Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

Ra Bắc để đi H.O. - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

         Ra Bắc để đi H.O.

       Qua Mỹ năm 1993, sau khi ổn định mọi thứ, năm hết Tết đến, gã bê túi giấy dầu kín như hủ nút tới nhà tôi. Gã móc điếu 3 số 5 có cán Made in Singapore thở ra khói, rồi tậm tịt này kia, kia nọ… Nghe thủng rồi, tôi nghĩ vụng nhập thế tục bất khả vô văn tự, chẳng hay ho cũng húng hắng một vài. Nhưng khi viết thành truyện, tôi phải hành ngôn hành tỏi, ‘’phụ đề Việt ngữ’’, vặn chữ véo câu để bài bút ký có hồn có vía một chút. 


       Số là gã bị bắt năm 74, theo Đòan tù binh 76 ra Bắc, về lại trại cải tạo Ái Tử-Bình Điền. Năm ngày chày tháng cũng được thả, gã đang nín thở qua sông với cơm độn mì sợi, canh rau muống “toàn quốc” nấu với bột ngọt, thì có chương trình H.O. 

       Thế là gã chạy đôn chạy đáo hỏi han thủ tục giấy tờ. Láo ngáo thế nào tới đường Nguyễn Du có “ông thầy” lò dò như cò ăn đêm đến nhỏ to. Cứ theo thầy thì gã là tù binh phải ra Hà Nội tới Bộ Nội Vụ mới xong. Vé tàu hỏa đã có thầy lo, sau gã mới té ngửa ra giá vé đắt gấp rưỡi. Gã còn phải…‘’chà đồ nhôm’’ để điếu đóm ở Hà Nội nữa, vì vậy mục ăn uống dọc đường, gã thủ trong cái túi dết dăm đòn bánh tét. 


       Nghe chui qua tai bò ra miệng, tôi hỏi ông thầy của gã ắt là…cò vé xe. Nhưng thời buổi ấy chắc gì đã có cò vé xe, cò mua bán nhà đất. Ấy thế mà gã vẫn bơ ngơ và tiếp:

       Thò đầu vào toa tàu đã có bốn trự: ba khứa thương hồ người Nam, một Việt kiều Tàu Chợ Lớn, bà già người Bắc. Trong toa thường là ghế gỗ, đang rách như xơ mướp lại thửa cái vé couchette, gã lậu bậu: thầy’’. Thầy lo cái vé couchette đắt gấp rưỡi là vậy. Tàu rời ga Hòa Hưng, Xóm Thơm Gò Vấp, đến Bình Triệu. Qua cầu Bình Lợi, chạy dài từ cây số 6 trên QL 1 đến cây số 18 là trại…’’ri cư’’ Hố Nai. Gã nhòm nháo nhác chả thấy giáo xứ Bùi Chu của gã đâu. Gã nuốt nước bọt ừng ực hóng mắt tìm quán thịt chó ở xã Bùi Thiện cũng thuộc Bùi Chu. Quán chìm khuất trong dẫy nhà xa xa. Đến tao đoạn này, năm thỉnh mười thỏang tôi căng tai nghe kỹ mới biết gã nói ngọng…”l” thành ”n”’, nhưng ít thôi.  


       Trên đường ra Bắc, tới mũi Kê Gà, gã gọ gạy đã… ”kê” lại còn… ”gà” nữa thì con tàu gà gưỡng tới Phan Thiết vừa lúc trời tối. Quang cảnh mua bán dưới sân ga nhộn nhịp với những chiếc đèn xách tay treo lủng lẳng trên gánh cơm. Các đèn con lau lắt đây đó theo chân các bà bán cá khô, mực nướng. Khi không cái đầu gã lụi đụi nếu có la de 33 nhậu với... mực nướng thì hay biết mấy. Tôi búi bấn nếu là chai la de Con Cọp còn hay hớm hơn nhiều. Miệng nói mắt tôi ve vé về cái túi giấy dầu kia, ra cái điều ‘’Ực đi ông’’. 

      Vậy mà gã vẫn ngẫn ngẫn dón chuyện tiếp…

      Tàu lướt qua Bình Định... đến ga Quảng Ngãi tên là ga Gà. Lại là gà nữa nên ông Tàu Chợ Lớn kêu cho ba khứa người Nam gà giò luộc chấm muối ớt, xé ăn với xôi. Gã đứng hấm húi ở cửa sổ bóc bánh tét ra… sơi. Bà già người Bắc đến ba điều bốn chuyện với gã, bà vào Sài Gòn thăm họ hàng hang hốc di cư năm 54. Ăn chay nói dối không bằng ăn mặn nói ngay, gã ngay tình ra Hà Nội để chạy giấy tờ đi Mỹ. Vừa nói chuyện gã vừa nhệu nhạo nuốt. Bà nói coi chừng bị nghẹn. Gã tình thực vì sợ bánh tét nó lôi… hàm răng giả ra. Nghe rồi, bà người Hà Nội mua cho gã nguyên một bịch khoai luộc.

       Đến nước nôi này tôi ngẫm nguội gã có bịa chăng? Vì năm này là năm Quý Dậu, đụng đâu cũng thấy gà, hết mũi Kê Gà, đến ga Gà, tới gà giò luộc chấm muối ớt


       Tàu đổ dốc đèo Hải Vân... 

       Ông Tàu Việt kiều chỉ xuống chân đèo nói ông từng đóng quân ở đây. Gã hỏi ông trước 75 ở đơn vị nào vì gã cũng ở Vùng 1 chiến thuật. Ông "chi hồ giả dã" về Sư đoàn 1, sau khi nhận họ hàng láng giềng láng tỏi rồi... ông Tàu Việt Kiều… “chiêu đãi” gã bún bò Huế. Ăn bún bò Huế theo gã chỉ tới... Đà Nẵng là hết đất. 

       Qua Quảng Trị của một thời chinh chiến, được thể gã… “thuyết minh”:

       Gã bị bắt ở Quảng Trị năm năm 1974. Buồn môi ngứa miệng gã hỏi ông Tàu khi ấy ở đâu? Ông Tàu ngay đơ khi này ông đang đi phép ở Chợ Lớn vì vậy mới đi Mỹ để làm Việt kiều được chứ. Vậy mà cái đầu đất của gã nghĩ không ra.                                                                                                                                                                                                                 

      Tàu lụi đụi bò lên đèo Ngang...

      Đến Quảng Bình, gã nhành mồm ra rằng thành phố xem như nát bấy vì bị B52 rải nát, nhìn thành phố đủ biết nơi đây đã… ‘’tiếp thu’’ biết bao nhiêu tấn bom đạn.

      Con tàu tiếp tục chạy tới Vinh... Ngừng lại ở sân ga, gã đắng đãi dòm thấy mọi người trong ga đều mặc quần áo bộ đội màu xanh lá chuối, đội nón cối cũng màu xanh èo uột. Vì vậy gã nghĩ ai cũng là bộ đội. Mà sao bộ đội đông như… quân Nguyên vậy. Gã láo ngáo với bà già Hà Nội nhẽ này, bà cho biết người dân ở đây chỉ mặc đồ giống nhau thôi, vì họ không có quần áo nào khác. 

      Tàu ngừng ở ga Thanh Hóa, gã hoắng lên năm 77, sau khi Đòan 76 tù binh làm xong công tác thủy lợi ở Thanh Hóa. Gã được về lại miền Nam, gã ngồi như con gọng vó trong toa hàng hóa nhòm ra ga Thanh Hóa thấy háo hức sao ấy.


       ***   

       Tàu hỏa hục hặc bò vào ga Hàng Cỏ.

       Đến đây tôi nhớ năm 1954, nhà tôi ở đường Hàng Lọng gần ga Hàng Cỏ mà có thấy… cỏ hồi nào đâu. Nhưng ga này, ga nọ nào có phải chuyện của tôi.

       Xuống sân ga, ông Tàu Việt kiều dẫn gã tới gặp tay trưởng toa để gửi gấm. Ông dặn dò tay trưởng toa lo toan chỗ ăn, khách sạn cho gã để lo giấy tờ. Tay trưởng toa gật đầu nói… ”Nhất trí” và đưa ông mớ hoá đơn hàng hoá. Trước khi lên xe, ông Tàu nói với gã: “Ông thầy qua Mỹ đừng ăn khoai nữa”.       

       Tôi nặn óc nghĩ không ra gã có nói chuyện ngô khoai với ông Tàu hồi nào đâu?


       Đột nhiên có “khứa nón cối” không biết từ lỗ nẻ nào chui lên đưa ba anh người Nam ra ngòai sân ga. Ở sân ga mới sáng sớm trước quầy bán vé đã chật ních người. Bởi gã nghe chuyện nhiều bà ra Bắc thăm nuôi chồng, không mua được vé về Nam phải đợi cả tuần, phải ngủ… “nhà khách”. Thế nên gặp được tay trưởng toa, gã nghĩ vụng số mình được quý nhân phù trợ. Gã hòm hõm đến nơi ăn chốn ở sắp tới là khách sạn cao cấp, món ăn Hà Nội như bún chả, bún ốc chẳng hạn. 

       Gã nháo nhác thấy khứa nón cối dẫn ba anh người Nam ra ngoài đường. Gã lẽo đẽo theo để kiếm xe xích lô. Ga tấp nập dân buôn bán chui. Những người mua bán quần áo, vai vác bao tải to kềnh, trông như một cảnh chợ trời sau 30-4 tại Sài Gòn. Các cô, các bà thấy anh người Nam mặc áo jacket liền gạ mua. Một cô, mồm dẻo quẹo: “Anh giai bán... con két này cho em gái nhá”. Cô ta trả giá 10 đồng tiền ông Hồ. Một bà có hàm răng đen kịt, lớn tiếng: “Ối giời, chỉ có quân ăn cướp ngày mới trả cái giá đó. Tôi giả 20 đồng đấy, cậu bán cho tôi nhá”. Cô nọ liếc xéo bà kia: “Tôi tăng 30 đồng, mụ già nhà quê Quảng Ninh có theo nổi không thì bảo”.

       Đến đây, tôi gặp lại gã …”l” thành ”n” qua bà già răng đen này đây.

       Bà cười tũn: “Tao giả 40 đồng đấy, con... lặc lô Hà Tĩnh có ý kiến, ý kéo gì không”.


       Ba anh người Nam tắp vào xe phở. Một anh người Nam làm một hơi: “Cho ba tô nhiều bánh, nhiều thịt, nước trong, giá chụng, tương đen, tương đỏ”. Cô…‘’phở mắng cháo chửi’’: “Đây chỉ có phở chín. Rõ chửa?” Anh Sài Gòn nghe giọng Hà Nội hôm nay pha giọng Nghệ Tĩnh với chữ cuối của câu nói cất cao lên như…’’máy bay lên thẳng’’ nghe chói tai sao ấy, anh xuống nước: “Gõ gồi”. Anh khác kêu: “Cho chai bia”. Cô đứng cạnh ngúng ngoẳng: “Chỉ có bia bốc thôi”. Anh này ngớ ra vì bia chi kỳ cục dzậy, không lẽ lấy năm ngón tay bốc bia… uống. Bèn hỏi. Và được trả lời: “Bia… bốc ở cái vại bia kia kìa, nỡm vừa chứ”. Thấy gã đứng không nên ngứa mắt, cô phay vào mặt gã một nhát: “Nhìn gì vậy”. Câu hỏi khiến gã vật vã với chuyện bạn tù gã được thả từ dẫy Hòang Liên Sơn về ga Hàng Cỏ, bị nhốt một chỗ, đi tiểu phải xin phép quản giáo. Gã ấp a ấp úng: “Tìm… tìm chỗ đi đái”. Thế là cô ta lồng lộn lên: “Này… này bà báo đời cho mày biết nhá. Mày đừng để bà lộn tiết lên ấy nhá. Tiên sư bố nhà mày nhá. Xéo”

       

