TIÊN NGA VŨ KHÚC
Tâm bước lên xe ra phi trường, cơn mưa tầm tã suốt mấy ngày nay. Đang mùa Phật Đản nhưng vẫn không thấy trăng vì thời tiết thay đổi, giữa mùa Hè mà mưa bão tới, mây đen bao phủ cả bầu trời. Tâm đã lỡ mua vé máy bay vào dịp cuối tuần được nghỉ thêm ngày Thứ Hai, nên không còn cơ hội nào khác thuận tiện hơn. Chàng hy vọng thời tiết ở miền Nam nước Mỹ sẽ tốt hơn vào mùa này.
Máy bay cất cánh lúc nửa đêm. Từ trên cao nhìn xuống dưới đất, những lớp mây dày đặc đang bao phủ thành phố, không thấy ánh đèn lấp lánh như những vì sao trên Ngân Hà như mọi khi. Tâm cảm thấy khó thở vì áp lực không khí nặng nề. Máy bay càng lúc càng lên cao, cho đến khi ra khỏi Nam Cali để hướng về phương Nam thì một bầu trời trong sáng hiện ra, không một gợn mây, không một ánh sao. Vừng trăng vằng vặc chiếu vào, soi sáng tận chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ làm cho gương mặt của Tâm thêm linh động, huyền ảo. Trong nỗi cô đơn, Tâm cảm thấy trăng như là người bạn duy nhất để cho mình gởi gắm niềm tâm sự.
Những bài thơ của Hàn Mặc Tử viết ra khi trăng lên, mang cả nỗi đau da diết của người bị bệnh phong cùi. Thi sĩ đã thốt ra những lời thơ bất hủ, hòa với máu và nước mắt trong nỗi tuyệt vọng của người phải chứng nan y. Nỗi đau hành hạ nhà thơ từ thể xác đến tinh thần với tâm trạng của một người cố sống qua những giây phút chờ đợi tử thần mỗi lúc một đến gần để kết liễu cuộc đời bất hạnh của mình. Tâm cũng có nỗi đau vào mùa trăng. Mỗi lần đứng ngắm vừng trăng lẻ loi giữa bầu trời, Tâm thấy lòng mình cô đơn, tiếc nuối, nhớ nhung, thất vọng vì không tới được với trăng, chàng nói với trăng mà không có tiếng đáp lại.
Vào tuổi mới lớn đầy thơ mộng, Tâm đã gặp Mỹ Linh qua một đêm đại hội văn nghệ của các trường trong thành phố. Mỹ Linh theo đoàn múa của một trường nữ Trung Học đến trình diễn tại đây và rất hy vọng sẽ đoạt giải. Hôm đó, Tâm đứng trước micro để giới thiệu chương trình nên có điều kiện được nhìn rõ nét mặt ngây thơ, duyên dáng của nàng. Mỹ Linh có một mái tóc thề tràn xuống ngang vai rất đẹp, đôi mắt to, tròn và sáng như hai viên ngọc dạ quang núp dưới hai hàng mi cong vút, nét mày thanh tú, dài tận ngư vỹ như hai lá liễu, đôi má mịn màng có phớt một chút phấn hồng khi lên sân khấu trông rất dễ thương. Nàng đóng vai tiên nữ nhịp nhàng theo điệu nhạc trong bài “Tiên Nga Vũ Khúc” của Văn Cao. Mỹ Linh kết thúc điệu múa trong tư thế một tiên nữ quỳ xuống, mắt ngước nhìn lên vừng trăng treo lơ lửng giữa bầu trời, bàn tay cầm quạt hoa xòe ra, đưa lên cao, còn tay kia thì hạ thấp xuống. Các máy chụp hình tranh nhau chớp lia lịa. Tâm như bị một cú sét ái tình, chàng nhìn thẳng vào đôi mắt của nàng như ngây ngất. Trong lúc đó, Mỹ Linh bỗng nhìn lại và như mỉm cười với chàng. Một mối tình học trò đã chớm nở.
Chàng âm thầm theo dõi bước chân của nàng mỗi lần đi học hay khi tan trường trở về. Rồi một hôm Tâm tìm đến nhà trọ của nàng, gõ cửa, với giọng nói nghẹn ngào, xúc động:
- Mỹ Linh ơi! Anh yêu em lắm! Nhưng anh quá vụng về... Anh xin trao tận tay em bức thư này... Đây, tất cả nỗi lòng của anh...
Mỹ Linh cầm bức thư trên tay, bối rối, ngại ngùng, không biết trả lời ra sao. Nàng đứng trước cửa im lặng, không kịp chào và mời Tâm vào nhà... Tâm cảm thấy bối rối nên đành tự động rút lui... Năm đó, Tâm mới mười tám và Mỹ Linh cũng bước vào tuổi mười lăm. Đã mấy đêm rồi, Mỹ Linh không ngủ được, cứ nằm đọc đi đọc lại những lời của Tâm viết cho nàng.
Rằm tháng Tư, mùa Phật Đản. Khắp nơi trong thành phố người ta mua nhang đèn, hoa quả để cúng Phật. Mùi hương trầm ngào ngạt thoảng bay ra xa. Mỹ Linh một mình trong căn phòng nhỏ bé thả hồn theo giấc mộng vàng của tuổi học trò lần đầu mới biết yêu. Nàng không thể diễn tả được tâm trạng của mình lúc bấy giờ như thế nào, một phần nàng cảm thấy lo sợ như đã vi phạm một điều gì lầm lỗi vì đã không làm tròn bổn phận của một nữ sinh chăm chỉ học hành... Mình còn nhỏ quá mà đã đi vào con đường yêu đương rồi! Tại Trời cho mình có nhan sắc nên nhiều người để ý? Tâm có phải là người yêu, người chồng tương lai mà mình ước mơ hay không? Liệu Tâm có còn yêu ai khác? Chàng đến với mình như thế có thành thật không? Nếu trả lời “em cũng yêu anh” thì sẽ có ảnh hưởng gì đến việc học hành của mình? Cha mẹ hy vọng sau này mình sẽ là Cử Nhân, Giáo Sư, Kỹ Sư, Dược Sĩ, Bác Sĩ, Luật Sư, v.v... Ôi! đường còn dài quá, liệu mình có đủ can đảm, nghị lực để đi tới đích hay không? Mình có nên hứa hẹn điều gì với Tâm? Có nên viết thư trả lời cho chàng hay im lặng để mặc thời gian sẽ trả lời? Mỹ Linh không từ chối, không xua đuổi, nàng đã nhận thư của Tâm. Chàng có quyền hy vọng và chờ đợi. Mặc dù nàng chưa chính thức trả lời nhưng Tâm vẫn cố gắng tìm những dịp thuận tiện để gặp nàng, để được nhìn lại gương mặt khả ái của nàng và ít ra cũng được chào hỏi nàng. Thế rồi, Mỹ Linh bỗng biến mất, Tâm không còn gặp lại nàng bất cứ ở đâu, tìm về nhà cũ thì nàng đã không còn ở đó nữa. Chuyện gì đã xảy đến cho nàng?
Cứ đến mùa trăng, nhất là rằm tháng Tư như hôm nay, Tâm lại nhớ đến Mỹ Linh. Vầng trăng xuất hiện bên trời chính là Mỹ Linh đang nhìn chàng, đang mỉm cười với chàng. Tâm đem tâm sự của mình giải bày với trăng nhưng trăng không biết nói, trăng không trả lời, mặc cho Tâm nghĩ gì về trăng cũng được. Nỗi đau của một người cho đi mà không được nhận lại, yêu thương mà không được đáp đền, ngỏ ý mà chỉ nhận được sự im lặng. Trăng như đôi mắt của Mỹ Linh đã một lần nhìn chàng từ trên sân khấu, rồi im lặng suốt cuộc đời. Những đêm dài trong u tối, Tâm càng mong trăng đến để được nhìn trăng, được tâm sự với trăng, được ôm trăng nằm ngủ, được cảm xúc rung động để làm thơ, đặt nhạc, rồi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, mất mát khi trăng lặn. Tâm như một người lữ hành đơn độc, không có bạn bè để tâm tình, không có người cùng đi bên cạnh để chia sẻ, để đối thoại. Gần hết cuộc đời, Tâm chỉ sống với trăng. Trăng vô tình, trăng lạnh lùng, trăng xa cách. Trong khoảng không gian vô tận này, Tâm chỉ biết nhìn lên bầu trời cao rộng, mênh mông, trống vắng, dưới chân là những lớp mây ngăn cách vũ trụ với địa cầu, phân chia thế giới thanh cao với cảnh đời ô trọc. Tâm muốn đi vào chốn vô cùng đó, đi mãi, đi hoài mà không biết đến bao giờ mới tới bờ bên kia. Cuộc đời không thể dừng lại cũng như thời gian vẫn trôi cho đến một ngày kia thân xác của ta trở thành tro bụi, rồi biến mất trong không gian. Máy bay vẫn bay tới như Tâm vẫn đi tìm một hình bóng nào đó thật đẹp, thật hồn nhiên, thật quyến rũ, thật thương nhớ... Một Mỹ Linh đã biến mất!
Người điếc trọn đời mơ âm thanh, người mù trọn đời mơ màu sắc, người tàn tật trọn đời mơ những đường nét nhịp nhàng của vũ điệu. Người nghệ sĩ luôn luôn hướng về thiên nhiên, hướng về nguồn của Chân, Thiện, Mỹ. Nhạc sĩ đã góp nhặt những âm thanh trong thiên nhiên, tiếng gió, tiếng mưa, tiếng sóng vỗ, tiếng chim hót, tiếng thì thầm, lời thở than của tâm tình trống vắng, xa cách, chia ly v.v... để làm nên những khúc nhạc hài hòa. Họa sĩ góp nhặt những màu sắc trong thiên nhiên, màu nắng, màu mây, màu hoa, cỏ, cây, lá, hình ảnh núi sông, muông thú, chim chóc, con người, nụ cười của giai nhân, hình ảnh người mẹ hiền, đứa con thơ v.v... để tạo nên những bức tranh tuyệt tác... Nhà nghệ sĩ góp nhặt những động tác, cử chỉ trong thiên nhiên, nơi con người, nơi muôn loài, muôn vật để tạo nên những vũ điệu nhịp nhàng... nhưng có lúc con người cũng đi đến chỗ cuồng loạn trong âm thanh, màu sắc, trong vũ điệu để tạo nên những nét độc đáo, lập dị, khiến cho mọi người phải nhức đầu, nhức óc với những âm thanh, những màu sắc, những vũ điệu kỳ quặc.
Trong giờ phút này, Tâm muốn trực tiếp với thiên nhiên, không muốn tiếp thu những tiếng la ó, những điệu giật gân, mà chỉ muốn thưởng thức những lời thánh thót của tiếng chim họa mi buổi sáng... Tâm muốn tìm về nguồn của Chân, Thiện, Mỹ, muốn ngồi dưới bóng cây nghe chim hót, thu lại những âm thanh trầm bổng, muốn thả hồn theo mây nước, say đắm theo hình ảnh đơn sơ, vô tội của loài chim để cho tâm hồn hướng thượng, thưởng thức sự thanh tịnh, vô vi sau những ngày tháng đầy lo lắng, suy tư, tính toán trước những vấn nạn của cuộc đời. Tâm muốn mời gọi mọi người dành một vài giây phút để tiếp xúc với thiên nhiên cho lòng mình được thanh thoát.
Máy bay giảm tốc độ, từ từ bay liệng trên không mấy vòng rồi đáp xuống. Phi trường tối om, cơn bão đang gào thét bên ngoài, mưa nặng hạt, mưa xối xả. Mưa đã kéo dài không biết mấy hôm rồi như mùa mưa xứ Huế mang rét lạnh đến, liên tục từ ngày này qua ngày khác, hàng tuần, hàng tháng. Nước lũ dâng lên, suối nguồn lênh láng, lụt tràn về, ngập những cánh đồng, làng mạc, phố phường... Người nghèo co ro, rét lạnh, khốn khổ, không kiếm được thứ gì để nhét vào bụng cho đỡ cơn đói đang hành hạ. Người ta vất vả vì miếng cơm manh áo nhưng Tâm vất vả vì phải đi tìm một người, đi suốt cả cuộc đời mà chưa bao giờ được gặp. Tâm cảm thấy một niềm hy vọng đang lóe lên trong lòng, đi trong đêm, sẽ tìm thấy ánh sáng của ban ngày. Những khi một mình, lang thang trong bóng tối, Tâm cứ nghĩ đến đằng kia, sau bức màn đêm là bình minh đang ló dạng, mặt trời đang từ từ mọc lên. Những lần ngồi trên bờ biển nhìn trăng lên hay nhìn một vừng lửa đỏ ối, hình tròn, đang nguội dần, từ bỏ sức nóng thiêu đốt của ban ngày để đi vào lòng biển cả. Sau đó, trăng lại mọc lên, khí mát của đêm ập đến, một cảm giác dễ chịu làm phục hồi sức khỏe của con người sau một ngày lao động vất vả. Niềm hy vọng đó đã đến, sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi mỏi mòn.
Một hôm, Mỹ Linh tình cờ đọc được trên báo một truyện ngắn nhan đề: “Tiên Nga Vũ Khúc” tác giả ký tên Tâm Linh. Nội dung câu chuyện kể lại cuộc gặp gỡ giữa một cậu học sinh vào tuổi mười tám và một cô gái vào tuổi mười lăm trong một đêm văn nghệ thi đua giữa các trường Trung Học trong thành phố... Cô gái đóng vai tiên nữ trong một vũ khúc... Mỹ Linh thấy câu chuyện sao mà giống trường hợp của nàng với Tâm ngày xưa. Tâm Linh là tên của hai người. Tự nhiên nàng nhớ lại những kỷ niệm thời học trò, nhớ hình ảnh chàng thanh niên tài ba, tuấn tú, rất si tình... đã một lần đến ngỏ ý và gởi thư bày tỏ nỗi lòng với nàng. Nàng cảm thấy hối hận vì đã không đáp trả tình yêu chân thật của Tâm... Mỹ Linh đã gọi điện thoại cho tòa soạn hỏi địa chỉ, số điện thoại của Tâm... Máy bay vừa hạ cánh, Tâm đứng lên theo đoàn người nối đuôi nhau ra cửa. Màn mưa vẫn bao trùm lấy không gian, nước ứ đọng trên phi đạo mênh mông như mặt hồ. Tâm đã được biết trước, Mỹ Linh sẽ đến trễ nhưng chàng vẫn nôn nóng, chờ đợi và có phần lo lắng: Mỹ Linh có gặp trở ngại gì không?
Tâm đứng bên thềm, đang giữa mùa Hè mà trời mưa gió, rét lạnh như mùa Thu, mùa Đông. Qua một ngày rồi, đêm đang chuyển dần về sáng nhưng bầu trời vẫn tối tăm. Dưới màn mưa, những cột đèn mờ mờ ẩn hiện, thỉnh thoảng có một vài chiếc xe chạy ngang qua, dừng lại bên thềm để đón khách. Tâm đứng đó hơn một tiếng đồng hồ, chàng cảm thấy nóng ruột quá, muốn đi tìm điện thoại để gọi nhưng vừa bước đi được mấy bước lại quay về chốn cũ. Chàng tự nhủ: “Hãy kiên nhẫn chờ đợi! Trọn cả cuộc đời, vẫn còn hy vọng, sá chi một chốc lát mà phải nôn nóng!”. Có người đến xin lửa hút thuốc vì đứng lâu cảm thấy lạnh nhưng Tâm đưa tay ra dấu: “Không có, rất tiếc!” rồi tiếp tục đi đi lại lại trên thềm. Bỗng một chiếc xe nhỏ xuất hiện, mưa lớn quá không trông rõ tài xế là đàn ông hay đàn bà, không biết xe của ai. Chiếc xe giảm tốc độ, từ từ tiến đến gần chàng. Tự nhiên Tâm cảm thấy như có một cái gì đó gần gũi, quen thuộc với mình. Chàng mạnh dạn bước tới. Cửa kính xe hơi hạ thấp xuống, hình ảnh một người đàn bà vóc dáng gọn gàng ngồi trước tay lái, đang ra dấu gọi Tâm đến. Một điệu nhạc nhè nhẹ từ trong xe vọng ra, bản dân ca miền Bắc Việt Nam:
Tình bằng có tiếng trống lời,
Khen ai khéo vỗ ấy tai mà vui tai...
Tâm mở cửa, mạnh dạn bước lên xe, đúng vào lúc vừa nghe lọt vào tai:
Duyên nợ tốc tả đi tìm!
Duyên nợ tốc tả đi tìm!
- Em có khỏe không?
- Em khỏe. Anh đợi lâu chưa?
Chưa kịp bắt tay, chưa kịp trao nhau nụ hôn sau nhiều năm xa cách, xe đã rồ máy chạy liền. Mưa vẫn rơi xối xả, cái gạt nước không hoàn thành nỗi nhiệm vụ. Trước mặt là bóng đêm, Mỹ Linh không trông rõ lối đi, cho xe chạy từ từ. May mà giữa canh khuya, trên đường ít xe cộ. Từ phi trường về nhà không xa lắm nhưng nàng đã đi mất hơn một tiếng đồng hồ mới đến. Xe đi vào một khu nhà cửa trông giống như khách sạn, Tâm cứ tưởng rằng mình sẽ được đưa đến một nhà nghỉ nào đó gần phi trường như chàng đã đề nghị với Mỹ Linh hôm trước nhưng xe đã vào ga-ra và Mỹ Linh đã bước xuống mở cửa.
- Đến nơi an toàn! Đây là giang sơn của em. Mời anh xuống xe.
- Trời mưa to quá, lái xe nguy hiểm thật!
Tâm xách cặp đi theo Mỹ Linh. Đến trước cửa phòng, nàng lấy chìa khóa mở cửa mời Tâm vào:
- Suốt ngày hôm qua anh làm việc vất vả, chắc chưa ăn uống gì?
- Em mới vất vả chứ? Hôm qua em phải dậy sớm, ra phi trường đón anh!
- Em không sao đâu, chỉ lo cho anh mà thôi. Anh đi đường bằng yên là em mừng rồi. Anh đi thay quần áo, tắm rửa cho thoải mái, để em chuẩn bị ăn sáng nhé.
*
* *
Tâm ngồi ở phòng khách, bên ngoài trời vẫn mù mịt. Cơn mưa mỗi lúc một lớn, gió thổi ào ào, cành cây gãy nghe xoạt một tiếng rất gần, những chiếc lá trôi theo giòng nước như những chiếc thuyền giấy của trẻ con. Tâm nghĩ rằng khi đến đây chàng sẽ thuê một phòng ở khách sạn rồi đi thăm các danh lam thắng cảnh, sòng bài, phố xá, thưởng thức các món đặc sản cho biết sinh hoạt địa phương nhưng trời mưa liên tục như thế này thì chẳng đi đâu được. Mỹ Linh đã đưa chàng về nhà, một nơi thật ấm cúng, đầy đủ tiện nghi. Nàng ở một mình mà không thiếu thứ gì: phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, các thứ cần dùng, thức ăn, thức uống v.v... đủ để phục vụ cho một gia đình hai ba người trở lên.
Tâm để ý đến một bức tranh treo trên tường, bức tranh Tàu vẽ đôi chim đang bay trên mặt nước, quấn quít bên nhau. Đôi chim có bộ lông và hình dáng như loài vịt trời thường thấy nuôi ở các hồ nước trong công viên. Mỹ Linh bèn giải thích:
- Hồi em mới dọn về đây, vợ chồng một người Đại Hàn đã mang tặng em bức tranh này. Em thấy đôi chim quấn quít bên nhau trên mặt nước rất dễ thương nên em treo ở phòng khách. Em đi làm suốt ngày, chiều tối mới về, ngày nghỉ thường đi chơi, ít khi mời bạn bè đến nhà nên cũng chẳng có ai tới đây mà thưởng thức.
Tâm đọc mấy câu thơ bằng chữ Hán trên bức tranh:
Quan quan thư cưu,
Tại Hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
Tâm đã được đọc bài thơ này nhiều lần. Đó là một đoạn trong bài “Quan Thư”, loại văn chương bình dân của người Trung Hoa từ lâu đời giống như ca dao tục ngữ của Việt Nam. Cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, Đức Khổng Tử đã sưu tầm được ngoài ba trăm bài, chép vào sách gọi là Kinh Thi hay “Thi tam bách” (ba trăm bài thơ). Quan là chim trống, Thư là chim mái, thường sống với nhau từng đôi ở trên bãi sông Hoàng Hà, phía Bắc Trung Quốc. Khi cần gọi nhau thì chúng cất tiếng kêu “Quan Quan”. Quan Thư là hình ảnh một đôi vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau, trung thành, hòa thuận, tương kính. Người đời sau gán cho Thái Hậu của Chu Văn Vương, vì nhớ đến nhà vua đi xa nên bà đã sáng tác bài thơ này. Trên bức tranh chỉ ghi lại có bốn câu, mỗi câu bốn chữ. Nhiều người đã dịch ra tiếng Việt, trong đó có thi sĩ Tản Đà. Tâm đọc lên mấy câu do chàng tạm dịch cho Mỹ Linh nghe:
Quan quan thư cưu,
Trên bãi sông Hà.
Gái hiền yểu điệu,
Quân tử một nhà.
Quân tử là người chồng, là chàng trai có tư cách, là người đáng kính trọng. “Quân tử hảo cầu” nghĩa là người quân tử đến để cầu mong sự tốt đẹp cho mình, có nghĩa là tỏ tình, ngỏ ý, cầu hôn...
Mỹ Linh nói với Tâm:
- Liệu bức tranh này có hợp với hoàn cảnh của em bây giờ không?
- Sự hiện diện của anh ở đây là quá đầy đủ ý nghĩa rồi.
Vừa trả lời thắc mắc của Mỹ Linh, Tâm vừa nắm tay kéo nàng ngồi xuống salon:
- Ba má và gia đình hiện nay ở đâu?
- Ba và các em ở Việt Nam, còn má qua đời đã hai chục năm rồi.
- Má qua đời trong trường hợp nào?
- Sau 30-4-1975, ba đi ở tù, má và các em đi vùng “kinh tế mới”, gian nan vất vả quá, sinh bệnh, mất. Lúc đó ba đang còn ở trong trại tù tập trung của Cộng Sản tại miền Bắc.
- Còn em, lưu lạc nơi đâu mà anh tìm mãi không ra?
- Hồi đó, có một biến cố xảy ra cho gia đình nên em phải trở về nhà ngay và học ở trường gần nhà. Em cũng không báo tin cho anh và tất nhiên cũng không trả lời thư anh được. Em không dám tỏ bày với ai vì hồi đó em còn nhỏ tuổi, mới mười lăm, mười sáu, nói đến chuyện yêu đương sợ cha mẹ la rầy.
- Anh hiểu điều đó.
- Mấy năm sau, em đi làm và có người đề nghị hỏi cưới em. Ba má em bằng lòng nhưng em không chịu. Từ đó giữa em và má có nhiều chuyện bất đồng. Trước ngày 30-4-1975, ba em còn ở trong đơn vị quân đội, vì là cấp chỉ huy, không thể bỏ anh em mà trốn chạy một mình được. Sau đó, ba em bị bắt đi “học tập cải tạo”. Còn em thì theo bạn bè vượt biên. Vì quá cấp bách nên em không cho má biết trước.
- Em qua Mỹ năm nào?
- Trên đường trốn ra nước ngoài, tàu bị hỏng máy trôi giạt vào bờ và em bị bắt. Có người bỏ chạy đã bị bắn chết. Một người trong bọn chúng hứa sẽ bảo lãnh cho em với điều kiện em phải lấy hắn. Không có cách nào hơn, em đành phải chấp nhận và hy vọng một cơ hội khác... Trong hoàn cảnh đó, em không muốn liên lạc với gia đình. Má tưởng em đã chết.
- Thế làm sao em thoát khỏi tay người đó được?
- Em ở với hắn được một thời gian thì một hôm đi chợ, em gặp người bạn gái và đã nói cho chị ấy biết tình trạng của em... Nhờ sự giúp đỡ của bạn, em đã trốn về miền quê, vào rừng làm rẫy. Vùng Phước Tĩnh, Vũng Tàu có những làng Công Giáo di cư từ miền Bắc vào năm 1954, chuyên nghề đánh cá, các tổ chức vượt biên đều liên lạc với họ. Từ Biên Hòa, Long Khánh hay Sài Gòn, có người đứng ra tổ chức đường dây vượt biên, giá vé cho mỗi đầu người là ba cây vàng, có khi cao hơn. Họ mua “bãi đáp”, nghĩa là nhờ người địa phương tìm cho một chỗ an toàn để tập trung bà con lại, đợi tàu đến đưa đi. Chủ tàu phải hối lộ cho công an hay bọn dân quân tự vệ, bọn võ trang của xã, thôn để chúng làm lơ cho mình lên tàu. Người từ xa về, được gởi gắm trong nhà dân, mỗi nơi một hai người. Đến giờ khởi hành thì nửa đêm, có người liên lạc đến báo tin, mọi người thức dậy bí mật đi đến điểm hẹn. Họ núp ở trong bụi rậm hay di chuyển trong rừng ban đêm như những bóng ma. Người trên bờ sẽ làm hiệu khi thấy an toàn và tàu ở ngoài khơi sẽ tìm vào “bãi đáp”, lúc đó khách mới nộp vàng cho chủ và lên tàu. Nếu gặp bất trắc, có công an phục kích, bao vây thì mạnh ai nấy chạy dưới làn đạn dã man của chúng. Người chết, bị thương, bị bắt... tiếng kêu khóc nổi lên trong đêm tối thật thảm thiết! Nếu gặp tổ chức vượt biên do công an “gài bẫy” để bắt thì không những phải nộp hết tiền bạc cho chúng mà còn bị bắt đi tù. Ai có tiền chuộc mạng hay được người có thế lực bảo lãnh, can thiệp cho mới được tha về. Lên tàu rồi thì phải chấp hành kỷ luật của tổ chức vượt biên. Ai chống đối, vận động người khác nổi loạn thì sẽ bị Ban An Ninh trên tàu đánh đập, tra tấn, giết chết, ném xác xuống biển. Chủ tàu có dự trữ nước uống, thức ăn trong thời gian một tuần để nuôi khách nhưng không phải khi nào cần uống, cần ăn là được như ý đâu mà phải theo tiêu chuẩn rất hạn chế. Thông thường, người vượt biên phải tự mình mang theo thức ăn, thức uống trừ khi không còn gì để sống thì chủ tàu mới giúp cho. May mắn thì trong vòng ba bốn ngày ra đến hải phận quốc tế gặp được tàu của các nước thuộc thế giới tự do cứu. Rủi ro tàu bị hỏng máy, bị bão v.v... thì phải chịu đói khát, nắng, mưa, chết vì kiệt sức hay làm mồi cho cá mập... Nếu bị hải tặc cướp, lấy hết vàng bạc, đánh chìm thuyền cho chết không còn một ai rồi bỏ đi. Có người tận mắt chứng kiến cảnh vợ con mình bị hãm hiếp, hành hạ cách dã man đến nỗi không chịu được nữa đã vùng lên chống lại chúng và bị chúng giết chết hoặc đánh đập, tra tấn dã man. Có người đã cắn lưỡi tự tử. Trường hợp tàu bị sóng đánh vỡ hay bị vấp vào tảng đá hay san hô, bị bể nát ra từng mảnh, người trên thuyền chết hết. Nếu may mắn vớ được tấm ván, cái phao, lênh đênh trên mặt nước và gặp được tàu khác cứu nhưng trường hợp đó rất hy hữu. Có khi bị tàu của Việt Cộng rượt đuổi, bao vây, bị bắt đem vào bờ thì phải tù tội và sẽ chết dần chết mòn trong các trại tập trung.
Chuyến đi của em cũng lắm gian nan vất vả, trốn tránh hết nhà này qua nhà khác, vượt qua từng trạm kiểm soát mới đến “bãi đáp”. Vừa bước lên tàu thì công an ập đến, may mà thoát được ra khơi... Lênh đênh trên biển gần tuần lễ mới đến đảo Bi-đông nước Mã Lai vào tháng 4 năm 1977. Em sống ở đảo hai năm mới xin được nhập cư vào đất Mỹ. Hồi đó bọn thanh niên thường có câu hát sau đây: Một là con nuôi cá,
Hai là má nuôi con,
Ba là con nuôi cả nhà.
Vượt biên không lọt mà chết dưới biển là đem thân làm mồi cho cá. Bị bắt vào tù, mẹ phải đi thăm nuôi. Chuyến đi thành công thì làm có tiền gởi về nuôi cả nhà. Đại khái chuyện vượt biên của em là như thế.
Thân em lưu lạc từ đó đến nay... Có nhiều người muốn cưới em nhưng em cảm thấy chán chường, không còn tha thiết đến chuyện yêu đương, vợ chồng nữa. Có lẽ em chưa gặp được người vừa ý hoặc không muốn sống chung với người mà mình không thương. Những sự kết hợp trong cuộc đời em đều vì hoàn cảnh, bị ép buộc chứ không bởi tình yêu chân thật. Mười mấy năm nay, em vẫn sống một mình.
Lúc đầu em cũng vừa học vừa làm, hết nghề này đến nghề khác, cuối cùng mới gầy dựng được một cơ sở làm ăn tương đối ổn định, hàng tháng cũng kiếm được một số tiền kha khá nên cuộc sống hiện tại của em cũng được thoải mái. Đi làm về thì nghỉ ngơi, xem phim, truyền hình hay nghe nhạc, đọc sách báo. Ngày nghỉ cuối tuần em thường đi chợ, tìm mua mấy thứ cần dùng, có khi đi chơi với bạn bè...
- Em có về thăm ba và các em lần nào chưa?
- Em mất liên lạc với gia đình từ sau ngày 30-4-1975 nhưng từ năm 1990 trở đi, một số sĩ quan bị tù dưới chế độ Cộng Sản trở về, được qua Mỹ theo diện tỵ nạn chính trị (HO). Em đã liên lạc với họ và biết được tin tức gia đình. Cách nay ba năm, em có về thăm.
- Gặp lại ba, em có mừng không?
- Em nhờ người bạn đến báo cho ba biết, trước khi em vào nhà. Quá bất ngờ, ba chỉ nói được có một câu: “Linh ơi! Ba nhớ con lắm! Ba thương con lắm! Ba tưởng con đã chết trên biển lâu rồi! Không ngờ hôm nay lại gặp con”.
Em ôm ba khóc và không nói được một lời nào. Tối hôm đó, em nằm ngủ với ba, được ba ôm ấp trong lòng như hồi còn thơ ấu. Em không dám kể cho ba nghe mọi nỗi gian nan mà em đã trải qua từ sau 1975 đến nay. Ba hỏi gì, em cũng trả lời “tất cả đều tốt đẹp”...
- Tại sao ba không xin đi Mỹ theo diện tù chính trị (HO)?
- Các em đã có vợ, có chồng, có cháu, công việc làm ăn ổn định, có đất đai để canh tác, ngoài ra chúng cũng biết buôn bán nên có đồng ra, đồng vào. Ba đã ngoài bảy mươi tuổi, không muốn sống xa quê hương, xa con cháu, vì thế ba không làm đơn xin xuất cảnh.
- Tại sao em không lập bàn thờ để tưởng nhớ đến má?
- Khi về thăm ba, em đã thắp nhang, quỳ trước bàn thờ, lạy di ảnh má. Em không dám nhìn thẳng vào má. Em rất sợ hai con mắt của má... Những khi bất đồng ý kiến, em đã cãi lại má. Em không vâng lời má. Em biết má buồn và giận em nhiều lắm. Đời sống khó khăn, vất vả sau khi ba bị tù đã làm cho má buồn, sinh bệnh rồi chết sớm.
Nghe Mỹ Linh kể đến đó, Tâm rất xúc động, và nói với nàng:
- Mỹ Linh ạ! Không có gì cao quý cho bằng “Tình Mẫu Tử”. Có biết bao nhà văn, nhà thơ đã để lại cho đời những tác phẩm tuyệt hảo ca tụng bà mẹ của mình. Còn có gì ngọt ngào, trìu mến cho bằng mẹ, còn có công ơn nào to lớn hơn công ơn cha mẹ, còn có hình ảnh nào in sâu vào tâm hồn đứa con mãi mãi cho bằng mẹ và có sự đau khổ nào to lớn cho bằng nỗi đau của người con mất mẹ, của những đứa con ra đời không có mẹ, của những đứa con bị ngược đãi, tù đày biệt xứ hàng chục năm, không được gần mẹ, không được thấy mặt mẹ... Trái lại có những bà mẹ có con mà phải xa cách, không được thấy mặt con. Con mất mẹ thì đau khổ biết chừng nào nhưng mẹ mất con thì càng đau khổ hơn nữa! Tình con thương mẹ sao bằng mẹ thương con! Vì mẹ biết, con là do máu thịt của mẹ, con từ cõi lòng mẹ mà ra. Xưa nay người ta ví tình mẹ thương con như nước đọng về chỗ thấp, như nước mắt đổ xuống chứ không bao giờ chảy ngược lại... Tình mẹ thương con cũng như tình cha thương con... Hiện nay, em vẫn thường xuyên liên lạc với ba chứ?
- Tháng nào em cũng điện thoại nói chuyện với ba và em có dặn: “Bất cứ lúc nào ba nhớ con, thì ba cứ gọi. Con trả tiền điện thoại, ba đừng ngại gì cả”. Mỗi lần gọi điện thoại, ba chỉ nói có một câu: “Con ơi! Ba thương con lắm! Ba nhớ con lắm!”. Rồi ba không nói thêm gì nữa. Em biết, má mất sớm nên ba rất cô đơn, ba nhớ con gái của ba.
Nói xong, Mỹ Linh úp mặt vào ngực Tâm, hai dòng nước mắt từ từ chảy xuống thấm ướt áo của chàng. Tâm tìm lời an ủi:
- Em cố gắng thu xếp về thăm ba một chuyến đi. Ba già rồi, ba cần tình cảm hơn tiền bạc, quà cáp.
- Còn anh, từ ngày xa em, anh làm gì?
- Anh đã trải qua một cuộc đời ngang dọc trên chiến trường với chức vụ sĩ quan Đại Đội Trưởng. Cho đến khi buông súng trở về thì nước mất, nhà tan, cha mẹ anh em cũng không còn, nhà cửa ruộng vườn ở chốn quê hương nay đã thuộc về tay kẻ khác. Anh phải mang thân vào nhà tù cải tạo gần bảy tám năm. Sau khi được trở về, anh tìm đường vượt biên, nằm ở đảo một thời gian mới được vào đất Mỹ. Anh cố gắng đi học trở lại, năm năm vừa học vừa làm mới tốt nghiệp Đại Học, có bằng BS, kiếm được một công việc tương đối ổn định, vẫn sống độc thân và tập tành viết văn, làm thơ, ghi lại những kỷ niệm quá khứ của đời mình lên trang giấy. Truyện ngắn “Tiên Nga Vũ Khúc” đã làm nhịp cầu cho em đến với anh...
*
* *
Có sẵn mọi thứ trong nhà, Mỹ Linh chuẩn bị một cái bánh cưới nho nhỏ, với những món ăn do chính tay nàng làm. Nàng đã dọn lên bàn một bữa tiệc thịnh soạn có đủ các thứ trái cây, thức uống, rượu mạnh. Hai người ăn mặc chỉnh tề đứng trước bàn thờ trang trí đơn sơ gồm có hai cây nến màu trắng, bình hoa tươi và ít trái cây. Tâm chấp tay khấn với cha mẹ, ông bà tổ tiên:
- Kính lạy cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, Con là Trần Minh Tâm, vì hoàn cảnh nước mất nhà tan, cha mẹ không còn, tấm thân con phải vướng mắc tù tội, lưu lạc nơi đất khách quê người, cam phận cô đơn mấy chục năm nay. Do duyên số Trời định, con đã gặp lại người yêu là Phan Mỹ Linh. Chúng con đã quyết định sống chung với nhau, trên dưới hòa thuận tương kính, chung thủy trọn đời. Chúng con chỉ biết lấy tấm lòng mà đền đáp, không tha thiết gì đến những hình thức phô trương bên ngoài. Vậy chúng con có chút lễ mọn lòng thành, xin cha mẹ, ông bà, tổ tiên ở trong cõi linh thiêng về đây chứng giám. Nói xong, Tâm chấp tay cúi đầu vái mấy vái.
Mỹ Linh cũng chấp tay khấn:
- Trước vong hồn của má và ông bà tổ tiên đã khuất. Kính thưa ba hiện còn sống ở quê nhà, con là Phan Mỹ Linh, từ ngày lớn lên, mọi việc liên quan đến cuộc đời của con, con đều tự mình quyết định lấy mà không hề hỏi ý kiến cha mẹ, ông bà... Con đã có lỗi với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trong bao năm qua, tấm thân lưu lạc, tuy đã có chồng nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc chứ không do tình yêu thương, vì thế con đã trở lại cuộc sống độc thân, cam chịu cảnh cô đơn từ đó cho đến nay. Trải qua mấy chục năm xa cách, hôm nay con mới gặp lại anh Trần Minh Tâm là người đã thật lòng yêu thương con từ khi con mới mười lăm tuổi. Âu cũng là duyên số Trời định. Kể từ hôm nay con quyết định cùng anh Trần Minh Tâm kết nghĩa vợ chồng, sống hòa thuận, trung thành với nhau trọn đời... Xin vong hồn má và ông bà tổ tiên chứng giám cho con. Con cũng sẽ điện thoại báo cáo việc này cho ba biết...
Mỹ Linh vừa khấn xong thì Tâm ôm nàng vào lòng và tặng cho nàng nụ hôn mà chàng mơ ước từ mấy chục năm nay. Quá cảm động và sung sướng, Mỹ Linh đã bật khóc. Sau đó nàng đã gọi điện thoại về Việt Nam nói chuyện với ba.
- Anh sẽ thu xếp công việc để chúng mình về Việt Nam thăm ba và trình diện với họ hàng. Em nghĩ sao?
- Em đã có ý định đó từ lâu nhưng vì công việc bề bộn quá nên chưa thực hiện được. Nhân dịp này chúng ta sẽ cùng nhau về thăm ba. Chắc ba mừng lắm.
- Em có muốn về ở chung với anh không?
- Theo em nghĩ, anh nên về ở với em. Dù sao em cũng đã có cơ sở làm ăn tốt và nhà cửa đầy đủ tiện nghi... Em có thể săn sóc cho anh...
- Em nghĩ thế cũng được.
- Điều quan trọng là tấm lòng của chúng ta đối với nhau, ngoại trừ thủ tục pháp lý phải làm giấy kết hôn, mọi chuyện khác đều không cần thiết.
- Em nói đúng. Anh cũng nghĩ như vậy.
Bên ngoài, trời vẫn mưa, cơn mưa không dứt. Mỹ Linh và Tâm ngồi vào bàn bắt đầu bữa tiệc cưới hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Cầu mong từ nay mọi điều ngang trái sẽ không bao giờ xảy đến, để cho hai người không còn phải sống xa cách nữa. Mưa đã tạo điều kiện cho họ được hoàn toàn tự do, biệt lập sống với nhau những ngày ý nghĩa nhất, lý thú nhất trong cuộc đời. Căn nhà ấm cúng đã ấp ủ, che chở cho hai tâm hồn đang tìm đến với nhau, cùng chia sẻ những kỷ niệm vui buồn, đền bù cho nhau sau chuỗi ngày cô đơn, đau khổ.
Nguyễn Lý Tưởng
( Trích tập truyện ngắn Đàn Bướm Lạ Trong Vườn - Nguyễn Lý Tưởng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét