
- 10 người đậu Tú tài: Lê Mai Đỉnh, Hồ Đắc Cư, Nguyễn Trọng Đảng, Phạm Loan, Lê Thích Thảng, Nguyễn Sử, Tào Ngọc Mai, Đặng Văn Cửu, Tôn Thất Quang, Thái Văn Chánh.
Vì bấy giờ 24 sinh viên ấy đều đang học ở trường Giám tại Kinh đô, cho nên, họ đều ứng thí tại trường thi Thừa Thiên. Ở trường Thừa Thiên, khoa thi Hương này (Ất mão, 1915) có tất cả là 32 người đậu Cử nhân, trong đó, riêng sinh viên Quốc Tử Giám chiếm đến 14 người, đạt được một tỷ lệ khá cao.
Một nguồn tư liệu khác cho biết rằng "từ năm 1918, sau khi thành lập Hội đồng hỗn hợp quản trị nhà trường, vua Khải Định cho soạn một chương trình mới để dạy sinh viên Quốc Tử Giám. Theo đó thì những môn học có tính cách từ chương, điển lệ dần dần bị loại bỏ và thay thế bằng những môn khoa học như Toán, Lý, Hoá, Vạn vật ... Cũng từ năm 1918 bỏ thi chữ nho trên toàn cõi Việt Nam thì một số những giáo quan có tân học được bổ đến Quốc Tử Giám để đảm nhiệm các môn như Pháp văn và Việt văn... Nhà trường cũng chia chương trình thành 3 niên khóa, có các kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ đường hoàng". Bấy giờ, muốn thi vào học Quốc Tử Giám, chỉ cần có 2 điều kiện: một là phải có văn bằng Tiểu học (Primaire) và hai là phải có trình độ căn bản về chữ Hán. Và tất nhiên là phải trải qua một kỳ thi nhập học gồm 2 giai đoạn: thi viết (écrit), rồi thi vấn đáp (oral).
Phần thi viết gồm các môn: 1 bài "dictée" (viết chính tả), 1 bài luận Pháp văn, 1 bài toán pháp, 1 bài lý hóa, 1 bài vạn vật, 1 bài luận bằng chữ Hán, 1 bài dịch Việt - Hán và 1 bài dịch Hán - Việt.
Sau khi đủ điểm trong phần thi viết, thí sinh còn phải dự phần thi vấn đáp về một số môn nói trên và có thêm cả môn "lecture" (bài tập đọc) nữa. Tất nhiên, bài "lecture" và bài "dictée" đều bằng tiếng Pháp.
Trong mấy năm tại trường, sinh viên vẫn còn phải học một số môn truyền thống như Luật, Kinh nghĩa, Thơ, Phú ... Sau khi đậu kỳ thi tốt nghiệp, họ được bổ dụng làm Thừa phái, Thông lại, Đề lại ở Kinh đô Huế hoặc giữ chức Giáo thụ, Huấn đạo tại các địa phương.
Đến giai đoạn sau cùng của Quốc Tử Giám dưới thời Bảo Đại, còn có một số thay đổi khác nữa về điều kiện nhập học và thời gian học tập của sinh viên. Điều này có thể được chứng minh bằng hai văn bản cụ thể thuộc loại tư liệu gốc liên quan đến việc học hành thi cử của một Tôn sinh. Chúng tôi may mắn được nhà nghiên cứu Vĩnh Cao cung cấp hai văn bản ấy. Cả hai đều liên quan đến Tôn sinh Bửu Kế, thân phụ của anh, thuộc phòng Lạc Biên Quận Công; và đã được anh dịch nghĩa như dưới đây.
Văn bản 1: Bộ Lễ chứng nhận về việc xin dự vào hạng Tôn sinh ở trường Giám.
"Bộ Lễ cấp giấy Chứng nhận. Căn cứ theo lời bẩm trình của Miếu lang Ưng Phát rằng chiếu theo một khoản trong Nghị định: Phàm Công tử, Công tôn, Công tằng tôn, Tôn thất hạch đỗ văn bằng Sơ học sẽ xếp vào hạng Tôn sinh. Nay Công tằng tôn Bửu Kế (19 tuổi) thuộc phòng đó (Lạc Biên Quận Công) hạch đỗ bằng này vào ngày tháng sáu năm 1931 theo Dương lịch, có bản sao đầy đủ đính kèm ở sau, để xin dự vào hạng Tôn sinh. Bộ chiếu theo lời xin, xét thấy hợp lệ, nên cấp giấy Chứng nhận để tiện dụng. Nay cấp giấy Chứng nhận.
Trên đây là giấy Chứng nhận. Tôn sinh Bửu Kế thi hành.
Ngày 18 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 7 [tức là ngày 24-3-1932; đóng dấu: Lễ Bộ chi ấn]".
Văn bản 2: Bộ Quốc dân Giáo dục cấp cho Giám sinh Bửu Kế văn bằng thi đậu cuối khóa do Hội đồng Quốc Tử Giám tổ chức.
"Bộ Quốc dân Giáo dục cấp giấy Chứng nhận. Nay tiếp đệ trình của Quốc Tử Giám viết rằng năm nay Hội đồng tuyển hạch lấy đỗ danh sách tất cả 30 tên, trong đó có Bửu Kế (tằng tôn của phòng Lạc Biên Quận Công; sinh ngày 2-2-1913 theo Dương lịch) trúng truyển thứ ba thuộc bảng hai. Đã được Chỉ chuẩn thuận và ghi chép vào hồ sơ. Ngoài ra, sức cho bằng cấp hợp lệ để tiện dụng. Cho nên ban bằng cấp vậy.
Trên đây là bằng cấp. Giám sinh trúng tuyển Bửu Kế thi hành [Đóng dấu: Giáo dục]".
Ngày 12 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 9 [tức là ngày 23-6-1934; đóng dấu: Giáo dục Bộ ấn].
Qua nội dung của hai văn bản vừa nêu, chúng ta có thể rút ra một số ý chính liên quan đến vấn đề đang đề cập:
- Về điều kiện xin nhập học Quốc Tử Giám, ít nhất là đối với thành phần Tôn sinh, nhà trường không còn đòi hỏi phải có bằng Tiểu học nữa, mà chỉ cần có bằng Sơ học.
- Thời lượng học là 2 năm. Văn bản 1 cho thấy Công tằng tôn Bửu Kế đã đậu bằng Sơ học vào tháng 6-1931 (năm 19 tuổi), được phòng Lạc Biên Quận Công xin nhập Giám. Đề nghị này được Bộ Lễ chấp thuận vào ngày 24-3-1932. Văn bản 2 ghi vào ngày 23-6-1934 rằng Bộ Quốc dân Giáo dục (hậu thân của Bộ Học) xác nhận Giám sinh Bửu Kế đã đậu trong kỳ thi tốt nghiệp vừa được trường Quốc Tử Giám tổ chức. Nói một cách vắn tắt, sinh viên Bửu Kế đã nhập học vào năm 1932 và ra trường vào năm 1934 (2 niên khóa).
- Bấy giờ, vào những năm đầu thập niên 1930, trong cơ chế tổ chức quản lý giáo dục và đào tạo của triều đình, Quốc Tử Giám trực thuộc 2 Bộ: Bộ Lễ có thẩm quyền chứng nhận cho "đầu vào" (văn bản 1) và Bộ Quốc dân Giáo dục chứng nhận cho "đầu ra" (văn bản 2).
- Qua 2 văn bản trên đây, chúng ta còn biết thêm một thông tin không kém phần quan trọng liên quan đến thời điểm ngừng hoạt động của Quốc Tử Giám. Cũng theo nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, thân phụ của anh là một trong những sinh viên thuộc khóa học cuối cùng của ngôi trường lịch sử này. Cùng khóa ấy, còn có 2 sinh viên Lê Văn Hoàng và Hà Thúc Tấn. Họ đều đã sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc, rồi tạ thế tại cố đô triều Nguyễn. Lúc họ còn tại thế, bản thân người viết bài này đã may mắn được diện kiến không ít lần và đã học hỏi ở họ nhiều điều bổ ích. Riêng cụ Hà Thúc Tấn (sinh năm 1907) là sinh viên Quốc Tử Giám chết sau cùng tại Huế vào năm 2003.
Nói thế để có thể tin rằng trường Quốc Tử Giám đã ngừng hoạt động vào năm 1934.
Như vậy, kể từ khi thành lập vào năm 1803 dưới thời Gia Long đến thời điểm đóng cửa vào năm 1934 dưới thời Bảo Đại, trường Quốc Tử Giám đã hoạt động liên tục trong suốt 131 năm, trải qua tất cả 13 đời vua nhà Nguyễn. Mục đích rõ ràng và xuyên suốt từ đầu đến cuối của cơ quan giáo dục mang tính quốc gia này là đào tạo những quan lại, đặc biệt là những nho sĩ thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh để phục vụ cho triều đình nói riêng và để làm những việc ích quốc lợi dân nói chung. Cũng giống như bao triều đại trước đó tại Trung Hoa và Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn trong ngót thế kỷ XIX đã lấy tư tưởng nho giáo làm khuôn vàng thước ngọc. Tứ thư, Ngũ kinh vẫn là sách gối đầu giường của bao thế hệ sinh viên đương thời. Việc xây dựng và mở mang Văn Miếu sát bên cạnh Quốc Tử Giám vào năm 1808 càng cho thấy rõ khuynh hướng sùng thượng nền triết học tu tề trị bình của đạo Khổng.
Nhưng, với cuộc cách mạng kỹ nghệ bấy giờ đang diễn ra trên thế giới, nhất là tại các nước Âu Mỹ, lối học "tầm chương trích cú", "chi hồ giả dã"... ngày càng bộc lộ rõ nhược điểm của nó. Chính vua Minh Mạng đã nhận ra được sự yếu kém và lỗi thời của lối văn cử nghiệp trong nền giáo dục nước nhà ngay từ năm 1823 và bảo các đình thần nên cải cách dần đi. Nhà vua nói với họ rằng:
"Văn cử nghiệp làm lầm người ta đã lâu. Trẫm cho rằng văn chương vẫn không nhất định. Nay văn cử nghiệp chỉ câu nệ sáo cũ, lên mặt với nhau, đứng riêng phe phái, nhân phẩm lấy đấy làm cao thấp, khoa trường lấy đấy làm đỗ hỏng, học hành như thế, lạ gì nhân tài mỗi ngày một kém. Nhưng tập tục theo nhau, khó mà thay đổi. Vài năm nữa nên bàn thay đổi".
Hơn nữa thế kỷ sau, vua Tự Đức lại càng ý thức được điều đó khi cho rằng đám sĩ tử đang đắm đuối trong "mạt nghệ từ chương" và thơ văn phù phiếm; nền giáo dục đào tạo thiếu thực dụng và vô bổ ấy cần phải được "cải cách ngay đi". Vào năm 1879, nhà vua đã nói với các sĩ tử khi họ tham dự kỳ thi Đình trong "Ân khoa Kỷ mão":
"Ôi! Học là để đem dùng vào việc, há nên chuộng những lời phù phiếm ... Nhưng sao lại nay lần mai lữa, đắm đuối vào mạt nghệ từ chương, mà không chịu lo nghĩ mưu kế giúp vua cứu dân, như thế thì sự học đối với sự làm, việc chọn lấy đối với việc dùng, đều trái ngược nhau, và đó không phải là sự Trẫm thường mong muốn. Trẫm vẫn muốn cải cách ngay đi, nhưng lại e trái với ý kiến mọi người".
Bấy giờ, một số sĩ phu có tâm huyết cũng đã đề nghị nên cải cách nền giáo dục nước nhà và hướng đến cái học thực dụng. Trong bản điều trần "Tế cấp bát điều" viết vào năm 1867 để dâng lên vua Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) đã "phê phán lối học cũ một cách gay gắt và đề nghị đem vào chương trình học những khoa học hiện đại". Sau đó, trong "Thiên hạ đại thế luận", Nguyễn Lộ Trạch (1853-1898) cũng cho rằng "phải chú trọng thay đổi nền giáo dục để bắt kịp thế giới hiện đại".
Nhưng, những ý muốn cải cách của vua Minh Mạng và vua Tự Đức đều không phải là những mệnh lệnh bắt buộc thực hiện một cách dứt khoát, nghĩa là các vua vẫn chưa đưa ra được một quyết sách mang tính pháp lệnh. Những nguyện vọng của Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch cũng bị các cấp chính quyền đương thời bỏ ngoài tai. Thế mới biết đa số triều thần bấy giờ vẫn là những người bảo thủ, không muốn thay đổi gì cả để giữ yên địa vị và quyền lợi mà họ đang có.
Phải đợi đến những thập niên đầu thế kỷ XX, một số môn học hiện đại mới được đưa vào dạy tại Quốc Tử Giám như chúng ta đã thấy ở trên. Ngoài ra, kể từ khoa thi Hội năm Canh Tuất (1910) dưới thời Duy Tân đến khoa Kỷ Mùi (1919) dưới thời Khải Định, một số môn học mới cũng đã được đưa vào trong các kỳ thi để các sĩ tử làm bài và được tính điểm để lấy đậu Tiến sĩ, chẳng hạn như chữ quốc ngữ, Pháp văn, địa lý Việt Nam, lịch sử phương Tây, cách trí, nhân vật, thời sự, toán pháp, v.v...
Tuy đã có một số đổi mới về chương trình và nội dung giáo dục ở Quốc Tử Giám cũng như về các môn trong những khoa thi như vậy, nhưng xem ra các cải cách ấy vẫn còn quá nhiều bất cập so với đà tiến hóa chung của ngành giáo dục đào tạo ở một số nước trong vùng và trên thế giới lúc bấy giờ. Đổi thay chậm chạp như thế, mà mãi đến năm 1934 triều đình mới đóng cửa trường Quốc Tử Giám, kể ra cũng đã muộn màng. Ngay trước đó khoảng 30 năm, nhà nho lỡ thời Trần Tế Xương (1870-1907) đã phải "quẳng bút lông đi, giắt bút chì" khi ông nhận định một cách mỉa mai rằng:
Nào có ra gì cái chữ nho,
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm thầy Phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
Dù sao đi nữa, trong thời gian hoạt động khá dài của mình (1803-1934), Quốc Tử Giám Huế cũng đã có được hơn 20 sinh viên thi đậu Tiến Sĩ và được khắc ghi tên tuổi trên bia đá dựng tại Văn Miếu triều Nguyễn. Trong số đó, có những nhân vật nổi tiếng như Phan Thúc Trực (khoa 1847), Nguyễn Khuyến (khoa 1871), Đào Nguyên Phổ (khoa 1898), Ngô Đức Kế (khoa 1901). Ngôi trường lịch sử này cũng là nơi từng góp phần nuôi dưỡng và hun đúc tinh thần yêu nước cao cả của Phan Bội Châu trong một thời gian kể từ khi ông nhập Giám vào năm 1903. qui chế như Cống sinh của các tỉnh khác.
- Cử nhân Giám sinh: Đây là những sinh viên đã đậu Cử nhân, xin vào học trường Giám và chờ khoa thi Hội để lấy bằng Tiến sĩ. Có tài liệu nói ở đây còn có các "thầy Tú" đã đậu Tú tài nhưng hỏng Cử nhân, cũng xin vào học, chờ khoa thi Hương khác để lấy Cử nhân. Tại trường, mỗi năm, họ phải trải qua 4 kỳ sát hạch vào 4 tháng giữa mùa, đầu đề thi mỗi kỳ được ra đầy đủ như phép thi 4 trường của khoa thi Hương. Các thầy trong trường căn cứ vào kết quả từng kỳ sát hạch để chia ra thứ hạng về học lực. Danh sách thứ hạng này cùng với các quyển văn sát hạch mà họ đã làm bài đều được trường chuyển đến Bộ Lễ xét tâu lên vua để có quyết định thưởng phạt. Trong một năm, ai bị xếp mãi vào hạng thứ thì ra khỏi trường.
Mặc dù xuất phát từ 4 thành phần khác nhau trong xã hội, nhưng, nhìn chung, họ không bị phân biệt đối xử và không kỳ thị nhau. Thước đo chung của tất cả sinh viên trong trường là học lực và kỷ luật. Dù thuộc thành phần nào, họ cũng được triều đình cấp học bổng hàng tháng bằng tiền, gạo và dầu (để thắp).
Phan Thuận An