        Đến đây, tôi ăn vẹt ở mòn qua ký giả Nguyễn Tú và ông Thanh Tâm Tuyền, ra tù cải tạo, cũng ghé nơi chốn này… “liên hệ” tới phở:

        “…Mấy toa tàu cũ kỹ lắc lư chở hơn bốn mươi người được tha từ ga Ấm Thượng về đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Thanh Tâm Tuyền thường ngày thong thả chậm chạp, giờ đi như chạy. Tấp vào một quán phở bên kia đường để thưởng thức tô phở Bắc chính hiệu. Thế là nhất. Mấy năm đói khát thèm ăn, tô phở làm chúng tôi thất vọng đã đành mà ông chủ quán, thuộc loại bộ đội giải ngũ, trong bộ đồ lính cũ, lại càng làm cho tôi phát ngấy. “Phở ở đây mới là phở. Trong Nam các anh nàm sao sánh được”. Tô phở…”không người lái” phất phơ hai lát thịt nhỏ, mỏng dính. Nước dùng bột ngọt đậm chát. “Phét. Chúng mày lấy đâu ra thịt. Bố khỉ”, tôi chửi thầm. Tôi bụng thầm bảo dạ “Ông đói dài mấy năm còn chả thấy ngon huống hồ... chỉ là phở mì chính (bột ngọt)”. Bác Nguyễn Tuân ơi, chúng bán phở Bắc như thế này là chúng nó làm nhục bác rồi…”


       ***

       Ra đến đường, gã hãi quá thể vì một dàn xich lô trước mặt như tăng T54 dàn ngang sắp sửa “xung phong”… đánh chiếm mục tiêu là gã. Hãi quá thể, gã tay che mớ cồm cộm, mắt đảo tít như lạc rang tìm chuồng xí để buộc lại cọc tiền dấu trong bụng. Thì ở lề đường, dường như bà già Hà Nội đang chờ gã thì phải? Thấy gã đi tới, bà hỏi gã đi đâu, gã tất tật “bộ nội vụ” gì ấy. Bà lom lom tờ giấy gã cầm trong tay và đọc: “Số 6 phố Hàng Bài, Hà Nội”. Đọc xong bà la toáng lên: “Bộ tịch gì. Đó là đồn công an ở trước ngõ nhà tôi”. Gã thưa gửi với bà sẽ… “hợp đồng” xe xích lô để hai người đi chung. Bà mắng gã te tát: “Giời ạ! Cậu đừng dở người”. 

       

       Xe tới trước cổng “bộ nội vụ” bà gọi vọng vào: “Tư ơi, có khách Sài Gòn ra làm việc”. Ông Tư đi ra xem… “đối tượng” có… “chất lượng” không, rồi đi vào trong một lát. Lát sau đưa gã vào phòng gặp xếp để… “xử lý”. Gã đồ chừng đây là xếp lớn vì trước mặt xếp có cả cây thuốc lá 3 số 5. Xếp dậy đưa hồ sơ cho xếp… ”hội ý”. Mươi giây sau, xếp ngước mặt lên: “Nhà anh những năm người, tiền bạc đã đầy đủ chưa”. Gã lôi trong bụng ra gói tiền. Xếp dậy thêm: “Gia đình anh đi H.O. 6, nếu anh đưa thêm chút ít nữa để bồi dưỡng, chúng tôi sẽ nâng cấp để đi H.O. 4”. Gã đưa xếp tiền và giữ lại ít tiền lẻ, gã thật thà như đếm nói để mua vé tàu hỏa. Xếp hỏi vậy chứ tiền đâu ăn uống khi về. Gã từ từ khoai cũng nhừ cầm cái túi dết để lên bàn bày hàng bịch khoai luộc. Thêm một lần, gã có sao nói vậy với xếp, trước kia trong trại cải tạo, vì thuổng khoai mì để… “bồi dưỡng” cho cái bụng lép kẹp nên bị người anh em bộ đội quại nguyên báng súng AK. Thế là mất bu nó hàm răng nên bà vừa rồi mua khoai luộc này cho gã là vậy.

      Xếp nhíu mày như có gì suy nghĩ lung lắm rồi gật gật đầu… Tiếp, đóng dấu son đỏ chót cạch cạch lên giấy tờ và đưa cho gã. Xếp đứng lên bắt tay gã và nói ít nữa "bộ nội vụ" sẽ… tư giấy tờ vào Nam và chúc gia đình gã thượng lộ bình an. Tiện tay xếp đẩy cho gã bao thuốc 3 số 5 đang hút dở dang. Ra cửa, bà già Hà Nội còn ngong ngóng đứng đợi gã. Gặp bà, gã báo tin vui, gã cho bà hay chiều mai về lại Sài Gòn.


      Đến nước nôi này, tôi thầm nhủ chuyện từ H.O. 6 đôn lên H.O. 4 nghe cứ như bịa. Ấy là chưa kể “bộ nội vụ” mà chả có thư ký, thư kéo gì cả, lại càng không… thật hơn. Vì vậy tôi ngồi đành ngồi đồng nghe gã hươu tiếp…

       Y như rằng, sau đấy gã vẽ chuyện tắm nước nóng ở Hà Nội.

       Về đến ga Hàng Cỏ gặp tay trưởng toa đang chỉ trỏ khứa nón cối xếp đồ với ba anh thương hồ người Nam. Hắn chỉ cái giường như cái “băng ca” treo trên vách toa và nói tối nay gã ngủ ở đây. Đau chân há miệng… trong đầu, thế là đi tướt mục ở khách sạn cao cấp. Thấy mặt gã bẹt ra như bánh xe xì lốp, hắn bắt địa gã và nói hay là gã đưa khứa nón cối ít tiền mua rượu, thửa ít mồi về nhà hắn đánh chén rồi… thăng. 


      Bước xuống sân ga, khứa nón cối nhẩy phóc lên cái xe ở cạnh cửa toa. Trời cao đất dày ơi, xe cải tiến, xe trâu, gã đã nhẵn mặt. Cái xe đây i xì xe ba gác bánh cao su ở Sài Gòn, chỉ khác một nhẽ cái xe này thô và nặng nề hơn. Bánh xe lại niền sắt nên ngồi lúi húi trong xe như cái hòm một thước hai thước, gã nghe tiếng bánh xe “lọc cọc” trên đường phố Hà Nội ngập ổ gà, nên xem mặt đặt tên gã gọi đại là… xe “lùm lùm“.

       Khứa nón cối è cổ đạp, ngồi thọt lỏn trong xe, vì là kẻ chi tiền, gã nói với hắn cho gã … ”tham quan” chợ Đồng Xuân sơi ăn bún ốc, bún chả. Đến chợ, nỗi buồn chạm mặt là đụng đầu…đầu con chó luộc đang… nhe răng cười với gã như gặp lại cố nhân. Ở chợ, hắn chả chịu vén môi một tiếng, mua đồ ăn thức uống, khứa chỉ trỏ như… chỉ vào hàng cơm chỉ. Tiếp đến bắt chai đế Văn Điển rồi đi về, quên béng bún chả, bún ốc của gã

       Tôi đần đù được uống đế Văn Điển đặc sản ở… nghĩa địa Văn Điển thì ngon quên chết chứ còn gì nữa. 


       Đến đây gã nhớ ở ga Vinh, mọi người đều mặc quân phục bộ đội, theo bà già Hà Nội vì họ không có quần áo nào khác. Nên gã cho là khứa nón cối đây chỉ là người ta như… người thường vậy thôi. Mua bán xong khứa lúi cúi đạp xe về nhà tay trưởng toa.

       Gã hình dung nhà tay trưởng toa là căn hộ mà trong sách báo chùa, báo chợ tả cảnh như cái chuồng cu vách ngăn bằng…phên liếp hay cót ép, quần đùi, xi líp treo lủng lẳng. Thế nhưng không, trong nhà… “nổi cộm” nguyên dàn máy stereo hiện đại, TV made in USA, tay trưởng toa ắt là làm ăn khẩm với ông Tàu Việt kiều chăng. 


       Chợt nhớ ra từ lúc lên tàu đến giờ chỉ tắm khô búng ghét, gã nao nuốt muốn được “tẩy trần”, tay trưởng toa chỉ cái bể nước ngoài vườn có cái gáo. Chả hiểu nghĩ sao tay trưởng toa ùm lên với cái rét thế này thì…

       Thì tay trưởng toa bảo khứa nón cối đưa gã ra phố chợ tắm nước nóng.

       Nhà tắm thấp tè, vách đất, lợp giấy dầu. Trên vách, viết nguệch ngoạc ba chữ bằng vôi trắng: ‘’Tắm nước nóng trả trước’’. Trước sau gì gã cũng phải chui vào, đóng cửa lại, nước trong hai cái vò sành. Gã súc miệng, nước quá lạnh, buốt thấu răng… răng giả. Gã mở hé cửa, thò đầu ra, nhe răng nói với chị bán vé. Chị ta bài bản, như quá quen với… “sự cố” này: “Bữa lay, dều khách tắm quá, đến nượt nhà bác lước lóng hết đột xuất. Nhà bác… “khắc phục” tắm lước nạnh hộ em nhá, nhá bác”.      

       

      Thịt chó mỗi món luộc, không rau cỏ, mùi tanh tanh sao ấy. Bỗng dàn máy hiện đại chui ra nhạc vàng của miền Nam nghe đã chi đâu. Thế là gã móc bao thuốc 3 số 5 quăng ra bàn như tay chơi cầu ba cẳng trong Chợ Lớn. Mọi người đều “ồ” lên, nâng cốc Văn Điển mà họ gọi là rượu trắng và hít thuốc thả phanh. Bây giờ cóc mới mở miệng, khứa nón cối hỏi thuốc lá ngoại có cán gã mua hồi nào khứa không hay? Gã cười lăn tăn mà rằng xếp lớn ở sở ngoại vụ… “thông cảm” cho bao thuốc vì xếp lớn nghe gã tả oán ăn khoai mòn răng trong trại cải tạo. Khứa nón cối hỏi rất có… “cơ sở văn hóa cao” ăn khoai có ngon sơi chăng? Gã ngay đơ rất… ”cơ bản” ăn khoai từ trong trại cải tạo bảy tám năm nên thấy khoai hãi lắm. 

       Khứa nói như nghẹt mũi, nhiều tiếng Trung, gã ngộ ra khứa đây… người Quảng.


        Tôi thấy gã ra Hà Nội hai ngày kể chuyện đâu đâu! Trong khi ông phóng viên Phạm Huấn tới đây chỉ một ngày…

       “…Hà Nội đã không còn là Hà Nội nữa. Nước hồ vẫn xanh. Tháp Rùa vẫn màu vôi cũ kỹ. Nhưng tất cả vẻ đẹp của Hà Nội, màu sắc của Hà Nội đã mất hết. Hà Nội kể từ 1954 đến giờ, những thiếu nữ yêu kiều, thướt tha của Hà Nội xưa, đã biến hết, chỉ còn lại mấy cô nữ cán bộ mặc đồng phục màu xám nhạt, hoặc những nữ công nhân quần đen bạc, áo cháo lòng. Trên ghế đá cạnh hồ Hoàn Kiếm không có ai ngồi…”.


       Tôi gãi ngứa gã, tới Hà Nội mà không ăn chả cá Lã Vọng ở 17 phố Hàng Sơn với cá lăng, hay bánh tôm Cổ Ngư giòn rụm ở Hồ Tây, là gã… chết khi còn đang sống. 

       Thế là gã vật lên chuyện…

       Xế chiều, tay trưởng toa đến nói bị… thổ tả nên bảo khứa bao gã đi ăn. Khứa sì sầm với tay trưởng toa… ”sự cố” gì ấy. Tay trưởng toa đưa khứa một mớ tiền. 

       Vào quán, bị tù cải tạo đã quen nếp, gã… “thành khẩn khai báo“ sơi phở “không người lái” không thịt, nước dùng mì chính, ngán quá rồi. Ăn cháo hoa tức cháo trắng Bắc kỳ với đường thẻ ngon cơm hơn. Khứa nói dị òm chi lạ. Gã mô tê răng rứa một hồi, lát sau bà chủ quán mang ra hai tô mì sợi vàng ệch và hai chung rượu đế Hồng Đào thổ sản Quảng Nam. Với nỗi niềm cố cựu của gã là bánh tráng mè nướng giòn rụm nên răng gã… chê. Nhưng đế Quảng Nam thì gã nhậu tới bến. Khứa hỏi Ngon hí”. Tiếp, khứa ới một bao 3 số năm và hành ngôn hành tỏi hút thơm râu cho những ngày chinh chiến. Gã mắt tròn dấu hỏi. Khứa tâm sự vụn: “Anh và tôi quen biết gần ba chục năm”. Trong khói thuốc mù mịt như… lựu đạn khói, khứa bật rật, gã là bộ binh ở Quảng Trị, khứa là bộ đội ở Quảng Nam, không… đánh nhau vỡ đầu sứt trán là may lắm rồi. 


       Nghe quái, tôi nho táo… ”cấm giả lịnh giả thị’’, là ai cấm người mang bị nói khoác, vì vậy tôi huyếch nếu gã có sao kể vậy, tôi sẽ viết truyện của gã như… thật. 

       Nghe rồi, gã ậm ừ: Ừ có sao kể vậy…

       Về lại ga Hàng Cỏ, gã và khứa người Quảng ngồi ở cạnh cửa toa, ghếch chân lên chiếc xe lùm lùm ngất ngư con tàu đi với chuyện một thời chinh chiến: khứa là bộ đội ở Quảng Nam, gã là bộ binh ở Quảng Trị thì… úynh nhau ở cái khổ nào. 

       Trong khi ấy, tôi lang thang với chữ nghĩa của ông nhà văn Hà Nội viết truyện đi B: 

       “…Tôi nhớ Tết năm 1974, tại một đỉnh đèo trên Trường Sơn, tôi thấy một anh lính lái xe trong đơn vị, quăng xuống cái bi đông nước rồi nhảy xuống đường, chửi đùa: Mẹ kiếp, thằng miền Bắc cứ ở ngoài Bắc, thằng miền Nam cứ ở trong Nam, đánh nhau làm chó gì cho bố mày khổ thế này...".


       Tôi đắng đót với gã ngẫu sự trên, vẫn cái tật ngẫn ngẫn, bơ ngơ… 

       Gã không trả lời, đứng dậy nói chạy ra ngòai một lát. Lát sau còi tàu hỏa hú lên tu tu rục rịch chuyển bánh vừa lúc khứa về. Khứa mang về một túi giấy nhét vội vào túi dết của gã, và nói quà phương xa. Gã cũng vội vàng nhẩy lên tàu.

       Tàu rời ga Hàng Cỏ, các ga lần lượt mất hút ở đằng sau... Gã ngủ gà ngủ vịt trên ghế gỗ tàu hỏa về đến Quảng Nam hồi nào không hay. Khi không gã nhớ tới món quà và lôi ra: Trong đó có chai đế Hồng Đào, thổ sản Quảng Nam,một cây thuốc lá Made in Singapore. Gã bóc một bao thuốc, làm một điếu…

       Gã lơ đãng dòm ra ngoài, va vào mắt là một gánh mì Quảng với hai cái nồi đất nung… Gã không thấy tô mì sợi vàng ệch hay bánh tráng mè nướng giòn rụm. Bỗng không đâu trong ngõ ngách thâm u của tâm khảm chúng bảo nhau lũ lượt chui ra câu đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say


       ***

       Năm hết Tết đến, tới khi này gã mới bê túi giấy dầu kín như hủ nút tới nhà tôi…


                                         Thạch trúc thảo lư

                                              Quý Dậu 1993

                                       Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                             (thêm bớt 2024)   

                           

Nguồn: Nguyễn Tường Thiết, Đỗ Văn Minh, Phan Xuân Sinh, Hùng Biên, Cam Thảo

Nguyễn Thị Thanh Dương, Bích Huyền, Kim Thanh, Nhật Tuấn, Phạm Thị Hòai











Không có nhận xét nào: